3 NHỮNG MẢNH VỤN GÓP
NHẶT
Sau một đêm hò hét, phẫn nộ, rực lửa, bóng tối cũng tan dần. Trời vừa hé sáng thì những tiếng súng cũng im bặt.
Mặt trời như đã nổ tan tành từ bao giờ. Ánh sáng của ngày hắt
hiu, buồn thảm. Buổi sáng nay thức dậy không nghe tiếng gà gáy, không có tiếng
chim kêu, không có tiếng chuông chùa và tiếng chuông nhà thờ, cả tiếng gà vịt
cũng không nữa.
Bầu trời như muốn ứa nước. Những khu vườn bỗng tiêu điều u ám lạ, cỏ đẫm sương
mai bị dẫm nát tan tành, vung vãi những giẻ rách, mảnh đạn và vết máu. Vết máu
kéo lê mặt đường, nối dài từ khu vườn này sang khu vườn khác. Một vài vũng máu
còn đọng trước sân, bên bể cạn, cạnh gốc mai vàng ngập ngừng e ngại vì màu sắc
quá tươi tắn.
Cùng với ánh sáng nhạt
nhẽo vừa ló dạng, trên các nẻo đường, bỗng xuất hiện vô số người, đàn ông có
đàn bà có. Đàn ông mặc quần áo ka ki, quần dài quần ngắn có, đàn bà mặc bà ba
đen, tóc bím nhưng không thả lỏng mà cột lên cao, gọn ghẽ. Họ cầm súng, mặt mày
nặng chình chịch nhìn nhau. Những tốp khác gác ở các đầu đường, trước nhiều
nhà, hoặc nằm ngồi la liệt ở các khu vườn. Có rất nhiều xác chết và người bị
thương ở đầu dốc, hai ba xác nằm sõng soài, ở giữa đường vài xác nằm sấp. Bên
cạnh một tốp gác ở đầu cầu có vài xác cụt đầu và những tay, những khúc chân
vương vãi. Bên vệ đường, một số người bị thương đang nằm rên la, một số đàn ông
đàn bà đang khiêng từng người vào một khu vườn gần đó. Khu vườn bao bọc một
ngôi nhà lớn, nhưng như không có dấu vết gì của người sống trong đó nữa.
Một thiếu nữ có đôi mắt
sắc, đeo súng A.K. đi ra giữa đường, cô ta đưa tay lên miệng nói lớn:
- Các đồng chí, hãy tải
thương bớt vào vườn này, còn bao nhiêu xác chết dồn lại một nơi.
Cô ta lập đi lập lại
hai ba lần. Tiếng cô là tiếng động đầu tiên trong buổi sáng. Giọng nói lớn của
cô như rung vỡ nhiều cánh cửa và tràn vào bên trong những căn nhà đang đóng
kín. Tiếng của cô gái cũng làm những tiếng rên la cất to hơn.
Lớp người bị thương
được khiêng đi rất lâu. Một toán người khác từ dưới dốc đi lên, một toán khác
từ trên dốc núi đi xuống, người thiếu nữ lúc nãy hỏi, giọng vẫn rổn rảng:
- Sao, báo cáo tình
hình các nơi, các đồng chí!
- Hoàn toàn xong hết.
Địch câm họng từ lúc bốn giờ sáng.
- Tôi sẽ phụ trách về
những người bị thương. Số đồng chí hy sinh giao cho đồng chí X10.
- Trên đó khoảng gần
100 đồng chí bị thương.
- Đem lên phía chùa
trên dốc.
- Phía dưới cầu có
khoảng trên năm chục người bị thương, số hy sinh nhiều hơn.
- Đem vào vườn, sẽ tìm
địa điểm di tản sau.
- Có tin nữa.
- G?
- B3 truyền lệnh các
đồng chí chia nhau vào các nhà, đừng để đồng bào bỏ chạy gây phiền phức. Ngay
sáng hôm nay phải vãn hồi trật tự.
Nhiều tiếng nói: Tuân
lệnh. Những tốp người chia nhau đi. Phút chốc đoàn người thưa hẳn, chỉ còn vài
tốp gác ở ngả đường. Một anh lính trẻ vác khẩu A.K. đưa tay quệt trán, mặc dù
lúc đó trán anh ta không có giọt mồ hôi nào. Đợi cho các đồng chí bạn đi khuất,
anh rẽ vào căn nhà đằng trước mặt. Con ngõ dẫn vào nhà khá xa. Khu vườn âm u
bao kín ngôi nhà ngói cổ kính. Anh lính trẻ ngập ngừng rồi đưa tay gõ cửa.
Nhưng gõ một hồi không thấy gì, anh bỏ đi ra. Quái, rõ ràng nhà này có người ở
mà. Anh lẩm bẩm. Anh đi qua khoảng sân rộng, đứng lại bên chiếc bể cạn cạnh gốc
mai vàng. Nhà nào cũng có cái bể cạn, hòn non bộ và cây mai vàng y hệt nhau.
Anh nhìn kỹ trên mặt đất. Có nhiều vết máu nối nhau chạy dài ra một góc vườn
nơi phía bụi tre. Anh giơ một cánh tay lên rung nhẹ một cành mai. Anh nhìn vào
ngôi nhà một lúc, rồi anh thở nhẹ bỏ đi ra, lại dựa lưng vào cột trụ đầu cổng
hờm súng đứng gác.
Một lát sau, trong nhà
có tiếng chân nhẹ đi ra cửa. Bên trong căn nhà còn tối mờ. Bóng một người đàn
ông thận trọng dò từng bước một. Anh ta tiến đến nơi cái sập gỗ. Một xác người
đang nằm đắp chiếu ở đó. Anh giở chiếu lên gọi nhỏ:
- Ông nội, ông nội.
Một người đàn bà nữa đi
ra đứng sau lưng người đàn ông. Người đàn ông đưa tay vuốt mắt ông già đang mở
trừng trừng, rồi nói với người đàn bà:
- Ông đi rồi.
Người đàn bà bước lùi
một bước rồi òa khóc. Nhưng rồi chợt nhớ ra, bà đưa tay tự bịt kín miệng mình
lại, hai mắt bà ta cũng mở trừng trừng nhìn người đàn ông, vẻ hốt hoảng mê
sảng. Người đàn ông đưa tay lên quệt nước mắt rồi cũng bịt chặt miệng mình lại.
Cả hai đi vào căn phòng nhỏ phía trong. Có tiếng thì thầm trong bóng tối nhạt
mờ, nhiều đầu người nằm ngồi lổm chổm:
- Răng con, ngoài yên
chưa?
- Suỵt. Hỏi dỏ hỏ,
không nghe nó vừa gõ cửa đó răng!
- Con, ôn con ra răng
rồi?
Người đàn ông kéo người
đàn bà ngồi xuống:
- Mình ngồi xuống đi,
đừng có đứng nữa.
Người đàn ông cũng ngồi
xuống cạnh vợ. Giọng anh ta nghẹn ngào:
- Mạ, ông đi rồi.
Nhiều tiếng khóc muốn
bật ra rồi gượng lại kịp. Tiếng thút thít của người lớn rồi trẻ con tấm tức.
Người đàn ông lại đứng dậy:
- Thôi đừng khóc. Họ
nghe họ vô chừ. Mạ, mạ đừng có khóc.
Nhưng nói xong người
đàn ông cũng nấc lên một tiếng nhỏ. Anh ta đi ra ngoài nhà, anh dòm qua khe
cửa. Một tốp đàn ông đàn bà đang đi vào trong sân. Anh ta nhè nhẹ trở đi vô. Căn
nhà hoàn toàn im lặng.
Tiếng gõ cửa nổi lên
ban đầu còn thưa, rồi trở nên cấp bách. Có giọng đàn ông người miệt ngoài cất
lên:
- Mở cửa, mở cửa, quân
giải phóng đến.
Bên trong căn phòng nhỏ,
người đàn bà cầm chặt lấy tay người đàn ông. Bàn tay của người mẹ bịt chặt
miệng đứa cháu, sợ nó la khóc. Tiếng đập cửa bên ngoài mạnh hơn:
- Mở cửa. Mở cửa không
chúng tôi bắn.
Có tiếng người đàn ông
trẻ tuổi:
- Hồi nãy tôi gõ mãi mà
không có ai. Chắc họ chạy hết rồi.
- Vô lý, đêm mà chạy đi
đâu. Chưa ai chạy khỏi nhà hết.
Rồi một giọng khác dõng
dạc:
- Tôi đếm từ một tới ba
mà không mở cửa là tôi bắn. Có ai trong nhà không? Một…
Người đàn bà xô người
đàn ông ra cửa, chị lẩy bẩy thế nào mà gây một tiếng động nhỏ. Bên ngoài có
tiếng cười gằn rồi tiếng hô tiếp:
- Hai.
Người đàn ông đã ra tới
cửa, anh giơ hai tay lên khỏi đầu:
- Dạ lạy các ông, lạy
các ông tui mở, dạ để tui mở…
- À, biết ngay mà. Mở
cửa.
Người đàn ông lẩy bẩy
một lúc mới mở được cánh cửa. Toán người ùa vào nhà. Họ có khoảng chừng mười
người, kẻ vác súng trường người xách bị rết. Người đàn ông lớn tuổi nhất, có
đôi mắt thật to nhưng vẻ mặt xanh xao, nhìn một lượt khắp nhà:
- Các đồng chí canh gác
cửa ngõ.
Vài người đi vào các
phía cửa sổ. Người đàn ông chủ nhà mặt tái xanh tay chân run cầm cập nói không
ra tiếng:
- Lạy các ông chúng tôi
là người lương thiện.
- Hừ, tại sao gọi cửa
hoài không mở hả. Mở đường cho ngụy chạy phải không?
- Lạy các ông, con sợ
quá.
- Không có các ông nào
ở đây hết. Chúng tôi là quân giải phóng.
- Dạ.
- Có bao nhiêu người
trong nhà gọi ra hết đi. Mau.
Rồi ông quay đi:
- Các đồng chí. Mở cửa
sổ ra.
Ánh sáng lùa vào căn
phòng, soi rõ khuôn mặt của ông già nằm trên sập gụ. Chiếc chiếu đã được mở ra
từ trước, tấm chăn đắp trên người ông loang đầy máu, đã sệt khô. Người đàn ông
lớn tuổi bước tới một bước nhìn vào mặt người chết, rồi la ồ lên một tiếng:
- Ông chết rồi hả!
- Dạ.
- Bị tự bao giờ?
- Dạ thưa ông… ông giải
phóng, dạ bị tự lúc một giờ sáng, máu ra nhiều quá.
- Các đồng chí cho đem
xác ra ngoài vườn giùm đi.
Mấy người đàn ông định
xúm tới. Người đàn bà run lập cập:
- Lạy các ông, dạ lạy
các ông giải phóng, dạ để chúng con xin được chôn cất.
- Để đó.
Mấy người đang đi đến
tấm sập gụ dừng lại. Người đàn ông lừ mắt vào phòng trong:
- Gọi hết cả nhà ra
đây. Đi ra hết. Ai còn ở trong chúng tôi bắn.
Mấy đứa trẻ con ra
trước rồi một người đàn bà đứng tuổi, mấy cô con gái, một chị đàn bà bế đứa con
nhỏ. Mặt người nào người đó tái xanh. Người đàn ông lớn tuổi nạt:
- Đứng cả vào một góc
nhà.
Cả nhà líu ríu đứng về
phía sập gụ, bên cạnh xác chết của ông già. Có tiếng động nhỏ phía trong. Người
đàn ông lớn tuổi lắng tai nghe. Một nữ cán bộ dợm tới một bước, chĩa súng vào
căn phòng nhỏ:
- Ai trong đó xin mời
ra.
Bên trong vẫn im như
tờ. Nhưng người đàn ông lớn tuổi đã lừ mắt ra hiệu.
Hai ba người khác bước
tới. Cánh cửa phía bên buồng trong bỗng bật mở sáng. Một bóng người lao ra
ngoài. Một tiếng chóc khô, lạnh, vang lên. Có tiếng kêu ở bên ngoài cửa sổ và
tiếng rú của mấy người đàn bà. Người đàn ông đứng tuổi lại cười gằn:
- Coi lục soát kỹ nhà
này.
- Tuân lệnh.
Mọi người chia nhau đi
lục soát, người đàn bà già và thiếu phụ bồng con ôm mặt khóc nức nở. Mấy cô gái
mặt tái xanh, cắt không còn hột máu. Người đàn ông ôm chặt một đứa nhỏ đang đu
lên người ông. Đám người lục soát một hồi trở ra, một người nói:
- Không có gì nữa cả.
Người đàn ông đứng tuổi
hất hàm:
- Ra coi tên đó chết
chưa!
- Dạ, đã xem, chết rồi.
Nhiều tiếng khóc cùng
bật lên một lúc. Mấy cô nữ cán bộ xúm lại, vẻ hung hăng lúc đầu biến mất. Một
cô làm thân với thiếu phụ:
- Chị đừng buồn, đừng
sợ. Chúng tôi chỉ xử những người có tội, còn những người dân thì chúng tôi có
bổn phận phải bảo vệ.”
Thiếu phụ chùi nước
mắt:
- Nó là em tui mà. Nó
có tội tình chi mô.
- Tại anh ấy bỏ chạy.
Trong hoàn cảnh chúng tôi, chúng tôi phải tự vệ.
Người đàn ông đứng tuổi
nhìn một lượt những khuôn mặt đang run rẩy, tái xanh. Giọng hắn chầm chậm, đều
đều:
- Mẹ và chị đừng sợ.
Chúng tôi đến đây là để giải phóng cho đồng bào…
Người thiếu phụ đang
khóc bỗng nín bặt, ngơ ngác. Mấy đứa con gái nép sát vào nhau. Có tiếng chân
người chạy từ ngoài cổng vào. Hai giải phóng quân khác đi vào. Họ có quàng khăn
xanh ở cổ, người đàn ông đứng tuổi hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Một người nói nho nhỏ
vào tai người đàn ông lớn tuổi. Hắn gật gật đầu, quay lại nói với các nữ cán bộ
và mấy người giải phóng:
- Các đồng chí ở lại
đây. Còn tôi với đồng chí Thu đi lên xóm Chùa.
Tiếng chân đi ra cổng.
Một nữ cán bộ giơ tay:
- Các đồng chí, chúng
ta ở lại đây, sửa soạn cơm nước rồi phụ bạn tải thương, tiếp vận.
- Đồng chí Xuân nói
phải. Lát nữa chắc có tiếp vận tới.
Người nữ cán bộ mang
tên Xuân mỉm cười, vỗ vai thiếu phụ thân mật nói:
- Bây giờ để tôi nhờ
các đồng chí phụ với ông nhà lo chôn hai xác chết. Thưa chị, đây là…
Xuân chỉ vào xác chết
ông già. Người mẹ vội vã trả lời thay con dâu:
- Dạ thưa cô, đây là
ông nội của tụi nó.
Người nữ cán bộ xua
tay:
- Chết, mẹ giải phóng,
con xin mẹ đừng gọi con là cô. Con xin được làm con mẹ như các chị các anh ở
đây.
Cô nói xong quay lại
đồng bạn:
- Bây giờ nhờ đồng chí
Tiến, đồng chí Bình lo chôn giùm hai xác người, cụ và anh đang ở ngoài vườn.
Rồi đổi khuôn mặt buồn
rầu, người nữ cán bộ tên Xuân quay lại phía gia chủ:
- Thật đáng tiếc,
trường hợp ngoài ý muốn, xin chia buồn với mẹ và các anh các chị.
Người đàn ông quay mặt
đi giấu hai giọt lệ đang lăn xuống. Xác chết của ông già và người thanh niên
được bó trong hai chiếc chiếu rồi đem vùi nông ở góc vườn. Một lát sau, mấy cô
nữ cán bộ làm thân với mấy cô gái, các người lính giải phóng thì chia nhau gác
góc vườn và lo đi liên lạc, Xuân nói với người đàn bà già:
- Thưa mẹ, nhà ta còn
gạo không?
Bà già thật thà:
- Gạo còn hai bao. Tết
mà cô. Còn cả bánh tét và mứt nữa cô.
- Ấy, xin mẹ đừng gọi
con bằng cô nữa. Mẹ gọi con là con như gọi các anh các chị đây.
Cô lại cười, nói tiếp:
- Có lẽ vài ba bữa nữa
bộ đội mới tiếp lương thực tới. Mẹ cho chúng con vay hai tạ gạo. Vài ba hôm lấy
xong thành phố Huế, Bác Hồ vào thăm, con sẽ thưa trường hợp của mẹ. Bây giờ xin
mẹ ký vào cuốn sổ vàng của Bác Hồ.
Cô quay lại gọi:
- Đồng chí Nữ đâu, đem
sổ ra đây.
Người nữ cán bộ tên Nữ
là một cô gái mập mạp, nhưng nước da vẫn tái xanh, cô ta nhanh nhẩu rút trong
áo ra một cuốn tập, chìa tới bên bà già:
- Thưa mẹ đây, xin mẹ
ký.
Người đàn bà già run
run:
- Dạ tui có biết chữ
chi mô mà ký.
Cô gái lại cười, hỏi
mấy cô gái Huế đang đứng dồn với nhau một góc.
- Thôi các chị biên tên
rồi ký giùm. À mà để tôi biên tên cho cũng được…
- Dạ thưa mẹ, mẹ tên
chi. Dạ xong rồi. Xin chị ký.
Cô gái nhỏ run run viết
một chữ ký nguệch ngoạc lên trang giấy. Nữ đưa cuốn sổ cho Xuân. Người đàn bà
lặng lẽ chùi nước mắt. Mấy cô gái vẫn đứng dồn một góc, nắm chặt tay nhau,
trong lúc cô nữ cán bộ tên Xuân cười:
- Trưa nay chúng ta ăn
mừng chiến thắng.
Những mảnh mặt trời vỡ
vụn đang dần dần tụ lại, vẫn dật dờ lẩn khuất bên trên bầu trời đầy mây mù và
gió lạnh.
Những đốm máu cùng
sương vương trên cỏ đã khô để lại những vết tím bầm. Trong những khu vườn nhiều
dấu đất mới. Tất cả những người bị thương đều được khiêng lên một ngôi chùa và
các nữ cứu thương đang trổ tài băng bó. Vẻ vui tươi buổi sáng biến mất trên
khuôn mặt họ; những đồng chí giải phóng đi đi lại lại gác các đầu đường hoặc
chia nhau tràn vào các nhà dân.
Nơi ngã ba, trong một
quán nhỏ bỏ trống, mấy người đàn ông bị thương nhẹ đang ngồi rờ rịt vết thương.
Anh lính trẻ tên Thu đang bồng súng đứng gác ở góc đường. Cạnh đám cỏ anh ngồi,
một vũng máu của ai đã khô, mấy con ruồi xanh bay vật vờ, thỉnh thoảng vài con
chờn vờn trước mũi anh, muốn bám vào mặt anh, anh đưa tay xua với dáng điệu hết
sức lơ đãng.
Một vài nhà, cửa mở
toang, người ta thấy các anh giải phóng, các cô cán bộ đi vào. Thỉnh thoảng có
một vài đứa nhỏ chạy ra sân, tức thì có một người lớn chạy ra bế bổng đứa bé
lên hốt hoảng chạy vào nhà, mất hút. Không khí hoàn toàn yên tĩnh. Vừa mới đêm
qua, tiếng súng xé màn trời, rung đổ nhà cửa, bây giờ tất cả sự ồn ào đó đã lẩn
mất cùng bóng đêm, để lại một mặt trời vỡ với những kinh hoàng còn bám chặt
trên mặt đất đầy máu, trên những cành cây gãy đổ, trên những ngọn lá xanh rụng
đầy vườn.
Tất cả mọi nhà, mọi
người đều ngồi chụm vào một đám. Họ e dè nhìn những anh lính miền Bắc mà họ
được phép gọi là quân giải phóng, đi lui đi tới, nét mặt đôi khi phấn khởi đôi
khi nghiêm nghị bí ẩn. Họ không dám trả lời một câu hỏi nào của đám người lạ
mặt.
Dân trong xóm cũng ngạc
nhiên không ít khi thấy vài người láng giềng mới hôm qua còn chúc tết nhau,
sáng nay đã thấy họ cầm súng trong tay, cũng quấn khăn xanh khăn đỏ nơi cổ và
nhìn họ bằng ánh mắt đe dọa, kiêu ngạo. Những người này công khai đi thăm hàng
xóm. Một ông thợ lò rèn mới tối qua say rượu lè nhè chửi nhau với mấy cô gánh
nước ngoài giếng, nay cũng xách súng đi thăm từng nhà. Gặp ai anh cũng nở nụ
cười thật tươi, huênh hoang nói:
- Đồng bào yên chí đi,
bà con yên chí đi. Vài ba hôm nữa cụ Hồ vô, tha hồ mà liên hoan.
- Bác không biết đó
chớ. Tui theo quân giải phóng lâu rồi. Tui nằm vùng mà.
Mọi người nhìn anh ta
với khuôn mặt xanh lè. Ai cũng sợ, thường ngày anh chỉ là thợ rèn hiền lành,
chiều chiều say rượu hay nói bậy, gây gổ với trẻ con, với các cô ở đi gánh
nước. Nhưng biết đâu anh không chuốc oán mua hờn với nhiều người trong xóm. Mấy
đứa con trai con của một bà bán thịt heo ở chợ cũng nô nức xách súng theo giải
phóng.
Một ông già ăn mày
thường ngày ngồi trước mấy quán nước, hôm nay mặt mày cũng rạng rỡ hẳn, ông ta
đi khắp các nhà tuyên truyền ầm ĩ:
- Quân giải phóng tới
rồi nghe, rồi đây mình sướng lắm. Tui nói thiệt chớ ai làm cái chi ở đây mà tui
không biết.
Câu nói như một lời đe
dọa, người ta đưa mắt nhìn nhau, vẻ lo lắng buồn rầu không thể nào che dấu được
nữa.
Đến khoảng trưa thì
quân giải phóng đến thúc mọi người ra hết ở ngoài sân. Họ kêu gọi những thanh
niên đi tải đạn, những thanh nữ đi tải thương. Mười lăm tuổi trở lên là phải đi
hết, chỉ các bà mẹ mà họ gọi là mẹ giải phóng, các sản phụ, các bà mang thai mà
họ gọi là chị giải phóng, thì ở nhà giúp đỡ các anh giải phóng cơm nước. Một số
người bị thương chịu không nổi đau đớn đã trút hơi thở. Nhưng quân giải phóng
không đem chôn trong vườn nữa, họ chở đi theo với đoàn bị thương lên miệt trên.
Đó là những con đường dẫn lên Tây Thiên, lên dòng Thiên An, lên các lăng tẩm.
Giữa trưa, những ngôi nhà buồn tẻ im lặng cũng có hơi khói, dấu hiệu của buổi
cơm.
Nhiều tiếng khóc bật
lên thảm thiết. Trong nhiều ngôi nhà cũng có nhiều người dân chết vì vết thương
không đủ thuốc thang băng bó. Người lính trẻ tuổi đang gác ở ngã ba lắng tai
nghe rồi châm một điếu thuốc hút. Mấy người trong quán hỏi vọng ra:
- Ai khóc ở đâu vậy?
- Trong mấy nhà kia
kìa.
- Chắc có người chết!
- Dân mà, quân mình chở
đi hết rồi.
Anh ta lại nhìn vào một
ngôi nhà nằm khuất trong một vườn cây, hỏi:
- Biết đây là gì không?
- Nhà thờ cụ Phan đó.
- Một vị anh hùng, một
người cách mạng hả?
- Ừ.
Người trong quán hỏi
tiếp:
- Lấy xong mấy đồn
chưa?
- Chưa có tin gì hết.
Người lính trẻ lại im
lặng. Tiếng khóc trong nhiều căn nhà nổi lên, anh ta châm một điếu thuốc nữa
rồi cau mày. Anh ngập ngừng rồi mạnh dạn đi vào một nhà gần nhất.
Đó là một ngôi nhà
tranh nằm ngay mặt đường gần ngã ba nơi anh lính đứng gác. Anh ghé cửa nhìn
vào, bên trong ngôi nhà, giữa bộ ván gỗ, một xác chết nằm ngửa, cả một gia đình
bu quanh kêu khóc. Một bà già, một người đàn bà bế đứa con và hai đứa trẻ đang
xúm quanh xác chết: Con ơi là con ơi, anh ơi là anh ơi. Ba ơi là ba, ba ơi.
Tiếng người mẹ, người vợ, tiếng những đứa con thơ làm não ruột người nghe. Anh
lính Bắc Việt tần ngần đưa tay đập nhẹ cửa.
Cánh cửa không đóng,
anh chỉ mới đưa tay gõ đã tự động đẩy ra. Luôn đà anh đi thẳng vào nhà. Hai
người đàn bà hốt hoảng nhìn ra, mấy đứa trẻ con nín khóc. Anh đi tới gần nhìn
xác chết, không phải một mà là hai xác chết. Phía trong xác của người đàn ông
còn xác một đứa trẻ khoảng lên ba, mặt mày tím bầm và còn dính đầy máu. Người
đàn bà già chen tới trước mặt anh như che chở cho mấy xác chết, đôi mắt bà nhìn
người lính giải phóng với vẻ van nài cầu khẩn:
- Ông ơi, chết hết rồi,
không còn ai nữa mà bắt đi.
Bà chỉ vào người đàn bà
đang bế đứa nhỏ:
- Con nó một nách ba
đứa con dại, ông tha cho mẹ con tui…
Người đàn bà già nói
xong bật khóc, cô con dâu và mấy đứa nhỏ lại khóc theo. Người lính nhìn quanh
gian nhà, đồ đạc thật nghèo nàn, ở giữa nhà kê bộ ngựa gõ, bên chái trên là bộ
bàn ghế, đằng sau bộ bàn ghế là một bàn thờ nhỏ, phía bên trái kê chiếc giường
tre. Trên bàn thờ còn nguyên mấy đòn bánh tét, mấy đĩa mứt bánh. Trên chiếc bàn
gỗ phủ mảnh vải ny lông hoa hòe còn chiếc bình bông cắm một cành mai vàng. Mấy
cái tách, mấy cái ly úp trên một cái khay bằng nhôm. Anh dịu giọng hỏi bà già:
- Nhà này của mẹ?
- Dạ, còn đây là con
cháu tui.
Bà chỉ cả người chết
lẫn người sống. Người lính Bắc Việt mở cái khăn quàng cổ của mình đắp lên mặt
người đàn ông, rồi rút khăn mùi xoa lau bớt máu dính đặc trên mặt đứa bé. Anh
kéo cái chăn đắp kín mặt mày thằng nhỏ. Vừa lúc đó có tiếng động dưới bếp,
tiếng đập cửa rồi một khuôn mặt đàn bà đầu rối bù ló lên:
- Bà Bổng ơi, có chút
dầu mô cho tui một chút. Có chút thuốc đỏ cho tui một chút. Nó sắp chết rồi bà
Bổng ơi.
Người đàn bà lật đật đi
lên nhà, thấy hai xác chết nằm sõng sượt trên ván gỗ, bà ta lùi lại:
- Ối trời ơi, mần răng
ri nì. Mần răng ri nì trời.
Bà đưa mắt nhìn khắp
mặt mọi người, đến khi chạm phải anh lính giải phóng. Bà đưa tay lên miệng,
khuôn mặt đã tái xanh bây giờ xám ngoét.
Bà già xô vai chị đàn
bà:
- Chị Trùm đi về đi.
Đừng có chạy qua chạy lại nữa.
Người đàn bà tên Trùm
run lẩy bẩy:
- Bà Bổng làm ơn làm
phước cho tui xin chút thuốc rịt vết thương cho con Bê, máu ra nhiều quá, nó
xỉu rồi.”
- Con Bê há? Nó bị
thương?
- Nó bị thương hồi gần
sáng. Trời đất quỷ thần ôi, khổ cho gia đình tui, hồi trước tới chừ ăn ở có
răng mô mà trời bắt tan tành như ri rứa trời.
Rồi nhìn hai xác chết,
bà gượng lại:
- Trời đất hỡi, còn
thằng Tanh với thằng cu em răng mà ra thân thể ri nì trời!
Nghe tiếng than của
người hàng xóm, người vợ bật khóc nấc lên, bà già bế lấy đứa cháu trên tay con
dâu, cũng mếu máo:
- Thôi con ơi, đi ra mà
nấu chén cơm, đặt bát nhang lên cho tụi nó, răng mà khổ ri trời, nhang tàn khói
lạnh…
- Ai bắn ai giết nó đó?
- Biết mô mà lần, chị
Trùm ơi, chỉ biết là con mình, cháu mình chết.
Chị Trùm nhìn người
lính giải phóng và chợt nhớ là mình vừa nói một câu hớ có thể nguy hiểm, chị
nín thinh. Nhưng người lính vẫn lơ đãng nhìn về phía bàn thờ. Những chân nhang
đã tàn, hai ngọn nến cháy gần lụi được thổi tắt từ lúc nào. Một lát, thấy người
đàn bà lật đật đi xuống bếp, anh nói theo:
- Có ai bị thương đem
qua bên chùa, quân cứu thương băng bó cho.
- Có, tui đã đem qua
rồi, họ nói thuốc chưa đủ cho quân giải phóng.
Chị đàn bà đã khuất sau
bếp. Tiếng chân đi vòng ra phía hẻm… Người lính giải phóng nhìn xác chết một
lần nữa rồi nói với bà già:
- Thôi mẹ, mẹ đừng khóc
nữa, phải có người hy sinh cho chúng ta chiến thắng.
Người đàn bà già không
hiểu. Người vợ đưa tay quệt nước mắt:
- Trời ơi là trời, mạ
con tui biết sống với ai ri nì trời.
Có tiếng súng nổ, chỉ
một tiếng một rồi nín hẳn. Anh lính giải phóng chạy ra ngã ba nhìn ngơ ngác.
Một anh lính giải phóng đang gác trước một cửa nhà cách chừng mười thước giơ
tay chỉ vào một bụi cây bên đường. Người lính trẻ nhìn theo một thanh niên đang
cố bò ra mặt đường, anh ta đã trúng đạn, máu lết từng vệt dài trên mặt đất.
Người lính trẻ chạy lại. Bàn tay người thanh niên đưa ra muốn được nâng đỡ
nhưng anh cũng không còn đủ sức nữa, cánh tay rơi bịch xuống đất, miệng anh mấp
máy một hai câu gì đó rồi anh nằm lật ngửa, bất động. Người lính giải phóng
đứng sững lại. Tiếng người bạn đằng xa hỏi:
- Chết rồi hả?”
Người lính trẻ gật đầu.
Anh ta đưa tay lên cổ như muốn sờ vào chiếc khăn, anh ta đụng vào cổ áo và cầm
chặt lại. Phía đằng sau lưng có hai chị nữ cán bộ đi tới, thấy anh đang đứng
như trời trồng, họ cười phá ra:
- Đồng chí Thu làm gì
đứng đó. Chỗ anh đứng gác đằng ngã ba kia mà. Thôi ráng gác đi, có lẽ tối nay
bộ đội mình rút lên phía núi.
Một cô nhìn xác chết:
- Sao vậy? Ai bắn đó? Đồng
chí hả?
- Không.
Người bạn đứng đằng kia
la lớn:
- Nó muốn chạy trốn,
thấy nó lui cui sau bụi cây, tôi nổ súng đó.
Một cô nhìn xác chết,
cười khinh bỉ:
- Thứ này béo tốt dữ,
ăn bơ sữa của Mỹ đây mà.
Người lính trẻ đưa hai
bàn tay của anh ra nhìn, anh đi trở lại chỗ gác của mình. Trong một căn nhà
khác lại có tiếng kêu khóc:
- Cứu tôi với, bớ làng
nước ơi, con tui, con tui…
Chắc lại có một người
nữa vừa mới chết. Mấy cái đầu thò ra:
- Đằng nhà đó có chuyện
gì vậy?
- Người chết.
- Mấy người?’
Anh đưa hai ngón tay
làm dấu, rồi chợt nhớ ra, anh lật đật đưa thêm một ngón nữa. Trong quán có
tiếng nói lớn:
- Vào đây ăn bánh
chưng. Bánh chưng Huế đây. Đồng chí nào ra thay dùm đồng chí Thu.”
Anh lính trẻ lắc đầu
nói:
- Thôi khỏi.
Có tiếng chân chạy,
phía xác chết đang nằm tênh hênh bên đường có hai ba người chạy tới, toàn đàn
bà và con nít:
- Con ôi là con ôi, đi
ra mần chi cho họ bắn chết con ôi.” Giọng người mẹ kêu la thảm thiết. Anh lính
giải phóng đi tới hỏi:
- Con bà?
- Dạ, con tui.
- Tại sao không ở nhà
mà đi ra đường làm gì giờ này?
- Con em gái nó bị
thương, nó đi kiếm đọt lá chuối về rịt.
- Thế à!
Người lính đi về chỗ.
Mấy người đàn bà, mấy đứa con nít xúm lại ôm xác người thanh niên đi khuất vào
một ngõ nhỏ. Người bạn đứng gác đằng kia bước lại gần phía anh lính tên Thu:
- Đồng chí cần phải đề
cao cảnh giác. Cấp trên ra lệnh không được lân la nói chuyện bừa bãi, tụi nó
đều là tay sai Mỹ ngụy hết.”
Cả hai người đều trở
lại vị trí cũ. Phía dưới cầu, một đoàn người đi lên, họ đang tải thương. Mấy cô
gái Huế còn nhỏ mặt mũi xanh lè đằng sau là mấy anh giải phóng và mấy cô nữ cán
bộ. Họ đi thật nhanh, mặt lầm lỳ. Các cô gái Huế hiện rõ vẻ sợ hãi và mệt đừ,
những người nằm trên băng ca máu me đầy mình. Anh lính trẻ đi ra phía đường
nhìn từng khuôn mặt người bị thương đi qua. Đến người cuối cùng anh ta níu cáng
lại:
- Mịch.
Người thanh niên ở trên
băng ca bằng vải trắng mở đôi mắt lờ đờ nhìn mặt người gọi. Người lính tên Thu
cúi xuống:
- Mày bị rồi.
Người bị thương nhếch
môi đau đớn:
- Chắc tao không sống
nổi. Thu có về Bắc được nhớ cho thầy me tao biết.
Anh ra dấu cho bạn tháo
cái giây bạc đeo ở cổ, thều thào:
- Nhớ đưa cho đẻ tôi.
Thu.
Thu vội buông tay bạn.
Cô nữ cán bộ trong đội cứu thương đã lên tiếng gọi hai cô gái Huế ỳ ạch khiêng
chiếc băng ca lật đật đi lên. Người bị thương cố nhướng mắt nhìn bạn và cố đưa
bàn tay lên vẫy mà không còn đủ sức nữa.
Anh lính tên Thu sững
sờ nhìn bạn bị khiêng đi xa dần. Tay anh còn cầm chặt sợi dây bằng bạc. Mịch.
Anh gọi lớn. Nhưng chiếc băng ca đã khiêng đi xa, còn lại một tay, anh đưa tay
dụi mắt mình mà như là vuốt mắt cho bạn. Phía dưới cầu lại một tốp khác đi lên,
họ cũng tải thương. Anh vẫn cầm chặt sợi dây bạc trong tay, sững sờ nhìn từng
chiếc băng ca khiêng qua mặt mình. Nhưng anh không nhìn từng người bị thương
nữa.
Ngang qua mũi súng của
anh, mấy cô gái Huế càng bước mau, như sợ vô tình một viên đạn có thể bay ra
ghim vào người mình. Anh ta để cho mũi súng chúc xuống đất. Trong một cánh cửa
sổ từ một ngôi nhà phía ngã ba, nằm trong một khu đất rộng và trong cây cối,
anh ta bắt gặp một đôi mắt thập thò nhìn. Anh không dám nhìn lại, sợ đôi mắt đó
sẽ biến đi. Đó là đôi mắt của một cô gái nhỏ khoảng mười lăm mười sáu tuổi.
Phía sau lưng cô gái có một bàn tay chộp lấy vai áo:
- Đừng có nhìn mà.
Một người đàn bà khoảng
ba mươi tuổi kéo tuột cô gái vào, giọng thì thầm:
- Đừng có ngó. Tụi nó
vừa bắn chết một người gần ngã ba a tề.
Cô gái rụt đầu… le
lưỡi:
- Chị, có một tên Việt
cộng đẹp trai ghê đi chị. Nó gác ở ngã ba đó tề.
Người đàn bà lôi tuột
cô em nhỏ vào trong mắng:
- Nói tào lao. Đi vô.
Cô gái nhỏ đi vào.
Người đàn bà bế xốc đứa bé gái đang đứng ở cửa buồng, nói vọng vào trong:
- Mệ, từ rạng sáng tới
chừ chở nhiều xác chết, nhiều người bị thương quá mệ ơi.
Tiếng người đàn bà già
run run:
- Nhỏ nhỏ cái miệng, vô
trong ni mà nói.
Cả nhà xúm vào buồng.
Thiếu phụ nói nhỏ vào tai bà già:
- Chắc họ sắp rút lên
trên tê hết rồi.
- Tao cũng mong rứa.
- Hồi hôm họ chết nhiều
rứa thê mệ.
- Chắc sáng quân đội
mình đã lên rồi, chắc họ chuẩn bị rút lui rồi đó hỉ?
- Chắc rứa.
- Răng ôn mi chưa thấy
lên?
- Kẹt dưới đó rồi.
Cô gái lại bỏ đi ra
ngoài. Bên trong người đàn bà nói giọng thiệt nhỏ:
- Đừng cho thằng Hợi nó
xuống. Chút nữa mệ lấy cơm vắt lên cho nó ăn không nó xỉu.
- Khi hồi có mấy tên đi
vô nhà, cứ ngó lên trần, tao sợ bắt chết.
Bên ngoài, nơi cô gái
nhỏ nhìn ra, anh lính Bắc Việt còn đang đứng nhìn theo mấy cô nữ cán bộ tập xe
đạp, đẩy xe Honda. Các cô bím tóc, quần xắn đến quá đầu gối.
Cô gái nhỏ nhìn hai cô
đẩy theo một cô ngồi trên xe tuy có hai người giữ hai bên mà chiếc ghi đông vẫn
quẹo qua quẹo lại.
Mấy cô cười đùa thiệt
vui nhưng anh lính trẻ không cười. Mặt anh lầm lầm lì lì nhìn xuống con dốc
đang có mấy người đàn bà chạy ra đường kêu cứu:
- Cứu con tui với, bớ
làng nước ơi. Cứu chồng tui cứu cha tui.
Mấy cô nữ cán bộ lướt
qua mặt anh, cười cười nói nói:
- Trong này nhiều xe
quá, thắng lợi rồi mình có xe đi.
Một cô nói lớn:
- Đồng chí Thu tích cực
quá hỉ!
Cô ta nhại giọng Huế
rất khó nghe. Anh lính trẻ cau mày. Anh liếc vô trong căn nhà trước mặt. Cô gái
nhỏ vội thụt đầu vào. Không hiểu bực tức hay buồn bã chuyện gì, anh ta đưa súng
lên nhắm thân cây trước mặt như muốn bắn. Không có tiếng đạn nổ. Mấy cô nữ cán
bộ cười xòa, thoáng cái họ đã xuống tới lưng chừng dốc.
Một con chó mình mẩy
dính máu khô từ trong một bụi cây lết ra, anh lính giải phóng lượm một hòn đá
ném mạnh. Còn chó còn đủ sức để chạy bằng ba chân, nhưng chỉ được một quãng, nó
bò lết rồi nằm bẹp một chỗ. Anh lính đi tới gần đưa súng lên đầu con vật nhắm
bắn, nhưng cũng không tiếng nổ, con chó le lưỡi, miệng đầy nước dãi, mắt ngước
nhìn người đứng trước mặt, ánh mắt con vật làm người lính vội quay đi, rồi trở
về chỗ cũ. Mấy cô nữ cán bộ đã vòng trở lên, ngang qua mặt anh, mấy cô vẫn ỳ
ạch đẩy và người nữ cán bộ ngồi trên xe trán đã lấm tấm mồ hôi nhưng khuôn mặt
lại hết sức tươi tắn.
Chưa bao giờ thành phố
Huế sống trong một không khí đầy chết chóc, hoang mang như thế. Tất cả những
xác chết cũng như những cán binh bị thương đều đã được đưa lên ngả núi. Nhưng
trong mỗi xóm, cứ vài giờ là có một vài người bị thương không được đầy đủ thuốc
men ngã ra chết. Từ sáng tới chiều, tiếng khóc bật lên từ nhà này tới nhà nọ.
Tiếng khóc như một bệnh dịch truyền nhiễm rất nhanh. Bên cạnh những sự chết
chóc đau buồn, còn phải nhắc tới cái bệnh dịch hân hoan của các anh giải phóng.
Buổi sáng họ còn e dè với người dân, nhưng tới trưa tới chiều, một nội lệnh
được truyền tai rất nhanh, họ thay đổi thái độ thành những chiến sĩ rất nhũn
nhặn thương dân sống hòa hợp với dân dễ dàng. Những bao gạo từ trong các ngôi
nhà cùng với bánh tét bánh chưng, mứt bánh đầy ứ trong mấy ngày tết được mang
ra sân chất lên những chuyến xe vận tải để chở lên miệt trên, mà theo các anh
giải phóng thì họ mượn tạm cho quân đội giải phóng. Vài hôm nữa, khi ổn định
xong thành phố, gạo sẽ rẻ vô cùng, không có cắt cổ như Mỹ ngụy mà bán một bao
tới mấy nghìn đồng. Họ cũng hô hào nhà ai có “cờ ba que” (cờ ba que là cờ VN
màu vàng có ba sọc đỏ) thì phải đem ra đốt đi để thay bằng lá cờ giải phóng, cờ
bác Hồ. Những ai còn gạo, còn bánh thì phải đem ra trình với quân giải phóng, họ
làm những cuốn sổ ghi tài sản của dân để vài hôm nữa, khi cụ Hồ vào sẽ đền ơn
xứng đáng. Họ cũng kêu gọi những thanh niên đừng lẩn trốn mà phải ra trình diện
để nhận lãnh sự khoan hồng. Mấy nhà hòm nên hy sinh giúp đồng bào hoạn nạn lo
chôn cất những người dân bị chết, nhưng tất cả những khu vực đều không được đi.
Trong mỗi vườn nhà đều chôn mộ người thân. Họ cũng đề cao cảnh giác, dân chúng
không được ra đường, không được tụ họp trừ khi được giấy của quân giải phóng
mời đi học tập. Suốt ngày những cô cán bộ lân la vào nhà này nhà nọ hỏi thăm
tình cảnh của dân, làm thân với các bà, các cô, các anh các chị. Những bà già
mới nhìn họ như nhìn những vị hung thần, bây giờ họ phong lên làm mẹ giải
phóng, các thiếu phụ được làm chị giải phóng. Những người lớn tuổi đều tiếp đón
họ bằng ánh mắt nghi ngờ, đề phòng nhưng trẻ con thì có vẻ khoái lắm. Chỉ mới
từ sáng tới chiều, chúng đã tụ xung quanh các cô nữ cán bộ, các anh bộ đội.
Chúng vui thích theo dõi các cuộc tập xe đạp của các cô nữ cán bộ hoặc chúng bu
quanh các anh giải phóng. Nhà nào cũng có quân giải phóng tới thăm hỏi, họ nấu
cơm hay ăn uống ngay trong nhà. Các cô gái khỏe mạnh được mượn đi nấu cơm cho
bộ đội. Những thanh niên, những cậu trai mười bốn mười lăm được mượn đi tải
súng đạn, hoặc được phát súng, được chia toán để giúp các anh bộ đội sắp tổ
chức những buổi học tập. Mới ngày đầu, nhiều thanh niên đàn ông trốn chui nhủi
trong xó buồng, trên trần nhà. Nhưng tới ngày thứ hai, nhiều người nghe các anh
giải phóng kêu gọi đã ra trình diện: Ai ở nhà đó, chúng tôi không bao giờ dám
động tới một người dân, chúng tôi là bạn dân mà. Đó là câu nói thuộc lòng của
mấy anh giải phóng. Mặc dù các khu vực đều cấm liên lạc với nhau, mấy nhà chung
quanh chỉ được hỏi han dăm ba điều mà có nhiều tin đồn lắm. Chẳng hạn như buổi
trưa ngày thứ hai, nhiều người được tin là chiếc xe sang trọng nhất của cố vấn
Mỹ ở Huế bị trưng dụng, một cấp chỉ huy của Việt cộng đã lái đi khắp thành phố.
Một tin khác lại nói rằng nhiều xe nhà binh do các anh giải phóng lái chở đầy
nhóc bánh chưng bánh tét và gạo chạy qua các ngả đường. Các anh lính giải phóng
vui vẻ hơn, họ hỏi han dân, và khi có người đàn bà nào nhắc tới những tin đồn
thì họ cười tin tưởng:
- Quân giải phóng đã
chiếm được Huế, bây giờ cố giữ để vãn hồi trật tự, chờ cho các tỉnh đánh xong
là hòa bình.
Nhiều người ngơ ngác vì
sự phát giác trên. Họ nghe ra dô nhưng nhà nào có ra dô đều bị các anh giải
phóng trưng dụng hết. Họ tịch thu và nói rằng, trong lúc này, đồng bào chỉ nên
nghe lời của quân giải phóng, có thể Mỹ ngụy tung những tin sai lầm làm dân
chúng hoang mang. Nhiều người dấu được ra dô nhưng không dám mở ra nghe nữa.
Những nhà có người thân chết đã tìm ra được vải để chít khăn tang, một vài nhà
có mùi hương khói bay ra trước con mắt nhìn hết sức dửng dưng của các cán bộ
giải phóng. Họ ăn uống thả cửa. Ngày tết gia đình nào cũng dự trữ đủ thức ăn.
Nhưng qua ngày thứ hai thứ ba hết thịt, một vài nhà lén làm thịt heo thịt gà,
quân giải phóng len lỏi tìm kiếm được mua lại của dân bằng một giá rẻ mạt. Rồi
họ tổ chức tập họp vào ngày thứ ba. Buổi sáng cho thanh nữ, buổi chiều cho
thanh niên. Đồng thời họ rút quân tập trung vào một vài nơi, tạm rời nhà dân
chúng, nhưng lúc nào các cán bộ cũng len lỏi từng nhà lấy cớ là đi thăm hỏi.
Buổi học đầu tiên được
tổ chức trong một ngôi chùa rộng, hoặc các trường học. Người ta không khỏi ngạc
nhiên khi thấy xóm này xuất hiện một người đại diện cho dân, rồi xóm khác một
người đại diện. Những người này mới hôm qua là anh đạp xích lô hay ông già say
rượu sống lây lất đầu xóm. Dân chúng cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy tiếng
cười vang ở một vài người mới mấy hôm trước có vẻ lù đù nhất, bây giờ trở thành
những nhân vật hết sức kích động, họ đi lối xóm hô hào, tuyên truyền cho quân
giải phóng.
Ngay chiều thứ hai,
mồng ba tết, có một vài vùng đã được chứng kiến cảnh xử tội. Một vài nhân vật
trong xóm bị bắt kết tội là theo quân Mỹ ngụy. Họ bị đưa vào một trường học,
các thanh niên nam nữ được nhóm lại. Những bộ mặt quen thuộc nằm vùng là người
đủ thẩm quyền kể ra nhiều tội trạng của bị cáo nhất. Những bản án được kết thúc
vội vàng. Nhiều kẻ bị dẫn đi, rồi ngay buổi chiều hôm đó nhiều tin đồn có người
đã bị xử tử. Mọi người chưa tỉnh hồn bởi một đêm mồng một súng nổ ghê hồn, một
buổi sáng mở mắt dậy thấy đầy máu me xác chết, thì đã bắt đầu lo sợ vì những
cuộc tìm bắt xử án của quân giải phóng. Mặc dù ngoài mặt họ tỏ ra rất tử tế với
dân chúng, nhưng đồng thời những vụ bắt bớ, xử tội đã bắt đầu; trường học, nơi
của trẻ thơ, chùa chiền nhà thờ, nơi của đạo giáo, bỗng trở thành nơi hội họp, nơi
tòa án nhân dân thành lập.
Thỉnh thoảng có vài
tiếng súng lẻ tẻ hoặc một tràng. Mọi người như những con chim bị thương vội
vàng nằm xuống đất, kẻ chui tọt dưới gầm bàn, gầm phản. Trẻ con cũng đã quen
với không khí căng thẳng sợ hãi, đã nhìn thấy máu me chết chóc, hễ cứ nghe thấy
tiếng súng là không cần đợi ai nhắc nhủ, cứ chạy tìm ôm chặt người lớn, hoặc
sát mặt xuống nền đất. Nhưng tiếng súng chỉ lẻ tẻ rồi im lặng kéo dài, không có
gì thêm ngoài tiếng cười nói của các anh giải phóng ở ngoài đường ngoài tiệm.
Đêm đến, trong bầu không
khí im lặng đến ngộp thở, người ta nghe tiếng cú rúc. Tiếng cú rúc đầy khắp
thành phố. Người ta hồ nghi, giữa bom đạn, giữa không khí sặc mùi tử khí hôi
hám, lũ cú dám mò về làm náo loạn cả thành phố đang tê liệt. Tiếng cú hay tiếng
người làm mật hiệu rú trong đêm? Người ta nín thở và chờ đợi, không biết chờ
đợi cái gì sẽ đến, nhưng linh tính sẽ còn nhiều điều xui xẻo, tang thương.
Những người chồng bỗng nhìn vợ trìu mến hơn, những bà mẹ ôm con thơ như sợ
chúng sắp biến mất. Cỏ cây, nhà cửa, người, súc vật bỗng như cảm thấy một sự
gần gụi khó tả.
Người ta không thể biết
thêm gì ngoài những tin tức do các nữ cán bộ, những anh giải phóng tuyên
truyền. Trong những buổi họp, nhiều cụ già lên tường trình về những tin tức.
Những cô gái đi họp về kể lại rằng một ông già bán cháo lòng được bầu lên làm
chủ tịch buổi học tập, mở đầu buổi họp, ông thường lên nói về tình hình chiến
cuộc trong nước. Đã dốt chữ lại không quen nói, ông thường gọi trật tên các đài
phát thanh và dùng sai danh từ nhưng chả ai dám sửa đổi hoặc cười. Ông bàn về
tin tức chiến sự và luôn luôn mở đầu bằng câu: Theo đài a, bê, xê thì quân giải
phóng đã chiếm được Sài Gòn và các thành phố, các tỉnh khác. Quân giải phóng
hoàn toàn làm chủ tình thế. Buổi họp nào ông cũng nhai đi nhai lại câu đó. Các
cậu sinh viên bấm nhau. Các thiếu nữ nhìn nhau ngẩn ngơ. Bình thường chả mấy
khi được nghe một câu chọc cười đã như thế, nhưng lúc này chả ai còn dám cười
được nữa. Những buổi họp gần như bị bắt buộc nhưng họ vẫn rỉ tai nhau, làm thế
nào để những thanh niên, đàn ông tránh mặt bớt, đừng để cho các anh cán bộ nhìn
thấy.
Đến chiều ngày thứ hai
thì không khí hân hoan của các đồng chí giải phóng bớt sôi nổi. Sau khi một ông
thợ may bị tình nghi là liên lạc viên của Mỹ ngụy bị giết, xác vất ở một ngã
ba, sau khi hai thanh niên trong một cái hầm nhỏ bị bắn vì mang tội trốn tránh
quân giải phóng, các nữ cán bộ đã rút hẳn vào những địa điểm được chỉ định sẵn,
không lui tới thăm viếng thường trực các nhà dân nữa. Cho đến hôm đó tiếng súng
lẻ tẻ bắt đầu nổ ở các miệt xa, về hữu ngạn.
Các anh giải phóng nói
với nhau là xe tăng của Mỹ có lên thám thính miệt quốc lộ, có thể xảy ra ác
chiến. Nhưng nguồn tin đó không chắc chắn gì, ở một vài vùng đã có các anh giải
phóng đi rao:
- Các thanh niên, đàn
ông lo chuẩn bị mười lăm ngày gạo để đi dự một lớp học về đường lối của quân
giải phóng.
Họ đào hầm, hố cá nhân,
tải vũ khí. Không khí căng thẳng hẳn lên. Ngoài đường, trong vườn, ở các đầu
hẻm vang tiếng xẻng cuốc của các anh giải phóng đào hầm.
Thanh niên, đàn ông bắt
đầu tìm chỗ trốn. Từ các cánh cửa sổ hé mở, những khuôn mặt già trẻ ló ra nhìn
những anh giải phóng đào hầm, mày mặt lầm lì, không ai dám hỏi thăm vui vẻ như
mấy giờ qua nữa.
Đến đêm thứ ba thì cả
thành phố bỗng bật dậy vì hỏa châu, vì đại bác. Các anh bộ đội, các cô nữ cán
bộ không còn thấy ở đâu nữa, họ như bóng ma lẩn vào đêm tối. Người ta chỉ nghe
thấy tiếng kêu khóc quen thuộc của đêm mồng một tái hiện. Chưa ai kịp đào hầm
để tránh bom, đêm hôm đó các miệt Từ Đàm, Thành Nội, Gia Hội, Kim Long là những
miệt ăn chịu đại bác nặng nề nhất.
Buổi sáng hôm sau,
người ta vội vã đào hầm. Hầm đào ngay trong sân, trong vườn, hoặc đào ngay
trong nhà. Các anh giải phóng chỉ còn gác lẻ tẻ ở các góc đường. Dân chúng tràn
ra đường, hỏi thăm nhà này nhà nọ. Có vài gia đình lục đục đi tản cư, nhưng các
anh giải phóng đứng gác các ngả đường ra hiệu không cho ai được đi hết. Người
ta đào hầm vội vàng, tất cả các cửa sổ, cổng sắt đều được dỡ xuống để làm hầm.
Có nhà không đủ vật liệu, họ ra trại mộc, hoặc chặt tre.
Vài trại mộc chỉ thoáng
cái là không còn một tấm ván. Hết ván, người ta bê cả hòm, nắp hòm về để chống
đỡ nắp hầm bằng đất. Có nhà đào được hầm rồi cả nhà xuống núp thấy chật chội
quá lại phá ra làm lại. Đến trưa thì đại bác lại câu lên, đang ăn cơm có kẻ bỏ
cả cơm nước chui xuống hầm. Các anh giải phóng chui xuống hố cá nhân. Họ không
ở trong nhà dân nữa, nhưng khi có tiếng súng, họ ở đâu không biết, tràn vào các
vườn, các đường, đen kín các hố cá nhân.
Khi tiếng súng tạm
dừng, cảnh đào hầm lại tái diễn. Vài đám cãi nhau chửi nhau vì tranh nhau ván ở
trại mộc hoặc đất cát. Cuộc pháo kích bất thình lình làm một số dân chúng và
một số quân giải phóng chết hay bị thương. Họ lại vào từng nhà bắt thanh niên
thanh nữ đi tải lên miệt núi. Người ta nhốn nháo đồn đại với nhau là họ đặt bộ
chỉ huy trên đó. Về phía bên tả ngạn, bộ chỉ huy đặt ở phường Gia Hội. Ở vùng
này hoạt động hăng hơn, mặc dù đại bác câu lên đều, họ vẫn tổ chức những buổi
họp, học tập. Trong thành nội, quân giải phóng hoàn toàn chiếm hết. Có những
cán bộ nằm vùng, những thanh niên mất tích từ lâu, bỗng thấy xuất hiện. Họ đeo
băng, họ cầm đầu, họ đi lùng từng nhà hỏi tội. Vài cuộc rượt bắt, vài người bị
bắn gục ngã giữa đường, xác người để đó không ai dám đem đi chôn, có xác đã bắt
đầu có mùi, máu khô đọng, sặc mùi tanh và ruồi nhặng bu đầy, trông hết sức kinh
khủng.
Bắt đầu những ngày Huế
mở cửa địa ngục.
CHƯƠNG 4: QUA MỘT CHUYẾN ĐÒ
Tôi góp nhặt được nhiều mảnh chuyện vụn vặt, mỗi người kể mỗi
khác nhau về mấy ngày đầu tiên quân giải phóng đến Huế. Góp một ít khi ở nhà thờ,
một ít khi vừa mới tới cung An Ðịnh. Tưởng đến cung An Ðịnh thì đoạn đường gian
nan đã bớt một nửa, vì khi vừa đặt chân tới đó, tôi đã nghe nhiều người kháo
nhau:
- Có máy bay của quân đội mình rồi. Họ kêu gọi dân chúng cố di chuyển về hữu ngạn.
- Hữu ngạn là đây nì.
- Nghe nói bên mình cho máy bay lên thám thính bị chúng bắn lên như mưa, máy
bay phải bay cao tít.
- Mà thiệt chị có nghe trên máy bay người ta kêu rứa không?
- Nghe chớ. Bà con không thấy đó răng, người ta chạy rần rần về phía hữu ngạn hết
nì. Các vùng khác kẹt lắm. Phía trên Phủ Cam, Bến Ngự, Từ Ðàm, không ai về được
hết.
- Qua cầu Tràng Tiền được không?
- Mô được, họ đóng đầy ở nhà dây thép mà.
Mỗi người mỗi chuyện, tôi lơ mơ biết được tình hình chung của thành phố. Tôi
nói với má tôi, chú tôi là mình ở phía hữu ngạn chắc yên rồi. Nhưng khi tìm được
chỗ ngồi, chưa kịp dỡ vắt cơm mang từ nhà qua, thì súng lại nổ, chúng tôi lọt
vào giữa trận chiến. Trong lúc tôi nằm xuống chân bàn, đầy hơi người hơi chó và
chờ chết. Tôi nghĩ là chắc chắn chết, căn nhà lầu sẽ bị sập, sẽ chôn vùi chúng
tôi trong đám gạch vụn, thì bỗng tiếng súng im rơ một vài phút. Sống rồi. Một
tiếng nào kêu lớn trong đầu tôi, dội ngược ra và mở mắt nhìn từng người chung
quanh. Họ ngồi rột dậy ngơ ngác, bụi cát còn bay mù mịt, các cửa kính vỡ chưa hết
rung. Nhìn lên chiếc sập "ngài ngự" thấy còn lại cơi trầu bằng đồng
chạm rồng phượng và cái chăn nhiều màu. Ngài đã được cõng đi rồi. Không biết có
sống thoát được không! Chưa kịp nói với ai một lời nào thì một tiếng B40 lao
vút trên mái ngói. Ầm, một mảng mái nhà sập, bụi bay mù, mọi người rụt đầu, thu
mình nhỏ lại. Cánh cửa sổ chỉ còn dính vài mảnh kính, sắt nhọn bỗng như bị va mạnh,
rồi một bóng người nhảy vụt vào. Vài tiếng la bật lên, vài tiếng ú ớ không ra lời.
Họ tràn vào rồi. Vài người úp mặt vào hai bàn tay. Tôi mở nhìn sững, không phải
lính quốc gia hay quân giải phóng mà là Thái. Mình nó đầy máu. Nó nhớn nhác
nhìn tìm rồi lôi má tôi, lay chú tôi và cả nhà dậy:
- Chạy, chạy bác, chạy chị.
Tôi kéo nó nằm xuống, hét:
- Em, làm người ta hết hồn. Chạy đi mô, chết hết bây chừ đó.
Thái dựng thẳng tôi ngồi dậy. Lúc này tôi mới thấy bên hông mình ướt sũng. Máu,
máu còn tươi rói chảy dọc xuống dưới chân. Tôi bị thương rồi. Bị thương sao chẳng
thấy đau đớn gì hết. Tôi quay vụt lại:
- Má.
Má tôi mở mắt nhìn tôi lờ đờ. Tôi bật khóc chồm tới kéo má tôi:
- Má, má bị rồi.
Má tôi lắc đầu. Thái bỗng lôi tuột tôi chúi vào người nó:
- Dang ra, dang ra.
Tôi nép hẳn vào vai cậu em. Lúc này tôi mới định thần nhìn kỹ con chó to lớn mới
đây chui rúc bên hông tôi đã bị thương nặng. Có lẽ nó chết rồi cũng nên. Tôi
không thấy nó nhúc nhích cục cựa gì nữa, nhưng nơi vết thương máu vẫn còn rỉ rả
chảy. Thái nói nhỏ vào tai tôi:
- Chị nói bác chạy gấp đi, họ đang siết vòng vây ở ngoài. Không lừa lúc này chạy
là chết.
Không lừa lúc này chạy là chết. Tiếng chết như một sợi dây bắn ngược tôi tới cửa
sổ, rồi nhanh như cắt, tôi lao đầu ra ngoài, mặc cửa sổ cao thấp thế nào chưa
biết. Tôi rơi tọt ra ngoài cùng lúc cánh cửa chính mở, Thái và Bé thấy tôi chạy
cũng hốt hoảng chạy theo. Chúng không kịp nhảy qua cửa sổ mà húc vào cánh cửa lớn.
Vài miếng kính còn dính lại tiếp tục rơi loảng xoảng. Chú tôi, má tôi, vợ Bé,
Thu và mấy đứa nhỏ cũng hốt hoảng chạy ra theo. Tôi nhìn quanh. Tuyệt nhiên
không có một bóng người nào. Nhưng rõ ràng họ đang gờm nhau, đang bắn nhau. Lúc
ở trong cung An Ðịnh, tôi nghe như tiếng súng bắn đi từ phía cửa, hay chính từ
bên trong bắn ra nữa. Vậy mà tôi không nhìn thấy ai hết. Thấy tôi ngơ ngác,
Thái lại kéo tay tôi chạy. Hình như nhiều người khác cũng vừa theo chúng tôi chạy
ra nữa.
Bờ sông chắn trước mặt. Chúng tôi đã bỏ xa cung An Ðịnh một khoảng dài.
Tiếng súng đằng sau lại nổi lên, dữ dội, ác liệt hơn. Nhưng tiếng súng kéo dần
tới phía trước đồng, bên phía nhà thờ. Chúng tôi xa dần nơi nguy hiểm. Một đoàn
người từ phía cầu chạy xuống. Thái hỏi:
- Qua cầu được không?
Mấy cái đầu cùng lúc lắc một lượt. Tôi kêu lớn:
- Ðừng chạy tới phía đó, họ đang đánh nhau.
Nhưng đoàn người như không nghe, họ vẫn cắm đầu chạy. Mấy đứa trẻ con vấp ngã,
khóc ré lên rồi lại lồm cồm ngồi dậy chạy tiếp. Vợ Bé lúc này mới kêu lên:
- Bỏ hết đồ lại ở trên nớ rồi.
Bé la lên:
- Bỏ hết, chết chưa lo, lo ba cái đồ...
Vợ Bé mếu máo:
- Còn mấy vắt cơm không mang đi, chút nữa cũng chết đói.
Lúc này tôi chạy lúp xúp sau Thái. Tôi bỗng hoảng kinh khi thấy máu ở cổ nó
đang chảy giòng xuống vai. Tôi kéo tay nó:
- Thái, em bị thương rồi.
Nó vừa chạy vừa thở:
- Cả cái mái ngói đổ xuống đầu em. Như ri là nhẹ, không răng mô chị.
Một bến sông nữa hiện ra, Thái reo lên:
- Có đò, có đò, mình qua sông được rồi.
Khúc sông ở đây sao yên lành quá, cây sung bên bến sông vẫn xanh um, mặt nước vẫn
lặng lờ và mấy hòn đá đặt trên bến vẫn sạch sẽ, nhẵn bóng. Tôi bàng hoàng như
nhìn thấy một cảnh nào ở trong cơn mộng hoặc mắt mình đã hoa lên rồi. Chúng tôi
vừa dừng lại bến thì đằng sau cũng có vài người khác chạy đến. Thái hỏi:
- Chạy ở mô tới?
- Ở bên nhà thờ.
- Ở cung An Ðịnh.
- Thấy chi không?
- Chắc sập hết rồi, bắn dữ lắm.
Thu chạy xuống bến. Mấy con đò như bỏ hoang không người ở. Chúng tôi gọi mãi mới
có một chị đàn bà ló ra.
- Cái chi rứa?
- Cho chúng tui qua sông với bà ơi.
Người đàn bà lắc đầu:
- Không được mô. Ðang đánh nhau dưới nớ, ra giữa sông lỡ đạn trúng mần răng.
- Chị ở đây cũng trúng rứa.
- Thà tui chết một mình. Tui còn một mình mà.
Giọng chị lạnh như đồng. Thái năn nỉ:
Chị làm phước cho tụi tui qua bên nớ. Bên nớ có nhà quen không tụi tui chết hết
ở đây.
- Ðông rứa răng mà chở nổi.
Má tôi nói khó:
- Chị làm phước cho mấy chuyến. Thời buổi giặc giã ở có đức để lại cho con cái.
- Tui một mình chớ có ai mà đong phúc. Tui chưa đi mà ở đây chờ coi ông dôn tui
có nổi lên ở khúc sông ni không.
Chúng tôi đã đoán ra lờ mờ câu chuyện. Chắc chồng chị ta vừa mới chết, và chị
ta đang dở điên dở khùng. Chúng tôi lại nói khó. Chị đàn bà bằng lòng chở mấy
chuyến. Qua khỏi khúc sông ngắn có mấy thước, Thái đưa tiền và buộc chị đàn bà
phải lấy. Chị cầm tiền và trở mũi qua đưa những người khác đang đợi bên kia bến.
Tiếng súng ở bên phía cung An Ðịnh, bên phía đồng có vẻ êm hơn. Khi chúng tôi
lên đường cái thì không còn sức để nghe ngóng nữa. Khu này yên tĩnh quá. Chưa một
nhà nào bị hư hại gì hết. Bé nói:
- Mình tìm nhà quen ở để rồi mai mình về nhà. Chắc khu mình gần quốc lộ họ rút
hết rồi.
Thái cãi:
- Rút chi nổi. Ðừng có lầm mà chết.
- Xe Mỹ ở quốc lộ chạy lên đồn An Cựu mà mi còn cãi nữa...
- Xe Mỹ lên là nghe tiếng súng rồi, không thấy hay răng.
Chúng tôi tiếp tục chạy. Tôi hỏi Bé đây là miệt nào. Bỏ Huế lâu quá, tôi quên gần
hết đường sá. Bé nói đây là đường lên Tân Lăng, lên chút là có chùa.
Nghe đến chùa, má tôi mừng rỡ:
- Mình vô chùa xin ở nhờ. Chắc họ không dám phá chùa mô.
Thái nói:
- Nhà thờ còn bắn sập huống gì chùa họ nể. Mà cứ thử coi.
Tôi mệt lả không đi được nữa. Lúc này tôi mới thấy chân nhức buốt. Tôi đã bỏ mất
dép, chân tôi lại bị một mảnh kính cắt, máu còn rỉ rả chảy. Tôi ngồi bệt xuống
đất:
- Con không đi được nữa.
Má tôi dỗ dành:
- Ráng chút nghe con, ráng đi chút con. Gần tới rồi.
Nhưng má tôi cũng mệt quá. Lúc này nhìn lại má tôi, tôi thấy bà vẫn còn xách
cái xách áo quần nơi tay. Sự sợ hãi đã làm má tôi quên cái xách tay nặng nề.
Thái vẫn ôm chiếc cặp da của tôi. Má tôi vừa nói vừa ngồi xuống bên cạnh tôi.
Thu cũng ngồi theo, mấy đứa nhỏ cũng ngồi bệt xuống đất. Có mấy nhà mở cửa hé
nhìn chúng tôi rồi vội đóng cửa lại. Tôi không hy vọng gì họ giúp chúng tôi lúc
này. Thái và Bé quay lại, thấy chúng tôi ngồi bệt cả xuống đất và chú tôi nửa
muốn ngồi nửa muốn đi thì giơ tay cản:
- Thôi, để tụi con tới chùa coi răng.
Nhưng đi được một quãng, chúng quay lại. Lúc này chúng mới để ý đến những đoàn
người chạy loạn, đoàn này đi tới trước, đoàn kia chạy ngược lại. Hỏi họ thì ra
phía nào cũng có đánh nhau hết. Vợ Bé đang ngồi bỗng đứng rột dậy:
- Quên rồi, ở xóm ni mình có chị U, mình vô tạm rồi sai con Thu về nhà coi ra
răng.
Tôi cũng mong có chỗ ngồi nghỉ, uống một ngụm nước. Từ sáng đến giờ tôi chưa có
miếng cơm, chưa uống được một giọt nước. Bé hăng hái dẫn đầu. Chúng tôi đi vào
một xóm nhỏ toàn nhà tranh. Bé gõ cửa mãi mới thấy người ra mở cửa: Chị U.
Bé kêu mừng rỡ:
- Tưởng chị đi tản cư rồi chớ. Không can chi há?
- Can chi. Ở đây mấy bữa ni có chi mô. Không ai đi hết.
- Không có mọt chê câu tới hả?
- Không, xóm trong bị rồi. Mà ngoài ni đào hầm hết rồi. Can chi mà sợ.
Rồi chợt nhận thấy một đoàn người đông đúc đứng đàng sau lưng Bé, người đàn bà
hỏi:
- Bà con hết há?
- Dạ bác em nì chị. Chị em. Bác, đây là bà chị vợ của con.
- Vô, vô nhà hết đi, đừng đứng đây lộn xộn họ dòm ngó.
Cả đoàn kéo vô nhà. Nhà nhỏ, chật hẹp. Thái lót cái chăn dưới nền đất để nằm đỡ.
Má tôi, vợ Bé mới sanh và mấy đứa nhỏ được chủ nhà nhường cho cái giường nhỏ, nằm
sát vào nhau, chỉ trở mình nhẹ là có thể rớt xuống đất. Tôi, Thu và Thái phải nằm
dưới đất. Trời bắt đầu mưa phùn, lạnh căm da. Vừa sợ, vừa lạnh lại thêm cái đói
dày vò, tôi run lập cập. Người chủ nhà lấy cho tôi một bát cơm nguội ăn với xì
dầu. Tôi ăn như chưa có bữa cao lương mỹ vị nào ngon lành đến thế. Ăn xong thì
trời đã chiều. Thái hỏi dò người đàn bà xem ở đây có quân giải phóng không. Người
đàn bà cười tươi tỉnh:
- Không răng mô. Họ về hoài, họ đi ngoài đường kệ họ. Họ tử tế lắm mà.
- Họ có soát nhà không?
- Mấy bữa đầu thôi. Mấy hôm đầu họ nhờ mấy con nhỏ đi tải đạn, tải thương. Bữa
ni hết rồi. Họ cũng là người chớ chi mà sợ. Họ tử tế lắm mà.
- Bà có nói chuyện với họ không?
- Nói hoài. Có răng mô.
Người đàn bà ở với một bà già chồng gần bảy mươi tuổi và một đứa con trai út mười
bảy tuổi. Người chồng bỏ đi thời kháng chiến cũ không thấy tin tức. Khi biết ra
điều đó, tôi không còn lấy làm lạ về cảm tình của bà ta đối với mấy anh giải
phóng nữa.
Buổi tối, chúng tôi không dám ngủ trên nhà mà xuống ngủ dưới hầm đào ở trước
sân. Chú tôi, Thái và Bé vào ngủ ở nhà thờ của một dòng họ lớn trong xóm. Nhà
thờ xây kiểu xưa, đá lớn chắc chắn lắm. Tôi, và những người đàn bà khác cùng trẻ
con xuống hết dưới hầm. Chiếc hầm nhỏ quá mà phải chứa tới hơn mười mạng người,
chúng tôi không còn chỗ đặt lưng.
Khoảng gần mười giờ là đại bác từ Phú Bài bắt đầu câu vào thành phố. Hỏa châu
soi sáng rực cả bầu trời. Tiếng máy bay gần rồi xa. Không khí báo hiệu một cuộc
đụng độ lớn. Cả thành phố như đều chìm trong điềm gở sắp bị tàn diệt. Tôi ôm chặt
lấy má tôi, dựa đầu vào vai bà mà ngủ. Má tôi không ngớt lời cầu nguyện: Cầu
cho con tôi tai qua nạn khỏi. Cho con tôi sống.
Tôi biết má tôi đang lo cho tôi nhiều nhất. Chồng con tôi ở Sài Gòn chắc đang bấn
ruột bấn gan vì tôi. Nhưng tại sao tôi tin được chồng tôi còn rỗi rãi để lo cho
tôi. Tin tức đồn đãi cả Sài Gòn và các tỉnh đã mất. Vậy chồng con tôi đã lưu lạc
tới nơi nào rồi.
Tôi muốn nói: má ơi, con sợ quá. Nhưng tôi phải tỏ ra can đảm hơn để má tôi yên
lòng đôi chút. Tôi nói:
- Ðánh nhau lớn chắc sắp yên rồi.
Tiếng nói của tôi thật nhỏ nhưng trong hầm kín mọi người đều nghe hết. Một cô
gái mập ú đang ngồi sát bên tôi lên tiếng:
- Họ đông lắm chị.
Tiếng người con trai bà chủ nhà nói theo:
- Con ni nó đi khiêng xác đó chị, chết bất loạn.
Tôi hỏi:
- Khiêng đi mô.
- Khiêng lên tận trên núi. Họ chết nhiều lắm đếm không hết.
- Chị khiêng như vậy mà không sợ à?
- Sợ bắt chết. Vừa khiêng vừa run. Trời lại lạnh nữa, hai đầu gối mình như muốn
sụm luôn. Gớm bắt chết. Xác nào cũng dính đầy máu. Còn người bị thương thì chất
lên xe như sắp cá rứa, người ni chồng lên người nọ, không biết mần răng mà sống
cho được.
- Toàn là quân giải phóng hết?
- Chơ răng. Họ chớ ai vô đó nữa.
- Khiêng xong họ cho về?
- Họ còn bắt đi khiêng đạn chớ, mà tui trốn. Túi ni chắc trong họ cũng về bắt
đi nữa. Tui trốn ra đây ngủ nhờ. Trong đó có mọt chê câu tới rồi đó.
Tôi không hỏi nữa, nhưng cô gái có đà, cứ nói tiếp:
- Nơi vườn cạnh nhà tui họ chôn người dễ sợ quá, lòi mấy cái chân.
- Nói dóc đi, bà nội.
Nghe cậu bé con bà chủ nhà nói móc, cô gái nổi sùng:
- Ðồ con trai chui dưới hầm cả ngày cả đêm biết chi. Ra ngoài mà coi thử. Sau
chùa tề, họ chôn lòi tay lòi chân coi dễ sợ bắt chết. Nì, mi biết thằng Tư hớt
tóc không?
- Biết.
- Ờ. Hắn bị bắt ra ngoài vườn đào hố chôn xác chết, mà chôn sau vườn hắn mới
ghê chớ. Hắn trốn đi được rồi.
- Tao ghét thằng đó lắm, cho họ bắt luôn.
- Mày ăn nói đoảng hậu chi rứa. Răng mà ghét người ta?
Có tiếng người đàn bà tên là chị U gắt khẽ. Một trái hỏa châu rơi thật gần và lửng
lơ hạ xuống. Ánh sáng soi rõ cả vào miệng hầm. Tôi nhìn ra được mặt cô gái. Má
tôi kéo manh chiếu rách che bớt miệng hầm lại. Ðêm hôm đó chúng tôi ngồi suốt
đêm. Ðại bác bắn ình ình vào các miệt, nhưng may mắn không có quả nào rơi vào
xóm chúng tôi trú ẩn. Tiếng đại bác không ngớt, dội cả mặt đất. Mắt tôi như tá
hỏa theo mỗi tiếng nổ, và cứ thế, cả đêm, trái tim đập liên hồi, nỗi lo sợ đặc
quánh cho tới gần sáng.
Lại thêm một lần được may mắn nữa. Ðến gần sáng tiếng đại bác thưa dần chỉ còn
nổ ỳ ầm ở miệt xa, như trên núi. Chờ thêm một tiếng đồng hồ nữa chúng tôi mới
lên khỏi miệng hầm. Súc miệng bằng muối hột và rửa mặt bằng nước mưa. Trời vẫn
còn mưa bay và lạnh giá, tôi khoác chiếc áo măng tô của ba tôi để lại trên người,
cùng với Thái đi dần ra ngõ.
Dần dần bạo dạn, hai chị em ra tới miệt sông. Từ các phía vẫn còn những toán
người tản cư lẻ tẻ. Thái đón lại hỏi, có người cho biết họ ở đồng An Cựu, hoặc
ngả chợ An Cựu. Có người cho biết họ ở bên nhà thờ chạy qua. Cầu An Cựu còn
không? Người trả lời còn, người trả lời bị sập. Không biết tin ở ai nữa. Thái
nói với tôi là mình đã hết sức may mắn, đêm qua bên nhà thờ, Việt cộng đã tràn
vào bắt hết đàn ông, công chức mang đi. Nó kể lại mà mặt nó tái xanh cắt không
ra giọt máu.
Phía đường rầy vẫn có người đi. Thái chỉ cho tôi thấy những đoàn người xuôi ngược
phía trên đường rầy, ẩn hiện sau những bụi cây thấp.
Khi hai chị em trở vào, Thái chợt nhìn lên ngọn điện cao. Nơi ngọn điện có tháp
cây tre và trên cây tre một lá cờ hai mầu đỏ và xanh lá mạ bay phất phới. Chiều
qua, khi đi ngang qua đây, khi nhìn lên cột điện này để coi trên trời có máy
bay không, tôi đâu có nhìn thấy gì. Thái đem chuyện đó vào kể cho mọi người
nghe, chả ai lấy làm lạ hết:
- Họ treo hoài. Họ treo cả trong chùa, nơi ngã ba nữa...
Nhưng đến trưa hôm đó thì cả xóm nhỏ này không ai còn đủ bình tĩnh nữa. Ðại bác
đã câu tới nơi. Tiếng máy bay như gầm, xé nát bầu trời ảm đạm, xám ngoét. Giữa
trưa, chúng tôi phải chui xuống hầm. Một số khác vào nhà thờ họ. Những tiếng nổ
rất gần, có lúc như dội ngay đầu. Còn nghe tiếng nổ là chưa chết. Thái bấm vào
tay tôi:
- Chị bịt chặt hai tai lại, nằm sát cho đỡ tức ngực.
Một vài nhà có tiếng kêu khóc như ri. Nằm trong hầm chật quá, ngột không thở được,
Thái chờ ngớt tiếng đại bác, kéo tôi chạy tọt vào nhà thờ. Từ trưa tới chiều tối
hôm đó, đại bác không ngừng nữa, nhưng độ bắn đã đi xa hơn.
Buổi chiều, chúng tôi ra được ngoài trời khoảng chừng mười giây rồi lại chui
vào hầm. Ðêm, tôi không vào hầm nữa mà ngủ dưới gầm một cái kệ trong nhà thờ họ.
Mấy đêm liền không ngủ, tôi đã mệt nhoài người. Mặc súng, mặc đạn, mặc sống, mặc
chết, tôi lăn ra ngủ. Nửa đêm, tôi bị đánh thức dậy bởi tiếng máy bay, tiếng đạn
réo, nhưng rồi âm thanh đó cũng chìm đi, cơn buồn ngủ đè nặng lên tất cả. Cho tới
sáng hôm sau, Thái phải dựng cổ tôi dậy:
- Ðêm qua chị biết có chuyện gì không?
- Chuyện gì?
- Họ về đầy ở đây. Họ gõ cửa nhưng không thấy động tĩnh chi hết họ đi rồi.
Má tôi rầu rĩ:
- Ðiệu này chắc chết quá. Con Vân, túi qua ngủ dữ quá không biết chi hết há. Nổ
gần lắm, chắc nhà cửa mình tan hết rồi.
Má tôi lại khóc. Vợ Bé bò ra khỏi bệ thờ, rồi tới lượt chú tôi cũng trở dậy:
- Chắc phải chạy nữa quá. Ở đây nguy rồi.
Chú tôi nói giọng lo lắng. Má tôi bảo Bé và Thu đi nấu cơm nhưng nhớ ra gạo chỉ
còn một ít, má tôi nói:
- Nấu cháo ăn đỡ.
Chú tôi phàn nàn ở nhà còn nửa tạ gạo mà con Thu hôm qua về không tới nhà được
để lấy đem đi. Con Thu về gần tới xóm thấy xóm vắng tanh nó lại sợ, bỏ đi trở về.
Nhưng nồi cháo chưa
chín thì chúng tôi lại nghe tiếng máy bay đến, rồi đại bác dưới Phú Bài lại câu
lên. Cả nhà lại vào hầm nhưng lát sau thấy tiếng súng không nhắm vào khu vực
này, tôi và Thái lại bò ra vì ngột ngạt quá. Hai chị em chạy qua nhà chị U rồi
lần ra ngõ. Có tiếng súng nhỏ bắn như mưa ở miệt Phủ Cam. Chắc chúng bắn máy
bay, Thái thì thầm. Ngọn cờ màu máu mạ vẫn phất phới bay trên ngọn tre tháp vào
cột điện. Vẫn còn người chạy loạn ở ngoài đường, chúng tôi đón lại hỏi nhưng
không ai buồn trả lời, họ vừa khóc vừa chạy. Một đoàn người có võ trang từ phía
cầu kéo lên Phủ Cam, Thái kêu tôi chạy vào một cái quán bỏ hoang. Ðoàn người đi
ngang qua đường, mặt mày lầm lì, họ vác súng, tay đeo băng, áo quần hỗn độn,
Thái thì thầm: Quân Bắc Việt đó. Tôi cố nhìn để phân biệt xem họ có khác gì mà
Thái nhận ra được, tôi chịu nhưng không dám hỏi Thái.
Ðoàn người đi lên một
lúc, chúng tôi định chạy ra khỏi quán để về nhà, nhưng từ phía Phủ Cam, tiếng
chân, tiếng kêu khóc bỗng vang dội. Rồi một đoàn người nữa xuất hiện trước khi
tiếng súng ròn rã nổ như mưa, tiếng máy bay gầm như xé trời và đại bác không kịp
thở. Ðoàn người đến gần dần, Thái sửng sốt:
- Trời ơi, dân, dân
chạy loạn.
Ðoàn người có đến cả
trăm người, dẫn đầu là mấy ông cha, một hai ông sư. Họ cầm cờ trắng, làm bằng
đủ thứ vải tơi tả, lá cờ hàng phục, lá cờ sợ hãi. Họ vừa đi, vừa chạy như những
con lật đật. Phía sau những lá cờ trắng, những người dẫn đầu, dân chúng bồng bế
nhau. Kẻ gánh người gồng chạy lúp xúp.
Thái đứng hẳn ra vệ
đường giơ tay đón:
- Thưa cha, trên rứa
răng?
Ông cha lắc đầu, miệng
như đang sùi bọt mép. Một tu sĩ bế một đứa bé bị thương máu chảy nhỏ giọt trên
đường, đưa tay xua xua tỏ dấu bảo chúng tôi chạy theo, đừng đứng nguy hiểm.
Nhưng ông cũng không nói nổi ra thành tiếng nữa. Ðoàn người cứ thế lần chạy qua
mặt chúng tôi, đàn bà bế con, đàn ông gánh gồng, trẻ con chạy lúp xúp. Họ
khiêng cả kẻ bị thương nữa. Một người đàn ông bị thương ở chân chạy khập khà
khập khễnh, thỉnh thoảng té xuống đất rồi gượng dậy. Có kẻ một cánh tay đang
đong đưa chỉ còn dính chút thịt da. Kẻ u đầu, người bể trán, những giọt máu rỏ
đuổi theo mấy miếng vải trắng làm cờ đi tìm bình yên đang phe phất dẫn đầu.
Ðoàn người vừa chạy vừa kêu khóc vừa cầu kinh, kẻ đọc kinh cầu Chúa, kẻ kêu
trời gọi Phật.
Ðoàn người chạy lêu bêu
xuống cầu rồi bỗng chạy ngược trở lại, rồi đang chạy ngược bỗng trở lui, tiếp
tục về phía trước. Tiếng súng từ phía Phủ Cam vẫn như mưa, vài kẻ yếu đuối chạy
cuối cùng cách đoàn người khá xa, họ kêu gào như đang tuyệt vọng sắp chết đến
rồi:
- Cha ơi, chờ con. Cha
ơi, cứu chúng con. Chúa ôi, quỷ đuổi chúng con..."
Tôi đỡ một người đàn bà
vừa ngã sấp xuống mặt đường:
- Lên đây nghỉ đã chị,
ở đây chưa đánh nhau, vô đây.
Người đàn bà đã bị
thương ở đùi, máu ra nhiều lắm, nhưng vẫn gượng dậy lắc đầu:
- Tui chạy theo cha,
chồng tui con tui trong đó mà.
Bà lại chạy. Thái chạy
theo:
- Trên nớ còn chi
không?
- Hết cả, hết cả. Ờ, mà
còn, còn nhiều người kẹt lại, còn hơn trăm thanh niên đang bị vây không chạy
được.
- Họ bị vây?
- Họ bắn lại, họ bắn
lại... Cha ơi, chờ con với cha ơi.
Người đàn bà lại chạy,
nhưng đoàn người đã bỏ cách xa bà ta quá. Một tiếng nổ lớn. Tôi lóa mắt. Thái
ôm chặt lấy tôi:
- Chạy, chạy chị. Cầm
tay em nì.
Thái kéo tay tôi lọt
vào xóm. Ðoàn người như tan tác ở đằng xa, rồi qua lớp khói bụi, tôi lại thấy
họ chạy tiếp tục.
Khi tôi vào tới nhà thờ
họ thì má tôi đang nằm ở mé cửa chờ. Bà nạt tôi một hồi rồi kéo tôi dúi xuống
bệ. Như ngày xưa, má tưởng con như ngày xưa còn bé. Tôi chui tọt vào bên trong
tìm một chỗ dựa đầu mà không có. Má tôi nằm phía ngoài hỏi vọng lại:
- Nằm yên, con Vân mô
rồi. Ðừng có nằm phía ngoài nghe.
Má tôi nói vậy mà bà
nằm phía ngoài. Con Thu rỉ nhỏ bên tai tôi:
- Nồi cháo cháy rồi.
Lúc đó tôi không thấy
tiếc gì nồi cháo nữa, dù trước đó tôi đã đói cồn cào. Thu lại nói:
- Chị đi đâu làm bác cứ
đòi chạy ra tìm, em phải ôm bác lại.
Tôi muốn khóc quá, tôi
đưa tay cầm chặt gióng tre kê dưới bệ thờ, chỉ có một khoảng cách ngắn, tôi ao
ước cầm bàn tay má tôi mà không được. Trong bóng tối lờ mờ, tôi thấy có đốm lửa
nhỏ lóe lên. Chắc Thái đã tìm đâu được điếu thuốc. Nó nói với tôi:
- Hỏi bác hút thuốc
không.
Tôi hỏi tìm ở đâu đó
thì nó nói:
- Cả bao đầy lận. Em
lượm được khi đoàn người đi qua rồi. Chắc ai rớt.
Tôi nghĩ tới những giọt
máu rơi vãi ở dọc đường, những giọt máu đó đang kéo dài đến đâu rồi. Bất giác
tôi rùng mình. Thu hỏi:
- Chị lạnh hả?
Tôi lắc đầu, nhưng chắc
Thu chả trông thấy gì đâu. Thái đưa cho tôi một điếu thuốc và nói với tôi đưa
cho bác hút đỡ lạnh. Ðiếu thuốc chưa kịp đưa đi đã rơi khỏi tay tôi lúc nào. Sợ
gây tiếng động, tôi không dám đưa tay sờ soạng nữa. Từ lúc đó tới trưa, chúng
tôi không còn dám mở mắt nhìn thấy ánh sáng bên ngoài nữa. Ðại bác câu vào như
không còn tính khoảng cách. Trên đầu tôi, xung quanh tôi, tiếng nổ dội như vỡ
tung lồng ngực, như bể đôi cái đầu. Má tôi hô mọi người nằm rạp xuống đất. Nằm
rạp xuống đất hết rồi cũng chưa được, ôm chặt lấy nhau để có chết cùng chết một
đống. Nhưng không, tôi không thể chết một đống được, tôi phải sống để còn trở
về với con tôi và dù Sàigon còn hay mất, các con tôi cũng phải sống để chờ tôi
về nữa. Ðừng có chết. Cho tôi sống.
Tiếng nổ như bưng tôi
vất trong lửa đỏ. Một tiếng, hai tiếng, tiếng nữa. Lạy trời lạy Phật, chưa
trúng. Thêm tiếng nữa, quả tim cứ nhảy loạn xạ, cứ muốn tung ra. Ầm, tôi nghe
có tiếng nổ lớn mà. Vậy ai kêu chết tôi rồi vậy? Ai khóc như ri ngoài kia vậy?
Ầm nữa. Cả mái nhà như sập xuống đầu tôi rồi. Ngực tôi bể rồi, máu tôi đang trổ
vòi chảy. Tôi lăn qua lăn lại. Không, tôi chưa bị, tôi còn sống mà. Tiếng khóc
bật lên:
- Vân, Vân mô rồi con.
"Chị, chị mô rồi
chị.
Cánh tay Thái rồi cánh
tay má tôi nữa. Cát bụi trên mái nhà vẫn tiếp tục rơi xuống. Tôi không mở được
một tiếng nào. Lần này chắc chết quá rồi, đại bác vẫn không chừa khoảng cách.
Người tôi sau tiếng nổ đã không còn sức để run. Thôi, cả nhà chúng tôi, cả mọi
người trong ngôi nhà thờ họ này nằm chờ chết.
Nhưng rồi phút kinh hãi
đó lại qua. Tiếng súng đã ngưng và rải rác đưa lên các phía xa. Tiếng súng vừa
ngưng là có tiếng la khóc. Tôi vụt chạy ra ngoài, má tôi níu lại:
- Con ơi, đừng, đừng
đi.
Nhưng Thái cũng ra đến
sân rồi, cực chẳng đã, tôi thập thò ở cửa.
Bên ngoài cây cối xác
xơ, gạch ngói rơi tứ tung ở sân. Trước mặt khu nhà thờ họ, một mảnh đạn xoáy
một hố đất lớn. Mấy cửa kính vỡ toang, tấm bình phong che phía trước bị vạt một
góc. Vừa lúc đó Thái chạy vào mặt mày tái mét:
- May quá chị ơi, nhà
thờ chỉ bị một mảnh bom phía sau góc, nơi cây đu đủ. Cây đu đủ gãy rụi
rồi."
Thái đưa tay chỉ lên
mép tường phía sau, ở đó tường đã lở những mảng lớn và ngói trụi hết, lộ một
khoảng trời màu xám chì. Sự sống thật tuyệt vời, nếu mảnh bom rơi chếch vào một
tí nữa chắc chúng tôi đã xong. Thái kể cho chúng tôi nghe, ở đàng sau, cách hai
ba căn nhà bị nguyên vẹn một quả bom rơi trúng. Mấy mái tôn văng ra xa, có tấm
văng lên chém gẫy một đọt dừa. Hai ba căn nhà bị sập, mấy người chết. Từ lúc đó
tới chiều, chúng tôi không dám bước ra khỏi bệ thờ nữa. Vợ Bé bạo dạn đi nấu
được nồi cơm, nhưng tới chiều tối, chúng tôi mới ngồi ăn. Ðang ăn cơm thì nghe
có nhiều người chạy loạn từ phía Bến Ngự về, Thái chạy nhanh ra sân. Ðoàn người
từ Bến Ngự về chạy thẳng mãi trên miệt đường rầy, duy có hai cha con đói lả
không đi được, ngồi bệt xuống vệ đường. Mọi người đưa vào nhà. Người đàn ông
khoảng bốn mươi tuổi, đứa con gái cỡ mười lăm. Sau khi được ăn mỗi người một
bát cơm lót lòng, hai cha con tỉnh người lại. Ðứa con gái ngồi nép vào góc bệ
thờ, mở đôi mắt như thất thần nhìn ra phía cửa. Một tiếng động nhỏ cũng làm cho
con bé ôm chặt lấy cha.
Chờ cho người đàn ông
tỉnh táo, má tôi mới hỏi dò:
- "Ông ở Bến Ngự
về?
- Dạ, tui ở Bến Ngự.
- Rứa trên Từ Ðàm có ai
chạy được không?
Người đàn ông chưa kịp
trả lời, má tôi đã nóng ruột:
- Con trai, con dâu,
con gái với một bầy cháu kẹt trên đó.
Người đàn ông nói mà
đôi môi vẫn còn lắp bắp:
- Tui ở phía dưới cầu,
sát bờ sông lận. Trên Từ Ðàm thì chịu, họ canh gác dữ lắm.
- Không ai chạy được
hết?
- Chắc không.
Tôi nghe tiếng thở dài
đầy vẻ tuyệt vọng của má tôi. Người đàn ông vẫn còn ấp a ấp úng, môi vẫn run
lập cập:
- Nhà tui không còn một
miếng ngói.
Thái hỏi:
- Mần răng bác chạy
xuống đây được?"
- Nhà tui chưa trúng
đạn cậu, mà tiếng dội cũng bay hết ngói. Hai cha con tui núp trong hầm cả ngày,
rứa là nhịn đói gần ba hôm rồi. Khi ngớt tiếng súng, tui bò lên miệng hầm. Ghê
quá, dễ sợ quá. Nhà cửa xung quanh sập hết, không còn một bóng người. Vậy là
tôi xuống hầm kéo con gái chạy như điên ra khỏi nhà. Tôi đạp không biết bao
nhiêu xác người, tôi nghe không biết bao nhiêu lời rên trong đám gạch. Kệ, cha
con tui chạy bán sống bán chết tới nơi ni thì hết sức đành ngồi đại xuống
đường.
- Rứa giữa đường không
gặp họ răng?
- Thiếu giống. Họ mắc
đào hầm, mắc chở người bị thương, nhờ rứa mà mình chạy được. Con nhỏ của tui
hắn sợ quá hắn té xuống đường mấy lần, nằm run như lên kinh phong, tui phải kéo
đại nó, tay chân nó trợt hết trơn trọi.
- Ông chỉ có hai cha
con thôi hà?" Một người nào đó hỏi trong bóng tối.
- Dạ tui còn vợ với
thêm mấy đứa nhỏ nữa. Ngày mồng một, mạ con nó về dưới Bao Vinh rồi, về dưới
quê. Khổ quá bà con ơi, không biết dưới đó có răng không, vợ con tui mắc kẹt
dưới đó rồi.
- Ôi, ai có sức nấy lo.
Biết mình có sống không mà lo nữa chớ.
Má tôi hỏi con bé:
- Cháu còn đói không?
Không nghe tiếng con bé
trả lời, người đàn ông nói:
- Bà hỏi răng con không
nói? Dạ thưa bà nó sợ quá rồi như khùng. Mấy ngày nằm dưới hầm vừa đói vừa sợ,
nó như bị điếc rồi rứa. Thôi, chuyến ni thì chết hết chả còn chi nữa bà con ôi.
Tui đi mà đạp lên bao nhiêu xác chết. Ðạn đằng sau, trước mặt. Tui tưởng không
tới đây nổi trông thấy bà con.
Người đàn ông như nghẹn
ngào muốn khóc. Có tiếng trẻ con khóc, tiếng người đàn bà trẻ cằn nhằn:
- Thôi để tui ngủ ngoài
hầm cho rộng, vô đây chật quá thằng nhỏ chịu mô có được.
Tiếng người đàn ông:
- Mả cha mi, chết tới
nơi còn cãi. Cha mạ con cái ở một chỗ hết. Có chết chết cả gia đình cho trọn
chớ người sống kẻ chết thêm tội.
Người đàn bà thút thít
khóc. Bên ngoài, ánh hỏa châu thả sáng cả vòm trời. Tiếng súng lại bắt đầu nổ.
Không biết đánh ở miệt nào nữa, vì tôi nghe như miệt nào cũng có súng. Ðêm có
tiếng chân đi sàn sạt bên ngoài, mọi người nín thở. Ðứa con gái với người đàn
ông vừa tản cư tới ban chiều không có chỗ nào, hai cha con dựa lưng vào bệ xây.
Ðứa con gái thỉnh thoảng kêu: Ba ơi, con sợ quá. Người đàn ông vỗ về: Ðừng sợ,
không răng mô.
Có tiếng kêu cứu rồi
tiếng súng nổ. Thái cầm chặt tay tôi thì thầm:
- Nó ám sát.
Tôi nhớ lại khuôn mặt
anh lính giải phóng gác nơi cầu khi chúng tôi đi qua. Một anh lính Bắc Việt ngờ
nghệch, anh nhìn ai cũng ra bọn Mỹ Ngụy hết. Anh la hét, cấm đoán rồi cuối cùng
mọi người cũng chạy được hết qua cầu. Tôi nghĩ chắc anh không trông thấy gì
ngoài đàn ông, đàn bà, con nít chạy loạn, còn bọn Mỹ Ngụy chỉ một đêm nổ súng
là chết hết rồi. Tôi nhớ tới một đồn binh trống trơn không một người lính gác.
Tôi cũng không nhìn thấy một xác nào vắt ngang hàng rào. Như thế là nghĩa lý
gì, đêm đầu tiên không nổ súng không tấn công đồn là gì? Vô lý, bao nhiêu lính
trong thành phố đều chết. Người đàn ông tản cư tới hồi chiều vừa cho biết là
Việt cộng vẫn chưa lấy được một đồn binh nào, nhưng đồn binh nào cũng bỏ không.
Người đàn ông còn cho
biết quân giải phóng như bóng ma, họ ẩn đó hiện ra đó, và trong ba đêm nằm dưới
hầm anh tưởng tượng như trên hầm lúc nào cũng có người đi qua đi lại, nhưng khi
anh liều chạy lên thì ngôi nhà đổ nát của anh như đã hoang vắng từ lâu lắm.
Ðêm đến, không khí nặng
nề đến ngột thở. Thêm một vài người tản cư tới và căn nhà thờ họ như hết cả
không khí. Mùi súng đạn đã lan tràn tới nơi. Mà tiếng súng khắp nơi đang dồn về
thật. Nửa đêm, vài tiếng kêu thất thanh ngoài ngõ, ngoài bờ sông. Tiếng chân
chạy thình thịch. Có cả tiếng đào đất nữa. Tôi không còn biết sợ những xác chết
banh đầu cụt tay cụt chân nữa, nhưng trong chút không khí chia sớt nhau trong
căn nhà thờ họ tối tăm, tôi có cảm tưởng như mùi tử khí đang lấn dần và nếu ở
lại thêm một vài ngày nữa, chúng tôi sẽ chết vì ngộp thở, vì bịnh hoạn.
Ðến sáng hôm sau thì
khu xóm này hoàn toàn ngập tràn tiếng súng. Ðạn đại bác câu tới nơi, rồi súng
lớn, súng nhỏ. Nằm dưới bệ thờ chúng tôi nghe cả tiếng xe hơi chạy ngoài đường
nữa. Thái áp tai xuống đất, cố tìm coi miệt nào đánh nhau. Một vài gốc cây ở
ngoài sân bị trúng đạn, ngã gục. Thái đoán chắc đang đánh nhau ở miệt chợ. Có
thể đánh ở bên kia sông rồi. Nó bàn đi bàn lại là phải chạy. Có thể đêm nay họ
đánh tới khu xóm Tân Lăng này. Má tôi nghe nói thì run lẩy bẩy ôm chặt lấy tôi:
- Mần răng chừ. Má chết
đã đành, còn con, con còn hai đứa con, ai nuôi nó con ơi.
Tôi cắn chặt hai hàm
răng lại. Trong thành phố này đã bao nhiêu người chết rồi, bao nhiêu trẻ con,
người lớn, bao nhiêu bà mẹ bỏ ra đi để con bơ vơ. Nhưng những đứa trẻ đó biết
có sống được đến khi dứt trận giặc? Khi ở trong nhà thờ, tôi đã nhìn thấy một
số trẻ con cha mẹ bị đạn chết, chạy theo đoàn người di cư. Chúng chạy qua chạy
lại ngơ ngác, bị người này nạt, người kia la. Ðói quá, chúng cướp giật của
người khác. Nếu tôi chết đi hay nếu tôi không chết mà mất luôn chúng nó?
Hình ảnh người đàn bà
ôm xác chết của con đã sình thúi trong ngôi nhà thờ nơi tôi chạy tới mấy ngày
đầu đã làm tôi tan nát ruột gan.
Một giờ đồng hồ sau,
đợi cho tiếng súng im giây lát là chúng tôi chạy ra khỏi ngôi nhà thờ, mỗi
người ôm theo những thứ còn sót lại, xách quần áo, cái chăn Bé lấy được khi ở
cung An Ðịnh. Thái chạy ra trước tiên, chúng tôi chạy ra sau. Mấy ngày liền mới
trông thấy ánh sáng, dù ánh sáng đã bị ngộp trong làn mưa bụi tẻ lạnh. Khi
chúng tôi tràn ra khỏi nhà thì một số người khác cũng tràn ra theo. Hai cha con
người đàn ông chạy ra phía bờ sông, Thái vẫy chúng tôi lên miệt đường rầy.
Nhưng vừa ra khỏi nhà một đoạn, chúng tôi lại bị vây hãm giữa tiếng súng nổ ran
bốn mặt.
Lại đánh nhau. Thái hô
mọi người nằm xuống đường. Cứ lăn vào bụi cây, vào mé đường. Chúng tôi nằm dồn
đống lại với nhau. Hai cha con người đàn ông nằm xuống. Ðại bác lại câu lên,
ình ình khắp bốn mặt. Tiếng súng cũng như vây tròn theo chúng tôi vào giữa. Một
ngôi nhà trúng đạn lửa bốc cháy. Trẻ con, người lớn từ trong nhà chạy ra. Lửa
cháy lan sang nhiều căn nhà khác, nhiều người nữa chạy ra. Tiếng la tiếng khóc
như ri. Phía trước bụi súng mù mịt, phía sau người đàn ông cho biết là đang
đụng độ lớn. Chỉ còn nước xuyên qua hẻm, tìm lấy một chỗ núp khá yên ổn hơn.
Một quả đại bác nổ ình cách chúng tôi vài chục thước. Chúng tôi như bị chôn
trong mảnh đạn và bụi mù. Lạy trời phật, không ai bị hết. Khi khói đã tan,
chúng tôi không nhìn thấy hai cha con người đàn ông nữa. Họ đã chạy trước khi
quả đạn nổ hay trong khi khói đạn đang bốc mù rồi. Thái hô lớn:
- Cứ chạy đại lại hố
đại bác vừa nổ mà nằm.
Người tôi run lên cầm
cập, chạy không vững nữa. Kệ. Thái đẩy tôi, tôi đẩy má tôi, má tôi đẩy Bé, và
cứ đẩy đằng sau đằng trước. Thái cũng dí chúng tôi xuống hố đất bị đào sâu, còn
bốc mịt mờ bụi khói và thuốc súng.
- Nằm đây. Không thể có
hai quả rơi một chỗ mô bác. Tụi con đi trận tụi con biết mà.
Câu nói của Thái giúp
tôi yên tâm được đôi chút. Nhưng sao người tôi vẫn cứ run lên cầm cập. Gần một
tuần lễ. Bộ quần áo vẫn chưa được thay, chiếc áo mặc ngoài đầy những vết máu
khô và bắt đầu hôi. Thái lăn người sát cạnh tôi:
- Chị đừng run, chị
phải bình tĩnh cho bác đỡ sợ.
Má tôi mở đôi mắt lờ đờ
nhìn tôi. Ðôi mắt của sợ hãi, của vẻ tuyệt vọng và sự lo lắng thương mến tôi vô
bờ. Tôi bật lên khóc. Lúc này tôi bớt sợ chết thật. Tôi có má bên cạnh, có chết
má con tôi cũng nhìn thấy mặt nhau. Có tiếng khóc lóc từ phía xa vọng tới. Tôi
mở mắt hé nhìn. Từ trong đám khói lửa, trong tiếng bom đạn ở đằng trước, một
người đàn bà và một đứa bé đang đẩy cái xe bò đi đến. Bà vừa đi vừa khóc vừa
kêu gào:
- Chúa ở mô. Phật ở mô.
Trời ơi.
Trên xe, xác một người
đàn ông máu me bê bết đã chết cứng, mắt còn mở trừng. Xác chết không kiếm được
một chiếc áo để đắp. Thái nhảy lên khỏi miệng hầm, nó cổi cái áo khoác ngoài
màu nỉ sọc đỏ đắp lên mặt người đàn ông. Người đàn bà và đứa nhỏ cứ thế hì hục
đẩy chiếc xe về phía trước mặt cũng đang rền vang đạn lửa. Tôi nắm chặt lấy tay
má tôi:
- Má.
Tôi chỉ kêu lên được có
một tiếng rồi nghẹn ngào. Má tôi vẫn nhìn tôi với đôi mắt lờ đờ đó. Thái nhảy
xuống hố, chùi hai tay vào quần:
- Bà đó mần răng cũng
chết. Dưới nớ đánh nhau dữ lắm.
Tiếng đại bác vẫn câu
lên đều đều. Tôi đoán được một vài tràng súng ở trong những khu vườn bắn ra.
Thái đề nghị:
- Chắc lại sắp đánh
nhau tới phía ni rồi. Chạy, chạy gấp bác.
Nói xong là Thái nhảy
đại lên miệng hầm. Bé bế con cho vợ nhảy lên theo. Thây kệ đồ đoàng, nhiều thứ
bị vất lại dưới hố bom. Thái dẫn đầu, Bé đi cuối để dò đường. Chú tôi dắt tay
đứa con gái lớn của Bé. Con nhỏ sợ quá đái cả ra quần, hai ống quần sát vào
nhau, nó bước không được bị lôi đi sền sệt. Thái một tay xách cái xách quần áo
của má tôi, lưng cõng thêm thằng con trai lên ba của Bé. Má tôi ôm cái mền
trước ngực như muốn che chở tấm thân gầy ốm của bà. Tôi đi trước má tôi, đằng sau
lưng Thái. Chú tôi đi gần sau cùng, vừa đi vừa cằn nhằn. Ông vừa đói vừa sợ
chết lại vừa thèm rượu:
- Ði tụm lại như ri
nguy hiểm lắm. Chạy mau tìm chỗ núp. Họ tràn tới nơi rồi.
Ở trong các khu vườn,
tôi nhìn thấy có đầu người lố nhố. Chắc họ núp dưới hố cá nhân. Những họng súng
hờm sẵn trên miệng hố. Những bụi cây sột soạt. Có tiếng nạt nộ ở trong một bức
thành đổ nát:
- Chạy mau, chết đến
nơi rồi đó.
Lại một giọng nói lơ lớ
miệt ngoài. Tôi như bị ma đuổi, chạy bỏ cách khoảng má tôi tới mấy chục bước.
Nhưng không kịp nữa
rồi, trận chiến đã kéo tới nơi. Tiếng súng bắn như mưa, chúng tôi bị kẹt giữa
hai làn đạn.
- Chạy."
Thái hô lớn. Chúng tôi
chạy.
- Nằm xuống.
Chúng tôi lại nằm
xuống. Người tôi không còn tự chủ được nữa mà bị điều khiển theo tiếng hô của
Thái. Trong trí tôi hầu như đã hoàn toàn trống trơn, sẵn sàng tuân lệnh bất cứ
lời sai khiến nào.
- Không xong rồi.
Thái đẩy má tôi, chú
tôi, gia đình Bé và Thu vào một ngôi nhà. Nhưng người núp bên trong không chịu
mở cửa. Chúng tôi lại chạy, chạy lạc từ khu đang đánh nhau này qua khu đang
đánh nhau khác và tôi không còn trí nhớ để nhận ra nơi mình đến là vùng nào
nữa. Tiếng súng gần quá, trở lại đằng sau cũng không được, tiến tới nữa cũng
không được. Ðoàn người đi trước có nhiều người bị thương đang nằm dẫy chết giữa
đường, cạnh những xác chết cũ đã sình to, muốn búng nước. Tôi phải nhảy vào một
bụi cây để tránh xác một người đàn bà chết bên cạnh đôi thúng gióng và chiếc
đòn gánh còn nằm tựa bên vai. Vũng máu đã khô bong từng miếng trộn với cát bẩn.
Bên cạnh những xác người bị banh ngực, bể đầu, cụt tay chân, những cánh tay
khúc chân mất biệt như có ai đến đánh cắp. Tôi nghĩ đến đàn chó hoang mấy ngày
nay lang thang trong thành phố, nhưng tôi không còn đủ sức để sợ hãi nữa. Bây
giờ phải chạy để thoát đã. Một vài người bị thương đang nằm rên rỉ, những cánh
tay chờn vờn đưa theo níu lấy ống quần, vạt áo. Những tiếng kêu xin:
- Ðem tôi theo với. Cứu
cho với, trời ơi.
Nhưng tôi vẫn đạp qua
họ mà đi, nhiều người khác cũng đạp qua họ mà đi. Tôi bị một bàn tay níu lấy
ống chân quần. Tôi giựt mạnh, tiếng vải rách soạt. Mặc kệ, tôi phải sống trước
đã, dù sống thêm một giây, một giờ hay mấy giờ đồng hồ nữa.
- Chỗ ni nguy hiểm lắm,
chắc họ sắp đụng nhau tới nơi rồi.
Thái nói chưa dứt câu
đã nghe những tiếng chóc chóc từ trong các khu vườn nã xuống phía bờ sông. Phía
sông, từng loạt tiểu liên đại liên nã lên dữ dội. Thái không kịp thêm ý kiến gì
nữa. Nó nhảy phóc lên khỏi hố bom:
- Chạy.
Chúng tôi chạy theo.
Tiếng đạn từ các vườn dưới mặt sông bắn loạn xạ. Không thể chạy nổi nữa, chúng
tôi bò lăn dưới đất.
- Cứ bò tới, cứ lăn lăn
tròn, lăn theo con nì.
Thái hô lớn nhưng nghe
tiếng được tiếng mất:
- Bác chạy nơi chỗ nớ
tề. Chạy ra đằng sau bức tường đó.
Thái cầm chặt tay tôi
lại:
- Ðể bác chạy trước
chị.
Chú tôi, má tôi, vợ
chồng Bé, mấy đứa nhỏ vùng dậy chạy thoát ra phía bức tường. Thái kéo tôi: Chạy
mau. Nhưng chóc chóc, hình như một lằn đạn từ sau bức tường bắn tới. Nằm xuống.
Thái kéo tay tôi, hai chị em lăn đại xuống đất. Cố bò tới, cái cửa nhà tề. Giữa
bom đạn, giữa khói súng, ngôi nhà gạch còn đứng vững, hình như chưa bị một vết
đạn nào. Ngôi nhà sừng sững như một phép lạ. Thái khom người giơ chân đá vào
cánh cửa. Cánh cửa bật mở dễ dàng. Tôi lao người vào.
Nhưng cái gì thế kia?
Tôi nhảy một bước vào bên trong rồi hai chân như bị keo dính chặt, không tài
nào cất lên nổi nữa. Tôi đưa tay lên miệng, tôi há mồm muốn kêu. Nhưng tôi như
đã chết đứng rồi.
Trước mắt tôi, xung
quanh tôi đầy xác chết. Người nằm sấp, kẻ lật ngửa. Người co rúm lại, kẻ đang
trợn trừng mắt tay chân khẳng khiu. Những miếng thịt, những vũng máu bê bết
khắp nền nhà. Chân tôi không thể bước tới mà cũng không còn chỗ bước lui được
nữa.
Không biết nhờ đâu tôi
còn được sự phản ứng khi mới bước chân vào nhà. Hình như khi bước chân tôi chưa
chạm đất, mắt tôi đã chạm phải cảnh hãi hùng bên trong căn nhà, và một sức mạnh
nào đó đã đưa bàn chân tôi bước tránh được những vũng máu. Chỗ đó hình như cũng
chỉ vừa cho một bàn chân. Còn một bàn chân chỉ dính hờ xuống chạm gót.
Tôi muốn kêu rú lên,
muốn ngã vật xuống ngất xỉu. Nhưng không, tôi còn nhận ra được những vũng máu,
những cánh tay, khúc chân, tôi phải cố đứng.
Rồi sự kinh hãi nén
chặt quá, dồn từ chân lên đỉnh đầu, từ đỉnh đầu xuống chân, bật dùm tôi được
một tiếng kêu lớn. Thái đã đứng sẵn sau lưng tôi rồi. Người tôi bị xốc nổi lên,
và Thái vác tôi lên vai, mặc súng đạn, mặc nguy hiểm, chạy như bay ra khỏi căn
nhà ghê rợn.
Khi tôi tỉnh dần lại
thì Thái cũng vừa đặt tôi xuống đất. Những vũng máu của ai vẫn còn vương vất
trước mắt tôi. Không, không phải, tôi dụi mắt, máu thật, máu thành giọt, máu
đọng vũng quanh mấy xác chết còn tươi.
- Bác đâu?
Tôi hỏi Thái. Nó đưa
tay lên chùi mặt, vừa nói:
- Góc tường đàng nớ tề.
Má tôi, chú tôi, và Bé
chạy lại.
- Trời ơi. Tưởng chị
với Thái lạc mất rồi chớ.
Má tôi chụp lấy vai
tôi:
- Ngồi xuống, ngồi
xuống con.
Mắt tôi hoa lên, tôi
thấy những tàng lá xanh trước mặt lây lất rồi xoay tít. Giữa những vòng xoay
tít mù đó, như có những giọt máu, những cánh tay, khúc chân ai quay theo nữa.
Nhiều tiếng đạn bay,
nhiều tiếng nhà đổ. Tôi nằm lăn ra đất. Cách chỗ tôi khoảng mươi thước, một
người đàn ông đang bò tới gần.
- Cứu tôi với, cứu tôi
với bà con ơi.
Ngực và cánh tay ông ta
máu chảy ròng ròng, tôi lăn sát sát vào Thu. Thu rú lên. Chú tôi bịt miệng nó
lại. Người đàn ông lết tới gần dần. Miệng ông không ngớt kêu la. Ông đưa cánh
tay đầy máu của ông lên mút, miệng ông đỏ lòm, hai mắt ông trợn trừng. Tôi thấy
ông lăn tròn một vòng rồi dẫy đành đạch. Mắt tôi lại hoa lên. Tôi bấm vào tay
mình thật chặt rồi úp mặt xuống đất.
Tiếng súng xa dần được
một quãng, rồi có tiếng chân chạy thình thịch, tiếng hô lớn. Tiếng chân dội vào
tai tôi, như bước cả qua đầu tôi nữa. Tiếp theo những tiếng nổ lách cách, mặt
tôi nóng rực. Thái dựng tôi dậy:
- Chạy gấp, không chết
cháy chừ.
Tôi níu áo Thái, đạp
bừa lên người chết, người sống. Tôi gọi má ơi má hỡi. Tôi nghe tiếng gọi của
tôi như tiếng gọi cuối cùng của một con người sắp chết.
- Má đây con ơi.
Tôi nghe tiếng má tôi
trả lời, tiếng má tôi khóc nữa. Tôi chưa chết. Tôi vẫn còn nghe, còn thấy, còn
sống hẳn hoi mà. Tôi lại tiếp tục chạy.
Tiếng súng bỗng thưa
dần. Chúng tôi vẫn chạy. Tôi cứ nhắm sau lưng Thái mà chạy theo. Nhiều bàn tay
dưới đất vươn lên với tôi, nhiều tiếng van xin cầu cứu. Tôi cũng muốn la to:
- Ai cứu tôi với đây.
Tôi còn sức lực gì nữa.
Cho tới khi tôi xô vào
lưng Thái và dừng lại thì cả gia đình tôi đã ngồi xuống bên đường. Tiếng súng
đã thưa lắm rồi. Ðại bác cũng ngưng. Tôi mở bừng mắt. Tôi không còn cảm thấy
mắt mình hoa lên nữa. Như vậy là lúc nào mình có cảm tưởng sắp chết đến nơi mắt
mới hoa. Bây giờ tôi yên tâm sống rồi. Chúng tôi đang ngồi bên đường rầy xe
hỏa. Mấy đứa nhỏ vẫn còn nguyên lành đó sao? Tôi ngạc nhiên đếm tới đếm lui.
Chừng đó mạng người trong cơn lửa đạn mà vẫn còn đầy đủ. Nước mắt tôi trào ra,
nước mắt chú tôi, má tôi, vợ chồng Bé cũng trào ra. Con Thu ôm chặt thằng Cu
vào lòng, thằng nhỏ muốn thiếp đi vì sợ hãi. Thái vuốt ve con đường sắt cũ nói:
- Mình theo đường rầy
đi về nhà. Ðánh nhau khắp nơi rồi, về nhà đi bác.
- Về nhà họ đánh tới
mần răng?
- Chừ ở mô cũng rứa, ăn
thua may rủi bác ơi.
- Liệu nhà có còn không
hay tan hoang rồi.
Không ai trả lời được
câu này hết. Nhưng chiều hôm đó, trước khi trời tối, chúng tôi cũng lần mò tìm
được đường về nhà. Thái nói nhà tôi ở sát quốc lộ dễ xảy ra đụng độ lắm. Cuối
cùng, chúng tôi dọn lên nhà chú tôi ở sau đường rầy, gần sát mấy ngọn đồi nhỏ
phía chân núi Tam Thái.
Trước đó, để tránh
những cuộc pháo kích, Bé đã đào một cái hầm sâu dưới đất, phía trong nhà để trú
ẩn. Khi chúng tôi vô, cái hầm được sửa sang lại. Thái và Bé lo đào đất để đổ thêm
vào bao chất lên miệng hầm.
Tất cả các ngôi nhà kế
cận vẫn im lặng một cách lạ thường. Ngôi nhà sát nhà chú tôi bị một trái hỏa
tiễn ngay từ sáng hôm mồng một sập mất một nửa, mấy cây tre ở sau vườn ngả
nghiêng sập cả lên sườn nhà.
Chắc không còn ai ở
trong xóm hết, tôi nghĩ thế. Nhưng tối hôm đó, Thu phát giác ra có nhiều nhà
còn người ở. Nó khám phá ra những chấm đèn dầu nhỏ hoặc những tiếng động nhỏ bé
sợ sệt. Cả đêm đầu tiên ngủ trong hầm, chúng tôi nín thở, không dám phát ra
tiếng động. Thái nghi những dấu hiệu để báo động, có người trong nhiều nhà chưa
chắc là dân chúng trong vùng. Ðôi khi là "họ" cũng nên. Chúng tôi
thường dùng tiếng họ để chỉ Việt cộng và để tránh tiếng giải phóng. Thật không
gì mỉa mai tàn tệ bằng tiếng "giải phóng" khi nhìn cảnh đau thương
tan tành trong thành phố như thế này. Lúc vô con hẻm dẫn vào nhà chú tôi, tôi
cũng còn nhìn thấy lá cờ giải phóng rách bươm treo trên một cây ổi trước một
ngôi nhà sụp đổ.
Cả đêm, chúng tôi nghe
tiếng cú rúc liên hồi. Tiếng cú như tràn khắp bốn mặt như chất chứa một vẻ gì
thất thường. Mỗi lần tiếng cú kêu, tôi có cảm tưởng như lưỡi hái của tử thần từ
trên bầu trời đen điu đang chém xuống sẵn sàng trúng bất kỳ ai, đồ vật gì.
Gần về sáng, tôi nghe
có tiếng chân người ngoài vườn. Tiếng chân rất khẽ, khi gần khi xa. Chúng tôi
bấu chặt tay nhau. Bé sẵn sàng đặt tay lên miệng đứa bé nhỏ nhất mới sinh hơn
tháng, để sẵn sàng bịt chặt lấy miệng đứa bé lỡ nó la khóc.
Nhìn bàn tay to lớn của
đứa em bịt hờ trên miệng đứa bé, lòng tôi bất nhẫn đến đau xót. Chỉ một tiếng
chân dừng lại trên miệng hầm, chỉ một lóe đèn pin chiếu xuống và đứa bé chưa
kịp ré lên thì bàn tay đã chặt cứng miệng nó. Chỉ vài cái dẫy dụa rồi thôi. Ðêm
nay có bao hầm sâu câm nín tiếng khóc trẻ em? Ðã có bàn tay nào bóp mạnh miệng
một đứa bé chưa? Và những bộ mặt người lớn vừa xót thương mình vừa bất nhẫn
trong một không khí độc địa như sẵn sàng quật chết tươi người.
Nhưng rồi một đêm nữa
cũng qua, chúng tôi ngạc nhiên thấy mình còn sống giữa một xóm vắng hiu. Nhưng
chúng tôi đã lầm, còn vài nhà có người ở, họ là những ông già, bà già không
chạy theo con cháu được, hoặc một vài gia đình sợ quá ở lì.
Sáng hôm sau, tôi nghe
nhiều tiếng động, nhiều khuôn mặt ló ra. Ðợi tiếng súng thưa, một bà lão bò
sang thăm chúng tôi rồi không dám về nữa. Nhờ bà lão, tôi biết thêm trong xóm
mấy hôm nay đầy quân giải phóng và hiện giờ họ đang đào hầm đào hố ở chân núi.
Trong khi sát đó, đồn
Trường Bia vẫn đầy lính Quốc gia và nơi ngọn núi sau đồn đã nã đi những trái
đại bác lên miền Long Thọ, Kim Long. Má tôi kêu trời là dại quá mới về gần họ.
Thái kéo tuột bà lão xuống hầm:
- Ðừng để họ biết mình
về.
Nhưng bà lão cả quyết
rằng ban ngày họ lên sau đồn hết, họ không biết được. Bà dặn thêm: tuyệt đối
không thắp đèn.
Buổi trưa, một gia đình
trong xóm tìm về, căn nhà của họ đã sập, họ xin đào hầm ngay trong nhà chú tôi.
Bà lão ở mãi cho tới chiều, có đứa cháu nhỏ chạy qua đón về, nhà bà lão chỉ
cách nhà chú tôi một cái sân và con đường hẻm hẹp.
Các trận đánh vẫn diễn
ra ở xung quanh. Ðêm đến, chúng tôi lại nín thở dưới hầm. Chúng tôi chờ đợi
điều may rủi, nhưng điều may thật mong manh, cả nhà đều đói lả nhưng cũng chẳng
còn ai đủ sức than thở nữa.
Còn một sự chờ đợi đầy
kinh hoàng nữa. Một tiếng nổ mà chúng tôi không kịp nghe, không kịp hay biết gì
hết.
No comments:
Post a Comment