Trần Trung Đạo - Sau 40 năm nếu tính từ thời gian hải quân Trung Cộng tấn
chiếm Hoàng Sa và 56 năm kể từ khi Phạm Văn Đồng gởi công hàm cho Thủ tướng
Trung Cộng Chu Ân Lai, lần đầu tiên lãnh đạo CSVN chính thức phủ nhận công hàm.
Bao nhiêu lần lập đi lập lại câu thần chú “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp
lý vững chắc về chủ quyền đối với Hoàng Sa” nhưng giới lãnh đạo CSVN không
hề nhắc đến công hàm, tưởng chừng như văn bản đó không phải là của họ.
Thứ Sáu
23-5-2014, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Biên Giới Quốc Gia, trong cuộc
họp báo với mục đích “làm rõ công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng” đã đưa ra
các lý luận để phản bác các quan điểm của Trung Cộng.
Điều kiện quốc tế dẫn
tới công hàm Phạm Văn Đồng
Trước 1958, Trung Cộng không có một quan điểm rõ ràng nào về
lãnh hải. Nhà văn Trung Quốc Wei Wen-han nghiên cứu về lãnh hải nhắc lại cho đến
tháng Sáu 1957 Trung Cộng vẫn chưa có một xác định nào về hải phận và thềm lục
địa thuộc về Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tháng 12 năm 1957, Nam Dương tuyên bố mở rộng lãnh hải từ 3
hải lý theo truyền thống mà hầu hết các quốc gia áp dụng sang 12 hải lý và được
tính từ điểm ngoài cùng của các đảo thuộc lãnh thổ Nam Dương. Vì Nam Dương là
quốc gia quần đảo, nếu tính như vậy, một vùng biển rộng lớn của vùng Nam Thái
Bình Dương và Ấn Độ Dương đều thuộc quyền kiểm soát của Nam Dương. Anh, Hòa Lan
và nhiều quốc gia khác cùng lên tiếng phản đối. Trung Cộng chụp lấy thời cơ
binh vực Nam Dương và ngày 4 tháng 9 năm 1958 công bố riêng một Bản tuyên bố về
lãnh hải của Trung Quốc (Declaration on China's Territorial Sea) với các điểm
chính như mọi người đều biết: “Bề rộng của lãnh hải Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa sẽ là 12 hải lý”và “áp dụng tương tự đối với Đài Loan và các đảo
chung quanh, Quần đảo Bành Hồ (Penghu), Quần đảo Trung Sa (Tungsha), Quần đảo
Tây Sa (Hsisha), Quần đảo Chungsha, Quần đảo Nansha (Nam Sa), và các đảo khác
thuộc Trung Quốc”.
Công tâm mà nói, bản tuyên bố của Trung Cộng trong thời điểm đó
nhắm vào Mỹ đang bảo vệ các tàu hàng Đài Loan trong các vùng đảo Kim Môn, Mã Tổ,
Bành Hồ hơn là các nước Đông Nam Á. Người soạn thảo bản tuyên bố của Trung Cộng
áp dụng phương pháp tính lãnh hải của Nam Dương và có tầm nhìn Đại Hán nên đã
đưa các đảo Tây Sa (Hsisha) tức Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) tức Trường Sa trong
vùng biển Đông vào. Chính phủ Mỹ tức khắc bác bỏ bản tuyên bố của Trung Cộng và
các chiến hạm Mỹ vẫn tiếp tục bảo vệ an ninh cho các tàu hàng Đài Loan trong
vùng 3 hải lý của đảo Kim Môn, Bành Hồ chung quanh Đài Loan. Trung Cộng không
dám bắn. Bộ quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch tấn công Trung Cộng bằng bom nguyên tử.
Để giữ thể diện, Bành Đức Hoài tuyên bố ngưng bắn vào Kim Môn nếu tàu chiến Mỹ
ngưng bảo vệ tàu hàng Đài Loan. Mỹ chẳng những không đáp lại đòi hỏi của Trung
Cộng mà còn gởi Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles thăm Đài Loan để bàn kế hoạch
phòng thủ Đài Loan lâu dài.
Hai lý do Trần Duy Hải
dùng để bác bỏ công hàm Phạm Văn Đồng
Thứ nhất. Công hàm Phạm Văn Đồng “hoàn toàn không đề cập đến
vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Lý luận này không thuyết phục được ai. Không cần phải đứng về
phía Trung Cộng mà chỉ một người có chút hiểu biết và dù đứng về phía Việt Nam
cũng phản bác lại dễ dàng. Đưa ra lý do không đề cập đến Hoàng Sa, Trường Sa là
một cách tự kết án mình. Bản tuyên bố của phía Trung Cộng ghi rõ Hoàng Sa và
Trường Sa thuộc về Trung Cộng và Việt Nam đáp lại bằng cách“ghi nhận và tán
thành bản tuyên bố”. CSVN có nhiều cách để lấy lòng đàn anh Trung Cộng mà vẫn
giữ được chủ quyền đất nước. Chẳng hạn, Phạm Văn Đồng chỉ nhấn mạnh đến sự ủng
hộ của đảng và nhà nước CSVN đối với các chính sách của Trung Cộng trong xung đột
Đài Loan mà không nhắc nhở gì đến Hoàng Sa, Trường Sa và coi như không biết đến
“Bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc”. May ra còn có thể cãi cọ được. Tiếc
thay, lãnh đạo đảng sợ viết như vậy chưa vừa lòng đàn anh và chưa tỏ bày hết
lòng dạ trung kiên, kết cỏ ngậm vành của mình.
Không giống thái độ của các nước Mỹ, Anh, Hòa Lan, CSVN tự nguyện
đưa cổ vào tròng. Không có một văn bản nào cho thấy Trung Cộng áp lực Việt Nam
phải đồng ý với bản tuyên bố lãnh hải của Trung Cộng. Không có tài liệu nào cho
thấy Trung Cộng đe dọa nếu CSVN không ủng hộ sẽ đưa quân sang “dạy cho một bài
học” hay cắt đứt viện trợ. Thời điểm năm 1958 vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường
Sa chưa phải là mối bận tâm hàng đầu của Trung Cộng, tuy nhiên những người soạn
thảo bản công bố chủ quyền biển của Trung Cộng đã biết phòng xa. CSVN thì
không. Nếu sự kiện được trình lên toàn án quốc tế, không một quan tòa nào sơ đẳng
đến mức đánh giá hai văn bản một cách độc lập với nhau.
Phân tích để thấy, lãnh đạo CSVN trong lúc phủ nhận giá trị của
công hàm Phạm Văn Đồng trước dư luận quốc tế, cũng đồng thời thừa nhận trước
nhân dân Việt Nam công hàm Phạm Văn Đồng là công hàm bán nước.
Lý do thứ hai cũng do Trần Duy Hải đưa ra “Hoàng Sa và Trường
Sa cũng phù hợp với thực tế lúc đó hai quần đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc
quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa”.
Trong hai lý do, chỉ có lý do Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là có sức
thuyết phục về mặt pháp lý cũng như gây được cảm tình của thế giới tự do. Tuyên
cáo của chính phủ VNCH công bố ngày 14 tháng Hai năm 1974 xác định chủ quyền
trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như Bạch thư của Bộ Ngoại Giao
VNCH đầu năm 1975 đanh thép bác bỏ giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng.
Phạm Văn Đồng không thể công nhận những gì không thuộc lãnh thổ của Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa. VNCH là một quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hoàng
Sa, Trường Sa thuộc về VNCH đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, lý luận VNCH
có gây được cảm tình nhân loại và có thể dùng để tranh luận trong bàn hội nghị
cũng chưa thắng được bởi vì VNCH không còn là một thực thể chính trị.
Phản bác của nhà
nghiên cứu Trung Quốc
Ngô Viễn Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật Việt Nam và
từng du học tại Việt Nam đã bác bỏ các luận điểm của CSVN. Ngô Viễn Phú cho rằng “Ở
thời điểm đó, trên trường quốc tế, một số quốc gia có quan hệ tốt với miền Bắc,
trong đó có Trung Quốc, đều thừa nhận miền Bắc là đại diện hợp pháp duy nhất
cho Việt Nam; và phía Trung Quốc, vào ngày 18 tháng 1 năm 1950, thể theo đề nghị
của chính quyền miền Bắc, đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với miền Bắc,
hai bên cùng cử đại sứ (tới Hà Nội và Bắc Kinh).”
Đàn anh Cộng Sản Trung Quốc công nhận đàn em CSVN là chuyện
đương nhiên và thể theo lời yêu cầu của CSVN chứ không phải của VNCH. Quan hệ
ngoại giao giữa hai nước thay đổi theo từng thời kỳ. Singapore là một nước nhỏ
nhưng mãi đến 1990 mới công nhận Trung Cộng. Liên Xô là một nước lớn nhưng Mỹ bắt
chờ 16 năm sau cách mạng CS Nga mới công nhận Liên Xô. Thời điểm 1933 Nhật bắt
đầu bành trướng ở phương Đông nên Mỹ cần làm dịu căng thẳng ở phương Tây, nếu
không Tổng thống Franklin Roosevelt còn cô lập Liên Xô thêm nhiều năm nữa.
Việc “Trung Quốc, đều thừa nhận miền Bắc là đại diện hợp
pháp duy nhất cho Việt Nam”cũng chỉ giá trị giữa miền Bắc CS và Trung Cộng
không ảnh hưởng gì với quốc tế và không liên hệ gì đến nước thứ ba, trong trường
hợp này là VNCH. Trung Cộng có quyền công nhận miền Bắc Cộng Sản và không công
nhận VNCH về mặt ngoại giao nhưng vẫn phải thừa nhận VNCH là một quốc gia độc lập
được quốc tế và các quốc gia tham dự hội nghị Geneva, trong đó có Trung Cộng
tham dự và ký kết.
Trong khi phản bác Ngô Viễn Phú lại cũng dựa trên lý luận CSVN
đã xâm lược VNCH và không có quyền “thừa kế” lãnh thổ của nước bị chiếm: “Nếu
theo quan điểm đã nhắc đến ở trên của các học giả Việt Nam thì, miền Bắc là
“bên thứ ba ở ngoài không liên quan”, như vậy, sẽ có nghĩa là thừa nhận địa vị
hợp pháp của chính quyền miền Nam, và thế thì, những cái gọi là “bù nhìn” hay
“chính quyền ngụy” chỉ là cách gọi càn, và việc “giải phóng miền Nam” của chính
quyền miền Bắc chính là hành động xâm lược. Theo nguyên tắc của luật quốc tế,
bên xâm lược không có quyền “kế thừa” lãnh thổ và tất cả các quyền lợi của bên
bị xâm lược, thế thì, chính quyền Việt Nam hiện nay, vốn là kế tục của chính
quyền miền Bắc trước đây, sẽ không có quyền lấy tư cách người kế thừa của chính
quyền miền Nam để mà đưa yêu cầu về lãnh thổ đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo
Nam Sa.”
Về mặt công pháp quốc tế cũng như cả lãnh đạo CSVN lẫn phe phản
bác lý luận của CSVN đều công nhận rằng chủ nhân thật sự của Hoàng Sa vẫn là
VNCH. Do đó, điều kiện tiên quyết, chọn lựa duy nhất và con đường thích hợp nhất
không chỉ để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Công mà mở đường
cho tự do, dân chủ và thịnh vượng là tập trung vào công cuộc phục hưng VNCH.
Lối thoát VNCH
Đọc tới đây, một số độc giả có thể sẽ dừng lại vì cho người viết
không tưởng, hư cấu hay chủ trương đi lại một vết xe đổ. Không. Phục hưng VNCH không
phải là đi lùi vào quá khứ mà hướng tới tương lai, không phải lập lại mà thăng
tiến cao hơn. VNCH không phải là vết nhăn trên trán của thế hệ cha chú đã qua
mà là hành trang và ước vọng của tuổi trẻ ngày nay. Chủ nghĩa CS mới thật sự là
lạc hậu và việc cáo chung của chủ nghĩa này chỉ là vấn đề thời gian. Thác nước
Niagara không thể nào chảy ngược. Không phải người viết, phần đông độc giả mà
ngay cả các lãnh đạo CSVN cũng không thể chối cãi sự thật đó. Chủ nghĩa CS còn
kéo dài ở Á Châu cho đến hôm nay là nhờ họ biết núp bóng sau tấm bình phong chống
thực dân đế quốc. Tấm bình phong do họ dựng lên đang rã mục. Năm 1954 tại miền
Bắc, nhiều người thật sự tin rằng đảng CS và dân tộc Việt Nam là một, như nước
với sữa, như máu với thịt, hay như Hồ Chí Minh nói “đảng là con nòi của dân tộc”.
Năm 1975, khi đối diện với miền Nam từ lối sống đến phương tiện hoàn toàn khác
với những gì bộ máy tuyên truyền CS đã thêu dệt nhiều người bắt đầu nhận ra đảng
đã lợi dụng máu xương của những người ngã xuống vì khát vọng hòa bình, vì mơ ước
đoàn viên, vì cơm no áo ấm chỉ để CS hóa toàn đất nước. Và hôm nay, 2014, đông
đảo nhân dân Việt Nam đã hiểu rõ cơ chế độc tài là trở lực duy nhất trên con đường
dẫn đến một Việt Nam tự do, dân chủ, văn minh. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ
toàn diện và triệt để tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.
Và khi đó, thể chế nào khác sẽ thay thế chế độ CS nếu không phải
là thể chế cộng hòa? Thực tế chính trị rất hiển nhiên đó đang là một khải hoàn
ca tại hầu hết các quốc gia cựu Cộng Sản như Cộng hòa Czech, Cộng hòa Hungary,
Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Lithuania, Cộng hòa Estonia, Cộng hòa Mông Cổ v.v...
Tiến trình dân chủ hóa diễn ra nhanh hay chậm tùy theo điều kiện của mỗi nước
nhưng là hướng phát triển của văn minh nhân loại trong thời đại này.
Giá trị của VNCH
Trong suốt 60 năm từ 1954, bộ máy tuyên truyền của đảng đã không
ngừng vẽ trong nhận thức của bao nhiêu thế hệ Việt Nam một VNCH chẳng khác gì một
con ma, ghê sợ, hung dữ và tội lỗi nhất trong thế gian này. Suốt 60 năm qua,
VNCH là hiện thân của thứ tội ác. Trong nhận thức không chỉ tuổi trẻ Việt Nam
sinh sau 1975 mà ngay cả các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhà văn, nhà thơ đều
được dạy để biết VNCH có ba đặc điểm lớn là “tham nhũng”, “trấn áp” và “ôm chân
đế quốc Mỹ”.
Trong tiểu luận “Khám nghiệm một hồn ma” trên Talawas
8 năm trước người viết đã có dịp phân tích thể chế cộng hòa tại miền Nam. Xin
trích một phần bài viết đó ở đây để chia sẻ với các độc giả chưa đọc.
Miền Nam trước 1975 có tham nhũng không? Chẳng những có mà còn
vô cùng trầm trọng.
Miền Nam có đàn áp biểu tình, đối lập không? Có, không chỉ đàn
áp một lần mà nhiều lần, không chỉ một năm mà nhiều năm.
Miền Nam trước 1975 có sống bám vào viện trợ Mỹ không? Có, không
chỉ 300 triệu dollars “viện trợ đặc biệt” như nhiều người hay nhắc mà nhiều tỉ
đô la.
Vâng, tất cả điều đó đều có. Chế độ cộng hòa tại miền Nam Việt
Nam ra đời và lớn lên trong một hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trong đó các
nguyên tắc dân chủ đã trở thành con dao hai lưỡi. Chính con dao dân chủ hai lưỡi
đó đã đâm vào thân thể của chế độ cộng hòa hàng trăm vết thương đau đớn từ ngày
mới ra đời cho đến gục xuống trong tức tưởi. Miền Nam có tất cả sắc thái của một
xã hội dân chủ đang từng bước đi lên. Dân chủ không phải là lô độc đắc giúp một
người trở nên giàu sang trong một sớm một chiều mà là quá trình tích lũy vốn liếng
từ những chắt chiu của mẹ, tần tảo của cha, thăng trầm và thử thách của cả dân
tộc.
Ngay cả những quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nam Hàn cũng phải
bước qua con đường đầy máu nhuộm để có được nền dân chủ như hôm nay. VNCH cũng
vậy. Miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng có đấu tranh chính trị, có ông
quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào chống tham nhũng hoạt động công
khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông tướng trong sạch, có nghị gà nghị
gật nhưng cũng có những chính khách, dân biểu, nghị sĩ đối lập chân chính. Như
một viên ngọc nằm trong lòng lớp rong rêu của vỏ con trai, trên tất cả, giá trị
đích thực của VNCH không nằm trong tham nhũng, trấn áp và đồng đô la Mỹ mà nằm
trong Hiến pháp VNCH đặt nền tảng trên một thể chế dân chủ do dân và vì dân.
Lời mở đầu của Hiến pháp 1967 do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan
Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967, xác định Việt Nam là một chế độ cộng hòa “Dân
chủ độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân, chủ quyền thuộc về toàn dân”
phát xuất từ “Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc
tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý
chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh
thể cộng hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống
nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế
hệ hiện tại và mai sau.”
Ngoài phần mở đầu hùng hồn nêu trên, chuyên chở trong suốt 9
chương và 117 điều của Hiến pháp 1967 là nền tảng của chế độ cộng hòa, qua đó,
quyền lãnh đạo đất nước như chỉ rõ trong điều 3, được phân quyền rõ rệt: ”Ba cơ
quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt.
Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực
hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng
xã hội”.
Phục hưng VNCH không có nghĩa là phục hưng chính quyền miền Nam.
Chính thể không đồng nghĩa với một chính quyền và do đó không sống hay chết
theo một chính quyền. Giá trị của VNCH được xây bằng xương máu của bao nhiêu
người và ngày nay đã vượt qua khỏi vĩ tuyến 17 để trở thành ước vọng chung cho
cả dân tộc. Sau 39 năm, VNCH như một mạch nước chảy ngầm trong rặng núi, đau đớn,
vất vả, khó khăn nhưng không bao giờ ngừng chảy. Nếu ai cho tôi khoác lác hãy
gác qua bên mặc cảm Bắc Nam, định kiến xã hội, khuynh hướng chính trị, đảng
phái, tôn giáo, tả khuynh, hữu khuynh, thù hận riêng tư và thậm chí che luôn bốn
chữ Việt Nam Cộng hòa trên trang đầu của Hiến pháp VNCH mà chỉ đọc một cách
nghiêm chỉnh nội dung thôi, tôi tin người đọc dù Nam hay Bắc, dù trong hay
ngoài nước, sẽ công nhận đó chính là mục tiêu mà dân tộc Việt Nam cần phải đạt
đến. Công nhận các giá trị được đề ra trong hiến pháp VNCH không có nghĩa là đầu
hàng, chiêu hồi. Không. Không ai có quyền chiêu hồi ai hay kêu gọi ai đầu hàng.
Đây là cuộc chiến mới, cuộc chiến giữa dân tộc và phản dân tộc, giữa cộng hòa
và cộng sản, giữa tự do và độc tài, giữa nhân bản và toàn trị. Mỗi người Việt sẽ
chọn một chỗ đứng cho chính mình phù hợp với quyền lợi bản thân, gia đình, con
cháu và sự sống còn của dân tộc.
Hiến pháp VNCH có thể chưa hoàn chỉnh nhưng là một văn kiện tham
khảo cần thiết để kiến tạo một Việt Nam dân chủ cường thịnh. Hạt giống do Phan
Chu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh
và rất nhiều nhà cách mạng miền Nam khác gieo xuống hàng thế kỷ trước đã mọc và
lớn lên trong mưa bão. Hạt giống dân chủ khơi mầm tại miền Nam cũng không chỉ bắt
đầu sau khi đất nước bị chia đôi 1954 mà đã có từ hàng trăm năm trước.
Lợi dụng chính sách Nam kỳ tự trị của thực dân, các nhà cách mạng
tại miền Nam có cơ hội học hỏi và áp dụng phương pháp đấu tranh nghị trường, tiếp
cận các tư tưởng dân chủ Tây phương, mở mang dân trí làm nền tảng cho chế độ cộng
hòa sau này. Đó không phải là sản phẩm của Tây hay Mỹ mà là vốn quý của dân tộc
đã được đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt của nhiều người. Đó không phải là tài sản
của riêng miền Nam mà của tất cả những người Việt cùng ôm ấp một ước mơ dân chủ.
Những ai biết gạt bỏ định kiến Bắc Nam, tháo gỡ lớp màn “căm thù Mỹ Ngụy” ra khỏi
nhận thức, sẽ thấy đó chính là hành trang cần thiết cho nỗ lực mưu cầu một xã hội
công bằng và tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Không cần phải tìm giải pháp từ
Miến Điện, Nam Phi, Ai Cập, Libya hay tìm chân lý ở Anh, ở Mỹ mà ngay ở đây, giữa
lòng đất nước Việt Nam.
Phục hưng VNCH không có nghĩa là phủ nhận công lao của những người
đã hy sinh trong chiến tranh chống thực dân Pháp. Như kẻ viết bài này đã nhấn mạnh
nhiều lần, cuộc chiến chống thực dân Pháp là cuộc chiến chính nghĩa. Đó là cuộc
đấu tranh đầy gian khổ nhưng rất anh hùng của một dân tộc bị nô lệ đã đứng lên
chống lại một thực dân tàn bạo. Việc tham gia vào đảng phái, kể cả việc tham
gia vào đảng Cộng sản của một số người Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp, chủ yếu
là để được tổ chức hóa nhằm mục đích hợp đồng chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ
dàng hơn. Những người Việt yêu nước thời đó chọn lựa đảng phái như chọn một chiếc
phao để đưa dân tộc sang bờ độc lập nhưng đối với đảng CS chiếc phao lại chính
là dân tộc.
Nhiều người yêu nước chọn tham gia vào đảng CS nhưng bản thân đảng
CS như một tổ chức chính trị dựa trên ý thức hệ CS chưa bao giờ là một đảng yêu
nước. Những nông dân hiền hòa chất phác, những công nhân đầu tắt mặt tối làm
sao biết được con đường họ đi không dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến
nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc
bẫy buộc chặt chẳng những cuộc đời họ mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc đến ngày
nay. Dù sao, người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, không đánh thuê, đánh mướn
cho một chủ nghĩa, một ý thức hệ ngoại lai vong bản hay cho một quyền lợi đế quốc
nào sẽ không bao giờ chết, không bao giờ bị lãng quên. Lịch sử sẽ đánh giá, tổ
quốc sẽ ghi công họ một cách công bằng.
Phục hưng VNCH không có nghĩa là tái thực thi hiệp định Paris.
Dân tộc Việt Nam là một thực thể thống nhất và tất cả các hòa ước Patenôtre, hiệp
định Geneva hay hiệp định Paris đều là những chiếc còng của thực dân và đế quốc
áp đặt lên đầu lên cổ dân tộc Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam yếu kém và phân
hóa. Trước 1975, trong đáy lòng của bất cứ một người Việt yêu nước nào cũng
mong một ngày dân tộc Việt Nam từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau sẽ được đoàn viên
trong tự do, dân chủ và thịnh vượng. Tuy nhiên, ngoài trừ lãnh đạo CSVN chủ
trương CS hóa toàn cõi Việt Nam bằng súng đạn của Nga, Tàu, không ai muốn đoàn
viên phải trả bằng giá của nhiều triệu sinh mạng người dân vô tội, đốt cháy một
phần đất nước, để lại một gia tài nghèo nàn lạc hậu cho con cháu. Hôm nay, dù
không tự mình chọn lựa, dân tộc Việt Nam cũng đã là một và không có một thế lực
nào làm Việt Nam phân ly lần nữa.
Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, có khi cuồn cuộn lúc âm thầm,
có chỗ sâu chỗ cạn nhưng chưa bao giờ ngưng chảy. Đó là sự thật. Khoảng thời
gian từ khi Mã Viện, danh tướng nhà Đông Hán, đánh bại Hai Bà Trưng (năm 43) đến
khi Lý Nam Đế đánh bại quân Lương Vũ Đế và dựng nước Vạn Xuân (năm 543) là tròn
500 năm. Biết bao nhiêu lớp người đã sinh ra và chết đi trong suốt 5 thế kỷ sống
trong bóng tối nô lệ nhưng sức sống Việt Nam vẫn tồn tại và lớn lên. Việt Nam
là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới trong đó người dân gọi nhau bằng
hai tiếng đồng bào thân thương và trìu mến. Đối mặt với một kẻ thù đông hơn nhiều
và mạnh hơn nhiều, chưa bao giờ sức mạnh tổng hợp của 90 triệu người Việt trong
nước và 3 triệu người Việt ở hải ngoại cần thiết như hôm nay. Đảng CS có 3 triệu
đảng viên nhưng đa số trong số 3 triệu người này trong thực tế cũng chỉ là nạn
nhân của một tập đoàn lãnh đạo đảng tham quyền và bán nước. Chỉ có sức mạnh
toàn dân tộc phát triển trên cơ chế dân chủ tự do mới mong thắng được Trung Cộng
và mọi kẻ thù có âm mưu xâm lược Việt Nam. Tổ tiên Việt Nam đã làm được rồi các
thế hệ Việt Nam ngày nay cũng sẽ làm được.
Người viết biết rằng, đối với một số người Việt đã bị bộ máy
tuyên truyền đầu độc quá lâu và các bạn trẻ bị nhào nặn hoàn toàn trong hệ thống
giáo dục một chiều CS, để có một nhận thức đúng về lịch sử là một quá trình đấu
tranh tư tưởng khó khăn.
Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn thẳng vào
thực tế đất nước sau 39 năm vẫn là một nước lạc hậu về mọi mặt từ kinh tế,
chính trị, quốc phòng và đời sống. Việt Nam còn thua xa những nước ở châu Phi
như Ghana, Sierra Leone, Namibia vì những quốc gia đó còn nghèo nhưng hãnh diện
vì chính phủ họ do nhân dân họ bầu lên. Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước
mà hãy nhìn vào cách giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Cộng của
lãnh đạo CSVN. Ngoài những lời phản đối đọc như kinh nhật tụng họ không có và
cũng không thể có một chọn lựa dứt khoát nào chỉ vì quyền lợi trước mắt của một
nhóm người lãnh đạo được đặt lên trên quyền lợi lâu dài của đất nước. Như người
viết đã trình bày trong bài trước, rồi mai đây, sau trận đánh ghen HD-981, lãnh
đạo CSVN lại lên đường sang Bắc Kinh triều cống, lại 16 chữ vàng, lại ca ngợi
tình đồng chí, nghĩa anh em thắm thiết. Cơn hờn giận giữa hai đảng CS theo thời
gian có thể sẽ nguôi ngoai nhưng trên các vùng biên giới, trong lòng biển Việt
Nam, máu của ngư dân Việt Nam, của người lính biển Việt Nam sẽ không ngừng chảy.
Thảm trạng xã hội Việt Nam hôm nay, những lạc hậu kinh tế hôm nay, những yếu
kém về quốc phòng hôm nay, những cô đơn trong bang giao quốc tế hôm nay là những
câu trả lời cho những ai còn do dự, còn một chút tin tưởng nào đó ở lãnh đạo đảng
CSVN.
Sau hải chiến Hoàng Sa đầy hy sinh xương máu, VNCH lần nữa lại
được lịch sử giao trọng trách đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa trong tay Trung Cộng.
Cuộc tranh đấu mới sẽ khó khăn nhưng là con đường đúng nhất của dân tộc trong
cùng hướng phát triển của nhân loại. Giống như hầu hết các nước cựu CS ở Đông
Âu và khối Liên Xô, thể chế Cộng Hòa là chọn lựa đương nhiên và dứt khoát. Các
quốc gia sẽ bình đẳng trước công pháp quốc tế. Những khẩu hiệu tuyên truyền rất
sến như “16 chữ vàng”, “hữu nghị Việt Trung” sẽ bị chôn sâu theo xác của ý thức
hệ CS. Dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn để phát triển thành một quốc
gia hiện đại về cả kinh tế lẫn quốc phòng. Các nhà lãnh đạo VNCH trong cuộc đấu
tranh mới trên mặt trận ngoại giao sẽ hành xử xứng đáng với tư cách của một cấp
lãnh đạo chính danh, thay mặt cho một nước VNCH thống nhất, dân chủ, độc lập,
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của đại đa số con
người yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới. Giành lại Hoàng Sa và bảo vệ
Trường Sa là một cuộc tranh đấu gian nan, gai góc, bị chi phối bởi nhiều yếu tố
khách quan và chủ quan, nhưng chính nghĩa và chân lý cuối cùng sẽ thắng.
Trần Trung Đạo
No comments:
Post a Comment