Sunday, June 15, 2014

CÔNG THƯ CỦA ÔNG PHẠM VĂN ĐỒNG

Gs Nguyễn Văn TuấnMột trong những di sản đau buồn nhất của các lãnh tụ cộng sản ở VN là cái công thư của ông Phạm Văn Đồng (PVĐ) gửi cho ông Chu Ân Lai vào ngày 14/9/1958. Có người nặng lời nói rằng đó là một công văn “bán nước”, nhưng cũng có người bình tĩnh hơn nói rằng công văn đó chẳng có giá trị pháp lí. Công văn ngắn nhưng có thể nói là tai hại này đã được Tàu cộng dùng làm một trong những chứng cứ để giành chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Công thư này đã làm cho biết bao người Việt Nam phải đau đầu với nó, tìm cách hoá giải nó.
Trong những người mới đây lên tiếng có Gs Cao Huy Thuần (1), Phong Uyên (2), và Gs Ngô Vĩnh Long (3). Các học giả bác bỏ tính pháp lí của công thư PVĐ và biện minh rằng ông ấy và Chính phủ ông ấy (ở miền Bắc) không có quyền giao nhượng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (HS-TS) cho Tàu cộng, vì lúc đó hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hoà. Nói nôm na: anh không thể bán cái mà anh không có. Nghe qua thì cũng có lí, nhưng thật ra, trong công thư đó ông PVĐ chẳng có đề cập đến HS-TS. Hôm qua, Gs Cao Huy Thuần có góp thêm ý để hoá giải công thư PVĐ. Thú thật, đọc qua lí giải của Gs Thuần tôi thấy khó hiểu, nhưng không có thì giờ diễn tả ý nghĩ của mình. Hôm nay, Gs Phạm Quang Tuấn có một bài viết phản bác lại những giải thích của Gs Cao Huy Thuần (4), mà tôi nghĩ là rất sắc sảo. Trong phần kết luận anh viết rằng cái công thư đó vẫn gây tác hại lớn cho công cuộc đấu tranh gay go với Tàu Cộng:
“Cuộc tranh đấu chủ quyền do đó sẽ chỉ diễn ra trên các mặt trận học thuật, công luận, ngoại giao, chính trị quốc tế. Tiếc thay, trên những mặt trận đó thì Công hàm Phạm Văn Đồng lại càng nguy hại hơn là trong địa hạt pháp lý! Rốt cuộc, những lý lẽ của GS Cao Huy Thuần có lẽ chỉ để "lưu hành nội bộ", may ra an ủi được những người "phò đảng tới cùng" (hay theo tiếng Anh là chúng chỉ dùng vào mục tiêu ‘preaching to the converted’)”
Vậy thì cái công thư PVĐ 14/9/1958 viết gì? Đây là nguyên văn (5):
"Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng".
Nếu đọc công thư này thì Gs Ngô Vĩnh Long có lí khi ông nói rằng “Ông Phạm Văn Đồng không bao giờ tuyên bố bỏ Hoàng Sa, không bao giờ nói chịu nhượng bộ bất cứ đảo nào của VN, bất cứ đâu”. Tuy nhiên, với tôi là một người ngoại cuộc và người đọc tin, thì ông PVĐ có tuyên bố GIÁN TIẾP rằng HS-TS là của Tàu cộng.
Cái câu quan trọng trong công thư PVĐ là “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”. Chúng ta phải tìm hiểu xem, tuyên bố 4/9/1958 của Tàu cộng là gì. May quá, tìm trên mạng thấy có bản tiếng Hoa và một bản dịch tuyên bố 4/9/1958 (6). Tuyên bố có đoạn viết:
“Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”
Nói cách khác, Tàu cộng có đề cập RÕ RÀNG rằng lãnh thổ của họ bao gồm quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức HS-TS theo cách gọi của VN). Ông Phạm Văn Đồng nói rằng Chính phủ ông tôn trọng và tán thành tuyên bố đó thì cũng có nghĩa là tán thành và công nhận HS-TS là của Tàu rồi. Một cách khách quan, rất khó biện minh cho hành động của ông PVĐ và Chính phủ của ông lúc đó.
Bây giờ, nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩ Việt Nam là hậu thân của cái nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nên khó mà rứt bỏ cái tuyên bố của ông PVĐ và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Những ai ở nước ngoài đều biết được cái công văn này rất lâu. Cá nhân tôi đã đọc được nó từ những năm đầu thập niên 1990s, nhưng quả thật lúc đó tôi chưa tin và cũng chưa quan tâm đến ý nghĩa của nó (vì lo chuyện học hành và cơm áo gạo tiền). Nhưng ở trong nước thì mãi đến nay công chúng mới biết được cái công văn này do Chính phủ chính thức công bố. Trước đó, chỉ có những nhà nghiên cứu mới biết được công thư đó. Nói như vậy để thấy rằng có một sự dấu giếm thông tin (như thường lệ) từ phía VN.
Bây giờ đến khi đối phương tung cái công thư PVĐ ra dư luận quốc tế thì nhiều người lúng túng. Tôi nghĩ các học giả VN rất giỏi trong biện minh về hoàn cảnh ra đời của cái công thư đó và phản bác ý nghĩa của nó. Trên phương diện học thuật, chúng ta có thể phân tích theo mô hình khoa học “chẻ cọng tóc làm ba”, nhưng thực tế trần trụi với chứng từ và câu chữ trên giấy trắng mực đen đã gây bất lợi cho cuộc đấu tranh chủ quyền của VN: “ghi nhận và tán thành” những “quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.” Do đó, những phân tích và kết luận của Gs Phạm Quang Tuấn (4) là rất hợp lí và có cơ sở. Có thể lúc viết công thư đó, ông PVĐ chưa đọc kĩ tuyên bố của Tàu, cũng có thể ai đó chấp bút cho ông là người của Tàu cộng. Dù sao đi nữa thì cái công thư đó là một sai lầm, một vết nhơ lịch sử. Bây giờ chúng ta, người thuộc thế hệ sau, phải tìm cách hoá giải nó, nhưng không phải theo kiểu "preaching to the converted" như Gs Phạm Quang Tuấn nói. Ở dưới suối vàng không biết ông ấy (PVĐ) có hối hận?

No comments:

Post a Comment