Phạm Chí Dũng - Không còn là tin đồn nữa. Khi chính một nữ cựu tù nhân
lương tâm còn trong vòng quản chế như Phạm Thanh Nghiên nghẹn ngào cho tôi biết,
và chính anh Đỗ Ty – cha của Hạnh – xác nhận qua điện thoại, thì mọi ngờ vực đều
tan biến.
Chiều muộn ngày 27/6/2014, Đỗ Thị Minh Hạnh – cánh chim
báo bão những năm về trước – đã làm cộng đồng dân chủ trong nước và hải ngoại
tràn ngập một niềm vui khó tả: cô vừa được tự do!
Hạnh đang trên đường về nhà!
Hầu tương tự như trường hợp của “người tù xuyên thế kỷ”
Nguyễn Hữu Cầu, những tin tức đầu tiên về việc Minh Hạnh có thể được “cho về”
đã xuất hiện cách thời điểm trả tự do khoảng một tháng. Và trong khoảng thời
gian một tháng ấy, “họ cố ép tôi ký bản nhận tội, nhưng tôi nói rõ với họ là
tôi không ký vì tôi không có tội gì hết!” – tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu thản
nhiên thuật lại và còn ngâm nga bài thơ “Con bò kéo xe” của ông.
Cách đây chưa đầy một tuần, những thông tin từ gia đình Đỗ
Thị Minh Hạnh và người mẹ vận động không mệt mỏi cho cô như đã cảnh báo về ý đồ
“giấy nhận tội”. Lẽ đương nhiên, ai cũng hiểu đó là quán tính của một chính thể
chưa thể quen với quán tính bắt buộc phải thừa nhận sai lầm khi bắt người, nhất
là khi người đó lại chỉ đấu tranh cho quyền lợi của công nhân Việt Nam chứ chẳng
hề nhắm tới động cơ lật đổ chế độ hiện hành.
Vào buổi sơ khai của phong trào đấu tranh công nhân, hành
động chính quyền bắt ba người tranh đấu Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cũng tràn sắc máu nguyên thủy. Không một ai được thanh
minh, cũng chưa từng có một dấu hiệu thỏa hiệp nào của Nhà nước Việt Nam với
nhu cầu công đoàn độc lập quá sức bức bối.
Khác hẳn với giờ đây…
Giờ đây, gần 1.000 cuộc đình công của công nhân diễn ra
hàng năm tại nhiều vùng ở Việt Nam đã đủ chứng minh cho tính “ưu việt” đến thế
nào của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – một cơ quan công quyền nhưng trung
gian để trực tiếp hưởng 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp và cũng ăn vào công
sức lao động của công nhân, một tổ chức “đại diện cho quyền lợi của công nhân”
song đã chưa từng chấp nhận bất kỳ một cuộc đình công nào trên toàn quốc, ngược
hẳn với mối giao hảo chung chịu của họ với giới chủ doanh nghiệp.
Giờ đây và khác hẳn với thời kỳ làn sóng công nhân tranh
đấu bị đàn áp, chính thể cầm quyền ở Việt Nam đang phải dần chấp nhận đòi hỏi về
định chế công đoàn độc lập do người Mỹ và phương Tây đặt lên bàn đàm phán Hiệp
định TPP. Không phải vô cớ mà cũng vào tháng Sáu này, hơn 150 dân biểu quốc hội
Mỹ đã đồng gửi thư kiến nghị cho Đại diện thương mại Hoa Kỳ về “không TPP nếu
không có công đoàn độc lập” và “Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều
kiện cho Đỗ Thị Minh Hạnh”.
Cũng không phải vô cớ mà kịch bản cánh chim báo bão Đỗ Thị
Minh Hạnh được trả tự do vô điều kiện không chỉ là niềm vui bất ngờ của cô và
gia đình, mà còn khiến bật lên một tia hy vọng lớn lao hơn nhiều: đã có tín hiệu
về một khả năng nào đó tổ chức công đoàn độc lập được chính quyền “thí điểm” ở
Việt Nam trong vài năm tới.
Hãy khóc…
Nếu có thể nhớ lại, hãy nên so sánh những bước chân của Hạnh
bần thần ra khỏi phòng giam với không khí òa vỡ của đám đông vào tháng 8/2013,
khi nữ sinh áo trắng Phương Uyên đột ngột được phóng thích ngay tại tòa Long
An. Để sau tháng Tám ấy là một sự chuyển mùa dân chủ ở Việt Nam, nơi mà tiếng
chim hót dân sự đã không còn bị vùi dập quá tàn nhẫn.
Cánh chim báo bão Minh Hạnh hẳn cũng như vậy thôi. Phía
trước không chỉ là bầu trời tự do với riêng cô, mà một chân trời mới đang hé rạng
cho các tổ chức xã hội dân sự ở đất nước đầy cam go này, nơi mà mới đây 16 tổ
chức dân sự đã tiếp bước Hạnh để ra một tuyên bố về sự cần kíp xây dựng tổ chức
công đoàn độc lập cho 5 triệu công nhân Việt Nam.
Hạnh hãy khóc đi, những giọt nước mắt siết bao ơn nghĩa với
Người Mẹ và Dân Tộc…
No comments:
Post a Comment