Saturday, April 5, 2014

NGÔ VƯƠNG TOẠI, MỘT NGƯỜI MÊ LÀM BÁO

Nguyễn Tuyển  - Tôi biết Ngô Vương Toại ở những năm còn lê la trên sân trường Đại Học Văn Khoa ở Sài Gòn. 
Thời đó, trường Đại Học Văn Khoa còn nằm trên đường Nguyễn Trung Trực. Số sinh viên ngày mỗi đông hơn mà cơ sở, giảng đường thì giới hạn, chật hẹp. Các lớp dự bị (tức năm đầu tiên, học một số môn tổng quát. Nếu đậu, được ghi tên học các loại chứng chỉ chuyên biệt cho từng môn) quá đông đảo phải sử dụng khu nhà “tiền chế” trên bãi đất trống (vốn là nền nhà tù của Sài Gòn thời Pháp đô hộ bị phá bỏ).

Nhưng những năm từ 66, 67, các lớp dự bị được dời lên trường sở mới trên đường Cường Để là khu đại học chung với Được Khoa, Nông Lâm Súc. Khu nhà tiền chế (vốn được xây dựng bằng những vật liệu nhẹ trình bày cách xây dựng nhà mới của Hoa Kỳ, cho một hội chợ) được sử dụng làm khu sinh hoạt sinh viên. Trên đó, một căn (ở giữa) được sử dụng làm trụ sở Ban Đại Diện Sinh Viên Đoàn. Một căn dài làm trụ sở Chương Trình Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (gọi tắt là CPS). Một căn làm trụ sở Ban ấn loát, phát hành các tập giảng khóa cho sinh viên. Hội Họa Sĩ Trẻ xin được một căn nhỏ, đồng thời một căn dành cho Đoàn Văn Nghệ sinh viên học sinh Nguồn Sống.

Ngô Vương Toại cùng một số bạn đã gom góp ít tiền dựng một mái nhà tôn, vách tre đan, trống trải huếch hoác làm một quán cà phê gọi là “Quán Văn”. Đây là chỗ tụ tập của bạn bè sinh viên trước hay sau giờ học, hoặc vào những lúc không có lớp, ngồi tán dóc, hay bàn chuyện học hành. Cuối tuần có các sinh hoạt văn nghệ bỏ túi. Nếu có những buổi sinh hoạt dự trù rất đông người tới dự thì tổ chức ngay trên bãi cỏ rộng.

Sự nghèo nàn thô sơ của khung cảnh nhưng lại quyến rũ được rất nhiều người không riêng gì giới sinh viên. Những người như danh ca Thái Thanh cũng từng tới đó hát cho sinh viên nghe hay nhạc sĩ Phạm Duy trình bày những sáng tác mới nhất của ông. Khánh Ly được mệnh danh là “nữ hoàng chân đất” và nổi tiếng từ đây khi đem giọng hát mệt mỏi rã rời trình bày các ca khúc Trịnh Công Sơn.
 Một buổi tối, tôi được tin Toại bị bắn, không biết sống chết ra sao.

Khi Toại bị bắn, lúc đó tôi đang làm phóng viên cho Đài Phát Thanh Sài Gòn, và không có mặt. 

Hoàng Xuân Sơn, người cùng Toại tổ chức Quán Văn, có mặt và đứng gần Toại buổi tối ngày 16/12/1967 khi bọn họ tổ chức cho Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn tại giảng đường mới (đường Cường Để) và bị bắn.

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn (hồi đó cũng là sinh viên Văn Khoa) tường thuật lại vụ bắn trong một hồi ký như sau: “Giờ giải lao, xuất hiện một đôi nam nữ ăn bận khá lịch sự từ từ tiến lên diễn đàn. Nam: quần màu sậm, sơ mi trắng, tay thọc túi quần. Nữ: áo dài xanh lá mạ, đeo kính gọng xếch mắt mèo, tay ôm một chiếc cặp lớn, căng phồng. Ngô Vương Toại đang ở trên sân khấu nói qua về công việc bầu bán ban đại diện sinh viên văn khoa sắp tới.

Nam ngỏ ý xin được góp lời. Nữ đứng sát bên kéo khóa mở cặp. Và rồi trờ tới. Trờ tới nguyên văn: “Xin tất cả anh chị em yên chí. Chúng tôi đã bố trí chung quanh cả rồi – Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm 7 năm thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam . . .” 

Cái gì mặt trận!? Nam nói chưa dứt câu, Toại phản ứng lẹ như chớp; nhanh tay giật lại micro: “Ẩu nà, câm mồm!... ” Quát: “Đứng im!” Và đoàng đoàng, hai phát súng nổ liên tiếp. Tôi hoa mắt thấy thân hình Toại văng bật vào tường dưới bảng đen. Nhiều phát súng nổ liên tiếp sau đó. Nguyễn Văn Tấn tự Tấn Mốc cầm chiếc ghế nhào lên cứu bạn. Và rồi cũng ăn đạn vào chân té qụy xuống bục sau đó” (Hoàng Xuân Sơn. Chạm Mặt Tử Thần. damau.org).

Một bạn khác của Toại kể rằng đầu tiên, Toại được bạn bè và một khán giả là sĩ quan hải quân đến nghe hát đưa vào bệnh xá của Hải Quân Công Xưởng cấp cứu vì nơi đó gần nhất. Tuy nhiên, vì không có các trang bị giải phẫu nên Toại được sơ cứu và chuyển gấp đến bệnh viện Bình Dân.

Theo lời kể của Nguyễn Văn Tấn bút hiệu Cao Sơn (bạn bè đặt tên là Tấn Mốc, qua đời ở San Jose cuối năm 2013) với người viết bài này cách đây mấy năm. Tấn là một nhân viên của Phủ Đặc Ủy Tình Báo VNCH, có trách nhiệm theo dõi hoạt động của giới sinh viên. Cũng bị trúng đạn trong vụ bắn nhưng vết thương rất nhẹ ở chân, Tấn được lệnh bảo vệ an toàn cho Toại ở bệnh viện. Một đêm có kẻ lạ mặt vào phòng Toại nằm trị thương rút súng bắn nhưng Tấn nhanh tay hơn, rút súng bắn trước nên hạ được tên VC được lệnh giết Toại cho chết luôn.

Nhiều truyền đơn của VC rải ở một số trường đại học lên án tử hình một số sinh viên, tham gia Liên Minh Á Châu Chống Cộng, trong đó có tên Ngô Vương Toại. Nếu không có Tấn Mốc nhanh tay và bình tĩnh phản ứng, có lẽ Toại đã bị chúng giết chết từ ngày đó.

Thời đó, ít nhất có 4 sinh viên bị CS ám hại ở Sài Gòn. Ngô Vương Toại (1967) và Bùi Hồng Sĩ (1968) đều bị bắn ở trường Đại Học Văn Khoa nhưng đều thoát chết. Còn Trần Quốc Chương (con trai thẩm phán Trần Thúc Linh) đã từng vào bưng rồi về học lại ở Y Khoa bị ném từ lầu cao xuống đất chết. Lê Khắc Sinh Nhật thì bị ban ám sát của Thành Đoàn CS bắn chết ở hành lang Đại học Luật Khoa Sài Gòn ngày 28-6-1971.

Vốn là người mê đàn đúm, bạn bè đấu láo, mỗi khi có bạn rủ rê là có mặt Toại. Tính tình cởi mở, nhún nhường, không ai không mến Toại. Suốt từ thời kỳ tôi biết Toại trên sân trường đến những ngày định cư tị nạn ở Mỹ, tính tình Toại xưa nay vẫn vậy.

Tại Sài Gòn, Ngô Vương Toại làm phóng viên cho một số nhật báo. Sang Mỹ định cư tị nạn CS ở vùng Hoa Thịnh Đốn, Toại từng làm một tờ bán tuần báo (Diễn Đàn Tự Do) trước khi làm phóng viên/biên tập viên cho Chương trình Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do. 
 Toại rất mê làm báo chỉ nghỉ khi sức khỏe không còn cho phép.

Bị bệnh tiểu đường nặng, mấy năm trước, con trai đẩy xe lăn đưa Toại xuống Quận Cam, coi như thăm bạn lần chót, nhưng Toại vẫn sống, vẫn cố chống lại bệnh tật. Tháng Bảy năm ngoái, tôi lên vùng Hoa Thịnh Đốn đưa tiễn Lê Thiệp, Toại ngồi xe lăn tới tiễn bạn. Hồi Tháng Hai, Toại còn tới dự tiệc do nhóm nhân viên đài RFA tổ chức.

Cầu mong bạn ta hạnh phúc ở nơi không còn phải suy nghĩ, phiền muộn.

Nguyễn Tuyển

No comments:

Post a Comment