CHƯƠNG 9
Mùa xuân qua rất nhanh. Rồi mùa hè. Cậu Chính
tôi không đến nữa. Mẹ tôi không còn buồn khổ như hồi đầu tiên, khi bị cậu hất
hủi. Tôi học khá, mỗi tháng 1 lần tôi viết thư cho cô Tâm báo cáo việc học
hành. Từ nay, tôi là con người khác, tôi có guồng máy khác thống trị. Đó là
vinh quang của dòng họ Trần, của ông tôi, của bố tôi. Và tất cả được giao lãnh
cho cô Tâm. Thư tôi gửi cho cô chỉ vài dòng. Thư cô trả lời đặc 4 trang giấy.
Phần đối thoại với cuộc đời bị ngắt quãng cô dồn cả về cho tôi. Cô kể cho tôi
nghe đủ thứ chuyện: Nào là đêm rằm tháng trước cô tới chùa Pheo, nghe sư ông
tunïg kinh cả đêâm, về nhà nhẹ lâng lâng như được uống thuốc cải lão hoàn đồnn.
Nào là trong vườn cam, còn sót lại 1 gốc ổi, sát bờ dậu. Vừa rồi gốc ổi ấy bỗng
bị mối đùn to như đống rơm, khiến người làng xôn xao bàn tán. Cô đã đi xem bói
và ông thày mù bảo đó là điềm báo trước họ Trần sắp phát quí, phát phú. Ngôi
sao ứng nghiệm lại là Thái âm nên người thành đạt là phụ nữ. Nào mùa cam năm
nay, cô bán được 6000 quả, còn lại dăm trăm quả cô vùi cát nhờ người chuyển dần
lên Hà Nội cho tôi ăn... Thư nào cũng có lời dặn dò, khích lệ.
Mùa thu năm ấy mẹ tôi chữa lại bức tường phía
sau bếp. Tôi bảo mẹ tôi bán đôi hoa tai cô Tâm cho tôi để lợp lại mái nhà, ném
tấm tôn và lớp giấy dầu đi. Mẹ tôi không chịu:
- Vốn cô Tâm cho riêng con, không đụng tới
được.
Tôi nói:
- Nhưng con muốn thế.
Mẹ bảo:
- Của cô, con không thể tùy tiện dùng.
Tôi cãi:
- Nhưng cô đã cho con.
Mẹ lại bảo:
- Cho là 1 chuyện. Cho con để con đeo. Bán đi
là chuyện khác.
Tôi cáu:
- Nhưng con còn nhỏ, con không muốn đeo vàng
trong khi ở mái nhà dột nát thế này.
Mẹ tôi thở dài, hồi lâu mẹ hạ giọng:
- Bây giờ bố con mất, mẹ nuôi con, không lo
sửa được mái nhà mẹ xấu hổ với cô Tâm, với bà con họ mạc. Thôi, mẹ xin con. Hãy
chờ mẹ ít lâu.
Từ ngày cô Tâm xuất hiện, mẹ không còn gọi tôi
là em, cũng không nựng nịu tôi nhiều như cũ. Mẹ xa hơn, e ngại, và dè chừng.
Chúng tôi vẫn sống dưới mái nhà cũ. Mái nhà mà xưa kia, dưới bòng mát của nó,
bố mẹ tôi đã thương yêu nhau và sinh nở ra tôi. 1 cuộc ái ân không ở trong cũng
không ở ngoài pháp luât. Và tôi, đứa bé không được thừa nhận, đã lớn lên như
loài cỏ không tên vẫn mọc đầy các chân tường. Mẹ không chịu bán đôi hoa tai của
tôi lấy tiền chữa mái nhà. Những ngày nắng, mùi nhựa chảy trên các tấm giấy dầu
bốc lên hôi khét, như mùi hỏa ngục. Ngày mưa, nhất là những ngày mưa thu, tiếng
mưa gõ trên mái tôn buồn kinh hoàng. 1 mái nhà chia đôi: nửa xám, nửa đen giống
2 mảnh vá cùng gá trên 1 vạt áo cũ. Hình ảnh ấy không bao giờ rời tâm trí tôi.
Cuối đông, giữa phố bỗng mọc lên 1 quán bia
nhỏ. Những tay anh chị vô nghề nghiệp tụ lại ở đó, ngươi chạy bia từ các cửa
hàng quốc doanh đem về, người bưng mẹt đồ nhắm, thông thường là lạc rang, lạc
luộc, vó bò, nộm đu đủ tới bán. Sau này quán bia phình ra mãi, thu nạp thêm
những khách nhậu lắm tiền. Chủ yếu là cánh lái xe ngoại tỉnh và đám dân buôn xe
đạp, xe máy. Người bán đồ nhắm tăng lên và cấp độ thức nhắm cũng tăng lên theo.
Ngoài những mẹt hàng nôm và lạc, còn có các gánh thịt chó, các lò than quạt lạp
sường, mực nướng, khô cá thiều nướng và thịt bò khô dầm tương ớt. Mùi thơm ngạt
ngào bay khắp phố. Lũ bợm nhậu lúc say sưa, bất cứ góc tường nào cũng loạng
quạng xô tới rót nước tiểu. Những dòng nước tiểu khô thành vệt dưới chân tường.
Mùi khai lưu cữu vào những ngày trở trời xông lên nhức óc. Ngõ phố trở nên đông
đúc, nhộn nhạo. Chợ gần kế đó cũng sầm uất lây. Mẹ tôi và các bạn hàng khấm khá
lên trông thấy. Mẹ thu góp nhặt tiền, tính toán. Mẹ mua sẵn 2 tạ sắt và vài
nghìn gạch máy dự định Tết xong sẽ nâng cao thêm tường và đổ mái bằng. Chỉ còn
lo ximăng và công thợ.
- Cứ chờ cho mẹ qua Tết.
Mẹ bảo tôi, hớn hở. Dáng điệu tự tin hẳn lên.
Có lẽ, trước sức mạnh kinh tế của cô Tâm, mẹ mặc cảm. Mẹ nghĩ rằng sự lo toan
về phương diện vật chất của người chị chồng sẽ làm cho giá trị của mẹ giảm đi.
Đôi khi, những suy nghĩ của người lớn thật phiến diện và nông cạn. Tôi nói với
mẹ:
- Mẹ không cần lo nhiều quá.
Mẹ đáp:
- Qua Tết, mẹ con mình sẽ có mái nhà mới. Khỏi
lo dột, lo nóng. Không cần đến hoa tai của cô Tâm.
Mắt mẹ sáng lên đắc thắng. Nhưng mẹ không gặp
may. 1 chiều, đi học về tôi thấy mẹ đang xếp hàng vào góc nhà. Tôi hỏi:
- Sao mẹ về sớm thế?
Mẹ bảo:
- Có việc. Con rửa mặt mũi, thay áo quần rồi
đi với mẹ thăm cậu Chính. Cậu ốm nặng, khó bề qua khỏi. Mau lên.
Nói xong, mẹ chạy vào buồng thay quần áo. Tôi
chưa thấy mẹ vội vã như thế bao giờ. Tôi cất cặp, thay áo quần ngay. 2 mẹ con
tôi ra đầu phố, gọi xích lô. Từ đó tới bệnh viện hết nửa giờ. Đang lúc tan tầm,
đường đông nghẹt xe pháo. Ởû bệnh viện cũng tấp nập người ra vào, người mang
cơm, người tới thăm nom, người ôm từng chồng quần áo đi giặt. Gác cổng bệnh
viện là 1 ông lão ngoại ngũ tuần, béo phì, mặt như người mắc chứng thần kinh
hoang tưởng. Giá cứ đi thì lại xong. Mẹ tôi thận trọng đến trước cửa phòng trực,
xưng danh, sau đó mới xin phép vào thăm người ốm.
Ông gác cổng nhìn chúng tôi bằng 1 con mắt,
con mắt kia ông ngó xuống địa ngục hoặc nhìn lên thiên đường. Ông hỏi những câu
ngô nghê nhưng đầy vẻ quan trọng. Rút cục ông phát 1 cái lệnh rất quí tộc:
- Chờ đã, tôi giải quyết sau.
1 mệnh lệnh có thể gặp nhan nhản trong suốt
thời buổi này. Tôi kéo áo mẹ, lùi ra cổng. Chừng 2 phút sau. ông ta đã cúi
xuống đọc báo. Tôi bảo mẹ:
- Đừng hỏi, cứ đi thẳng mẹ nhé.
Mẹ ngần ngừ:
- Thôi, nhỡ người ta biết.
Tôi gắt:
- Mẹ hay nhỉ, mìnhh có ăn trộm cắp gì mà lo.
Tôi kéo tay mẹ đi. Chúng tôi đã vượt qua cổng
chính vào sân viện 1 cách bình yên. Từ đó, chúng tôi phải lần mò qua 4 tòa nhà
cao tầng, hỏi hết người này qua người khác mới tới được căn phòng cậu nằm điều
trị. Ông già nằm cùng phòng với cậu bảo:
- Anh ấy vừa xuất viện chiều hôm qua. 2 mẹ con
chị đến muộn rồi.
Mẹ tôi đứng bần thần, mãi mới cất được tiếng
hỏi:
- Thưa bác, có đúng người bệnh là Đỗ Quốc
Chính không?
Ông già đáp:
- Phải, ngày nào y tá chẳng gọi tên từng người
đi tiêm.
Mẹ tôi nói:
- Nhưng cháu nghe bảo cậu ấy bệnh nặng, khó bề
qua khỏi.
Ông già cười:
- Ngất đi như thế người ta dễ sợ về chầu Diêm
Vương. Nhưng anh Chính chỉ ngất vì hạ đường huyết. Cái bệnh chung của lũ cán bộ
chúng tôi: đói, thiếu dinh dưỡng... Vào đây được tiếp có 1 phần tư lít nmáu lại
tươi ngoay ngoảy.
Mẹ tôi nhìn nụ cười của ông, bán tín bán nghi.
Ông già thấy thế, lắc đầu:
- Ô hay, chẳng lẽ tôi nói dối chị hay sao? Cứ
về nhà anh ta ngay bây giờ, khắc biết.
- Mẹ con cháu xin đa tạ bác.
Chúng tôi ra viện, qua ông già gác cổng. Ông ta
đã bỏ tờ báo xuống bàn, nhìn chúng tôi như nhìn vào đám sương mù. Cửa viện chen
chân cũng không được. Hàng quà bánh ngồi la liệt không thứ tự. Khó nhọc, chúng
tôi mới lách ra được ra. Mẹ tôi lần túi áo rất lâu, móc 1 tấm giấy lịch, trong
đó ghi địa chỉ cậu Chính. Tờ lịch cũ, nhàu nát, đọc mãi mới ra mặt chữ.
- Xích lô.
1 chiếc xích lô cọc cạch lao tới từ dãy xe chờ
sẵn. Người đạp là 1 thanh niên vạm vỡ. Tóc húi móng lừa:
- Đi đâu bà chị?
- Chú cho 2 mẹ tôi con tôi về tập thể K.
- 2 sọi nhé?
- Vâng.
- A ha, bà chị này nhẹ vía đấy. Nào, lên đi.
Anh chàng xích lô hăng máu thí mạng. May mà
đường đã vắng. Hồ Thuyền Quang như mảnh gương xanh thẫm thấp thoáng qua rặng
cây. 1 người đàn bà béo múp míp, mặc áo lụa mỡ gà phóng xe máy vọt lên, vừa
phóng xe vừa cười tít mắt. Phía sau, cũng có 1 phụ nữ đã qua tuổi ngũ tuần,
cưỡi Honda đuổi theo. Anh chàng xích lô phởn chí, hét lên:
- Ếp ếp ếp...
Xe đi hết non 1 giờ đồng hồ mới tới nơi. Mẹ
tôi trả tiền, cảm ơn anh chàng đạp xích lô. Anh ta trợn mắt nhìn hồi lâu rồi
bảo:
- Bà chị ngày tử tế nhỉ!
Nói đoạn anh giơ tay vẫy, miệng huýt sáo rồi
đạp xe đi. Chúng tôi đi qua 1 phòng trực ghép bằng gỗ, kiểu như những trạm chỉ
đường của công an trong thành phố, nhưng không sơn xanh hoặc sơn trắng mà sơn
màu cánh dán. Nhìn gần, thật khó coi. Ngồi trong phòng trực là 1 ông già hói,
gầy tong teo, vừa ho khù khụ vừa liếc nhìn khách qua đôi tròng kính lão:
- Đỗ Quốc Chính? Có đấy. Tôi vừa thấy anh ta
dắt đứa con lớn đi qua đây buổi chiều. Chị có giấy tờ gì không?
- Dạ, cháu có chứng minh thư nhân dân.
Ông già ngần ngừ vài giây rồi hất tay:
- Thôi khỏi cần. Cho mẹ con chị đi.
Con đường trải nhựa bề ngang chỉ độ ngót nghét
3 thước, nhưng khá dài. 2 bên đường, những thùng gỗ lớn bằng gian nhà xếp thành
dãy. Thùng nào cũng vẽ dấu hiệu chống va đập, dễ vỡ. Hoặc chiếc ô hoặc chiếc ly
thủy tinh. Nhìn nhãn in bằng mực trên lớp gỗ thông, có thể biết đó là những
côngtennơ chở hàng viện trợ thời chống Mỹ. Những nét chữ đã phai màu. Lớp gỗ
cũng đã ải. Mẹ con tôi đi hết đường, rẽ sang trái. Nơi đây, có những khu nhà 1
tầng kiểu như những dãy trường học cấp 1 xếp song song. Nhà nọ giống nhà kia
như 2 giọt nước, cùng 1 kiểu kiến trúc, cùng màu vôi tường vàng nhạt, cửa sổ và
cửa ra vào sơn màu cánh dán, trông thô lậu, gớm ghiếc. Nhà nhà đã lên đèn.
Người ta đang ăn cơm. Đi ngoài đường có thể nhìn rõ mồn một.
Mẹ tôi lại móc túi tìm tấm lịch. Lần này, mẹ
ghé hẳng vào ánh đèn, đọc lẩm nhẩm: số 56 nhà G. Chúng tôi ngước nhìn đầu hồi
của từng căn: A, B, C, D... G là dãy cuối cùng, sát vào bức tường phần cắt khu
tập thể K với 1 cơ quan khác. Có lẽ đấy là 1 nhà máy in vì nghe rõ tiếng máy in
chạy rùng rùng bên kia tường. Gia đình cậu Chính đang ăn cơm. Cả nhà ngồi trên
phản. Cậu tôi, 1 người đàn bà mặt rỗ hoa tóc kẹp và 2 đứa con trai, đứa lớn
chừng lên 7, đứa nhỏ trạc lên 3. Cả 2 đứa gầy như 2 con nhái. Cậu tôi, so với
hồi đầu đã sút đi non nửa. 2 hô xương quai xanh nhô lên. Cái mũi dọc dừa giống
mũi mẹ tôi teo hết thịt, trơ xương sống lá mía. Cậu mặc quần ngủ với cái áo
bông phai màu.
- Cậu Chính.
Mẹ tôi gọi tên đứa em trai, ngay từ lúc đứng
ngoài hè. Cả 4 người đều quay ra, nhưng quáng đèn nên họ không thể nhìn rõ mặt
chúng tôi.
- Cậu Chính.
Mẹ tôi cất tiếng gọi lần thứ 2, vẫn giọng bồi
hồi. Không chờ câu trả lời, mẹ dắt tôi vào nhà:
- Tôi nghe cậu ống nặng. Vào viện tìm quanh
quất mãi, người ta bảo cậu đã xuất viện chiều hôm qua.
Cậu tôi đứng lên, bảo người đàn bà mặt rỗ hoa:
- Thành này, đây là chị Quế.
Rồi quay sang mẹ con chúng tôi cậu giới thiệu:
- Nhà em, cán bộ trường Đoàn.
Bà mợ tôi, nghe chồng nói thì à lên 1 tiếng,
rồi gật đầu. Mẹ tôi chưa kịp chào lại. mợ ta đã quay đũa gõ lên đầu đứa con
trai:
- Ăn đi, trong bữa cơm không được há mồm ra.
Tôi thấy mẹ tôi có vẻ ngượng ngùng, tay chân
mẹ thu cất, đôi vai cũng như co lại trước cái nhìn có tính chất quan sát nghiêm
ngặt của người em dâu. Có lẽ mợ ta đã quen quan sát các học viện trường Đoàn
như thế. Cái nhìn sắc lạnh lướt từ tấm khăn nhung choàng cổ, tới tấm áo len dài
tay màu be thẫm đính hàng khuy mạ vàng trang nhã, từ chiếc làn nhựa mẹ tôi xách
trong tay tới chiếc quần sa tanh ngoại mẹ tôi đang mặc có viền bôđê gấu. Nó bộc
lộ cuộc sống của lớp dân sống ngoài biên chế nhà nước, nó cũng định vị luôn giá
trị của họ trong xã hội.
Cậu tôi rót nước sôi vào ấm, rồi từ ấm rót ra
1 thứ nước trắng phếch, có lẽ bã chè đã được pha đi pha lại từ chiều hôm qua.
- Chị và cháu uống nước đi.
Mẹ tôi khẽ đáp:
- Vâng. Cậu cứ ra ăn cơm cho xong bữa.
Rồi mẹ đưa mắt trìu mến nhìn 2 đứa bé trai
giống 2 con nhái bén kia:
- 2 cháu đấy phải không?
Cậu tôi gật đầu:
- Vâng, thằng Tuấn, thằng Tú. Chào bác đi con.
Lúc ấy 2 đứa mới đồng thanh:
- Chào bác.
Mẹ tôi, từ nãy lúng túng như gà mắc tóc, liền
bán víu tiếng chào của 2 đứa bé:
- Ối giời, cháu tôi ngoan quá. Cháu Tuấn học
lớp mấy rồi?
Thắng bé lại giương mắt chầu chẫu ra nhìn. Cậu
tôi bảo:
- Trả lời bác đi.
Nó liền đáp:
- Cháu học lớp 2.
Nói xong, nó cúi xuống chọc đũa vào đĩa nhộng
rang hành. Chợt thằng em kêu ré lên, Nhanh như cắt, mẹ nó trở đũa gò lên đầu
con:
- Tuấn, làm cái gì thế hả?
Hóa ra thằng bé gắp nhầm phần thức ăn của đứa
em, không biết cố tình hay vô ý. Bị đánh, nó giơ tay xoa đầu, không dám kêu. Mẹ
tôi cúi mặt xuống. Đĩa nhộng, lúc ấy tôi mới để ý, gạt làm 3 phần, mỗi phần
chừng 15,16 con. Ngoài đĩa nhộng, có 1 đĩa rau muống luộc và 1 chiếc chén nhỏ,
loại chén dùng đựng nước mắm hay múc chè, đụng thịt nạc băm. Chắc chắn, đó là
phần bồi dưỡng cho cậu Chính. Cậu tôi đã ăn xong bát cơm, trở lại bàn uống
nước. Mợ Thành cũng đã ăn xong, bưng cốc nước sôi để nguội uống 1 lèo rồi ra
ngồi xuống ghế làm việc. 1 cái ghế tựa cao, đặt trước bàn viết có cây đèn chân
ốc. Cậu tôi bảo:
- Nhà em phải soạn bài để mai lên lớp. Cô ấy
là cán bộ cứng của trường. Gia đình đều là công nhân,11 tuổi Đảng.
- Vâng.
Mẹ tôi đáp, vẫn không ngẩng mặt lên. Trước
những lời giới thiệu đầy kiêu hãnh của cậu tôi, bà cảm thấy tủi nhục. 1 người
chị ruột, nhưng chẳng có 1 giá trị nào mang lại niềm an ủi cho đứa em. Cậu tôi
vừa xỉa răng vừa nói:
- Em vẫn còn được nghỉ. Nhưng không có gì nguy
hiểm. Chị không cần lo. Cơ quan em, toàn gia đình cán bộ, ra vào khó khăn.
Mẹ tôi nuốt nước bọt. Nhưng ngập ngừng 1 lát,
lại ngẩng lên:
- Nhưng... tôi nghe nói cậu yếu lắm, suy dinh
dưỡng.
Cậu tôi bảo:
- Chị nghe người ta nói nhảm. Vừa qua, em làm
việc căng thẳng quá.
Giọng cậu lạnh tanh. Mẹ tôi không nói thêm
được lời nào, cầm nón, xách làn đứng lên:
- Thôi, thế chị về.
Cậu tôi gật đầu:
- Chị bảo cháu về đi.
Rồi quay vào nhà, cậu gọi:
- Thành ơi, chị Quế về.
Vợ cậu ngẩng lên:
- Chào chị.
Đó là câu chào duy nhất tứ khi mẹ con tôi đặt
chân vào nhà. Nói xong, bà mợ tôi lại cúi xuống cuốn sách. Một cuốn sách rất
dày, láng bóng. Nhìn kĩ, có đề chữ: V.I. Lênin tập 13. Cậu tôi lại bảo:
- Chào bác đi các con.
2 đứa con trai cậu vươn 2 cái cổ cò ra, đồng
thanh:
- Chào bác.
Mẹ con tôi ra về. Cậu Chính đưa tiễn hết dãy
nhà G. Khi chúng tôi rời khu nhà tập thể, rẽ vào con dường nhỏ 2 bên chất san
sát những dãy côngtennơ, mẹ tôi thút thít khóc. Đầu mẹ cúi gằm xuống, đôi vai
mỏng nhô lên. Dáng điệu của 1 kẻ phạm lỗi. Tôi bảo:
- Đừng bao giờ đến đây nữa mẹ ạ.
Mẹ tôi rút khăn lau mặt, hỉ mũi sụt soạt rồi
nói:
- Tình ruột thịt. Không bỏ được con ạ.
Tôi nói:
- Lần sau mẹ đến, con không đến nữa đâu.
Mẹ im lặng, đôi vai rung lên. Từ lúc ấy cho
tới khi ra đường, mẹ tôi không nói thêm lời nào. Tôi cầm chiếc nón cho mẹ rồi
gọi xích lô. Chúng tôi trở về khu ngoại ô lấm bụi. Những đĩa nhạc cải lương não
nề vọng oang oang ngoài phố, giọng ca này lấn át giọng cakia. 1 hàng phở rong
bắt đầu gõ dịp:
- Xịt tắc... xịt tắc...
Mùi nước dùng có hoa hồi và gừng nướng thơm
ngậy bay theo gió. Tôi nắm áo mẹ:
- Con đói quá, mẹ ơi!
Mắt mẹ tôi như mờ đi. Mẹ bảo:
- Ờ, thế mà mẹ quên mất. Từ trưa đến giờ 2 mẹ
con chẳng ăn gì.
Chúng tôi ngồi ăn phở gánh ngay lối rẽ. Ăn
xong, mẹ tôi bỗng kêu khó chịu:
- Đi mau lên, mau lên con...
Mẹ bảo tôi rồi dấn bước như ma đuổi. Tôi vừa
đi vừa chạy mới kịp. Vừa về tới nhà, mẹ tôi chạy nhào ra bể nước. Ngồi thụp
xuống miệng cống, mẹ nôn thốc nôn tháo:
- Hằng ơi, gọi cô Vị cho mẹ đi con.
Tôi chạy sang nhà cô Vị, đấm cửa thùm thùm:
- Cô Vị ơi, cô Vị, mẹ cháu làm sao ấy.
Người đàn bà láng giềng đang ngồi cắn hạt dưa,
ném ngay nắm hạt dưa trong tay xuống giường rồi chạy sang nhà tôi. Theo sau cô,
lốc nhốc cả 4 đứa con lớn bé. Chú Vị làm ca 3, phải tảng sáng mới về. Cô Vị bế
thốc mẹ tôi vào nhà, đánh gió, dùng ngải cứu khô đốt các huyệt. Cô lại xoa dầu
trùm khắp đầu, lay giật chân tóc. Mẹ tôi tỉnh, mở mắt nhìn cô:
- Tôi cảm lạnh, phải không?
Cô Vị đáp:
- Cả lạnh, cả đói, cả lao tâm. Chị cảm nhập
tâm, phải kiêng lâu đấy.
Mẹ tôi nắm tay người đàn bà láng giềng, nước
mắt chảy quanh:
- Tôi thương con Hằng quá, cô ạ.
Lúc ấy tôi đứng sau lưng cô Vị. Vì tôi khuất
lấp trong bóng tối, cùng lũ con lốc nhốc của cô Vị nên mẹ không nhìn thấy tôi.
Nhưng tôi thấy gương mặt mẹ, vòng nước mắt ứa long lanh, và 1 nỗi buồn tiên
cảm, 1 trắc ẩn mơ hồ trong tia nhìn lúc đó. Tôi bỏ ra cửa. Tôi không muốn thấy
người khác xót thương tôi. Tôi ngồi thụp xuống, trong bóng tối của lùm cây đăng
tiêu bên dàn hoa nhà cô Vị trùm sang. Mấy năm nay, người trong ngõ thi nhau
trồng thứ hoa này. Đó là 1 loài dây leo có vẻ đẹp cuồng dại. màu lá xanh quá
thể xanh. Với những chùm hoa chi chít màu nghệ thắm, màu của máu, của lửa, của
ráng chiều, của mặt trời giữa ngọ cùng lúc hòa trộn nhau. Tôi ngồi đó, nghe
tiếng trò chuyện trong nhà vọng ra. Mùi dầu tràm, mùi ngải cứu cháy vẫn tỏa
trong không gian, thơm ngai ngái. Bỗng dưng, 1 con vật lừ lừ đi tới. 1 con chó
lạc chăng, hay con mèo của chú Tín bỏ đi hoang ba bốn tháng lại quay về? Nó vẫn
lử thử bước tới. Qua cây cột đèn, tôi nhận ra đó là con Trắng xồm.
- Trắng xồm... Trắng xồm...
Tôi gọi thì thầm, Giọng tôi trở nên lạc điệu,
xa lạ như giọng của 1 người nào khác.
- Trắng xồm, lại đây...
Con chó khẽ đụng đậy cái tai xơ xác, chảy
thõng 1 bên đầu. Có lẽ nó không nhận ra tiếng gọi của tôi. Nó lượn lờ thêm nửa
vòng nữa. Lúc tôi tưởng nó đến gần, nó lại đi, quay trở lại đường cũ. Con Trắng
xồm đi qua cây cột đèn, cái bóng nhù hòa như 1 mảnh vải rách ai kéo lê trên hè
phố. Đúng lúc ấy, anh con trai què của bà Miều lại gào lên. Anh ta ngồi suốt
ngày trên ghế vải bố, có lúc anh ta đòi lấy vợ, có lúc anh ta đòi nhảy xuống
giếng tự vẫn, có lúc anh ta đòi đi học nghề. Nhưng rút cục, anh ta chỉ biết đọc
biết viết và không làm cái nghề nào khác hơn là ngồi trên ghế, đọc đi dọc lại
vài cuốn truyện trinh thám, tán tỉnh chòng ghẹo bọn trẻ con, bị bọn trai trẻ
chòng ghẹo lại, nghe đủ loại chuyện tục tĩu, mơ tưởng tới cuộc sống trên thiên
đường, và thỉnh thoảng lại gào lên:
Mùa thu sang lá vàng rơi đầy
Hàng bạch dương buồn im xác xơ ven đồi...
Giọng hát sai lạc rót vào nỗi sầu phố xá. Hòa
với tiếng rao hàng:
- Bánh nóng đây. Bánh nóng óng óng đây ây
ây...
Tiếng 2 cây tre gõ nhịp của gánh phở rong:
- Xịt tắc... xịt tắc... tắc xịt tắc...
Cô Vị kéo lũ con ra về. Giơ tay xoa đầu tôi,
cô bảo:
- Mẹ mày đỡ rồi đấy. Vào ngủ đi.
Tôi đóng cửa, trèo lên giường. Mẹ tôi đã ngũ.
Nhưng tôi vẫn như thấy đôi mắt long lanh của mẹ, mỗi tia nhìn ánh lên 1 nỗi
buồn tiên cảm. Có lẽ, ý nghĩ cuối cùng của con người trước khi bước vào giấc
ngủ thường có được linh cảm tính nhạy, như tia sáng cuối cùng lóe lên trước khi
tắt mặt trời. Sáng hôm sau, mẹ tôi vẫn sốt. Nhưng khi tôi mua cháo ép mẹ ăn, mẹ
lại nắm tay tôi:
- Được rồi, mẹ sẽ ăn. Nhưng con phải hứa 1
điều.
Tôi gật đầu:
- Mẹ ăn cho khỏi ốm. Điều gì con cũng hứa.
Đôi mắt của mẹ lóe lên:
- Con thương mẹ chứ?
Tôi đáp:
- Sao con không thương mẹ? Mẹ ăn cho nóng. Cô
Vị bỏ nửa bát lá xương sông với lá hành.
Mẹ tôi nhìn vào mắt tôi:
- Mẹ sẽ ăn. Mẹ sẽ khỏi ngay thôi. Nhưng con
hãy đến nhà cậu Chính.
Tôi im lặng. Chắc lúc ấy tôi cau mày hoặc nhăn
trán, nên mẹ tôi hối hả nói thêm:
- Dù sao mẹ cũng chỉ có cậu là người ruột thịt
duy nhất trên đời. Cậu ấy thiếu ăn, cậu ấy khổ quá. 2 đứa em của con nữa. Trông
chúng giống như 2 cái giải khoai.
Tôi nghĩ:
- Sao mẹ không nói thẳng ra: 2 đứa cháu ruột
của mẹ. 2 giọt máu mang dòng họ Đỗ...
Cuối cùng, mẹ cũng giống cô Tâm. 2 người đàn
bà ruột thịt của tôi. Nhưng tôi đã không nói điều tôi nghĩ. Cuộc sống lẻ loi đã
dạy tôi khôn sớm hơn các đứa trẻ bình thường. Tôi ôn tồn nói với mẹ:
- Được rồi, Mẹ ăn đi đã.
Bưng bát cháo, tôi kề sát môi mẹ. Nhưng mẹ
giữa tay tôi lại, và nhìn tôi, như người ta cầu khẩn 1 lời nguyền trước khi
nhảy vào lửa:
- Con thương mẹ nhé. Con hứa đi.
Tôi gật đầu:
- Vâng, con hứa.
Mẹ tôi hớn hở. Mẹ ăn hết bát cháo, uống thuốc
cảm rồi sau đó,bảo tôi đem cho mẹ chiếc làn. Rút chiếc túi lụa đen đựng tiền,
mẹ lấy ra 1 xấp bạc, đếm và bảo tôi:
- Con mua 2 cân giò, 2 cân chả quế, 2 cân thịt
nạc đem cho cậu. Thịt nạc mợ ấy làm ruốc, còn giò chả cho cậu và các em ăn. Nói
với cậu mợ rằng mẹ cháu gửi thức ăn tới cho 2 em Tuấn và Tú.
Tôi cầm tiền, đáp”:
- Vâng.
Mẹ dặn:
- Giò chả mua ở phố Hàng Bông. Còn thịt thăn
lấy của cô Hòe. Nói cô bán cho mẹ cháu con lợn ngon nhất.
Tôi đáp:
- Vâng.
Mẹ bảo:
- Thế thôi. Con thay áo đi cho sớm sủa. À đừng
có cói với cậu mợ là mẹ ốm.
Mẹ dặn dò tôi điều cuối cùng, rồi yên tân trùm
chăn nằm xuống. Tôi đã ra chợ, rồi đạp xe lên phố Hàng Bông, mua bán đủ thứ
theo lời mẹ dặn. Xong xuôi, chưa tới 10 giờ, tôi rẽ vào nhà đứa bạn cùng lớp
chơi. Đúng 11 giờ rưỡi, tôi đạp xe tới khu tập thể K. mang theo tấm thẻ học
sinh. May sao, lần này người gác cửa lại là 1 bà già béo tốt, gương mặt phúc
hậu. Bà đang ngồi thái dưa cải muối. Bà cho tôi vào ngay, không hỏi giấy tờ.
Tôi phóng xe thẳng tới nhà cậu Chính. Cả 2 đứa con trai của cậu tôi đang chơi
ngoài cửa. Chúng dùng xẻng moi đất ở 1 kẽ gạch vỡ lên. Chiếc xẻng nhựa bé như
chiếc thìa xúc tương ớt, cái xô nhựa cũng nhỉnh hơn chiếc chén hạt mít uống
trà. Thấy tôi, chúng nhớn nhác gọi:
- Mẹ ơi, có khách.
Mợ Thành đang lúi húi thu dọn gì đó trong nhà.
Nghe con gọi, quay ra:
- Khách nào?
Giọng của 1 bà chủ muốn đuổi khách ra khỏi
cửa. Tôi nhớ tới cặp mắt cầu khẩn của mẹ tôi. Tôi cúi chào:
- Cháu chào mợ ạ!
Mợ ta đưa mắt nhìn tôi, à lên 1 tiếng rồi nói:
- Cậu Chính chưa về.
Tôi đáp:
- Mẹ cháu bảo cháu đem cho em Tuấn và...
Tới đó, tôi thấy đôi mắt người đàn bà đảo 1
vòng lẹ như chớp, rồi hạ giọng, mợ ta nói:
- Vào nhà, hãy vào nhà đã...
Tôi gỡ chiếc làn tre nặng trĩu từ ghiđông xe
đạp xuống, xách vào. Mợ ta vội đóng cửa, rồi hất hàm bảo tôi:
- Cháu ngồi xuống ghế đi.
Tôi vẫn đứng gần cửa, và nói:
- Mẹ cháu sai cháu đem thức ăn cho em Tuấn và
em Tú. Đây.
Tôi mở lớp giấy bao phủ bên trên, lần lượt lấy
ra 2 cân giò lụa nguyên cây, 2 cân chả quế bọc lá chối nướng, 2 cân thịt thăn
nõn gói giấy cẩn thận. Tôi đặt tất cả lên mặt bàn. Đôi mắt người đàn bà như tối
tăm đi. Mợ ta lắp bắp:
- Không được... không được...
Nói rồi, mắt đảo ra cửa, dường như sợ 1 cặp
mắt nào đó rình mò. Tôi xách làn lên, nói:
- Cháu chào mợ, cháu về.
- Khoan, khoan đã.
Mợ ta vồ lấy tay tôi, nói với 1 giọng sai lạc:
- Không hiểu ra sao cả. Chờ tí đã... cậu về
bây giờ đây.
Tôi nhìn những nốt rỗ hoa trên mặt người đàn
bà, bỗng thấy mệt mỏi. Trèo lên xe đạp về cũng chán. Tôi ngồi xuống ghế. 2 đứa
trẻ lúc đó ló đầu vào:
- Ra ngoài chơi... Tuấn, Tú...
Mợ ta hét lên đột ngột, đến tôi giật bắn
người. Trong đôi mắt tối tăm ấy, lộ ra vẻ hoảng sợ. Tôi không hiểu nguồn cơn.
Tôi bám chặt lấy thành ghế, nhìn 2 đứa bé chạy vụt ra ngoài như 2 con chuột,
gương mặt nhớn nhác. Người đàn bà khép cửa lại, rồi xếp những gói thực phẩm vào
chiếc trạn gỗ, kê phía lối đi vào buồng trong. Dáng điệu hối hả như tên trộm cất
giấu hàng chết. Có tiếng gọi từ bên ngoài:
- Sao lại đóng cửa thế này?
Giọng cậu Chính. Cậu tôi đẩy cửa vào. Thấy
tôi, mặt cậu sa xuống:
- Cậu đã bảo rồi. Cậu đã khỏe. Sao mẹ mày còn
sai đến đây?
Mợ Thành, vừa rửa tay sau nhà đi ra, đón lời:
- Chị ấy sai cháu đến chơi.
Tôi nói:
- Mẹ cháu bảo 2 em gầy quá. Mẹ cháu gửi thức
ăn cho em Tuấn, em Tú.
Cậu tôi nhăn mặt lại. Trán cậu nổi u lên, giận
dữ:
- Tạng chúng nó gầy. Có phải cứ gầy là thiếu
ăn đâu.
Ngừng lại 1 lát, cậu nói thêm:
- Dù có thiếu, cũng là tình hình chung. Không
có gì đáng phàn nàn. Đấy nước còn khó khăn.
Tôi nói:
- Cháu không biết. Cháu chỉ làm theo lời mẹ
cháu.
Không chờ cậu trả lời, tôi xách làn đứng lên.
Lúc ấy, mợ Thành bước ra, đứng giữa cậu Chính và tôi, giọng phân giải:
- Đấy là cậu nói chung. Nhưng dù sao, mẹ cháu
cũng tốt với các em, đúng không?
Tôi không trả lời, bước khỏi cửa. Lúc tôi về
nhà, mẹ tôi hỏi đón từ trong buồng:
- Hằng đã về phải không con?
Mắt mẹ hau háu nhìn tôi, háo hức, trông ngóng.
Tôi đáp:
- Con đưa cậu mợ ấy rồi.
Mắt mẹ ánh lên mừng rỡ:
- Cậu đi làm rồi chứ?
- Vâng.
- Em Tuấn, em Tú ra sao?
- Bình thường.
- Chúng nó có nhận ra con không?
- Có.
- Chúng nó có mừng không?
- Mừng.
Mẹ chép miệng:
- Rõ đoảng vị, mẹ quên không bảo con mua cho 2
em ấy mấy cặp bánh dầy cho chúng nó ăn bánh dầy kẹp chả. Cậu mợ ấy lương bổng
như thế, các em con chẳng mấy khi được miếng ngon.
Tôi không trả lời, bụng đầy cơn tức. Chẳng
phải vì ghen tuông với 2 đứa bé, nhưng tôi không thể yêu chúng được. Càng không
thể yêu bố mẹ chúng. Tôi quay mặt vào tường, bĩu môi:
- Thế mà còn dặn, con đừng nói với cậu mợ là
mẹ ốm nhé. Chẳng ma nào nó thèm ỏ ê...
May, mẹ tôi đã không nghe rõ những tiếng lầm
bầm. Mẹ hỏi:
- Cái gì thế Hằng?
- Không có gì đâu mẹ ạ. Con mắng lũ kiến.
Chúng nó bu đen cả lọ đường.
Hai ngày sau, mẹ tôi gánh hàng ra chợ, mặc cô
Vị khuyên can. Mẹ nói:
- Cô đừng lo, tôi khỏe lắm. Gánh gáng hàng cứ
nhẹ như lông ngỗng.
Tôi hiểu ý nghĩ của mẹ: Giờ đây, mẹ có nhiệm
vụ phải bảo trợ cho 2 đứa cháu. Mẹ có nguồn hạnh phúc mới. Sự hy sinh quyến rũ
làm sao. Tối tối, tôi thấy mẹ ngồi đếm tiền, lẩm nhẩm tính toán say mê khác
thường. Mẹ buôn thêm cả măng tây và cà chua. Cô Vị bảo:
- Mẹ mày tham quá. Sức người có hạn, cứ quay
như chong chóng cả ngày thế nào cũng ngã bệnh. Khỏe đến như voi cũng còn gục
chứ chẳng phải người.
Dịp ấy, chúng tôi được nghỉ học kỳ. Lũ bạn rủ
tôi ra bờ sông chơi. Với chúng tôi, những cuộc đi như thế thật quyến rũ. Tôi
mang sẵn bao diêm, tới nơi, chúng tôi gom góp củi khô, đốt lửa. Cả bọn xúm
quanh, nhìn ngọn lửa liếm từng cành cây hay búi cỏ, tưởng tượng tới 1 hòn đảo
hoang, 1 khe núi, đời sống của những bộ lạc man dại xưa. Gió thổi. Mùi các thân
cây phơi nắng, thân ngô, thân cúc dại, dây bí ngô hoặc cỏ mật bốc lên, ngào
ngạt. Hạnh “diếc”, cô tổ trưởng tổ học tập của tôi, cao lêu đêu như cái cọc dẫn
đầu 1 tốp 3 đứa đi tới ruộng ngô gần nhất bẻ ngô về nướng. Trước khi đi, nó bảo
tôi:
- Mày có nhiệm vụ canh gác và kiếm thêm củi.
Tôi lắc đầu:
- Không. Tao không ở lại 1 mình.
Nhưng con bé đã trợn ngược cặp mắt xếch lên:
- Đồ hèn. Ngồi ở đấy.
Tôi đành tuân lệnh. Vừa kiếm củi, tôi vừa đưa
mắt tháo nhác nhìn bọn chúng. Chừng nửa giờ sau, bọn chúng mới về, đứa nào đứa
ấy phưỡn bụng ra. Toàn ngô bên trong. Chúng tôi nướng ngô ăn. Bắp ngô nướng lúc
đó ngon hơn mọi thứ mỹ vị trên đời. Tan cuộc chơi trời đã tối mịt. Chúng tôi rủ
nhau về.
Phố đã lên đèn. Ở nhà tôi, có tiếng người lao
xao trò chuyện. Người ta nói gì đó tôi không nghe rõ. Toàn những bạn buôn của
mẹ tôi và hàng xóm. Người chép miệng, kẻ lắc đầu. Lần lượt họ đi ra. Còn 1 mình
mẹ tôi ngồi trên giường, mặt tái nhợt. Thấy tôi, mẹ gọi:
- Hằng ơi.
Tôi tới gần:
- Mẹ cảm lại hay sao thế?
Sờ trán mẹ, lạnh toát như nước đá. 2 đường gân
đập phật phồng 2 bên thái dương. Mẹ tôi đáp, giọng âm thầm:
- Mất hết rồi con ạ. Chỉ 1 phút thôi, mẹ quay
đi bưng bát cháo. Cả vốn liếng suốt 2 tuần lễ vừa rồi.
Tôi nhìn mẹ, ngạc nhiên:
- Ô hay, con tưởng người ta vẫn bưng thức ăn
tới bán?
Ngày thường, mẹ tôi cùng những người bán hàng
khô ngồi thành dãy. Tới bữa, hoặc cơm, hoặc cháo gà, cháo vịt, hoặc bún thang,
bún ốc... Các hàng rong đem bán tận nơi. Làm sao mẹ tôi có thể quay đi cầm bát
cháo mà mất cả túi tiền? Người ta hói: Buôn bán có bạn có thuyền. Những người
ta thành nhóm thành hội kiếm ăn thường có ý thức bảo vệ nhau. Mẹ tôi, tránh con
mắt nhìn của tôi, đáp khe khẽ:
- Mẹ mua... mẹ mua bát cháo đỗ.
Vậy, tôi đã hiểu. Mẹ tôi hà tiện, mẹ bỏ quầy
nhảy sang dãy hàng bên kia, mua cháo đỗ xanh đem về ăn với đường cát của nhà.
Không ngờ bọn kẻ cắp rình đúng dịp liều lĩnh đầu tiên để nẫng nhẹ túi tiền của
mẹ. Chợ Tết, người mải bán, người mải mua, các bạn hàng không để ý. Vả lại, xưa
nay, chưa ai hàng động như thế bao giờ. 1 bát cháo, hà tiện được bao nhiêu? Mẹ
tôi thì thầm:
- Vận hạn con ạ. Biết làm sao?
Tôi nói với mẹ:
- Mẹ đi nghỉ đi. Con nấu cháo nhé?
Mẹ đáp:
- Tùy con, con ăn gì mẹ ăn nấy. Lưỡi mẹ giờ
đắng như nước vôi.
Tôi nấu cháo thịt, gia nhiều hành và hạt tiêu
cho mẹ. Phần mình, tôi húp 1 bát nhỏ rồi chạy ra đầu phố mua ngô nướng. Bà lão
bán ngô cúi tấm lưng còng xuống chậu than. Chiếc quạt nan trong tay bà phe phẩy
1 cách kiên nhẫn. Than hồng rực lên, bắn từng chùm hoa cải. Những hạt ngô già
nứt ra, nở hoa trắp lốp.
- Cho cháu mua 1 cái. Chọn cái non bà nhé.
Bà lão ngẩng đầu lên:
- Con nhà Quế đã lớm thế này ư? Má hồng mắt
đen, sắp đến tuổi lấy chồng rồi.
Tôi sực nhớ, Hồi tôi con nhỏ, mẹ tôi đã từng
bưng chậu than ra chân cột đèn như bà. Và mỗi đêm, mẹ nhặt những đồng bạc lẻ
nhọ nhem than bụi để nuôi tôi. Bàlão lật đi lật lại 1 chiến thuôn thuôn, hạt
rất đều.
- Chiếc này ngon nhất thúng đấy nhé.
Tôi trả tiền bà.
- Cho cháu xin.
Những hạt ngô nếp dẻo quẹo dính vào chân răng.
Mùi ngô thơm và những tia lửa bắm tóe ra từ chậu than, rọi sáng 1 đêm đông quá
vãng. Những cột đèn trên hè phố trôi dập dềnh như trong đám sương mù. Chợt 1 gã
cà lơ túm đuôi tóc tôi, cười cợt:
- Em ơi, dừng lại cho anh yêu 1 tí. Ôi, đôi
môi xinh tệ... Cười lên cho anh ngắm nào... 13 tuổi chưa?... Phải rồi, tuồi này
ngày xưa đã có chồng có con rồi đấy... Lấy chồng từ thủa 13, đến năm 18 em đà 5
con... Vậy mà còn thẹn thùng cơ chứ?
Tôi cố sức giằng khỏi tay gã. Gã trạc ngoài
20, gương mặt đẹp như tài tử Alain Delon, ria mép tỉa tót điệu nghệ. Miệng gã
sặc hơi bia. Gã xoay tôi trong tay như xoay con búp bê gỗ, rồi buông tôi ra, gã
phá lên cười:
- Ôi, em bé sợ thất thần, trông đến là tội
nghiệp.
Gã bước đi, những bước dài khoan thai, như
bước của 1 tài sử siêu việt dạo qua đám công chúng ngưỡng mộ. Và gã hát, bằng
tiếng Pháp, bài hát tủ của nữ danh ca Dalida: Lịch sử tình yêu. Giọng hát ám
ảnh của gã lơ lửng trong không gian, như 1 đám bụi kết đọng, không tan được.
Tôi nắm chiếc ngô nóng bỏng trong tay, trở về nhà. Mẹ tôi ngồi dậy, ngẩn nhìn
cuốn lịch con:
- Sao mẹ không ngủ đi?
Thay vì trả lời tôi, mẹ ngước mắt lên:
- Mai đã là 25 tết. Nhà cô Vị cúng ống Táo
ngày hôm qua. Mẹ mải bán hàng, quên mất.
Rồi mẹ lại buông tiếng thở dài:
- Đúng là vận hạn.
Tôi an ủi mẹ:
- Đằng nào chuyện cũ cũng qua rồi. Ngủ đi mẹ.
Mẹ tôi gấp cuốn lịch tay, lẩm bẩm:
- Bao nhiêu việc phải lo.
Tôi nói:
- Có 2 mẹ con, đặt vài cái bánh chưng cũng
xong. Mẹ đừng lo cho mệt xác.
Mẹ tôi cười, lắc đầu:
- Con nghĩ đơn giản quá.
Tôi sực tỉnh, chắc chắn mẹ tôi không chỉ lo
cái Tết cho mẹ con tôi. Bây giờ, mẹ đã gia nhập vào 1 guồng máy khác. Trách
nhiệm khác. Sự hy sinh thật dịu ngọt và êm đềm.
CHƯƠNG 10
Sáng hôm sau tôi dậy muộn. Trời rét. Nhưng vừa xỏ chân vào guốc, đã nghe tiếng người ngoài sân. Tôi lò dò chạy ra cửa. Hai thanh niên lực lưỡng đang khuân sắt. Mẹ tôi đã bán lại hai tạ sắt dư định đổ mái bằng cho nhà ông Tạo ở ngoài phố. Ông ta cơi tầng gác thứ hai thêm một gian và cố làm xong trước Tết để ăn một cái Tết vui vẻ. Mua được mớ sắt rẻ, trông ông sung sướng hể hả ra mặt. Ông chỉ huy đám con khuân vác, điệu bộ tung tăng, cười hớn hở hết cả lũ bốn chiếc răng bịt vàng.
Mẹ tôi gánh hàng ra chợ. Trước khi đi, còn
quay lại dặn:
- Chiều nay nấu cơm sớm Hằng nhé. Ăn xong, mẹ
con mình có việc phải đi.
Bốn giờ chiều, tôi đã nấu cơm xong xuôi. Cá
kho, dưa cải, vài miếng đậu phụ sống. Xưa nay, nhà chúng tôi vẫn sống tằn tiện.
mẹ tôi quẩy gánh hàng nặng oằn đòn gánh về. Khi mẹ dỡ lần lượt các thứ hàng ra,
tôi thấy mẹ đã sắm sửa đầy đủ vật dụng cho ngày Tết: nào giò, nào chả, nào
thịt, nào mỡ, rồi gạo nếp, đỗ xanh, lạc, măng, miến, bánh da nem, bóng bì
lợn... Trông mẹ tươi tỉnh hẳn lên:
- Lạy Trời, qua năm hết vận hạn, làm ăn khấm
khá lên mẹ con mình sửa nhà cũng được.
Tôi đáp: Vâng.
Chúng tôi ăn cơm xong vừa lúc trời sẩm tối.
Đồng hồ chỉ 5 giờ 27 phút. Mẹ tôi nhẩm tính:
- Giờ này, chắc cậu mợ Chính sắp ăn cơm. Ta cứ
thong thả con ạ.
- Vâng, con chạy sang nhà thằng Khang một tí.
Tôi chạy sang nhà Khang sứt, rủ nó chơi cờ
carô. Nửa tiếng sau tôi quay về, đã thấy mẹ sắp xếp nhà cửa gọn gàng. Một chiếc
túi cói lớn, căng phồng chờ trước cửa.
Mẹ bảo: Đi đi con.
Chúng tôi ra phố, gọi xích lô tới khu nhà tập
thể K. Nhà cậu tôi đang sửa soạn chứ chưa ăn cơm. Ở đây, họ ăn cơm muộn hơn đám
dân ngoài phố. Mợ Thành đang lom khom thái một cà muối chườm thành các lát
mỏng, trộn đường và tỏi. Trên mâm, một đĩa bắp cải xào và vài miếng chả cá thái
nhỏ bỏ trong bát đựng nước mắm. Cậu tôi đang ngồi đọc báo. Hai đứa con trai gõ
đũa xuống mâm, chờ tới phút được lệnh ăn cơm. Thấy mẹ con tôi vào, cậu Chính
ngẩng lên:
- À chị Quế.
Rồi cậu cau mặt lại tức khắc:
- Em đã bảo chị đừng lo gì hết. Chị... rắc rối
quá.
Mẹ tôi, với vẻ mặt của một kẻ có lỗi muốn được
cứu chuộc, đáp ấp úng:
- Chẳng là... hai cháu gầy quá, Chị muốn cho
các cháu...
- Chị buồn cười. Tạng chúng nó gầy. Hồi nhỏ em
cũng có béo đâu?
Hồi nhỏ... Cái danh từ ấy khơi gợi cả một dĩ
vãng thân ái. Mắt mẹ tôi sáng lên, và vẻ mặt mẹ vừa xúc động vừa có gì đó quỵ
lụy, như mặt một con chó cưng ngửi thấy hơi hướng thân chủ:
- Ôi chao, hồi nhỏ cậu cũng khá lắm, chứ đâu
có như cháu Tuấn cháu Tú bây giờ.
Bà vợ rỗ hoa của cậu tiến ra, tay bưng bát cà,
miệng cười:
- Chị Quế ăn cơm với chúng em.
Rồi như chợt nhớ ra tôi ngồi phía sau, mợ ta a
một tiếng rồi nói thêm:
- Cả cháu Hằng nữa.
Vẻ mặt tươi tỉnh của người em dâu khiến mẹ tôi
hớn hở. Mẹ cười, hai hàm răng lấp lánh:
- Mẹ con tôi ăn rồi. Cậu mợ cho các cháu ăn.
Đây, quà Tết bác chuẩn bị cho Tuấn, Tú.
Mẹ tôi mở chiếc túi cói. Ngay tức khắc, mợ
Thành lao ra, khép chặt hai cách cửa. Sau đó mợ ta còn kéo tấm riđô bằng vải
hoa Trung Quốc đỏ rực che kín khuôn cửa sổ. Mẹ tôi đặt trước mặt vợ chồng người
em trai toàn bộ những thứ đồ vật mẹ đã sắm ngày hôm nay. Một cái Tết trù phú
cho tám người chứ không phải bốn người. Đôi mắt người em dâu của mẹ tối tăm
lại, trong lúc những nốt rỗ như nở to hơn và trắng ra. Mắt mợ ta hết dáo lên
lại dáo xuống. Cậu Chính quay đi, miệng bảo:
- Không cần, không cần... chị lãng phí thế làm
gì?
Những câu nói của cậu không có âm sắc, không
nhằm vào ai. Như một đường bóng không địa chỉ trên sân đấu. Hai đứa con cậu hét
lên, vươn cổ ra nhìn. Từ trước tới nay, chúng chưa thấy sự trù phú bao giờ. Mợ
Thành huỳnh huỵch chạy ra rồi chạy vào, khuân mớ thực phẩm cất vào tủ, vào
trạn. Tôi nghe tiếng loảng xoảng, tiếng lục đục gì đó trong buồng, chắc chắn đó
là sự va dập khi bà mợ của tôi thu xếp, chứa đựng đám của cải không có trong kế
hoạch.
Đồng hồ treo tường nhà tren thong thả gõ bảy
tiếng. Cậu tôi bảo:
- Thành, cho các con ăn cơm thôi.
Bà vợ cậu đáp:
- Được rồi, em ra ngay đấy.
Lát sau, mợ đem ra một đĩa giò, miếng nào
miếng nấy thái mỏng như lưỡi mèo. Vậy mà, mợ phải khép kín cả hai cánh cửa sổ.
Người đàn bà nói.
- Để cho họ khỏi nhòm ngó.
Bây giờ, tôi mới hiểu vì sao khi tôi đem quà
tới hai con mắt mợ ta cứ đảo lên đảo xuống như mắt kẻ trộm. Hẳn là ở đây, người
ta có thói quen rình mò nhau, kiểm soát lẫn nhau, và kẻ nào ăn hơn một miếng sẽ
trở thành đối tượng cho cả đám đông nghi vấn.
Hai đứa trẻ đã thôi gõ đũa cành cạch vào miệng
bát. Chúng ngồi im, mắt châu hẫu nhìn đĩa giò. Mẹ chúng, người em dâu mẹ tôi
bắt đầu cuộc phân chia khẩu phần thường lệ. Mẹ tôi, đắn đo, rụt rè một hồi rồi
nói:
- Mợ cứ cắt thêm cho các cháu.
Mợ ta đáp gọn lỏn.
- Không được, sinh hoạt phải có kế hoạch, tổ
chức.
Nói đoạn, mợ ta gắp một đũa rau cải xào, bỏ
vào miệng, rồi vừa nhai vừa nói:
- Chị ăn cơm.
Tôi muốn về. Nhưng mẹ tôi đang ngắm nhìn hai
đứa cháu trai của dòng họ Đỗ. Chúng ăn một cách ngon lành, say sưa. Mẹ tôi nhìn
chúng, cũng say sưa như thế. Mợ Thành vừa ăn vừa nói:
- Hồi nhà em cầm tiền về, đã bảo mua lấy cái
tivi không chịu. Sắm giường tủ, bàn ghế xong, đem gửi hết vào ngân hàng lấy
tiền lãi. Bây giờ thành mớ giấy lộn.
Cậu Chính đưa mắt lườm vợ:
- Thành, ăn nói hay nhỉ!
Vợ cậu như sực tỉnh, im bặt. Mẹ tôi đỡ lời:
- Thời vận, tính sao được hả mợ? Cũng nhiều
người hai thứ tóc còn dại, huống chi cậu ấy.
Cậu tôi trừng mắt:
- Gửi tiền vào ngân hàng nhà nước, sao chị lại
nói là dại?
Mẹ tôi ấp úng:
- Ấy là... Tôi chỉ nói thế thôi. Vì hai năm
nay, tiền mất giá mấy chục lần. Lúc gửi cả lạng vàng, bây giờ mua được hai gói
mì chính.
Cậu tôi cắt lời:
- Lạng với chả hoa. Em có phải dân tiểu thương
như chị đâu mà biết mấy thứ ấy.
Mẹ tôi cúi mặt, làm thinh. Tôi định kéo mẹ về,
nhưng chợt có tiếng gõ cửa. Giọng vui vẻ của một chàng trai.
- Thủ trưởng có nhà không ạ?
Rồi anh ta xuất hiện tức khắc, không đợi ý
kiến chủ nhà.
- A ha, giờ thủ trưởng mới ăn cơm. Sao muộn
thế?
Cậu tôi bỏ đũa bát, bước ra bàn:
- Ngồi xuống đây.
Thấy nhà có khách, mẹ kéo tôi ra giường ngồi.
Chàng trai trẻ nháy mắt với tôi một cách hồn nhiên:
- Em gái cứ ngồi đây. Thế giới bình đẳng mà.
Anh cũng trạc ngoài 20, người thấp đậm , tóc
dày, mắt dài. Khi cười, trông tinh nghịch và lẳng lơ. Anh ta mặc sơ mi xanh
chấm đen, quần bó, dáng khỏe khoắn. Gương mặt rám nắng, riêng hai gò má hồng
bóng lên. Thấy cậu Chính rót nước vào ấm trà, anh kêu to:
- Thủ trưởng cho em uống xái ba hay xái tư đấy
ạ?
Cậu Chính không đáp, đặt chến nước trước mặt
anh nghiêm giọng hỏi:
- Có việc gì thế cậu?
- Dạ, có việc đây.
Chàng trai đáp, đoạn rút từ lưng quần phía sau
một cuốn sổ con. Mở cuốn sổ, anh nói:
- Báo cáo thủ trưởng, sắp Tết Nguyên đán, lại
có đoàn đại biểu công đoàn các tỉnh phía Nam ra họp, chúng em dự định tổ chức
buổi lễ kỷ niệm nhà thơ Đồ Chiểu.
- Đồ Chiểu nào?
- Dạ, nhà thơ yêu nước nổi tiếng nhất những
năm đầu thế kỷ, một phần linh hồn của những người dân miền Nam.
- Cậu đưa nội dung tôi duyệt.
- Chàng trai đưa ra một bản đánh máy lớn, gấp
làm 8. Cậu Chính mở rộng tờ giấy, trải gần kín mặt bàn. Cậu đeo kính, cắm đầu
đc. Chàng trai đưa mắt nhìn hình cô gái múa ô trên tờ lịch, chờ đợi. Lát sau,
cậu ngẩng lên nghiêm giọng:
- Không được.
Chàng trai sửng sốt:
- Sao ạ?
Cậu Chính cau mày:
- Nhà thơ yêu nước gì mà ủy mị thế? Cậu nghe
đây.
Cúi xuống, đưa ngón tay lên tìm các dòng chữ,
cậu đọc:
- Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước, Đồng Nai
tranh khói nhuốm mày mây. Thế này làm gì có tinh thần xốc tới, liên tục tiến công? Bỏ,
bỏ... Đồ Chiểu cũng bỏ.
Chàng trai nói:
- Thưa thủ trưởng, những năm đó cuộc kháng
Pháp của nhân dân ta đang ở trong thời kỳ đen tối. Hoàng Điệu tự sát. Trương
Công Định bị xử trảm. Hàng vạn sĩ phu yêu nước bị bức hoặc bị lưu đày, trong
hoàn cảnh cụ thể đó...
Cậu Chính giơ tay chém ngang.
- Tôi biết... tôi biết... nhưng trong bất cứ
hoàn cảnh nào người chiến sĩ cách mạng cũng lhông được phép ủy mị, buồn rầu.
Ông Đồ Chiểu này không có tinh thần của người cách mạng. Lại còn đây nữa nhé.
Cậu cúi xuống, đọc tiếp:
- Phan Lâm, mãi quốc, triều đình khi dân... Hỏng. Hỏng. Câu
này còn nguy hiểm hơn nữa. Nói triều đình là muốn ám chỉ trung ương hay sao?
Mặt chàng trai đỏ như say bia, trên cần cổ vạm
vỡ của anh, nổi lên một đường gân căng thẳng, phập phồng:
- Nhưng thưa thủ trưởng, trong cuộc chiến
tranh chống Mỹ của chúng ta, rất nhiều chiến sĩ đã ngâm thơ Đồ Chiểu, nghe
những làn điệu dân ca Nam Bộ phổ thơ Đồ Chiểu trước giờ xuất trận. Bất kỳ người
nào chịu khó tìm hiểu và nhận biết đời sống, đều thấy nhà thơ Đồ Chiểu có một
chỗ đứng không ai thay thế được trong tâm hồn người dân miền Nam.
Đến lượt cậu Chính đỏ cả mặt lẫn cổ. Cậu chòng
chọc nhìn chàng trai sau cặp mắt kính:
- Không ai thay thế được? Cậu nói thế nghĩa là
Đồ Chiểu còn đứng cao hơn Đảng, trong tâm hồn nhân dân miền Nam, đúng không?
Bàn tay cậu xòe ra, như lưỡi kiếm. Chắc chắn
nó sẽ chén đứt đôi cái cổ chàng trai, nếu nó muốn. Dù đó là một cần cổ vạm vỡ,
tràn trề sinh lực. Mặt chàng trai đang đỏ rực bỗng chuyển sang màu xanh xám rồi
xanh lẹt, mồ hôi đổ lã lã trên trán. Cậu Chính nói:
- Uy tín của Đảng là tuyệt đối trong lòng dân
tộc, hôm nay và mãi mãi về sau. Không một ai có thể so sánh với chỗ đứng duy
nhất đó.
Chàng trai cúi đầu, im lặng. Sự quy phục của
anh ta làm cậu nguôi giận. Như con gà chọi đã hả máu sau khi bật mấy cú đá thí
mạng vào ức đối pgương, cậu nói tiếp, giọng đã bớt căng thẳng:
- Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên một
chiến thắng tuyệt diệu. Do chiến thắng ấy, chúng ta trở thành lương tâm của
nhân loại, trở thành ngọn đuốc dẫn đường cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
toàn cầu. Trong ba dòng thác cách mạng của thế giới, chúng ta là một ngọn cờ.
Cậu phải luôn luôn quán triệt tinh thần đó.
- Thưa thủ trường em nhớ rồi.
- Chúng ta, những người làm công tác tư tưởng,
đội quân canh gác cho thành trì cách mạng, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác
với những biểu hiện ủy mị, thiếu tính chiến đấu, suy đồi.
- Thưa thủ trưởng, vậy cuộc lễ kỉ niệm có được
duyệt không ạ?
- Để đó, tôi nghiên cứu đã.
- Nhưng, chỉ còn hai hôm, vừa gửi giấy mời,
vừa thuê người vẽ panô, trang trí hội trường, mời các diễn giả và nghệ sĩ minh
họa.
- Thế hả?
Cậu Chính chớp mắt, nâng gọng kính khỏi sống
mũi:
- Kể ra thì... cái tay dồ Chiểu này cũng không
đáng ngại lắm, Nhưng sao ít nghe tên ông trên đài, báo? Thơ cách mạng, cứ Tố
Hữu ra mà ngâm là yên trí.
- Thưa Thủ Trưởng, Đồ Chiểu là nhà thơ của
những năm đầu thế kỷ. Và lịch sử...
- Gượm đã.
Cậu Chính cắt ngang lời chàng trai, đoạn cúi
xuống đọc nốt những dòng chữ li ti trên tấm chương trình tổng hợp. Ánh mắt cậu
soi lục qua các dòng chữ. Rồi cậu gục gặc đầu:
- Theo Đại Việt sử ký toàn thư... tay viết lời
bình dẫn cuốn sách này ở đâu ra thế?
Chàng trai đáp:
- Dạ. Đại Việt sử ký toàn thư là...
Cậu bỗng à lên một tiếng thật to, tay vỗ trán
đánh đét, rồi nói:
- Nhớ rồi, nhớ rồi. Đại Việt sử ký toàn thư
của Lê Quí Đôn. Tay này nổi danh lắm đấy. Quê ở Thái Bình.
Miệng chàng trai thoạt đầu nhoành ra như sắp
cười. Nhưng nửa tích tắc sau thu lại, biến dạng méo mó như sắp mếu. Mặt anh
chàng ngây độn. Anh đứng thẳng lưng, chằm chằm nhìn thủ trưởng. Lúc ấy, ông cậu
tôi cẫn tiếp tục gật gù vì sự uyên bác của mình. Cậu bảo:
- Thôi được, tôi duyệt.
Cậu gấp tờ chương trình tổng hợp lại, đưa trả
cho chàng trai:
- Các cậu bảo nhau mà làm. Nhớ gửi giấy mời
ban tuyên huấn các cấp, và các cục, vụ, viện cho đàng hoàng.
- Vâng ạ... cảm ơn thủ trưởng.
Cháng trai cúi đầu, chào chúng tôi rồi vội vã
rút lui. Tôi bảo mẹ tôi:
- Con về đây.
Mẹ tôi cần túi, chào vợ chồng cậu Chính. Lần
này, mợ Thành ra tiễn tận cửa, nghĩa là tận dan gác bằng gỗ sơn màu cánh gián
khó coi ấy. Nhưng có điều, mỗi khi gặp người quen, mợ ta lại vùn vụt đi trước,
hoặc cúi xuống móc hòn sỏi lọt vào dép, để tụt lại phía sau. Tôi không hiểu
điều đó. Bởi vì, đấy là lần cuối cùng tôi tới khu nhà tập thể K. Mẹ tôi ép cách
nào, tôi cũng nhất quyết ở nhà. Hơn một năm sau, trong lúc chuyện trò với cô
Vị, mẹ tôi phàn nàn:
- Mợ ấy không muốn đi cạnh tôi. Làm sao vậy?
Tôi có ăn trộm, ăn cắp, cướp của, giết người đâu?
Cô Vị bảo:
- Tôi không lạ gì chuyện ấy. Trại lính mà.
Mẹ tôi ngẩng đầu nhìn cô Vị. Lúc ấy, cả hai
người cùng bổ trám để ngâm nước mắm:
- Cô nói thế nghĩa là sao?
Cô Vị đáp:
- Nghĩa là ở đấy người ta sống với nhau theo
cách sống của trại lính. Đã là trại lính thì phải ăn như nhau, mặc như nhau, ở
như nhau. Khác nhau tấm áo manh quần đã chướng mắt. Hơn nhau đồng tiền bát cơm
là sinh sự. Tôi bảo chị nhé. Chị cứ sắm một bộ quần áo y hệt như quần áo của cô
em dâu, mặc vào. Tôi bảo đảm cô ta sẽ cư xử khác. Có sai, cứ đem đầu tôi ra mà
chặt.
Mẹ tôi cười. Nhưng ít lâu sau, tôi thấy mẹ mua
vải may một bộ quần áo mới, theo kiểu của cô em dâu thật. Mỗi lần tới khu K mẹ
thay bộ quần áo ấy, và từ đó, mẹ tươi tỉnh nhẹ nhõm hẳn lên.
Lại nói chuyện Tết năm ấy, mẹ tôi mua sắm cho
gia đình cậu Chính đã cạn tiền, nên chỉ thừa vài chiếc bánh chưng với nửa cân
giò. 29 tháng Chạp, cô Tâm từ quê lên. Lần này, bà Đũa gánh theo cô cả một gánh
các thức bánh trái, giò, thịt, cam, bưởi, chuối, hồng xiêm... không thiếu thứ
gì. Lại còn lồng gà, có một con gà sống hoa trắng và tám con gà mái non. Cô
bảo:
- Con gà sống hoa này cho mẹ con mày làm lễ
cúng giao thừa. Còn đám gà mái chưa ghẹ ổ để hầm dần cho con cháu Hằng ăn. Năm
nay qua tuổi dậy thì rồi, phải chịu khó ăn uống cho có da có thịt.
Nói xong, cô bước tới bàn thờ, lật tấm lụa
trắng phủ ảnh bố tôi xem qua. Rồi cô gọi bà Đũa về.
- Cô gửi nhà hàng xóm. Phải về ngay nội nhật
hôm nay. Hai mẹ con mày không phải lo cơm nước gì cả. Cô có tiền. Đến đâu ăn
quà đó.
Cô ôm tôi vào lòng, vuốt ve, rồi bảo:
- Xem kìa, càng lớn lên càng giống bố mày như
đúc. Thật là rau nào sâu nấy, chẳng lẫn vào đâu.
Cô cúi xuống hít tóc tôi. Cô có thói quen ấy.
Rồi cô lật mái tóc lên xem có chất trứng không.
- Nó giữ tóc sạch đấy. Đừng có phi dê
phi bò gì con nhé!
- Vâng ạ.
- Thôi, cô về. Sang giêng viết thư cho cô.
- Thưa cô, vâng.
Tôi nắm áo cô, tiễn cô ra tận phố chính. Cô
gọi xích lô chở cô với bà Đũa ra bến xe. Chiếc khăn len bay phấp phới trong làn
bụi mờ. Cô dướn đầu lên, quay lại nhìn tôi. Tôi cũng nhìn theo cô cho tới lúc
xe xuống dốc. Lúc đó tôi trở về nhà, mẹ tôi đang bày bàn thờ. Tôi biết mẹ tôi
có ý chờ cô Tâm lo Tết cho tôi, nên mẹ tôi dồn tiền sắm sanh cho gia đình cậu
Chính. Mẹ nựng tôi:
- Tết nhà mình to ghê. Nhờ lộc của con gái
đấy.
Tôi không thể chịu được một giọng nói thiếu tự
trong đến như thế. Tôi bỏ đi. Tại sao mẹ tôi phải cư xử như vậy? Và cậu tôi, và
người đàn bà mặt rỗ hoa vợ cậu ấy, cả hai đứa bé kia nữa, có gì đáng để mẹ phải
hạ mình như vậy với tôi? Xích xiềng êm dịu làm sao? Tiếng anh con trai què lại
rống lên thê thiết, trong bầu không gian nhộn nhạo của phố xá ngày tất niên:
Rồi thu sang lá vàng rơi đầy...
Trong những ngày cuối năm, nhịp sống dồn lên,
thúc đẩy, xô lấp như dòng lũ, tiếng hát kia càng thê thảm làm sao. Một âm thanh
đứt đoạn, một tia sáng lóe lên rồi ngút tắt, một tàn lửa thoi thóp, một âm giai
quẫn bách của kiếp người.
CHƯƠNG 11
Người đàn ông bên cạnh đập vào vai tôi.
- Này cô bé.
Tôi choàng dậy. Tôi vừa chìm vào giấc mộng của
những cơn hồi tưởng. Người đồng hành cười. Những chiếc răng bạc của ông ta lại
sáng lên trong bóng tối:
- Không có gì đắp hay sao?
Tôi nhận thấy tôi đã co quắp và rúc vào vai
ông ta trên đoạn đường vừa qua. Tôi xấu hổ, lúng búng xin lỗi. Người đàn ông
lắc đầu:
- Không sao, cô bé ạ. Tôi có thể cho cô mượn
tấm áo varơi của tôi.
Tôi đáp:
- Cám ơn ông. Tôi có mang khăn theo.
Tôi mở túi, lấy tấm khăn của bà Vêra. Người
đồng hành nhún vai, ồ lên một tiếng thán phục. Bà Vêra nói đúng. Đêm lạnh, và
tấm khăn len mênh mông của bà thật là một cái tổ chim lý tưởng cho chim trú
rét. Tôi choàng tấm khăn của người đàn bà cô đơn thấy hơi ấm tỏa toàn thân.
Thật dễ chịu. Tàu vẫn đang chạy. Bên ngoài, cảnh sắc mờ ảo như một bức tranh
của Jôn Oátsten một họa sĩ vô danh tiểu tốt tôi gặp trên bãi biển Crimê. Jôn Oátsten
gốc Anh. Dù đã ở Tây Ban Nha nhiều năm, anh ta vẫn mang trong mình dòng máu
sương mù xứ sở. Tranh của Jôn là những cơn hoang tưởng trộn lẫn sương mù. Mọi
thứ màu sắc của anh đều bị sương mù phủ lên, như nhựa dính, như nỗi ám ảnh
không có cơ suy giảm. Cường độ nỗi ám ảnh sương mùa càng ngày càng mạnh hơn,
điên khùng hơn trong những bức tranh của Jôn. Anh ta đã cho tôi xem tới trên
một ngàn bức sơn dầu
và phấn màu. Với địa chỉ và thời gian ghi dưới
các tấm tranh, tôi biết càng ngày, Jôn Oátsten càng rời xa quê hương, dấn thân
vào xứ sở của mặt trời. Nào Angiê, Los Angeles, Cairô, nào Tân Đêli, Bombay,
nào những thành phố mới của Úc Châu cuồng phóng. Thật lạ, càng xa quê hương,
nỗi nhớ quê hương cần ám ảnh. Càng lãng quên sương mù, sương mù càng trở thành
một xúc cảm có tính toàn năng chi phối người nghệ sĩ. Có lẽ, nếu Jôn đã là danh
họa, anh ta sẽ chẳng bao giờ trò chuyện với tôi, một người con gái bình thường
trên bãi biển Crimê ồn ào có hằng hà sa số mỹ nhân. Nhưng cũng chính vì anh ta
chỉ là một họa sĩ vô danh, tôi mới tìm thấy ở anh ta sự quyết liệt của khát
vọng, và nguồn cảm xúc dồi dào, đôi lúc có khuynh hướng bội phát chỉ có ở đoạn
đời trước của con người.
- Tại sao?...
Jôn nhún vai, anh ta nói tiếng Nga tồi, không
mạch lạc. Cái mũi tróc da của anh ta đỏ ửng, nối trên những đám da chưa kịp
tróc rám đen. Jôn tới thành phố Crimê để vẽ. Thuộc loại khách châu Âu không
nhiều tiền. Một chàng trai xấu xí và cô độc. Các cô chiêu đãi viên xinh đẹp
nhất, có giá nhất trong các khách sạn và các restaurant không quan tâm tới anh.
Jôn nhắc lại.
- Tại sao cơ? Tôi không hiểu. Đã 12 năm tôi
chưa trở về Anh. Gia đình tôi có một chuyện gì đó không thuộc loại chuyện vui
vẻ. Vì thế, tôi cứ đi mãi. Khi nào, nhờ đám họa sĩ đàn anh, tôi bán được vài
bức tranh, thì tôi tích trữ toan, cọ vẽ, và các loại màu. Sau đó tôi tiêu xài
xa xỉ một chút. Nếu không, tôi sống với đồng tiền lợi tức của tôi.
Anh ta ngừng lại, để đưa chai nước suối lên
tu. Suốt một tuần ở bãi bể Crimê, quên Jôn, tôi chỉ thấy anh ta uống nước
khoáng. Sau đó, Jôn lăn cái vỏ chai rỗng lên cát, và nói tiếp:
- Đã 12 năm tôi không giáp mặt với sương mù xứ
sở, nhưng tôi thấy nó ngày ngày. Như nó tẩm ướt tóc tôi, như nó phả vào hai lỗ
mũi tôi buốt giá, nhưng nó chạm vào làn da tôi. Sớm nay cũng vậy, khi tôi từ
trên giường bước xuống, tôi cũng bước trong lớp mù sương ấy, lạnh và ẩm ướt, và
màu xám nhẹ, như có ai tung lớp bột mịn trong không gia.
Jôn nhắm mắt lại. Ánh nắng chói như lửa của
Crimê chiếu vào mặt anh. Nhưng tôi biết tất cả những điều Jôn nói là hoàn toàn
đúng.
Vâng, đôi khi người ta không lý giải được một
ẩn ức ở trong mình. Nó tồn tại bởi một sức mạnh khác, một sức mạnh vô hình,
không thể nắm bắt... Sương mù trong những bức tranh của Jôn Oátsten khiến tôi
nhớ tới cảnh một ao bèo. Thật là một liên tưởng kì quái. Nhưng có thực. Sao tôi
không nhớ tới cánh đồng xanh khoáng đạt, với những con diều bay lượn trên cao?
Sao tôi không nhớ tới đồng lúa chín, với các chân ruộng bậc thang đậm nhạt pha
sắc, vì hình ảnh ấy thanh nhã. Sao tôi không nhớ tới những thành phố trắng của
miền Trung với các bãi biển mơ màng: nào Nha Trang, nào Mỹ Khê, nào Đại Lãnh...
Sao tôi không nhớ tới con đường cheo leo lên Tây Bắc, vào một ngày xuân, trước
khi bước vào trường đại học, tôi đã theo bạn bè tham dự cuộc rong chơi. Con
đường ấy lượn quanh co giữa các vách núi và vực thẳm, tựa sợi dây đàn căng ra
trong cơn hứng khởi trước vẻ đẹp và hiểm nguy. Những rừng ban trắng, ban tím
trùng địp nở, như thánh thần, trong phút quên lãng, đã buông thả bao nhiêu giấc
mộng đẹp cho con người. Biển hoa trắng ngần, tung trên đỉnh núi và rừng cây,
như tuyết đọng. Rồi vào sâu hơn nữa, với những rừng ban tím nhẹ, người ta có
cảm giác mây hoàng hôn quần tụ lại, và choàng trên núi rừng tấm khăn choàng
mỏng manh, lộng lẫy, khiến trái tim con người lo âu, ngột ngạt vì e ngại vẻ đẹp
thần tiên kia sẽ tan biến trong thời khắc.
Nhiều cảnh trí đã ghi dấu quyền uy của cái
đẹp. Nhưng không hiểu sao, như Jôn Oátsten đã nhớ tới sương mù, tôi luôn bị ám
ảnh bởi một ao bèo. Một cái ao bèo tầm thường như bất kì ai trong chúng ta đã
từng nhìn thấy, và hờ hững bước qua. Giữa vùng quê, nơi tiếng còi ôtô hoặc còi
tàu hỏa vẳng tới như ảo giác. Nơi mà người đàn bà trẻ có thể chắp tay lạy đức
ông chồng như nô tì lạy chủ nô, và gã có thể lấy đòn gánh phang vợ vì tội đã
trái lời gã, dám cho người bà con vay dăm gánh thóc hoặc vài nghìn viên gạch.
Và những điều đó xảy ra ngay trong thập kỷ 80 này.
Hồi nhỏ, có lần, theo mẹ tôi đến một làng
ngoại ô, tôi thấy một bà già ngồi vo gạo trên cầu ao. Ao rộng, nước trong, góc
bên kia, lênh đênh dám bèo Nhật Bản. Trên đám bèo xanh, xòe những bông hoa tím
nhạt. Giống nụ cười bí ẩn của người đàn bà đẹp trên một gương mặt hứa hẹn niềm
yêu. Tôi ngắm mãi.
Bà già vo gạo xong, vỗ rá, rồi khỏa chân rửa.
Mặt ao sóng sánh. Đám bèo Nhật Bản cũng sóng sánh theo, Và những bông hoa tím
như thể thẫm lại trong cơn chao đảo. BÀ già ngẩng lên:
- Mẹ con bác hỏi nhà ai?
Mẹ tôi cười:
- Cháu tới nhà cô Lài. Nhưng con bé thích đám
hoa bèo, đòi xem.
Bà già cười:
- Lạ lùng gì thứ hoa bèo cơ chứ.
Sau này, khi trở về quê, tôi nhiều lần đứng
ngắm những ao bèo khác. Những chiếc ao thật sự của vùng quê thật sự. Những
chiếc ao tù hãm, mặt nước nổi bọt vì chất thối rữa, các loại rong tảo nảy nở
đến nỗi nước không còn trong và loãng mà trở nên nhớt nhát như một thứ dầu.
Những chiếc ao vây bọc bởi các ngôi nhà chen chúc, những khu vườn bị phân cắt,
những chuồng tiêu hôi thối dưới nắng hè. Mùi bèo, mùi cỏ dại, mùi đám rong đuôi
chó, rong chùm bị phơi héo trên bờ, mùi bùn, mùi ếch nhái chết. Những con cá cờ
bị lũ trẻ ném lên khô cong khô nỏ, vây sạm đen. Và trong cái khung cảnh ngột
ngạt ấy, những cành hoa tím điểm trên nền xanh giống như một thứ độc dược, một
vẻ đẹp của xú ếu, sự tô đỉm cho một đời sống thiếu sinh khí, không cởi mở và
tăng trưởng. Trời chiều, mặt trời ném xuống các vũng ao một bát tiết đỏ lòe,
nhếnh nhoáng như rượu hòa máu con vật bị đâm chết trong những ngày đình đám. Và
trời lặng gió, không khí như ngưng đọng trong oi ả của mệt mỏi và đợi chờ. Và
tiếng kêu của một con cuốc ném từng nhát vào tĩnh lặng. Và người ta lắng nghe,
lắng nghe, vớt tìm tiếng còi tàu nơi xa. Màu tím đã trở thành ám ảnh. Niềm vui
thơ ấu, nỗi khắc khoái của tuổi thanh niên. Cùng một lúc, nó là hạt sương sớm
trong lành, là độc tố của nỗi sầu không thể cắt nghĩa...
CHƯƠNG 12
Tàu vào ga. Người đàn ông răng bạc mở túi đi
đường lấy ra mấy quả đào. Ông ta chìa cho tôi một quả.
- Cảm ơn ông.
Tôi cầm quả đào. Đào Bungari. Trái lớn bằng
nắm tay đứa trẻ lên 10. Vỏ chím hồng, thịt ngọt và đặc biệt nhiều nước. Cầm
trái đào trên tay đã cơm thèm. Hoa quả của Bun nhập sang Liên Xô rất nhiều.
Nhất là đào và táo. Thứ nào cũng ngon. Khắp các quầy bán thực phẩm và hoa quả,
nếu có hàng nhập của Bun, người ta xếp hàng dài dằng dặc.
Ông khách đã ăn gần hết trái đào. Ông ta hất
hàm bảo tôi:
- Ăn đi chứ, cô bé, ngon lắm.
Tôi gật đầu:
- Vâng, rất ngon.
Tôi cắn một miếng. Nước ngọt tứa đầy miệng.
Thật đúng như câu nói: Ngon tỉnh cả người. Qua ô cửa kính, thấy đám hành khách
đang hối hả lên tàu. Trên đường kè xi măng bóng nhẵn, một cặp trai gái đang hôn
nhau. Nụ hôn ly biệt. Mắt người con gái ướt đẫm. Biệt ly, nổi buồn thiên cổ,
nỗi buồn vĩnh hằng của nhân loại. Chẳng cuộc biệt ly nào nham nhở như những
cuộc biệt ly đã diễn ra trên sân bay Nội Bài, xứ sở của tôi. Cái ngày tôi lên
tàu bay rời xứ, chỉ có một người khóc, chắc chắn người ấy sẽ khóc, nhưng khóc ở
một làng quê xa ngắt, bên kia sông. Tôi nhớ người đàn bà ấy, lòng nhói đau.
Người con trai đứng trên bờ kè xi măng xốc
chiếc túi đi đường đeo lưng, rồi lau vệt nước mắt trên má người yêu. Cô ta nhào
tới, ôm chặt anh ta thêm lần nữa. Tóc họ cùng có màu vàng rơm. Dưới ánh đèn,
chúng giống như tơ tằm. Một nụ hôn nữa. Rồi họ rời nhau. Người con gái đứng
lại, bóng đổ xuống sàn xi măng.
Tiếng người con trai từ đầu toa nào đó vang
lên.
- Viết thư cho anh nhé.
Người con gái giơ tay vẫy. Rồi cô ta quay đi.
Chiếc váy kẻ ô cắt chéo vải đập vào hai bắp chân tròn trĩnh. Đi được vài chục
bước, cô ta quay đầu lại. Gương mặt ướt đẫm. Vừa lúc, con tàu rời ga.
- Masa... Masa...
Tiếng người con trai ném lại, tan hòa trong
gió. Tôi nhìn theo cô gái, cho tới khi nhà ga mất hút. Con tàu nhanh chóng vượt
qua khu ngoại ô để đi tới một vùng đồi thoai thoải. Trong bóng tối, vẫn có thể
nhận ra các vệt thẫm của vườn cây.
- Biệt ly.
Con tàu rú còi. Âm thanh của những cuộc chia
ly. Nó khiến tôi nhớ lại sân bay Nội Bài. Cái sân bay chật chội và nóng nực.
Những đoàn người đứng chen chúc trong bầu không khí oi nóng và ngột ngạt. Nhưng
oi nóng và ngột ngạt hơn nữa là tâm trạng âu lo, khắc khoải của họ trong lúc
chờ đợi làm thủ tục hải quan. Những gương mặt đờ dại, những đám tóc bết mồ hôi,
những cặp mắt bồn chồn, nôn nóng, luôn mở to và căng thẳng nhìn bốn phía như để
chờ đợi và chống chọi lại các biến cố, các rủi ro. Bên ngoài dòng người đông
đúc ấy, lại có dòng người đông đúc khác, cũng chen chúc nhau tới nhễ nhại mồ
hôi, bên kia dãy hàng rào bằng sắt đan, cũng hướng những gương mặt vừa lo âu,
vừa khoắc khoải, vừa hồi hộp vào phòng chờ. Đó là đám người đưa tiễn, thân nhân
của những kẻ ra đi. Một khi mọi thủ tục xong xuôi, và dòng người chuyển động
như một hải lưu hỗn tạp và nóng bức qua các khuôn cửa rà soát vũ khí cuối cùng
để ra sân bay, thì trên gương mặt của những người đưa tiễn, người ta có thể đọc
được nỗi vui sướng, tiếng thở dài nhẹ nhõm, niềm hứng khởi của thành công, nỗi
hoan lạc trước một lời hứa hẹn tốt đẹp và sáng sủa của ngày mai. Những nụ cười
viên mãn. Các cung bậc phấn khích tinh thần. Chưa ở nơi đâu, cuộc chia ly sung
sướng một cách thảm thê như thế. Những cuộc chia ly nham nhở. Phép sai số trong
những quay luật vĩnh hằng của con người. Ngày ấy, tôi đứng giữa đám người chờ
làm thủ tục hải quan, vừa lau mồ hôi chảy ròng ròng hai bên thái dương, vừa
nhìn đám người tiễn đưa bên ngoài hàng rào sắt. Mẹ tôi ốm, nằm viện. Cô Tâm
giận, không tới. Biết thế, nhưng tôi vẫn mong chờ nhìn thấy cô. Mong chờ một
cách vô vọng, vì tôi biết rõ ràng, chính lúc ấy cô đang ngồi khóc trong căn nhà
rộng thênhh thang. Căn nhà hiu quạnh ở bên kia sông.
No comments:
Post a Comment