Cuối tháng ba, đầu tháng tư năm 2014, một loạt
các tù nhân chính trị được trả tự do tại Việt Nam. Ngay lúc ấy, ông Hà Sĩ Phu,
một trí thức bất đồng chính kiến sống tại Đà Lạt nói với chúng tôi rằng:
“Những người tù này là cái vốn của đảng cộng sản. Hoa kỳ yêu cầu thả Cù Huy Hà Vũ hay Vi Đức Hồi, thì tôi thả đây. Đổi lại thì các ông (Hoa Kỳ) phải nới rộng cho chúng tôi cái này cái kia.
Tuy nhiên thả một chiến sĩ dân chủ ra thì dù
sao cũng là một sự nhượng bộ đối với dân chủ. Nhưng họ lại sợ rằng, anh em dân
chủ, các hội đoàn dân sự tưởng rằng đây là dịp tốt để mở rộng tranh đấu nên họ
phải có ngay một giải pháp để bù lại. Anh đừng tưởng tôi xuất ra cho anh như
thế là tôi nới lỏng đâu nhé.”“Những người tù này là cái vốn của đảng cộng sản. Hoa kỳ yêu cầu thả Cù Huy Hà Vũ hay Vi Đức Hồi, thì tôi thả đây. Đổi lại thì các ông (Hoa Kỳ) phải nới rộng cho chúng tôi cái này cái kia.
Ngày 5/5/2014 ông Nguyễn Hữu Vinh, người từng
điều hành trang thông tin điện tử Ba Sàm được rất nhiều người truy cập tại Việt
Nam, bị bắt. Cùng bị bắt với ông có chị Minh Thúy cũng được cho là tham gia vào
việc điều hành trang mạng Ba sàm. Ông bị bắt bởi điều luật 258 của hình
luật Việt Nam, mang nội dung: thực hiện các hành vi đăng tải các bài viết trên
mạng internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin
trong nhân dân về cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, công dân.
Yếu tố Trung Quốc hay đấu đá chính trường
Việc bắt giữ ông Vinh gây nên sự quan tâm
trong giới có quan tâm đến chính trị xã hội Việt Nam. Có ý kiến cho rằng đây là
một xung đột chính trị trong thượng tầng của tầng lớp cầm quyền tại Việt Nam vì
ông Vinh có xuất thân từ gia đình một cán bộ cao cấp. Tuy nhiên các bloggers có
tiếng ở Việt Nam không hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ này. Ông JB Nguyễn Hữu
Vinh, một blogger nói:
“Ông Nguyễn Hữu Vinh Ba Sàm là con một Ủy
viên trung ương đảng thì cũng chưa phải là cái gì ghê gớm lắm, và cha ông cũng
đã mất rồi nên tôi không nghĩ rằng việc bắt bớ này là do cái gì đó ở thượng
tầng kiến trúc.
Nhưng cũng có thể là chuyện phe này nhóm kia
đối với những vấn đề đất nước đang đối mặt, như là nhân quyền hay là thả tù
nhân chính trị.”
Blogger Nguyễn Lân Thắng từ Hà nội thì có phần
tin hơn vào sự xung đột quyền lực:
“Tôi thấy việc bắt anh Nguyễn Hữu Vinh là
một chuyển biến chính trị lớn ở Việt Nam. Thực ra tôi biết là có rất nhiều
người trong lòng chế độ này ủng hộ anh ấy. Cho nên việc bắt một blogger như vậy
thì sự ủng hộ ông ta không đơn giản là từ phía người dân mà còn từ phía những
người trong bộ máy.”
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, từng là phóng viên
kỳ cựu của báo Thanh niên thì nêu ra những trường hợp các blogger được cho là
có nhiều kết nối trong guồng máy chính trị bị bắt trước đây để so sánh với
trường hợp ông Nguyễn Hữu Vinh:
“Tôi thì thấy không biết do ngẫu nhiên hay
có ý mà trong thời gian vừa rồi một số bloggers bị bắt được cho là có những
nguồn tin khá thân cận, như anh Trương Duy Nhất, anh Phạm Viết Đào, rồi bây giờ
là anh Vinh.”
Blogger Mẹ Nấm, người đề xướng việc ký tên đòi
bỏ điều luật 258 được cho là dễ gây ra lạm quyền trong hình luật Việt Nam thì
nói rằng chị không tin vào chuyện xung đột ở thượng tầng kiến trúc chính trị.
“Thật ra tôi không tin việc này có liên
quan đến xung đột thượng tầng kiến trúc ở mức độ nào đó đâu. Đã có dự đoán là
blogger Anh Ba Sàm sẽ bị bắt cách đây một tháng từ blogger Beo. Chứng tỏ là
người ta đã chuẩn bị việc bắt bớ này từ trước chứ không phải tùy thuộc vào thời
điểm.”
Thời điểm mà blogger Mẹ Nấm đề cập chính là sự
kiện dàn khoan biển Hải Dương của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế
Việt Nam trong những ngày đầu tháng Năm này. Từ đó dấy lên đồn đoán rằng do ông
Nguyễn Hữu Vinh Ba Sàm có thái độ chống Trung Quốc mạnh mẽ nên việc bắt ông là
để ngăn cản dư luận chống đối thái độ của nhà cầm quyền đối với Trung Quốc.
Với quan điểm này, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh
nói:
“Anh Ba Sàm là một người có tinh thần nồng
nàn đối với vấn đề biển đảo của đất nước, cho nên việc anh bị bắt trong thời
điểm khi mà giặc đã cắm giàn khoan vào vùng biển của đất nước thì không loại
trừ có điều gì đó liên quan.”
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói rằng cả ba người,
Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Nguyễn Hữu Vinh Ba Sàm đều có tinh thần chống
Trung quốc xâm lược.
Anh Nguyễn lân Thắng thì nói là hiện nay các
tin tức về chuyện giàn khoan Trung quốc đang tràn ngập các trang mạng không do
chính phủ kiểm soát, tuy nhiên chưa có gì chắc chắn để khẳng định rằng việc gây
hấn của Trung Quốc và vụ bắt giữ ông Nguyễn Hữu Vinh có những mối liên quan.
Xóa bỏ điều 258 vẫn là vấn đề quan trọng nhất
Trở lại với điều luật 258 được dùng để bắt ông
Nguyễn Hữu Vinh, blogger Mẹ Nấm cho rằng đó mới là điều quan trọng mà giới
blogger cần phải đấu tranh sau vụ bắt bớ này:
“Cái cuối cùng cần phải thấy đó là điều 258
nó có thể bắt bất cứ người nào khi người ta muốn chứ không phải là đánh giá
người này người kia nằm ở chỗ nào hay xung đột như thế nào. Không ai biết là
chúng ta sẽ bị bắt lúc nào, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc
phản đối điều luật 258.”
Chị cũng cho biết thêm là ngay sau vụ bắt bớ
xảy ra thì mạng lưới blogger mà chị là thành viên đã lên tiếng thúc giục các
thành viên tiếp tục cuộc vận động yêu cầu xóa bỏ điều luật 258 cũng như sẽ vận
động đòi hỏi nhà nước Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Hữu Vinh cùng chị
Minh Thúy. Và chị cho rằng việc bắt bớ này không làm cho cộng đồng blogger
khiếp sợ.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đồng tình và phát
biểu:
“Nói chung là nó không đe dọa được ai. Ai
mà làm việc vì lý tưởng của mình, xác định con đường mình đi là đấu tranh cho
tự do báo chí, đấu tranh cho một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân sự, thì
chuyện bị bắt hay không nó không quan trọng. Khi có ai bị bắt thì có sự cảm
thông rằng người bạn mình bị đi tù vì sự sai trái của điều luật 258 chứ không
ảnh hưởng gì.”
Khi đề cập đến xã hội dân sự thì cũng xin nhắc
lại rằng cách đây ít hôm, một cựu quan chức cao cấp là ông Trương Đình Tuyển
tuyên bố tại một hội nghị ở thành phố Hạ Long rằng đã đến lúc phải công nhận xã
hội dân sự. Ngay sau đó trang mạng Diễn đàn xã hội dân sự do Tiến sĩ Nguyễn
Quang A và một số trí thức chủ trương đã không còn truy cập được.
Và cho đến hết ngày 5/5 thì những tin tức báo
chí liên quan đến vụ giàn khoan Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa Việt Nam chỉ
có một số báo như Thanh Niên, Petro Times, Tuổi trẻ,… đưa tin về việc phản đối
của bộ ngoại giao Việt Nam. Hai tờ báo lớn của đảng cộng sản là Nhân dân và
Quân đội Nhân dân thì thì mãi đến cuối ngày 6/5 mới đưa tin này theo ưu tiên số
hai so với vụ Nguyễn Hữu Vinh Ba Sàm dù rằng vụ giàn khoan xảy ra trước.
No comments:
Post a Comment