“Sinh viên Ngô Vương Toại - Giữa cái sống và
cái chết”
Phạm Trần - Đó là
Tựa đề một bản tin của hãng TV (Tin Việt) viết ngày 18/11/1967 được các báo ở
Sài Gòn đăng tải, hai ngày sau khi sinh viên Ngô Vượng Toại bị đặc công Cộng
sản bắn trọng thương tại Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn.
Toại bị bắn vào dạ dầy, rách 4 đoạn ruột ở
tuổi 20 nhưng anh đã được cứu sống để tiếp tục đấu tranh không ngơi nghỉ trên
mặt trận báo chí-truyền thông và chính trị thêm 8 năm sau đó ở miền Nam và cho
đến khi sức khỏe cạn kiệt ở tuổi 67 ở Hoa Kỳ.
Biến cố Ngô Vương Toại cuối năm 1967 xảy ra
giữa cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự mới ở miền Nam. Đó là năm miền Nam vừa
hoàn tất các cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của nền Đệ II Cộng hòa và cuộc bầu
chọn 60 Nghị sỹ Thượng nghị viện diễn ra cùng ngày 03/09 (1967). Hơn tháng sau
là cuộc bầu chọn 137 Dân biểu Hạ nghị viện được tổ chức ngày 22/10 (1967).
Kết quả bầu cử đã gây ra tranh cãi vì liên
danh Quân đội Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ,
mới “hàn gắn chia rẽ vào phút chót” chỉ đạt 34,8% số phiếu để đắc cử Tổng thống
và Phó Tổng thống.
Liên danh đối lập cổ võ hòa bình với nhãn
“Chim Bồ Câu Trắng” về nhì với 17% của hai ông (Luật sư) Trương Đình Dzu - Trần Văn Chiêu đã
mau chóng tố cáo bầu cử gian lận. Các liên danh
hạng ba Phan Khắc Sửu - Phan Quang Đán (13%)
và hạng tư Trần Văn Hương - Mai Thọ Truyền(12%)
cùng ào ạt tham gia.
Song song với sự ngột ngạt của chính trị bầu
cử là tình hình quân sự trên chiến trường mỗi ngày một gay gắt hơn với cuộc
chiến “chiếm đất dành dân” giữa Việt Nam Cộng Hòa và quân Cộng sản.
Một số vụ ám sát, khủng bố, đặt bom của Đặc
công Cộng sản cũng đồng loạt gia tăng tại các thành phố, kể cả ở Sài Gòn. Hoạt
động này xảy ra sau khi làn sóng biểu tình chống chiến tranh, chống Hoa Kỳ và
quân đội Đồng minh của VNCH của các nhóm sinh viên-học sinh và tu sỹ thân Cộng
mới bị kiềm chế ở một số tỉnh miền Trung, đặc biệt tại Huế và Đà Nẵng.
Giữa bối cảnh này, Ngô Vương Toại và một số
Sinh viên chống Cộng đã liên kết với nhau trong Chi hội Việt Nam của Tổ chức
Liên Minh Thế giới và Liên minh Á Châu chống Cộng do Bác sỹ Phan Huy Quát làm
Chủ tịch. Họ tập hợp với nhau trong tinh thần tự nguyện nhằm mục đích chống lại
sự phá hoại và lôi kéo sinh viên của nhóm sinh viên thân Mặt trận Giải phóng
miền Nam.
Một ranh giới giữa Quốc gia và Cộng sản trong
giới sinh viên đã được Toại vạch ra. Một “Quán Văn” cà phê văn nghệ cũng đã
được Toại và một số bạn sinh viên yêu ca hát, gặp mặt bỏ tiền túi dựng lên sơ
sài ngay trong khuôn viên Đại học Văn Khoa ở đường Cường Để. Các tên tuổi âm
nhạc lớn của Việt Nam như Phạm Duy, Thái Thanh, Khánh Lý và Trịnh Công Sơn cũng
đã từng đến “Quán Văn” hát cho sinh viên nghe.
Và cũng từ “dòng máu văn nghệ và thích đấu
tranh”, Đặc công Cộng sản đã tìm cách sát hại Toại trong đêm Văn nghệ Khánh Ly
hát nhạc Trịnh Công Sơn tối 16/12/1967.
Câu chuyện Toại bị chết hụt
Câu chuyện của phát súng thù hận Cộng sản bắn
vào người Ngô Vương Toại bắt đầu như thế này, theo tường thuật của hãng Tin
Việt ngày 18/12/1967:
Khủng Bố Tại Đại học Văn khoa: 1 Sinh viên bị
bắn trọng thương
Sài Gòn 16-12 (TV): Hai thanh niên, một nam
một nữ, tối nay đã nhảy lên diễn đàn trình diễn của một nhóm sinh viên Văn khoa
để tuyên bố kỷ niệm bảy năm thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam và đã bắn
một sinh viên trọng thương trong khi sinh viên này nhảy lại giựt máy vi âm.
Một số sinh viên có mặt tại buổi trình diễn
thuật lại rằng hai tên khủng bố đã nhảy lên diễn đàn hồi 21 giờ 15 trong lúc
buổi trình diễn bắt đầu hồi 20 giờ tạm ngưng. Lối 1.000 sinh viên đã đến dự
buổi trình diễn này về đề tài “Việt Nam Quê hương”: tại giảng đường I trường
Đại học Văn Khoa đường Cường Để.
Cũng theo các sinh viên có mặt tại chỗ nói
trên, sau khi nhảy lên diễn đàn tên nữ khủng bố, mặc áo dài mang kính mát, lấy
máy vi âm tuyên bố ”Hộm nay chúng ta kỷ niệm bảy năm thành lập Mặt trận Giải
phóng miền Nam…”. Chỉ nói tới đó thì sinh viên Văn khoa Ngô Vương Toại chạy lại
giựt máy vi âm từ tay của tên nữ khủng bố nhưng liền bị tên khủng bố kia đứng
phía sau anh Toại, dùng súng lục bắn vào lung anh, làm anh Toại trọng thương.
Một số sinh viên khác nhảy vào dùng ghế để
đánh và bắt hai tên khủng bố nhưng đã bị tên nam khủng bố bắn theo vài phát và
tẩu thoát.
Sau đó các sinh viên dự khán chạy toán loạn
gây thêm một số sinh viên khác bị thương vì chen lấn.
Sinh viên Ngô Vương Toại liền đó được chở ngay
đến bịnh viện.”
Sau đó, Tin Việt bổ túc:
Tin Thêm: Nhân vài phút nghỉ giữa chương
trình, 2 cán bộ VC một thanh niên 20 tuổi người gầy, cao đen mặc áo sơ mi bỏ
ngoài, cùng một thiệu nữ trạc 18 uốn tóc, mặc áo dài màu hoa nhạt, choàng áo
len đỏ mang kiếng cận thị bước lên sân khấu.
Thanh niên rút súng trong người ra cầm tay và
nói các sinh viên có mặt: “Chúng tôi đã bố trí, an hem đừng hốt hoảng…”
Trong khi ấy thiếu nữ bước tới máy vi âm nói
to: “Nhân sắp đến ngày 10-12 kỷ niệm 7 năm thành lập MTGPMN, thì bị anh Toại
giựt máy vi âm lại không cho nói.
Tên VC đứng gần một tay gạt anh Toại một tay
chĩa súng vào bụng anh nổ một phát. Hỗn loạn xảy ra, tên VC bắn thêm mấy phát
nữa và thừa lúc lộn xộn cả hai đã tẩu thoát.
Mấy phát súng đó đã làm cho cô Nguyễn Mỹ Lan,
nữ sinh đệ II Lê Văn Duyệt bị đạn phớt ở lưng, anh Nguyễn Văn Tấn bị đạn trúng
đầu gối bên trái, anh Lê Ngọc Sơn sinh viên Dược Khoa bị đạn bể xương sườn bên
trái.
Tất cả được đưa vào bệnh viện Bình Dân cứu
chữa. Bệnh trạng anh Ngô Vương Toại rất trầm trọng. Bác sỹ phải giải phẫn lúc
23 giờ và cho biết viên đạn xuyên đứt mạch máu ở dạ dầy và rách 4 đọan ruột.”
Không lung lay
Sau khi Tọai bị đặc công Cộng sản bắn trọng
thương thì một số sinh viên thân Cộng đã bỏ Sài Gòn vào bưng với Cộng sản trong
vụ Tết Mậu thân năm 1968 dưới cái nhãn “Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình”
Nhưng chàng Sinh viên Văn khoa Ngô Vương Tọai,
sau khi bình phục đã không hề nao núng mà còn tham gia các hoạt động chống Cộng
sản mạnh mẽ hơn.
Toại làm Phóng viên, viết bài cho nhiều báo
nhưng rõ nét nhất là trên các tờ Tìm Hiểu, Tin Sống và Sóng Thần. Hai bút hiệu
Thạch Miên và Tiểu Ba được anh chọn đề tên cho nhiều bài viết trong cuộc đời
làm báo.
Khi làm cho đài Phát thanh Á Châu Tự Do ở Hoa
Thịnh Đốn trước khi nghỉ hưu thì bút hiệu Phạm Điền đã được Toại sử dụng.
Ngô Vương Toại là người mê làm báo hơn nhiều
ông bà Chủ nhiệm các báo nhận anh làm phóng viên. Toại còn là người bạn của bạn
mình và của mọi người không phân cấp. Và không ai có thể buồn một người lúc nào
cũng nhoẻn miệng cười tươi thân thiện, kể cả những lúc sức khỏe của Tọai đã tàn
dần trên khuôn mặt của chứng suy yếu gan.
Mới tháng 7 năm 2013, khi Ký giả Lê Thiệp, bạn
của Tọai qua đời, cựu Ký giả Việt Nam Thông tấn xã Trần Công Sung từ Pháp qua
đưa đám đã bông đùa với các bạn ngay tại Nhà quan:”Cậu Toại tuy yếu đấy nhưng
còn lâu mới đi dược. Cậu đã qua nhiều phen nên chai rồi.”
Toại cười rộ lên chêm vào:” Tôi đã quá đát
rồi!”
Cũng với thái độ sống lạc quan này đã đưa Toại
vào làng báo Việt Nam ở Hoa Kỳ. Vào năm 1983, Toại đã bỏ “làm công cho chủ
Building Mỹ” để cùng làm báo chung với Thi sỹ quá cố Giang Hữu Tuyên trên Tuần
báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo.
Vài năm sau Tọai một mình “ra quân” với Bán
Nguyệt báo Diễn Đàn Tự Do nhưng cũng chỉ cầm cự được một số năm vì Toại không
có khiếu làm Chủ báo.
Tuy sống ngắn nhưng Diễn Đàn Tự Do cũng đã để
lại cho độc giả ở mọi nơi, đặc biệt vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhiều kỷ niệm rất
đáng trân quý với nội dung đứng đắn, thông tin trung thực và các buổi “Đêm Diễn
Đàn Tự Do” với nhiều khuôn mặt văn nghệ lớn thời Việt Nam Cộng Hòa.
Cuộc sống của Ngô Vương Toại là một thời khó
quên vì tên anh đã gắn liền với những thăng trầm của cuộc chiến Quốc-Cộng ở Sài
Gòn thời 1967.
Khi sống tị nạn ở Mỹ, có lẽ ít người còn nhớ
đến tờ Diễn Đàn Tự Do nhưng không ai có thể quên được hình ảnh một Ngô Vương
Toại đã gắng sức vịn vào chiếc Walker đi hàng đầu trong đoàn biểu tình của một
ngày tưởng niệm 30/4 ở Thủ độ Hoa Thịnh Đốn./-
Ngô Vương Toại sinh ngày 12 Tháng 04 năm 1947
tại Làng Bái Thượng, Tỉnh Thanh Hóa đã tạ thế lúc 12:22 AM, ngày 03 Tháng 04
Năm 2014 tại Nhà thương Fairfax, Virginia.
Anh để lại người vợ đảm đang Nghiêm Thị Lan, 3
người con, một con Dâu và 2 cháu nội./-
Phạm Trần
No comments:
Post a Comment