Thursday, March 15, 2018

NHỮNG NGÔI MỘ TẬP THỂ Ở HUẾ


Trần Gia Phụng – Đả Đảo Cộng Sản Khát Máu
1. Bộ đội cộng sản bị đẩy lui
Không tổ chức được cuộc tổng khởi nghĩa (chữ của cộng sản), Việt cộng còn bị quân đội Việt Nam Công Hòa (VNCH) và Đồng minh phản công mạnh mẽ, đẩy lui ra khỏi Huế.

Dù bị bất ngờ, quân đội VNCH bắt đầu phản công vào mồng 3 Tết (1-2-1968). Ngày mồng 5 Tết (3-2), các chiến sĩ Nhảy Dù VNCH tái chiếm cửa An Hòa. Cũng trong ngày nầy, Thủy quân lục chiến (TQLC) Hoa Kỳ đổ bộ ở Bến tàu Hải quân bên hữu ngạn (phía Đài phát thanh Huế), đến đóng tại Bộ Chỉ huy MACV.

Lo ngại cánh quân Hoa Kỳ từ hữu ngạn kéo sang tả ngạn (phía Thành nội), cộng quân đánh sập cầu Trường Tiền tối mồng 9 Tết (7-2-1968). 
Ngày 14-2, tình hình hữu ngạn được xem là yên ổn, chỉ còn bộ chỉ huy của Thân Trọng Một trốn tránh tại vùng lăng Tự Đức cho đến ngày 25-2. Khi tình hình hữu ngạn được ổn định, lực lượng Nhảy Dù rút vào nam, và các chiến sĩ TQLC đến thay thế. 

Ngày 12-2, TQLC / VNCH và TQLC Hoa Kỳ đổ bộ lên bến Bao Vinh, nằm trên bờ sông Gia Hội, gần đồn Mang Cá, cùng mở “chiến dịch Sóng Thần 739/ 68” ngày 14-2, tảo thanh quân cộng sản (CS) trong Thành nội. 

Trận chiến càng ngày càng ác liệt, có khi TQLC và bộ đội CS chỉ cách nhau vài chục thước, giành nhau từng căn nhà. Ngày 18-2, TQLC Hoa Kỳ chiếm được cửa Đông Ba (đường Mai Thúc Loan). Cộng quân đóng trong Thành nội chỉ còn liên lạc với cánh quân Gia Hội của họ bằng cửa Thượng Tứ.
Trước nguy cơ thất bại, cộng quân tính chuyện rút lui. Ngày mồng 8 Tết (6-2), CS bắt đầu di chuyển thương binh, tù binh, chiến lợi phẩm ra khỏi Huế. Lúc đó, tại miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị, cộng quân đã chiếm được Làng Vei, một vị trí chiến lược ở tiền đồn Khe Sanh ngày 7-2. Phi cơ Hoa Kỳ tái oanh tạc vùng phụ cận Hà Nội ngày 14-2, nên ngày 15-2, Quân uỷ Trung ương ở Hà Nội, gởi vào đảng uỷ CS Thừa Thiên Huế một công điện nội dung như sau: “Phải giữ Thành nội, không được rút ra ngoài để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung cả nước.”(Chính Đạo, Mậu Thân 68: thắng hay bại, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 146.) 

Tình hình càng lúc càng bất lợi cho CS. Lê Minh, bí thư Thừa Thiên Huế, giữ trách nhiệm trực tiếp mặt trận Huế, tỏ ý muốn rút lui trong cuộc họp ngày 19-2, nhưng còn phải chờ lệnh trên.
Quân đội VNCH và Đồng minh Hoa Kỳ đẩy dần quân CS ra khỏi Thành nội. Sáng sớm 23-2, lá cờ VNCH tung bay trên kỳ đài, thay thế cờ của MTDTGPMNVN. Quân đội VNCH và Đồng minh có thể nói đã làm chủ được tình hình Thành nội từ đây. 

Phía cộng sản, “về sau có lệnh: chuẩn bị rút lui lên vùng rừng núi phía Tây, cố bảo toàn lực lượng, mang theo đủ vũ khí chưa sử dụng đến. Khi lệnh rút lui ban bố vào đêm 25 tháng 2, một không khí có phần hoảng loạn diễn ra...” (Thành Tín [Bùi Tín], Mặt thật, hồi ký chính trị, California: Nxb. Saigon Press, 1993, tr. 184.) 
Gia Hội là khu vực hoàn toàn dân sự, không có cơ sở quân sự, cơ sở hành chánh hay kinh tế gì quan trọng. Những nhà chỉ huy hành quân VNCH cũng như Đồng minh nghĩ rằng cần phải thanh toán trước những cứ điểm đầu não do bộ đội cộng sản đang chiếm đóng trong Thành nội, thì tức khắc cộng quân ở vùng Gia Hội sẽ tự tan hàng rút lui.

Mãi đến ngày 22-2, hai tiểu đoàn Biệt Động Quân của Quân lực VNCH mới được tung vào Gia Hội để đẩy lui cộng quân. Vì quân đội VNCH đến giải tỏa trễ, và cộng sản chiếm đóng vùng Gia Hội lâu ngày, nên cộng sản có thời gian tàn sát đồng bào nơi đây nhiều nhất trong thành phố Huế.
2. Cộng sản tàn sát đồng bào
Trong lúc hai bên đánh nhau, thống kê ước lượng cho thấy tại mặt trận Huế, quân đội VNCH có 384 tử trận, 1, 830 bị thương; Bộ binh Mỹ 74 tử trận, 507 bị thương; Thủy quân lục chiến Mỹ 142 tử trận, 857 bị thương, Bộ đội Bắc Việt và Việt cộng khoảng 5, 000 tử trận, số bị thương không tính được. (David T. Zabecki, “Huê, Battle of (1968)”, đăng trong Encyclopedia of the Vietnam War, a political, Social, and Military History, California: Volume 1, Spencer C. Tucker chủ biên, 1998, tr. 304.)

Trong chiến tranh, chiến sĩ các bên lâm chiến bị thương vong là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng trong biến cố Mậu Thân (1968) tại Huế, rất nhiều nạn nhân bị cộng quân giết hại thảm khốc trong thời gian CS tạm chiếm Huế, nhiều nhất là các nhân viên chính quyền, cảnh sát, binh sĩ và sĩ quan Quân lực VNCH đang nghỉ Tết, không ở vị trí chiến đấu, và một số khá lớn thường dân không cầm súng, chỉ chạy tỵ nạn chiến tranh. 

Cho đến nay, không ai có thể kiểm kê đích xác số thường dân cũng như số người không ở vị trí chiến đấu (đang nghỉ Tết) bị phía CS giết hại. Theo sự phân tích của Nguyễn Trân, một nhà hoạt động chính trị thời VNCH, đưa ra trong quyển hồi ký của ông ta thì: 

“Về phía dân chúng, có 5, 800 người chết, trong đó có 2, 800 người bị Việt cộng giết và chôn tập thể: 790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán cái tội “cường hào ác bá”, 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hằng trăm thanh niên tuổi quân dịch, một linh mục Việt (Bửu Đồng), hai linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số Phi Luật Tân.” (Nguyễn Trân, Công và tội, những sự thật lịch sử, Nxb. Xuân Thu, California,1992, tr. 642.)

Trong sách Thảm sát Mậu Thân ở Huế, tuyển tập - tài liệu, Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại (PTGDVNHN), California, in lần thứ 2, 1999, tt. 85-86, tt. 94-99, và tt. 135-136 thì: Hai linh mục Pháp là: Urbain, 52 tuổi và Guy 48 tuổi bị bắt ở tu viện Thiên An và bị dẫn đi ngày 25-2; sau xác tìm được ở gần lăng Đồng Khánh. Bốn người Đức bị giết là: bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, bác sĩ Raimund Discher, và bác sĩ Alois Alterkoster. Ba bác sĩ Tây Đức tình nguyện đến dạy tại Đại học Y khoa Huế. Cả 4 người nầy đều bị bắt ngày 5-2-1968.

Những con số trên đây có thể sai biệt chút ít, nhưng chắc chắn số thường dân cũng như số người nghỉ phép nhân dịp Tết tại Huế, bị giết chôn trong các hầm tập thể rất nhiều. Sau đây là thống kê tóm tắt số hài cốt tìm được trong các mồ chôn tập thể sau khi cộng quân rút lui do một bác sĩ người nước ngoài ghi lại. (PTGDVNHN, sđd. tr. 222.) Số liệu nầy rút ra từ sách The Vietcong Massacre at Hue của nữ bác sĩ Elje Vannema, New York: Nxb. Vintage Press, 1976. Lúc xảy ra biến cố Mậu Thân, bà có mặt tại Huế, và viết lại những điều tai nghe mắt thấy. 
3. Những ngôi mộ tập thể
Dưới đây là địa điểm những ngôi mộ tập thể ở phụ cận thành phố Huế và số lượng xác nạn nhân tìm thấy được. (Trích PTGDVNHN, sđd. tr. 131.)

Địa điểm và số nạn nhân (trong ngoặc): Trường Gia Hội (203 người), Chùa Theravada [Gia Hội] (43), Bãi Dâu [Gia Hội] (26), Cồn Hến [Gia Hội] (101), Tiểu Chủng Viện [số 11 đường Đống Đa] (6), Quận Tả ngạn (21), Phía đông Huế (25), Lăng Tự Đức, Đồng Khánh (203), Cầu An Ninh (20) Cửa Đông Ba (7), Trường An Ninh Hạ (4), Trường Văn Chí (8), Chợ Thông (102), Lăng Gia Long (200), Chùa Từ Quang (4), Đồng Di (110), Vinh Thái (135), Phù Lương (22), Phú Xuân (587), Thượng Hòa (11), Thủy Thanh - Vinh Hưng (70), Khe Đá Mài (428). 

Tổng cộng: 2, 326 người.
4. Trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường
Trong cuộc tàn sát tại Huế, cảnh tượng dã man nhất là vụ Việt cộng tùng xẻo thiếu tá Từ Tôn Khán, tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn (XDNT) tỉnh Thừa Thiên, được một tác giả ở Huế mô tả như sau: “Thiếu tá tá Từ Tôn Khán, tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn Thừa Thiên, nhà ở 176 Bạch Đằng (gần cầu Đông Ba Huế), trốn trong nhà đã ba, bốn ngày. VC [Việt Cộng] vào nhà bắt vợ con ra đứng giữa sân và tuyên bố nếu ông Khán không ra trình diện thì sẽ tàn sát cả nhà. Vì thề ông phải ra nộp mạng. VC đã trói tay ông, cột ông vào cọc giữa sân, xẻo tai, cắt mũi, tra tấn cho đến chết, thật là dã man kinh hoàng." (Nguyện Lý Tưởng, “Mậu Thân ở Huế”, PTGDVNHN, sđd. tr. 89.).

Ở đây, xin thêm vài chi tiết: Đường Bạch Đằng nằm ở Gia Hội, thuộc thành phố Huế, bắt đầu từ cầu Gia Hội (nối chợ Đông Ba với Gia Hội) đi về hướng chùa Diệu Đế, dọc theo bờ sông Gia Hội. Đường nầy thời nhà Nguyễn gọi là đường Hàng Đường, song song với đường Hàng Bè tức đường Huỳnh Thúc Kháng, bờ bên kia sông Gia Hội. 

Theo nguồn tin khả tín từ những cán bộ XDNT, nhà của thiếu tá Khán do cha mẹ để lại, là một ngôi nhà xưa, xây dựng từ thời Pháp, có một cái trần nhà rất kín đáo. Thiều tá Khán cùng ba cán bộ XDNT lên trốn trên trần nhà. Viêt cộng không tìm ra. Cũng theo nguồn tin của giới cán bộ XDNT, khoảng tuần sau, Hoàng Phủ Ngọc Tường dẫn du kích CS đến nhà, đe dọa sẽ giết cả gia đình nếu thiếu tá Khán không ra trình diện. Vì thương yêu vợ con, thiếu tá Khán phải trình diện ngày 10-2-1968 (12 tháng Giêng năm Mậu Thân) và bị tùng xẻo thê thảm như tác giả Nguyễn Lý Tưởng đã mô tả. Khi hy sinh, thiếu tá Khán 37 tuổi (sinh năm 1931), để lại vợ trẻ và 7 con gái, em lớn nhứt 12 tuổi, em trẻ nhứt mới được vài tháng. 

Về phía Hoàng Phủ Ngọc Tường, hiện nay Tường phủ nhận việc có mặt tại Huế trong biến cố Tết Mậu Thân, nghĩa là Tường tự cho rằng Tường không liên hệ đến các vụ thảm sát ở Huế. Tuy nhiên, có nhiều chứng liệu cho thấy Tường có mặt tại Huế trong Tết Mậu Thân, hoạt đông rất kín đáo. 

Đầu tiên là bút ký “The Vietcong Massacre at Hue” của nữ bác sĩ Elje Vannema, người Hòa Lan, có mặt ở Huế trong thời gian nầy. Bút ký của bà do Nxb. Vintage Press ấn hành tại New York năm 1976, và được báo chí Việt Nam Hải ngoai dịch lại dưới tựa đề “Thảm sát Tết Mậu Thân”. Phong trào GDVNHN đăng lại đầy đủ bản dịch bài viết của Elje Vannema trong tuyển tập - tài liệu Thảm sát Mậu Thân ở Huế đã dẫn trên. 

Trong bút ký, có đoạn bác sĩ Elje Vannema kể lại rằng: “Tòa án ở Tiểu chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì. Anh nầy tốt nghiệp đại học Huế và là cựu lãnh tụ sinh viên trong Ủy ban Phật giáo chống chính quyền trước đây.”(PTGDVNHN, sđd. tr. 125.) Tài liệu của nữ bác sĩ Elje Vannema xuất bản năm 1976 và được dịch qua tiếng Việt, nên có thể Tường đã đọc bút ký nầy, hay nghe bạn bè đề cập đến bút ký nầy. Tường hoàn toàn không lên tiếng cải chính.
Sau đó, vào năm 1981, lần đầu tiên trả lời cuộc phỏng vấn quốc tế, Hoàng Phủ Ngọc Tường hãnh diện cho đài WGBH-TV Boston (Hoa Kỳ) biết rằng Tường có mặt ở Huế trong vụ CS tấn công vào Tết Mậu Thân. Tường còn kể rằng lúc ở Huế, có lần vào buổi tối, Tường đi trên một con hẻm lầy lội, tưởng là bùn, nhưng khi bấm đèn lên, thì thấy toàn máu. Như vậy chính Tường xác nhận Tường đã có mặt ở Huế trong vụ Mậu Thân.

Lời phát biểu của Tường bị đả kích nặng nề. Tường bị bà con Huế kết án là người con xứ Huế đã phản bội Huế, dẫn giặc về giết đồng bào Huế. Có thể vì bị đả kích nhiều quá, nếu không muốn nói là bị nguyền rủa nhiều quá, mười sáu năm sau, trong cuộc phỏng vấn của Thụy Khê trên đài RFI (Paris) năm 1897, Tường lại cải chính, và nói rằng Tường bị vu oan, vì Tường không có mặt tại Huế trong Tết Mậu Thân. Thật lạ lùng! Chính Tường nói ra là đã về Huế, dẫm lên máu đồng bào, rồi Tường lại hô hoán là bị vu oan. Hám danh chi ác dữ, vu oan cho chính mình?

Ngoài vụ án thiếu tá Từ Tôn Khán mà những cán bộ XDNT kể lại ở trên, ở Huế còn lan truyền câu chuyện giáo sư lão thành tên T. là thầy của Hoàng Phủ Ngọc Tường, bị du kích CS bắt, đưa đến gặp Tường. Theo mưu kế CS dùng để lừa dân chúng, Tường thả giáo sư T. ra về, và yêu cầu thầy kêu gọi các con của thầy ra trình diện để được “cách mạng khoan hồng”, nhưng cả gia đình nầy bỏ trốn luôn. 
Có người còn kể rằng Tường tìm gặp một vài giáo chức ở Huế để vận động thành lập “Hội (hay Liên đoàn) giáo chức yêu nước” hoặc “Hội giáo chức ly khai” theo kiểu Nguyễn Đác Xuân lập hội “Quân nhân Sư đoàn 1 ly khai”. Đây là nhiệm vụ của Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hòa Bình tại Huế do Tường làm tổng thư ký. Tuy nhiên các giáo chức sợ liên hệ đến chuyện chính trị nên kiếm cách thoái thác. Dự tính của Tường chưa thực hiện được thì CS bỏ chạy. Chuyện nầy râm ran trong giáo giới Huế, chưa tiện công khai mà thôi. 
Gần đây, cảm thấy “còn chẳng mấy hồi nữa phải về trời” (lời của Tường), Tường trần tình lần cuối, tự nhận có lỗi là vì hám danh, để chứng tỏ là người trong cuộc. Tường tự thú rằng đã kể lại với đài WGBH-TV Boston những chuyện do người khác kể lại, rồi vơ vào làm như chuyện do Tường chứng kiến, chứ Tường không có về Huế Tết Mậu Thân. 
Có ai tin nổi lời trần tình của Tường không? Thôi thì sự thật lịch sử luôn luôn còn có đó. Rồi đây, khi có sự thay đổi chính trị, chắc chắn những sự thật nầy và nhiều sự thật khác nữa, sẽ được đưa ra ánh sáng. 
Nói cho cùng, trong sinh hoạt chính trị quan trọng nhứt là vấn đề nhận thức và quan điểm. Từ nhận thức và quan điểm đưa đến hành động. Dầu có hay không có về Huế, dầu công khai hay giấu mặt, những kẻ ăn cơm Quốc gia, kể cả những tên có học vị cử nhân hay tiến sĩ, lại đi thờ ma cộng sản, tiếp tay với bọn khát máu, giết hại đồng bào, phản bội chính những người đã nuôi dưỡng và bảo bọc mình, cũng đáng để thiên hạ lên án rồi. Gieo gió thì gặt bảo. Tạo nhân thì lãnh nghiệp. Đó là lẽ tự nhiên của trời đất. 
Nỗi đau Mậu Thân lớn quá, đau nhứt là vì “đàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng”. (Nhạc “Cơn mê chiều” của Nguyên Minh Khôi.) Nguyên Minh Khôi còn chấm dứt bản nhạc bằng một lời nhắn nhủ thật thấm thía: “Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên”. Xin chớ quên để người ơi xin đừng tái phạm. Đây là lời tâm tình tha thiết, luôn luôn âm vang như hồi chuông nguyện cầu trong tâm tư người Việt, còn ở trong nước hay tha phương trên khắp nẻo toàn cầu. 
Kết luận
Khoảng trên 80 năm trước, ngày 4-7-1885 (23 tháng 5 ất dậu), Tôn Thất Thuyết lãnh đạo cuộc tấn công Pháp ở kinh thành Huế, bị thất bại, phải cùng vua Hàm Nghi bỏ chạy lên Tân Sở (Quảng Trị), rồi ra Hà Tĩnh, mở cuộc Cần vương. 
Trong biến cố nầy, một tác giả Pháp có mặt tại chỗ, thuật lại như sau: “Người Việt thiệt hại lớn lao. Người ta đã chôn hay thiêu hơn tám trăm người chết.” (Nhiều tác giả, Les grands dossiers de l’illustration: L’Indochine, l’Histoire d’un siècle 1843-1944, Paris: Le Livre de Paris, 1987, tr. 78. Nguyên văn: Les Annamites ont du faire des pertes énormes. On a enterré ou brulé plus de huit cent de leurs.) 
Để tưởng niệm những người đã chết vì cuộc chiến chống Pháp, dân chúng Huế lập Miếu Âm Hồn ở góc đường Đông Ba và đường Âm Hồn (thời VNCH là đường Mai Thúc Loan và đường Nguyễn Hiệu), và chính quyền nhà Nguyễn đã lập Đàn Âm Hồn ở Cầu Đất để hàng năm dâng hương cúng tế, tưởng niệm những nạn nhân trong trận kinh thành thất thủ ngày 4-7-1885.
Xin chú ý, những nạn nhân năm 1885 ở Huế đã hy sinh trong lửa đạn chiến tranh. Người Pháp là thực dân ngoại quốc đến xâm lăng nước ta, nhưng không giết hại bừa bãi dân Việt. Sau khi trận đánh chấm dứt, là chấm dứt luôn việc chém giết. 
Trong khi đó, cũng tại Huế, trong biến cố Mậu Thân năm 1968, sau khi tạm chiếm Huế, cộng sản đã giết hại một cách dã man, tùng xẻo nạn nhân như thời Trung cổ, chôn sống hàng ngàn thường dân vô tội, chôn sống cả những ân nhân nước ngoài. Thế cũng chưa đủ. Sau năm 1975, nghĩa trang những nạn nhân Tết Mậu Thân bị cộng sản dẹp bỏ, san phẳng, không còn dấu tích. Những miếu mạo thờ phượng oan hồn uổng tử Tết Mậu Thân cũng bị đập nát. Nhà cầm quyền cộng sản thì hằng năm ăn mừng biến cố Mậu Thân như những người man rợ thời hoang dã nhảy múa quay cuồng khi giết được con mồi. Xem như thế, cộng sản Việt Nam quá sức tàn ác, tàn ác gấp trăm lần thực dân Pháp nữa.
Tội lỗi nầy không bao giờ phai trong ký ức của người Việt và trong lịch sử dân tộc Việt.

(Toronto, 19-2-2018)
Trần Gia Phụng – Đả Đảo Cộng Sản Khát Máu
Kính mời quý vị đồng hương vùng Toronto và phụ cận tham dự LỄ TƯỞNG NIỆM NẠN NHÂN CỘNG SẢN TẾT MẬU THÂN do Liên hội Người Việt Canada cùng các Tôn giáo và Hội đoàn trong Cộng đồng, tổ chức lúc 01 giờ trưa ngày Thứ Bảy 3-3-2018 tại Northwood Community Centre, số 15 Clubhouse Crt., North York, Ontario, điện thoại: 416-395-7876. 


No comments:

Post a Comment