Monday, April 14, 2014

THANH NIÊN TỰ NÓ CÓ CÁI CHÍ HƯỚNG TUNG THẲNG TRỜI XANH

Tiến Sỹ Phạm Trọng Chánh - Những năm 1980, nhà thơ Huy Cận thường sang Paris, mỗi năm ba bốn lần. Ông được Tổng thống Pháp François Mitterand mời vào Hội đồng Tối cao Pháp ngữ. Ông còn là một nhân vật trong Hội đồng Cố vấn Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa, kiêm Bộ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam. Có lẽ xưa nay Việt Nam chưa có một nhân vật chính trị nào có uy tín quốc tế về văn hóa như ông, và ông giữ chức Bộ trưởng, Thứ trưởng từ Canh nông đến Văn hóa hơn 40 năm. Từ năm 25 tuổi, ông là kỹ sư Canh Nông ngành nuôi ong, nhưng đã là một thi sĩ nổi tiếng từ năm 17 tuổi. Ông là vị Bộ trưởng trẻ nhất, mới 25 tuổi. Năm 1945, ông là một trong ba người phái đoàn chính phủ Việt Minh nhận ấn kiếm thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại.
Mỗi lần ông sang Paris, ông được ở những khách sạn 5 sao, những cơ sở sứ quán. Có lẽ chán với những lễ nghi tiếp đón quá trịnh trọng, mỗi lần xong việc quan là ông điện thoại cho tôi hay cho anh Đặng Tiến, hai người bạn tri kỷ tri âm của ông để được sống một đời sống bình thường, một thi sĩ giữa lòng Paris. Ông thích tôi đưa ông dạo Paris, đến ở nhà tôi như một người dân thường, ông thích đi dọc bờ sông Seine mùa thu lá vàng bay, đi thăm các lâu đài, các công viên, các viện bảo tàng hay lặn lội trong các chợ trời tìm một món quà cho người thân, đi thăm các nhà văn Pháp hay đi rong chơi trong các hiệu sách, ông thích nhất là các bộ sách Pléiade của nhà xuất bản Gallimard, in toàn tập từng tác giả danh tiếng thế giới, món quà ông thích nhất là sách Pléiade. Ông thích nói chuyện với tôi đủ mọi vấn đề, từ đất nước đến văn hóa, từ chuyện thời Tự Lực Văn Đoàn đến chuyện ngày nay và dĩ nhiên cả chuyện gia đình. Tôi nói chuyện với ông hằng giờ mà không biết chán, tôi có cảm tưởng ở Việt Nam ông không có nhiều bạn để tâm sự, ông đã chán chung quanh đầy những người ngồi đồng một ý nghe diễn văn của ông, ông chán cuộc sống đầy nghi thức phải giữ miếng, phải báo cáo, ông thích sống cuộc sống tự nhiên, có gì nói nấy, chân thật và giản dị và tôi là người ông trút hết bầu tâm sự, những gì ông không thể nói được. Năm1981 Xuân Diệu sang Paris ông gửi Xuân Diệu cho tôi đưa đi chơi trong một tháng. Và những ngày cuối cùng ông Xuân Diệu đã ký thác cho tôi toàn thể di cảo của ông để tôi soạn Tự Điển Tình Yêu bằng thơ tình Xuân Diệu, đó là ước vọng tha thiết nhất của ông. Nhất là ông có nhiều bài thơ đau đớn về cuộc tình tan vỡ của ông và bà Bạch Diệp, phải ba mươi năm sau mới công bố được. Và tôi đã giữ đúng lời hứa năm 2011 tôi đã hoàn thành và xuất bản tại Paris quyển Tự Điển Tình Yêu bằng thơ tình Xuân Diệu.
Mỗi lần ông Huy Cận sang Paris thường mang tặng sách cho tôi, sách mới xuất bản của Xuân Diệu, Huy Cận; có những tập thơ cũ ông còn một bản ông cũng giao cho tôi và ghi bằng viết chì: “Thơ Huy Cận nhờ anh Chánh giữ hộ”. Những tập thơ của ông tôi có, ông cẩn thận lấy sửa lại từng lỗi nhà in đã in sai.
Ông Huy Cận thích gặp tôi có lẽ vì, có nhiều chuyện tôi không đồng ý với ông và thích cãi lại ông. Lần đầu tiên gặp ông, tôi tặng ông bài thơ: “Bên các vị La Hán chùa Tây Phương, đáp lời thơ Huy Cận”. Trong bài thơ danh tiếng của ông, ông cho rằng:
Một câu hỏi lớn không lời đáp,
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Đạo Phật không đáp được câu hỏi lớn trong đời là khổ nên ngàn năm các pho tượng La Hán chùa Tây Phương vẫn chau mày. Và phải đợi đến:
Hôm nay xã hội đã lên đường,
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại,
Xua cả hoàng hôn tản khói sương.
Tôi đặt lại ông câu hỏi:
Câu hỏi nào câu hỏi ngàn năm?
Câu trả lời nào đứng vững trăm năm?
Câu trả lời “Xã hội đã lên đường” chỉ tồn tại được 70 năm từ 1917, không đứng vững được đến trăm năm. Bài thơ ấy tôi viết năm 1978, mười năm trước khi Đông Âu sụp đổ.
Và tôi có cho ông xem tập thơ “Nhục nước đói nghèo”.
Xưa nhục nhã làm dân mất nước,
Nay nhục làm dân nước đói nghèo.
Ông đồng ý, nhục của nước mình ngày nay là nhục còn nghèo đói. Biết tôi là người thích nói sự thật mỗi lần gặp tôi, ông thường hỏi ý kiến về những vấn đề trong nước. Ông thừa biết rằng ở địa vị cao thường khó biết dư luận vì cấp dưới thường báo cáo những gì tốt đẹp và che giấu những sự thật.
Nhiều lần đến chơi nhà tôi, ông cùng đi với Hà Vũ. Lúc ấy Hà Vũ mới làm luận văn Cao học Văn chương về Stendal. Khi tâm sự chuyện gia đình, ông bảo Hà Vũ hay cãi bố. Hà Vũ không chịu vào Đảng. Giá như Hà Vũ nghe lời ông, ông thu xếp mọi việc, con đường thăng quan tiến chức sẽ dễ dàng. Học xong Hà Vũ sẽ nối nghiệp bố trở thành một nhà hoạt động quốc tế Văn hóa Ngoại giao, trở thành Đại sứ Việt Nam tại Unesco, hay Khối Pháp ngữ. Hà Vũ xong Cao học, không theo con đường văn chương mà chuyển hướng làm luận án Tiến sĩ về Luật Hiến Pháp.
Tôi cười đọc cho ông Huy Cận hai câu thơ của Thiền sư Quảng Nghiêm đời Lý:
Thanh niên tự hữu xung thiên chí,
Bất hướng Như Lai hành xứ hành.
Tuổi thanh niên tự nó có cái chí xông thẳng trời xanh,
Không cần phải theo con đường của Đức Phật Thích Ca.
Một Thiền sư thời Phật giáo thịnh trị nhất mà dám bảo: “Thanh niên tự nó có cái chí hướng tốt tung thẳng trời xanh, không cần phải đi theo Đức Phật Thích Ca” thì quả thật là chuyện động trời như ngày nay chúng ta nói: “Thanh niên tự nó có cái chí tung thẳng trời xanh, không cần phải đi theo con đường Cụ Hồ”. Không ai gọi Thiền sư Quảng Nghiêm là phản bội Phật giáo, ma quỷ xúi giục, mà trái lại xem Thiền sư là bậc đạt đạo, hiểu Phật giáo, theo ngón tay chỉ mặt trăng mà không chấp ngón tay. Hoàn cảnh xã hội thời Đức Phật khác, hoàn cảnh xã hội thời Cụ Hồ khác, thanh niên ngày nay đối diện với cuộc sống, xã hội tiến bộ hoàn toàn khác biệt với cách đây hai ngàn năm, cách đây trăm năm, điều then chốt là vươn lên hấp thụ cái không khí, ánh sáng của trời xanh, đi theo con đường chánh đạo không phải câu nệ: Đức Phật ngày xưa đi khất thực nay ta phải khất thực mỗi ngày như Đức Phật. Cụ Hồ ngày xưa bôn ba hải ngoại sống đạm bạc nay ta cũng đạm bạc như cụ. Thời cụ đấu tranh độc lập, nay ta có độc lập ta phải tiến đến cải cách dân chủ, nâng cao dân trí, chấn hưng công thương nghiệp cho dân giàu nước mạnh, nhân dân hạnh phúc, giải quyết những mâu thuẫn để thống nhất lòng dân, hoà giải dân tộc. Giặc của thời đại ta là sự ngu dốt, đói nghèo, dân trí, quan trí thấp kém. Thanh niên ngày nay đi tìm kiếm một tổ chức xã hội làm nền tảng lâu dài cho sự hưng thịnh đất nước, không nhất thiết phải sao chép chế độ độc đảng của cha ông.
Tôi đánh giá cao sự cãi lại lời bố của Hà Vũ. Điều đáng sợ trong xã hội ngày nay là thái độ thụ động, “đồng một ý là ỳ một đống”. Trẻ con tại Pháp được quá nuông chiều trở nên thụ động, đến mức cô giáo bảo mở quyển tập, lấy cây bút ra cũng loay hoay không biết làm, trở nên trẻ em mù chữ không biết đọc, biết viết. Bộ Giáo Dục Pháp hàng năm phải trả một chi phí rất lớn để giúp hàng trăm ngàn trẻ em bị bệnh thụ động, là mướn một người ngồi cạnh các em, cô bảo lấy vở thì lấy vở ra giùm, lấy cây viết chì thì lấy đúng cây viết chì, không đổ cả đống viết ra bàn rồi loay hoay không biết làm gì, đi học thì mang theo cả 14 ký lô sách vở, cô hỏi loay hoay cả giờ không tìm ra quyển sách nào để học.
Cái đáng sợ của xã hội Việt Nam, là sự ù lỳ, đồng ý, không có ý kiến gì cả, không tranh cãi, ai cãi là bị tù, bị đày đọa, bị giáng chức, làm cho nhiệt khí xã hội bị lụn bại, mà chúng ta xem sự lụn bại là đoàn kết, nhân dân nói một lời, đất nước chỉ có một suy nghĩ ở Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Bao nhiêu vị dân biểu Quốc hội cả đời không nói được một tiếng nói nào, không có một ý kiến xây dựng nào. Bộ máy tuyên truyền chế ra một anh hùng, một mẫu mực là cả xã hội thi đua nhau sao chép lại.
Xã hội như một cái xe không có phanh, thắng, không có người lái xe thay thế, khi lạc đường cũng không có định vị GPS, bản đồ, hay địa bàn để hướng dẫn, một xã hội như thế rất nguy hiểm, dễ dàng đứng trước nguy cơ diệt vong, đứng trước vực thẳm tận cùng của nghèo nàn lạc hậu.
Các nước Tây phương phải trải nghiệm qua những kinh nghiệm đớn đau, mới tiến đến dân chủ. Sau Cách mạng 1789, tại Pháp phe phái này lên thì đưa phe phái khác lên máy chém, các dân biểu ý kiến khác nhau, cãi không xong họ thách nhau ra các cánh rừng bên cạnh Paris để đấu kiếm hay đấu súng, những cuộc đấu một còn một mất. Có lúc điểm danh dân biểu Quốc hội chỉ còn lại phân nửa, phân nửa chết trong các trận đấu, hay trên máy chém. Thế mà các phe phái vẫn lại tiếp tục nảy sinh và cãi nhau. Một cuộc thỏa thuận qua trung gian Hội Tam Điểm quy tụ những lãnh tụ uy tín, đã đi đến chỗ cấm đấu kiếm và đấu súng, dẹp chế độ độc tài với máy chém. Phân chia Quốc hội thành Tả, Hữu tùy theo chỗ ngồi. Dân chủ chính trị lưỡng đảng là một thể chế hoàn hảo nhất của nhân loại ngày nay, nó tránh tình trạng độc tài tham nhũng chế độ độc đảng, nó tránh tình trạng manh mún hàng trăm đảng mà không có đảng nào có thực lực nắm đa số quốc hội. Tam Quyền Phân Lập: độc lập giữa Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp. Tránh tình trạng vừa đá banh vừa là trọng tài. Chính trị lưỡng đảng khi đảng thắng cử họ chỉ thay đổi khoảng từ 300 đến 3000 người lãnh đạo, khác với độc đảng hàng triệu người bị loại khỏi guồng máy quốc gia. Khác với hàng trăm đảng hỗn loạn không tìm ra một gương mặt nào sạch sẽ. Từ giã chế độ độc đảng tránh cho nhân dân tình trạng một cổ hai tròng, mỗi chức vụ hành pháp đều có một ông đảng kế bên, lương bổng phải trả hai lần, hai người cùng làm một nhiệm vụ. Chế độ chính trị lưỡng đảng là một thể chế hào hứng, nhân dân góp phần trực tiếp bầu người lãnh đạo từ Tổng thống, Quốc hội Thượng Viện, Hạ Viện cho đến cơ cấu địa phương làng xã, thành phố.
Ngày nay hội nhập với thế giới, chúng ta không cần mất hai trăm năm để đi đến những kết quả tương tự, mà nên nghiên cứu trực tiếp đi đến một thể chế dân chủ, như chúng ta hội nhập vào thế giới kinh tế thị trường, ngân hàng, hay văn hóa, du lịch.
Một lần trước mặt tôi và bố, khi còn là một thanh niên, Hà Vũ bảo: “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn cái tên, Đảng đã chết.” Ông Huy Cận im lặng nhìn Hà Vũ không nói, có lẽ cha con đã cãi nhau rất nhiều về việc này. Hà Vũ nói đúng, chủ thuyết của Đảng Cộng sản là đấu tranh giai cấp, nay không còn đấu tranh giai cấp, thì phải đổi tên thành đảng Dân chủ Xã hội mới đúng thực tế.
Vai trò và nhiệm vụ lịch sử của Đảng Cộng sản đã xong, nhường lại cho các sử gia viết sử. Hà Vũ nói là làm, anh nhất định không vào Đảng, anh học xong về nước mọi cánh cửa đã đóng trước mặt anh.
Hà Vũ là một cây thông đứng thẳng, anh không chọn lựa con đường còng lưng vào Đảng để được tất cả danh lợi, sau khi xong Tiến sĩ Luật tại Paris về nước, Bộ Ngoại giao nơi anh làm việc trước cũng từ chối anh vì anh không phải là đảng viên. Anh xin ứng cử Đại biểu Quốc hội, để góp phần tiếng nói, con đường cũng bị chận, anh đánh tiếng xin ứng cử làm Bộ trưởng Thông Tin, mọi người cười ngạo, chẳng ai đếm xỉa tới, anh mở văn phòng luật sư, khách hàng tới bị khó khăn, anh không cần đến quyền lực của bố, dù rất đau đớn hai bố con giận nhau những ngày cuối đời. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã tự chọn cho mình một con đường, nói lên lời ngay thẳng của một người được đào tạo từ Đại học Tây phương, từ chuyện đồi Vọng Cảnh ở Huế đến khai thác Bauxite tại Tây Nguyên kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu là một nhà chính trị cao tay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho mời anh đến hỏi ý kiến, mời anh một chức vị cố vấn vu vơ nào đó. Bắt anh trong một khách sạn Sài Gòn với hai bao cao su ngụy tạo để bôi nhọ danh dự anh, và đưa anh ra tòa xử với một tội danh khác 7 năm tù, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nâng anh lên hàng một đối thủ chính trị có tầm vóc. Bản án tù 7 năm là một thử thách rèn luyện ý chí, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã hiên ngang trước tòa án, đã tuyệt thực trong tù, con đường của Hà Vũ đi vào tụ điểm niềm tin của cả dân tộc. Trước dư luận thế giới, anh trở thành một lãnh tụ đối lập tầm vóc cho cục diện Việt Nam trong tương lai. Sau Miến Điện, Việt Nam là nước cuối cùng đang trở dạ chuyển mình để khai sinh một nền dân chủ. Thiên thời, địa lợi và nhân hòa, ba yếu tố đó đã đưa anh vào một điểm tụ mà hiếm có một nhân vật Việt Nam nào từ năm 1945 có được như anh. Đã lâu rồi, như chưa bao giờ có một nhân vật nào cả dân tộc trong và ngoài nước đang hướng về anh, nhìn anh như một hy vọng, với cả niềm thương yêu như chờ đợi một đứa bé sắp chào đời.
Tất cả những tiên đoán Dân chủ Việt Nam sẽ khai sinh khi Đảng Cộng Sản Việt Nam sụp đổ, khi Chính phủ Việt Nam sụp đổ như Đông Âu, điều này sai lầm. Trong hoàn cảnh đất nước trước áp lực Trung Quốc đang bành trướng tham vọng một nền kinh tế thứ hai địa cầu, sự suy yếu của Việt Nam sẽ là một nguy cơ cho dân tộc Việt Nam. Việt Nam sẽ tiến đến dân chủ trong một thế mạnh, sau ba thập niên phát triển kinh tế. Việt Nam cần thiết phải cải tổ hệ thống chính trị của mình. Hệ thống chính trị độc đảng đã lỗi thời, guồng máy khai sinh từ trong chiến tranh không còn thích ứng với hoàn cảnh Hội nhập Kinh tế Toàn cầu. Không chỉ có một Cù Huy Hà Vũ, hay Nguyễn Tiến Trung thao thức cải tổ, mà hàng vạn cựu du học sinh sau bao nhiêu năm du học tại nước ngoài, hàng trăm ngàn trí thức đào tạo trong nước, toàn dân Việt Nam cũng đã thức tỉnh trước sự lạc hậu của hệ thống chính trị Việt Nam. Những nhà chính trị Việt Nam hiện tại đang nắm giữ quyền lực chỉ còn có một lựa chọn là trở nên những bà mụ tốt bụng hiền lành, làm công việc khai sinh một nền dân chủ cho Việt Nam.
Trong lịch sử Việt Nam, từ sự kiện Lê Hoàn nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn nhà Lý, đến những đổi mới năm 1986, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có những sáng kiến thay đổi tài tình, chúng ta hy vọng và đặt hy vọng vào tương lai Việt Nam vào thế hệ trẻ, chí tung thẳng trời xanh của Việt Nam.
Paris, 10-4-2014
Tiến Sỹ Phạm Trọng Chánh

No comments:

Post a Comment