Wednesday, April 30, 2014

10 NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HOÀ – NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 1975


1      2      3      4      5      6      7      8      9      10     11       12      CUỐI
Có một số tác giả và cả Frank Snepp trong cuốn Decent Interval đã nói rằng Cụ Trần Văn Hương có ao ước được làm Tổng Thống trong một tuần lễ, do đó Cụ muốn kéo dài cho đến chiều 28 tháng 4 mới giao quyền lại cho ông Dương Văn Minh để cho thời gian Cụ làm đúng 7 ngày như Cụ từng ao ước.
Điều này hoàn toàn không đúng vì người quyết định làm lễ bàn giao vào ngày hôm sau chính là Dương Văn Minh. Ông Trần Văn Đôn có kể lại trong Việt Nam Nhân Chứng rằng tối hôm trước ông có nói với ông Dương Văn Minh là nên “nhận liền nhiệm vụ để bắt tay vào việc” thì ông Minh nói rằng “5 giờ chiều mai”. Ông Đôn nhận xét rằng sở dĩ ông Minh muốn đợi đến 5 giờ chiều hôm sau là vì “ông coi ngày giờ tốt trước khi nhận việc”.
Trong một bài được đăng trên báo Diễn Đàn Phụ Nữ, ông Trần Văn Lắm, cựu Chủ Tịch Thượng Viện đã kể lại với Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh rằng tối 27 tháng 4, ông Lắm đến báo tin với Cụ Hương về việc Lưỡng Viện Quốc Hội đã biểu quyết đồng ý để Tổng Thống Trần Văn Hương từ chức và trao quyền lại cho Dương Văn Minh rồi sau đó đến gặp ông Minh và đề nghị nên làm lễ bàn giao vào hồi 9 giờ sáng ngày hôm sau 28 tháng 4. Ông Lắm kể lại rằngông Dương Văn Minh đi qua phòng bên cạnh để bàn luận với Trung Tướng Mai Hữu Xuân là người rất tin bói toán, sau đó ông Minh ra nói với ông Lắm rằng “9 giờ sáng không được tốt, bàn giao lúc 5 giờ rưỡi’ chiều đi”. [*186: tuần báo Diễn Đàn Phụ Nữ số 161 năm 1997]
Ông Trần Văn Đính, thứ nam của Cố Tổng Thống Trần Văn Hương quả quyết rằng Cụ Hương không bao giờ nói rằng Cụ “muốn làm Tổng Thống trong một tuần lễ” vì Cụ không bao giờ có ý muốn làm Tổng Thống và các ông Trần Văn Đôn, Trần Văn Lắm kể lại như trên thì việc bàn giao chức vụ Tổng Thống đúng một ngày sau khi Quốc Hội biểu quyết không phải là ý của Cụ Hương mà đó là quyết định của Dương Văn Minh vì quá tin vào tướng số và nghe theo lời Cố Vấn của Trung Tướng Mai Hữu Xuân.
Theo Tiziani Terzant tác giả cuốn sách “Giải phóng!” (The Fall and Liberation of Saigon),người ký giả Ý bị trực xuất ra khỏi Việt Nam trước đó ít lâu và vừa mới trở lại Sài Gòn sau khi ông Thiệu từ chức, thì lễ bàn giao được thông báo với báo chí là sẽ diễn ra vào lúc 10 giờ sáng, sau đó lại được hoãn đến 3 giờ chiều và cuối cùng thì dời lại lúc 5 giờ chiều. Terzani nói rằng sở dĩ có sự trì hoãn như vậy là vì Dương Văn Minh gặp khó khăn trong việc thành lập tân chính phủ. Sau khi có tin Dương Văn Minh lên thay Cụ Trần Văn Hương, giới quan sát tại Sài Gòn tiên đoán rằng hai người có thể được ông Minh chỉ định làm Thủ Tướng là Nghị Sĩ Vũ Văn Mẫu theo phe Phật Giáo Ấn Quang hay là Nghị Sĩ Vũ Văn Huyền, thuộc phe Thiên Chúa Giáo. Cả hai người ai cũng muốn làm Thủ Tướng. Cuối cùng thì Dương Văn Minh chọn Nghị Sĩ Vũ Văn Mẫu vì ông Mẫu là người có nhiều liên hệ đến phe Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc của Phật Giáo Ấn Quang, còn Luật Sư Nguyễn Văn Huyền thì làm Phó Tổng Thống.
Theo bài phóng sự tường thuật lễ bàn giao Tổng Thống tại Dinh Độc Lập chiều 28 tháng 4 năm 1975 của Đài Phát Thanh Sài Gòn thì buổi lễ bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều với sự hiện diện của khoảng 200 người gồm đại diện Thượng và Hạ Viện, Tối Cao Pháp Viện, Giám Sát Viện và một số Tổng Bộ Trưởng trong chính phủ Nguyễn Bá Cẩn. Trong buổi phóng sự truyền thanh cuối cùng này của Đài Phát Thanh Sài Gòn, phóng viên của đài nói rằng: “Thưa quý thính giả, vào lúc này thì bên ngoài Dinh Độc Lập, chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa và Sài Gòn đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước.”
tranvanhuonggiaoquyenchoduongvanminhTrong bài diễn văn cuối cùng, Tổng Thống Trần Văn Hương nói:
“Thưa quý vị
Bữa nay là cái ngày đã từ lâu rồi quý vi phải có mà ngày nay đã có, tức là đã đáp ứng nguyện vọng của tôi từ lâu rồi.
Khi Tổng Thống tiền nhiệm trao nhiệm vụ cho tôi, tôi vẫn biết sức già, dầu muốn dầu không, tuổi trời đã cao, sức đã mòn, tất nhiên là không thể nào đảm trách được một nhiệm vụ lớn lao trong khi mà nước nhà đã trải qua một buổi khó khăn vô cùng không thể trưởng tượng được. Bởi vậy cho nên trong lòng tôi vốn mong mỏi rằng dầu thế nào cũng phải có được một người ra lãnh cái trách nhiệm này để lo cho việc nước. Gọi là cứu vớt phần nào, cái gì gọi là quyền lợi, cái gì gọi là danh dự của nước Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta.
Khi tôi đến trao đổi ý kiến với Đại Tướng Dương Văn Minh, điểm làm tôi thắc mắc là điểm pháp lý bởi vì nếu tự nhiên tôi đem cái quyền của tôi trao lại cho Đại Tướng thì như vậy, về phương diện pháp lý, không hợp lý chút nào. Điểm đó, tôi cùng Đại Tướng đã có thảo luận. Sau khi ra ngoài Lưỡng Viện tôi cũng có trình bày và Lưỡng Viện, sau khi thảo luận hai ngày thì đã tìm ra được giải pháp mà đây tôi tin là giải pháp đáp lại chỗ mong mỏi của mọi người.
Thưa quý vị, điểm thắc mắc về pháp lý hết rồi thì về mặt đó chúng ta không còn băn khoăn chi nữa, thì dầu muốn dầu không cái chuyện lớn lao hiện giờ không còn là chuyện pháp lý nữa, thì việc làm sao cho nước Việt Nam Cộng Hòa dầu tình hình có khó khăn đến đâu đi nữa, thì cũng phải giữ phần nào cái danh dự của tổ tiên chúng ta.
Thưa với Đại Tướng, dù muốn dù không, một chương lịch sử đã giở qua rồi, những chương sẽ viết tới đây sẽ do nơi tay Đại Tướng mà bây giờ có hỏi ngay ra rằng Đại Tướng sẽ viết những gì, tôi thấy là Đại Tướng cũng băn khoăn, không thể trả lời. Nhưng tôi biết rằng với thiện chí của Đại Tướng đã sẵn có, thế nào việc làm sau này không đến nỗi phụ lòng tin cậy của tất cả đồng bào, của Quốc Hội đã hoàn toàn đặt nơi Đại Tướng. Đường đi nó có khác, nó đã khác, bởi vì triều đại đã thay đổi. Chúng ta bây giờ không nghĩa là phải luôn luôn đổ xương máu, chúng ta không phải nghĩ là chúng ta phải đánh tới người chiến sĩ cuối cùng, tới viên đạn cuối cùng khi mà còn có một biện pháp nào, một giải pháp nào có thể đem lại hòa bình mà không đến nỗi tổn thương quá sức danh dự của nước nhà: Bởi vậy cho nên đường lối có lẽ là ở trong khuôn đặt sẵn như thế đó.
Thưa với Đại Tướng, nhiệm vụ của Đại Tướng rất là nặng. Khi Đại Tướng ra gánh vác việc này tôi thấy rõ ràng là Đại Tướng không những có một thiện chí không mà thôi, Đại Tướng còn phải có những can trường gì mới dám đảm nhận như vậy và tôi cũng mong mỏi thế nào cho Đại Tướng thành công. Vả lại, đặt lại vấn đề, giải pháp chiến đấu để giữ giải pháp dung hòa, ôn hòa, nghĩa là quên hết tất cả những gì gọi là căm thù để đem lại trước hết sự hòa giải, hòa hợp rồi tới hòa bình để cùng nhau sống yên mưu đồ chuyện tái tạo nước nhà. Theo tôi nghĩ, con đường là con đường đó.
Thưa với Đại Tướng, xóa hận căm thù không phải là căm thù đối với ở ngoài, mà tôi cũng xin phép nói là chúng ta cũng nên xóa căm thù tất cả những gì gọi là căm thù ở bên trong. Trước kia, có lẽ những chỗ sai biệt đâm ra nếu là người Việt Nam thành thật thương nước, thì tất nhiên người đó dù muốn dù không cũng phải lo cho nước, yêu nước. Nhưng tiếc có một nỗi đồng sàng mà có nhiều khi dị mộng, cho nên nghĩ như vậy mà cái lòng nó nghĩ khác nhau. Việc làm khác nhau nên sinh ra xích mích, sanh ra đến cái chỗ có thể gọi là căm thù, thì tôi thành khẩn yêu cầu Đại Tướng bao nhiêu những việc gì có thể gọi là căm thù nội bộ, Đại Tướng vui lòng ráng thế nào xóa bỏ hết. Vả lại trong bộ máy của chế độ nào đều có những người phụng sự cho chế độ đó. Nếu chế độ kế tiếp mà còn nghĩ đến những việc trước, tìm ra chuyện ân oán giang hồ gây chuyện thù nữa, thì những người bất kỳ ở chế độ nào, tôi nghĩ làm sao mà dám tận tâm với chế độ đó khi nghĩ đến chế độ sau này có thể trả thù trả oán.
Cái chỗ mong mỏi của tôi là như thế và tôi cũng hết sức thành khẩn yêu cầu Đại Tướng nên nghĩ đến tiền đồ của nước nhà, nên nghĩ về sinh mạng, sống còn của đất nước này, làm thế nào cho việc hòa giải khởi sự trước ở trong nước này trước khi ra nước ngoài.
Còn một điểm nữa có lẽ là điểm chót. Tất nhiên là Đại Tướng sẽ mang hết sức mình mà làm, nhưng tôi cũng nhìn nhận lòng mình dầu có thiện chí đến đâu nhưng sức mình nó có hạn. Đại Tướng cũng là người, Đại Tướng không phải là một vị thiêng liêng nao có phép mầu cho nên chỉ phán một lời là mọi chuyện đều đấy như ý muốn được. Tất nhiên là Đại Tướng phải ráng sức, chuyện Đại Tướng ráng sức mà thành công hay không thành công, đó là một việc tôi tưởng phần lớn không phải tùy nơi Đại Tướng. Nhưng nếu Đại Tướng thành tâm vì nước để lo cho nước, ráng vãn hồi hòa bình lại để dân sống được yên, làm thế nào cho máu đừng đổ, thịt đừng rơi thì cái công của Đại Tướng đối với hậu thế sẽ lưu lại đời đời. Dầu thế nào, tôi thiết nghĩ rằng không bao giờ mà đất nước này người ta có thể quên Đại Tướng.
Tôi xin cám ơn quý vị.
[*187 Nhật Báo Ng­ời Việt, số 5990 ngày 2 tháng 5 năm 2002]
Đó là bài diễn văn cuối cùng của Cụ Trần Văn Hương, hai lần làm Đô Trưởng Sài Gòn, hai lần làm Thủ Tướng chính phủ, cựu Phó Tổng Thống và cách đó chừng một phút là vị Tổng Thống cuối cùng của chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa. Nghe bài diễn văn trao quyền của Cụ, người ta nghĩ rằng Cụ không nói với ông Dương Văn Minh vì ông Minh lên làm Tổng Thống thì dù là không hợp hiến đi nữa, ông ta cũng không thể xem những người đã “phụng sự chế độ cũ” là kẻ thù. Cụ Trần Văn Hương có lẽ cũng như hầu hết người dân Miền Nam vào lúc đó đều biết rằng cộng sản Bắc Việt sẽ thắng trong vài ba ngày sắp tới thì cái chính phủ của ông Dương Văn Minh cũng không thể tồn tại, cho nên khi Cụ nói đến việc “xóa bỏ hận thù, hòa giải, hòa hợp rồi tới bòa bình”, Cụ đề cập đến việc không trả thù những người đã phục vụ trong chế độ cũ, thì đó là những điều Cụ muốn mượn bài diễn văn cuối cùng trong đời của Cụ để nhắn nhủ với những người cộng sản khi mà “triều đại đã thay đổi”.
Dương Văn Miinh Không Chịu Treo Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa
Khi cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương đọc xong bài diễn văn và trở về chỗ ngồi, tất cả quan khách, các Đài Truyền Hình, các Đài Phát Thanh và đại diện báo chí đều hướng nhìn về con người của giờ thứ hai mơi lăm, cựu Đại Tướng Dương Văn Minh.
Tiziano Terzani, một trong hơn 100 ký giả đã chứng kiến buổi lễ giao quyền hôm 28 tháng 4 năm 1975 tại Dinh Độc Lập, đã tả lại như sau:
“Sau khi cựu Tổng Thống Trần Văn Hương trở về chỗ ngồi, bục diễn đàn vẫn trống trơn. Dương Văn Minh vẫn ngồi yên không hề nhúc nhích. Một người lính tiến vào dưới hàng đèn phản chiếu và gỡ hai lá cờ đem ra khỏi phòng. Sau đó anh ta trở lại và tháo gỡ Quốc Huy cũ của Việt Nam Cộng Hòa gắn trước bục diễn đàn rồi một người lính khác mang đến gắn huy hiệu mới của Dương Văn Minh, đó là hình hoa mai năm cánh nằm trong dấu hiệu âm dương của người Trung Hoa, tượng trưng cho hai yếu tố đối nghịch tạo thành sự đồng nhất trong vũ trụ.
Có nhiều tiếng xì xào trong hội trường. Nền Cộng Hòa đã thay đổi bộ mặt. Dương Văn Minh đứng dậy từ từ tiến về bục diễn đàn, mặt ông ta tỏ ra nghiêm trọng. Ngay lúc đó hai tiếng sét nổ thật lớn ở ngoài trời và tiếp theo là tiếng sấm kéo dài như để đánh dấu ý nghĩa lịch sử của giờ phút đau thương nầy…”. [*188: Tiziano Terzani: Sách đã dẫn. Trang 40-41].
Trong cuốn Cruel Avril, nhà báo Oliver Todd cũng tường thuật buổi lễ này tương tự như vậy “một người lính trẻ tháo gỡ Lá Quốc Kỳ sau bục diễn đàn rồi gỡ Quốc Huy của Việt Nam Cộng Hòa và thay thế bằng huy hiệu mới của Dương Van Minh“. [*189: oliver Todd: sđd, trang 354].
Trong cuốn những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa, tác giả Nguyễn Khắc Ngữ đã viết rằng “Cùng lúc ấy, một Binh Sĩ vào phòng, bật đèn cho sáng thêm rồi lấy hai lá cờ lớn đi. Sau đó, anh ta trở lại gỡ Huy Hiệu hai con rồng của Tổng Thống cũ gắn trên bục diễn đàn mang đi. Liền sau đó, một người lính khác mang Huy Hiệu mới có bông mai 5 cánh màu trắng vẽ trên nền xanh, ở giữa có vẽ dấu hiệu âm dương”. [*190: Nguyễn Khắc Ngữ: Những Ngày cuối Cùng Của VNCH, Nhóm Nghiên Cứu Sử địa xuất bản, Montréal, Canada 1979, trang 350]
Cả ba tác giả nói trên đều không hề nhắc nhở gì đến việc ông Dương Văn Minh tuyên thệ nhậm chức như Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đã làm khi ông lên thay thế cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cách đó đúng một tuần lễ và nhiều nhân chứng dự buổi lễ “trao quyền” hôm đó đã xác nhận rằng ông Dương Văn Minh chỉ có đọc diễn văn mà không hề tuyên thệ “trung thành với Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa”, điều đó có nghĩa là tân “Tổng Thống” Dương Văn Minh không còn công nhận bản Hiến Pháp l967 của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Như vậy, cho tháo gỡ hai lá Quốc Kỳ trước khi đọc diễn văn và không thèm tuyên thệ khi nhậm chức Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, phải chăng ông Dương Văn Minh muốn gián tiếp nói với phe cộng sản rằng ông ta đã xé bỏ bản Hiến Pháp năm 1967 của Việt Nam Cộng Hòa, không còn liên hệ gì đến chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa nói riêng và cả lịch sử ba mươi năm chống lại Đảng Lao Động Việt Nam để bảo vệ tự do cho những người Việt Nam không chịu sống chung với cộng sản từ miền Bắc cho đến Miền Nam sau này nói chung. Phải chăng ông Dương Văn Minh muốn nói với “người anh em bên kia” rằng “Tân Tổng Thống” Miền Nam Dương Văn Minh, “Tân Phó Tổng Thống” Nguyễn Văn Huyền và “Tân Thủ Tướng” Vũ Văn Mẫu đều là những người thuộc “thành phần thứ ba”, không có liên hệ gì đến cả hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa mà tượng trưng là lá Cờ Vàng ba sọc đỏ vừa được ông cho gỡ xuống cất đi ?
Một điểm hơi khá mâu thuẫn là tuy không còn công nhận lá Cờ Vàng 3 sọc đỏ là Quốc Kỳ, tuy không còn công nhận Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa năm 1967 nữa, ông Dương Văn Minh lại vẫn còn thích dùng danh xưng “Tổng Thống” và ông đã sử dụng danh xưng này với tất cả mọi người trong khi trên thực tế thì lúc đó chính phủ của ông không phải là một chính phủ hợp pháp do dân bầu lên (dejure) mà chỉ là một chính phủ thực tại (defacto), do đó ông chỉ có thể tự xưng là “Quốc Trưởng” mà thôi.
Trong Decent Interval, Frank Snepp cho biết trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân, Văn Tiến Dũng nói rằng “chiều 28 tháng 4 Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Hồ chí Minh phân tích tình hình toàn bộ ở Sài Gòn và thấy rằng phe địch rất hoang mang, Bộ Chỉ Huy mất trật tự trong hai ngay đầu của chiến dịch, các mũi tiến quân của ta vẫn hoạt động theo đúng kế hoạch. Do đó Văn Tiến Dũng ra lệnh cho cuộc tổng tấn công phải được khởi sự vào sáng ngày 29/4 để tiến về Sài Gòn. Lệnh này đã được gởi đến mọi đơn vị cũng như thông báo cho Hà Nội. Tối hôm đó lữ đoàn chiến xa 203 của cộng sản Bắc Việt với nhiệm vụ tiến thẳng vào Thủ Đô Sài Gòn đã được lệnh xuất từ Biên Hòa, tắt đèn tiến theo Quốc Lộ số 1 hướng về Sài Gòn”. [*191: Frank Snepp: sđd, trang 470]
Trong khi Dương Văn Minh đang chuẩn bị tổ chức lễ trao quyền tại Dinh Độc Lập thì cộng sản đã ra lệnh cho cựu Trung Úy Không Quân Nguyễn Thành Trung, người sĩ quan phản bội đã lấy phi cơ A-37 oanh tạc Dinh Độc Lập vào hồi đầu tháng 4 rồi lái phi cơ theo việt cộng, hướng dẫn một đoàn năm chiếc phản lực cơ A-37 từ Nha Trang bay vào oanh tạc Sài Gòn. Việc này có nghĩa là tuy đã được biết Dương Văn Minh sắp sửa lên nhận chức Tổng Thống để thương thuyết theo sự đòi hỏi của cộng sản như ông ta đã rêu rao, những “người anh em bên kia” của ông vẫn ra lệnh cho phi cơ của chúng bay vào oanh tạc Sài Gòn. Trong cuốnĐại Thắng Mùa Xuân, Văn Tiến Dũng đã nói rằng “đó là một cuộc tấn công được phối hợp một cách tuyệt vời”.
Ngay sau khi Dương Văn Minh trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, ngoài việc phi cơ của cộng sản oanh kích, một cơn giông bão lớn chưa từng thấy đã trút xuống Thành Phố Sài Gòn với những tiếng sấm nổ còn lớn hơn cả tiếng pháo kích của hỏa tiễn 122 ly của cộng sản. Người dân Sài Gòn lúc đó nhiều người đã cho rằng đó là điềm trời, đó là “ông trời cũng khóc cho số phận của Miền Nam”. Trong khi những người ủng hộ tân “Tổng Thống Dương Văn Minh đang rất lạc quan với viễn ảnh người được xem là một trong những nhân vật lãnh đạo hàng đầu của “lực lượng thứ ba” sẽ bắt đầu những cuộc thương thuyết với những “người anh em bên kia” để đem lại hòa bình cho phần còn lại của miền Nam thì Hà Nội lại xem ông Minh “không còn là đại diện cho lực lương thứ ba” nữa. Ngay hôm đó, Bộ Chính Trị Đảng Lao Động đã gửi cho “anh Sáu Dân” tức là ông Võ văn Kiệt cùng “P.10 và các Khu Ủy, B.76, N. 50 và các Ban, Ngành”[Ghi chú: P.10 là Sài Gòn-Gia Định, B.76 là Tây Ninh và N.50 là Bình Phước (Long An.)] một bức điện văn khẩn Số 505/TV đề ngày 28 tháng 4 năm 1975 nói về việc Dương Văn Minh lên làm “Tổng Thống” như sau:
1- Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, quân dân ta sắp đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chúng, đế quốc Mỹ đã thay Thiệu, nay thay Hương đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống với ý đồ thương lượng với ta hòng cứu vãn phần còn lại của chế độ Sài Gòn.
Dương Văn Minh ra nhận chức Tổng Thống trong lúc này không còn là đại diện cho lực lượng thứ ba…việc làm của Dương Văn Minh nằm trong âm mưu của Mỹ, đồng thời cũng phù hợp với lập trường chính trị của phe nhóm Minh là không muốn cho chế độ Sài Gòn sụp đổ hẳn, muốn ngăn cản thắng lợi quang vinh của dân tộc trong giờ phút lịch sử hiện nay.
Ý đồ này đã thể hiện rõ trong nội dung Bản Tuyên Bố của Dương Văn Minh khi nhận chức Tổng Thống lúc 16 giờ 50 ngày 28 tháng 4 trong đó không đả động gì đến Mỹ, không đề cập đến 2 yêu cầu cơ bản của ta nêu trong Bản Tuyên Bố của chính phủ cách mạng lâm thời ngày 26 tháng 4, lại kêu gọi ngừng bắn ngay tức khắc các cuộc tấn công lẫn nhau, kêu gọi quân đội ngụy “giữ vững hàng ngũ, giữ vững vị trí” để hoàn thành nhiệm vụ mới là bảo vệ phần đất còn lại.
Kêu gọi ngừng tấn công, hòa giải, hòa hợp đòi thi hành Hiệp Định Paris một cách chung chung lúc này là thực hiện âm mưu của Mỹ, ngăn chận quân dân ta đánh sụp đổ hoàn toàn chế độ thối nát Sài Gòn hiện nay.
2- Như thông tri số 10/TT.75 ngày 27 tháng 4 năm 1975 của Thường Vụ đã vạch rõ: “trong tình hình ngụy quyền đang trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, bất cứ tên tay sai nào lên …dù có tuyên bố thi hành Hiệp Định Paris, hòa bình, hòa hợp dân tộc hay thế nào đi nữa đều phục vụ cho âm mưu Mỹ, trở thành tay sai Mỹ”.
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kiên quyết thực hiện quyết tâm không gì lay chuyển của ta là đánh bại hoàn toàn Mỹ-Ngụy, đánh sụp chế độ thối nát Sài Gòn, công cụ của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước yêu quý của chúng ta. Chúng ta kiên quyết đẩy mạnh tân công và nổi dậy đến toàn thắng theo kế hoạch đã định, không có gì thay đổi.
Tình hình Hương đổ, Minh lên…bọn tay sai và bộ máy kèm kẹp bên dưới càng hoang mang rệu rã chính là điều kiện rất thuận lợi cho ta dể dành toàn thắng.
…Chỉ có một con đường đi đến hòa bình độc lập thật sự tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình dân tộc là đập tan mọi âm mưu của Mỹ và lật đổ hoàn toàn ngụy quân, ngụy quyền, dành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”. [*192: Văn Kiện Đảng: trang 320-321.]
Trong khi tân “Tổng Thống” Dương Văn Minh đang thành lập tân Nội Các để chờ đợi nói chuyện với “người anh em bên kia” thì ông ta không biết rằng cộng sản đã không còn xem ông ta như là đại diện của “lực lương thứ ba” và tệ hại cho ông hơn nữa là họ xem việc ông nhận chức “Tổng Thống” như là “phục vụ cho âm mưu của Mỹ, trở thành tay sai của Mỹ và muốn ngăn cản thắng lợi quang vinh của dân tộc trong giờ phút lịch sử hiện nay”.
Cũng trong ngày Dương Văn Minh nhậm chức, tại Hà Nội, “anh Văn” tức Đại Tướng Võ nguyên Giáp đã đại diện cho Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương gửi điện văn số 135B/TK ngày 28 tháng 4 năm 1975 đến các cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên tại miền Nam như sau:
1- Các anh chuyển lời động viên sau đây đến cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên:
Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương gởi lời chào quyết thắng đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, các đồng chí hãy anh dũng tiến lên giành toàn thắng cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại.
2- Trong giờ phút lịch sử này, Thường Vụ Quân Ủy chúc các anh khỏe và giành toàn thắng cho chiến dịch.
VĂN.
[*193 Văn kiện Đảng: trang 323]
Cộng sản Hà Nội không hề nhắc đến việc thương thuyết với tân “Tổng Thống” Dương Văn Minh của miền Nam cả.
1      2      3      4      5      6      7      8      9      10     11       12      CUỐI

No comments:

Post a Comment