Monday, April 21, 2014

CHỦ-NGHĨA NHÂN-VỊ: CON ĐƯỜNG MỚI, CON ĐƯỜNG CỦA TIẾN BỘ? PHẦN III

Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Tấn - III- Chủ-Nghĩa Nhân-Vị và Vấn-Đề Dân-Chủ-Hóa Việt-Nam Hiện Nay
Việt-nam nay đã hòa-bình và đã đi vào phát-triển gần 20 năm rồi. Nhưng dân chúng vẫn còn đói khổ vẫn chưa được hưởng những quyền tự-do căn bản. Hiện nay Chủ-Nghĩa Xã-Hội đã lỗi-thời, việc tìm kiếm một mô-hình dân-chủ-hóa hữu-hiệu để thay thế, là một nhu cầu cấp thiết. Từ ngày Ông Ngô-Đình-Diệm chết (1963) đến nay các nhà lãnh-đạo cũng như trí-thức Việt-nam nói chung vẫn còn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho một tiến trình dân-chủ kinh-tế nhằm giải quyết cơn khủng-hoảng có thể đưa đến sự hưng vong của toàn thể dân tộc. Đặc biệt trong những ngày tháng gần đây, trong và ngoài nước, các nhà trí thức và lý thuyết-gia đóng góp ý-kiến càng ngày càng đông đảo. Tiêu biểu như Tiến-sĩ Phan Đình Diệu, Tiến-sĩ Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), Tiến-sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến-Sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa, v.v...
Trong buổi nói chuyện tại Ủy Ban Tổ-chức Trung Ương ĐCSVN vào ngày 2 tháng 11 năm 2004, Tiến-sĩ Phan Đình Diệu lên tiếng kêu gọi đổi mới tư-duy. Ông cho rằng “Mô hình Chủ-nghĩa Xã-hội khoa học” kiểu Mác-Lê vốn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy-lý và cơ giới luận đã bị thực tiễn bác bỏ.” Theo Tiến-sĩ Diệu, nếu ĐCSVN vẫn còn tiếp tục duy-trì “định hướng XHCN kiểu Mác-Lê” thì Việt-nam vẫn tiếp tục bị bế tắc trong cơn khủng hoảng hiện tại”. Tiến-sĩ Diệu đồng thời ca-ngơị mô-hình Xã-Hội Dân-Chủ” (XHDC) tại các nước Bắc-Âu là “Chủ-nghĩa xã-hội của thế-kỷ 21” với mục tiêu “tự-do, công bằng, đoàn-kết, chắc chắn sẽ có vai-trò quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, rất đáng được chúng ta quan tâm.”
Thật ra cái mô-hình “XHDC” tại các nước Bắc Âu như Phần-lan, Na-Uy, Đan-mạch, Thụy-điển, đã và đang được các chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước cổ võ như là một mô-hình thích-hợp để thay thế mô-hình “Kinh-tế Thị-trường theo định hướng Xã-Hôị Chủ-Nghĩa” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng xã-hôị của Việt-nam hiện nay. Tiến-sĩ Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu) nhận xét rằng: “Phương án xã-hôị dân-chủ là phương án trung dung. Tuy trung dung nhưng vẫn đòi hỏi sự dũng cảm và thật lòng, chứ không dùng mẹo được. Cha Ông ta vẫn bảo “Thật thà là cha qủy quái”. Kinh tế thị-trường theo định hướng xã-hội dân-chủ thế thôi, dân chấp nhận ngay, vì như thế cũng chính là xã-hôị dân-chủ đa nguyên pháp trị.” Và một chuyên gia kinh-tế, Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cũng nghĩ rằng ĐCSVN phải thay đổi tư-duy và cơ cấu. Phải chấp-nhận Kinh-tế Thị-trường với Định-hướng Dân-chủ. Như về kinh-tế phải để tự-do kinh-tế từ dưới bùng lên, giải-phóng người dân, tự-do sinh hoạt không hạn chế, đối xử công bằng giữa các địa-phương. Về chính-trị, nhà nước phải giảm bớt sự can thiệp vào guồng máy kinh-tế nhưng tăng cường chức năng làm luật và thi-hành luật và chấm dứt độc-quyền cai-trị. (RFA, 6-7-05) Ông goị đây là mô hình Xã-hôị Dân-Chủ.
Nói chung thì trong cái mô hình “Xã-hôị Dân-chủ” tại các nước Bắc Âu mà các trí thức và chuyên-gia Việt-nam đang cổ võ, có thấp-thoáng kèm theo hình ảnh con người có “tình và chí” như “dũng-cảm”, “thật-lòng”, “đoàn-kết”, “trách-nhiệm”, “trong sáng”, vân vân. Nhưng theo Ông Hà-Sĩ-Phu thì
“Đoàn-kết là sự tập hợp những yếu-tố khác nhau, các yếu-tố đó muốn gia nhập khối đoàn-kết chung, thì anh nào cũng phải khoan dung. Đảng khoan dung cho những người khác Đảng, và những người khác Đảng cũng phải khoan dung với Đảng. Chứ đây không phải là sự khoan dung của người trên với người dưới, của kẻ cầm quyền đối với người không có quyền. Nghĩa là cùng bình đẳng mà khoan dung cho nhau, chứ không có chuyện Đảng thống soái hết rồi mở lòng ban sự khoan dung cho người này người nọ như vua chúa phong kiến.” (RFI, 2005)
Như vậy, liệu khi đưa vào Việt-nam thì cái hình ảnh con người có “tình và chí” còn hiện diện trong mô hình XHDC này hay không? Nếu không còn, thì mô-hình này cũng lại chỉ là một mớ lý thuyết xuông giống như các mô hình khác, đặc-biệt như Hiến-Pháp1992 của Việt-nam hiện giờ, chỉ là một mảnh giấy không hồn. Điều 69 Hiến-pháp qui định “công-dân có quyền tự-do ngôn luận, tự-do báo-chí; có quyền được thông-tin; có quyền hội-họp, lập hội, biểu-tình theo qui định của pháp-luật.” Trên thực tế, chính-quyền Việt-nam đã vi-phạm trầm trọng điều 69 của Hiến-pháp bằng điều 4 của Hiến-pháp, do chính họ soạn-thảo và ban hành. Là một lý thuyết xuông, “Xã-hôị Dân-chủ” Bắc-Âu cũng lại giống như “Định-hướng XHCN”, thiếu “tình và chí” nên không có khả năng huy-động được những nghị-lực thâm-sâu của con người. Và vì muốn “cưỡng hành”, như triết gia Kim-Định đã nói, lại phải dùng đến “mưu-gian đạo-đức” như lời-hứa cuội, kèm thêm khủng bố như Tiến-sĩ Nguyễn Văn Tụ vừa trình bầy. Tóm lại, đúng như Chủ Nghĩa Nhân Vị chủ trương, con người nằm trong cơ cấu mới là nguyên nhân cốt cán. Chuyển đôỉ cơ-cấu chỉ là chữa bệnh ngoài da.
Để chứng minh, giả sử, ĐCSVN cứ giữ nguyên mô-hình “Kinh-tế Thị-trường theo Định-hướng XHCN” nhưng hãy đưa ra một thành-phần lãnh-đạo thực sự “dũng-cảm, thật-lòng, đoàn-kết, trách-nhiệm, trong-sáng, vân vân” để làm gương dẫn dắt quần chúng. Trong trường hợp những người lãnh đạo không đủ nghị-lực và can đảm của những con người đã tu-thân để thực hành các đức-tính này, thì hãy nhờ tới nhân dân và cơ quan truyền thông tiếp sức, bằng cách cho họ quyền TỰ-DO thực sự qui-định trong điều 69 Hiến-pháp, để phê-phán, khuyến-khích và can ngăn lãnh đạo đừng làm việc hại dân hại nước. Được như vậy, tôi tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn, mô hình “Định-hướng XHCN” mà Đảng đã chọn, sẽ không thua gì mô-hình “Xã-Hôị Dân-Chủ” của Bắc Âu.
Nếu đúng, thì cái giải-pháp con người Bắc-Âu này cũng giống giải-pháp Nhân-vị mà Ông Diệm và Ông Nhu đã cổ võ hồi giữa thế-kỷ 20, là mô–hình “Xã-Hội Dân-Chủ Nhân-Vị” với những sắc thái đặc-biệt của nền văn-hóa cổ-truyền Việt-nam, là “một chính-quyền của Phúc-lợi” (Good Government) đã được thử nghiệm ở miền Nam Việt-nam từ 1954-1963: Kinh-tế thị-trường với sự can-thiệp mềm dẻo của một chính-phủ phúc-lợi, thực hiện công-bằng xã-hôị và dân-chủ thực sự ở hạ tầng cơ-sở với định hướng dân-chủ trên thượng tầng cấu-trúc. Trọng điểm của chiến-lược dân-chủ hóa Nhân-Vị là từ dưới bùng lên như Ông Nguyễn Xuân Nghĩa vừa trình bầy. Tuy nhiên, Ông Diệm nhấn mạnh rằng mô-hình này hữu hiệu là vì đựơc xây dựng trên những gía-trị độc đáo của Văn-Hóa: (a) “nó được dung hòa với thực tại” và (b) “quan-niệm thiện-ích chung được những người trong chính-quyền và ngoài dân chúng thực sự tôn trọng.”
Trong cuốn sách Democracy and Culture, Lý-thuyết-gia về Dân-chủ David Easton cũng viết:
“Muốn hiểu rõ được cái mức-độ thực-dụng và hữu-hiệu của một hệ-thống chính-trị, chúng ta cần phải nhìn nhận một sự thật hiển-nhiên, đó là, tất cả những gì xẩy ra trong nội-bộ của guồng máy chính-trị đều do nỗ-lực của những người nằm trong guồng máy đó, đương-đầu với hoàn-cảnh thực-tại đang thay đổi.” “Much light can be shed on the working of a political system if we take into account the fact that much of what happens within a system has its birth in the effort of the members of a system to cope with the changing environment.” (1990)
Như vậy Ông Ngô-Đình-Diệm và David Easton đều có cái nhìn giống nhau về những vấn đề mà các chuyên-gia và trí-thức Việt-nam đang tranh-cãi; Và câu trả lời là: mức-độ hữu-hiệu của một mô-hình chính-trị không phải là do CƠ-CẤU mà là do CON NGƯỜI ở trong cơ-cấu ấy.

IV – Kết Luận
Chủ-Nghĩa Nhân-Vị được xây dựng trên căn bản Tâm-Linh: đức-nhân và lý-tưởng Thái-Hoà của Việt-Nho. Đứng trên mặt triết học nhận thức, nó nhận diện và đề cao gía-trị và vị-trí của con người. Là một chủ-thuyết chính-trị, nó chủ trương phát triển gía-trị và vị-trí này đến mức cao nhất; chính-quyền có bổn phận tạo điều kiện thuận lợi và làm gương để hướng dẫn dân chúng (cá-nhân và cộng-đồng) đạt đến mục tiêu này.
Vì thế, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị khác hẳn với khuynh-hướng duy-tâm của Tây-phương và đối đầu với duy-vật của Karl Marx, là những lý thuyết xuông không thực-dụng và phản khoa-học (Nguyễn-Xuân-Hồng, 1956, tr.98). Dựa trên lý tưởng Thái-Hoà, Ông Diệm đã đưa ra một mô hình chính-trị mới lạ mà Ông gọi là “con đường của tiến-bộ”. Đó là một tổng hợp những giá-trị tốt đẹp nhất của Âu-tây và Á-đông: Trên thượng tầng cấu trúc quốc gia là một chế độ dân-chủ pháp-trị kiểu Tây-phương được điều hoà để phù hợp với thực tại của đất nước bằng một bản hiến-pháp dự-trù dành cho hành-pháp nhiều quyền lực cần thiết. Ở hạ-tầng cơ sở là một nền dân-chủ thực-sự, với một hệ-thống Ấp-chiến-lược mô-phỏng theo hình thức làng xã cổ-truyền Việt-nam và tiến dần đến tự-trị về moị mặt.
Hoài-bão của hai người khai sinh ra Chủ-nghĩa Nhân-vị là muốn chuẩn-bị để mở đường đưa xã-hội Việt-nam tiến vào kỷ-nguyên hậu kỹ-nghệ qua việc tái trang bị cho mỗi con người Việt-nam một đời sống đạo-đức, để xây-dựng lại và phát-triển nguồn vốn xã-hội đã bị phá-sản sau những năm dài đô-hộ của Tầu, Tây, và nhất là hậu-qủa “đào tận gốc, tróc tận rễ” do XHCN của người Việt-nam cộng-sản để lại. Chủ-Nghĩa Nhân-Vị muốn dẫn đường đưa con người Việt-nam trở về mái nhà thân quen của họ, đó là cái xã-hội có một hệ-thống đạo-đức rất hữu hiệu, một cuộc sống phong-lưu nhàn tản, là di-sản văn-hoá vĩnh cửu của người Việt-nam.
Dù Chủ-Nghĩa Nhân-Vị mới chỉ được thử nghiệm trong một thời gian ngắn ở miền Nam Việt-nam, nhưng trong lãnh vực lý-thuyết hàn-lâm, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị có một giá-trị đóng góp lâu dài và quan-trọng vào công cuộc phát-triển con người nói chung và đặc biệt là giải-pháp dân-chủ-hóa đặt trên căn bản “sở-hữu-hóa vô-sản – cơm no áo ấm”. Chủ-Nghĩa NhânVị còn cống-hiến một căn bản tư-duy mới để dung hòa tư-tưởng “ai thắng ai” của hệ-thống triết-học duy lý-niệm. Muốn chung sống hòa-bình, cùng nhau tồn tại và tiến-bộ, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị cổ võ cho một hệ-thống tư-duy mới xây dựng trên lý-tưởng Tâm-Linh, THÁI-HÒA.
Mô-hình “con-người biết tu-thân” của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị đưa ra nhằm giải quyết tận gốc mọi khủng hoảng kinh-tế xã-hội và chính-trị trong đời sống hàng ngày, đáng được các nhà làm chính sách tham-khảo kỹ-lưỡng. Cuối cùng, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là một đóng góp quan-trọng vào ngành chính-trị học đặc biệt là vấn nạn về dân-chủ hóa tại các quốc-gia lạc-hậu và nghèo-khổ. Giải-pháp mà Ông Diệm đưa ra là xây dựng một chế-độ (dân-chủ) đạo-đức”.Chiến-lược xây dựng dân-chủ được thực hiện bằng hai cuộc cách mạng xẩy ra cùng một lúc, với dân-chủ hình thức ở thượng tầng cấu trúc và dân-chủ thực-sự ở hạ tầng cơ sở. Chiến lược này vẫn còn giá trị thực hành, có thể giải-quyết vấn đề dân chủ hóa và chiến-lược “xóa-đói giảm-nghèo” tại Việt-nam hiện nay, đáng được moị nguời lưu tâm.
Tại sao chúng ta lại phải đi mãi đến Bắc Âu để tìm kiếm một mô-hình, trong khi nó nằm sẵn trong kho tàng của Ông Cha, sao lại không lấy ra mà xử dụng? Tại sao lại phải hướng ra ngoài, đi khắp thế-giới tìm một “lý-thuyết suông” để thử nghiệm? Ở miền Nam (1955-1963) trong các khu dinh-điền, khu trù mật, ấp-chiến lược, vân vân, người dân nghèo đã từng có được một mảnh ruộng, một miếng vườn, một căn nhà và một đời sống yên bình ấm no, con cái được ăn học, đau ốm đã có nhà thương thí. Có phải đây là cái xã hôị mà chúng ta đang muốn thực hiện? Dẫn chứng trên đây cũng cho thấy Ông Diệm đã “bắt mạch” đúng bệnh trạng của Việt-nam và liều thuốc “Chủ-Nghĩa Nhân-Vị” đã tỏ ra hữu hiệu, ít là trong lãnh vực kinh tế xã-hội. Nhưng có lẽ “Bụt nhà không thiêng” nên người ta đã không ngó ngàng gì đến cái di sản dân tộc này? Sẽ không bao giờ tìm được một mô-hình hữu hiệu một khi con người lãnh-đạo của Việt-nam chưa biết tu-thân, tề-gia.
Đối với các bạn trẻ, thế hệ lãnh đạo tương lai của dân tộc, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là một tài liệu tham khảo hữu ích và cần thiết cho việc học tập và tìm kiếm những giải-pháp chính-trị cho vấn đề Việt-nam hiện nay. Di-sản tiền nhân là chỗ dựa vững chắc và phù hợp với tình-tự dân-tôc. Chối bỏ nó là đi xa gốc rễ, sẽ mất định hướng và lạc lối. Dựa trên di sản tốt đẹp của Cha Ông, các bạn sẽ tạo nên một hệ-thống lãnh đạo mới với một định hướng rõ rệt. Ngoài ra bài học lịch sử của thế kỷ vừa qua nhắc nhở các bạn rằng: độc-lập, tự-do và dân-chủ không phải là món quà của Ông già Noel và không có một chế độ chính trị nào có thể đem lại cho mình nếu tự mình không bền bỉ đấu-tranh với chính mình, tôn trọng nhân phẩm của mình và các giá trị thiện ích của cộng đồng. Tìm về cội nguồn chính là mở lại con đường truyền thừa lãnh đạo đất nước.
Cuối cùng là một bài học từ cái chết của hai người khai-sinh ra Chủ-nghĩa Nhân-vị: Lãnh-đạo của Việt-nam trong tương lai cần phải lấy lý-tưởng Thái-Hòa làm căn-bản thiết lập ra những định chế hữu-hiệu làm đối trọng (counter-balance) với loại chính-trị “Thực tiễn [Realpolitik]”, để ngăn ngừa những hành động phi dân-chủ, phi nhân bản và coi thường luật-pháp của những kẻ cuồng-tín muốn lạm-dụng quyền-lực. Các định-chế này còn ngăn ngừa sự phung phí nhân-vật-lực của đất nước và sự gián-đoạn về lãnh-đạo quốc-gia trong tương lai.
Ông Cao Xuân Vỹ nói với tôi: “Không có Ông Diệm, không có Việt-Nam Cộng-Hoà.” (17-3-1995) Thú thật lúc đó tôi cho rằng “Ông Vỹ nói hơi qúa chăng?” Nhưng khi nhìn lại lịch-sử, đặc biệt khi đọc lại hồi-ký của Ông Bảo-Đại và những tài liệu về Bang-Giao Quốc-Tế trong giai đọan Chiến-Tranh Lạnh 1945 – 1975, với các văn-kiện như Hiệp-Định Geneve 1954, Hiệp-Định Ba-Lê 1973, The Pentagon Papers (Vol.1) và các “memos” ghi lại nội-dung những cuộc đối thoại giữa Ngoại-trưởng Henry Kissinger của Hoa-kỳ và TT Châu-Ân-Lai của Trung Cộng, thì câu nói này hoàn toàn có căn cứ. Ví-dụ, nếu Ông Ngô-Đình-Diệm không chịu nghe theo yêu-cầu của Hội-Đồng Nhân-Dân Cách-Mạng (Nhị-Lang, 1990), quyết tâm truất-phế Quốc-trưởng Bảo-Đại và biến Nam Việt-nam thành một nước Cộng-Hòa thì cuộc tổng-tuyển-cử tái thống-nhất Việt-nam được người Mỹ trù-liệu trong Hiệp-định Geneve 1954, đã diễn ra vào tháng Bảy năm 1956 và miền Nam-Việt-nam đã nằm dưới ách cai-trị của Hồ-Chí-Minh và đảng CSVN rồi. Thật ra, Ông Cao-Xuân-Vỹ muốn ám-chỉ rằng sự hiện-hữu của Việt-nam Cộng-Hòa đã giúp cho dân-chúng miền Nam thoát khỏi cái họa đẫm máu “cải-cách ruộng đất” và trí-thức miền Nam thoát được vụ-án “Nhân-Văn Giai-Phẩm” mà ĐCSVN đã thi hành ở ngoài miền Bắc; Và miền Nam-Việt-Nam đã được hưởng thêm 20 năm sống trong tự-do, trong khi ở ngoài Bắc dân chúng sống trong tù-ngục với chế-độ bao-cấp, không khác gì súc-vật. Nhưng một sự thật lịch-sử cũng không thể quên được, đó là “Không có Ông Ngô-Đình-Diệm và Ông Ngô-Đình Nhu, không có Chủ-Nghĩa Nhân-Vị,” và tôi cũng không có được cái vinh-dự viết và gởi bài này đến qúi-vị độc-gỉa, những người đã và đang trăn-trở thao-thức vì vận nước nổi-trôi!
E. Mounier nói “Đôi khi lịch-sử cũng ban thưởng cho những kẻ cứng đầu và một hòn đá đặt đúng chỗ cũng có thể xoay chuyển cả một giòng nước.” Rất tiếc, Ông Diệm và Chủ-Nghĩa Nhân-Vị của Ông đã xuất hiện ở một nơi và vào một thời điểm đáng lẽ không nên xuất hiện. Nhưng Ông đã hạ quyết-tâm, “chọn con đường hy-sinh để bênh vực phẩm-gía con người.” Do đó những gì mà Ông đã thực hiện được trong hoàn cảnh hoàn toàn cô-lập và khó khăn của miền Nam Việt-nam lúc bấy giờ, chỉ còn nhờ vào sự quyết-tâm và khả-năng lãnh đạo của Ông và cần phải được lưu lại trong sử sách một cách công bằng và trung thực.
Nhà thơ W. H. Auden viết: “Lịch sử đối với kẻ bại trận, chỉ có thể ngửa mặt lên than “Trời”, nhưng chẳng giúp được gì cho họ mà cũng không thể tha thứ cho họ.” Tuy nhiên tôi tin rằng, người ta có thể hủy diệt Chủ-nghĩa Nhân-vị và hai người khai sinh ra nó, nhưng không thể cướp đi những giá-trị thuộc về họ. Do đó trên căn bản đạo-đức nghề-nghiệp, các sử-gia có bổn phận đem trả lại những gì thuộc về hai Ông Ngô-Đình-Diệm và Ngô-Đình-Nhu và nền Đệ-Nhất Cộng-Hoà.

No comments:

Post a Comment