Saturday, April 5, 2014

NGÔ VƯƠNG TOẠI – NGƯỜI CHẾT HAI LẦN

Nguyễn Bảo Trân
Đọc hai mẩu tin có nội dung: 
- Hai sinh viên bị đặc công CS bắn trọng thương trong đêm văn nghệ Trịnh Công Sơn- Khánh Ly ngày 16/12/1967 tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Saigon đều đã qua đời tại Hoa Kỳ: Nhà báo Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn bị bắn gãy chân, qua đời ngày 15/12/2013 tại San Jose. Nhà báo Ngô Vương Toại bị bắn lủng dạ dày, qua đời ngày 3 tháng 4 năm 2014 tại Virginia (Phạm Bằng Tường) 

-“Sinh viên Ngô Vương Toại - Giữa cái sống và cái chết”. Đó là tựa đề một bản tin của hãng TV (Tin Việt) viết ngày 18/11/1967 được các báo ở Sài Gòn đăng tải, hai ngày sau khi sinh viên Ngô Vượng Toại bị đặc công Cộng sản bắn trọng thương tại Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn (Phạm Trần) 
Tôi nhớ trong quyển sách Nửa Thế Kỷ Việt Nam (Cội Nguồn California 2010) của tác giả Song Nhị có viết về biến cố này. Tôi tìm quyển sách, rồi như đang đứng tại hiện trường khi đọc lại mấy trang tác giả Song Nhị viết về biến cố Ngô Vương Toại và Nguyễn văn Tấn bị bắn tại đại học Văn Khoa ngày đó. 
Với đề mục “Mặt Trận Sinh Viên Đại Học Sài Gòn”, quyển sách viết:

Để chuẩn bị cho cuộc “tổng tiến công nổi dậy” vào Tết Mậu Thân, theo Trần Bạch Đằng, từ năm 1966 Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung Ương Cục kiêm Bí thư Khu Sài Gòn-Gia Định cho ra đời “Thành đoàn Thanh Niên Lao động Hồ Chí Minh” đặt trọng tâm công tác xâm nhập, tổ chức, kết nạp giới trẻ tại các thành thị miền Nam, chủ yếu tại hai thành phố lớn Huế và Sài Gòn. Lực lượng Sinh viên Học sinh tại hai thành phố này rất đông nên là mục tiêu ưu tiên của “Khu đoàn Thanh Niên Nhân dân Cách Mạng khu Sàigon-Gia định”, thuộc “Hội Liên Hiệp Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Giải phóng”. 
Năm 1967 thí điểm đầu tiên của “Thành đoàn Thanh Niên Lao động HCM” là cuộc hội nghị Sinh viên Liên Viện tại đại học Vạn Hạnh, và cuộc bầu cử Ban đại diện Sinh Viên Vạn Hạnh sau đó do các sinh viên cán bộ Thành đoàn phối hợp giữa Tổng hội Sinh viên Sài Gòn của Hồ Hữu Nhựt, Trần Thị Lan và Ban Đại diện sinh Viên Vạn Hạnh đứng ra tổ chức bị bẻ gãy. 

Sau khi gặp thất bại hai công tác “hội nghị hiệp thương” và bầu cử tại Vạn Hạnh, “Đêm Quang Trung” đốt lửa trại tại Trường Quốc Gia Hành Chánh cũng không đạt được kết quả nào, và mục tiêu “Tổng tiến công nổi dậy” Tết Mậu Thân hoàn toàn bị vô hiệu hóa, Thành đoàn Thanh niên cộng sản hướng các hoạt động tới các phân khoa thuộc Viện đại học Sài Gòn, gồm Luật Khoa, Văn Khoa, Y Khoa, Đại học Dược, Khoa Học, Văn Khoa, Nông Lâm Súc, Đại học Kiến Trúc, Cao đẳng Công Chánh, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Đại học Sư Phạm v.v...

Từ niên khóa 1966-1967 Tổng Hội Sinh Viên (Viện Đại Học) Sài Gòn do Hồ Hữu Nhựt làm Chủ tịch. Ba nhiệm kỳ tiếp theo, các Sinh viên cán bộ Thành đoàn: Nguyễn Đăng Trừng, Nguyễn Văn Qùy, và Huỳnh Tấn Mẫm nắm chủ tịch Ban Đại diện, khống chế các hoạt động của Sinh viên cho tới niên khóa 1970-1971 liên danh của Lý Bửu Lâm (Chủ tịch Ban đại diện SV Kiến Trúc) khuynh hướng Quốc gia đắc cử Chủ tịch trong cuộc bầu cử vào ngày 20-6-1971.

Những tên tuổi nổi lên trong giới Sinh viên thiên tả từ sau đó (1967-1973) có Nguyễn Đăng Trừng, Trịnh Đình Ban, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Hữu Thái, Lê Văn Nuôi, (học sinh Cao Thắng), Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, Dương Văn Đầy, Trần Thị Lan... Bọn này dấy lên nhiều hoạt động chống đối chính quyền, chống chiến tranh, chống chương trình Quân sự Học đường, chống bầu cử, chống “đàn áp Sinh viên học sinh”.

Chương trình văn nghệ “hát cho đồng bào tôi nghe” đầu tiên do Tôn Thất Lập rồi Trương Thìn, Trần Xuân Tiến làm trưởng đoàn. Sau năm 1970 đoàn Văn Nghệ SV Vạn Hạnh được thành lập, gia nhập vào phong trào, Nguyễn Kim Hạnh (sau 1975 là Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) làm trưởng đoàn thay Trần Xuân Tiến.

Kể từ ngày Hội Liên Hiệp Thanh Niên Sinh Viên Học sinh Giải phóng ra đời, Thành đoàn đã gặp thất bại, hay đúng hơn đã bị bẻ gãy ba kế hoạch lớn nhằm chuẩn bị cho tổng công kích nổi dậy Tết Mậu Thân. Thất bại đầu tiên trong năm 1967, là cuộc hội nghị Sinh viên Liên viện “đòi Thiệu Kỳ từ chức, chống chiến tranh xâm lược, đòi Mỹ ngưng oanh tạc miền Bắc, đòi Mỹ rút, đòi công nhận Mặt trận Giải Phóng Miền Nam” bị sinh viên phe hữu phản công tẩy chay, không gây được tiếng vang nào. (Sư ông Nhất Hạnh khi sang Mỹ năm 1967 cũng công khai đưa ra đòi hỏi này – người viết, không có trong sách). Thất bại thứ hai là đám SV cán bộ Thành đoàn và nhóm SV thiên tả không nắm được Ban Chấp hành Tổng hội SV Vạn Hạnh. Thất bại thứ ba, cay cú nhất của Thành đoàn cộng sản là mất quyền lãnh đạo Ban Chấp hành Tổng hội sinh Viên Sài Gòn.

Sau khi SV Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát tại trường Luật và Sinh viên Bùi Hồng Sĩ bị bắn, đến lượt Ngô Vương Toại, Nguyễn Văn Tấn (bút hiệu Cao Sơn) bị bắn trọng thương tại Đại học Văn Khoa.

Tối hôm đó tại hội trường Đại học Văn Khoa, đường Cường Để, Liên danh Trần Như An (Chủ tịch), Phạm Tài Tấn (bút hiệu Thư Sinh, Phó Chủ tịch), Bùi Bảo Trúc (Phó Chủ tịch) và Ngô Vương Toại (Tổng Thư Ký), tổ chức buổi văn nghệ vận động tranh cử. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly liên tiếp trình bày nhiều bài ca trước một cử tọa rất đông hâm mộ.

Giờ giải lao, một đôi nam nữ ăn mặc như sinh viên xuất hiện. Người nữ mặc áo dài, tay ôm cặp, mắt đeo kiếng bước lên sân khấu tiến lại cầm máy vi âm mở lời: “Xin tất cả anh chị em yên chí. Chúng tôi đã bố trí chung quanh cả rồi. Hôm nay nhân kỷ niệm bảy năm thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam...”. Vừa nói tới đó thì SV Ngô Vương Tọai chận lại: “Bậy nà! Câm mồm!” và giựt lại microphone. Người nam đặc công cộng sản từ phía sau bước lên đưa tay xoay người Toại về phía mình và rút súng bắn vào bụng Ngô Vương Toại. Nguyễn Văn Tấn (Cao Sơn) nhanh tay cúp hệ thống âm thanh, bâng cái bàn ném vào người kẻ nổ súng và nhào lên tiếp cứu bạn liền bị tay đặc công bắn trúng chân, ngã quỵ. Nhiều phát súng bắn lên trần nhà, bắn ra bốn phía liên tiếp sau đó. Hai cán bộ CS nhanh chân rời bục sân khấu, lẩn vào đám đông hỗn loạn, biến vào bóng đêm. Khuya hôm đó Trịnh Công Sơn phải đi lánh nạn nơi khác.

Sau khi Ngô Vương Toại bị bắn, SV Nguyễn Ngọc Ngạn (Paris By Night) thay Toại trong chức vụ Tổng Thư Ký. Một tuần lễ sau đó, dù chân trái còn băng bó Nguyễn Văn Tấn và một số người trong Hàng ngũ sinh Viên quốc Gia tổ chức đêm văn nghệ tại “Quán Văn” ở đại học Văn Khoa cũ, (đường Nguyễn Trung Trực), một SV nằm vùng ngồi phía sau lên tiếng hăm dọa giết Trịnh Công Sơn khi thấy Trịnh Công Sơn đang hát. Thực ra người đang hát là Hoàng Xuân Sơn có dáng người rất giống Trịnh Công Sơn nhạc sĩ.

Ca sĩ Khánh Ly sau đó đã tuyên bố “Nếu Ngô Vương Toại và Nguyễn Văn Tấn chết, Khánh Ly sẽ bỏ hát”.

Còn Trịnh Công Sơn khi nhìn thấy hành động rừng rú giết người của đám cán bộ đặc công VC đã sáng tác ca khúc “Nhân Danh Ai - Hát cho Toại Tấn” mà một số SV hồi đó thuộc, nay còn nhớ loáng thoáng: “Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người, cho máu em, cho máu anh tuôn trên da thịt này. Nhân danh ai anh đến đây bắn đồng loại. Lũ dơi trời đêm nay vùng biết nói/ Nhân danh ai anh đến nay bắn vào người/ Trong mắt anh, trong mắt em, hãi hùng.../ xin nhân loại một ngày nhủ lòng thương mến nhau thôi/ Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người...” - (Hết trích)

Nguyễn Bảo Trân


No comments:

Post a Comment