CHƯƠNG 3
Vào đầu tháng giêng năm 1975, một phái đoàn quân sự Liên
Xô do tướng V.A. Jukilov Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô cầm đầu, đến Hà Nội .
Về bài toán Việt Nam Mạc tư Khoa và Bắc Kinh luôn luôn có cái nhìn tương phản với
nhau. Từ năm 1954, Liên Xô đã thúc đẩy Hà Nội mở cuộc tấn công quân sự quy mô
và quyết định để chiếm Miền Nam. Ngược lại Bắc Kinh thì lại khuyên Hà Nội chỉ
nên tăng cường các khu vực đã giải phóng và tiến hành một cuộc chiến tranh gậm
nhắm lâu dài (trường kỳ kháng chiến).
Liên Xô đã khẳng định rằng thời cơ quốc tế đang rất thuận
lợi nên đã cung cấp cho Hà Nội rất nhiều phương tiện có thể trang bị cho 55
trung đoàn chiến xa biệt lập, và hỏa tiễn, pháo binh phòng không, để tiến tới sự
thành công. Các tàu hàng của Nga chở đầy ắp đạn dược đã chen chúc nhau ở hải cảng
Hải Phòng.
Sau khi phái đoàn của tướng Jukilov rời khỏi Bắc Việt lại
có một nhân vật cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao Liên Xô đến Hà Nội . Đó là ông
Nicolai Firyubin. Cứ mỗi lần mà Mạc tư Khoa quyết định tiến hành một hoạt động
chánh trị quân sự ở một khu vực đặc biệt nóng bõng nào đó thì y như rằng họ phải
gởi ông Firyubin đến đó.
Như thế là kế hoạch của Hà Nội sẽ nằm ở giữa
sự khuyến cáo của Nga và của Tàu.
Lãnh đạo Bắc Việt rất lạc quan: quân đội của
họ đã sẵn sàng hành động.
Tờ báo Học Tập cơ quan chánh thức của đảng
cộng sản ở Bắc Việt đã phản ảnh đúng cái nhìn của đảng, cho thấy Hà Nội hoàn
toàn ý thức được điểm rất thảm hại của Miền Nam khi Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định
từ việc cắt bớt đi đến đình hoãn luôn viện trợ quân sự và kinh tế cho Sài Gòn .
Vài ngày trước khi họ tung ra cuộc tổng tấn
công có tên là ‘’chiến dịch Hồ chí Minh’’ đảng cộng sản rõ ràng đã rất thích
thú ghi nhận là ‘’hỏa lực và sự khả dụng của các chiến cụ lưu động thuộc lực
lượng Miền Nam đã giảm sút hẳn’’. Tình hình nầy cho thấy là dự trử đạn dược và
bom đạn của ‘’quân đội bù nhìn’’ đã không còn đầy đủ và họ đang gặp nhiều khó
khăn trầm trọng để tái lập các kho dự trử săng dầu, để bảo trì và sửa chữa các
loại chiến xa, tàu chiên và vũ khí nặng mà họ thường dùng.’’
Ngày 10 tháng 3/75, hồi 3 giờ sáng, các
đơn vị cộng sản đã mở một mặt trận mới trong vùng Cao Nguyên và tung ra một
cuộc tấn công quy mô vào thành phố Ban mê Thuột , tỉnh lỵ của Darlac, nằm cách
Sài Gòn 250 cây số ngàn về hướng Bắc.
Từ Ba Lê, nơi tôi đang ở, rất khó mà đo được
tầm rộng lớn và diễn tiến của hành động nầy. Những tin tức đầu tiên từ Sài Gòn
‘’xác nhận là những trận đánh ở các đường phố đã bắt đầu trong đêm và vẫn còn
đang tiếp tục’’ Theo phát ngôn viên của quân đội Miền Nam thì ‘’ lực lượng của
Chánh Phủ và địa phương quân đã cố gắng chống lại một lực lượng địch quá đông
có chiến xa, pháo binh phòng không và một hỏa lực pháo thật hùng hậu bắn yểm
trợ. Cuộc tấn công vào tỉnh lỵ đã được pháo binh hạng nặng và hỏa tiển bắn dọn
đường trước thật dữ dội. Nhiều cuộc chạm súng đã diễn ra chung quanh phi trường
cách thành phố 7 cây số ngàn.
Tất cả mọi liên lạc vô tuyến với Bộ chỉ huy
tiểu khu đặt ở gần phi trường đều mất hết. ‘’. Cũng theo Sài Gòn thì vòng đai
phía Nam của thành phố đã bị địch chiếm , nơi đây có gần 15.000 dân sanh sống.
Không quân và binh sĩ của Chánh Phủ đã bắn hạ 8 chiến xa địch trong thành phố
và ở vùng ngoại ô.’’
Theo những tin tức đầu tiên nhận được thì
chánh quyền Miền Nam ước tinh đây là một "cuộc tấn công quy mô nhất mà cộng
sản đã tung ra từ sau ngày ký Hiệp Định Ba Lê về Ngừng Bắn năm 1973", và
cho là tình hình "rất đỗi nghiêm trọng".
Nhưng Hoa thạnh Đốn không có một phản ứng nào
hết.
Ngày thứ ba 12 tháng 3
Ngày thứ tư 13 tháng 3, cũng theo Sài Gòn
thì cuộc chiến ở Cao Nguyên vẫn tiếp diễn.
Ký giả Gerard Le Quang đã viết trong báo
France soir như sau:
‘’ Trong khi các trận đánh ở Phnom Penh đang
tiếp diễn, thì MTGPMN (Việt Cộng) chiếm một phần của thị xã Ban mê Thuột
(160.000 dân), một thị trấn quan trọng trên Cao Nguyên, sau khi chiếm quận lỵ
Đức Lập. Tấn chiếm như vậy là kháng chiến quân ở Miền Nam Việt Nam muốn ngăn
chận một sự can thiệp của quân đội Sài Gòn vào Cam Bốt để giải vây cho Phnom
Penh. Kế hoạch can thiệp nầy được sự không trợ từ Không Lực Hoa Kỳ đã được đề nghị
cho Tổng Thống Thiệu gần đây. Vị nguyên thủ Miền Nam Việt Nam đã dự trù tiến
tới một hành động như vậy. Ông hy vọng là sẽ có hai đường lợi: trên phương diện
tài chánh ông sẽ được tăng cường một ngân khoản viện trợ từ phía Hoa Kỳ , trên
phương diện chánh trị sẽ tăng cường được vị thế không chối cãi của người ngyên
thủ quốc gia.
Sự tấn công của ‘’kháng chiến quân’’ đặt lại
tất cả mọi vấn đề , từ nay quân lực Miền Nam có rất ít khả năng để hành động ở
Cam Bốt. Ở đây người ta chỉ nói đến việc gởi 20.000 quân thuộc nhóm Khmer Krom
mà thôi (binh sĩ gốc Khmer được huấn luyện ở Miền Nam Việt Nam được gọi là
Khmer Krom) ‘’
Tờ báo Le Figaro còn nuôi dưỡng mãi một chuyện
hoang đường tương tự: "14 thành phố, 13 quận lỵ và một tỉnh lỵ đã rơi vào
tay của ‘’những người nổi loạn’’ từ khi Hiệp Định Paris được ký kết. Đó là chỉ
do "lực lượng cánh tả ở Miền Nam" đánh bật từng chốt một do quân đội
của Chánh Phủ Miền Nam kiểm soát"
Tại miền Trung, dù sao, cuộc tấn công của cộng
sản cũng có một tầm rộng lớn không thể ngờ được .Gần như đâu đâu binh sĩ Miền
Nam cũng bỏ mất đất. Bốn tỉnh, ba tỉnh lỵ, gần hết vùng Cao nguyên đã bị đổi
chủ. Một tỉnh thứ năm, tỉnh Quảng Trị, ở sát biên giới phía Bắc của Việt Nam
đang di tản. Và nửa triệu dân chúng đang chạy về hướng Nam trên quốc lộ. Chỉ
mới có mấy ngày, mũi dùi tấn công bất thần của cộng sản đã gây ra một sự xáo
trộn hết sức lạ thường về những bản đồ quân sự và về vấn đề dân số từng được
chánh thức đăng bạ ở Miền Nam Việt Nam từ trên 20 năm qua.
Vậy chuyện gì đã xảy ra ở đó ? Đâu là những lý
do sâu xa và thực sự của sự sụp đổ thình lình của quân lực Miền Nam Việt Nam ?
Cho tới giờ nầy Chánh Phủ của ông Thiệu không
có đưa ra một giải thích nào khác ngoài câu chuyện ‘’tái phối trí chiến thuật’’
lực lượng của mình. Và để cắt ngang mọi câu hỏi gây bối rối được nêu lên, phát
ngôn viên Bộ Quốc Phòng đã xác định với báo chí rằng kể từ nay sẽ không có một
bình luận nào về diễn tiến của các cuộc hành quân trong tương lai. Sự rút bỏ 4
tỉnh Kontum, Pleiku, Darlac và Quảng Đức nằm dựa lưng vào biên giới Lào và Cam
Bốt, đã để mất vào tay cộng sản 4 thành phố quan trọng có phi trường và một hệ
thống đường sá quá tốt, một lãnh thổ có rừng cây rộng lớn, có những vườn trồng
trọt sung túc và những đồng ruộng phì nhiêu trãi dài trên 250 cây số ngàn bề dài
và 150 cây số bề ngang. Đây là một hành lang chiến lược của Miền Nam Việt Nam
vừa rơi vào tay của kẻ thù cộng sản mà trên thực tế không có một cuộc chạm súng
nào .
Dường như Bộ Chỉ Huy Sài Gòn đã quyết định
phải rút tối đa binh sĩ của mình và dân chúng về vùng bờ biển giàu có hơn, trú
đóng ở những thị trấn dựa lưng vào biển, khi họ đứng trước một sự đe dọa do sự
tập trung quá lớn của lực lượng cộng sản được trang bị quá hùng hậu về chiến
xa, hỏa tiễn và pháo binh hạng nặng, để lại cho cộng sản những khu vực tuy rộng
lớn nhưng ‘’trống rỗng’’, ở đó Miền Nam có thể xử dụng mọi phương tiện hỏa lực
của Không Quân mà không sợ đánh nhằm dân chúng bạn lẫn lộn với các binh sĩ của
mình.
Dân chúng trong những vùng bị đe dọa không cần
phải được kêu gọi hay khuyến khích mới bỏ đi. Các nông dân và những kiều dân đã
định cư ở Cao Nguyên từ năm 1960 hầu hết thuộc thành phần di cư người công
giáo, đã từng chạy khỏi Miền Bắc ngay ngày hôm sau khi Hiệp ước Genève 1954 vừa
được ký kết. Những người từ Quảng Trị và Hué chạy vào đây thì không bao giờ
quên cuộc ‘’thanh trừng đẫm máu’’ có chọn lọc của năm 1968 (Tết Mậu Thân), lúc
lực lượng cộng sản chiếm một phần của hai thành phố nầy. Một cuộc thanh trừng
đến 6000 vụ hành quyết với phương tiện thô sơ trong vòng chưa đầy một tháng.
Tuy nhiên, sự rút đi bất thần của tất cả mọi
hiện diện quân sự trên nhiều tỉnh yết hầu đã làm thương tổn nặng nề đến uy tín
và tinh thần của cả dân chúng, Chánh Phủ Sài Gòn và QLVNCH.
Đường mòn Hồ chí Minh được Cộng Sản Hà Nội bảo
vệ toàn diện không một xâm nhập nào đến được từ hai cạnh sườn. Do đó quân đội
cộng sản kiểm soát toàn bộ phía Đông và phía Nam của Cam Bốt, tất cả dãy Trường
Sơn và cái ‘’sân thượng’’ ngay trung tâm của nước Việt Nam . Họ có thể đổ ập
bất cứ lúc nào xuống Dalat, một vùng trồng rau chính của Miền Nam , mỗi ngày
cung cấp cho Sài Gòn 70 % rau tươi. Trú đóng trên các cao điểm và được trang bị
cơ giới hùng mạnh, lực lượng cộng sản cũng có thể thọc một mủi dùi tấn công
xuống biển để cắt đứt Miền Nam làm hai đoạn, qua hành động đó cụ thể hóa sự
hình thành một ‘’nươc Việt Nam thứ ba’’.
Ngày 21 tháng 3,
Đài BBC, trước đây thường hay phát lại những
thông cáo của đài Hà Nội , đã loan tin về sự di tản của thành phố An Lộc, ở
cách Sài Gòn 100 cây số về hướng Bắc.
Vào năm 1972, An Lộc là nơi mà 5.000 binh sĩ
của Miền Nam , trú ẩn trong sự hoàn toàn đổ nát của thành phố vì 70.000 quả đạn
pháo đủ loại của cộng sản Bắc Việt , trong ba tháng dài đã chống trả và đánh
bật tất cả các cuộc xung phong liên tiếp của 3 sư đoàn cộng sản Bắc Việt có sự
yểm trợ trực tiếp của 2 trung đoàn chiến xa T.54. Bản thân tôi, lợi dụng được
các chuyến bay tản thương, đã đáp xuống thành phố nầy và đã sống ở đó được vài
giờ. Vì hỏa lực địch rất dày đặc, các trực thăng chỉ có 30 giây ở dưới đất -
thời gian tối thiểu để những người trên trực thăng nhảy xuống, và những người
khiêng cán đưa thương binh lên - sau đó là phải bay lên ngay. Cả thành phố chỉ
còn là một đóng gạch vụn, ngổn ngang xác chiến xa T.54 bị lực lượng phòng thủ
hạ bằng súng không giật, và hằng ngàn xác bộ đội cộng sản sình to lên trong
những quân phục xanh tơi tả. Nhà thờ đã bay mất nóc. Cả trăm thi hài chồng chất
lên nhau, đã thối rửa, giữa hàng ghế ngồi đã nát vụn và dưới chân bục thờ Chúa.
Trước đó hai tuần, một chiếc T.54 của cộng sản đã dùng đại bác bắn trực xạ vào
các tín đồ đang cầu nguyện ở đó, trước khi bị pháo xa 105 ly của quân trú phòng
bắn hạ với máy nhắm ở cự ly số 0 .
Có nhiều binh sĩ Miền Nam bị thương. Rất nhiều
người không chợp mắt được trong vòng 60 giờ. Nhưng tất cả các đơn vị trú phòng
đều có một tinh thần sắt thép. Chúng tôi đang ở vào tháng 6. Vài ngày sau đó,
Tổng Thống Thiệu đáp xuống An Lộc. Quân trú phòng bước ra khỏi hầm trú ẩn để
hoan hô và bế bổng ông lên trong chiến thắng. Một đạo quân tiếp viện cuối cùng
đã bẻ gãy vòng vây, và thành phố An Lộc đã trở thành biểu tượng cho lòng can
đảm vô biên của quân dân Miền Nam Việt Nam . Các sự hư hại đổ nát đã được dẹp
dọn và thành phố đã sống trở lại. Và bây giờ không đầy 3 năm sau chiến công
oanh liệt đó, An Lộc di tản mà không có một trận đánh nào .
Vả lại, cũng không có một nơi nào có xảy ra
trận đánh thật sự !
Ngày 24 tháng 3,
Cộng sản đã tiến tới được bờ biển. Nước Việt
Nam coi như bị cắt làm đôi. Cố đô Hué thất thủ ngày 26, vẫn không được phòng
thủ, Hué là nơi đã có hằng ngàn người chết năm 1968. Hué là nơi mà những đơn vị
‘’beo đen’’, đơn vị Dù và Biệt động Quân và sư đoàn Không kỵ nổi tiếng của Hoa
Kỳ đã lùng sục từng nhà trong chiến đãu lúc đó.
Cuộc triệt thoái đã trở thành một cuộc tháo
chạy, ‘’mạnh ai nấy chạy’’.
Sự sụp đổ nầy bao gồm hết cả miền Trung của
Việt Nam , Đám đông dân chúng tỵ nạn hốt hoảng chạy loạn, lớn dần lớn dần như
một con sông cuồn cuộn chảy, với quá nhiều hình ảnh đau thương không chịu nổi.
. . . cuộc chạy trốn cuống cuồng của cà một dân tộc bị vứt ra đường, một cuộc
chạy loạn dị thường, dòng người chạy loạn tràn ngập và kéo theo mọi thứ trên
đường đi của nó, đã phân tán và nhận chìm các đơn vị đang có ý định chống trả
và chiến đãu. Nhiều chị đàn bà la hét một cách kinh hoàng và vô vọng vì không
tìm được con cái đi lạc, gần như trần truồng thiểu não và ngơ ngác giữa khối
người chạy loạn. Nhiều cụ già ốm teo chỉ còn da bọc xương mệt mỏi kéo lê thân
xác khô cằn và bị cháy nắng, lả người vì đường dài trong nóng bụi, buông mình
té xuống mà không gượng dậy nổi, đang nằm yên chờ giờ chết.
Những hình ảnh đó cả thế giới đều mục kích
ngay trên màn ảnh truyền hình của họ. Phản ứng đầu tiên của họ rất nhân đạo,
rất tự nhiên , không kềm chế được . Họ run lên, sau đó họ tìm cách xin về nuôi
hàng ngàn trẻ mồ côi .Không có lúc nào họ nghĩ rằng muốn bảo đảm tương lai của
những đứa trẻ đó thì chỉ có một cách hay nhất là phải tìm cách cứu lấy cha mẹ
của chúng.
Ở Sài Gòn, tờ báo Chính Luận có đăng một bài
phóng sự quá rụng rời do một đặc phái viên từ Qui Nhơn gởi về :
‘’Không thể tưởng tượng nổi những giờ phút
cuối cùng của thành phố đang tự trút bỏ hết đời sống của mình. Dân chúng cướp
giật thuyền máy do binh sĩ canh giữ. Sau lưng họ vô số va li, thùng cây, rương
hòm, quần áo trộn lẫn với giẽ rách được người ta vứt bỏ đầy trên bãi cát với
hàng chục, hàng chục tử thi bé nhỏ gây nên một mùi hôi thúi không chịu được .
Có nhiều bà mẹ vẫn còn ôm cứng xác chết của con trong tay mình. Trên những con
đường dẫn tới hải cảng, những bé trai bé gái lạc mất hết cha mẹ đã cố kéo lê
thân khô cằn đến tận bãi biển để rồi nằm chết lịm trên cát vì quá đói, quá khát
và quá mệt mỏi.
Một cụ già mặc đồ đen ngồi dựa trên bến
thuyền, kể lại hành trình chạy loạn từ Cao Nguyên: ‘’chúng tôi có trên hai trăm
ngàn người trên lộ 7 B, gồm bốn ngàn xe vận tải chở đầy binh sĩ, hằng ngàn
chiếc mô tô, xe ba bánh, xe cũ của người Tàu, xe đạp, và những người đi bộ. Có
khoảng trên 100.000 người đi bộ, gồng gánh tất cả những gì mà họ có thể mang
theo được, nào là gà nhét vào bị, nào là heo cột nằm trong gánh, nào là chó với
sợi dây giắt theo. . . những người công giáo thì mang theo tượng ảnh Đức Mẹ và
tượng Đức Chúa Trời. Con đường thì nhỏ hẹp chạy xuyên qua rừng giữa những bụi
rậm và tre dày đặc không chen chân qua được. Chúng tôi không có một thức ăn, và
tuyệt đối không có gì để uống. Chúng tôi đi suốt 3 ngày ba đêm như vậy. Một bộ
phận công binh đi trước đoàn xe để sửa đường và sửa lại cầu hư vì chiến cuộc
trong những ngày qua. Khi gần tới sông Ba thì từ trong cánh rừng xuất hiện một
toán lính cộng sản có người cầm cờ đi đầu. người chỉ huy toán bộ đội ấy phát
loa ra lệnh cho chúng tôi phải ngừng lại và phải đi trở về. Nhưng làm sao được
bây giờ vì có quá nhiều người ở phía sau cứ đùn chúng tôi đi tới. Tất cả coi
như bị dồn cứng lại thành một khối người không nhúc nhích được nữa, rất khó ra
lệnh còn hơn là đối với một đàn trâu đang cúi gầm đầu xuống đất . Bấy giờ bọn cộng
sản mới bắn vào chúng tôi với tất cả các loại súng của họ đang có..Được dấu kín
trong rừng, các loại pháo nặng nhẹ, bách kích, súng không giật . . nã thẳng vào
chúng tôi dọc theo con lộ đang bị kẹt cứng. Tất cả đều nổ đồng loạt. Một trái
đạn pháo đã chém ngang con gái tôi và hai dứa con của nó. Trên đoạn đường dài 3
cây số thây nằm la liệt, lẫn lộn kẻ chết người bị thương. Hàng trăm xe đủ loại
bị cháy, nổ ì ầm như người ta ném đạn vào lửa vậy. Tôi ôm đứa cháu chín tuổi
trong lòng, và cố gắng chạy bừa tới đâu hay tới đó. Đứa bé rên rỉ, vì nó bị một
mảnh đạn pháo xuyên qua lưng từ bên nầy sang bên kia. Nó khóc thét lên nhắc đi
nhắc lại : ‘’ Ông ơi, ngực cháu bị thủng rồi đau lắm’’. Ròi đùng một cái, tôi
không còn nghe nó nói gì nữa. Tôi nhìn lại nó thì đôi môi của nó đã đen hết
rồi, và nó đã chết. Tôi tiếp tục bế nó để sẽ chôn cất nó cho phải phép. Khi vào
đến thành phố, tôi rửa mặt cho nó ở một cái vòi nước đầu tiên, tôi cuốn nó vào
một cái bị vải mới mà tôi mua với số tiền còn lại của tôi, và tôi chôn nó duới
một gốc cây. Bây giờ thì tôi không còn gì nữa, người thân cũng không có để mà
thuơng yêu và che chở. Tôi sẽ không rời khỏi đây đâu ‘’
Nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ không thấy và không nghe
(nguyên văn của tác giả : đui và điếc) những nỗi thống khổ của một dân tộc bạn
đang bị một tai họa giáng lên đầu và đang kêu cứu, và họ đã bỏ đi nghỉ hè cho
đến ngày 7 tháng 4.
Không thể nào tả nổi cảnh hỗn loạn trên các
con lộ ở Miền Nam Việt Nam được .
Ngày 29 tháng 3/75 :
Đán bà và trẻ con khóc lóc, gào thét, van xin,
và cố gắng trèo lên một chiếc khác cũng đã đầy cứng người rồi. Có những báng
súng đập vào tay và cánh tay của họ. Có một số đang cố bám vào lườn của môt
chiếc Boeing đang gầm rú để cố bốc lên khỏi đường bay. Khi đến Sài Gòn người ta
còn tìm thấy một tử thi bị xé nát của một người nào đó đang bị cuốn chặt vào hệ
thống bánh xe hạ cánh của chiếc Boeing 707 nói trên.
Ba ngày sau khi Đà Nẵng thất thủ thì lại đến
lượt Nha Trang ! Ở đây 300.000 người dân tị nạn còn sống sót từ vùng Cao Nguyên
và từ các tỉnh miền Trung chạy về đã bị gọng kềm của chiếc bẫy sập cộng sản
đóng kín họ lại.
Cam Ranh, một vịnh đẹp nhất vùng Á Châu cũng
đang được di tản. Pháo binh Bắc Việt cứ tiếp tục nã đạn vào các đoàn người di
cư đang chạy trốn cộng sản hướng về miền biển.
Lúc bấy giờ đang có một tình trạng mập mờ khó
hiểu tại Hoa Kỳ . Quốc Hội thì vẫn còn đang đi nghỉ hè. . . . Tổng Thống Ford
một ít lâu sau đó cũng bắt chước họ và ông hiện đang thong dong chơi
"gôn" tại Palm Springs ở tiểu bang California.
Phần ông Phó Tổng Thống Nelson Rockefeller thì
ước tính là "thật sự đã quá muộn" để muốn làm một việc gì đó cho Việt
Nam , kể cả sự giúp đỡ cho dân chúng đang chạy loạn, và ông còn nói thêm một
câu khích động hết sức vô liêm sĩ:
Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam hiện còn đang ở Hoa
thạnh Đốn đã lên án người Mỹ đã "không đưa được một ngón tay lên" để
binh vực cho quốc gia mình. Ông nói "tôi nghĩ rằng khắp nơi trên thế giới
nầy, mọi người đều có chung một kết luận rất bất lợi cho chúng ta . Có nghĩa là
thà làm một đồng minh của cộng sản còn hơn là bất hạnh được làm đồng minh của
Hoa Kỳ "
Tại Ba Lê, một đại diện của CPLTCHMN (GRP) lên
tiếng mạnh mẽ tố cáo cái mà họ gọi là chánh quyền Ford và tập đoàn Nguyễn văn
Thiệu đã "ép buộc dân chúng Miền Nam phải di tản’’ . Ông ta còn xác nhận
là hàng trăm ngàn người đã nghe lời tuyên truyền xảo trá và bị hăm dọa dưới
họng súng, đã bị bắt buộc phải lìa bỏ hết nhà cửa và nơi chôn nhao cắt rún của
mình để được chết đói và chết bệnh trên đường di tản. Nhiều ngàn người khác vì
không chịu chạy trốn đã phải bị hành quyết.. .!"
Đó là một đại diện không sợ phải nghiên cứu
một sự nghịch lý, và hơn nữa cũng không nghĩ tới một sự đính chánh về những sự
kiện đã xảy ra. Cái Chánh Phủ cách mạng lâm thời mà ông ta đang nhơn danh để
tuyên bố đó, đã từng phủ nhận từ mấy năm nay về tư cách đại diện cho nước Việt
Nam của ông Tổng Thống Thiệu, bỗng nhiên hôm nay đùng một cái, ông ta công nhận
một thực quyền phi thường của vị Tổng Thống nầy là làm cho người dân tin theo..
.. .. .. một quyền lực tâm lý có khả năng di chuyển cả một khối lớn dân chúng,
bắt họ phải rời bỏ nhà cửa ruộng vườn để đi về những thành phố cuối cùng dưới
sự lãnh đạo ‘’độc tài" của mình. Ở vào thời điểm nào và bằng cách nào mà
binh sĩ của Tổng Thống Thiệu đang bị tan rã không qua một cuộc chạm súng nào và
đang cùng chạy trong đám dân chúng, lại có thể dùng họng súng của họ để bắt
buộc hàng triệu người phải di tản, chạy về các sân bay hay các bến cảng đang
lần hồi bị đóng cửa trước mặt họ ? Hàng chục ngàn người đã vì quá sợ binh sĩ
Bắc Việt mà phải chạy đi, đã chết vì đói khát hay vì mệt lả, hoặc bị tàn sát
một cách có phương pháp có tổ chức mà thân nhân của họ đã từng là nạn nhân ở
Quảng Trị và ở Hué trong năm 1968. Nhiều ngàn và nhiều ngàn người khác đã bị
hành quyết, bằng những quả đạn pháo đủ cở đủ loại của cộng sản trong những tuần
lễ sau cùng nầy, khi Bắc Việt muốn ngăn cản không cho họ chạy đi.
Tại Sài Gòn , cuối cùng thì chế độ của ông
Thiệu dường như được tính từng ngày. Người ta không thể tha thứ cho ông vì sau
khi Ban mê Thuột bị thất thủ, ông đã cho lệnh rút tất cả quân đội từ miền Trung
và từ miền Cao Nguyên : vội vàng và cẩu thả, hành động rút quân nầy đã dẫn tới
một sự tháo chạy mà ngay như Bắc Việt cũng không bao giờ tiên đoán được .
Bị đối lập tấn công từ nhiều tháng qua bây giờ
thì ông lại bị Thượng Viện bỏ rơi, một Thượng Viện đã từng cho ông một sự tín
nhiệm hết sức rộng rãi. Sau 8 tiếng đồng hồ thảo luận, 41 trên 42 nghị sĩ hiện
diện đã đứng lên chống "sự bất lực của chế độ’’ và đòi hỏi phải thành lập
khẩn cấp một Chánh Phủ đoàn kết quốc gia gồm những nhân vật ‘’có khả năng, liêm
khiết và đại diện cho dân’’ . Chánh Phủ mới thành lập nầy phải cộng tác chặt
chẽ với Quốc Hội và các đoàn thể quần chúng, nhanh chóng làm việc trong mục
đích tái lập lại sự ‘’ổn định quân sự, xã hội và chánh trị ‘’.
Tướng Nguyễn cao Kỳ, cựu Phó Tổng Thống và cựu
Tư Lệnh Không Quân Miền Nam Việt Nam, đã về hưu từ năm năm nay đã đứng ra thành
lập một ‘’Ủy Ban Hành Động để Cứu Quốc’’ và hô hào sự ra đi của Tổng Thống
Thiệu. Cảnh sát đã phá được hai âm mưu đảo chánh và đã bắt giữ nhiều sĩ quan.
Nhiều điện tín sau cùng cho biết là đã có một
sự hốt hoãng trong thủ đô Miền Nam Việt Nam . Tất cả những chuyến bay thường lệ
rời Sài Gòn đã hết chỗ. Các ngân hàng bị khách hàng bao vây để rút hết tiền ra.
Chỉ trong vòng có một ngày giá chợ đen đồng mỹ kim đã tăng vọt từ 700 lên đến
1600 đồng.
12.000 kiều dân Pháp có một nhiệm vụ rất quan
trọng trong đời sống của Miền Nam Việt Nam . Quyền lợi Pháp, được ước tình đến
1 tỷ 730 ngàn quan, được phân ra như sau:
- các vườn cao su và xí nghiệp : 650 triệu
quan
- trà và cà phê: 10 ngàn mẫu,
- doanh nghiệp: (đầu tư và trữ kim) 100 triệu
quan
- xí nghiệp vận tải và nhà xe, vận tải đường
sông và đường biển: 150 triệu quan
- ngân hàng , công ty địa ốc và bất động sản :
180 triệu quan
Các sự đầu tư nầy không những chỉ là những đầu
tư ngoại quốc duy nhất có phần bền vững mà nó còn chiếm một vị trí quan trọng
trong nền kinh tế của Miền Nam Việt Nam . Con số mậu dịch lên gần đến 800 triệu
quan Pháp và phần đóng góp vào ngân sách của Miền Nam Việt Nam được khoảng 23
%.
Những sự đầu tư về kỹ nghệ của chúng tôi ít
được dân chúng bên Pháp biết đến, phần lớn gồm có kỹ nghệ khá tân tiến của Miền
Nam Việt Nam , gồm có các xí nghiệp mới nhất như: hãng Citroen, nơi đây đã lấp
ráp những xe thông dụng trong năm qua, đặc biệt là xe La Dalat; xưởng sản xuất
xi măng ở Hà Tiên; hảng Isostat (kỹ nghệ điện tử), các hảng Elf- Erap và C.F.P.
dự phần vào công tác tìm dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam
Hơn thế nữa, các công ty hàng không của chúng
tôi (Air France đang cộng tác với Air Việt Nam và U.T.A.), các công ty hàng hải
(Messageries và Chargeurs Réunis) đang hoạt động bán độc quyền trong công tác
chuyển vận quốc tế từ Việt Nam đến Nam Âu Châu và ngược lại.
Những lợi thế mà Lập Pháp ở đây đã dành cho
đầu tư của chúng tôi , sự khéo tay của nhân công ở đây, vị trí địa dư thuận lợi
cho khả năng xuất cảng, mối giao hảo tốt với nước Pháp và các nước bạn quanh đó
(các nước nói tiếng Pháp) đã cống hiến nhiều viễn ành và điều kiện làm việc rất
đáng được khuyến khích.
Ảnh hưởng văn hóa Pháp vẫn còn rất quan trọng.
Tất cả thành phần lãnh đạo ở Miền Nam Việt Nam và hầu hết các cán bộ cao cấp
đều nói tiếng Pháp. Những cơ sở văn hóa Pháp rất nhiều . Một viện văn hóa Pháp
ở Sài Gòn , ba trung tâm văn hóa ở Dalat, Đà Nẵng và Nha Trang; sáu trường
trung học (Yersin, Dalat, Blaise-Pascal, Đà Nẵng trường Trung học Pháp ở Nha
Trang, trung học Marie Curie); trung tâm giáo dục Saint Exupery, trung tâm học
vụ Colette ở Sài Gòn . Nước Pháp cũng giúp đỡ cho nhiều trường sở Việt Nam dưới
danh nghĩa hợp tác văn hóa và kỹ thuật (trung tâm hướng dẫn học vụ, đại học văn
chương và sư phạm của Sài Gòn và Hué, đại học Y và Dược của Sài Gòn, trung tâm
kỹ thuật quốc gia Phú Thọ).
Con số học sinh và sinh viên ghi tên vào các
trường sở nói trên lên đến 14.000, và nhân viên giảng dạy người Pháp là 272
người . Thêm vào đó còn có những trường khác, trường tư và trường đạo dạy toàn
bằng tiếng Pháp : trường trung học Taberd (Sài Gòn ), trung học Fraternité (Chợ
Lớn), Les Oiseaux (Dalat và Sài Gòn ), l’Alliance Francaise (Sài Gòn) . Các
giáo sĩ và các dì phước có mặt khắp các bệnh viện, các trại cùi, các trung tâm
xã hội và đã tận tụy hy sinh phục vụ mà không có một sự tính toán nào. Bệnh
viện Grall, một trong những bệnh viện tối tân nhất của vùng Đông Nam Á, trong
đó tất cả nhân viên có trách nhiệm (bác sĩ, giải phẩu, quang tuyến, dược sĩ và
quản lý) đều là người Pháp, là một bệnh viện có danh tiếng không thể chối cãi
được .
Tất cả các cơ sở đó, tất cả những nam nữ nhân
viên đã dính líu thật sâu đậm vào đất nước nầy, tất cả những sự đóng góp về văn
hóa và nhân đạo của nước Pháp. . . rồi đây sẽ còn lại những gì trong trường hợp
có một chiến thắng của cộng sản ở đây ?
Bây giờ thì còn quá sớm để có thể ức đoán về
tương lai, nhưng dù sao cũng có thể thiết lập được một sự so sánh với những gì
đã xảy ra trong quá khứ ở Miền Bắc Việt Nam . Vào năm 1954, những quyền lợi của
Pháp ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam lên đến 100 tỷ đồng quan cũ. Đến giờ nầy
giao dịch kinh tế của chúng tôi với chế độ Hà Nội coi như không có gì cả.
Các cơ sở Pháp đều đã biến mất hết. Không có
một cơ sở giáo dục nào ở cấp đại học hay cơ sở y tế nào còn hoạt động ở đó.
Con số kiều bào người Pháp chúng tôi từ gần
6.000 vào năm 1954, bây giờ chỉ còn có 21, trong số đó phải tính 16 nhân viên
của tòa Đại Sứ. Năm người còn lại là nhà báo của AFP, của tờ Humanité và tờ
l’Unita (hai tờ báo của cộng sản Pháp và Ý). Tiếng Pháp là ngôn ngữ mà những
người dưới 50 tuổi không người nào biết .. Đối với những người khác thì tiếng
Pháp là một sinh ngữ ngoại quốc đứng vào hàng thứ tư sau tiếng Nga, tiếng Tàu
và tiếng Anh.
Từ sự hiện diện của chúng tôi khi xưa, giờ nầy
trên bình diện kinh tế, chỉ còn một hồ sơ tố tụng về nợ nần không bao giờ giải
quyết được và một khế ước bồi thường cho những mỏ than cũ ở Miền Bắc của chúng
tôi mà Bắc Việt đã cho đình chỉ thi hành từ năm 1963 . Lãnh đạo của Hà Nội chỉ
cần vài năm là quá đủ để họ bôi xóa hết dấu vết ảnh hưởng của người Pháp ở Miền
Bắc Việt Nam .
Như vậy cò thể nào người ta đặt hết tin tưởng
vào một hy vọng là họ sẽ tõ ra bớt mẫn tiệp hơn nếu họ chiếm được Miền Nam?
CHƯƠNG 4
TỔNG THỐNG THIỆU CỐ GẮNG
GIỮ
THẾ CHỦ ĐỘNG CHÁNH TRỊ
Ngày Chúa Nhật 6 tháng 4
Chiếc phi cơ "Caravelle" của Hàng
Không Việt Nam đã đổi đường bay từ Băng Cốc về Sài Gòn . Nó không bay chéo dãy
núi dài của Cam Bốt và những đồng ruộng phì nhiêu của vùng Đồng bằng nữa, mà đi
thẳng đến Utapao để từ đó bay dọc theo duyên hải của Miền Nam Việt Nam, bay
thật cẩn thận trên mặt biển để tránh tầm đạn đạo của hỏa tiễn tầm nhiệt SAM.7
của Bắc Việt . Và sau đó mới bay thẳng về hướng Bắc, rồi tạt ngang qua khúc
quanh co sình lầy của con sông Sài Gòn để vào Tân sơn Nhất.
Đường bay đáp xuống hơi ngắn lại hẹp vì hai
bên có những bức tường thép vuông vức dùng để chắn đạn của các ụ phi cơ vận tải
C.47, các trực thăng và những phi cơ chiến đãu.
Trong những dãy nhà của phi trường bốn chiếc
C.130 khổng lồ của Không Lực Hoàng Gia Úc đang đến để chở 600 trẻ mồ côi. Có
khoảng 100 em mặc toàn quần áo mới đang đứng yên lặng dưới đất nhìn các phi cơ
khổng lồ nầy đầy vẻ sợ hãi.
Chiếc xe buýt đưa chúng tôi ra thành phố chạy
giữa đám đông xe gắn máy, xe hơi, xe ba bánh. Thành phố mà cách đây vài ngày
tất cả báo chí Tây Phương đều mô tả như là một thành phố đang bị bao vây, hiện
rất yên tĩnh lạ kỳ. Gần như không có một tý gì thay đổi từ khi tôi đang còn ở
đây sáu tháng trước . Trên các đại lộ và trong các công viên đầy bóng mát của
những cây chuối và những cây cổ thụ xanh um, đã thấy toàn hoa phượng nở đỏ
rực..
Ở đường Catinat, những phòng trà và phòng lớn
của khách sạn Continental đầy ấp khách hàng.Tuy là nhằm ngày chúa nhật nhưng
các thư viện, các quán rượu, các kho hàng, các cửa hàng tạp hóa của người Ấn
vẫn mở cửa. Trên đường Charner cũ (Nguyễn Huệ) các gian hàng bán bông còn đầy
ấp bông huệ và bông hường. Các rạp xi nê thì treo bản ‘’hết vé’’. Trên sông Sài
Gòn các xà lan đen chở đầy hàng hóa đang bỏ neo giữa những chiếc tàu chiến của
Hải Quân súng cao xạ chỉ hết lên trời. Nhiều chiếc ghe chài đường biển đang
lướt trên sông vớI những cánh buồm lớn . . .
Phía sau Kho bạc và chung quanh Chợ Cũ, hàng
quán vẫn tấp nập kẻ mua người bán. Chỉ riêng các xe xích-lô đã vắng bóng, Có
gần 6000 loại xe nầy, lúc nào cũng thấy chạy rong ngược xuôi khắp thành phố tìm
khách hay rước khách ở bến xe ba bánh. Cảnh sát đã quyết định cấm không cho họ
hoạt động nữa, vì bọn đặc công Việt Cộng đã giả dạng xích lô trà trộn và đột
nhập vào thành phố một đêm trước ngày tấn công Tết Mậu Thân , bảy năm trước .
Sài Gòn có vẻ lo âu ngay sau khi Đà Nẵng và
Nha Trang bị thất thủ. Tòa nhà của hãng Hàng Không Việt Nam từng sống những
ngày vui vẻ nhộn nhịp, nay đã trở lại vắng vẽ im lìm. Hảng hàng không quốc gia
nầy nay chỉ còn giữ có 2 chuyến bay trong nội địa đang bị thu hẹp lại: một
chuyến đi Phú Quốc, một hòn đảo nằm ngoài khơi trong Vịnh Thái Lan , và một
chuyến đi Rạch Giá, một tỉnh nằm trên bờ biển phía Tây Nam của Việt Nam .
Các tờ báo buổi chiều chạy hàng chữ đậm ,
trích đăng cuộc họp báo được coi là đáng khích lệ của Tổng Thống Ford tại San
Diego. Tổng Thống Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng:
- "
Cuộc khủng khoảng chánh trị ở Sài Gòn bắt
nguồn từ sự kiện Cao Nguyên bị rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, vừa bất ngờ được
sống trở lại rất ngoạn mục. Vài giờ sau khi ngăn chận được một âm mưu đảo
chánh, Tổng Thống Thiệu tuyên bố chỉ định ông Chủ Tịch Hạ Viện Nguyễn bá Cẩn
thay thế Thủ tướng Trần thiện Khiêm.
Sau khi khám phá ra được âm mưu đảo chánh , đã
có nhiều người bị bắt giữ trong số đó có ông Nguyễn văn Ngân, cố vấn chánh trị
của Tổng Thống Thiệu và là một thành viên có uy tín thuộc đảng Dân Chủ của
chánh quyền . Ông Ngân là một cựu giáo chức, sau đó là sĩ quan Quân Cảnh, và
sau khi được giải ngũ đã quyết định chọn con đường chánh trị và đã nhanh chóng
vạch ra con đường cho mình.
Vào năm 1972, Tổng Thống Thiệu đã chọn ông
Ngân làm phụ tá đặc trách về công tác thành lập đảng Dân Chủ mà ông hy vọng sẽ
là đảng của chánh quyền để yểm trợ cho ông, đồng thời ông Ngân cũng sẽ bảo đảm
sự liên lạc chặt chẻ giữa Tổng Thống Phủ và lưỡng viện Quốc Hội .
Là một người mưu mô và có nhiều tham vọng, ông
Ngân tiến hành thành lập rất nhanh ở Quốc Hội hai toán liên lạc rất trung thành
với ông ta.
Vào mùa xuân năm 1974, ông tưởng rằng vị trí
cá nhân của ông đã đủ vững chắc, có thể triệu tập được một buổi họp của các vị
dân cử "bạn" để nhờ họ giúp tách rờI Tổng Thống Thiệu ra khỏi những
"thủ hạ xấu" chung quanh ông ta. Và một khi bảo đảm chắc chắn là ông
Thiệu đã bị "cô lập" như thế rồi thì ông nầy sẽ trở thành con tin
trong tay của những người dân cử. Nhưng rất phiền là một trong những nghị sĩ
lại có mang theo một máy thu âm trong người , và cuốn băng ghi âm đó cuối cùng
lại đến nằm trên bàn làm việc của Tổng Thống Thiệu .
Bị chỉ định cư trú trong vài tháng, sau đó ông
Ngân được phép rời khỏi nước đi sang Gia nả đại ở vớI người anh của ông ta.
Nhưng gần đây khi được phép trở lại Việt Nam , hình như không bỏ được tham
vọng, ông lại khư khư muốn nắm giữ những vai trò hàng đầu, nên lần nầy ông lại
hợp tác với cánh em út của tướng Nguyễn cao Kỳ.
Bị dính líu vào âm mưu nầy, 8 sĩ quan cao cấp
bị theo dõi và canh chừng, trong số đó có tướng Loan. Tướng Loan là cựu chỉ huy
trưởng cảnh sát, hồi Tết Mậu Thân đã bị báo chí Tây Phưong chụp ảnh, ngay khi
ông đang dùng súng lục bắn vào đầu một cấp chỉ huy Việt Cộng, sau đó ít lâu ông
bị thương vì một viên đạn từ trực thăng và đã trở nên một phế nhân không có
việc làm. Nhưng mặc dù cò một chân bất khiển dụng, vị cựu sĩ quan biệt động
nầy, từng là một trong những phi công tài giỏi nhất của Miền Nam Việt Nam , vẫn
còn có khả năng phản ứng rất nguy hiểm..
Nằm ngay giữa căn cứ Không Quân rộng lớn trong
phạm vi phi trường Tân sơn Nhất, biệt thự của tướng Nguyễn cao Kỳ vẫn còn là
một trung tâm sinh hoạt rất náo nhiệt và . . . rất được chú ý canh chừng. Vào
mỗi buỗI chiều cứ trước giờ giớ nghiêm là khách khứa tấp nập đến chơi nhà tướng
Kỳ. Có nhiều đại tá trẻ và một số phi công, quá tức giận vì các thất bại quân
sự gần đây, đã tỏ ra sẵn sàng cho những hành động điên rồ. Bà Mai, người vợ rất
đẹp của tướng Kỳ thì lo thức ăn và nước uống. Khách khứa thì bàn cãi thâu đêm
suốt sáng về những gì cần phải làm. Tướng Kỳ là người nói nhiều nhất, ông quát
tháo, tức giận, cho Tổng Thống Thiệu là một vị tướng "hát bội", ông
xác nhận rằng mình đã hình thành "một kế hoạch phản công" để chận
đứng làn sóng cộng sản ông lên án Đại sứ Hoa Kỳ đã "tự ý chống lại mọi sự
thay đổi Chánh Phủ" . Không khí âm mưu nầy đã làm cho Tổng Thống Thiệu
phát cáu lên. Một số sát thủ đã được thuê để tìm cách thanh toán tướng Kỳ. Họ
đột nhập vào được căn cứ, nhưng đã bị toán cận vệ của tướng Kỳ bắn hạ ngay ở
cách biệt thự chừng vài ba thước. Có lẽ người ta đang chờ xem những màn biến
chuyển náo nhiệt nầy.
Bất chấp những sự đe dọa nặng nề đang đè nặng
lên bản thân ông, Tổng Thống Thiệu vẫn cố gắng giữ thế chủ động chánh trị của
mình, đồng thời cố giữ không cho phần còn lại của quân đội bị rã ngũ.
Trong một buỗi nói chuyện trên vô tuyến truyền
hình, Tổng Thống Thiệu vừa xác nhận là Thủ tướng mới được chỉ định đang lo
thành lập một "Chánh Phủ chiến đãu và đoàn kết" vớI nhiệm vụ tái lập
an ninh, ổn định hậu phương và cứu trợ dân chúng tỵ nạn. Ông xác nhận là các
chỉ huy quân sự nào "hèn nhát và có tinh thần chủ bại" sẽ bị trừng
trị. Ông dựa trên vị thế "hợp pháp và hiến định" của một Tổng Thống
được dân bầu trong sứ mạng bảo vệ chế độ, và cực lực bác bỏ mọi luận điệu cho
rằng ông đã có "một thỏa hiệp kín với cộng sản" trong việc nhượng một
phần lãnh thổ của quốc gia để đổi lấy một sự rút quân và bảo toàn dân chúng
đang chạy loạn. Cuối cùng ông nhấn mạnh là ông vẫn thi hành đứng đắn Hiệp Định
Balê, dù là Hiệp Định đang bị Bắc Việt chà đạp, khi ông nói rằng ông phải dùng
bạo lực để trả lời với bạo lực, và ông không bao giờ thương lượng điều gì dưới
sự đe dọa của họng súng.
Để kết luận, ông kêu gọi dân chúng hãy
"trấn tỉnh lại" và đòi hỏi quân đội phải "chuẩn bị’ để tái chiếm
lại những phần lãnh thổ đã mất". Những ý định đó rất đáng được khen ngợi.
Chỉ còn có việc thi hành các quyết định đó mà thôi. Không phải những hoạt động
trong hành lang mà chính là những hành động trên chiến trường mới xác nhận được
lời nói của ông Thiệu có giá trị hay không .
Số phận của nước Việt Nam tựu trung vẫn phải
được giải quyêt bằng súng đạn!
CHƯƠNG 5 CÁC TƯỚNG LÃNH TỨC GIẬN
VÌ
THẤY MÌNH BỊ NHỤC
Thứ hai, 7 tháng 4
Đại tá Khôi, sĩ quan phụ tá trưởng Phòng Nhì
Quân Đoàn III tiếp tôi tại Bộ Tổng Tham Mưu QLV NCH , một doanh trại rộng lớn
nằm gần sân bay Tân sơn Nhất, nơi có rất nhiều ăng ten và có Thiết Giáp canh
gác. Lúc bấy giờ là 9 giờ sáng.
Đại tá Khôi, một cựu sĩ quan lực lượng đặc
biệt, được huấn luyện ở Okinawa, là một người cao lớn mảnh khảnh mặt đầy vết
thẹo vì ông đã đạp phải mìn năm 1970.
Trên tường của văn phòng ông treo đầy bản đồ,
được cập nhật rất cẩn thận.
"Tôi tưởng là Anh muốn biết những gì đã
xảy ra ở Cao Nguyên và ở Hué phải không ?",ông ta hỏi tôi.
- Thưa đại tá, Tổng Thống Thiệu có nói về
"những sai lầm trầm trọng về chỉ huy". Vì tôi không có mặt tại chỗ,
nên tôi muốn có vài chi tiết chính xác .
Đại tá Khôi xoa tay, nhìn tôi bằng cặp mắt
thật sắc bén và tìm tòi, sau đó trả lời cho tôi với một nụ cười có đôi chút
gượng gạo:
- Chắc là tôi không thể trả lời hết các câu
hỏi của Anh được đâu, nhưng tôi sẽ cố gắng nói với Anh phần chính. Đồng ý không
?"
Tôi gật đầu chấp thuận ngay. Đại tá Khôi sau
đó mới bắt đầu nói:
‘’Trước hết chúng ta phải xác nhận một việc:
cộng sản đã có tấn công vào thị xã Ban mê Thuột 2 lần vào năm 1968 (Mậu
Thân) và năm 1972, và cả hai lần chúng đều thất bại. Nhưng lần
nầy quân lực của chúng tôi ở vào một vị thế
rất yếu kém và không còn được một sự Không Trợ mạnh mẽ của Không Lực Hoa Kỳ đã
từng giúp chúng tôi bẻ gãy cuộc tấn công của cộng sản
hai lần trước . Chúng tôi biết là cộng sản Bắc
Việt đã tập trung các đơn vị và chiến cụ trong những vùng rừng rậm nằm giữa
biên giới Lào và Cam Bốt và các thành phố vùng Cao Nguyên. Nhưng vì
người Mỹ đã luôn luôn từ chối không cung cấp cho chúng tôi các oanh tạc cơ hạng
nặng để giúp chúng tôi đánh ngay vào tuyến xuất phát nằm ở các vùng tập trung
của địch, nên chúng tôi không thể dự đoán được cuộc tấn công của họ.
-Ngày 10/3 hồi 4 giờ sáng, cộng sản đã mở màn
trận đánh bằng một trận mưa pháo đủ loại, từ 130 ly, đến bách kích pháo nặng và
hỏa tiễn, nã vào thành phố Ban mê Thuột . Pháo dọn đường nầy đã kéo dài
trong ba tiếng đồng hồ, và ngay sau đó là các chiến xa T.54 mở cuộc xung
phong vào thị trấn. Người của chúng tôi đã cực lực chống trả, đặc biệt là ở mạn
Nam của thành phố và chung quanh phi trường, nhưng vào lúc trưa Không Lực của
ta lại đánh nhằm ngay bộ chỉ huy của tiểu khu, cứ điểm phòng ngự cuối
cùng, và sau đó tất cả mọi nỗ lực để tái chiếm lại thị trấn đều thất bại.
Tổng Thống Thiệu đã muốn chống giữ Ban mê
Thuột , vì đây là thủ đô của đồng bàoThượng, và mất Ban mê Thuột là tất cả các
bộ lạc trên vùng Cao Nguyên nầy sẽ mất hết tinh thần. Ngày 13 tháng 3, được báo
là thành phố nầy đã hoàn toàn bị cộng sản Bắc Việt kiểm soát, Tổng Thống
Thiệu đã đơn phương quyết định bỏ hết vùng Cao Nguyên, thà là di tản hết dân
chúng và quân đội trú phòng đang bị đe dọa còn hơn là tiếp tục chống giữ tới
cùng, để có thêm nguy cơ tổn thất về nhân mạng rất cao .
Từ nhiều tháng trước Bộ Tổng Tham Mưu chúng
tôi có thỏa thuận với các cố vấn Hoa Kỳ một kế hoạch theo đó chúng tôi dự
trù rút hết quân lực về các tỉnh miền duyên hải của miền Trung trong trường hợp
bị cộng sản Bắc Việt tổng tấn công mạnh. Cuộc lui binh nầy - đã không thực hiện
được vì vừa quá tốn kém vừa còn phải chống giữ lãnh thổ trên phương diện chiến
thuật - thật ra có 2 đường lợi, là rút gọn lại tuyến phòng ngự của chúng tôi và
có thể tiếp vận dễ dàng bằng đường biển.
Ngày 13 tháng 3, tướng Ngô quang Trường, tư
lệnh Vùng I Chiến Thuật, một vùng nằm giữa vĩ tuyến 17 và Đà Nẵng , bay về Sài
Gòn để họp với Tổng Thống Thiệu. Tổng Thống Thiệu đã cho lệnh tướng Trưởng rút
quân trú phòng Quảng Trị và cũng đừng ngần ngại phải bỏ luôn Hué, nếu thấy
cần thiết để tổ chức một tuyến phòng thủ vững chắc ở Đà Nẵng , ở đó có thể lợi
dụng được phi trường lớn và các kho dự trữ lương thực và đạn dược quan trọng.
Tướng Trưởng đã tuyên bố thỏa thuận trên nguyên tắc, và nói thêm là ông sẽ dùng
hết khả năng để phòng thủ Hué.
Ngày 14 tháng 3, Tổng Thống Thiệu đến căn cứ
Hải Quân ở Cam Ranh để có một buổi họp kín của Hội Đồng Quân sự. Có 5
tướng lãnh hiện diện trong buỗi họp : Tổng Thống Thiệu, đại tướng Khiêm
Thủ tướng Chánh Phủ , tướng Cao văn Viên Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH, tướng
Đặng văn Quang cố vấn quân sự của Tổng Thống và tướng Phú tư lệnh Vùng II Chiến
Thuật.
Sau một cuộc bàn cãi thật lâu, tất cả tướng
lãnh hiện diện trong buổi họp nầy đều quyết định rút bỏ luôn hai thành phố
nằm về hướng Bắc của Vùng Cao Nguyên là Kontum và Pleiku. Kế hoạch được
soạn thảo nầy dự trù tập trung các đơn vị xuống vùng Duyên Hải và từ đó sẽ
mở một cuộc phản công lên Ban mê Thuột . Không có ấn định chính xác giờ giấc để
tiến hành cuộc di tản hai thành phố Kontum và Pleiku.. .. ..’’
Đại tá Khôi bất thình lình ngưng nói, xoa hai
bàn tay khô cằn của ông ta, sau đó mới tiếp tục một cách trịnh trọng:
- Điểm sau cùng nầy mang một tính cách lịch sử
quan trọng. Bốn trong số năm vị tướng lãnh hiện diện đều nghĩ rằng cuộc triệt
thoái phải được tiến hành tuần tự và sẽ được kết thúc vào tuần lễ chót của
tháng 3. Vị tướng lãnh thứ năm là tướng Phú, người chịu trách nhiệm về cuộc
hành quân nầy, là một sĩ quan có một dĩ vãng quân sự hào hùng, tuy rằng ông đã
đi lên từ hàng binh sĩ. Đã từng lăn lóc trên chiến trường suốt 14 năm, ông
là một tư lệnh sư đoàn tài giỏi nhưng lại là một tư lệnh Quân Đoàn quá yếu. Đã
từ lâu rồi ông bị bệnh, ông lại không được chuẩn bị trước và không đủ khả năng
điều khiển một cuộc hành quân triệt thoái quy mô như vầy, nghĩa là một
trong những cuộc điều quân khó khăn nhất trong các phép dụng binh trong lịch
sử chiến tranh"
Tôi quan sát rất kỹ đại tá Khôi. Thình lình
tôi có cảm tưởng khó chịu là hình như ông ta đang cho tôi một bài ‘’diễn văn’’
đã được soạn sẳn từ trước . Tôi không muốn ngắt ngang ông ta. Tôi cần phải nghe
luận giải của ông đến cùng: cũng sấp sửa đến phần kết luận rồi..Và đại tá Khôi
nói tiếp :
- "Chiều tối ngày 14 tháng 3, về đến
Pleiku hơi trễ, tướng Phú không cần giải thích, đã cho lệnh Quân Đoàn tiến
hành cuộc hành quân triệt thoái ngay vào sáng sớm hôm sau.
Vào lúc rạng đông ngày 15 tháng 3, tất cả binh
sĩ cùng dân chúng của hai tỉnh Kontum và Pleiku đã vội vã rời khỏi hai
thành phố nói trên, bỏ lại tại chổ hàng chục triệu mỹ kim chiến cụ. Cả hai
đoàn người và xe qua quốc lộ 19 rồi mới vào con đường 7 B. Trên con đường 7 B nầy
vốn chỉ là một con đường mòn được trải đá sơ sài, tất cả các cầu đều bị giật
sập, đi sâu vào một vùng rừng đầy gai góc lùm bụi, cỏ cao ngất trời. Khi các xe
vận tải nặng và các xe thiết giáp đi qua rồi thì các đường nước trở thành
những vũng sình lầy lội, làm cho hàng ngàn xe khác đi sau bị mắc lầy, tự
đâm vào nhau và ùn tắc nghẽn lại hết. Trên đường rút đi, các đơn vị đi
trước và đi sau 200.000 dân tỵ nạn, bị rơi vào một trận phục kích kinh hồn của
sư đoàn 320 Bắc Việt . Hai chục ngàn dân (20.000) bị tàn sát, 500 xe đủ loại bị
phá hủy, tất cả biến cuộc triệt thoái nầy thành một cuộc tháo chạy trong
hỗn loạn. Và cũng từ đó mới gây ra nổi kinh hoàng khó tả trong dân chúng...
- Và Hué thì sao, thưa đại tá? Việc gì đã thật
sự xảy ra ở đó ?
- Tin tức thảm hại trên con lộ 7 B được lan
truyền rất nhanh. Tướng Trưởng lo sợ mình sẽ bị hoàn toàn cô lập ở phía Bắc, đã
quyết định bỏ Hué. Nhưng Tổng Thống Thiệu vừa mới tuyên bố trên vô tuyến
truyền thanh ý định của ông sẽ cố thủ cố đô của Việt Nam , đã cho lệnh tuớng
Trưởng phải quay trở lại. Quân lính lúc đó đã di chuyễn gần đến Đà Nẵng trong
trật tự, đã phải quay trở lại. Nhưng họ lại gặp trên 100.000 dân tỵ nạn đang
chạy loạn, xô đảy họ và ngăn cản họ làm cho họ không sao tiến lên được. Sư
đoàn 1 bộ binh, một sư đoàn ưu tú của QLV NCH do đó bị tan hàng và
biến mất trong đám đông hổn loạn quái ác nầy vốn đang bị cộng sản Bắc Việt tàn
sát bằng đủ mọi loại pháo. Hué đã hoàn toàn bị địch chiếm. Và Đà Nẵng không còn có
thể phòng thủ gì nữa được . Phần còn lại thì tất cả các nhà báo đã có tường
thuật hết rồi"
Đại tá Khôi đứng dậy và đi vòng bàn viết của
ông ta, điều nầy có nghĩa là buỗi nói chuyện của chúng tôi đã chấm dứt. Tôi
khẳng định là những tin tức mà ông đã nói với tôi hôm nay chỉ đúng sự thật có
một phần nào thôi, nhưng chắc chắn không phải là tất cả sự thật. Cái lối giải
thích để làm giảm nhẹ đi phần nào trách nhiệm của Tổng Thống Thiệu nó không
đúng với tính tình của các nhân vật trong câu chuyện.. Tôi rất muốn nói với đại
tá Khôi như vậy, nhưng tôi cảm thấy ông ta không muốn đi ra ngoài luận cứ
"chánh thức" mà ông đã cung cấp cho tôi. Do đó tôi chỉ hỏi ông ta :
"Xin đại tá chỉ giùm tôi có thể đi gặp
tướng Phú ở chỗ nào được ?
Gương mặt ông ta lạnh nhạt trở lại, và câu trả
lời cụt lủn của ông ta làm tôi hết sức ngạc nhiên:
- Tüớng Phú đã bị phạt giam, và không
thể tiếp ai được hết"’
Tôi từ giã đại tá Khôi. Nhưng trước khi rời
khỏi Bộ Tổng Tham Mưu, tôi nhờ vị sĩ quan báo chí xin giùm tôi một cái hẹn để
đi gặp thiếu tướng Nguyễn khoa Nam, Tư Lệnh Vùng Đồng Bằng sông Cửu Long. Sau
vài lần điện thoại, và gọi vô tuyến, tướng Nam đã đồng ý gặp tôi sau 3 giờ
chiều, nhơn lúc ông ghé lại Mỹ Tho.
°
°
Cuộc nói chuyện của tôi với đại tá Khôi làm
tôi đau đầu. Hình ảnh mà ông ta đã tả cho tôi về một tướng Phú già nua, suy
nhược, không còn đủ sáng suốt và khả năng để phối hợp một cuộc điều quân, thực
tình không đứng vững. Thật vậy, tôi chỉ không gặp tướng Phú có sáu tháng, nhưng
tôi biết ông ta cách đây 23 năm, từ khi ông ra trường sĩ quan Thủ Đức. Tôi vẫn
biết ông ta chỉ còn có một lá phổi. Nhưng dù là nhỏ con ốm yếu nhưng với 49
tuổi đầu, ông là một người dày dạn phong sương. Ông rất cứng rắn đôi với binh
sĩ của mình và cũng cứng rắn đối với bản thân, dẽo dai, mưu lược và giỏi về
chiến thuật, nên trước hết ông là một sĩ quan của thế công.
Ở Điện biên Phủ, nơi mà ông được thăng cấp đại
úy tại mặt trận, ông đã tạo được lịch sử của ông rồi. Ngày 30 tháng 3 năm 1954,
lúc Việt Cộng đánh một trận chiến đẫm máu ở 5 ngọn đồi, trong lúc xáp lá cà,
bọn bộ đội đã gọi hỏi nhau ơi ới : "Thằng Phú đâu rồi ? Phải bắt thằng Phú
nghe, bắt sống nó nghe !" Ông ta không rơi vào tròng của quân Bắc Việt và
liên tiếp mở hết cuộc phản công nầy đến trận phản công khác. Phương pháp chỉ
huy của ông Phú rất khắt khe. Với một người có hành động vi phạm kỷ luật mà ông
đã ban hành, ông cho cột chân tay người đó vào hàng rào kẽm gai. Mặc dầu luôn
luôn bị pháo kích hết sức nặng nề, hệ thống phòng ngự đầy hố tác chiến trên đồi
Elian 1 của ông đã giúp ông cầm cự suốt nhiều tuần lễ, đảy lui tất cả cả các
đợt xung phong của địch. Bốn ngày trước khi cứ điểm bị thất thủ, ông còn oanh
liệt cho nổ 3 lô cốt có trang bị súng không giật 57 ly, đã kịp thời phát hiện,
chận đứng và tấn công một tiểu đoàn Việt Cộng trên sườn đồi, buộc chúng phải
rút lui với sự yểm trợ hữu hiệu của pháo binh Pháp do ông đích thân đứng ngay
trên địa thế trống trải để điều chỉnh tác xạ thật chính xác. Ông đã sống sót
được sau 18 tháng bị bắt giam trong một trại tẩy não cộng sản ở Thượng Du Bắc
Việt , mà không hề chấp nhận phải ký một bản "thú tội" hay một tờ
truyền đơn nào. Và các sinh viên ở Sài Gòn đã tranh đấu với phái đoàn Bắc Việt
đang ở khách sạn Majestic lúc bấy giờ để đòi Bắc Việt phải trả tự do cho ông.
Từ khi ông được trở về Nam , ông Phú đã tham gia tích cực vào cuộc chiến. Nhất
là ở Lào, năm 1971, lúc ông là tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh ông đã giúp cho một
đoàn xe thiết giáp của Miền Nam thoát được một sự thảm bại trông thấy, trên
đường rút lui ở quốc lộ 9. Để cứu đoàn thiết giáp nầy đang bị 2 sư đoàn Bắc
Việt tấn công từ hai bên sườn, tướng Phú đã không ngần ngại đi xuyên qua rừng
tìm địch để cuối cùng bẻ gãy được gọng kềm của địch sau 3 ngày tác chiến vất vả
có đôi lúc phải đánh xáp lá cà với địch. Vào tháng 5 năm 1972, trong trận tấn
công quy mô của Bắc Việt vào Hué, tướng Phú đã cùng đại tá Dickinson đưa tôi đi
thanh sát bằng trực thăng ngay trên vùng Việt Cộng. Khi phải cố gắng đáp xuống
một mỏm núi đang bị Bắc Việt bao vây, chiếc trực thăng của chúng tôi bị trúng
một viên đạn trực xạ của súng 75 không giật, bay mất nửa mảng phía trước và gãy
mất một chân càng . Như có một phép lạ, chiếc trực thăng lại bay lên được và
tướng Phú đã bắt phi công phải lượn lại trên vị trí bạn một vòng khi ông nói
rằng "tôi muốn cho cả Việt Cộng và binh sĩ của tôi biết rằng tôi hãy còn
sống ."
Tôi nghĩ lại tất cả các chuyện nầy và tôi
không bao giở tin rằng tướng Phú tự nhiên lại mất bình tĩnh đến độ phải cho
lệnh triệt thoái một cách vội vã vô trật tự như vậy để cuối cùng phải đi đến
một thảm trạng như thế. Phải chăng vì tôi biết về ông ta quá nhiều , hay vì ông
ta là bạn của tôi ? hay phải chăng vì tình đồng đội lâu đời quá khắn khít giữa
người cùng binh chủng Nhảy Dù của hai chúng tôi đã làm lạc hướng nhận định của
tôi ? Tôi không tin như vậy. Tôi khẳng định như vậy khi một lát nữa đây tôi sẽ
thảo luận với tướng Nam , ông nầy cũng là một người bạn lâu đời của tôi trong
cùng một binh chủng.
Quốc lộ 4 nối liền đoạn từ Sài Gòn đến Mỹ Tho
là một con đường rất tốt. Một cây cầu dài 550 thước chạy ngang sông Vàm Cỏ
Đông, , một dòng sông đầy bùn lờ lững chảy, mang theo nhiều mảng cỏ.. . . mặt
nước chỉ cách sàn cầu có 20 thước. Các xe vận tải quân sự chở đầy đạn pháo binh
và binh sĩ đang vẫy tay cười đùa và dùng hai ngón tay ra dấu chữ V (chiến
thắng) với tôi . Họ nhấn kèn báo cho các xe đò chở dân chúng phải nhường đường
cho binh sĩ đi qua. Chúng tôi đang đi vào phần đồng bằng có ruộng lúa, ruộng
mía và vườn dừa, môt phần đất mầu mở nhất của vùng Đông Nam Á. Nhìn mút tầm mắt
là các ruộng lúa màu vàng cò bay thẳng cánh, với những con đê và lác đác có vài
con trâu đen bất động. Làng mạc nằm trong các lũy tre xanh, có nhà dân lớp lá,
có các bờ chuối , bờ dừa.. Binh sĩ đi dọc theo các bờ ruộng, súng tự động cầm
tay.. Có mấy chiếc trực thăng bay lượn trên bầu trời. Trẻ em vui đùa bên các
khẩu pháo binh 105 ly đặt dọc theo quốc lộ, tác xạ không ngừng.
Còn một số cầu nữa, có chiến xa tăng cường
canh gác, hoặc có tháp canh với các đài quan sát cao, các nhà dân sau các rào
bông bụp hay xuơng rồng trước khi đến chợ Tân An, rồi Tân Hiệp, cuối cùng thì
đến Mỹ Tho. Thành phố ngổn ngang đầy xe thiết giáp xe cứu thương, và các đoàn
xe đạn dược.
Nhưng ở đây thì các chiến cụ dù là bất đắc dĩ
dự phần trang trí cho tỉnh lỵ, cũng không gây cảm giác gì hay làm khó cho một
ai hết. Dân chúng ồn ào và tấp nập, chuyện trò, mua bán, chuyên chở rất tự
nhiên, gây một cảm tưởng như không thấy biết gì đến tất cả những thảm trạng vừa
xảy ra ở miền Trung vậy. Thật ra dân chúng cũng không cần phải biết làm gì,
miền Trung ở quá xa và không phải là vùng Đồng Bằng. Mỹ Tho là căn cứ địa của
sư đoàn 7 bộ binh với quân số được tuyển mộ và thành lập tại chỗ. Sư đoàn có
được trang bị thiết vận xa, thuộc lòng hết các ngỏ ngách của từng xã ấp, từ các
con đường mòn đến các cây cầu khỉ, các sông rạch và các nhánh sông chảy cùng
khắp phần đất mầu mỡ và các rừng dừa nước trong vùng .
Thiếu tướng Nam mừng rỡ nắm chặt lấy tay tôi
lắc thật mạnh và tiếp tôi trong văn phòng của vị tỉnh trưởng, Người quân nhân
Nhảy Dù nầy năm nay 48 tuổI, nước da đen sạm, với gương mặt luôn luôn cảm hóa
mọi người , ông đã qua các trường đào tạo ‘’mũ đỏ’’ của người Pháp và được
người Mỹ huấn luyện về chiến thuật trực thăng vận. Ông là người quân nhân duy
nhất thuộc một gia đình quí tộc danh tiếng ở Hué, gồm toàn các cụ đồ nho và
quan lại của triều đình. Ở con người ông, nổi bật nhất là tướng người vặm vở,
vai u thịt bấp, cầm vuông rõ nét của một con người thượng võ. Đến giờ nầy ông
vẫn sống độc thân không hối tiếc (điều nầy bảo đảm cho tính thanh liêm trong
sạch của ông ở một đất nước mà các bà thường mượn uy quyền và địa vị của các
ông chồng để làm ra tiền), và ông chỉ thấy vui vẻ thoải mái khi được sống giữa
hàng binh sĩ và các đơn vị tác chiến của ông. Người bạn thân nhất của ông là
đại tá Ninh (một ‘’mũ đỏ’’ khác được đào tạo ở trường Nhảy Dù Pau, Pháp) một sĩ
quan mảnh khảnh với bộ râu mép ngạo mạn, người đã cùng ông với đạo quân tiếp
viện của mình đã bẻ gãy vòng vây An Lộc, một trận Verdun của Miền Nam Việt Nam
.
- Sao ? thiếu tướng Nam vừa
cười lớn lên vừa nói với tôi, Anh muốn xuống đây kiếm tôi, chỉ vì các tay
trên Tổng Tham Mưu không chịu nói sự thật với anh chớ gì ? (1)
- Anh Nam ơi, tôi chỉ xuống đây để được biết
tin tức thôi .
- Được rồi, Chúng ta hãy nói chuyện về Vùng IV
của tôi. Đường sá luôn luôn được mở sạch sẽ để cho lưu thông được an toàn,
và Việt Cộng không phải lả chủ ở đây. Các đơn vị Bảo An và Dân Vệ của tôi giữ
chặt lãnh thổ, điều nầy cho phép tôi điều động hoàn toàn 3 sư đoàn chánh quy
của tôi trong các cuộc đụng độ mạnh với các đại đơn vị cộng sản Bắc Việt đang
muốn xâm nhập vào đây từ phía Cam Bốt. Hôm qua, chúng tôi có ‘’sơi’’ một trung
đoàn thuộc sư đoàn 4 bộ binh Bắc Việt ở Phú Sơn. Hôm nay họ bị dồn về phía
trước các hãng đường ở Đức Hòa rồi. Chúng tôi đã tịch thu hơn một trăm vũ
khí nặng, súng không giật, súng phóng hỏa tiễn, bách kích pháo và cả một
số súng liên thanh phòng không .
- Sau thảm trạng ở miền Trung, thật sự quân
lực VNCH còn bao nhiêu lực lượng khả dụng ?
- Còn được 7 sư đoàn với quân số đầy đủ: 6 sư
đoàn bộ binh , 1 sư đoàn Dù, cộng thêm 2 lữ đoàn thiết giáp và nhiều liên
đoàn Biệt Động quân. Hai lữ đoàn Thủy Quân Lực Chiến và 2 sư đoàn khác (sư đoàn
2 và sư đoàn 4) đang được bổ sung quân số và tái thành lập với những đơn
vị vừa từ miền Trung rút về.
Sài Gòn được phòng thủ rất chặt chẽ với 2 nút
chận thật mạnh. Nút chận thứ nhất là vòng đai phòng ngự phía Bắc của thủ đô do
sư đoàn 25 bộ binh của tướng Lý tòng Bá, một kỵ binh lực lưởng và đầy đủ kinh
nghiệm.Trung tâm điểm của tuyến phòng ngự nầy dựa trên thị xã Bến Cát, một vị
trí chủ, được xây dựng chung quanh môt ngọn đồi được bố trí các loại súng và có
hầm trú ẩn bê tông cốt sắt.
Nút chặn thứ hai là tuyến phòng thủ mặt Bắc,
tiêp giáp nhau chung quanh thành phố Xuân Lộc, do sư đoàn 18 bộ binh trấn giữ,
một sư đoàn ưu tú mà tư lệnh là tướng Lê minh Đảo, hùng hục và vui vẻ như một
thiêu úy. Tôi nghĩ là Bắc Việt cũng khó mà đánh bật được 2 phòng tuyến nầy.
- Dù sao cũng vẫn còn một nguy cơ, ông Nam ơi.
Bọn Việt Cộng không có thói quen đánh trực diện vào các cứ điểm mạnh. Họ dùng
toàn bộ pháo binh nã vào cứ điểm mạnh nhằm cầm chân các đơn vị của ta để họ lợi
dụng vùng rừng bụi tiến đánh bọc hai bên sườn của mình. Nên nhớ là Xuân
Lộc và Bến Cát đều có các vuờn cao su và rừng cây bao quanh.
- Chắc vì thế mà chúng không dám đến đánh ở
địa thế gần như trống trải ở Đồng Bằng. Có lẽ bọn chúng sẽ cố gắng cô lập Sài
Gòn hơn, cắt đứt thủ đô với vùng vựa lúa và giàu nhân lực vì nguy cơ lớn nhất
phải đến ngay từ Sài Gòn. Tôi muốn nói đến các chuyện lộn xộn và tham vọng
chánh trị ở Sài Gòn. Các nghị sĩ băt đầu rục rịch, các tướng lãnh không có quân
cũng đang có âm mưu gì đó, và Tổng Thống Thiệu càng ngày càng bị cô lập. Chánh
quyền có thể bất thần sụp đổ và rơi vào tay của những kẻ vô trách nhiệm,
sẵn sàng hấp tấp mở cửa rước bộ đội Bắc Việt vào Sài Gòn .
- Anh giải thích thế nào về sự sụp đổ đã xảy
ra ở miền Trung ?
Tướng Nam chống tay lên thành ghế ông đang
ngồi, và bực tức cằn nhằn:
-‘’ Có rất nhiều lý do. Mà đầu tiên và trước
hết là do ông Thiệu.
- Ở Tổng Tham Mưu đại tá Khôi nói với tôi
người chịu trách nhiệm là thiếu tướng Phú.
- Không phải. Anh đã biết tướng Phú còn hơn
tôi nữa mà. Ông là một cấp chỉ huy có khả năng, bám trận địa như một con rận
bám sát tóc vậy.
Không, ông không phải loại người chuồn đi, bỏ
lại cả một thành phố và toàn bộ chiến cụnguyên vẹn như vậy.
Trước khi đổ vấy trách nhiệm cho cấp chỉ huy
và cho lỗi lầm chánh trị , có vài điểm kỹ thuật cần được làm sáng tỏ : cuộc
tổng tấn công của cộng sản vào Vùng Cao Nguyên đã được chờ đợi từ nhiều
tuần lễ rồi. Nhưng vì thiếu tin tức chính xác về những cuộc điều quân hay di chuyển
của các đơn vị cộng sản Bắc Việt xuyên qua rừng rậm, tướng Phú nghĩ cũng đúng
là nỗ lực chính của cộng sản phải nhắm vào Kontum hay Pleiku, nằm ngay ở
phía Bắc, và ông ta đã tập trung phần lớn lực lượng vào hai thành phố nầy. Xui
cho ông, Bắc Việt lại tấn công vào Ban mê Thuột, nơi mà quân trú phòng chỉ có
một trung đoàn và vài liên đoàn Biệt Động Quân mà phải đương đầu với cả 3 sư
đoàn cộng sản ! Sau đó cộng sản cắt hết các con dường giao thông chính trên Cao
Nguyên. Phản ứng đầu tiên của tướng Phú là phản công. Ông ta cho trực thăng vận
300 binh sĩ Dù và một liên đoàn Biệt Động Quân đổ xuống chiếm lại hai phi
trường ở Ban mê Thuột, và sau đó đã cố gắng vào được thành phố và tảo
thanh thị trấn. Trong một vài giờ, Ban mê Thuột đã biết được một không khí
thật sư vui mừng, một cái gì mường tượng như lúc thủ đô Ba lê được giải
phóng. Dân chúng vẫy cờ hoan hô các binh sĩ của Chánh Phủ. Các chủ vườn cao su
đem rượu cỏ nhác ra uống mừng chiến thắng. Nhưng sau đó, đùng mộtcái, theo lệnh
từ Sài Gòn chuyển lên, lực lượng Miền Nam được lệnh phải rời khỏi
thành phố. Hai sư đoàn Bắc Việt khép kín họ lại và đã tiêu diệt họ.
Còn ở Pleiku và Kontum: còn 2 trung đoàn thuộc
sư đoàn 23 bộ binh . Pleiku là một căn cứ Không Quân quan trọng của một sư đoàn
Không Quân, không thiếu một thứ gì từ lương thực đến đạn dược.
Tướng Phú đã quyết định đánh và kháng cự. Ông
ta đã xác định với các sĩ quan của ôngnhư vậy. Tuy nhiên ngày 14 tháng 3, Tổng
Thống gọi ông về Cam Ranh và cho lệnh ôngphải lui quân. Bây giờ chúng
tôi biết được là cuộc bàn cãi rất là sôi động đầy sóng gió. Tướng Phú đã từ
chối không thi hành lệnh. Ông ta đã nói thẳng với Tổng Thống Thiệu : ‘’Tôi đã
đánh giặc 23 năm rồi, và tôi chưa bao giờ biết lui quân. Hãy tìm một người khác
để chỉ huy cuộc ‘’chạy trốn ‘’ nầy.’’ Nói xong ông vứt khẩu súng lục của ông
lên bàn và ra khỏi phòng họp, đóng sầm cửa lại. Và sau đó ông bay về Nha
Trang, khai bệnh vào nằm bệnh viện. Chuyện đâu có khó khăn gì với ông ta
đâu, vì anh cũng biết là ông ta luôn luôn bị khó chịu với hai lá phổi của ông.
- Đại tá Khôi lại xác định với tôi là tướng
Phú đã bay về Pleiku và đã cho lệnh triệt thoái vài giờ sau đó.
- Đó là luận thuyết chánh thức. Bộ Tổng Tham
Mưu quả quyết là khi về đến Pleiku, tướng Phú đã nói với tư lệnh phó của ông ‘’
tôi cho ông hay một bí mật lớn, là chúng ta sẽ phải sớm di tản hết các vị trí
của chúng ta ‘’. Vị tư lệnh phó nầy lập tức báo tin cho các sĩ quan, và cuộc
triệt thoái được thi hành ngay lúc đó. Tôi đã gặp tướng Phú ở Sài Gòn ngày hôm
kia, ông ta đã xác nhận với tôi là ông ta đã không bao giờ ra lệnh triệt thoái.
Dù sao thì giải pháp tốt đẹp duy nhất là nên
giao cho tướng Phú một nhiệm vụ hy sinh bằng cách cho lệnh ông phải tử thủ tại
chỗ để bảo vệ Pleiku, nhằm mục đích mua thời gian và để cho dân chúng và các
liên đoàn Biệt Động Quân rút đi trong vòng trật tự, như thế thì mới tránh được
cái dịch hốt hoảng đã đàu độc cả nước .
- Như vậy thì ai là người ra lệnh triệt thoái
?
- Chính là ông Thiệu. Sau khi tướng Phú đã từ
chối không thi hành lệnh, Tổng Thống Thiệu đã báo động cho đại tá Tất, tư lệnh
phó của ông Phú, một sĩ quan Biệt Động Quân v à giao cho ông nầy chức vụ
Tư Lệnh Vùng.
Được Tổng Thống liên lạc thẳng, Tất đã sốt
sắng thi hành lệnh, và cho bắt đầu ngay cuộc hành quân triệt thoái, mà không
cho tiến hành phá hủy một kho tàng nào. Anh ta đã để lại nguyên vẹn sáu
tháng lương thực, một nửa các khẩu pháo và nặng nhất là để nguyên lại 40 chiếc phi
cơ và trực thăng còn tốt. Tổng Thống Thiệu đã phạm một lỗi về xét đoán nhân sự
không thể nói được khi ông giao quyền chỉ huy cho đại tá Tất. Tôi biết anh
nầy quá nhiều , ông ta là một sĩ quan can đảm, một sĩ quan chuyên về tác chiến
lưu động, đột kích hay phá hoại. Nhưng anh ta không được đào tạo hay huấn luyện
một tý gì để có thể hướng dẫn một cuộc hành quân loại triệt thoái rất tế nhị và
quan trọng nầy.
Tổng Thống Thiệu cũng phải gánh hoàn toàn
trách nhiệm trong việc bỏ thành phố Hué và Vùng I Chiến Thuật. Tướng Trưởng có
3 sư đoàn ưu tú để lo phòng thủ Vùng nầy, sư đoàn 1 bộ binh, sư đoàn Thủy Quân
Lục Chiến, và sư đoàn Dù. Nhưng ngày 20 tháng 3, Tổng Thống Thiệu vì sợ bị
đảo chánh, nên đã cho rút sư đoàn Dù đưa ngay về Sài Gòn làm cho tướng Trưởng
đứng trước một lổ hổng quá rộng trong hệ thống phòng thủ của ông. Vì chỉ với 2
sư đoàn mà ông phải tái phối trí cho một tuyến phòng thủ dài 150 cây số
ngàn.. Do đó mà ông phải quyết định thu gọn lực lượng về tuyến phòng thủ Đà
Nẵng , lực lượng quân sư ưu tiên lui về trước.
Trong lúc các đơn vị đang trên đường di
chuyển, Tổng Thống Thiệu lại cho lệnh phải trở lui lại Hué, nhưng cộng sản Bắc
Việt đã chận đường trở lại Hué ở khoảng Đèo Hải Vân. Trước hết Sư đoàn 1 đã
đánh một trận khốc liệt để tái chiếm đéo Hải Vân và tái lập lưu thông trở lai.
Nhưng vô phước là làn sóng dân chúng chạy loạn như nước vỡ bờ đã phá tan hàng
ngũ của sư đoàn 1. Có rất nhiều binh sĩ quá lo âu cho số phận của gia đình
mình, nên đã bỏ hàng ngũ, còn một số binh sĩ khác thì đào ngũ hẳn. Vị tư lệnh
sư đoàn 1 ở Đà Nẵng đã cố gắng nắm lại sư đoàn của mình nhưng đã bị một anh
phản loạn đánh gục.
Thiếu tướng Nam đứng dậy, vươn vai và đi vài
bước trong phòng. Sau một vài phút yên lặng, ông lại ngồi xuống và tiếp tục :
- Tổng Thống Thiệu bị ám ảnh vì sự bỏ rơi hèn
hạ của người Mỹ. Tôi tin chắc là ông ta muốn bi thảm hóa tình hình bất thần như
vậy, hy vọng là Tổng Thống Ford sẽ vượt qua được một mức độ khó khăn nào đó để
đi đến quyết định phải gởi các oanh tạc cơ hạng nặng qua giúp V NCH .
Nhưng sự việc sau đó đã cho thấy là ông tính toán sai. Và chúng ta đã mất mát
quá nhiều trong vấn đề đó. Biện pháp hữu hiệu nhất để thuyết phục Quốc Hội và
Nhà Trắng, là chúng ta phải chiến đấu tại chỗ cho đến viên đạn cuối cùng. Chính
bọn cộng sản Bắc Việt cũng không tin là chúng sẽ chiến thắng dễ dàng như vậy.
Bằng chứng hùng hồn nhất là cả 4 sư đoàn trừ bị chiến lược của Miền Bắc chỉ mới
vượt qua vĩ tuyến 17 trong tuần lễ vừa qua.
Tướng Nam nắm chặt lấy cánh tay tôi và nói
thêm:
Chúng tôi đã theo Tổng Thống Thiệu mười năm
nay rồi. Nhưng bây giờ thì ông ta đã làm chúng tôi mất cả niềm tin rồi. Ông
sống chui rút trong Dinh Độc Lập và lấy quyết định một mình không chịu tham
khảo với ai hết. Ông ta chỉ nghe có một mình tướng Quang, cố vấn quân sự của ông
ta, một con heo mập lúc nào cũng nịnh hót ông ta và không nói trái lời ông ta
bao giờ . Tôi không tin là ông ta sẽ còn khả năng vượt qua được các biến cố.
Các tướng lãnh đã nổi giận rồi và quân đội đã xấu hổ quá rồi.
-Bây giờ anh định làm gì? Lật đổ ông ta chăng?
- Dù gì cũng không phải tôi đâu. Tôi chỉ là
một quân nhân. Nghề nghiệp của tôi là tác chiến và tôi tiếp tục tác chiến. Đối
với tôi chánh trị là cái gì dơ bẩn, tôi không muốn phải lội vào đó.
°
°
Trên đường về Sài Gòn, tôi dừng chân giây lát
cách Tân An 2 cây số. Một đoàn xe chở đầy binh sĩ Miền Nam đang trở về sau cuộc
hành quân . Một ông đại tá to con mập mạp đang bị một nhóm nhà báo và nhiếp ảnh
Việt Nam bao vây. Tôi bước đến gần. Trong một cái hố, có khoản 20 bộ đội cộng
sản vừa bị bắt ban sáng đang ngồi đó, đầu mặt gục xuống. Tay họ bị trói ra sau
lưng, đi chân đất, ở cổ họ có đeo thẻ lý lịch. Tất cả đều đến đây từ Bắc Việt .
Không một người nào được trên 17 tuổi. Trên một cái cáng, bụng quấn đầy quần áo
đầy máu, là một sĩ quan Bắc Việt, mắt đã đờ rồi, chắc không sống được bao lâu
nữa .Ông đại tá đang nói cho các nhà báo nghe một vài tin chi tiêt.
Lúc tôi đến Sài Gòn là những ngọn đèn nê ông
đầu tiên đang bắt đầu cháy, và thành phố lập lòe ánh sáng xa trông như một tủ
kính của một cửa hàng nào đó...
Ghi chú:
(1) nguyên văn của tác giả bằng tiếng Pháp:
‘’tu, và moi’’ (mầy, tao). Tiếng xưng hô rất thân mật khi hai người bạn gặp
nhau tay bắt mặt mừng, gọi mầy xưng tao rất là tự nhiên
CHƯƠNG 6: DINH TỔNG THỐNG BỊ DỘI BOM
Thứ Ba 8 tháng 4 : 7giờ 30 sáng
Tôi thả bộ trên con đường Pasteur, đến đại lộ
De La Somme và cuối cùng đến bùng binh Chợ Bến Thành. Chợ Sài Gòn có một ngọn
tháp vuông trên nóc giống như một chòi canh của một cái đồn nào đó thời ông
Galliéni, có những tấm bảng quảng cáo bao quanh hết khuôn viên phía ngoài, nào
là kem đánh răng, dầu thơm, rượu, thuốc lá v.v.. Cạnh đó là nhà ga xe lửa, có
mấy chiếc xe buýt hiệu Ford và Pontiac sáng chói, đang đậu chung quanh đó, tất
cả đều cho thấy là vấn đề kinh doanh của Sài Gòn, mua bán hay mậu dịch gì từ
nhiều năm qua đều là sản phẩm từ Hoa Kỳ hết.
Tuy nhiên nên nhớ ở khắp những nơi nào có lớp
người bình dân Việt Nam đang sống, thì chỗ dễ tới nhất và gắn bó với người dân
nhất, phải là cái chợ.
Dưới cái vòm to của chợ Sài Gòn hay trong
những kiến trúc rộng thênh thang kiểu "ba tàu" ở Chớ Lớn; ở khắp các
thành phố thuộc Đồng Bằng sông Cửu Long, hay cuối cùng trong tất cả các chợ
vườn dọc theo các sông ngòi đầy xuồng ghe hay lục bình, tất cả đâu đâu cũng
luôn luôn có lúc nhúc một thứ hàng hóa, cùng một loại người và cùng một cặp mắt
như nhau.
Sau các mặt hàng dùng để hiến dâng cho người
quá vãng, là tất cả những sản phẩm của đất đai: những quày chuối dài, những
trái mít to, những tháp cao đầy ngất trái cây và rau cải đủ loại lạ mắt khác
nhau, ngổn ngang. Các trái sầu riêng giống như con nhím xanh, với cơm bên trong
hơi thối nhưng rất béo ngọt mà người sành ăn rất thích; những trái khế hình quả
trám có khía sáng ngời, các trái ổi ruột đỏ hồng, những trái xoài to chín đỏ
như các thỏi vàng, có những khu đầy trái thơm trái khóm và dưa leo, các rổ giá
đậu trắng trông như những cọng búng.
treo lên như những chiếc lá khô. Và đây là
hàng cá tươi mới về, nào là cá thu được khứa ra từng khứa, cá ngừ, cá tráp, cua
bể, tôm càng xanh, những con cá chình lớn như con trăn mà người bán phải dùng
chày để đập đầu cho chết. Còn đây là hàng gạo, người bán mắt tròn xoe mặt sáng
rở, đang quảng cáo gạo của mình, gạo ngon, được trưng bày cùng khắp, trong các
bao lát miệng bao mở rộng, Người mua gạo bốc gạo lên xem, từng vóc một, đổ gạo
từ tay nầy sang tay kia để đánh giá từng loại gạo, này là gạo Gò Công, kia là
gạo Vĩnh Long, nhỏ hạt hơn, còn gạo Châu Đốc thì là màu đỏ.
Tôi rời khỏi chợ, đi ra đường, lúc đó vào
khoảng 8 giờ. Các tiệm bán hàng vẫn còn bày bán đủ thứ nào là máy truyền hình,
nồi nấu cơm Nhật, các túi bằng da cá sấu v.v.., các hiệu nữ trang với những tấm
kính có viết chữ tàu sáng chói, với những chiếc vòng đeo tay hay dây chuyền
bằng vàng y 24 ca ra đỏ rực.
Đùng một cái, tất cả mọi người đều ngước mũi
lên trời. Một tiếng rít chói tai từ một phản lực cơ át hết tất cả mọi tiếng ồn
ào khác. Và mọi người đều nhớ biết là đã từ lâu mọi phi cơ đều bị cấm không cho
bay ngang qua vùng trời của thủ đô, nơi có Dinh Độc Lập. Tự nhiên mọi người đều
cố gắng nhìn lên để nhận dạng xem phi cơ phản lực loại nào đã bay qua thật thấp
ở ngay trên vùng trời của thủ đô . Một chị đàn bà la lên : "Chắc chắn nó
sẽ bỏ bom vào Dinh Độc Lập ". Và hầu hết những người có mặt trên con đường
nầy đều la theo: "Nó sẽ dội bom lên Dinh Độc Lập"
Ngay sau đó, hai tiếng nổ dữ dội đi liền theo
tiếng rít của phản lực cơ . Thời gian không đầy một phút trôi qua, chiếc phi cơ
lại bay ngang qua mục tiêu của nó, đánh dấu bằng 2 tiếng nổ nhỏ và vài tràng
đại liên ngắn. Lần nầy thì tôi nhận rất rõ tiếng nổ lốp đốp đều đặn của súng
đại bác tự động. Sau đó thì chiếc phi cơ đi xa lần đến một nơi vô định nào đó .
Cuộc tấn công nầy xảy ra không quá 5 phút. Tôi
rảo chân đi nhanh hơn. Phía trên dinh Tổng Thống rất gần đây, một côt khói đang
bốc lên, còn bao quanh các cây cối trong vườn. Khoảng 10 phút sau, có 4 xe cứu
hỏa đến tại chỗ. Trước cổng chánh của Dinh Độc Lập có khoảng 50 binh sĩ Dù đang
ở trong tư thế phòng thủ, mỗi người ngồi sau một góc cây, sẳn sàng chiến đấu.
Các xe Quân Cảnh bao quanh khu vục, cô lập Dinh Độc Lập với cả thành phố. Các
anh cảnh sát dã chiến với quân phục rằng ri, súng cầm tay, đang hướng dẫn mọi
sự lưu thông tránh xa dinh Độc Lập. Các ngả tư đường dẫn tới dinh đều có ngựa
sắt kẽm gai chận hết.
Cả trung tâm thành phố có nguy cơ bị tắc nghẽn
giao thông một cách nhanh chóng và điều nầy chỉ làm tăng thêm tình trạng hỗn
loạn. Tôi đi dài xuống đường Tự Do. Nhiều tin đồn nhảm sai hẳn sự thật đã được
lan truyền ra rồi ..
Một anh tài xế xe tắc xi bước ra khỏi xe của
anh ta trước tiệm sách Albert Portail, vừa múa tay múa chân vừa la ầm lên :
" Tổng Thống đã chết rồi ". Các chị bán thuốc lá lo thu xếp các quầy
thuốc của họ lại. Đứng giữa một đám đông những người hiếu kỳ một anh luật sư ở
nhóm đối lập thuộc phong trào "đòi quyền sống cho người dân" đã xác
nhận một cách rất nghiêm túc :
" Đó là chiếc phi cơ săn giặc F5 do tướng
Nguyễn cao Kỳ lái . Ông ta đã làm chuyện vừa rồi đó. Các dàn ra đa của Tân sơn
Nhứt đã theo dõi chiếc F5 nầy và đã thấy nó bay về hướng Thái Lan."
Nhưng, tôi đã biết rất rõ tướng Cao Kỳ , ông
chưa từng bay phi cơ phản lực bao giờ !
Có một số xe thông tin có gắn loa phóng thanh
chạy khắp nơi để thông báo giờ giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực từ 12 giờ trưa
nay. Và thành phố đã trở nên vắng ngắt hết sức nhanh chóng. Các cửa hàng bỏ rèm
xuống che kín cửa tiệm. Đường sá thường thì đầy rẫy xe cộ, và ồn ào vì tiếng mô
tô, giờ thì đã trở nên vắng lặng. Giờ đây Sài Gòn là môt thành phố chết, một
thế giới im lặng , ở đó chỉ có các binh sĩ với súng ống đi tuần rỏn như những
bóng ma giữa các nút chặn kẽm gai. .
Vào lúc 13 giờ trưa, tôi liên lạc được với
tướng Cao Kỳ bằng điện thoại. Với một giọng hết sức mỉa mai ông nói:.
- "Thật là một chuyện tào lao ! một hành
động quá trẻ con không có một cơ may đi đến đâu
hết. Phi công là một sĩ quan rất trẻ, vừa mới
học xong phản lực cơ F 5 E cách đây vài ngày. Trước đó anh ta được huấn luyện
trong nhiệm vụ săn giặc, và cách đây không đầy 3 tuần lễ,
anh ta mới bắt đầu được tham gia tập luyện về
nhiệm vụ đánh bom. Theo chỗ tôi nghe được thì đây là một thằng nhỏ bốc đồng, có
máu anh hùng. Nhưng tôi chưa từng gặp mặt anh chàng
nầy bao giờ. Một lần nữa, tôi không dính dáng
gì đến chuyện nầy. Hơn nữa tôi không muốn
giết ông Thiệu, tôi chỉ muốn ông ta rời khỏi
chức vụ cho rồi.. . . . "
Sau một phút yên lặng, sau đó ông ta lại nói,
nhưng gần như nói cho riêng ông ta nghe mà thôi : "Rất tiếc là thằng quỷ
phi công đó đã không làm được trò trống gì cả !
Sau đó một ít lâu, Tổng Thống Thiệu lên tiếng
trên đài phát thanh. Ông ta vẫn còn sống. Ông ta thuật lại chi tiết cuộc ném
bom mà ông là mục tiêu chính. Ông xác nhận đây không phải là một âm mưu mà là
một hành động lẻ loi. Phi công bay ở cao độ 300 thước,và đã thả xuống 2 trái
bom vào dinh Độc Lập, và sau đó quay trở lại lần thứ hai bắn xuống hai trái hỏa
tiễn và vài tràng đại bác 20 ly. Ông Thiệu nói tiếp:
" Có một số người nào đó muốn đe dọa tôi
bằng võ lực để ép buộc tôi phải ra đi, nhưng tôi sẽ không nhượng bộ đâu. Tôi sẽ
tiếp tục làm việc như thường và tiếp tục dìu dắt quê hương. ."
Mọi người đều đồng ý - một lần không phải là
thói quen - nói là Tổng Thống Thiệu đã có phản ứng thật nhanh và rất hay. Nhưng
liệu ông có thể giữ yên lặng được không ?
Vào lúc 4 giờ chiều, đường phố lại nhộn nhịp
trở lại, các hiệu buông cuốn rèm lên lại. Sự lưu thông lại có quyền trở nên hỗn
loạn như cũ.
Tôi gọi điện thoại đến đại tá Xuân, ở Sở An
Ninh, một người bạn cũ trên 20 năm mà tôi đã biết ở Bắc Việt, lúc ông làm ở
Phòng Nhì. Ông hẹn gặp tôi ở khách sạn Caravelle vào lúc 5 giờ chiều.
Trong khi chờ đợi, tôi sẽ đi bách bộ một vòng
lên Dinh Độc Lập từ đường Pellerin đi lên.
Trước rạp chiếu bóng Casino, người ta đang xếp
hàng mua vé vào xem xuất 17 giờ. Rạp đang quảng cáo ba bộ phim "Công
Phu" . Các em bán báo đang trải ra trên sạp những tờ báo buổi chiếu vừa
mới in xong.. Ở đường Lê Lợi những người bán hòm rương và va ly đang trúng
mánh. Xa hơn một chút, tôi di dọc theo Thư Viện Quốc Gia rất đẹp, được xây cất
trên nền cũ của Khám Lớn khi xưa, nơi đã từng giam giữ hằng ngàn tù cách mạng
và phần đông là các lãnh tụ thuộc Chánh Trị Bộ hiện thời ở Hà Nội. Trong huê
viên trước đó có nhiều toán sinh viên đang cãi nhau ồn ào hay kêu gọi đùa giởn
với nhau.
Đại lộ Norodom uy nghiêm rộng lớn nay được gọi
là đại lộ Thống Nhất, thẳng tắp từ Vườn Bách Thảo đến Dinh Độc Lập, bây giờ gần
như hoang vắng. Các cuộn kẽm gai được căng ra làm nút chặn ở các ngả tư đường
bây giờ đã được xếp lại và mang đi, nhưng Quân Cảnh vẫn còn tiếp tục canh tuần.
Không thể nào đi đến gần Dinh Độc Lập được .
Cổng chánh của Dinh vẫn còn nguyên vẹn, và không thấy có một dấu vết nào của
hành động dội bom hay bắn phá ban sáng.
Dinh Độc Lập, nơi Tổng Thống Thiệu ở và làm
việc, có một lịch sử dài và thơ mộng. Được xây cất vào năm 1868, tòa nhà nầy
khi xưa có tên gọi là Dinh Đô Đốc hay Dinh Norodom. Lúc bấy giờ đây là một công
thự huy hoàng diễm lệ, (xây cất theo kiểu môt chiếc bánh sinh nhật) chung quanh
có rào chấn song bằng đồng trên có mạ vàng, những bãi cỏ xanh với đường đi bên
trong trải cát đỏ, và một nhà bát giác với nóc cao nhọn. Ngay ở cổng chánh có
lính gác đội nón kiểu lính thú trên đỉnh có chóp nhọn bằng đồng sáng chói và
đeo găng tay trắng lưu truyền lối văn hóa thuộc địa. Nơi đây các vị toàn quyền
có những buổi tiếp tân rất ngạo nghễ, huê viên được thắp sáng lên, có các dàn
nhạc vĩ cầm , với những bộ đồng phục lòe lẹt, những bộ lễ phục trắng , các bà
các cô thì mặc áo hở ngực hở vai trang điểm diễm lệ như đi dạ hội ở Ba Lê vậy.
Người được ở tại dinh Norodom có nghĩa là
người đó là chủ nhân của đất nước nầy. Tướng ÉLy, vị Cao Ủy người Pháp sau cùng
ở Đông Dương đã trao cho Chánh Phủ Việt Nam biểu tượng cuối cùng nầy của chánh
quyền thuộc địa ngày 7 tháng 9 năm 1954.
Sau khi chánh thể Cộng Hòa được công bố, thì
dinh Norodom được đổi danh xưng thành Dinh Độc Lập.
Ngày 27 tháng 2 năm 1962, 2 sĩ quan phi công
Việt Nam thề sẽ hạ sát Tổng Thống Diệm nên đã lái 2 chiếc phi cơ dội bom sập
nát dinh thự cổ kính nầy. Dĩ nhiên như một phép lạ, Tổng Thống Diệm vẫn không
hề hấn gì. Nhưng tòa nhà thuộc địa cổ nầy bị hư hại gần như sập hết, nên Chánh
Phủ đã quyết định xây lại một dinh thự mới. Lần nầy nhiệm vụ xây cất được giao
cho một kiến trúc sư Việt Nam trẻ, từng được "giải thưởng Roma" , đó
là ông Ngô viết Thụ. Để gây quỹ cho công tác xây cất mới nầy, Chánh Phủ mở một
"chiến dịch quyên góp". Mỗi công chức, mỗi người binh sĩ của Miền Nam
Việt Nam đều đóng góp một ngày lương vào quỹ xây cất. Các doanh nhân thì ký cho
nhiều chi phiếu khá lớn, sinh viên học sinh thì tùy theo túi tiền của mình mà
đóng góp, và những người nghèo cũng tùy theo mà bỏ tiền vào toán đi quyên góp
do Bộ Công Chánh phái đi.
Kiến trúc sư Ngô viết Thụ từ chối không nhận
tiền thù lao cho bản vẽ, và các kỹ sư, chuyên viên của quân đội bắt tay vào
việc, công trường làm việc 24 trên 24 giờ kéo dài hơn 10 tháng. Cuộc đảo chánh
ngày 1 tháng 11 năm 1963, và cái chết của Tổng Thống Diệm và người em của ông
làm ngưng trệ công trường suốt trong 6 tháng dài. Sau đó công trường được mở
lại, nhưng phải mất 3 năm nữa mới xây dựng xong Dinh thự mới, được tướng Nguyễn
cao Kỳ long trọng khai trương ngày 30 tháng 10 năm 1966. Công trình đã phải tốn
đến 1 triệu 500 ngàn mỹ kim (7 triệu quan Pháp). Dinh Độc Lập được xây bằng xi
măng cốt sắt, cẩn toàn đá hoa cẩm thạch, cửa kính màu xanh da trời, có 3 mặt
phẳng nằm ngang và song song, (kiến trúc theo lối chữ Việt Nam tượng trưng cho
nền dân chủ). Tất cả đặt ngay trung tâm của một công viên được vẽ rất cẩn thận
và rất tráng lệ.
Tổng Thống Thiệu nhỏ người nhưng có một thái
độ gần như lạnh lùng, cô đơn và bướng bỉnh, tự giam mình trong Dinh giống như
một thuyền trưởng của chiếc tàu lặn của người Đức lúc nào cũng ở bên tay lái và
từ khước không chịu nổi lên mặt nước để đầu hàng.
Mặc dầu bị chính phi cơ của mình dội bom, hay
bị các tướng lãnh của mình đe dọa, không ai có thể nói được hôm nay con người
của ông đang nghĩ gì, một con người miền Trung rất bí mật và cứng đầu đã đọc
một bài diễn văn thao thao như nước chảy ở đài truyền thanh và truyền hình,
nhưng không bao giờ tiết lộ tâm sự của mình trong chỗ riêng tư.
Ở phòng trà Givral, một người Việt Nam ốm gầy,
có đôi mắt ti hí, có bộ râu rậm trên cằm, đang giải thích cho một số thanh niên
đang bu quanh ông ta về những điều bậy bạ của ông Thiệu. Tất cả đều do ông kể
hết, từ chuyện thâm cung bí sử đến chuyện bán quyền bán tước, từ chuyện giãi
phẩu thẩm mỹ của bà Thiệu đến chuyện buôn lậu hột xoàn..
Ông ta vừa cười khẩy vừa nhổ mấy sợi râu trên
càm vừa nói :
- " Thiệu đã trở thành một người điên như
Hit Le trong hầm trú ẩn của ông ta vào những ngày cuối cùng ở Bá Linh vậy .Ông
ta điều động các sư đoàn ma của ông và tin tưởng là ông có thể thắng trận vì
người Mỹ sẽ gởi phi cơ và vũ khí bí mật đến cho ông ta. Sự điên rồ của ông ta
là hậu quả của những ám ảnh về sinh lý của ông. Ông ta đã hoang phí thì giờ với
các cô gái 14, 15 tuổi mà thuộc hạ đã dẫn nộp cho ông ta."
Tôi cố quan sát con người hùng biện nầy. Ông
là một người thuộc giới báo chí, gốc người Miền Bắc,từng bị thất bại trong cách
mạng, là một người đã từng hợp tác có giá trị đối với Nhật trong cuộc săn đuổi
cộng sản lẫn kháng chiến Pháp , sau đó ông đã phục vụ rồi lại phản bội liên tục
các chánh quyền và các tư lệnh cảnh sát thuộc Chánh Phủ Việt Nam . Anh ta có
một biệt danh là "Cao Giao" và đã làm việc lâu năm với tờ New Week.
Đây là một người hay lục lạo tỉ mỉ nhất vào các "bãi phân thối" mà
tôi biết được ở Sài Gòn .
Khách sạn Caravelle nằm bên cạnh Quốc Hội,
trước kia có tên là Khách sạn của Nhà Hát Tây, bởi vì tòa nhà có vòm tròn hiện
đang dùng làm Trụ sở cho Quốc Hội trước kia là Nhà Hát Tây của thành phố Sài
Gòn dưới thời Pháp thuộc. Trước kia Cha Lecca là chủ khách sạn nầy; ông ta là
một cựu thượng sĩ thuộc quân đội Pháp bụng phệ và chột mắt đã đổi sang nghề bán
nước giải khát. Những nhà hàng hải và các tay ma cô người "Cọt sờ"
chuyên buôn lậu vàng và mỹ kim thường đóng đô ở đây, uống rượu a-nis của Miền Nam
nước Pháp do họ tự mang tới trong những hộp bánh bít quy có hàn chì cẩn thận ,
hết chầu nầy đến chầu khác. Cô thâu ngân viên là một cô gái lai Tầu, khoảng 20
tuổI, rất đẹp và lả lơi khiến cho mọi người đều phải dán mắt nhìn cô. Một ngày
nào đó Cha Leccia về nước và bán khách sạn lại cho Tòa Giám Mục Sài Gòn. Vị
quản lý giáo xứ nầy biến cải khách sạn của những người vô lại nầy thành một
"khách sạn hạng sang". Ông cơi thêm 8 tầng lầu, sân thượng ở tầng
chót là một nhà hàng lộ thiên. Trang trí bằng cẩm thạch Đài Loan, gổ dát từ Phi
luật Tân, cây xanh, sơn mài Thành Lễ, nhơn viên được tuyển lựa cẩn thận và quản
lý là người Pháp, khách sạn Caravelle đã nhanh chóng trở thành một cơ sở đẹp
nhất của thành phố. Suốt chiều dài của cuộc chiến, khách sạn không có phòng
trống bao giờ: sĩ quan, dân biểu, nhà báo, các nhà kinh doanh, thường chia nhau
các phòng có đầy đủ tiện nghi. Sau người Mỹ lại đến lượt các kỹ nghệ gia Nhật
và các nhà thầu Đại Hàn.
Bây giờ, sau chuyện tán loạn ở Cao Nguyên,
thảm kịch ở Đà Nẵng và cuộc chiến đang đến gần thủ đô Sài Gòn , các nhà báo lại
tràn ngập khách sạn. Phòng khách đầy những tay săn hình, trang bị máy thâu hình
lớn và nặng nề, vai lại mang máy ảnh và ống kính dài như những ống phóng lựu.
Đại tá Xuân đợi tôi ở quầy rượu. Ông ta cười,
nụ cười của ông kéo dài làm lộ những nét nhăn từ mắt đến tận mang tai .
Chúng tôi đã sống với nhau trong hai năm sau
cùng của cuộc chiến Pháp Việt ở Miền Bắc và những ngày cuối cùng ở Hải Phòng.
Lúc nào tôi cũng thấy ông cườI, ngay những lúc chúng tôi đang bị đạn bách kích
pháo nện vào lúc chúng tôi đang nằm trong các hố cá nhân đầy bùn sình ở Suối
Tre. Tôi không bao giờ thấy ông ta hốt hoảng và cũng không thấy ông to tiếng
bao giờ . Ông nói năng nhỏ nhẹ, chẫm rãi, hay tìm dùng đúng danh từ, và luôn
chú ý giữ đúng cú pháp. Trong văn phòng của ông ở cổ thành Hà NộI, ông đã viết
rất cẩn thận bằng cọ lông một câu rất có ý nghĩa xây dựng : "Nếu anh biết
thì hãy nói cho những người hiểu biết. Nếu anh không biết, thì hãy im lặng và
cố lắng nghe. Và có lắng nghe thì anh sẽ biết."
Ông ta nói với một giọng bình tĩnh nhưng có
chút ngập ngừng.
- " Chào anh Pierre, Cuối cùng rồi Anh
cũng đã tìm lại được đúng đường rồi đó .
- Việc gì đã xảy ra hồi sáng nầy vậy anh Xuân?
Ở ngoài phố người ta thuật lại là Mỹ đã dàn dựng cú nầy để thanh toán ông
Thiệu. Họ còn nói là phi công đã đáp xuống sân bay Udorn của Mỹ và đã được chấp
thuận cho tỵ nạn tại Thái Lan.
- Người ta không biết gì hết. Người phi công
đã dội bom xuống Dinh Độc Lập tên là Nguyễn thành Trung. Đó là một anh trung úy
trẻ mới có 26 tuổI, người Miền Bắc , đã có một vợ và 2 con. Anh ta đã hành động
theo sáng kiến riêng của mình, vì quá giận và chán ngán khi thấy các tướng lãnh
và Tổng Thống đã bỏ hết tỉnh nầy đến tỉnh khác mà không có một trận chiến nào.
Anh ta cũng buồn và thất vọng vì vợ con anh ta không thể rời khỏi Đà Nẵng được
và còn bị kẹt trong vùng kiểm soát của cộng sản .
- Sáng sớm hôm nay, vào khoảng trước 8 giờ có
hai phản lực phóng pháo cơ đã cất cánh từ phi trường Biên Hòa, cách Sài Gòn 30
cây số. Họ có nhiệm vụ đánh bom vào một mục tiêu địch ở phía trên tiểu khu Phan
Rang, dọc theo bờ biển. Một lúc sau dó trung úy Trung báo cáo là phi cơ anh bị
trục trặc kỹ thuật không thể tiếp tục bay được . Hai mươi phút sau anh ta nhắm
vào Dinh Độc Lập đâm thẳng xuống. Tất cả đều diễn tiến rất nhanh chóng. Pháo
đội phòng không ở Dinh Độc Lập không có thì giờ để mà kịp phản ứng. Một trong
hai trái bom của anh ta đã làm mẻ một góc cầu thang sau của Dinh và làm vở hết
các cửa kiến của tầng trệt. Trái bom thứ hai rơi xuống hoa viên không gây một
thiệt hại nào. Sau đó anh ta còn bắn hai trái hỏa tiển làm thủng nóc nhà để xe,
và có bắn đại bác 29 ly xuống bải cỏ, gây 2 tử thương và 5 bị thương nặng. Có
trên 40 người bị mảnh kiếng làm trầy da..Dù gì đi nữa, nếu anh ta có đánh trúng
ngay Dinh đi nữa thì anh cũng không thể nào giết Tổng Thống được . Nóc dinh mới
cất nầy dày đến mấy thước bê tông, và phải qua cả 4 tầng làu từ nóc dinh mới
xuống tới phòng của Tổng Thống được .
- Còn chuyện đáp xuống sân bay ở Thái Lan ?
- Một sự bịa đặt hoàn toàn ! Trưa nay hồi 15
giờ, đài Hà Nội đã cho ra một thông cáo xác nhận là trung úy Trung đã đến vùng
giải phóng Đà Nẵng với phóng pháo cơ của anh ta. Tổng trưởng Quốc Phòng của cái
gọi là Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam đã gắn huy chương yêu nước hạng 2
và đã thăng cấp Đại úy của quân đội Giải Phóng Miền Nam Việt Nam cho anh ta.
Điều nầy chứng minh rõ ràng là mấy anh "mũi lõ" không có gì dính dáng
đến việc nầy. Tùy viên quân sự Hoa Kỳ rất tức giận vì đây là chiếc phản lực
phóng pháo cơ F.5.E. đầu tiên đã rơi nguyên vẹn vào tay cộng sản. Đây là một
phóng pháo cơ chiến thuật vừa ngăn chặn vừa yểm trợ, tốc độ bay nhanh (mach
1,6), dễ điều khiển, được trang bị vũ khí rất mạnh và toàn bộ bằng điện tử (máy
dò tìm mục tiêu loại nhỏ, tác xạ bằng máy điện toán, máy chụp ảnh bằng hồng
ngoại tuyến). Loại phi cơ nầy chỉ mới được mang ra xử dụng cách đây không quá
18 tháng...
No comments:
Post a Comment