Saturday, June 21, 2014

UỶ BAN BẢO VỆ QUYỀN LÀM NGƯỜI VIỆT NAM TỐ CÁO CSVN TẠI GENEVA

GENEVA, UBBVQLNVN 20.6.2014 - Hôm nay, tại khoá họp lần thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève, Việt Nam đã bác bỏ những khuyến nghị quan trọng nhằm bảo vệ và thăng tiến nhân quyền được các quốc gia thành viên đưa ra sau khi nghe Việt Nam Báo cáo tại cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát ngày 5.2 đầu năm nay. Hội đồng Nhân quyền LHQ đã nghiên cứu bản báo cáo của Việt Nam tại cuộc Kiểm điểm đầu tháng 2.
Tại khoá họp lần thứ 26 hôm nay ở Genève, Việt Nam mới xác nhận những khuyến nghị nào được chấp nhận, những khuyến nghị nào bác bỏ trong thời gian thực hiện 4 năm tới. 
Nhân danh Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Hành động Chung cho Nhân quyền, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban, đã mạnh mẽ tố cáo Việt Nam và lưu ý tới sự kiện tiếp diễn những vi phạm phổ biến chống lại các nhà hoạt động thuộc các xã hội dân sự, bloggers, và các nhà bảo vệ nhân quyền trong những tháng vừa qua, kể cả việc công an hành hung, sách nhiễu và bắt giam tuỳ tiện. Ông Ái đưa ra các trường hợp của các ký giả, bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Nguyễn Hữu Vinh (biệt hiệu Anh Ba Sàm), cũng như trường hợp những người bất đồng chính kiến theo đạo Phật như Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và Lê Công Cầu, người lãnh đạo Gia Đình Phật tử Việt Nam. Ông Ái nói: 
"Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Hành động Chung cho Nhân quyền tỏ lời khen ngợi với số lượng lớn những khuyến nghị đưa ra trên lĩnh vực xã hội dân sự và những người bảo vệ nhân quyền."
 "Việt Nam đã chấp nhận và tuyên bố vận dụng các khuyến nghị của Tunisie và Ái Nhĩ Lan nhằm thiết lập một môi sinh thuận lợi và vững chắc cho các người chủ chốt xã hội dân sự. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được nhiều phúc trình về những sách nhiễu và hăm doạ đối với họ, kể cả những người hợp tác với các cơ cấu quốc tế."
 "Những tháng gần đây, công an đánh đập và hăm doạ hàng chục người để bịt họng họ."
 "Trong những cuộc đàn áp tự do ngôn luận này, có ít nhất 5 bloggers, ký giả trực tuyến bị bắt hay xử án tới 15 năm tù giam chiếu theo các điều luật « an ninh quốc gia » trong bộ Luật Hình sự, mơ hồ và trái chống với Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị. Chúng tôi đơn cử trường hợp của các ông Trương Đình Nhất, Phạm Viết Đào, và Nguyễn Hữu Vinh (tức Anh Ba Sàm).
 "Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị về tự do tôn giáo, nhưng vẫn tiếp tục áp đặt một hệ thống hà khắc về đăng ký, mà thực tế là hình sự hoá mọi thực hành tôn giáo đối với các tôn giáo không được Nhà nước công nhận. Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn tiếp tục bị quản chế sau 30 năm tù đày, và người lãnh đạo Gia Đình Phật tử Việt Nam, Huynh trưởng Lê Công Cầu, bị quản chế, canh gác từ tháng giêng cho đến nay, chỉ vì anh đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và vì anh gửi một thông điệp thu băng tới cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát hồi tháng 2."
 "Chúng tôi kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những ai bị bắt giam tuỳ tiện, vì chính kiến hay tôn giáo họ, và tôn trọng chính bản Hiến pháp của Việt Nam, cũng như những cam kết quốc tế để duy trì tiêu chuẩn cao nhất cho nhân quyền trong vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ."
 "Để áp dụng hữu hiệu các khuyến nghị, Việt Nam phải tôn trọng cấp thiết các nhân quyền cơ bản của người công dân, như tự do ngôn luận, đặc biệt trên Internet, tự do tôn giáo, tự do hội họp, và tự do lập hội".
 Ông Ái cũng nói rằng, "Việt Nam là nước đứng thứ hai sau Bắc Triều tiên nhận được số khuyến nghị nhiều nhất tại cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát. Trên 227 khuyến nghĩ cụ thể, Việt Nam chỉ chấp nhận những khuyến nghị chung chung, và khước từ sự cam kết bảo đảm các tự do và nhân quyền cơ bản cho người công dân".
 Trong bản Phúc trình của Việt Nam gửi Hội đồng Nhân quyền LHQ, mà Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có được một bản sao, lẽ ra phải được công bố trên Trang nhà LHQ, Việt Nam bác bỏ các khuyến nghị ký kết Nghị định thư tuỳ chọn (Optional Protocols) của Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) cùng những Công ước quốc tế nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Các Nghị định thư tuỳ chọn này hết sức quan trọng, vì nó chứa đựng quyền cá nhân được phép khiếu kiện chống lại chính phủ nào vi phạm các Công ước LHQ đã ký kết.
 Việt Nam cũng bác bỏ khuyến nghị thỉnh mời những Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ đến thăm Việt Nam (do Anh quốc, Áo, Cộng hoà Tiệp khuyến nghị). Việt Nam bác bỏ 20 khuyến nghị liên quan đến án tử hình, từ chối trả tự do cho những tù nhân bị giam giữ tuỳ tiện theo phúc trình của Tổ Hành động LHQ Chống Bắt bớ Trái phép (do Cộng hoà Liên bang Đức, Thuỵ sĩ, Tân Tây Lan khuyến nghị).
 Việt Nam cũng bác bỏ các khuyến nghị của Hoa Kỳ và Pháp yêu cầu sửa đổi các điều luật mơ hồ về "an ninh quốc gia" được sử dụng để đàn áp các quyền cơ bản, đặc biệt các điều 79, 88 và 258 ; bác bỏ khuyến nghị của Áo yêu cầu thông báo công khai số lượng các trại tù và số lượng tù nhân giam giữ trong các trại này; bác bỏ khuyến nghị của Cộng hoà Tiệp yêu sách bảo đảm nền truyền thông, báo chí độc lập và trả tự do cho tất cả người bảo vệ nhân quyền, nhà báo, nhà tôn giáo và các nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì phát biểu ôn hoà chính kiến họ.
 Trong sự thức dậy rầm rộ của những cuộc biểu tình gần đây chống Trung quốc xâm lấn biển và đất, Việt Nam bác bỏ khuyến nghị của Áo yêu cầu ban hành sắc luật tự do biểu tình, khuyến nghị của Hy Lạp yêu cầu chấm dứt việc đàn áp những người biểu tình ôn hoà. Việt Nam bác bỏ khuyến nghị của Canada yêu cầu khảo sát những khả năng hậu thuẫn kỹ thuật cho Tổ Hành động nhằm Bảo vệ xã hội dân sự của Cộng đồng các Quốc gia dân chủ ; và chẳng còn lạ gì, việc Việt Nam bác bỏ khuyến nghị của Cộng hoà Tiệp đòi hỏi tăng cường bình đẳng chính trị cho mọi công dân được quyền tham gia chính trị để từng bước tiến tới thể chế dân chủ đa nguyên.
 Trước khi khoá họp Hội đồng Nhân quyền LHQ bắt đầu, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đã gửi một Bản Chỉ dẫn chung yêu cầu các quốc gia thành viên LHQ gây sức ép cho Việt Nam chấp nhận các khuyến nghị trong 15 lĩnh vực tối quan trọng, kể cả tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, người bảo vệ nhân quyền, cải cách pháp lý, trả tự do cho tù nhân vì lương thức và chính trị, quyền công đoàn, quyền phụ nữ, án tử hình và hợp tác với các cơ cấu LHQ.
 Đặc biệt, ông Võ Văn Ái kêu gọi Việt Nam hãy tôn trọng bản Hiến pháp của chính họ, cũng như những cam kết quốc tế. Năm 2018 sẽ là cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát lần tới cho Việt Nam. Lúc ấy, Việt Nam sẽ phải báo cáo cho Hội đồng Nhân quyền LHQ về những khuyến nghị thảo luận trong khoá họp hôm nay.
 Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
& Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam 
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : queme.democracy@gmail.com

No comments:

Post a Comment