Linh cữu thầy giáo
Đinh Đăng Định đã được gia đình và bạn bè đưa về nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài
Gòn vào lúc 18h30 tối ngày 5/4/2014. (Ảnh: Facebook "Tưởng nhớ Thầy Đinh Đăng Định")
CTV -
Trước lúc qua đời, thầy giáo Đinh Đăng Định bày tỏ ý nguyện được Dòng Chúa Cứu
Thế Sài Gòn lo hậu sự. Theo dự kiến ban đầu, chương trình tang lễ cho thầy sẽ
được làm nghi thức tẩn liệm và nhập quan tại Đắk Nông, sang đến ngày 5/4/2014
sẽ di quan về Sài Gòn và quàn tại Nhà nguyện Đức Mẹ Thăm Viếng (đường Hoàng Sa,
phường 9, quận 3, Sài Gòn). Đông đảo Giáo viên của trường THPT Lê Quý Đôn (ngôi trường thầy dạy học trước khi bị bắt), đồng nghiệp cũ của thầy Đinh Đăng Định đã đến thăm viếng linh cữu của thầy... |
Tuy nhiên, do nhiều thủ đoạn quấy phá của an ninh cộng sản, vào
giờ chót, địa điểm quàn linh cữu thầy giáo Đinh Đăng Định đã phải dời
vào bên trong khuôn viên Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn (Địa chỉ: 38
Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, Sài Gòn), tại Phòng A.06 (cuối hành lang Văn
phòng Công lý Hòa bình).
Theo facebook linh mục Đinh Hữu Thoại, vào chiều
ngày 5/4/2014, khoảng 10 viên công an cả sắc phục lẫn thường phục đã đến nhà
riêng của ông trùm Thắng, người quản lý Nhà nguyện Đức Mẹ Thăm Viếng. Sau đó,
những viên công an này ép ông ký vào "giấy cam kết không làm mất an ninh
trật tự".
Linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết: "Dẫu biết rằng tờ
giấy lộn đó không có giá trị pháp lý gì, nhưng sẽ là cớ để an ninh đến phá rối
đám tang rồi đổ vấy tội cho ông trùm, nên chúng tôi quyết định di chuyển vào
khuôn viên giáo xứ, chấp nhận một chút phiền hà cho sinh hoạt của Giáo xứ ngày
Chúa Nhật".
"Chúng tôi cảnh cáo công an cộng sản các cấp về hành vi vô
nhân đạo này. Đạo lý người VN không chấp nhận đụng chạm đến những vấn đề linh
thiêng như đám tang. Tôi xin công bố số điện thoại của 1 an ninh chìm đi làm
việc với tác phong không khác côn đồ (áo thun, quần lửng), thậm chí còn giấu
tên: 0938940886."
Được biết, linh cữu, gia đình và bạn bè thầy
giáo Đinh Đăng Định đã về tới nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn vào lúc 18h30
tối cùng ngày. Rất đông những người yêu mến thầy đã tập trung tại nhà thờ để
chờ sẵn và đón thầy.
Những người yêu mến thầy cũng vừa lập một trang facebook có tên
"Tưởng nhớ Thầy
Đinh Đăng Định" thường xuyên cập nhật các thông tin, hình ảnh
về người thầy đức độ và giàu lòng yêu nước.
TIỂU SỬ THẦY GIÁO ĐINH ĐĂNG ĐỊNH
Đêm ngày 03/04/2014, khi đang ngồi ở một quán cafe nhỏ,
miên man nghe những bài ca buồn của nhạc Trịnh Công Sơn, bỗng chuông
điện thoại reo vang. Bên kia bạn tôi thút thít: “Em ơi, Thầy Định vừa
mới qua đời rồi.” Tôi buông điện thoại xuống, tay chân rụng rời và
không tin nổi vào những gì mình vừa nghe. Vừa mới xem những hình ảnh
Thầy rửa tội vào Đạo Thiên Chúa, vừa mới nghe tin Thầy tỉnh lại sau
những ngày bất tỉnh, vậy mà… Vẫn biết bệnh tình Thầy đã rất yếu,
với căn bệnh ung thư bao tử giai đoạn cuối đã di căn, mà sao vẫn nghẹn
ngào rơi lệ…
Tiểu sử Thầy Đinh Đăng Định
Thầy Đinh Đăng Định sinh năm 1963, tại tỉnh Hải
Dương.
Thầy là con thứ năm trong gia đình có 6 anh em. Thầy có vợ là
cô Đặng Thị Dinh (SN 1962), hiện trú tại số nhà 214, đường Nơ Trang Long, khối
4 – thị trấn Kiến Đức – huyện Đăk R’Lấp – tỉnh Đăk Nông. Thầy Định có 03 con,
lớn nhất sinh năm 1988, nhỏ nhất sinh năm 1995.
Quá trình hoạt động
- Từ nhỏ Thầy sống với bố mẹ đi học văn hóa tại xã Hiệp Hòa
huyện Kinh Môn – tỉnh Hải Dương.
- Từ năm 1980 đến 1985 là sinh viên khoa Hóa, trường Đại học
Tổng hợp Hà Nội.
- Từ tháng 12/1985 đến 01/3/1988 là giáo viên trường Sỹ quan
phòng hóa, thuộc Binh chủng Hóa học ở Sơn Tây – Hà Nội.
- Cuối năm 1988 đến 1991 công tác tại Nhà máy Supe phốt phát Lâm
Thao – Vĩnh Phúc.
- Từ năm 1991 đến đầu năm 1994 công tác tại Nhà máy Supe phốt
phát Long Thành – Đồng Nai.
- Từ đầu năm 1994 đến cuối giữa năm 1995 công tác tại Công ty
sản xuất thuốc trừ sâu Kosvida ở Huyện Thuận An – Bình Dương.
- Từ 1995 đến 1998 công tác tại công ty sản xuất phân bón con cò
ở huyện Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Từ năm 1998 đến 2000 là giáo viên trường PTTH Bán công Bình
Long (nay là trường THPT Nguyễn Huệ) huyện Bình Long – Bình Phước.
- Từ năm 2000 đến 2007 là giáo viên trường THPT Phạm Văn Đồng
huyện Đăk R’Lấp.
- Từ 2007 đến ngày bị bắt là giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn
huyện Tuy Đức – Đăk Nông.
Giai đoạn Thầy bắt đầu lên tiếng
Từ đầu năm 2010 Thầy đã viết những bài đỏi hỏi đa nguyên, đa
đảng cho đất nước Việt Nam. Thầy ký tên, thu thập chữ ký cho kiến nghị
đòi dừng Dự án Bauxite. Thầy cũng có những bài viết phản đối việc nhà
cầm quyền cho Trung Quốc khai thác bauxite tại Đăk Nông, gây nên những hiểm
họa về môi trường, cũng như đe dọa an ninh quốc gia ở một vùng đất
nhạy cảm như Tây Nguyên. Những tháng gần đây, những hiểm họa mà Thầy
dự báo đã thành hiện thực khi TKV liên tục kêu ca về những thua lỗ,
phải tính đến phương án hạ mức an toàn của các hồ chứa bùn đỏ để
giảm chi phí, giảm thua lỗ…
Giai đoạn tạm giam, và xử án Thầy
Ngày 21/10/2011 Thầy Định bị bắt tạm giam tại trại tạm
giam công an tỉnh Đăk Nông, trong khi tin từ Lybya xa xôi báo về sự sụp
đổ của chế độ độc tài Gaddafi.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 9/8/2012, toà án tỉnh Đăk Nông đã
tuyên án nhà giáo Đinh Đăng Định 6 năm tù giam về tội “Lợi dụng tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích nhà nước”, hoạt động và tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam
theo điều 88 Bộ Luật hình sự trong một phiên tòa không có luật sư bào chữa cho
ông Định tham dự, bên trong phòng xử đa số là công an.
Phiên tòa phúc thẩm ngày 21/11/2012 (sau ngày hiến chương
nhà giáo Việt Nam 1 ngày) tòa án tỉnh Đăk Nông y án đối với Thầy.
Giai đoạn Thầy phát bệnh
Sau vài tháng thụ án ở trại An Phước, thầy Định bắt đầu có triệu
chứng đau dạ dày: nôn ói, xuất huyết, đau bụng, xuống ký, mệt mỏi tột độ v.v…
Gia đình thầy đã làm đơn chạy xin khắp nơi cho thầy được khám bệnh và trị bệnh
nhưng cán bộ trại giam vẫn làm lơ.
Hồi ngày 05/09/2013, ông Định cấp cứu tại bệnh viện 30 Tháng 4
Sài Gòn. Đến ngày 18/09, ông Định mổ cắt bỏ 3/4 dạ dày. Sau đó, bác sĩ cho
biết, ông Định đang bị ung thư dạ dày
Mặc dù bị bệnh nan y, thầy Định vẫn phải thọ án và không được
chữa trị đúng mức. Khi căn bịnh đã di căn, thầy vẫn chỉ được tiếp dung dịch và
thức ăn lỏng, trong khi gia đinh vẫn phải trả tiền viện phí mỗi ngày. Ngoài ra
quanh giường thầy còn có công an canh gác và máy quay phim đặt 24/24. Bạn bè
không được vào thăm, còn gia đình vào thăm muốn chụp hình làm kỷ niệm cũng bị cấm
đoán.
Giai đoạn “đặc xá” ?
Ngày 18/12/2013, các Đại sứ quán gửi thông cáo đến nhà cầm quyền
yêu cầu phóng thích hoặc can thiệp chữa trị cho Thầy Đinh, nhưng nhà cầm quyền
vẫn làm ngơ.
Ngày 15/02/2014 Thầy được hoãn thi hành án trong vòng 12
tháng vì bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Tính đến ngày 15 thì Thầy đã
thụ án được hơn 27 tháng tù giam.
Ngày 15/03/2014 gia đình ông, dù không phải là Kitô hữu, đã đến
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu giúp Sài Gòn nằm trên đường Kỳ Đồng tham dự một giờ Hành
hương Đức Mẹ và một thánh lễ để cầu nguyện đặc biệt cho ông. Sau đó một ngày
gia đình đưa ông bằng xe cấp cứu trở về quê nhà ở Đăk Nông.
Sáng ngày 21/03/2014, gia đình Thầy Đinh Đăng Định ở Đắk Nông
nhận được thông báo Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang quyết định đặc xá cho tù
nhân lương tâm Đinh Đăng Định, chiếu theo Điều 21 và Điều 22 Luật Đặc xá, công
văn số 604/QĐ-CTN ngày 10/03/2014.
Tối ngày 21/3/2014 trả lời đài VOA sau khi nhận tin được đặc
xá, Thầy Định chia sẻ: “Cảm tưởng của tôi, tôi thấy với cá nhân tôi được hoàn
toàn tự do. Còn về ý nghĩa thực, cái lệnh này cũng không mang lại giá trị gì
nữa cả bởi vì tôi cũng đã sắp sửa kiệt hết sức rồi.”
Những ngày cuối đời
Những ngày tháng cuối đời, Thầy định được rất nhiều
bạn bè, anh chị em đấu tranh cho dân chủ nhân quyền từ khắp mọi miền
đất nước đến thăm hỏi và động viên. Mặc dù sức khỏe Thầy đã rất
yếu nhưng ỳ chí Thầy vẫn mong một Việt Nam tự do, dân chủ, nhân
quyền.
Sáng ngày 03/04/2014 Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, Dòng
Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã làm lễ rửa tội, đón Thầy Định chính thức
làm con cái của Thiên Chúa với tên thánh Phêrô Đinh Đăng Định.
21 giờ 35 phút tối 03/04/2014, Thầy Đinh Đăng Định trút
hơi thở cuối cùng trong vòng tay của vợ và các con Thầy và thanh
thản về với Thiên Chúa.
Thầy Định đã ra đi để lại cho đời sự tiếc thương vô hạn
về một nhân cách lớn của một nhà giáo, nhà trí thức... Những di
sản về tư tưởng đấu tranh cho tự do, dân chủ, và nhân quyền sẽ được
kế thừa, phát huy cho đến muôn đời!
No comments:
Post a Comment