Pierre Darcourt là một
nhà báo người Pháp sinh năm 1926 tại Saigon và đã sống từ lúc khởi đầu cho đến
hồi kết cuộc của chiến tranh Việt Nam. Suốt Tháng Tư 1975, ông sát cánh với các
đơn vị VNCH giờ chót tại các phòng tuyến ven đô cho tới ngày cuối cùng và chỉ
rời khỏi Saigon vào buổi trưa 29 tháng 4 năm 1975.
Sau đây là phần trích lược
từ sách "Vietnam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils" của ông, do Cựu Đại Tá
Dương Hiếu Nghĩa dịch ra Việt ngữ.Tân
Uyên, một quận lỵ nhỏ cách căn cứ Không Quân Biên Hòa khoảng chục cây số đã bị
pháo binh Bắc Việt biến thành một đống tro. (2000 quả pháo trong 3 tiếng đồng
hồ). Biên Hòa đã có lệnh giới nghiêm 24 trên 24 giờ. Ở 5 cây số về hướng Đông
Bắc của Sài Gòn, trực thăng đã tiêu diệt bằng rốc kết và liên thanh một đơn vị
nhỏ đặc công Bắc Việt trong lúc họ đang cố phá một chiếc cầu. Cách đó khoảng 4
cây số về hướng Đông là trung tâm Thành Tuy Hạ, kho đạn dược chính của quân đội
Miền Nam, không xa Cát Lái bao nhiêu, một căn cứ hải vận trên bờ sông Sài Gòn.
Nếu cộng sản làm chủ được khu nầy thì tình hình sẽ không còn hy vọng gì cho
quân đội Miền Nam Việt Nam. Có nhiều tàu chiến của giang đoàn đã cho đổ bộ lên
đây 3 đại đội Thủy Quân Lục Chiến để họ bám trụ ở đây.
Vào
lúc 9 giờ sáng, tôi đi theo xa lộ Biên Hòa. Một đoàn xe trên một chục chiếc
thiết giáp bắn tạc đạn 105 ly, có thiết vận xa M113 dẫn đầu chở đầy bộ binh
trên đó đang trên đường ra trận tuyến.. Cảnh sát dã chiến được bố trí với súng
liên thanh trong các hố dọc bên đường. Trước cầu sông Đồng Nai, cách 25 cây số
về phía Đông Bắc Sài Gòn, quân đội đã dựng lên một hàng rào cản. Phía bên kia
hàng rào cản nầy là an ninh không được bảo đảm. Các chiến xa đến vị trí của họ.
Một đại úy Việt Nam chận xe tôi lại:
-
Ông đi đâu?
-
Tôi đi Long Thành.
Vừa
nói tôi vừa đưa thẻ báo chí của tôi ra. Si quan nầy lắc đầu và nói với tôi:
-
"Ông có thể đi thử. Nhưng ông đến đó chắc không được đâu, hoặc tuy nhiên
nếu ông đi đến đó được thì ông cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để trở về. Các
chiến xa đang đánh nhau trong vùng. Nhiều đơn vị của sư đoàn 18 đã rút về Bà
Rịa và đã đến tiếp tay với các sĩ quan tập sự của trường Thiết Giáp vốn đang bị
bao vây và đang bị T.54 bắn vào. Binh sĩ của chúng ta di chuyển quá khó khăn vì
các đoàn dân chúng đang tản cư.
Pháo
binh cộng sản đã bắn hàng chục tràng rốc kết và đại bác 30 ly vào trại tiếp cư
An Lợi, kế cận Long Thành, ở đó đang tập trung gần 100 ngàn dân tản cư. Hơn 200
người chết. Tất cả dân tỵ nạn đều bỏ chạy về hướng biển. Nhưng họ không đi xa
hơn được vì con đường đi Vũng Tàu đã bị cắt đứt. Đoàn xe của Hội Hồng Thập Tự
Việt Nam rời Sài Gòn từ sáng hôm qua mang theo lương thực cho những người dân
khốn khổ trong tuyệt vọng nầy, đã có nhiều xe bị cháy khi đi gần đến Long Thành
nên họ phải thối lui trở về."
Có
hai người Pháp tự nguyện trong tổ chức "Bác Sĩ Không Biên Giới", một
hiệp hội thiện nguyện từng gởi các thầy thuốc làm việc không thù lao đi khắp
nơi nào có đánh nhau trên thế giới, đến trình diện ngay rào cản. Họ có giấy
thông hành và muốn cố gắng đến bệnh viện mà họ đã làm việc trong trại An Lợi
mấy ngày trước. Binh sĩ xem giấy tờ và cho họ đi qua.
Viên
sĩ quan trả thẻ báo chí lại cho tôi và nói thêm:
"Trái
với tin đồn đãi ở Sài Gòn,căn cứ Biên Hòa vẫn còn. Và các chiến xa của Chánh
Phủ đã vào Hố Nai để tiếp tay cho các chiến sĩ trẻ ở đó. Chào ông.
Đến
lượt tôi bước qua rào cản.
Quốc
lộ gần như vắng tanh. Dân chúng đã cân nhắc kỹ nên tránh xa quốc lộ và băng
đồng mà đi. Xa hơn một chút, tôi hiểu ngay tại sao.
Phía
bên trái cách lề đường chừng 20 thước có 2 chiếc xe vận tải bị vỡ tan vì đạn
pháo, đang cháy và bốc lên một mùi khét rất khó chịu của dầu lẩn thịt người.
Phía bên phải, là một sườn xe nát vụn của chiếc xe ba bánh Lambretta làm tôi
nổi da gà: tử thi của một đứa trẻ khoảng 10 tuổi bị treo lủng lẳn ở phía sau
thùng xe, hai tay lòng thòng, đầu bị mảnh đạn cắt đi quá nửa đến cặp mắt. Trong
một góc của thùng xe phía sau còn có hai xác chết, một của người đàn bà và một
của bé gái ôm nhau nằm bất động, cả ngực và mặt đều bể nát máu me vương vãi.
Cách đo 2 thước gần một lỗ được đào hơi cạn dựa nền đường nhựa còn một mảnh kim
khí cong vẹo đánh dấu nơi viên đạn rốc kết đã nổ và gây ra một sự tàn sát bẩn
thỉu mù quáng nầy.
Một
sự yên lặng kỳ lạ bao trùm chung quanh căn cứ Long Bình cũ của người Mỹ. Các
làng mạc đầy sức sống vừa mới mấy ngày trước đây đang ồn ào náo nhiệt thì nay
đã tản cư hết rồi.
Các
lô cốt dọc theo quốc lộ được các sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Dalat
trấn giữ. Những sinh viên sĩ quan trẻ từ 18 đến 20 tuổi đầu, sạch sẽ, gọn ghẽ
và bóng láng như những chú lính trong tủ kính. Trên ba lô của họ đặt dưới đất
là mũ cát kết truyền thống vàng đỏ của sinh viên trường võ bị….
Một
anh sinh viên sĩ quan nói với tôi bằng một giọng gần như rất trịnh trọng:
"Chúng
tôi sẽ đội mũ sinh viên lên khi thấy mình phải chết!
Trong
những năm 1965 -1972, Long Bình là một trong những căn cứ tiếp vận lớn nhất của
Hoa Kỳ ở Viễn Đông. Một doanh trại quân sự rộng mênh mông trải dài trên gần hơn
7.000 mẫu tây đất, gồm hơn 100 trại lính, những sân trực thăng, bệnh viện…. tất
cả đều được nối liền nhau bằng một hệ thống đường sá đẹp như xa lộ. Trên 30.000
lính Mỹ và Lữ Đoàn Không Kỵ số 1 với gần 3000 chiếc trực thăng đã đóng quân tại
đây. Một "trung tâm giải trí" gồm có một sân khấu ngoài trời (dành
cho các màn biễu diễn của các cô gái tóc hồng tóc hoe của anh hề trứ danh Bop
Hope), một hồ bơi lội thế vận, một nhà chơi bowl, nhiều sân quần vợt, 3 sân bắn
tên, những câu lạc bộ đánh bạc, các phòng đấm bóp và một nhà hàng Tàu. Bây giờ
Long Bình chỉ còn là một cảnh trí rộng lớn đầy cỏ dại với một vài gian nhà rỉ
sét, những ụ chiến đấu bằng bao cát và trăm bạn trẻ gan dạ đang sẳn sàng chết
với chiếc mũ sinh viên sĩ quan truyền thống trên đầu.
Xa
xa là những tiếng pháo binh bắn đi từng quả một hòa lẫn với tiếng quay đều đều
của các cánh quạt trực thăng đang bay từng đoàn hai hay ba chiếc trên không..
Đi
về phía trước một đỗi nữa, tôi gặp một trung đội biệt động quân với mũ nâu trên
đầu, quần áo đầy vết mồ hôi loang lổ, với các khẩu trung liên hay M.16 trên
tay. Và tiếp theo đó là các đơn vị tiền sát của sư đoàn 18 từ Bà rịa đến. Đơn
vị chính của họ đang chạm súng chung quanh Long Thành,.cố phá vỡ vòng vây của
cộng sản để tiến tới bố trí sát tường Biên Hòa. Nhưng vòng vây sẽ khó mà phá
nổi.
Hai
cây số kế tiếp thì quốc lộ trở nên đen kịt: một làn sóng người tỵ nạn vĩ đại
đang đi theo binh sĩ từng bước một, ồ ạt đi sát nhau, người thì chống tó, người
thì chống gậy, các bà thì gánh gồng mang trên vai đủ mọi loại vật dụng, các trẻ
nhỏ 6,7 tuổi cõng em chúng trên lưng, mấy ông già mù được các em bé gái nắm tay
dắc….
Quân
đội đang đánh nhau hai bên đường, cách đây khoản 3 cây số, nơi có nhiều cột
khói đen dày đặc bốc lên cao.
Khi
đi vòng qua một con đường mòn dẫn tới một vị trí phòng thủ hơi cao do 2 chiến
xa, một đại đội thuộc sư đoàn 18 trấn đóng với vài khẩu pháo 105 ly, tôi mới
khám phá ra tầm rộng lớn kinh khủng của đoàn người. Trải dài khoảng ba hay bốn
cây số trên đường chỉ là một giòng người nhấp nhô như một giòng sông vĩ đại
đang chảy về Long Bình và Biên Hòa. Cả trăm ngàn con người cùng một tâm trạng
hoảng hốt trong ngơ ngác, cùng có một nỗi lo sợ và một quyết tâm phải chạy trốn
… đang im lặng tiến từng bước, không một tiếnng nói, không một tiếng kêu la,
trong một sự yên lặng hoàn toàn quá đổi kinh ngạc!
"Tất
cả đều chạy đi từ trại tiếp cư An Lợi, cộng thêm một số lớn dân Long
Thành"
Đó
là nhận xét của một sĩ quan đang dùng ống dòm quan sát đoàn người di chuyển.
Hai vị bác sĩ mong đến An Lợi đã hiểu rằng họ không bao giờ thấy được bệnh viện
của họ nữa nên đã quay trở lại. Làm sao có đủ can đảm tìm lại được chiếc xe và
đi ngược lại về phía An Lợi, xuyên qua khối người khốn khổ đi bộ nầy mà không
thể giúp được gì để làm vơi nỗi khổ đau của họ ?
Viên
sĩ quan mang ống dòm quay lại tôi và nói:
"Ông
có biết tại sao họ phải đi như vậy không ? Họ phải đi chung từng nhóm cả gia
đình với nhau vì cha mẹ lẫn con cái đều biết rằng chỉ một chút lơ đỉnh thôi là
họ có thể bị xa rời nhau vĩnh viễn, không còn nhìn thấy nhau nữa và không bao
giờ còn gặp lại nhau được nữa. Nhờ thế họ mới có một động lực kết chặt với nhau
một cách thật xúc động như vậy.
Để
trở lại Biên Hòa, phải vạch lấy đường đi và chạy thật chậm, cảng xe luôn dính
sát với người đi bộ, mà phải luôn tỉnh táo để khỏi phải cán lên họ. Đoàn người
giạt ra từ từ. Không có một hành động hay cử chỉ nào tỏ ra chống đối, tuyệt
nhiên không có một lời trách móc.Tôi chỉ có một sự nóng lòng không biết làm
cách nào để "bay" ra khỏi đoàn người dày đặc nầy … !
Đến
đoạn giữa Biên Hòa và Sài Gòn giòng người tản cư tự cắt ra thành nhiều đoàn để
đi vào hàng chục trại tiếp cư được cấp tốc dựng lên từ nhiều ngày trước. Trên
đường cũ đi Biên Hòa, thường vắng xe từ khi có xa lộ, nên dân chạy loạn cố giữ
bên phải nhường đường cho xe quân sự chở đầy đạn dược. Hàng chục ngàn thường đi
từng hàng dài với đủ mọi loại phương tiện. Xe bò của nông dân (có bò kéo), xe
ba bánh đầy ấp đến độ sàn xe muốn đụng mặt đường, xe đạp thồ chở nặng còn hơn
lừa, và đi bộ. Họ mang theo tài sản duy nhất của họ: một con gà trống nhốt
trong giỏ tre, một chú heo con trong một thùng mủ nhỏ, có cơm. Ba cô tu sĩ được
đèo chung trên một chiếc mô tô đang qua mặt mọi người. Và không một ai chú ý
đến một thân người rách nát cả lưng đang lê lết dựa bên đường.
Khi
đám đông tràn ra đường dành cho quân xa đang đi ra tiền tuyến thì binh sĩ bắn
chỉ thiên để cho họ tránh ra hai bên đường.
Trong
nghĩa trang quân đội Biên Hòa, một nghĩa trang lớn nhất ở Miền Nam, hàng chục
hố vừa mới được đào chung quanh một ngôi mộ còn dang dỡ. Trên hai chục chiếc
quan tài có phủ cờ, được sấp dài gần văn phòng của nghĩa trang, mỗi chiếc đều
có mang tên tuổi, ngày tháng và địa điểm hy sinh. Hầu hết các binh sĩ nầy đều
bị tử thương mấy ngày cuối cùng gần đây ở chung quanh thành phố. Người ta đang
chôn một thiếu tá Dù. Trong số vài người dân sự đang đứng chung quanh đội kèn
quân sự và một tiểu đội linh mũ đỏ, có một bà vợ trẻ, rất đứng đắn và rất đẹp
mặc áo tang trắng, đang khóc trong lặng lẽ. Một em bé gái khoảng 10 tuổi đang
ôm sát mẹ như một con chim đang sợ sệt…
No comments:
Post a Comment