NHÃ CA |
7 - CHUYỆN TỪ THÀNH NỘI
Không hiểu
do một phép lạ nào mà ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn.
Chuyện gì? À, mấy ngày đầu. Mấy ngày đầu thì đâu có gì kinh hoàng. Cũng như các
vùng khác, đêm mồng một, chúng tôi nằm lăn sát đất, chui cả xuống gầm giường vì
tiếng súng bắn khắp mọi phía. Sáng ngày ra là Việt cộng đã đầy nhà, đầy vườn. Họ
đi lại ngoài đường đông nghẹt. Ðồng phục à? Không. Họ vận đủ các thứ quần áo.
Có tốp mặc áo ka ki hẳn hoi, nhưng phần đông họ mặc quần đùi. Ðặc biệt là người
nào cũng có đeo băng màu nơi tay, hoặc quàng khăn nơi cổ.
Chuyện gì xảy ra vậy? Huế mất rồi sao?
Chúng tôi nhìn nhau dò hỏi, muốn chạy qua hàng xóm hỏi thăm tin tức cũng không
được nữa. Ai ở yên nhà nấy. Và họ ra lịnh mỗi nhà phải tự đào hầm lấy bắt đầu tập
chịu đựng gian khổ để chiến thắng. Chúng tôi đã lấy được Huế, các nơi đang đánh
nhau, đợi toàn quốc chiếm được hết là thắng lợi. Quân giải phóng nói vậy.
Mấy ngày đầu vui lắm. Họ nấu cơm, ăn uống trong nhà chúng tôi. Nghe nói họ sẽ tổ
chức liên hoan nữa. Rồi họ chở đâu tới thiệt nhiều mứt bánh, nhất là bánh tét,
và họ ăn uống lu bù. Ăn như chưa bao giờ được ăn.
Hôm đầu tiên tôi sợ lắm, gia đình tôi cũng sợ cho tôi nữa. Tôi
là con một, lỡ có chuyện gì chắc mạ tôi không chịu nổi. Nhưng mấy ngày đầu thiệt
êm thắm. Tôi còn được nghe họ nói chuyện nữa chớ. Họ nói chuyện vui lắm. Em tôi
hỏi cả chuyện ngoài Bắc, họ nói đời sống ngoài Bắc no đủ. Nhưng nhiều anh cán
binh Bắc Việt nhìn mấy cô gái mặc quần ống chật, áo sơ mi hoa hòe thì tỏ vẻ ngạc
nhiên. Tôi nghe họ xì xào với nhau:
- Con gái ở trong này đẹp quá, ăn mặc đầy đủ quá.
Mấy chị nữ cán bộ thì ghét ra mặt. Bởi vậy, qua ngày thứ hai, các cô gái Huế
trong thành nội biết được sự không ưa thích đó và thay đổi lối ăn mặc liền. Mấy
ngày đầu êm ru, thỉnh thoảng lắm mới nghe tiếng súng nổ xa thiệt xa, đâu phía
bên hữu ngạn, mà tận vùng ngoại ô, không ai để ý nữa.
Có mấy nữ cán bộ vác xe của thiên hạ ra tập. Nhiều nhà đã trốn ra Gia Hội được
từ hôm đầu, ngay tờ mờ sáng. Họ đi thật là dại, ban đầu chúng tôi nghĩ thế. Nhà
họ bỏ không, mấy cô nữ cán bộ tha hồ mà vào lục lọi. Vật mà các cô ưa thích nhất
là xe đạp và xe Honda. Nhìn thấy các cô cán bộ xăn áo xăn quần đến háng mà tập
xe đạp thì không nín cười được. Nhưng buồn cười mà đâu có dám cười, chúng tôi
lo sợ cho tương lai lắm. Chưa biết rồi sẽ ra sao. Mấy anh lính Việt cộng có vẻ
lạc quan. Toàn quốc thắng trận, đồng bào yên tâm. Họ báo tin cho biết vậy. Và ở
trong thành nội, chúng tôi ngạc nhiên thấy họ tràn vào khơi khơi, tôi không thấy
có vẻ gì là đụng độ, đổ máu cả. Chắc tại tôi không ra khỏi nhà. Ngay từ sáng
tinh sương ngày mồng hai, má tôi đã đóng chặt cửa lại, chúng tôi chỉ được nhìn
ra đường qua kẽ hở.
Nhưng dù qua một kẽ hở rất nhỏ, tôi cũng nhìn thấy ngoài đường rất đông người
đi lại. Các anh lính Việt cộng đều mang băng xanh hoặc băng trắng nơi cánh tay
áo.
Không khí đường phố thay đổi thật đột ngột, bên cạnh những khuôn mặt lo lắng
núp sau những cánh cửa, có những bộ mặt tươi cười, ra chiều hết sức hớn hở. Nhà
ông giáo Kê, một người đàn ông đứng tuổi đã bỏ nhà đi tập kết hơn mười năm, bỗng
xuất hiện. Ông ta có một bà vợ hàng ngày đi bán chè và một cậu con trai khoảng
chừng 17, 18 tuổi. Sự xuất hiện của ông giáo Kê làm mọi người lo lắng. Mạ tôi
nói giọng run run:
- Thôi chết rồi, ông nớ về là ông biết hết trong vùng ni, thế nào ông cũng bắt
bớ lung tung cho coi."
Tuy lo vậy, nhưng nhân vật ông giáo Kê cũng chưa làm cho chúng tôi kinh hoàng bằng
hai căn nhà ngay ở đầu đường Nguyễn Hiệu bỗng trở thành nơi ra vào tấp nập của
các anh cán binh Việt cộng. Người ta đồn với nhau có hai nữ sinh viên là cán bộ
nằm vùng. Hai cô ở ngay căn nhà đầu đường, có người trông thấy hai cô mặc quần
tây, áo sơ mi, đội nón lá đi đi lại lại trên đường, lưng đeo súng lục kiểu Tiệp
Khắc. Tôi không biết được tên của các cô, nhưng người ta cho biết hai cô là
sinh viên trước ở Sài Gòn. Tôi đoán một vài tên trong số bạn cũ quen thuộc,
nhưng chưa có gì làm bằng cớ chắc chắn.
Cũng nơi đường Nguyễn Hiệu, một ông thợ mã trước theo Việt cộng, đã trở về hồi
chánh nay trở thành cán bộ nằm vùng. Người ta lo nhất là bộ mặt này. Anh ở đây
đã lâu, và thế nào anh cũng lập công, chỉ điểm một số thường dân. Má tôi lo lắng
hỏi tôi có làm chi cho ông ta thù oán không. Tôi suy nghĩ mãi không tìm ra chuyện
gì, tuy nhiên tôi cũng không an tâm. Mấy ngày liền tôi không dám ra đường. Má
tôi hễ thấy mặt tôi ló nhìn ra khe cửa là lôi lại, kéo tuốt vô trong buồng,
đóng cửa kín mít.
Nhưng mấy ngày qua, tôi chưa thấy chuyện gì lạ xẩy ra, ngoài việc các người lính
Việt cộng vào từng nhà bắt đi học tập. Tôi lại được mạ tôi đem dấu trên trần
nhà. Con em gái tôi phải đi học tập. Khi về, nó cho biết là lớp học được tổ chức
ở nhà ông giáo Kê. Tôi hỏi học những gì, nó cho biết là người ta yêu cầu các cô
vào từng ban, ban cổ động, ban cứu thương, ban tiếp tế. Tôi hỏi nó chọn ban gì
thì nó chỉ cười lắc đầu:
- Em run bất chết. À, em có gặp...
Tôi hỏi nó gặp ai thì nó làm thinh, mặt lộ vẻ sợ hãi. Tôi gạn hỏi thêm mấy lần,
nó vẫn không dám nói. Nó còn tiết lộ cho tôi biết là thanh niên sinh viên bị bắt
đi học tập đông lắm.
Cả ngày hôm đó, tôi không ăn cơm được, tôi cảm thấy cổ họng khô đắng. Hình như
tôi sắp cảm nặng. Câu nói nửa úp nửa mở của đứa em gái làm tôi không an tâm. Tối
hôm đó, tôi rời khỏi trần nhà xuống đất nằm, tôi hỏi lại nó. Lần này giọng nó
run run như sắp khóc:
- Em gặp cô Ðoan, cô Ðoan ở đầu đường mình đó anh.
- Hai cô lận mà?
- Thì cô Ðoan với cô Kim ở đối diện nhà nhau đó.
- Nó có nhìn ra em không?
- Có, nó hỏi anh đi mô mà không tới học tập, em nói anh đi về quê hôm hăm tám Tết.
Nó cười, nói ngày mồng một nó gặp anh đi ra cửa Ðông Ba với anh Hạo, anh Toàn.
Em lo quá.
- Rồi em trả lời răng?
- Em làm thinh.
- Nó nói chi nữa không?
- Có, nó khuyên em nên gia nhập mặt trận liên minh, hòa bình chi đó. Em cứ làm
thinh. Nó nói em giúp nó được. Nó hẹn sẽ gặp em sau.
- Em thấy thầy Ðóa đi họp không?
- Em không thấy thầy mô hết.
- Còn ông giáo Kê về ra răng?
- Ông giáo Kê diễn thuyết hăng lắm. Em sợ quá chả nghe gì hết, mà có nghe cũng
không hiểu. Anh nì, ông đi tập kết về râu dài tới ngực, coi dễ sợ quá. À anh,
em thấy hình như có anh Ðắc nữa.
- Ðắc?
Tôi kêu lên sửng sốt. Thôi chết rồi, Ðắc đã trở về. Nhưng tôi không tin Ðắc có
thể là một người cộng sản được. Ngày trước, tôi cũng có chân trong nhóm tranh đấu
với Ðắc. Ðắc thường tâm sự là anh không thể chấp nhận cộng sản. Rồi một thời
gian sau, vì bị theo dõi, ruồng bắt, Ðắc trốn đi.
Có người nói Ðắc với Ðoan với Ngọc cùng trốn một lượt. Lần này Ðắc trở về, chắc
Ngọc và Phan cũng trở về rồi. Tôi thầm lo ngại, ngày trước Phủ có một cô nhân
tình cũng ở trong thành nội này, sau khi Phủ đi ít lâu, cô tình nhân đã vội
thay lòng đổi dạ theo một người khác. Ngoài việc bị khổ sở vì trốn tránh, Phủ
còn mất luôn người yêu nữa. Lần này nếu trở về, chắc Phủ sẽ đau khổ ghê lắm. Liệu
chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi hỏi gặng mãi em gái tôi có nhìn thấy Phủ không. Có ai
nhìn thấy Phủ không? Nó quả quyết là nó không thấy, cả bạn bè của nó đi họp
cũng nói không thấy. Tôi hơi yên tâm và mừng thầm cho kẻ phản bội. Nếu Phủ trở
về, thêm một mối thù hận nữa, cô bé thay lòng kia chắc cũng không tránh được hậu
quả thương tâm. Nhưng em gái tôi cười gượng:
- Anh tưởng về tới Phủ mới biết răng! Em tin là Phủ không chấp nhận mô. Nhưng
Phủ và Ngọc không có mặt ở nội thành."
Tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại bạn bè cũ. Dù Ðắc, dù Ngọc, dù Phủ có bỏ đi, có
theo lý tưởng nào nữa, dù thù nghịch với tôi, tôi cũng vẫn còn giữ những kỷ niệm
về họ. Tôi tự tin tôi, tôi tin bạn bè. Trước đây, Ðắc đã bị dồn đến bước đường
cùng, phải trốn theo bên kia, nhưng sự có mặt của Ðắc không còn làm tôi lo sợ nữa,
mà nghĩ tới Ðắc, tôi bỗng cảm thấy yên ổn hơn một chút. Tôi định bụng là phải gặp
cho được Ðắc. Tôi không tin là có chuyện gì sứt mẻ trong tình bè bạn. Ngày hôm
nay, hay ngày mai, thế nào tôi cũng có dịp gặp lại Ðắc. Tôi phải gặp. Tôi hỏi
em gái:
- Em có nói chuyện với anh Ðắc không?
- Em thấy một người giống như anh Ðắc thôi chớ em chưa dám nhìn. Anh ấy đeo
băng xanh, có súng nữa.
- Em coi bộ anh ra răng?
- Có vẻ trầm ngâm chớ không hách dịch như mấy tên cán bộ nằm vùng khác. Anh biết
xóm mình chán chi cán bộ nằm vùng, rứa mà mình biết chi mô.
Tôi hỏi tiếp:
- Rứa họ học tập cái chi?
- Thì như anh nằm trên nhà khi mai anh nghe đó. Họ tới nhà họ nói mời đi họp,
em định trốn nhưng cô Ðoan cô đứng đầu ngõ gọi ngay tên em nên phải đi. Họ nói
đi họp mà họ còn bắt học tập nữa. Rồi họ diễn thuyết, tuyên truyền về thắng lợi.
- Họ tuyên truyền răng?" Tôi nôn nao.
- Họ nói chiến thắng lấy được Huế là nhờ sự đóng góp của nhân dân. Vậy các trẻ
em về nhà tìm những khúc tre, khúc gậy ngắn rồi sơn đen, khi mô nghe tiếng máy
bay quân Mỹ ngụy tới thì đem ra chĩa lên trời để bọn Mỹ ngụy tưởng là súng, phải
khiếp đảm trước tinh thần chống đế quốc, tay sai của nhân dân Huế. Họ còn nói
là đồng bào đừng để cho một tên Mỹ ngụy, một tên Việt gian nào trốn trong nhà.
Gặp trường hợp đó phải báo cáo cho giải phóng biết ngay.
Tôi kinh hoàng:
- Việc xúi con nít sơn khúc tre giả làm súng có thiệt há?
- Em nghe rõ ràng nì. Họ còn tuyên truyền nhiều lắm. Nì anh, trước khi họp, các
anh giải phóng còn đọc khẩu hiệu, rồi đến 7 nhiệm vụ của đảng viên, rồi lời của
"bác" Hồ, em nhớ như ri thì phải: Trung với đảng, hiếu với dân, nhiệm
vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Họ hô lớn mà hô nhiều lần, em bất thuộc làu.
Tôi gắt: Kệ xác họ. Tôi đâu cần phải biết, phải nghe những khẩu hiệu trung
thành với bác với đảng. Chính những người lính Bắc Việt đi vô Nam, họ thuộc làu
những khẩu hiệu đó, nhưng chắc cũng có người không hiểu tại sao phải trung
thành, phải chết.
Nhưng lời tuyên truyền đó đã gây một hậu quả tai hại. Về sau, khi các trận đánh
diễn ra, không hiểu vì những tiếng súng ở các hố cá nhân bắn lên, hay vì những
dùi, gậy của các em nhỏ bị bắt ra chĩa lên trời mà máy bay bắn xuống như xối xả.
Suốt đêm đó, tôi không ngủ được. Sáng ngày ra đã phải lên trần nhà nằm. Em gái
tôi vẫn chạy qua hàng xóm dò tin tức, nhưng tôi không dám chường mặt xuống nhà
chớ đừng nói ra đường. Tôi sợ họ biết mặt. Nhất là ông thợ mã hồi xưa là Việt cộng,
nay về hồi chánh đã trở thành một cán bộ nằm vùng. Ông không ưa bọn sinh viên
như tôi. Rồi còn nhà ông giáo Kê nữa, cả cậu con mười bảy mười tám chi đó, ít
khi nói chuyện với tôi đàng hoàng. Em gái tôi đã nói dối là tôi bị kẹt lại ở dưới
quê, tôi sợ em tôi mang vạ vì sự có mặt của tôi nữa.
Ngay sáng hôm đó, trước nhà tôi, sau vườn tôi nghe có tiếng cuốc đất. Rồi một
lúc sau có tiếng lao xao dưới nhà. Tôi nín thở nằm yên nghe ngóng. Một giọng
nói đàn ông lớn tuổi, giọng Quảng Bình thì phải, và hình như nói chuyện với mạ
tôi:
- Mẹ phải cho đào hầm. Chúng ta còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Quân
Mỹ ngụy có thể đem máy bay tới thả bom để giết nhân dân. Nhưng không sao, chúng
sẽ thất bại nặng nề.
Tiếng chân đi rảo quanh nhà. Tiếng mạ tôi năn nỉ:
- Dạ nhà tui đơn chiếc, ba chúng nó khuất núi lâu rồi, chúng tui mạ góa con
côi... Dạ, bánh tét trong nhà làm... Dạ bánh cúng...
- Ở ngoài Bắc nhân dân ta ăn Tết vui lắm.
- Dạ.
- Năm nay, Bác cho chúng tôi được vào đây ăn Tết với nhân dân trong này. Gặp
các mẹ, các chị, chúng tôi sung sướng lắm.
- Dạ.
- À, tôi quên, giá gạo của bọn Mỹ ngụy bán bao nhiêu một bao?
- Dạ, mỗi tạ mấy nghìn, ba nghìn có, hai nghìn có.
- Bọn Mỹ ngụy bán cắt cổ, uống máu nhân dân. Ðợi khi giải phóng xong, gạo chỉ
bán năm trăm đồng một tạ.
- Dạ.
- Nhà mẹ có ai giúp đỡ đào hầm không?
- Dạ mạ con tui đào. Ngoài tui với con nhỏ, với thằng con trai lên mười ni còn
mấy đứa cháu. Còn có bà dì, bà ngoại. Dạ không dám làm phiền mấy ông.
Tiếng chân đi vào phía bàn thờ. Tôi đoán ra bước chân mạ tôi vội vã như muốn
ngăn lại:
- Dạ mấy hôm nơi bàn thờ dọn rồi.
Giọng đàn ông cười giả lả:
- Không, mẹ cứ việc cúng chớ.
- Dạ, cúng... Mà mấy hôm ni ai còn lòng dạ mô mà cúng. Hôm mồng một tưởng chết
rồi, nhờ ơn ông bà... Dạ thưa ở trong nớ không có chi hết. Dạ có bánh, bánh
tét. Dạ mời, mời ông... à mời... đồng chí.
- Cám ơn mẹ. Nhân dân miền Nam tốt với giải phóng quá. Chúng con hết sức ghi ơn
mẹ giải phóng...
Tiếng chân đi ra khỏi nhà rồi xa dần. Ðợi một lúc tôi ló đầu xuống, tấm cạc tông
che miệng trần nhà vừa hé ra, tôi đã thấy mặt mạ tôi nhìn lên, hai tay bà chấp
trước ngực:
- Tui lạy ông, ông ở trên đó cho tui nhờ. Chúng vừa vơ vét hết bánh trái rồi."
Tôi sợ má tôi lo lắng, vội rụt đầu lên và kéo miếng cạc tông lại. Suốt ngày hôm
đó, tôi nằm bẹp trên trần nhà. Ðợi lúc nào thật vắng, em gái tôi đưa cơm lên hoặc
rót cho ly nước lạnh.
Mấy hôm sau, họ ít vào nhà, có lẽ họ không còn hồ nghi gì gia đình chúng tôi nữa.
Cô em gái tôi vẫn cứ phải đi họp, đi học tập. Nó về mách với tôi:
- Ðúng anh Ðắc anh ơi.
- Nó có nhìn ra em không?
- Có. Anh cười nói: Con Hường em Khâm đây phải không? Mới đây mà lớn quá
hí." Em nhớ ngày trước anh Ðắc hay xoa đầu em lắm.
- Vậy em có sợ không?
- Không, anh hiền lắm anh ơi. Anh hỏi thăm anh, rồi hỏi thăm mạ nữa. Anh nói rảnh
anh tới thăm mạ.
- Trời ơi, em có khai anh trốn trong nhà không?
Hường cười:
- Em mô có dại. Anh ấy cũng không hỏi riết bắt bí em chi hết. Anh chỉ nói: Khâm
có sao không? Em nói dạ không. Rồi em nhớ ra nói liền:
Tại anh Khâm về mắc kẹt dưới nhà quê. Anh hỏi quê ở Bao Vinh phải không? Em gật
đầu, anh hơi giật mình. Anh có vẻ lo sợ cho anh nữa.
Tôi cảm động và tự thẹn thầm. Thì ra Ðắc vẫn còn là bạn tôi. Ðắc không hề thay
đổi gì hết. Vậy tại sao Ðắc trở về? Về với nhiệm vụ gì? Lòng tôi càng nôn nao
muốn gặp Ðắc hơn. Tôi ngỏ ý với Hường là muốn dự một buổi họp. Hường nói:
- Không được mô. Anh Ðắc thì hiền lành nhưng có mấy người khác dữ lắm. Họ nói
chuyện hung hăng thiệt dễ sợ.
Rồi Hường thì thầm vào tai tôi:
- Anh nì. Khi hồi ngang qua ngã ba em thấy ai như anh Tý. Anh ấy ôm áo quần như
muốn đi trốn xuống đường Mai Thúc Loan.
- Ủa, thằng Tý. Nó dám chạy trốn hả?
- Không biết anh ơi. Nhưng em thấy hắn cũng đeo băng trắng nơi cánh tay. Hay là
hắn cũng theo Việt cộng rồi.
- Cái thằng đó dám lắm. Ai chớ nó thì việc chi mà không dám làm.
Tôi hậm hực. Nhưng đồng thời cũng lo sợ nữa. Nếu nó theo giải phóng, nó dám tìm
bắt tôi hoặc điểm chỉ cho bắt tôi lắm. Tôi nói với Hường:
- Em đừng có cho nó gặp, nó hỏi lôi thôi.
Tôi sợ nó nhìn thấy em gái tôi rồi nhớ ra tôi. Có thể vì nhiều việc, nó đang
quên tôi cũng nên, nhưng gặp mặt một ai liên quan tới tôi, có thể nhắc nó nhớ.
Thường ngày tôi không ưa nó, kể cả khi còn trong nhóm tranh đấu, tôi đã nhiều lần
nói với bạn bè:
- Thằng Tý không tin được. Nhưng nó dám có mặt trong đám quyết tử, nó đã lường
lọc bao nhiêu anh em.
Thấy tôi trầm ngâm, Hường vội nói:
- Em thấy anh Tý là em tránh liền, em sợ bất chết.
- Em con gái việc chi mà sợ hắn?
- Em sợ anh nớ bắt em. Em thấy mấy đứa bạn cùng đi họp với em thấy anh nớ là
núp hết.
Tôi cười, cố trấn an con bé:
- Kệ nó, mình có mần chi mà sợ."
- Anh không biết đó, dưới đường Ông Ích Khiêm, họ bắt hết rồi. Công chức, quân
nhân bị bắt đi hết. Nhất là mấy người làm sở Mỹ.
- Mình có làm sở Mỹ mô mà sợ. Cũng không công chức nữa mà.
- Dưới nớ bị bắt thiệt nhiều. Nhiều người cũng có làm chi mô mà cứ bị bắt như
thường.
Ðúng như lời em gái tôi đoán, qua ngày sau, xóm tôi ở, các thanh niên, công chức
và quân nhân bị bắt đi hết. Một vài người trốn chạy bị bắn tại chỗ. Nhà chúng
tôi đã làm xong được một cái hầm khá kiên cố bằng bao cát và những tấm ván lấy ở
bộ ngựa gỗ quý từ mấy đời để lại.
Tuy vậy, ban ngày tôi vẫn trốn trên trần nhà, ban đêm mới dám xuống hầm ngủ.
Tôi đã bắt đầu chán nản và mệt mỏi. Giữa lúc đó thì mọi người hoảng hốt vì đại
bác câu tới nơi. Nằm áp tai xuống đất, tôi nghe tiếng rầm rì liên hồi như xe
tăng chạy ở đâu bên ngoài thành nội, đôi lúc tôi mơ hồ nghe tiếng máy bay.
Một vài nhà đã trúng đại bác. Người ta cho biết đại bác trúng nhiều nhất là các
bờ thành. Người ta còn cho biết là lá cờ ở Phú Văn Lâu đã bị hạ xuống và treo cờ
giải phóng rồi. Nhưng khi đại bác câu tới thành nội, ai nấy đều hoảng sợ ra mặt.
Thêm những cuộc bắt bớ gắt gao của Việt cộng làm không khí càng kinh hoàng hơn.
Một buổi tôi đang nằm trong hầm nhai mấy miếng bánh mì khô thì nghe phía đầu
ngõ có tiếng chân rượt đuổi. Tiếng hô:
- Ðứng lại. Ðứng lại.
Tiếng chân chạy vòng đằng sau vườn chúng tôi. Tiếng chân đuổi rầm rập, có vẻ
nhiều người và hối hả. Một tiếng nổ, một tiếng kêu rú lên. Tôi bịt chặt hai tai
lại. Mạ tôi ôm chặt lấy Hường và mấy đứa em nhỏ của tôi đứa nằm sát xuống mặt hầm,
đứa ôm chân má tôi, đứa ôm chân Hường mếu máo.
Một lúc sau, tiếng chân từ ngoài vườn đi vào giữa sân. Tôi nghe tiếng lao xao:
- Tại nó chạy. Nó đúng là quân tay sai cho Mỹ ngụy.
- Nó chết hẳn chưa đó?
- Chưa chết rồi cũng chết. Mà có thiệt nó làm cho Mỹ không?
- Nó làm cho Mỹ mà. Ngày thường tui thấy nó có nhiều đô la lắm.
- Vậy thì đúng rồi.
- Không có tui thì nó trốn được rồi. Trong xóm ni ai chạy trốn đàng trời tui
cũng biết. Tụi nó phải trả nợ máu, phải không, thưa đồng chí tổ trưởng.
- Ðồng chí tích cực lắm.
Tôi nghe giọng người điểm chỉ viên quen quen. Hình như bác ta ở đâu trong xóm trong.
Hường cũng định lên tiếng thì mạ tôi đã gắt nhỏ:
- Im đi, nó nghe nó vô chừ.
Chúng tôi im lặng. Nhưng rồi có tiếng xô cửa rồi tiếng chân đi vào nhà:
- Nhà đi đâu vắng hết rồi. Chúng tôi mời lên có chút chuyện.
Mạ tôi lật đật chui ra. Rồi Hường cũng chui ra.
- Dạ.
- Có người mới bị bắn sau vườn. Chúng tôi sẽ cho người tới đem chôn. Chúng tôi
muốn dặn lại là đừng có chứa chấp bọn Mỹ ngụy. Xin bác hãy giúp chúng tôi, tức
là giúp đảng, giúp nước nhà độc lập.
Má tôi dạ dạ luôn miệng. Một giọng khác nói:
- Nhà này chỉ có mấy người đàn bà con nít mà.
- Bởi vậy chúng tôi mới dặn. Ðể chúng vào, chúng giết cả nhà, chúng tôi không kịp
cứu.
Hường ngây thơ hỏi:
- Dạ thưa các anh, các anh vừa bắn ai đó?
Giọng người điểm chỉ viên quen quen:
- Thằng cha Minh. Hồi chưa được giải phóng, nó hách nhất xóm nhà ta phải không?
Cô xác nhận cho các đồng chí đàn anh đây biết.
Tôi nghe Hường dạ rất nhỏ. Tiếng người điểm chỉ hỏi:
- Cậu Khâm mô không có ở nhà?
Tim tôi đập mạnh. Thôi chết rồi, hắn đã nhắc tới tôi. Tôi đoán không lầm, đúng
là người nấu bún ở trong xóm. Thường ngày hắn chỉ ở nhà xay bột làm bún, vợ hắn
đem bán sỉ bán lẻ cho bạn hàng. Hắn cũng ít nói chuyện với ai lắm. Giọng Hường
cố thản nhiên:
- Dạ anh cháu bị kẹt dưới Bao Vinh rồi. Hôm nớ xuống mừng ông bác rồi chưa kịp
lên thì xảy ra...
- Dưới đó thì khỏi lo, hoàn toàn thuộc về quân giải phóng và nhân dân rồi.
Hường khôn khéo vuốt đuôi:
- Dạ thì ở đây cũng thuộc về giải phóng rồi.
- Còn một chút trong sư đoàn nữa, chưa thanh toán xong. Nhưng chúng sẽ chết đói
hết bây chừ. Nay mai mình có thêm quân tiếp quản từ Quảng Trị, từ Bắc vô nữa,
lo chi.
Hắn còn đứng ba hoa tán tụng dài dòng nữa rồi mới cùng mấy đồng chí đàn anh bỏ
đi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, coi như là vừa mới may mắn thoát chết. Em gái tôi chui
xuống hầm, nói nhỏ cho tôi nghe:
- Tên bán bún trong xóm đó anh. Hắn lì lì rứa mà ai ngờ.
- Hắn bắn ai rứa?
- Ông Minh. Ông chết rồi.
- Hắn đi với ai?
- Thì với mấy người Việt cộng chớ ai nữa. Khi đang nói chuyện, em thấy chị Ðoan
và chị Kim đi ngoài đường.
- Có thấy em không?
- Có, họ có vẫy tay chào em nữa.
- Em hết sợ chưa?
- Sợ chớ hết chi được. Hồi hôm qua họp, gặp em hai chị lì lì có chào hỏi chi
mô. Anh nì, bữa ni có vẻ lùng xét bắt bớ dữ lắm rồi đó. Anh cẩn thận một chút.
- Người ta có số mạng cả mà em.
- Gặp anh Ðắc, chắc anh không việc chi anh hí?
Tôi thở ra, không mấy tin tưởng:
- Anh mần răng biết được.
Má tôi đã trở vào:
- Ông Bèo bán bún mà Việt cộng đó tụi mi ơi.
- Con nghe giọng nói con cũng đoán ra.
- May mà nhà mình không thù oán chi với hắn.
- Không thù oán mà hắn còn nợ mình nữa chớ má," Hường nói, "Hôm mụ vợ
đẻ, hắn có tới vay mạ mấy trăm. Hôm trước Tết mạ biểu con đi đòi, may con quên
chớ không chừ sinh ra thù oán rồi.
Vừa lúc đó chúng tôi nghe nhà bên cạnh có tiếng đàn bà kêu khóc. Má tôi ra dấu
chúng tôi yên lặng rồi lắng tai nghe
- Bên nhà ông Bình.
- Giọng bà Bình la đó chớ ai vô nữa.
Hường cầm chặt tay tôi:
- Hình như họ bắt người.
Tiếng la khóc nhà bên mỗi lúc một lớn:
- Lạy các ông, chồng tui vô tội, con tui đi học mà.
Giọng đàn ông thản nhiên:
- Không can gì đâu mẹ. Mời bác với anh đi họp rồi về mà... Ði họp rồi về, mẹ cứ
an tâm. Chúng con tới đây là để giải phóng Huế, chúng con nhờ sự giúp đỡ của
nhân dân thành phố Huế mà.
Tiếng kêu khóc yếu dần. Một lát sau có tiếng đập cửa. Hường mở cửa thấy Tịnh đi
vào, mặt mày tái mét:
- Tụi nó bắt anh Ðịnh đi rồi. Ba tui cũng bị bắt.
Mạ tôi hỏi:
- Chừa cháu tính răng?
- Mạ cháu nói cháu chạy sang đây nhờ bác cho cháu trốn đỡ. Bên nớ thế nào họ
cũng trở lại bắt cháu đi.
Má tôi thở dài sườn sượt:
- Thôi cũng được. Xuống dưới hầm đi.
Tịnh đem tới cho tôi nhiều tin lạ lắm. Nào ngoài cửa thành có nhiều Việt cộng
chết vì trúng đạn đại bác, bom chơm. Nào nghe ngoài Gia Hội đấu tố ghê lắm. Nào
chuyện xử tử mấy người nghi làm cho Mỹ rồi chôn xác trong mấy khu vườn phía đường
dưới. Tôi hỏi tại sao bác bên nhà đã già mà họ còn bắt đi. Tịnh cho biết là họ
vào trong nhà, cùng đi có ông Bèo làm bún trong xóm. Ông nói nhỏ gì đó rồi mấy
người giải phóng mời đi luôn. Lúc đó Tịnh trốn dưới bếp, chắc ông Bèo quên Tịnh,
không điểm chỉ.
Má tôi nói:
- May mà mình không thù oán chi.
- Bên cháu hình như cha thù lắm. Trước Tết cha tới vay tiền mạ cháu không cho.
Cha vay mấy lần không có trả. Với lại hồi cha say rượu chửi bóng chửi gió gì
đó, anh Ðịnh cháu có nói phải trái, chắc thằng cha nó thù rồi chừ nó hại.
Tịnh lắng nghe tiếng khóc còn nỉ non bên nhà, nhăn mặt:
- Má cháu lạy nó mà cháu bất nóng mặt. Ước gì cháu có khẩu súng, cháu ria cho một
tràng rồi cùng chết cũng cam.
Tôi an ủi:
- Chắc không can chi mô, bác già rồi. Họ bắt đi rồi cũng thả về chớ can chi mà
lo.
- Dạ.
- Dưới xóm nghe nói có nhà trúng bom rồi phải không?
- Hình như rứa. Hồi nãy bên nhà em, ông Bèo hăm dọa là nhà nào dung túng Mỹ ngụy
dễ bị bom nhứt, vì họ nghi là Việt cộng chiếm những nhà đó.
- Nói như c. vậy mà cũng nói.
Má tôi lầm bầm. Ðêm đó, tiếng đại bác chưa tới khu tôi ở, nhưng thỉnh thoảng
cũng có vài trái rơi lạc, trúng vào một vài khu vườn, làm bay ngói, rung nhà.
Ngoài đường, lính Việt cộng đã bớt đi lại. Họ rút vào những hầm trú ẩn kiên cố.
Nếu có gác đường thì họ cũng đào những hố cá nhân.
Từ hôm đó, em gái tôi vẫn thường bị mời đi họp, học rồi được thả về. Lần nào
tôi cũng hỏi thăm về Ðắc. Bữa nó nói có trông thấy, bữa nó nói không. Nhưng bỗng
một hôm, tôi nghe được giọng nói của Ðắc.
Hôm đó, trong lúc cả nhà đang ăn cơm dưới hầm thì có tiếng gõ cửa. Má tôi lật đật
bảo chúng tôi nằm sát vào tận cùng hầm cát, rồi leo lên mở cửa. Hình như chỉ có
một người và má tôi chào hỏi, giọng hơi vui mừng:
- Ủa, cậu đó hả? Cậu về khi mô?
Tôi hồi hộp chờ đợi giọng trả lời:
- Dạ, cháu về cùng với anh em ở khu vực nội thành ni mà.
Tôi không nghe má tôi hỏi gì nữa. Im lặng một lát, giọng trẻ lại hỏi:
- Bác đã đào hầm chắc chắn chưa? Phải trường kỳ chống đỡ lâu đó bác. Tình hình
coi bộ mệt rồi.
- Dạ.
- Trời, bác làm cháu dị quá. Cháu vẫn là thằng Ðắc như hồi trước mà bác. À,
Khâm mô rồi?
Má tôi giả vờ sụt sùi:
- Khổ lắm anh ơi. Nó đi từ hôm mồng một, về dưới quê ở Bao Vinh rồi có thấy tăm
hơi nó nữa mô. Tui đang lo quá, sợ nó nóng ruột đi trở lên tìm dọc đường bị bắt
bớ cũng nên. Tui chỉ có mình nó, anh biết đó, nếu nó mệnh hệ nào thì tui sống
không nổi...
Ðúng là Ðắc rồi. Tôi muốn lên hầm để gặp bạn, nhưng Hường đã nắm chặt tôi lại:
- Ðừng anh, anh điên đó hả?
Giọng Ðắc:
- Bác đừng có lo. Ai có tội phải đền. Khâm với cháu vẫn là tình bạn...
- Anh thương thì tui biết vậy, nhưng giữa đường giữa sá, nó đâu có gặp anh...
Ðắc có vẻ trầm ngâm một lát, giọng hơi bớt tin tưởng:
- Chết có số mà bác. Cháu có số chết thì đã chết từ lâu rồi. Bác đừng gọi cháu
bằng anh nữa, cháu buồn lắm. À, bác, nghe thằng Tịnh nó sang đây hả bác?
Tôi giật mình. Tịnh nằm bên tôi mà run lập cập. May má tôi đỡ lời:
- Nó có sang rồi đi rồi. Nó đi họp rồi có về mô nữa.
- Ủa, vậy ai giữ nó. Ðược, để cháu hỏi rồi thả nó về. Cháu vừa gặp thằng Ðịnh
anh nó. Thằng Ðịnh phải đi học tập, chắc người ta sẽ đưa nó sang bên kia Gia Hội
hoặc xuống dưới bãi dâu.
- Ði chi mà xa rứa.
Ðắc không trả lời má tôi mà hỏi:
- Hường mô rồi bác?
Má tôi không dám dấu:
- Em nó sợ quá suốt ngày chui trong hầm hoặc trốn dưới gầm giường, con nớ nó sợ
súng đạn bất thần.
- Bác gọi Hường lên đi, cháu chớ ai mô mà sợ.
Sợ Ðắc xuống hầm, Hường vội vã bò lên khỏi miệng hầm. Tôi nghe tiếng Ðắc cười lớn:
- Bộ Hường tưởng tui lên núi rồi về thành cọp ăn thịt người răng mà nghe tiếng
tui sợ dữ rứa?
Hường cố gượng cười khổ sở:
- Em mô có sợ anh, nhưng mấy hôm ni em sợ chết quá.
Ðắc ngồi nói chuyện với má và em gái tôi rất lâu. Ðắc kể cho má tôi và Hường
nghe những nỗi cực khổ trước khi lên núi. Ðắc nói nửa khôi hài, nửa mỉa mai:
- Hồi cháu chỉ tranh đấu mà bị bắt, bị đánh đập quá sức tưởng tượng. Bác biết
không, chúng nó đập nát cả hai bàn tay của cháu. Người cháu còn đầy thẹo, cháu
chết đi sống lại. Ân đền oán trả chớ bác. Cháu lên núi tầm sư học đạo, nay
thành tài trở về cho chúng biết mặt. Cháu không muốn hại ai, nhưng nợ máu phải
trả chớ bác.
Không biết khuôn mặt má tôi ra sao mà Ðắc lại cười:
- Nói có rứa mà bác tái mét mặt. Ðùa cho vui chứ cháu cũng bị ép buộc quá phải
lên núi. Cháu đi mô cũng không dứt được Huế. Cháu còn căm lắm bác ơi.
Vừa lúc đó có tiếng chân nhiều người đi vào. Tôi nghe nhiều tiếng nói chuyện và
chính Ðắc kể lại vụ vừa bắt người ở mấy nhà bên cạnh. Có giọng lè nhè:
- Thằng cha trốn tài thiệt, không có đồng chí Ðắc thì biết đâu mà kiếm cho ra.
Một giọng khác cười:
- Tôi biết nó trốn dưới nệm giường. Thằng cha đó trong xóm ni ai mà lạ cái mặt
hắn nữa chớ.
Có lẽ một nhóm cán bộ nằm vùng. Họ nói chuyện lớn tiếng và cười đùa vui vẻ. Tịnh
hích vào tay tôi định nói, nhưng tôi bịt miệng nó lại. Tôi sợ ở trên miệng hầm
họ nghe tiếng. Hường lại hỏi về Ngọc và Phủ. Ðắc trả lời:
- Có về hết. Phủ với Ngọc ở ngoài Gia Hội.
- Em không nghe ai nói gặp hai anh nớ hết.
- Hường thì có đi mô mà nghe, mà thấy. Con gái chi mà nhát quá trời.
Rồi Ðắc nói với má tôi:
- Tiếc thằng Khâm nó kẹt dưới quê, có nó, cháu bắt nó đi làm việc với
cháu." Rồi Ðắc chợt ngẫm nghĩ, "Nhưng chắc cháu cũng không ép nó mô.
Khi bác gặp nó, bác nói là cháu với nó khi mô cũng là bạn."
Ðắc ở lại nói chuyện lâu lắm. Ðắc hỏi má tôi nhà còn đủ gạo ăn không. Rồi Ðắc hứa
sẽ đem gạo tới tiếp tế cho cả nhà. Thấy Ðắc vui vẻ, má tôi và Hường có vẻ bớt sợ
hãi. Má tôi hỏi thăm tình hình, ban đầu giọng Ðắc có vẻ khả quan, nhưng về sau
sự tin tưởng cũng có vẻ giảm sút. Ðắc dặn dò nên làm hầm cẩn thận, xóm ngoài và
xóm trong đã có nhiều nhà trúng đại bác. Ðắc còn cho biết quân Mỹ đã tiến vào
quốc lộ 1, ban ngày đã lên tới An Cựu. Nhưng Phủ Cam, Từ Ðàm, Bến Ngự vẫn còn
là khu vực của quân giải phóng. Má tôi không dằn được than thở: Chắc dân chúng
chết nhiều lắm. Tôi không nghe Ðắc trả lời câu đó, và tiếng cười vui cũng im bặt
một lúc lâu.
Trước khi về, Ðắc còn hứa là sẽ trở lại thăm. Ðắc dặn dò Hường một vài điều nào
đó mà tôi nghe không rõ. Chỉ có tiếng Hường dạ nhịp. Ðắc và mấy người giải
phóng, cán bộ vừa ra khỏi nhà một lúc thì tiếng đại bác lại tiếp tục. Má tôi,
Hường lại chui xuống hầm. Hường kể lại chuyện vừa gặp Ðắc mặc dù tôi đã nghe gần
hết. Hường nói trong số tới nhà, có một người còn trẻ, đeo gương cận, chắc cũng
cán bộ nằm vùng. Má tôi dặn tôi phải cẩn thận vì Ðắc hẹn sẽ trở lại. Bà nhắc tới
chuyện Ðắc hứa là sẽ tiếp tế gạo và bảo Hường nếu cần gì thì cứ tìm Ðắc tới.
Tôi nghe và thấy cảm động. Thật ra không chủ nghĩa nào, không lý tưởng nào chia
rẽ tình người, tình bạn được. Tôi nghĩ vậy cũng quá nông cạn chăng. Nhưng mấy
ngày hôm sau thì Ðắc không có thì giờ tới thăm chúng tôi nữa, mặc dù tôi biết
nhiều lần Ðắc vẫn đi ngang qua nhà.
Một lần tiếng đại bác vừa ngớt, tiếng súng lớn nhỏ bên ngoài thành cũng đã đến
lúc nghỉ xả hơi, tôi bỗng nghe tiếng quát tháo ở ngoài đường. Em gái tôi đã dạn
lắm, nó dám bò lên hé cửa nhìn ra đường coi. Tôi nghe tiếng quen quen và nhận
ra tiếng của Ðắc. Hường ló đầu xuống hầm nói nhỏ:
- Chết cha. Anh Ðắc bắt gặp anh Tý rồi.
Tôi chưa kịp hỏi thêm thì Hường đã trở lên, tiếp tục lén nhìn ra đường. Giọng của
Ðắc vang từ phía ngoài:
- Các đồng chí để tôi xử tên này. Ðể tôi quyền ưu tiên. Trước kia nó làm chúng
tôi khổ sở điêu đứng bao phen. Nó phải trả tội ác.
Giọng Tý rên rỉ:
- Lạy anh tha cho em. Chừ em cũng theo giải phóng rồi. Em đeo băng đây anh nì,
anh, em đeo băng nì. Mấy ngày hôm ni em hoạt động cho giải phóng, em điểm chỉ bắt
nhiều tên Mỹ ngụy rồi. Em xin lấy công chuộc tội.
Ðắc cười gằn, giọng cay độc:
- Mày mà cũng biết ăn năn. Không, tao phải xử mày. Mày xuống đứng dưới cái hố
tao hỏi tội.
Có tiếng xô đẩy rồi tiếng kêu thét của Tý:
- Ối, lạy anh, xin anh tha cho em.
- Tha cho mày. Hồi trước tao đã lấy tình bạn xử với mày mà mày có tha cho tao
mô. Tao bị bắt, bị tù tội, bị đánh đập." Ðắc cười gằn, khôi hài thêm:
"Hừ, tao lên núi tầm sư học đạo về đây, chuyến ni mi đừng có hòng.
Giọng Tý như đang khóc:
- Em lạy anh, tha cho em. Em lạy anh, em biết lỗi rồi. Bởi rứa em theo giải
phóng ngay từ đầu.
- Mày có tài theo mau lắm. Vì rứa tao mới bị đánh đập giam cầm. Mày đứng xuống
hố cong lưng xuống, nghe tao hỏi đây.
- Ý, lạy anh, đừng bắn em chết. Em, em... ý trời, anh... anh...
Ðắc bật cười ròn rã:
- Bắn mày? Không, mày đâu có được chết mau lẹ rứa. Mày phải chết dần chết mòn,
chết đau đớn khổ sở. Trong đời tao, tao đã bị oan ức, chứ tao không muốn xử oan
ức ai hết.
Tôi rùng mình. Giọng Ðắc hằn học, quyết liệt lắm rồi. Tôi nghe một giọng người
nào đó nói:
- Thôi đồng chí, nó đã ăn năn tội lỗi, đã về với giải phóng với nhân dân. Ðồng
chí nên...
- Nên gác lại hận thù riêng? Không, hận thù riêng của tôi cũng là hận thù chung
của bè bạn tôi nữa. Các đồng chí xin đừng xía vô trường hợp này, xin đồng chí.
Chỉ xin các đồng chí trường hợp này mà thôi.
Giọng Ðắc đột nhiên quát lớn:
- Ðứng yên đó. Tao chưa bắn đâu, đừng hòng.
- Lạy anh, thôi, thà anh bắn em chết đi, cho em bớt khổ sở.
- Không.
Giọng Tý kêu lớn như gào bể cổ họng:
- Em lạy anh, em lạy anh...
Tiếng Ðắc cười ran. Tiếng cười đầy uất hận xói vào đầu tôi làm tôi choáng váng.
Rồi một tiếng súng nổ. Một tiếng thét lớn. Xong rồi. Nhưng không, một tiếng nổ
nữa, một tiếng thét nữa. Cứ tiếp tục như thế. Tôi mấy lần thót cả tim, rồi thở
phào nhẹ nhõm cho kẻ bị tội. Chết là hết. Nhưng lạ chưa, mỗi tiếng súng là mỗi
tiếng thét, thêm một tràng cười điên dại của Ðắc.
Tiếng súng ngừng hẳn sau một tiếng kêu hãi hùng của Tý. Lần này thì tôi yên tâm
cho Tý rồi.
Bây giờ tiếng súng ở đâu ngoài thành, xa hơn nữa, hình như ở phía chợ, phía cầu
Tràng Tiền chi đó lại nổ nữa, rồi tiếng đại bác. Má tôi gọi Hường mau vô hầm.
Nhưng Hường như còn hãi hùng với cảnh đã chứng kiến, nó đứng sững ở cánh cửa hé
mở. Má tôi phải chạy ra lôi nó vào hầm. Tôi hỏi mày thấy gì. Nó cà lăm, cà cặp,
run rẩy mãi mới kể lại cho tôi nghe lại cảnh đã chứng kiến. Ðắc đã tìm gặp được
Tý. Hắn bắt Tý đứng dưới một hố cá nhân rồi bắt đầu hỏi tội và hành hạ. Ðắc xin
các đồng chí giải phóng có mặt ở đó được giải quyết mối thù riêng và các đồng
chí giải phóng đã không ai can thiệp. Tý đứng dưới hố, cứ mỗi lúc Ðắc đưa súng
lên nhắm vào trán Tý mà bóp cò, Tý lại nhắm mắt, khuôn mặt lạnh lùng chờ đợi.
Nhưng rồi phát súng chờ đợi không nổ. Ðến khi phát súng chờ đợi nổ thì Tý vẫn
không chết. Mỗi phát đạn cứ lướt qua màng tang, qua đầu, qua bên vai và mỗi lần
như thế Tý cứ tưởng là đã lưu lại thế gian tiếng thét cuối cùng của nó. Sau đó,
Ðắc kéo Tý lên rồi dẫn đi.
Chiếc hố bỏ trống đó, mấy ngày sau, Hường kể cho tôi nghe, có một người lính giải
phóng chết gục trong đó, đầu kê lên miệng hố và mặt quay vào phía nhà tôi. Tôi
đoán chắc trước khi chết, anh còn kịp nhìn thấy những bông mai vàng trong sân
và một phần mái nhà bị sập đổ vì mảnh đạn hay những phát B40 của đêm đầu tiên
khai hỏa.
Tôi không còn nhớ những ngày sau đó là mồng mấy hay mười mấy nữa. Mặt trận đã
lan tới nội thành rồi. Tiếng đại bác ngày đêm rơi không ngớt. Bờ thành sập nhiều
chỗ. Người ta đồn cửa Ðông Ba, cửa Thượng Tứ, cửa Sập đều bị bắn đổ xuống, chắn
hết lối ra vào. Mấy ngày đầu chúng tôi còn ra khỏi hầm nấu ăn được. Nhưng mấy
hôm sau, tiếng đại bác rơi không ngớt, rồi tiếng súng bắn ra ngoài thành như
mưa. Má tôi và Hường phải kéo bao gạo xuống hầm và chúng tôi nhai gạo sống cho
đỡ đói. Nhai gạo sống, uống nước lạnh, trời lại rét như cắt ruột gan, hơi đất
thấm vào người, cả nhà bị đau bụng. Chúng tôi phải canh chừng tiếng đại bác,
leo lên hầm tiểu tiện ngay ra nhà. Ðôi lúc đang nửa chừng, nghe đánh ình một tiếng,
không chạy mà cũng tự động rơi tọt xuống hầm như bị ai nắm quăng xuống hố.
Cứ sống như thế mấy hôm, người chúng tôi xanh lướt. Hường không chịu nổi nữa,
nó khóc rấm rứt suốt ngày. Vậy mà đâu được yên thân. Mặc tiếng đạn đại bác, mặc
máy bay, các anh lính giải phóng vẫn tìm cách tới trước cửa từng nhà, kêu gọi đồng
bào góp sức chiến đấu với mặt trận. Khẩu hiệu là: Không dung giặc Mỹ, không chứa
chấp Việt gian, không sờn lòng trước áp lực súng đạn. Nếu cần, tất cả đồng bào
lớn bé tràn ra hết ngoài đường chiến đấu với Mỹ ngụy.
Mỗi lần nghe như thế, chúng tôi run như cầy sấy. Những người chung quanh chết mỗi
ngày mỗi nhiều. Ngay ở đàng sau vườn nhà chúng tôi, có ba bốn xác chết bỏ lại,
không biết dân hay giải phóng. Ban đêm, đôi khi chúng tôi nghe tiếng la thét ở
đàng sau vườn. Hoặc họ bắt người dẫn ngang qua nhà, tiếng van lạy kêu khóc đến
não người.
Một ngày nữa trôi qua, chúng tôi vẫn còn sống. Nhưng ngôi nhà bên cạnh bị một
quả đại bác câu tới tan tành. Nhà sát đó bị miểng rơi tung cả mái tôn và chiếc
hầm đang ở trong nhà thành hầm lộ thiên. Ánh sáng chiếu vào hầm làm mọi người sợ
hãi. Vậy là họ liều chết chạy ra đường, sang nhà tôi xin trú ngụ.
Mặc dù chật chội, hôi hám hơn, nhưng sự có mặt của nhiều người làm chúng tôi
yên lòng hơn. Những người mới tới cho biết đã có nhiều đoàn người tản cư ra
ngoài bờ sông, mặt Gia Hội. Nhưng Hường quả quyết rằng, chính Ðắc nói trường
Gia Hội là nơi trú đóng của bộ chỉ huy Việt cộng, nơi đó còn dùng để làm tòa án
nhân dân nữa. Tôi can má tôi. Tản cư ra đó, khác nào đút đầu vào miệng cọp.
Chỉ có một tạ gạo mà thêm bao miệng người ăn, chúng tôi phải ăn cầm chừng. May
gia đình tản cư tới không có trẻ con, nên nhịn đói nhịn khát được. Mỗi sáng
chúng tôi nhai một nắm gạo, trưa một nắm, chiều một nắm.
Chỉ có vậy mà bao gạo vơi đi một cách đáng sợ. Có lẽ hết bao gạo này, chúng tôi
chưa chết vì bom đạn thì cũng chết vì đói khát. Mỗi ngày mọi người nhìn nhau,
thở dài hoặc ứa nước mắt. Không ai còn đủ sức bàn vô tán ra nữa.
Một buổi trưa, mọi người đang ngồi trong hầm nhai gạo sống thì có tiếng xô cửa
rồi tiếng gọi:
- Mợ ơi, mợ ơi.
Má tôi nghe và nhận ra tiếng đứa cháu trai ở đường Mai Thúc Loan. Bà mừng rú
lên:
- Ðây nì, dưới hầm nì con ơi, xuống mau.
Một cái đầu ló vào. Thằng Tam. Nó run lập cập, mặt mày tái mét. Má tôi kéo nó
sát vào người:
- Mạ với ba mô rồi. Răng đi một mình?
Tam òa khóc:
- Mạ chết khi chạy ra đường với cháu rồi. Mạ biểu cháu cứ chạy đi, mạ hoa tay
trợn mắt. Cháu không chịu đi. Khi mạ chết cháu mới đi.
Mạ tôi khóc òa:
- Trời đất ơi. Còn ba mô? Ba mô nói cho mợ biết.
- Ba bị bắt đi rồi. Ba bị bắt trói dẫn đi cùng với nhiều người khác nữa. Nghe
nói bị đưa lên cửa thành cho đại bác bắn xuống. Mợ ơi, mợ ơi...
Tam khóc ngất. Má tôi cũng khóc ngất. Tôi nổi gai ốc đầy người. Tại sao lại đưa
dân lên cửa thành cho máy bay bắn xuống chết. Những người này có tội tình gì? Lại
mấy thằng cha cán bộ địa phương tư thù tư oán đây mà. Chòm xóm láng giềng mà giết
nhau đây mà. Tôi giận căm gan, muốn hét lớn một tiếng cho đỡ tức. Tam vẫn nức nở:
- Họ ác lắm mợ ơi, họ bắt mấy người tình nghi đem lên thành trói lại cho máy
bay Mỹ tưởng là Việt cộng bắn xuống. Hôm qua mười mấy người, hôm ni mấy chục
người. Chắc có ba cháu rồi.
Má tôi đập tay đập chân. Giọng Hường yếu ớt:
- Khóc mần chi má. Trước sau cũng chết. Thà chết trước còn sướng hơn. Con muốn
chạy ra đường cho máy bay bắn chết cho rồi. Sống như ri khác chi chết đày chết
đọa.
Có tiếng súng nhỏ nổ ran trước mặt đường. Má tôi và Tam ngừng bặt tiếng khóc.
Hình như quân giải phóng dẫn một đoàn tội nhân đi qua. Có tiếng kêu khóc, có tiếng
la lớn. Má tôi ôm lấy ngực. Con Hường há hốc mồm rồi ngã vật xuống đất. Tôi sờ
tay nó thấy lạnh ngắt. May người hàng xóm tới ở nhờ có chai dầu xoa khắp người
Hường. Một lát sau nó hơi tỉnh, rên rỉ:
- Ghê quá mạ ơi. Ghê quá anh ơi..."
Rồi nó khóc. Hình như nó đang khóc trong cơn mê sảng. Tôi cầm chặt tay em gái.
Tội nghiệp cho nó. Nó ăn gạo sống lâu ngày không chịu nổi, cái bụng căng phình
như bị báng. Miệng nó trào bọt mép. Một lúc sau nó tỉnh hẳn. Nó ôm chặt má tôi:
- Con không chịu được nữa. Chắc con chết.
Giữa cơn bom đạn như mưa bên ngoài, má tôi vừa khóc vừa bò lên khỏi miệng hầm.
Bà lục lọi gì lâu lắm. Tôi sốt ruột cứ thò đầu lên gọi:
- Má, má xuống hầm liền đi.
Mãi má tôi mới xuống. Trên tay bà cầm đòn bánh tét mốc meo. Bà lột lớp lá và
đưa cho Hường, lúc đó đang nằm bẹp xuống đất mà thở như sắp đứt.
Bắt đầu từ đó, hết đêm kinh hoàng này nối tới ngày kinh hoàng khác.
Tôi không tài nào ngủ được. Không còn một ai dám lên miệng hầm nữa. Thức ăn cạn
dần.
Bao gạo gần hết mà chúng tôi lại thêm một miệng ăn. Tam kẹt lại luôn. Không dám
một mình trở về nhà nữa.
Hường bịnh nặng, nằm rẹp một chỗ. Má tôi cứ ngóng bước chân đi trên mặt đất, hy
vọng Ðắc trở lại. Nếu Ðắc còn trở lại, chúng tôi còn nhờ vả được. Một buổi chiều,
chúng tôi nghe tiếng chân đi nhẹ vào nhà, rồi tiếng người ngã phịch xuống. Một
lát sau nhiều tiếng chân khác đuổi tới. Một tiếng súng nổ. Một tiếng kêu thét
lên. Nhiều tiếng lao xao nói cười: Có chạy đằng trời. Một giọng khác có vẻ ngạc
nhiên: Nhà ni chắc không có người ở. Có hầm, chắc họ ở dưới hầm. "Lục soát
coi, đôi khi ngụy quân trốn trong đó." "Ôi cứt đái tùm lum, chắc chẳng
có ai. Thúi quá, đi ra." Tiếng chân xa dần. Má tôi mừng rỡ tới ứa nước mắt.
Ðống phân rác dơ dáy bừa bãi giữa nhà đã cứu chúng tôi. Má tôi hít một hơi dài,
gật đầu: Bây giờ mới thấy quý đống phân. Tôi cũng vậy, không còn ghê sợ mùi hôi
thối xông xuống nữa.
Chắc họ đi, bỏ lại một xác chết ngay giữa nhà chúng tôi nữa. Tôi thắc mắc không
biết xác của ai. Tôi nghĩ tới Tý. Cũng không có thể là Tý. Ðắc đã bắt đi, không
dễ dàng gì cho hắn trả nợ nhẹ nhàng thế. Nhưng tôi chỉ thắc mắc một chút rồi
thôi, nỗi lo sợ nhất của tôi là vài hôm nữa xác chết sẽ sình thúi, và chắc chắn
mùi xác chết trộn với phân người sẽ không dễ ngửi như mùi tôi đang ngửi.
Rồi bao gạo cạn dần, cạn cho tới đáy. Buổi sáng hôm đó, má tôi báo động hết thức
ăn. Gia đình tới tạm trú có vẻ băn khoăn vì họ cho là có trách nhiệm trong vụ
đói khát cận kề. Nhưng dù không có họ thì gạo cũng sẽ hết và chúng tôi cũng sẽ
chết đói. Hết nhanh hay cầm cự thêm hai ba hôm nữa cũng thế thôi. Má tôi khóc:
- Khổ chưa nì, không chết bom đạn mà chết đói mới khổ thân chớ.
Rồi bà ôm Hường khóc vùi.
Sau đó chúng tôi nhai những hạt gạo cuối cùng một cách thận trọng như sợ một
vài hạt sẽ rơi vãi mà không có cách gì tìm thấy lại được.
Gia đình hàng xóm nhất định nhịn, nhưng má tôi vẫn chia: Ôi, có chết thì cùng
chết. Ăn đi rồi chết. Mọi người khóc lóc, nhưng không ai dám khóc to, sợ có người
nào trên mặt đất nghe thấy.
Hình như nhiều căn nhà chung quanh chúng tôi đã sập đổ. Nhiều tiếng nổ thật lớn
làm dội tức cả ngực. Ðôi khi chúng tôi tưởng như tiếng nổ đã cày xới mất căn
nhà ở và nhắm mắt chờ chết, một lúc sau những tiếng nổ dịu bớt, chúng tôi mới
biết là mình vẫn chưa hề hấn gì.
Tiếng súng lẻ nổ đã gần hơn, hình như đã cận kề ở miệt phố. Tôi bỗng nẩy ra một
ý định:
- Má, mình đi trốn đi, ở đây chắc thế nào cũng chết.
- Tao không còn biết chi nữa. Tùy mày định liệu đó.
Chúng tôi lại nhịn đói thêm hai ngày nữa. Hường mệt lả. Hai gia đình chúng tôi
bàn soạn việc đi trốn. Tam cố bò lên miệng hầm, mặc tiếng súng đạn, hắn lần ra
cửa xem xét ngoài đường. Một lúc sau, hắn chui xuống hầm, giọng có vẻ mừng rỡ:
- Ngoài đường người ta đi đông lắm. Lâu lâu lại có một tốp người chạy về phía cổng
thành.
Má tôi bật dậy:
- Mình đi theo họ.
Nhưng Tam gạt đi:
- Không, chỉ đàn bà và người già. Không thấy đàn ông. Ðàn ông họ đi đâu hết rồi.
Má tôi bàn việc giả dạng. Mấy người đàn bà bế Hường chạy trước, còn tôi giả mặc
quần áo đàn bà, đội khăn đi theo sau. Tôi hỏi:
- Còn Tam làm răng. Vô lý cũng giả dạng nữa.
Tam buồn rầu:
- Sống chết có số mạng. Anh cứ lo phần anh.
Ngay xế trưa hôm đó, chúng tôi bồng bế, dìu dắt nhau lên khỏi miệng hầm. Vật đập
ngay vào mắt tôi là xác một người đàn ông sình to nằm sấp, máu me đã đặc khô lại.
Hai tay hắn dang ra như ôm mặt đất. Chúng tôi không nhìn rõ mặt hắn. Tam bận rộn
việc hóa trang cho tôi. Tôi mặc quần áo của Hường, đầu trùm khăn kín mít. Má
tôi thu xếp một ít thứ lặt vặt gói vào một cái bọc rồi giục giã mọi người ra đường.
Cánh cửa bật mở. Tôi chói mắt lảo đảo muốn té. Khi quen với ánh sáng rồi tôi mới
nhận ra mọi cảnh vật đổi thay. Không còn một hình dạng cũ nào được giữ lại. Lạ
lùng, căn nhà của tôi chưa trúng đại bác vẫn trơ vơ giữa những khu vườn xơ xác,
những ngôi nhà đã tan thành đống gạch vụn. Ðâu cũng có người chết, trong sân, đầu
ngõ, ngoài đường. Những vũng máu đã khô hoặc còn mới. Tiếng đại bác vẫn câu đều
đều từ phía trong thành nội, những tốp người tiếp tục chạy ra. Họ vừa chạy vừa
la khóc rền trời. Không ai hỏi ai, không ai nhìn ai.
Ngay giữa đường, hai bên đường, những miệng hố lớn do người đào, do bom đạn đào
cũng có. Vừa chạy tới đường Mai Thúc Loan thì một loạt súng nhỏ ngoài thành bắn
vào như mưa. Ðoàn người chạy đằng trước có vài người ngã xuống. Tức thì họ quay
đầu trở lại, một đàn ong tan bầy. Tôi vội kéo mọi người chạy trốn vào một căn
nhà đổ nát ngay lề đường. Nhà đã sập, chỉ còn mấy bức tường trơ vơ. Chúng tôi
chui vào đàng sau bức tường, leo qua đống gạch lớn. Nhà này có một cái hầm cát
nhưng hầm cũng bị trúng đại bác tan tành, bao cát vỡ tứ tung, các cây gỗ gẫy
văng la liệt. Và giữa những bao cát bị đào lên, giữa những thanh gỗ lớn, xác một
người Mỹ nằm sấp, mặt nhìn ra ngoài đường. Tay anh ta đưa ra trước mặt và nắm
chặt lại. Tôi tò mò nhìn kỹ, thì ra đó là một bức ảnh nhỏ in hình một người đàn
bà tây phương đang áp má bên một đứa bé gái bụ mẫm. Cả hai mẹ con cùng cười,
tươi thắm giữa vườn cây trái tươi tốt. Người Mỹ còn trẻ lắm, anh ta chưa tới ba
mươi tuổi, mái tóc vàng hoe dính bê bết máu. Xung quanh xác chết của anh ta,
chiếc ví da xổ tung, giấy tờ, thư từ rơi vung vãi cùng chiếc bật lửa và những
giây đạn còn mới nguyên, bị đứt ra từng đoạn. Tam tò mò hơn, nó nhìn sát vào
tay người Mỹ và đọc được giòng chữ nhỏ đằng sau bức ảnh. Hắn lẩm nhẩm: Lạy
Chúa, cho con gửi lời cầu xin năm mới sang Việt Nam cho chồng con. Chiến tranh
chấm dứt và gia đình đoàn tụ. Lẫn trong đống thư từ rơi vãi, Tam lượm được một
chiếc ảnh nữa, cũng người đàn bà, gần như không có mảnh vải che thân đang nằm sấp
trên chiếc giường rộng trống trải với một lời đề đằng sau, tả nỗi nhớ chồng thê
thiết.
Không biết ngày thứ mười mấy hay hai mươi mấy mà người Mỹ đã vào được tới đây.
Có lẽ họ đã đến và bị đẩy lui. May mà chúng tôi đã tìm ra tới được đây. Khi
chúng tôi ra tới đường, hình như nơi con đường chúng tôi ở không còn một gia
đình nào nữa. Họ đã chết hoặc đi từ lâu rồi. Hường ngồi ủ rũ dựa lưng vào đống
gạch, nó giơ tay che mắt không dám nhìn xác chết.
Người đàn bà lớn tuổi nhất ở nhà hàng xóm trú ngụ nhà tôi bò ra ngoài nhìn rồi
ngoắc chúng tôi:
- Ngoài đường có người đi rồi. Ði đi thôi.
Chúng tôi lại dắt dìu bồng bề nhau đi. Nhưng cứ một đoạn, chúng tôi lại chạy ào
tìm chỗ tránh đạn hoặc nằm mọp xuống đất khi nghe trên đầu có tiếng rạt rạt. Mỗi
lần có tiếng rạt rạt trên đầu là có tiếng nổ của đại bác. Ðằng trước chúng tôi
có người trúng đạn, đằng sau chúng tôi có người trúng đạn. Ðoàn người chạy loạn
bỗng dưng tụ tập hết gần nơi cửa thành. Người tôi run lên. Họ kiểm soát chắc.
Chúng tôi đến gần. Có một toán quân giải phóng đang ngồi ở đó. Họ không ngăn chận
nhưng đoàn người tự động dừng lại trước những mũi súng gờm gờm như sẵn sàng nhả
đạn. Tôi kéo vuông khăn che đầu tóc, che mặt cho thấp xuống.
Má tôi vội nhét vào túi áo trong của tôi một gói tiền nhỏ rồi bà bế xốc Hường
lên.
- Ðàn bà được đi qua. Ðàn ông thanh niên đi trở lại.
Một giọng cứng rắn từ trong toán giải phóng đang ngồi dựa lưng bên cửa ra lệnh.
Tam tái mặt, nó cố lẩn trong đám đàn bà trẻ nít. Tôi nín thở đi qua. Mấy đôi mắt
gườm gườm nhìn thẳng vào mặt. Bỗng có tiếng nói:
- Anh kia đứng lại.
Tôi giật thót cả người, không dám nhìn lại. Họ nói tôi hay nói ai. Nhưng tay ai
đã đẩy lưng tôi đi thẳng tới phía trước. Tiếng Hường rên rỉ như đau đớn lắm.
Tôi biết một phần nó đau đớn thật và một phần nó làm bộ kêu la. Bỗng Tam vùng
chạy về phía trước. Một tràng súng đuổi theo nhưng hình như súng chỉ bắn lên trời.
Ðoàn người tràn ra cửa thành đông quá. Tam nhờ đó cứ vừa lách vừa chạy. Nghe tiếng
súng, ở bên ngoài có tiếng súng đáp trả. Hai bên lại bắn nhau loạn xạ. Chúng
tôi lạc bầy nhau chạy bán sống bán chết. Một tràng đạn réo bên tai. Tôi vội nằm
xuống đất, và khi đứng dậy được thì má tôi, em tôi, Tam và những người hàng xóm
đã chạy lạc đâu mất rồi. Tôi chết điếng người, má tôi, em tôi, có mặt trong
đoàn người chạy phân tán các ngả hay đã nằm trong đống xác vừa mới ngã đằng sau
lưng đang còn nóng hổi, tràn trề sự sống kia? Tôi muốn quay lại nhưng không được
nữa. Súng đạn xô tôi chạy mãi về phía trước. Tôi đã ra tới phố Phan Bội Châu.
Lúc nãy, rõ ràng tôi nghe nhiều tiếng súng bắn vào cửa Ðông Ba, và quân Việt cộng
bên trong bắn trả lại. Nhưng ra tới đây, sao tôi không thấy bóng một người nào
hết. Chỉ có những xác chết. Xác Việt cộng chết từ lâu hoặc còn tươi, xác dân
chúng đi tản cư. Tôi nhìn thấy nhiều cảnh thương tâm lắm. Những chị đàn bà chết
trong tay còn ôm chặt con. Những người đàn bà bụng chửa chết lòi con ra ngoài.
Thấy chạy ở ngoài đường nguy hiểm quá, tôi xô cửa vào một căn phố gần đó.
Căn phố bỏ trống. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những lỗ hổng lớn đục nơi bức tường
cứ tiếp tục thông từ nhà này sang nhà khác. Tôi nghĩ là Việt cộng họ dùng lối
này để di chuyển chăng. Nhưng tôi không dám mạo hiểm leo sang những căn nhà
khác. Căn phố này chưa sập đổ hoàn toàn, nhưng tôi kiếm hoài không ra được một
chút thức ăn nào hết. Cực chẳng đã tôi phải tìm sang nhà khác, kiếm bất cứ cái
gì ăn cho đỡ đói. Khi tôi nhặt được một túi bánh mì khô bên cạnh xác một em bé
chết đã lâu mặt mũi sình thối, thì tôi cũng bị trúng một viên đạn vào tay. Tôi
tự băng bó bằng áo của em bé đã chết, và viên đạn đến bây giờ vẫn còn mắc cứng
trong thịt, có lẽ tôi đau nhức hơn cả là vì vết thương này.
Tôi không hiểu làm thế nào mà tôi còn sống sót được khi chạy tới bờ sông. Tôi
không biết, không nhớ rõ khúc sông nào. Lúc nhìn thấy mặt nước, tôi khát cháy cổ
họng, người khô quắt không còn một giọt mồ hôi. Sau lưng tôi, trên đầu tôi, tiếng
súng nổ. Tôi bỗng cảm thấy đau nhức khắp người và hình như máu trong người tôi
đang chảy ra như suối. Mặc, giòng sông xanh trước mặt êm ả quá, màu xanh ban đầu
làm mắt tôi dịu lại, rồi tất cả giòng sông chụp lấy tôi, nhận chìm tôi xuống.
Tôi đã lết tới sát bờ sông, tôi vục cả mặt mình xuống, trườn cả người xuống,
giòng nước mát lạnh như muốn đóng tôi thành một tảng băng. Rồi có tiếng la chới
với: Cứu người ta với, cứu người ta với. Tôi bị nhấc bổng lên một con thuyền,
và tôi thiếp đi.
Khi tôi tỉnh dậy thì thuyền đã qua sông. Tôi bị mấy vết thương khá nặng. Có bao
nhiêu tiền, tôi dốc cho người lái đò đã cứu sống tôi hết. Tôi từ giã người lái
đò rồi cố gắng vừa bò vừa lết lên đường.
Hình như tôi bò ngang qua nhiều xác chết lắm. Tôi đến được trường Kiểu Mẫu. Ở
đây, người ta tị nạn đông lắm, đông đến nỗi tôi không còn có chỗ nằm. Tôi được
băng bó sơ sài, được ăn uống. Người ta khuyên tôi nên đi về phía An Cựu, ở đó
đã yên, may gặp quân đội, họ chở về Phú Bài mới có thuốc thang băng bó. Tôi đã
đi qua bao nhiêu con đường nhỏ, tôi có ngang qua bưu điện nữa thì phải, cứ ở chỗ
này có tiếng súng, tôi bò tránh sang chỗ khác. Nơi bưu điện, tôi thấy có mấy
xác Việt cộng bị xích chân nơi khẩu đại liên. Họ đã chết. Một nơi khác tôi cũng
thấy tương tự như thế. Khi tới cầu An Cựu, tôi thấy có lính mình và người Mỹ.
Tôi chưa kịp đi tới thì xẩy ra tiếng súng, tôi vội lết vào con đường nhỏ để
tránh đạn. Khi đi qua đoạn đường hồi nãy anh cứu tôi, tôi bị một phát súng
trong vườn bắn ra. Tôi ngã ngay xuống đất. Dù vậy, tôi cũng cố lết tới cái hố
bom để tránh đạn lạc. Khi ở trường Kiểu Mẫu, tôi thấy có nhiều ngôi mộ mới. Người
ta nói: mỗi ngày có mấy người chết. Hoặc bị thương từ trước, hoặc trúng bom.
Tôi tưởng qua tới đây thì có thể về Phú Bài được. Nhưng giờ thì tôi hết hy vọng
rồi. Tôi không hiểu sao tôi còn tỉnh táo tới phút này để kể cho anh, cho chị
nghe chuyện của tôi được. Có lẽ máy bay đã xa rồi.
Thôi anh chị để mặc tôi, chạy đi, không họ tràn tới bây giờ. Xin dựng tôi nơi
cánh cửa, không, nơi cái cột kia cũng được. Tôi còn nhìn thấy mưa, thấy cỏ cây.
Bụi cây trước mặt chưa có một vết đạn nào tới phá, mưa gội sạch hết để tôi
nhìn...
Thái dựng người thanh niên nơi chiếc cột ngó ra góc vườn. Ở đó có một chậu cây.
Mấy chậu hoa thược dược trắng và tím vẫn nở. Xa hơn là một bụi cây lớn đang nằm
nghe mưa vỗ về. Có lẽ máy bay sẽ trở lại thật. Thái ngỏ ý muốn đi và đem người
thanh niên theo, nhưng anh ta mỉm cười lắc đầu. Tay anh bắt đầu run, môi anh ta
tím bầm lại và đôi mắt chớp nhanh như muốn thu hút hết bầu trời và cảnh vật trước
mắt. Ðôi mắt dại dần như có một cái màn mỏng kéo tràn qua. Thái cầm chặt tay
anh ta. Nơi khóe mắt sắp tàn lụi bỗng rỏ xuống hai giọt nước mắt và miệng anh mấp
máy. Anh cố nhướng lên như muốn thâu hết mọi hình ảnh rồi đứng tròng. Thái lắc
đầu. Tôi thụt lùi lại đứng đằng sau lưng Thái. Thái nhẹ nhàng vuốt mắt cho người
thanh niên, rồi đặt xác anh ta nằm thẳng bên chiếc bể cạn.
Trời mưa nặng hạt hơn. Tôi thờ thẫn theo Thái ra ngõ. Trước ngõ, mấy xác Việt cộng
nữa vừa mới chết. Họ nằm sấp có, ngửa có. Thái vuốt mắt cho từng người rồi kéo
tay tôi đi. Tôi bỗng hoảng kinh muốn vọt chạy tới đằng trước. Thái hỏi:
- Chi rứa chị?
Tôi nói không ra hơi, đưa tay chỉ lui. Xác một Việt cộng vừa mới được Thái vuốt
mắt xong đã nhắm, bỗng lại mở trừng trừng ra, như nhìn theo chúng tôi. Thái xô
tôi tới trước:
- Thôi kệ, đi đi chị. Ði đi mau.
Chính chân Thái cũng quýnh lại. Hai chị em dắt díu nhau chạy thoát con đường nhỏ.
Một lúc sau tới đồn An Cựu, thấy có thúng hột vịt của ai bị đổ rơi vãi đầy đường,
Thái nhặt được ít quả còn nguyên bỏ vào túi.
Hình ảnh người thanh niên tên Khâm vừa mới chết trong một căn nhà lạ cứ ám ảnh
tôi mãi. Hắn kể tỉnh táo vậy tại sao lại chết chóng vánh như thế? Cái chết thiệt
dễ dàng và đôi khi không giải thích nổi. Hắn đã ở nơi bom đạn trong suốt bao
nhiêu ngày, bị bao nhiêu vết thương. Trốn chạy mãi sang gần tới nơi bình yên
thì lại chết vì một viên đạn nào đó trong vườn, từ sau một bụi tre bắn đi. Cái
chết thật như sự bỡn cợt.
Vậy số phận tôi, số phận gia đình tôi lấy gì bảo đảm. Tôi đã chạy cùng khắp, về
nhà quê, lộn lại lên Huế. Ở nhà quê cũng có người chết vì đại bác rơi lạc. Về
thành phố, tìm nơi an ổn nhất cũng có những viên đạn đi lạc hết sức vô tình.
Tôi bỗng bàng hoàng cả người khi nghĩ tới những ngày ở nhà thờ, ở Cung An Ðịnh,
những ngày chạy từ Tân Lăng về miệt đường rầy. Ở đâu cũng đầy cái chết mà chúng
tôi chưa biết, chưa chết, chớ không phải là không thể chết.
Ban đầu tôi nghe đồn là Việt cộng ở chơi ba ngày, rồi tăng lên bảy ngày. Rồi
tin cụ Hồ vào thăm dân. Cụ chưa vào mà thành phố đã chết đứt một nửa, đã tan
nát sụp đổ gần hết. Ngày cụ vào, chắc gì con cháu còn sống để hoan hô cụ. Nhìn
đồng bào chết, lòng tôi không khỏi xót xa, nhưng nhìn những xác Việt cộng tôi
cũng không thể căm thù họ. Họ cũng chết la liệt cho bác Hồ vô Huế. Thái nói:
- Răng tự nhiên chị khóc?
Tôi phải nói là tôi sợ lắm. Chắc Thái cũng đang nghĩ gì mà tôi nhìn thấy mắt nó
buồn hiu. Về tới nhà, má tôi đang đứng lấp ló ở cửa. Bà chạy xổ ra kéo chúng
tôi vào nhà, vừa mắng vừa khóc:
- Tụi bây thiệt. Tụi bây thiệt làm tao hết hồn hết vía.
Rồi bà kéo chúng tôi vào nhà. Trên bàn thờ ba tôi, mùi nhang bay thơm phức. Dì
Vạn đang thổi cơm bằng chiếc bếp nấu dầu hôi ở một góc nhà. Dì nói:
- Trưa ni ăn cơm có đu đủ kho nghe bây. Dưới Thủy Dương vừa mang lên, của cậu mợ
Giáo gửi cho đó.
Thái ngơ ngác:
- Ai lên, lên khi mô? Mới đánh nhau mà.
- Thì nó lên rồi bị kẹt ở Mù U. Nó phóng xe như bay tới đây, ngớt súng là về liền.
Tôi hiểu dì Vạn nói nó đây là ai rồi. Chắc con trai của cậu Giáo.
Má tôi nói:
- Ðừng có mở cửa nghe. Có nhiều nhà người ta về rồi. Mở cửa sợ Việt cộng biết.
Trưa đó, chúng tôi đang ăn cơm thì nghe một tiếng nổ như sét trên đầu. Cả nhà lại
vất hết bưng đầu chui vào hầm. Lại đánh nhau chăng? Nhưng chỉ có một tiếng nổ lớn
rồi thôi. Hai cánh cửa sổ đang đóng bật ra, thêm một ít ngói trụt để lộ những mảnh
da trời màu chì. Mấy tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới biết là một toán lính Mỹ
đi ngang gần đồn An Cựu, ngồi nghỉ chân tại bên đường, kiểm lại thấy mất một
cây súng. Vậy là họ kéo vào một căn nhà lầu đẹp nhất bỏ trống, đặt mìn giật nổ
cho hả giận.
8 TRỞ VỀ NGÔI NHÀ CŨ
Nhà ở đằng trước đã trở về. Trước Tết, tôi thấy nhà này đông lắm,
con cháu ra vô đầy sân. Khi ba tôi mất, ông chủ nhà cũng có qua thăm viếng nữa.
Vậy mà bây giờ chỉ có hai người con trai trở về. Họ mặc quần áo đại tang và đội
mũ trắng trên đầu.
Tôi biết được họ về là nhờ nghe được tiếng khóc. Một buổi xế trưa, khi vừa chui
ra khỏi miệng hầm để giúp dì Vạn lấy nước vo gạo, tôi bỗng nghe tiếng khóc ai
oán ở nhà trước mặt ngõ. Dì Vạn khoát tay:
- Im, ai khóc mà dễ sợ rứa. Ai khóc như ma khóc rứa hề.
Tôi nói:
- Con nghe chừng như tiếng đàn ông.
Thái bò ra:
- Tiếng khóc bên nhà trước mình, hình như nhà bác Năm thì phải chị hỉ!
- Chắc vậy.
- Để em ra sân nghe thử coi.
Thái thoát ra sân. Tôi vội vã chạy theo nó. Đúng tiếng khóc ở nhà trước ngõ thật.
Ngôi mộ trước sân ai đã thắp hương, làn khói mỏng manh bay là là sát mặt đất rồi
tan loãng rất mau. Thái đứng trước cây dừa nhìn vào. Một cái đầu rồi hai cái đầu
ló ra. Hai người con trai lớn của gia đình này. Mặt mũi đỏ hoe và mắt chưa ráo
lệ. Thái hỏi thăm:
- Mấy anh về rồi đó à?
- Không, tụi tui về rồi đi liền. Về coi nhà cửa ra răng.
Thái chỉ ngôi mộ:
- Mộ bác gái đấy phải không? Hôm nớ mà chôn được, kể bác gái cũng có phước lắm.
- Mạ tui chết ngay tại nhà mà. Còn con em tui chưa chết, vì chưa chết mới mang
họa.
- Ủa, chắc cô đã bị thương nặng lắm.
- Nó cũng chết rồi.
Người em đưa tay lên trời, chỉ về phía thành phố đang bốc khói:
- Tui thề không đội trời chung với chúng nó. Anh thử coi, con em gái tui bị
thương sáng đầu tiên, nhà cháy. Ba tui với em tui chở nó đi nhà thương. Khi nớ
mô đã biết Việt cộng chiếm hết thành phố. Rõ ràng là Mỹ với Việt cộng bắn nhau
rồi nhà tui cháy. Đạn trúng mạ tui không phải B40 mà là đạn của Mỹ ở ngoài đường
bắn vô. Mạ tui chết vì đạn Mỹ chớ không phải của Việt cộng. Rồi ba tui chở em
tui, chị gái tui cũng đi theo, đi giữa đường bị trúng bom đạn chi đó chết luôn.
Chôn ngoài trường Kiểu mẫu. Trời ơi, tụi tui tới nơi chỉ còn thấy mấy cái thẻ
kiểm tra và cái bình thủy đựng nước sôi đã nguội ngắt đặt bên mấy ngôi mộ vùi
nông.
- Mấy anh tìm ra mộ bác rồi?
Cả hai người cùng sụt sùi. Họ chùi nước mắt:
- Mấy ngày trước lận. Tui nghe họ chỉ chạy ra tới nơi tưởng chết. Rồi tui về
đây núp đạn đầu tiên hết. Trong xóm mô có ai. Rứa mà ghê quá, một quả bom chi
đó không biết nữa rơi sụp mái nhà, chui tọt vào miệng hầm, cái đầu chổng ngược
như một mũi tên, mà nó không nổ. Anh em tui nhắm mắt chờ nó nổ, nó không nổ. Về
sau chạy ra được khỏi hầm. Chừ trở về nó vẫn còn mà chưa nổ. Đi tản cư tui cứ
lo nó nổ thì tan tành sự nghiệp.
Tôi sợ tái người. Té ra mấy ngày nay trở về, chúng tôi sống bên một ngôi nhà chứa
một đầu bom lớn. Nếu nó nổ, bên nhà chúng tôi không khỏi bị họa lây.
- Bây giờ mấy anh đi mô?” Thái hỏi.
- Chừ tụi tui về Phù Lương. Ở đây sợ lắm.
Hai người con trai sửa soạn ít thứ cần dùng, ra thắp nhang thêm nơi mộ người mẹ
rồi chào chúng tôi, đi ra đường. Thái chạy theo hỏi:
- Mấy anh đi bộ.
- Không, xuống khỏi Mù U có xe Lam rồi. Xe lên tới rồi.
Tôi mừng như bắt được vàng:
- Thế hả. Anh làm ơn cho hỏi, xe có qua Thanh Lam không.
Tôi sực nhớ tới một nơi mà tôi có thể nhờ cậy được. Ở Thanh Lam có một cơ sở nhỏ,
chi nhánh của nơi tôi làm việc. Nếu có xe Lam, tôi sẽ đi xuống đó để nhờ họ
giúp đỡ trở lại Sài Gòn. Một trong hai người vừa đi vừa trả lời tôi:
- Có, có.
Tôi chạy một mạch vào nhà. Má tôi hỏi ai khóc đó. Tôi không trả lời câu hỏi của
má tôi mà tíu tít khoe:
- Con sắp đi Sài Gòn được rồi.
- Hí. Mi đi Sài Gòn.
- Đường đi về Thanh Lam được rồi. Con sẽ về đó xin phương tiện về Sài Gòn.
Má tôi chưng hửng:
- Thiệt không? Tao không tin được.
Tôi kể chuyện hai anh em con trai nhà đằng trước ngõ cho má tôi nghe. Má tôi hiểu
ra và mừng rỡ. Miễn là thoát được vô với chồng con. Tôi bỗng tím lịm người. Chồng
con tôi ở Sài Gòn liệu có còn yên ổn không? Sài Gòn cũng đánh nhau, cũng chạy
loạn, cũng chết chóc như Huế. Các con tôi. Các con có đợi má trở về? Nước mắt
tôi bỗng chảy giòng giòng. Má tôi nạt:
- Nghĩ tầm bậy. Chắc không can chi mô.
Câu nói của má tôi vẫn không an ủi tôi được chút nào hết. Nếu gia đình tôi ở
Sài Gòn có chuyện gì, thà tôi chết ở đây với Huế. Nhưng sợ má tôi phiền muộn
thêm, tôi vội chùi nước mắt.
Buổi chiều hôm đó, Thái đưa tôi về Mù U để chờ xe Lam. Nhưng xe Lam không có.
Tôi lại nghe phía cầu Bực bị giựt mìn, xe cộ không đi lại được. Nhưng đến xế
chiều, nhiều đoàn xe Mỹ chạy lên. Rồi nhiều đoàn xe Mỹ chạy về. Cứ mỗi đoàn xe
chạy lên, họ chở theo một ít gia đình về hồi cư, đoàn xe trở xuống họ cho thêm
vài gia đình đi tản cư. Vẫn cứ cảnh người đi người về, không ai còn biết được ở
chỗ nào yên thân hơn chỗ nào nữa. Người ta cứ chạy, còn chạy được là còn biết
mình chưa chết.
Xế chiều hôm đó, Túc lên thăm. Túc cho biết là đường quốc lộ một ban ngày yên lắm
vì có Mỹ gác. Ban đêm, Mỹ rút về, Việt cộng từ trong núi tràn ra và đi lục soát
từng nhà, bắt thanh niên lên núi theo họ.
Tối hôm đó Thái bàn với tôi, ngày mai, hai chị em đi bộ về Thủy Dương rồi mượn
xe của Túc đi về Thanh Lam. Đêm đó, tôi không tài nào chợp mắt được.
Lòng tôi nôn nao một cách khó tả. Lúc này tôi mới thấy lòng con người ích kỷ nhỏ
nhen hết sức. Giữa sự chết chóc đầy rẫy, vì một chút hy vọng chưa đâu vào đâu,
tôi đã vui sướng một mình. Má ơi, má. Nhiều lúc, giữa tiếng đại bác câu ình ình
trong đêm, tôi thoáng nghe mơ hồ như có tiếng con trẻ, trong ký ức bật ra hay
trong sự nhớ thương vọng tới.
Trận đánh đến bao giờ
mới tàn đây. Và thành phố đến hôm nay nữa có bao nhiêu xác chết. Nằm im một chỗ
trong bóng tối, dưới hầm sâu, tôi không có thể hình dung ra sự đổ nát, tang
thương của thành phố. Chừng đó tiếng súng, chừng đó đại bác, chừng đó bom cũng
đã đủ rách nát cả thành phố nhỏ bé, quê hương thân yêu của tôi rồi. Tôi ngạc
nhiên khi nghĩ rằng tại sao tất cả súng đạn, từ Mỹ, từ Nga, từ Tiệp Khắc bỗng
nằm trên tay người Bắc Việt, người Nam Việt, đổ xuống một thành phố nhỏ bé,
hiền lành như thành phố Huế. Bom đạn từ những nước nào thật xa xôi, với danh
nghĩa giúp đỡ miền Nam, viện trợ miền Bắc, bỗng dưng cùng tập trung vào một
thành phố nhỏ, banh thịt trẻ thơ, cắt lìa tay chân, mặt mũi bao người. Hình ảnh
những khúc tay khúc chân tôi nhìn thấy dọc đường. Những cảnh ái ân vụng trộm
giữa tiếng súng, trong một góc khu giáo đường trang nghiêm đầy rẫy tiếng kêu,
tiếng khóc. Hình ảnh một xác hài nhi bọc trong áo bà mẹ, ôi sự sống, dù sao sự
sống vẫn phải tiếp tục. Như tôi còn thở được trong đêm kinh hoàng này đây.
Không, không phải chỉ một mình Huế, mà hình như trên bao nhiêu tỉnh khác, cả
Sài Gòn, nơi các con tôi, nơi chồng tôi đang sống cũng có những hình ảnh này
nữa. Cũng bom đạn, nhà cháy, tan nát, chết chóc. Nhưng tôi bỗng nhiên cứ tin
chắc rằng không có nơi nào chịu cảnh khổ cùng cực như Huế, nơi chúng tôi đang
chịu.
Trời bên ngoài hình như
mưa nặng hạt hơn. Nhưng tiếng mưa đang cố dệt bức màn êm ái mát lạnh cũng đang
bị rách nát vì hỏa châu, vì súng đạn, vì máu lệ nữa. Tôi nghĩ tới những ngôi mộ
mới lấp đất vội vàng, đêm nay mưa sẽ thấm xuống, mưa sẽ mở mắt cho người chết,
hút thêm chút sinh lực của sự sống chưa kịp tan trong thân thể bởi cái chết quá
bất ngờ. Mưa cũng sẽ rửa tai cho họ nghe nữa, tiếng thở của đất, tiếng rung
chuyển của bom đạn. Đêm nay, còn bao nhiêu xác chết chưa kịp chôn, chưa ai vuốt
mắt, hoặc nằm sấp, hoặc nằm ngửa. Bao đôi mắt sẽ mở trợn trừng với một hình ảnh
nào đó còn dán chặt trên mặt đất, hoặc còn trong vòm trời cao xám xịt. Thành
phố có bao nhiêu con đường hoặc bao nhiêu nhánh rẽ như tay chân, những cánh tay
đó đã chết rách bung, không còn đủ sức để vỗ về người tìm tới nữa.
Và trong đêm nay, đoàn
người gồm các cha, các sư, dân chúng, bồng bế nhau cầm cờ trắng chạy xuôi chạy
ngược đã tản mát nơi nào? Có bao nhiêu người ở lại dọc đường, có bao nhiêu khúc
chân khúc tay chới với? Vậy mà tôi còn nằm đây. Lạy Phật. Lạy Chúa. Xin Phật,
xin Chúa phù hộ tôi. Tôi chợt hổ thẹn quá. Vì đã bao năm rồi, có bao giờ tôi
nghĩ tới Phật, tới Chúa đâu. Nhưng vô ích, đừng có hy vọng hão huyền nữa. Tại
sao Phật Chúa chỉ cứu một mình tôi, chỉ thương xót tôi mà không thương xót bao
người khác?
Sáng ra, khi thức dậy,
tôi bỗng cảm thấy một sự yên tĩnh đến rợn người. Tôi mò mẫm trong bóng tối.
Ngọn đèn dầu vặn tim thật nhỏ đặt trong góc hầm đã khô dầu tắt từ lúc nào. Tôi
đụng phải những cánh tay, những bàn chân lạnh ngắt. Sao thế nầy? Không còn ai
thở nữa hết sao? Không, tôi vừa đụng phải ngực của ai đó còn nóng hổi.
- Sáng rồi, dậy.
Tôi đánh thức mọi
người. Má tôi mệt nhọc:
- Tối qua không ngủ được,
sáng ra ngủ chẳng biết trời trăng chi hết.
Thì ra cả đêm qua ai
cũng thức. Thái vùng dậy chui ra khỏi hầm và mở cửa sổ. Có chút ánh sáng tràn
vào làm mờ nhạt bớt bóng tối nhưng chúng tôi vẫn chưa nhìn ra được nhau. Khi ra
khỏi hầm rồi, tôi vẫn còn cảm thấy bị bọc trong một sự im lặng dầy đặc. Hết
đánh nhau rồi sao? Không có tiếng súng nhỏ, không có cả súng lớn nữa. Thái ra
dấu cho tôi dừng lại ở cửa rồi chạy ra đường. Một lát nó chạy vào:
- Chị, người ta lại đi
tản cư. Răng lạ rứa hè?
- Đi mô?
- Họ đi về phía dưới,
chắc về chợ Mai, Phù Lương.
Tôi reo lên:
- Mình về dưới Hương
Thủy đi.
- Chị tìm về sở?
- Ừ.
Tôi ngỏ ý ấy với má
tôi. Lúc đầu bà cản, nhưng về sau, thấy nhiều người đi về lối Phù Lương quá, bà
bằng lòng để cho chúng tôi đi. Ra đến ngõ, má tôi còn dặn:
- Coi đường đi không
được thì trở lui nghe con.
Tôi phải hứa đi hứa lại
cho má tôi yên lòng. Chúng tôi theo đoàn người tản cư đi bộ về Thủy Dương. Về
tới chợ, chúng tôi ghé vào nhà cậu Giáo mượn xe gắn máy. Nhưng xe hết xăng,
không tìm ra xăng ở đâu để mua nữa. Chúng tôi đành phải tiếp tục đi bộ. Đi được
một đoạn, chúng tôi theo kịp đoàn người phía trước. Cũng có vài gánh hàng từ
dưới đi lên, những gánh rau xà lát xanh non. Thì ra ở đây, chợ búa vẫn họp như
thường. Các vùng này, chỉ có ban đêm, Việt cộng mới tràn về bắt bớ, chớ ban
ngày hoàn toàn an ninh. Tuy vậy, nhìn vào những thôn xóm, tôi vẫn cảm thấy như
có một sự gì ghê gớm, sẵn sàng bùng nổ.
Thêm một đoạn đường
nữa, ngang qua cánh đồng rộng, chúng tôi phải đi sát vào bờ đường để nhường lối
cho một đoàn xe đang hối hả chạy ngược trở lên. Trên xe đầy lính Mỹ. Thái kéo
tay tôi rạt xuống sát bờ ruộng bỏ không, xấp nước. Đoàn xe này chắc lên Huế
tiếp viện. Chúng tôi đang ở giữa đoàn xe thì một tiếng nổ lớn, như tiếng súng
cối khai hỏa, rồi thì những tràng súng lớn nhỏ bắn từ trong những chòm cây xanh
phía sau ruộng ra như mưa. Đoàn xe đi trước vừa bắn trả vừa tiếp tục chạy. Đoàn
xe sau dừng lại và tất cả binh sĩ Mỹ đều xuống xe, tràn xuống hai bên bờ ruộng.
Chúng tôi vội lăn xuống ruộng, một nửa người dầm dưới nước lạnh ngắt, đầu kê
trên một bờ cỏ ướt. Thái luôn miệng giục tôi:
- Cúi đầu thiệt sát
chị. Cứ nằm yên, đừng có chạy.
Tiếng súng hai bên bắn
trả nhau như mưa băng qua đầu chúng tôi. Chúng tôi đang ở giữa hai lằn đạn. Tôi
vừa lo sợ vừa hối hận quá. Khi ra đi, má tôi đã can ngăn vậy mà tôi không nghe.
Bây giờ lỡ chết ở đây thiệt là lãng nhách. Nhưng may quá, tiếng súng phía trong
những lùm cây xa dần rồi im hẳn. Họ đã rút. Không ai bị thương hết, đoàn xe Mỹ
chỉ bị hư hại nhẹ và năm phút sau họ đã tiếp tục lên đường được.
Chờ cho đoàn xe Mỹ đi
khuất thật xa, chúng tôi mới leo lên đường cái. Phía bờ ruộng bên kia cũng có
nhiều người lóp ngóp bò dậy. Họ cũng là những người đi tản cư. Đi được một
đoạn, chúng tôi gặp một người đàn bà gánh xà lát đang bị thương nặng bên cạnh
gánh rau của bà rơi vương vãi. Chúng tôi dừng lại xem xét vết thương của bà và
chưa biết làm thế nào thì may quá, một chiếc xe Lam từ dưới Phù Lương đi lên.
Người tài xế thấy đám đông nhảy xuống hỏi:
- Mới đụng độ khúc ni
phải khôn?
- Vừa mới tức thì nì.
Xe Mỹ ngang qua là họ bắn.
- Xe chạy qua được hết
rồi há? Bà ni bị thương răng đây?
- Nặng lắm. Bác làm
phước chở bà ta xuống Phú Bài, nằm nhà thương Mỹ may ra sống được.
- Thì tui cũng đoán
rứa, tui đang núp dưới nớ, nghe trên ni yên tiếng súng mới lái xe lên coi bà
con có ai bị chi không. Trời, tình cảnh ni mình không thương mình thì ai
thương.
Bác tài cùng vài người
khác khiêng người đàn bà bị thương lên xe. Bác nói:
- Coi ai đi được thì cứ
quá giang tui chở. Không lấy tiền nong chi mô. Ngồi chật chật một chút.
Thái nói:
- Cho chúng tôi tới
đằng nớ. Nơi Thanh Lam đó.
- Lên đi.
Chiếc xe chạy băng
băng. Tôi nhìn lui lại chỗ vừa giao chiến, không còn dấu vết gì, ngoài gánh rau
xà lát rơi vung vãi. Những đồng ruộng vẫn loang loáng nước và những chòm cây xa
vẫn im lìm ôm kín niềm bí mật. Người tài xế kể chuyện oang oang, tiếng ông lẫn
trong tiếng máy xe nổ nghe khi được khi mất. Đại để ông cho biết là từ hôm xảy
ra đánh nhau, ông đã chở bao nhiêu người bị thương về Phú Bài rồi. Giữa đường
có nhiều người chịu không nổi đau đớn đã chết, ông chở về làng, ông đem chôn
luôn.
Chúng tôi phải hét to
rát cả cổ, người tài xế mới nghe và dừng xe lại, thả chúng tôi xuống Thanh Lam.
Tôi vào sở một mình. Lúc đứng trong chiếc phòng rộng, tôi mới thấy người tôi
ướt lạnh, nước không phải chỉ ứ ra từ quần áo mà như thoát ra từ trong da thịt
tôi nữa. Người tôi cứng lại như một khối nước đá.
Người coi chi nhánh nhỏ
của sở chạy ra:
- Trời ơi. Mấy hôm ni
quay quắt không biết mần răng mà tìm chị. Mần răng mà chị về đây được. Ngồi
đây, ngồi xuống đây...
Tôi không đủ sức để
ngồi xuống nữa. Tay chân tôi đi đâu mất trọi. Chỉ còn khối óc chưa đông đặc, ra
lệnh cho tôi phát thành lời...
- Anh V, anh biết tin
tức chi ở Sài Gòn?
- À, chị lo cho anh với
các cháu há? Không răng, không răng. Mới túi qua trong nớ gọi ra hỏi tin chị.
Ngày mô anh cũng tới sở đợi tin chị. Chị yên trí đi.
- Anh nghe chi về gia
đình tôi không, các con tôi...
- Các cháu vẫn khỏe mà.
Trong đó đánh nhau cũng lớn nhưng yên rồi. Chỗ chị ở trong nớ bình an vô sự.
Tôi bảo đảm với chị đấy. Đừng lo.
Một hơi ấm bỗng bừng
lên từ ngực và lúc này hình như quả tim tôi vừa đập vừa toát ra lửa, ra không
khí nóng ấm. Làn khí ấm áp đó chạy rất nhanh truyền qua mạch máu, tôi đã chợt
nhận ra tay chân của mình. Tôi mấp máy đôi môi:
- Anh nói thật?
- Tôi cam đoan với chị là gia đình trong nớ yên ổn hết. Ngày bữa qua trong nớ
gọi ra, bắt đi tìm chị mà. Mà mần răng chị xuống dưới ni được.
- Tui đi bộ.
- Chừ chị ở luôn dưới
ni để tui tìm cách cho chị vô Sài Gòn.”
Tôi nhớ Thái đang đứng
đợi tôi ngoài đường. Còn má tôi, em tôi, anh chị và các cháu tôi nữa. Không,
tôi phải ở lại, tôi không thể bỏ đi một mình lúc này được. Mà chắc gì ở lại đây
tôi đã yên ổn tìm được phương tiện đi. Ban đêm, ở những đồn, những sở vẫn là
những mục tiêu, những miếng mồi ngon của họ, ở đây cũng nguy hiểm lắm. Tôi nói:
- Mai tôi trở lại. Bây
giờ tôi phải lên An Cựu.
Chần chờ một lát để
nghe chuyện Sài Gòn, tôi trở ra, mang theo một lít xăng để khi tới Thủy Dương
mượn xe gắn máy mà về Huế cho sớm. Thái vẫn đứng chờ tôi ở một cái quán nhỏ xế
cửa sở. Hai chị em lại đi bộ đến Thủy Dương.
May dọc đường không có
chuyện gì xảy ra. Tới Thủy Dương, hai chị em tôi vào cậu Giáo. Mợ Giáo đã để
sẵn cho chúng tôi một ít rau váng, khoai lang và ít thịt heo. Đổ xăng vào xe,
chúng tôi chở thức ăn về An Cựu.
Tôi kể chuyện về Thanh
Lam cho cả nhà nghe. Khi biết tin mấy đứa cháu ngoại không hề hấn gì, má tôi
mừng đến phát khóc. Nhưng bà vừa mừng cho cháu ngoại đến phát khóc thì sau đó
lại khổ sở lo lắng khóc cho đám cháu nội còn kẹt trên Từ Đàm.
Buổi xế chiều hôm đó,
bỗng ở căn nhà bỏ không bên kia đường có hai người đàn ông lạ mặt tới ở. Trông
họ xanh xao ốm yếu lắm. Họ lần mò sang nhà chúng tôi và xin ở tạm. Má tôi vừa
trông thấy họ đi vào ngõ đã kéo Thái dấu tuốt vào trong góc hầm. Hai người đàn
ông vừa nói chuyện vừa nhìn quanh nhà bằng con mắt láo liên. Họ cố sửa giọng
nói, tôi không đoán được giọng nói bình thường của họ như thế nào, nhưng những
lời họ nói hình như chưa được quen miệng lắm:
- Thưa bác, chúng cháu
chạy loạn về đây, bác cho chúng cháu ở tạm ít bữa.
Má tôi vội vàng nói
lấp:
- Dạ nhà chỉ có mấy mạ
con. Dạ ở dưới ni ban ngày lính quốc gia kiểm soát, ban đêm mấy ông giải phóng
về kiểm soát. Nhà lại trống trải, xin mấy anh tìm chỗ khác yên hơn.
- Sao bác không chạy mà
về làm chi?
Má tôi giả vờ chùi mắt,
chỉ vào bàn thờ ba tôi:
- Dạ, ba cháu mới mất
xong, mạ con tui cũng không muốn đi mô nữa hết, thôi thì phó mặc cho số mạng.
- Chị đây là con bác?
- Dạ.
- Chắc chị làm công
chức?
- Dạ không. Vợ chồng nó
thợ may. Nó về chịu tang, còn chồng nó kẹt lại ở trong Quảng.
- Chị may đồ đầm hay đồ
Việt chị?
Một tên vừa cười cười
vừa hỏi tôi. Tôi trả lời bừa:
- Dạ đầm Việt chi mô.
May mấy đồ bà ba cho bà con lối xóm mà mấy ông.
Một người chỉ một căn
nhà phía bên kia đường:
- Tụi cháu ở bên kia
bác. Có chuyện chi cần bác sang gọi chúng cháu sẽ sang đỡ đạn cho bác.
- Dạ, cám ơn mấy anh.
Hai người đàn ông đi
vào nhà, nhìn quanh quất và tiến dần đến miệng hầm. Má tôi vội chạy theo:
- Dạ, các anh ngồi chơi
uống nước. Dạ trong hầm nớ hôi hám lắm. Mấy ngày không ra ngoài được, mấy đứa
cháu nhỏ ỉa đái hôi rình. Mấy anh ngồi chơi.
Nhưng hai người đàn ông
lạ mặt chào chúng tôi rồi đi thẳng ra ngõ. Họ đi vào căn nhà trước mặt. Đến
chiều tối chúng tôi không còn thấy họ đâu nữa.
Đêm đến, tiếng súng
miệt Phủ Cam, Bến Ngự nổ ròn rã. Đại bác câu về phía đó liên tiếp. Chúng tôi
nằm trong hầm, nghe tiếng đại bác dội lại muốn ù tai. Rồi hai ba tiếng nổ ầm ầm
như căn nhà đã bị văng đi đâu hết rồi. Gạch ngói rơi trên nóc hầm rào rào.
Chúng tôi nằm sát vào nhau, quờ quạng tìm nhau, lúc nào cũng có cảm tưởng như
một người thân yêu nữa sẵn sàng bỏ đi trong đêm tối.
Sáng ra, chúng tôi mới
biết là những cánh cửa sổ được Thái đóng chặt lại, cột bằng giây thép cũng đã
bị văng ra, rơi sau hè nhà. Căn nhà lại sụt ngói, lụi tường thêm một ít nữa.
Chúng tôi ra vườn quan sát chỗ nổ. Hai ba căn nhà cách căn nhà phía sau hè bị
đại bác câu trúng. Chúng tôi phải đi vòng ra đường, vào hẻm mới tới căn nhà bị
đạn. Căn nhà đã hoàn toàn sụp đổ, một lỗ hổng lớn ngay giữa nền nhà. Cây dứa
trước sân bị cắt đứt và mái nhà bên cạnh bị mấy tấm tôn quạt sang, hư hại một
phần ba mái nhà. Không ai chết, chỉ có vài người bị thương nhẹ vì người chủ nhà
này đào hầm ở ngoài sân.
Nhà bên cạnh có một ông
già ở lại giữ nhà, con cháu đã đi chạy loạn hết. Ông già quá, chắc đến trên tám
chục, không đi được nữa. Ông chả đào hầm hố, cứ ngủ trên tấm phản gỗ nhưng chưa
hề hấn gì. Thái và tôi vào căn nhà của ông cụ coi mảnh đạn văng qua phá nát một
vách tường phía mặt. Ông cụ hấp hem nhìn chúng tôi:
- Răng về rồi hí? Khôn
chạy ở đây trúng đạn hết răng?
Tôi hỏi:
- Thưa ôn, trong nhà đi
mô hết rồi?
- Xuống âm phủ rồi chớ
đi mô. Tổ cha nó, nói đừng có chạy, cả nhà chạy hết, nghe chết mô ở gần trường
Kiểu mẫu hết rồi. Tui còn một mình, già mà không chết, con cháu chết hết ở với
ai.
Ông đưa mắt nhìn lên
bàn thờ, bình hoa vạn thọ đã héo tàn, mấy bát nhang bỏ không và chén nước trà
đâu từ tối mồng một đã gần cạn đọng một lớp bụi dầy trên màu vàng đặc quánh đã
sắp hóa đỏ. Ông già ngồi trên phản gỗ, cứ đưa tay dụi mắt hoài, tôi không biết
ông bị bụi vào mắt hay đang khóc. Ông ngồi quay lưng ra phía chúng tôi lầm bầm
hoài gì đó. Căn nhà điêu tàn hoang vắng rợn người. Ông già như một bóng người chết
khô chết héo. Trên bàn thờ, bức ảnh một cụ già móm mém cười, hai mắt đã mất hết
màu thiếc ảnh, trắng dã như mắt ma... Thái và tôi không ai bảo ai, đều thụt lùi
đi ra cửa.
Đám đông vẫn còn bu đầy
trong ngoài căn nhà bị trúng đại bác. Thì ra xóm này dân chúng đã trở về khá
đông, nhưng chả ai dám chường mặt ra ngoài, họ đào hầm và sống lẩn lút bên
trong. Thái nói là có những gia đình ở chỗ khác tản cư tới đây, rồi ở luôn
không đi nữa.
Đám đông đang bàn tán
bỗng chạy ào ra đường. Một đám đông khác đang tụ tập đầu hẻm. Thái kéo tôi chạy
ra. Đám đông này đang bu quanh một cô gái nhỏ bị thương nặng. Cô gái được đặt
nằm trên tấm bố cũ, trải trên lề cỏ ướt.
Theo người ta bàn tán,
nhà cô nhỏ này ở trên đường rầy. Tảng sáng, một trái đại bác đã rơi trúng sau
vườn và mảnh đạn ghim vào người cô. Một mảnh đạn đã trúng bụng và đám ruột lòng
thòng chảy ra ngoài. Cả người cô được bao kín bằng tấm mền cũ nhưng máu thấm ra
ướt mèm tưởng vắt thành giọt được. Mặt cô bé tái xanh, hai mắt mở lờ đờ. Người
cha ngồi xổm bên đứa con gái vừa khóc vừa lạy van:
- Lạy bà con cô bác,
làm ơn kiếm xe dùm chở con tui xuống Phú Bài cho bệnh viện Mỹ nó cứu.
Nhưng đường sá chẳng có
chiếc xe nào, trừ những đoàn người tản cư không biết từ mạn nào, kéo về và cứ
đi thẳng theo quốc lộ 1. Thái cúi xuống xem xét vết thương của cô gái rồi lắc
đầu. Một người nói:
- Cứu liền may ra kịp.
Nhưng cô gái vẫn nằm
chờ bên đường cho tới trưa, cố nhướng đôi mắt đã lạc thần lên nhìn người cha,
nấc lên một tiếng rồi trợn ngược mắt.
Người cha khóc ầm ỹ, ôm
lấy xác con và cứ thế, ông chạy miết dọc theo quốc lộ, vừa chạy vừa la khóc thê
thảm. Mấy người lính gác đồn Trường Bia chạy ra ngăn ông lại, nhưng không còn
ai ngăn nổi ông nữa. Chạy được một quãng, ông ta ngồi lại bên lề đường đợi chờ
từng phút hơi thở con gái yếu dần. Thái nói:
- Thôi vô nhà đi chị.
Chúng tôi đi trở về,
dọc đường, Thái hỏi một đoàn người chạy lại:
- Ở mô về đó bác?
- Từ Đàm.
- Bác ở mô?
- Bến Ngự.
Thái reo lên và cầm
chặt tay tôi kéo chạy. Vào tới nhà. Thái la lớn:
- Trên Từ Đàm tản cư
về. Có người về.”
Nhưng khi má tôi chạy
ra được thì đoàn người đã đi xa. Những đoàn người khác tiếp tục kéo về. Họ ở
những vùng khác. Bên phố, trên Bến Ngự, trên ga, Phú Cam. Một người ở Bến Ngự
cho biết là trên Từ Đàm kẹt lắm, bộ chỉ huy Việt cộng vẫn đóng ở đó. Và quân Mỹ
đã dàn tới bên kia cầu Bến Ngự.
Má tôi lại thất vọng.
Buổi trưa, dù có đồ ăn ngon dưới Thủy Dương gửi lên, không ai cảm thấy ngon.
Hình ảnh cô bé với đống ruột lòng thòng chờ chết từng giây từng phút bên lề đường
làm tôi xốn xang.
Khi chúng tôi ăn cơm
xong, ở ngoài đường lại thấy từng tốp lính từ phía quốc lộ đi vào thành phố,
qua An Cựu. Họ mang ba lô, súng ống, người này cách người kia chừng nửa thước,
và hoàn toàn im lặng. Họ không ngó ngang hai bên nhà cửa đường phố. Thái nhận
ra là lính Biệt động quân, rồi một đoàn nữa là lính Nhảy dù, rồi Thủy quân lục
chiến. Dù má tôi ngăn mấ, hắn cũng chạy ra đường, giơ tay vẫy. Tôi cũng chạy
theo Thái. Ở một vài sân nhà khác, cũng có nhiều người ra đứng giơ tay vẫy và hỏi
thăm. Những người lính này như ở xa đến, người họ còn đầy bụi và có vẻ lo lắng
mệt mỏi. Họ mỉm cười trả lời những bàn tay vẫy, những lời thăm hỏi. Thái ra sát
đường:
- Anh ơi, anh ở mô tới
đó?
- Tụi này ở Sè gòng mới
ra.
Một người vừa trả lời
vừa đi. Người đi tiếp theo thò tay vào ba lô lấy ra hai hộp nhỏ liệng vào chân
Thái:
- Biếu bạn. Mừng bạn
còn sống.
Người đi tiếp theo lôi
ra một gói thuốc, người tiếp theo nữa lại liệng thêm ít đồ hộp. Tôi chạy theo
trả lại:
- Các anh cầm đi mà ăn,
còn đánh nhau nhiều mà.
- Thôi cô cầm đi. Chúng
tôi biết có sống mà ăn không! Đi quyết tử mà.
Vài nụ cười, vài cái
nhún vai. Tôi đứng sững người nhìn theo. Mấy hôm nay có nhiều tin tung ra: lính
tới vùng nào an ninh là vơ vét, chở đồ của dân bỏ lại chạy loạn. Người ta hối
hả trở về để giữ của, và vì sự vội vàng mà nhiều người chết oan. Nhưng đoàn
quân này sao khác hẳn. Một thỏi kẹo nữa văng tới chân tôi. Tôi không còn đủ sức
cúi xuống nhặt nữa.
- Mừng các bạn còn
sống.”
Mấy người lính đi sau
tiếp tục la hét. Những bàn tay vẫy đưa trả lại, những nụ cười chào nhau tiếp
theo. Đoàn lính đi qua dần, tôi đã cúi xuống được, cầm chặt thỏi sô cô la trong
tay và bóp vụn nát lúc nào không biết nữa. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy những
người lính dễ thương như thế. Họ là lính miền xa đến để chết ở Huế. Họ người
Sài Gòn, người Bắc di cư, người các tỉnh miền Nam, miền Trung, miền Bắc. Họ đến
để chết với Huế. Trời ơi, tôi nghĩ tới những người lính địa phương, một số đã
bỏ đồn chạy về ngay từ hôm đầu, một số đợi hơi yên là xổ ra, đi vác gạo, đi vào
những căn nhà bỏ không lấy đồ. Những món ăn béo bở Việt cộng đã khuân đi từ mấy
ngày đầu xẩy ra biến loạn, những món cặn thừa còn lại dành cho kẻ thừa nước đục
thả câu. Tôi đã thấy hai người lính khiêng chiếc xe Honda, vài người khác
khiêng tủ, khiêng ghế, hoặc bọc những vật dụng lấy trong các nhà đổ nát, còn
hôi rình xác chết. Thái đã ôm mấy hộp đồ lên tay và giục tôi trở vào. Khi nghe
kể chuyện, má tôi cảm động muốn khóc.
- Tội nghiệp, lấy của
họ mần chi, để họ ăn cho có sức mà đánh.
Dì Vạn cứ suýt soa
hoài:
- Họ tốt quá hí. Rứa
mới biết là họ dễ thương chớ mô có như mấy thằng mắc dịch ở trong xóm, ăn cắp,
thừa nước đục thả câu mà. Tụi nó lại sống nhăn mà mấy anh đó lại cực khổ dầm
vào chỗ tên đạn mới tội chớ.”
Có tiếng súng ở xa xa
vọng lại rồi. Chắc lại đánh nhau. Tôi nghĩ tới những người lính vừa liệng cho
chúng tôi những hộp thịt, những thỏi kẹo. Họ cười đó, nhưng lúc này đã có người
ngã xuống. Huế sẽ làm gì cho họ trong những ngày sắp tới. Không, Huế cũng đã
trơ xương da rồi, tan nát hết rồi. Nhưng chắc chắn Huế sẽ còn, dù bằng tàn lửa,
bằng tro nguội, bằng xương người. Các anh sẽ có người còn sống còn trở về lại
quê nhà và còn trở lại để giữ Huế.
Thái đã đốt một điếu
thuốc. Nó thả khói thành những vòng tròn, đốm lửa đầu thuốc lập lòe khi thu
nhỏ, khi bùng lớn, như nỗi hy vọng đang dần dà phấn khởi rồi thắt lại trong hồn
tôi.
Đúng lúc ấy, tôi bỗng
bàng hoàng vì có tiếng động ngoài sân. Rồi có tiếng gọi:
- Má ơi.
Giọng con gái. Má tôi
ngồi rột dậy. Cả nhà túa ra miệng hầm. Má ơi, má ơi, má ơi, má ơi... Tiếng gọi
má ơi không dứt. Cánh cửa mở tung. Chiếc xe đạp rơi bịch xuống đất và Hà nhảy
xổ vào nằm gọn trong lòng má tôi: Má, má, má...
- Con, con... Ui cha
con Hà. Ba hồn bảy vía con Hà... Con về được, con về được.
Tôi chợt nhìn ra sân,
một ông già mặc áo dài đen, đang đứng cầm ghi đông xe đạp nhìn vào nhà mà mỉm
cười.
Má tôi kêu lên:
- Ôn Minh. Ôn về răng
rứa?
Rồi má tôi khóc, khóc
sung sướng, khóc ồn ào:
- Ôn ơi, ôn vô đây. Ôn
vô đây ôn.
Ông già bình tĩnh dựng
xe đạp, vuốt lại vạt áo dài đen rồi bước lên từng bực cấp đi vào nhà. Má tôi
vẫn còn ôm chặt cứng Hà trong tay. Ông già mà má tôi gọi là ôn Minh chỉ vào Hà:
- Tui đem con lỏi xuống
cho bác đó. Mấy hôm ni hắn đòi đi, hắn hành tui bất tội thân mà.
- Ông đem con xuống đó
má.
Ông Minh vừa ngồi xuống
ghế vừa nhìn quanh nhà:
- May phước, nhà không
bị hư hại chi nặng hết.
Má tôi vừa giục tôi pha
nước vừa hỏi:
- Ôn ơi, tụi còn ở trên
ra răng ôn?
- Không răng. Tụi nó
còn ở trên. Thầy Lễ thầy nóng lòng lắm, cứ nhất định đòi đi xuống dưới ni tìm
bác. Tui phải cản. Hai ôn con tui ngày mô cũng tìm cách đi xuống dưới ni mà đi
khôn được đó chớ.
- Có đứa mô bị...
Má tôi dừng lại, mặt
tái xanh chờ đợi. Ôn Minh uống một ngụm nước:
- Không răng. À, chỉ có
con Hy bị trúng một miểng đạn vô chân. Mà không răng, trên đó có mấy tên y
khoa, hắn băng bó cho rồi.
Nhờ có ông già mặc áo
the đen và Hà thuật lại, tôi biết thêm rất nhiều về tình hình trên Từ Đàm. Gia
đình anh tôi phải bỏ sang lánh nạn bên nhà thờ cụ Phan. Xung quanh đã gần tan
tành hết. Chùa Từ Đàm nơi chính diện cũng sập mái, nhà giảng thì bị đại bác câu
tới tấp, tan tành. Mấy ngày đầu, Việt cộng chiếm chùa để trú ngụ và tạm thương,
nhưng về sau họ rút dần lên phía trên núi, chỉ có cắt quân canh gác và đào hầm
chiến đấu. Ôn Minh cho biết hiện ở chùa có hàng trăm người tỵ nạn và xung quanh
đó, nhiều nhà đã sập hoàn toàn. Con đường từ nhà thờ cụ Phan xuống tới cầu Bến
Ngự, hai bên nhà cửa không còn một căn nguyên vẹn. Gia đình anh tôi chạy qua
hết bên nhà cụ Phan cùng với nhiều gia đình và những người tỵ nạn khác. Hà chỉ
vào ông già:
- Chị biết ai đây
không? Ông Võ Thành Minh đó.
Thấy tôi ngơ ngác, nó
nói thêm:
- Ông là người thổi sáo
bên hồ Genève phản đối chia đôi đất nước hồi 54 tề, chị.
Tôi nhìn ông già, ông
đang bận kể chuyện cho má tôi nghe. Hà nói tiếp:
- Ông Minh mà chị không
biết há? Ông còn tên là Võ Song Thiết đó.”
Tôi hỏi nhỏ:
- Bây giờ ông làm gì?
- Ông giữ nhà thờ cụ
Phan, ông là đồng chí của cụ Phan mà chị. Mấy ngày đánh nhau, nhờ có ông mà
nhiều người khỏi chết đó nghe. Vui lắm.
Tôi trợn mắt:
- Mày nói vui? Trời ơi,
chết như vậy mà mày nói vui sao?
- Ông Minh nói ở hoàn
cảnh mô, mình cũng cố gắng vui sống. Ông Minh có sợ chết mô. Ông đi hoài cả
ngày chị. Ông đi phát gạo, đi tải thương, đi thăm các nơi...
Tôi nhìn kỹ ông già.
Ông mặc áo the đen, quần vải trắng, đầu đội chiếc mũ bê rê đen.
Không biết má tôi kiếm
đầu ra trầu mà bà đem ra mời ông nhai trầu bỏm bẻm. Khuôn mặt ông thông minh,
hiền lành. Nhìn ông, người ta dễ bắt nhạy cảm tình hơn là nghi kỵ, dò xét. Hai
chiếc xe đạp vẫn còn ngoài sân. Mưa phùn vẫn chưa dứt và tiếng súng vẫn vọng xa
xa. Má tôi lại hỏi:
- Ôn đi ngả mô xuống
đây?
- Hai ôn con tui đi
cùng các đường. Mấy bữa ni rồi. Có bữa đi xuống quá Lầu Đua Ra lại thấy đánh
nhau, bắn nhau quá phải trở về. Con Hà nó nóng ruột lắm.
Má tôi đưa đôi mắt đầy
trách móc nhìn em gái tôi. Nó cúi đầu và hơi mỉm cười.
Ông Minh tố thêm:
- Biểu nó ở nhà đố nghe
đi. Ôn đi là con đi với, con đi với ôn. Mấy ngày trước, hai ôn con lên núi Ngự
Bình coi đánh nhau, định tìm đường về dưới ni nữa. Gặp lúc họ đánh nhau, đại
bác câu lên núi yểm trợ ầm ầm, hai ôn con lăn từ giữa lưng chừng núi lăn xuống,
rồi nằm vùi nơi một hố bom. Khiếp thiệt. Rứa mà con Hà hắn thích lắm. Con ni
gan nó là gan cách mạng mà.
Má tôi chăm chú nghe
ông Minh kể, khuôn mặt lúc tái lúc vui. Bà thở ra khi nhìn Hà đang nhìn bà mà cười:
- Mi thiệt á!
- Ừ, hai ôn con lên Lầu
Đua Ra, lấy được đôi giày còn mới nguyên.
- Dễ sợ quá ôn hí. Cả
Lầu Đua Ra toàn máu khôn à.
- Khỉ, rứa mà cứ đi.
Con ni thiệt...
Có lẽ sợ má tôi lo
lắng, Hà nói lơ sang chuyện khác:
- Ôn nì, chị con đây ôn
nì.
Tôi lại phải gật đầu
chào ông Minh. Vừa gặp ông, tôi đã có cảm tình ngay. Nhớ những lời lẽ do người
thanh niên tránh nạn về kể lại bữa trước, tôi không thấy xa lạ với ông chút nào
hết.
- Hà nó noái chuyện về
chị luôn đó.
Tôi cười:
- Ôn ơi, ôn đừng gọi
con bằng chị nữa. Coi con như Hà rứa.
Ông Minh gật đầu:
- Phải đa. Rứa cho nó
dễ gọi. Tội nghiệp, con ra đây mắc kẹt phải không?
- Dạ.
- Mấy con rồi?
- Dạ hai.
- Tội nghiệp.
Hà chen vào:
- Ông Minh nghệ sĩ lắm
nghe chị. Ở trên Từ Đàm đánh nhau, bắn nhau rầm rầm mà ôn cứ họp thanh niên
trốn trong nhà thờ cụ Phan lại đàn hát cả ngày.
Tôi hỏi:
- Quân giải phóng để
yên cho ôn làm ồn vậy răng?
- Mấy ngày đầu cơ chớ.
Về sau thì lo mà trốn cho kỹ. Ôn noái mấy anh thanh niên xuống cầu Bến Ngự đòi
tuyệt thực phản đối chiến tranh.
Tôi tức cười:
- Ôn nói chơi.
Hà nháy mắt ra dấu bảo
tôi đừng nói nữa. Rồi nó quay sang ông Minh:
- Ông cho chị con coi
cái giấy do Mặt trận giải phóng cấp cho ông đi đường.
Ông cười hiền hòa:
- Hà, mi noái tầm bậy.
Giấy đó ăn thua chi. Tao đi bên mô cũng được vì tao có làm nô lệ cho ai mô. Tao
chống hết, chiến tranh là tao chống.
Hà mách tiếp:
- Ôn còn viết thư phản
đối Hồ Chí Minh, cả tổng thống Mỹ và kêu gọi thế giới nữa.
- Tao mần một mình mà
ăn nhằm chi. Rứa nhưng cũng cứ mần, phải không con?”
Ông đưa mắt sang tôi và
mỉm cười. Tôi gật đầu. Ông nói tiếp:
- Con có dám ra cầu
ngồi phản đối chiến tranh với ôn không?
- Ôn nói dỡn hoài.
Má tôi lại chen vào:
- Ôn làm răng đưa Lễ
với vợ con nó về dưới ni giùm đi ôn!
- Thì ôn con tui đang
dò đường đi đây nì. Khó thoát lắm. Bữa ni phải đi vòng Lầu Đua Ra, rồi vòng
xuống ngã đường rầy không được. Hai ôn con lại vòng ngã Tây Thiên. Trên rứa,
đại bác như mưa rứa, đi miết lên Tây Thiên mới ngớt tiếng nổ.
Thấy nước mắt má tôi
chảy dài, ông an ủi:
- Có người ta có mình.
Còn tui thì không lo chi hết nghe.
Hà thêm:
- Chị đi ra ngoài xe
đạp ôn a tề. Đó, có cái bị đựng gạo. Bao nhiêu gạo tốt, ôn đem phát hết rồi, đó
toàn là tấm khôn đó thôi. Thôi thì cả ngày ôn đi phát gạo, đi tải thương. Ôn
chỉ có cái xe đạp đó.
Chiếc xe đạp của ông
được dựng bên cái cột bằng giàn hoa, trên ghi đông treo lủng lẳng một cái bị
bằng vải căng tròn. Tôi nhìn lại ông, ông bỏ cái mũ ra rồi lại vội vàng đội lên
đầu:
- Thôi, chắc tui phải
đi. Phải lên lại Từ Đàm.
Má tôi nài nỉ:
- Ôn ở lại ăn cơm đã
rồi lên. Chừ nghe mô đang đánh nhau mà ôn.
- Đánh nhau kệ cha
chúng. Tui lên. Coi chiều ni còn đi tải thương nữa. Đi tải thương nì, đi kiếm
thức ăn nì, trên nớ tụi nó hết đồ ăn rồi.
Hà nói:
- Khi mô ôn xuống?
- Mơi.
- Mơi ôn xuống, con lên
lại với ôn hỉ.
Má tôi nạt:
- Mi tưởng chuyện giỡn
há, răng mà đòi đi.
Ông Minh bênh Hà:
- Can chi, sống chết có
số cả mà bác. Con ni dạn lắm nghe. Tui mà còn làm cách mạng, tui cho nó theo
liền.
Má tôi nể ôn Minh, làm
thinh. Hà dặn đi dặn lại: mai ôn nhớ về. Tôi và Hà đưa ông ra tận ngoài ngõ:
- Thôi bây vô đi. Đứng
ở ngoài nguy hiểm lắm.
- Ôn ơi, lên tới, nói
cho anh con biết kẻo anh con lo nghe ôn. Noái má con với cả nhà ở dưới ni yên
lành hết.
- Ừ.
- Ôn nhớ mai xuống nhe
ôn!
- Ừ.
Ông leo lên xe đạp và
đạp đi, chiếc áo đen khuất dần nơi nghẹo. Hà ngẩn ngơ. Tôi nói:
- Thôi vô.
- Dưới ni yên quá chị
hỉ!
- Ừ yên.
Tôi không nỡ kể cho em
tôi nghe về những trái đại bác câu lạc lúc gần sáng. Tôi cũng dấu luôn chuyện
đụng độ mỗi ngày xảy ra trên quốc lộ. Chỉ cần sau ruộng, sau xóm có một vài
phát AK, hay vài quả B40 bắn ra là cả con đường này có thể tan tành hết. Ngay ngày
đầu tiên nổ súng, quân Mỹ cũng lên được tới An Cựu coi tình hình để rồi sau đó
về nằm yên một nơi cho Việt cộng hoành hành. Khi đi ngang qua khỏi nghẹo, một
phát súng ở đâu phía sau Miểu Đại Càng bắn ra. Đoàn quân Mỹ dừng lại, một vài
người Mỹ đi vào nhà gần nhất lôi ra một thanh niên. Anh này biết nói tiếng Anh,
là một giáo sinh trường sư phạm Quy Nhơn về thăm nhà. Anh đưa giấy tờ, nói
chuyện với người Mỹ. Nhưng họ đâu cần biết. Một phát súng nổ, người thanh niên
tội nghiệp ngã xuống đất, co dúm người lại. Người Mỹ leo lên xe lái về Phú Bài.
Trong căn nhà gần đó, mọi người đổ túa ra ôm lấy xác thanh niên khóc lóc. Một
vài anh giải phóng đang đóng quân trong những nhà mặt sau tiến ra:
- Đả đảo quân Mỹ tàn ác
giết dân.
- Chúng tôi xin chia
buồn. Đây là một cái chết anh dũng, một người vì dân vì nước.”
Một lá cờ màu mạ nhỏ
được đắp lên mặt người chết. Một lúc sau mọi người rút đi hết. Chỉ còn thân
nhân của xác chết vẫn chưa ngớt gào khóc, nhưng rồi tiếng khóc của họ cũng chìm
dần trong tiếng súng nổ ran bốn phía. Còn nhiều nữa, làm sao tôi có thể kể cho
em tôi nghe hết. Mới mấy ngày trước đây, quân Mỹ mất một khẩu súng đã giật đổ
một căn nhà lầu. Mới mấy ngày trước đây, dãy nhà bên kia đường có một gia đình
mới về. Đêm hôm đó quân giải phóng về bắt người chủ gia đình đi mất. Người này
làm gác dan hay giữ xe gì đó cho một chi nhánh cảnh sát. Ông ta đã già và chắc
tới nay đã ra người thiên cổ. Hà vẫn đi bên tôi trở vào nhà. Nó hỏi:
- Nhà mình đào hầm
chưa?
- Không đào hầm thì
chết rồi. Ngày nào cũng có đạn lạc, có đại bác rơi gần. Ở đây mới yên có mấy
ngày nay.
- Trên nớ dễ sợ lắm.
Chị biết không, đại bác rơi như không ngừng, rồi máy bay. Bữa trước có mấy
người chết, người ta sợ quá đem ra vườn chôn. Máy bay bắn xuống như mưa, sợ
quá.
Má tôi đã đón ở cửa.
Khi chúng tôi vừa lọt vào cửa là bà đóng chặt cửa lại.
Thái cũng ở trong hầm
bò ra:
- Chào chị Hà.
- Ủa, khi hồi tới chừ
mi ở mô?
- Trốn ở trong hầm.
- Răng mi không ra?
- Ra sợ lắm. Biết chị
ra răng mà ra. Lỡ chị là người của giải phóng thì răng.
- Đồ con khỉ. Tao về mà
mi không mừng.
- Em nói chơi đó chớ.
Nghe tiếng chị là em mừng bất chết. Nghe có tiếng đàn ông, em tưởng nhiều người
em sợ. Mấy hôm ni, túi họ về bắt người dữ lắm nghe chị. Cứ có tiếng cú rúc là
họ về.
- Ủa, răng giống trên
nớ rứa? Trên nớ đêm mô cũng nghe toàn tiếng cú rúc. Dễ sợ lắm.
- Mật hiệu của họ đó.”
Má tôi vẫn chưa hết
thắc mắc:
- Mà răng họ để cho con
đi?
- Mấy bữa đầu họ cấm,
về sau đại bác bắn lên quá, họ để ai đi thì đi. Đàn ông thanh niên đi, họ mới
bắt.
Tối hôm đó, mấy chị em
nằm cạnh nhau, Hà kể chuyện Từ Đàm, cho biết tất cả chùa đều bị sập. Quân giải
phóng treo cờ làm trụ sở chính ở chùa Linh Quang, và tổ chức những buổi học tập
tại đó. Mấy ngày đầu không ai được ra khỏi nhà. Ở trong nhà làm hầm, ở ngoài
quân giải phóng đào hố cá nhân, không khí có vẻ khẩn cấp lắm. Nhưng mấy ngày
đầu hoàn toàn được yên tĩnh, không ai lo sợ mấy, đến khi đại bác câu tới, dân
chúng mới hoảng hốt đi tản cư. Nhưng ra đường là chết. Tôi hỏi họ có treo cờ đỏ
sao vàng không. Hà nói chỉ có cờ máu mạ. Ngay ngày đầu, họ đã hô hào hạ hết “cờ
ba que” xuống và kiếm vải may cờ máu mạ. Thái hỏi thăm về đoàn cán bộ xây dựng
nông thôn đóng ở trường học mấy hôm trước Tết. Hà ngao ngán: Tụi đó nó chạy đâu
mất hết từ khi có tiếng súng nổ, vất đồ lại lung tung. Khi em lên tới thì không
có chi nữa. Hà tả cho tôi nghe những cô nữ cán bộ. Các cô này đi thăm dân, vào
từng nhà hỏi han, nhưng các cô vào nhà ai là làm cho trẻ con, bà già sợ rụt
lưỡi lại. Hà kể cho tôi nghe chuyện bà xếp Mập. Nó nói:
- Buồn cười lắm chị.
Mấy người giải phóng bầu cho bà xếp làm mẹ giải phóng. Chút chi họ cũng gọi mẹ
giải phóng. Bà sợ họ lắm. Cứ mỗi lần gặp họ vô nhà là bà tíu tít: Mẹ giải phóng,
mẹ giải phóng. Các con xức chút dầu với mẹ. Bao nhiêu chai dầu Nhị thiên đường
bán nơi quán của bà, bà cho hết. Cứ thấy mặt họ là bà ngã lên xuống sứt mặt sứt
mày hết.
Tôi hỏi Hà có sợ không,
nó nói sợ thì có sợ, nhưng mấy ngày đầu, nhờ có ông Minh nên vui lắm. Ông họp
thanh niên lại hát hỏng đờn ca ở nhà thờ cụ Phan. Ông đòi viết thư phản đối
chiến tranh. Mấy ngày đầu không có tiếng súng, ông ngồi đánh máy chữ lóc cóc
rồi tổ chức hát. Ông nói rằng hát như thế mới bớt thì giờ trống để lo sợ. Hà cho
biết là khi qua bên nhà thờ cụ Phan thì gặp bà vợ ông giáo sư Lê Văn Hảo, người
được quân giải phóng đưa ra làm thị trưởng Huế. Tôi tò mò hỏi thăm. Hà cho biết
là bà ta nói là trước Tết, ông Hảo bảo bà mua ít gạo thức ăn dự trữ, chứ không
cho bà biết gì hết. Trái với lời của người thanh niên thuật lại, Hà nói bà Hảo
rất dễ thương, bà còn có đứa con tên Nai. Ông Minh hết lòng giúp đỡ bà ta. Bà
Hảo cũng như những người đàn bà sợ súng đạn và nhát gan. Bà chẳng rõ gì công
việc của chồng hết.
Má tôi nói làm thế nào
cũng phải đưa anh Lễ và gia đình về dưới này. Hình như Mỹ đã tiến tới cầu Nam
Giao. Hai bên đang hầm hè nhau và cùng giữ thế thủ. Nếu để họ đánh nhau thì bao
nhiêu dân còn lại sẽ chết hết.
Hà nói:
- Mai ôn Minh về, con
lên Từ Đàm.
Má tôi làm thinh. Hà
nói:
- Chị lên với em không?
Tôi không hứa với Hà,
tôi đang ở trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Nếu họ biết tôi, họ tìm ra tôi,
chắc chắn tôi cũng sẽ bị bắt đi như bao nhiêu người công chức khác. Thái hỏi:
- Đi ngả mô?
- Đi ngả núi Ngự Bình.
Trên đó trống không, họ rút cả rồi. Bữa trước em với ôn Minh đi lên thấu núi
Ngự Bình đứng coi hai bên bắn nhau. Đại bác câu tới, sợ quá lăn xuống núi, còn
đầy dấu nơi tay em đây nì chị. Em đi với ôn tới Lầu Đua Ra nữa. Toàn máu là
máu, có xác chết thúi rình...
- Chị đi rứa có thấy
xác Mỹ không?
- Phía sau Lầu Đua Ra,
tao có thấy một hai xác chi đó. Nó trương lên rồi, coi dễ sợ lắm.
Hà đưa tay sờ vào tường
hầm, nói:
- Hầm như ri dễ sợ lắm.
Làm lại hầm đi. Ở đây yên rồi nhưng sợ đại bác câu lạc trúng thì chết hết.
Má tôi nhớ lại mấy trái
đại bác hồi tảng sáng làm sập nhà, chết người, bà thở dài:
- Lấy chi ra mà làm
hầm.
Hà nói:
- Mai con lên trên nớ,
con mua bao cát về cho. Trên nớ bán thiếu chi.
Thái cũng chen vô:
- Trên bác con còn một
ít, để mai con lên trên, con hỏi anh Bé.
Chúng tôi lại bàn việc
đào hầm. Hà nói không nên làm hầm trong nhà, nguy hiểm lắm. Nhỡ nhà sập, hầm
không sập cũng không thể có lối ra, dám bị chết nghẹt lắm. Cuối cùng, chúng tôi
bàn mai sẽ đào hầm ở ngoài sân. Má tôi nói: Thôi chị em bây ngủ đi. Hà ôm lấy
tôi, tôi cũng vòng tay ôm lấy nó. Thật là may mắn, trong khi bao nhiêu người
chết, bao nhiêu gia đình tan nát, chị em tôi còn được nằm cạnh bên nhau. Mải
nói chuyện, chúng tôi quên cả tiếng súng vẫn ỳ ầm khi gần khi xa. Một lúc sau,
Thái nói:
- Bắn dữ quá chị.
Hà góp:
- Dữ chi mà dữ. Trên đó
cứ nổ ình ình bốn phía, lúc nào cũng như sắp nổ trên đầu mình.
- Rứa Việt cộng có chết
không?
- Có chớ răng không.
Mình ở trong nhà, trong hầm tốt mà còn chưa chắc yên, huống chi họ ở trong cái
hố nhỏ xíu. Trước nhà mình còn có một tên giải phóng gác.
- Có nói chuyện với em
không?
Hà làm thinh. Má tôi
gắt nhỏ:
- Ngủ đi chớ bay, nói
chuyện hoài răng. Ngủ đi, sáng mai lấy sức mà đào hầm mới.
Tôi nghĩ tới anh tôi,
lúc này đang cùng vợ con ở trong căn hầm tối tăm, và biết đâu đêm nay, quân Mỹ
Việt sẽ tấn công lên Từ Đàm. Chỉ một giờ, một phút qua, mọi sự có thể thay đổi
hết. Biết đâu ngày mai em tôi không còn trở lên trên đó được nữa. Cũng như tôi,
biết đâu bây giờ đang ở vùng đã yên, mà sẽ không còn được trở vào Sài Gòn để
gặp chồng con nữa.
Nhưng rồi tôi cũng
chẳng còn đủ sức để nghĩ tiếp. Tôi nhắm mắt và ngủ êm trong tiếng đại bác đang
nổ tới tấp, cày nát một thành phố thơ mộng, đẹp đẽ.
No comments:
Post a Comment