Tôi được sinh ra ở Huế, lớn lên với Huế, nhưng khi trưởng thành,
đã rời gia đình, bỏ thành phố và ra đi biền biệt.
Hồi trước Tết Mậu thân, hôm 23 tháng chạp năm mùi, đang cùng chồng con cúng ông
táo, tôi bỗng nhận được điện tín từ Huế : về ngay, ba hấp hối.
Với một gói hành lý vội vàng, đứa con hư hỏng của gia đình và thành phố là tôi, đã trở lại Huế để chụi tang người cha thân yêu. Và rồi như bao người khác, đã phải chịu luôn cái tang lớn cho cả thành phố, khi biến cố tết Mậu Thân bùng nổ.
Với một gói hành lý vội vàng, đứa con hư hỏng của gia đình và thành phố là tôi, đã trở lại Huế để chụi tang người cha thân yêu. Và rồi như bao người khác, đã phải chịu luôn cái tang lớn cho cả thành phố, khi biến cố tết Mậu Thân bùng nổ.
Sau cả tháng dài lạn lọn trong địa ngục Huế, khi sống sót trở về
Sàigòn, tôi đã thao thức mãi về việc phải thất một giải khăn sô cho Huế, phải
viết một hồi ký về những ngày giờ hấp hối của Huế. Nhưng thời sự những ngày sau
biến cố Tế Mậu Thân ồn ào quá, bên cạnh cơn khóc than vật vã của Huế, người ta
còn bận bịu với việc khai thác những chi tiết ly kỳ của chiến cuộc, những thành
tích chiến thắng trên tro tàn, thật chưa phải là lúc viết ra những sót sa, tủi
nhục, tuy tầm thường nhất, nhưng cũng lại là sâu sác nhất của một thành phố hấp
hối.
Cái thời gian chờ đợi ấy, đến nay, đã gần hai năm qua, Hai năm, hài cốt cả chục
ngàn dân Huế bị tàn sát, vùi nông ở bờ bụi, vứt bỏ xuống đáy sông đáy suối, đã
được thu nhặt dần. Những nấm mồ tập thể đã tạm thời xanh cỏ. Những nền nhà đổ
nát đã tạm thời dựng lại. Cơn khóc than vật vã của Huế, những tiếng nói xô bồ
về Huế, như vậy, cũng đã bớt ồn ào.
Đây, chính là lúc chúng ta có thể cùng nhau chít lại giải khăn sô, đốt lại nén
hương nhỏ trong đêm tối mênh mông của chiến tranh và tang tóc, để hồi tưởng về
Huế.
Có nhiều loạt súng đạn, nhiều loại tang tóc, đã nổ và đã tàn phá Huế. Công
trình ấy không biết từ đâu, nhưng dù do đâu đi nữa, thì cái tội ác tàn phá một
thành phố lịch sử là Huế, chính thế hệ chúng ta, thời đại chúng ta, phải chụi
trách nhiệm.
Chính trong thế hệ chúng ta đây, đã có Đoan, một cô bạn học cùng lớp với tôi
ngày nào, đang ngồi trên ghế đại học ở Sàigòn, bỗng về Huế, đeo băng đỏ nơi
tay, dát súng lục bên hong, hâng hái đi lùng người này, bắc người khác, để trở
thành một nữ hung thần trên cơn hấp hối của Huế.
Chính trong thế hệ chúng ta đây, đã có Đắc một sinh viên trẻ trung, hăng hái.
Thời trước Đắc làm thơ, Đắc tranh đấu, rồi bỏ ra khu. Để rồi trở lại Huế lập
những phiên tòa nhân dân, kêu án tử hình hàng loặt người, rồi đích tay đào một
cái hố, bắt một bạn học cũ có xích mích từ trước ra đứng bên hố, để xử tử. Cậu
bạn của Đắc, tên Mậu tý, dơ cái băng đỏ dấu hiệu giải phóng quân lên cao, lạy
van Đắc :
- Em lạy anh. Bây giờ em theo các anh rồi mà. Em có mang băng đỏ rồi mà. Cách
mạng muôn năm... Hồ chủ tịch muôn năm.
Nhưng mặc Mậu Tý năn nỉ, hoan hô, Đắc vẫn nhất định nổ súng vào người bạn nhỏ.
Chính trong thế hệ chúng ta đây, đã có từng đoàn người, hàng trăm người, cha
có, sư có, già có, con trẻ có, mỗi người cầm một lá cờ trắng để ra dấu đầu hàng
bất cứ phe nào, đi thất thểu trong một thành phố đầy lửa cháy. Cứ như thế chạy
ngược chạy xuôi, cho đến khi gục ngã gần hết.
Cũng chính trong thời đại chúng ta, ngày thứ hai mươi mấy trong cơn hấp hối của
Huế, đã có một con chó nhỏ kẹt giữa hai lằn đạn, chạy ra sủa bâng quơ ở bên bờ
sông Bến Ngự. Con chó thành mục tiêu đùa rỡn cho những mũi súng hờm rẵn từ bên
kia sông. Họ bắn cho con vật khốn khổ sợ hãi rơi xuống sông. Rồi lại bắn vào
những bờ sông mà con chó nhỏ đang lóp ngóp bơi vào. Những phát súng đùa cợt
không có tình bắn chết con chó nhỏ, mà chỉ có trêu chọc cho con chó chới với
giữa giòng nước, để có chuyện đùa chơi với máu lửa. Thành phố Huế, và có lẽ cả
quê hương khốn khổ của chúng ta nữa, có khác gì thân phận của con chó nhỏ đã
chới với giữa giồng nước ấy. Thế hệ chúng ta, cái thế hệ ưa dùng những danh từ
đẹp đẽ phô trương nhất, không những chúng ta phải thắt một giải khăn sô cho
Huế, cho quê hương bị tàn phá, mà còn phải chịu tội với Huế, với quê hương nữa.
Gần hai năm đã qua, hôm nay, nhân ngày giỗ thứ hai của biến cố tàn phá Huế sắp
trở lại, tôi xin viết và xin gửi tới người đọc tập giải khăn sô cho Huế này như
một bó nhang dèn góp giỗ.
Xin mời bạn, chúng ta cùng thấp đèn, châm nhang, chịu tội với quê hương, với
Huế.
Sàigon, năm Dậu.
Nhã Ca
CHƯƠNG 1: NHỮNG GIỜ ĐẦU TIÊN
Không biết
tiếng súng đầu tiên nổ vào giờ khắc nào? Giữa đêm, tôi đã choàng tỉnh dậy vì tiếng
nổ xé toạc cả những giấc mơ vụn.
Vừa kịp lăn xuống khỏi tấm phản gỗ, tai tôi đã ù đi vì những tiếng nổ ran bốn
phía. Chuyện gì vậy? Không biết làm thế nào mà tôi lăn tròn từ phòng ngoài vào
phòng trong. Bàn tay ai kéo tôi giúi vào giữa phòng. Tôi nằm đè lên da thịt ai
non mát. Một tiếng kêu nhỏ tắc nghẽn vào âm thanh hỗn độn của súng đạn bên
ngoài. Khi tôi kịp định tỉnh lại tâm thần thì đứa cháu nhỏ đã ngồi lên được, nằm
gọn gàng trong lòng tôi. "Còn đứa mô nữa? Vô hết đi. Vô một chỗ.” Tiếng má
tôi thì thào. Que diêm tắt phụt nhưng có ánh nến le lói từ phòng ngoài hắt vào.
Ðứa em trai tôi trườn theo làn ánh sáng mỏng đó, nó ngồi áp vào bên má tôi.
“Làm ơn tắt giùm ngọn nến ngoài bàn thờ đi, tắt luôn cả lư trầm nữa.” Ông anh lớn
của tôi vội vã làm theo lời má tôi, rồi nhảy đại rất nhanh vào ngồi dồn
cùng một đống. Lúc này tôi mới cảm thấy ngột ngạt đến muốn tắt thở vì hơi ngồi dồn cùng một đống. Lúc này tôi mới cảm thấy ngột ngạt đến
muốn tắt thở vì hơi người, vì mùi trầm hương và mùi nến khét.
Căn phòng quá chật, lại bị cái giường chiếm mất một nửa. Anh tôi
phải lăn xuống gầm giường. Người này nằm gác lên người kia. Cái bô để dưới chân
giường, thỉnh thoảng bị va chạm, vang những âm thanh rổn rảng càng khua động
thêm nỗi sợ hãi của mọi người.
Nằm im được một lát, hoàn hồn lại, mọi người bắt đầu nghe ngóng.
Tôi dán tai xuống nền gạch. Ðứa cháu gái đã lăn xuống nằm cạnh tôi, hai tay nó
ôm đầu, hai chân nó lọt vào hai chân tôi. Tôi hỏi nhỏ:
- Tina nằm có chật không?
- Không, cô ơi. Tina sợ quá.
- Ðừng có khóc.
Tôi vỗ về đứa cháu. Nhưng cùng lúc đó những tiếng nổ ình ình lại
dội thốc lên. Ðứa cháu bỏ tay, ôm chặt lấy tôi, người nó run cầm cập. Trời ơi,
súng bắn cả sau vườn mình. Tôi nghe tiếng súng đằng sau vườn thật trong, thật
buốt. Thằng em ghé vào tai tôi:
- AK. Thôi, tụi nó về rồi.
Tôi kéo nó:
- Mày nằm xuống đi.
- Không can chi mô chị. Ðể em ngồi.
Cánh cửa sổ bỗng bị bật ra và cứ thế, hai cánh cửa cứ dội mở ra, đóng ập vào
theo những tiếng nổ lớn. Tiếng đạn ở sau vườn bắn thật rát. Má tôi thì thầm:
- Ðánh tới đồn vận tải.
- Không, đồn trường bia.
- Không, đánh cùng khắp. Con nghe phía vận tải, phía trường bia, phía ruộng,
phía sau đường rầy.
- Suỵt, im đi cho với. Trời ơi. Trời ơi. Trời ơi.
Tiếng trời ơi đất hỡi bỗng nằm ngay trên chót lưỡi. Bầu trời xoẹt lửa sáng
trưng, đất rung chuyển như địa chấn. Lên cơn rồi. Tôi cũng không thể nằm yên để
nghe tiếng dội tức cả ngực được. Tôi muốn ngồi nhổm dậy để nghe ngóng, nhưng chỗ
nằm chật không nhúc nhích được. Ðứa em họ lúc này cũng chen được một chỗ, hai
chân nó chuồi dưới giường, đầu nó thò ra khỏi một nửa cửa phòng. Nó lại bật
diêm, lại có tiếng la nhỏ: con khỉ, tắt diêm đi. Ngọn diêm tắt phụt. Nhưng
trong bóng tối, lúc này tôi tưởng tượng ra được rồi. Tôi đồng điệu run với mạ
tôi, anh tôi, em gái tôi. Tôi đồng điệu co quắp, cố đè nén sự run rẩy, cố ưỡn
tung lên để tiếng nổ bớt dội ngực. Ðứa em họ tôi nghe ngóng một hồi rồi ngồi dậy,
nó bò ra gian nhà ngoài, chúng tôi nín thở chờ đợi. Chỉ một lát sau, nó bò vào
nói rỉ tai từng người:
- Nó ở đầy sân vườn nhà mình.
- Suỵt.
Lại nhiều tiếng suỵt lọt ra khỏi cửa miệng như một hơi huýt gió nhỏ.
Anh tôi giọng hơi gay gắt:
- Nó bắn như pháo ở bên ngoài, vài tiếng động nhỏ làm sao nghe được.
Rồi anh tiếp:
- Quái gì, nó về đánh đồn trường bia rồi. Lần trước cũng đánh suốt một đêm,
sáng ra là rút hết.
Tôi mừng thầm. Chúng
tôi chịu đựng có lẽ đến hai tiếng đồng hồ rồi. Tôi cố đưa cổ tay lên để nhìn
mặt chiếc đồng hồ, nhưng rủi cho tôi, tôi mang đồng hồ không có kim dạ quang.
Và ngoài tôi ra chẳng có ai kịp thì giờ mang đồng hồ hết. Dù sao chúng tôi cũng
hy vọng mong cho trời sáng. Ông anh tôi không biết sao bỗng trở chứng kêu đau
bụng bất thình lình. Vậy là chiếc bô lại có dịp được dùng tới. Chúng tôi đau
khổ vì lát lát mấy đứa nhỏ đòi đi tiêu, đi tiểu. Lát lát anh tôi lại kêu đau
bụng, mà cái bô thì quá nhỏ. Mọi người vừa nằm vừa run, vừa cố giữ cho chân tay
khỏi lóng ngóng. Tôi cố nghĩ đến một cái gì để dằn cơn sợ hãi, nhưng không, tôi
không nghĩ gì được hết. Ðầu óc tôi vang dội tiếng súng. Tay chân tôi cứ lật bật
run rẩy bất chấp cả sự tự chủ vượt bực của tôi. Có nhiều lúc ngay cả chân tay,
thân thể mình cũng không nghe lời mình nữa.
Nhưng rồi nhờ sự chịu
đựng quen dần, tôi bình tĩnh lại được và cơn run rẩy biến mất. Hình như chúng
tôi đã chịu đựng một thời gian khá dài và bình minh sắp đến. Tôi nghe tiếng rục
rịch trong chuồng gà ở đàng sau tấm vách tường lọt vào nhờ hai cánh cửa sổ đã
bật tung cùng với tiếng súng đạn hỗn loạn. Thái, tên đứa em họ tôi, đã bình
tĩnh ngồi dựa vào tường, và phì phà trên môi điếu thuốc lá lúc nào. Tôi lần
tay, nắm chặt tay nó:
- Thái, liệu có yên
được không?
- Em làm răng biết
được, cái nớ thì chịu...
Tôi lại hỏi anh tôi,
lúc đó đã nằm trên giường vì không chịu nổi sự chen lấn dưới đất:
- Anh, sáng mai chắc
yên há anh?
- Làm răng biết được,
anh cũng chịu.
Tôi đâm ra thất vọng
ngang. Những ánh lửa xẹt ngang dọc phía ngoài cửa sổ không còn nữa, nhưng hai
cánh cửa vẫn còn bị dội bật ra bật vào vì những tiếng nổ lớn. Súng to, súng nhỏ
đang nổ ran từ mặt quốc lộ, từ miệt chùa, từ phía sau đường rầy. Căn nhà của
chúng tôi nằm đơn lẻ, chịu đựng bốn mặt đang đánh nhau. Quốc lộ và bờ ruộng ở
ngay trước mặt, đường rầy xe lửa ở đàng sau lưng. Hai phía hai bên, một xéo với
đồn trường bia, một xéo với đồn vận tải An Cựu.
Không thể nằm yên để
chờ tới sáng, tôi lại khơi chuyện:
- Sáng ngày yên chắc ra
đường dễ sợ lắm!
Thái phà thuốc trúng
ngay vào mặt tôi:
- Buồn quá, lúc này có
súng đỡ sợ hơn nhiều. Biết vậy tối qua em lên đơn vị.
- Không biết tới sáng
đã yên được chưa?
Tôi hỏi hoài một câu
như người ngớ ngẩn: Biết đâu. Mà yên chứ. Sáng ra mà súng đạn không ngừng thì
chết hết.
- Trời ơi, đừng nói,
tụi nó trong vườn.
Ðứa em gái của tôi cười
nhỏ:
- Má sợ chi mà sợ dữ
rứa. Chị Vân, sáng ra chị với em đi thăm trận đánh nghe. Coi chừng về Sài Gòn
viết một phóng sự chiến trường đầu năm đầy gay cấn.
- Giỡn chi mà giỡn vô
hậu tế đợi rứa. Mấy chuyện đó đừng có ham.
Má tôi cằn nhằn. Nhưng
chúng tôi đã bớt dần cơn sợ hãi, bắt đầu nói chuyện được, mà câu chuyện cũng
bớt ngớ ngẩn. Lúc này tiếng súng ở trong vườn đã dịu dần, nhưng xung quanh thì
vẫn còn nổ ran. Tôi nằm mà mắt không rời khỏi cánh cửa sổ phía trên đầu đứa em
gái. Tôi nằm chờ, cho tới khi bầu trời tối mịt bên ngoài kia bị hút bớt màu đen
đặc.
Lúc này tôi cần sự bình
tĩnh, cần sức mạnh. Tôi mong cho trời sáng thì trời đã gần sáng rồi. Mấy chiếc
lá cây phất phơ bên ngoài cửa sổ đã hiện lờ mờ, rồi rõ dần. Mấy đứa cháu tôi
kêu khát nước. Chúng tôi chờ đợi cho tiếng súng bớt ồ ạt, Thái mới đi ra ngoài
rót một ly nước cho hai đứa nhỏ. Tiếng súng đã có vẻ thưa hơn, bức màn đêm đã
bớt mắc kẹt đạn. Anh tôi hy vọng hơn ai hết:
- Thái, coi yên súng
đem xe Honda ra ngoài, anh muốn lên Từ Ðàm. Chắc chị và mấy đứa nhỏ sợ ghê lắm.
Gia đình tôi lúc này
đang chia làm hai. Chị dâu tôi và mấy đứa nhỏ còn ở nhà trên đầu dốc Bến Ngự.
Nên anh tôi là người lo lắng nhất. Nhưng chắc không sao. Moị người tự an ủi.
Ðến sáng là yên, vậy sáng rồi. Môi má tôi đã bớt tím, tay chân bà cũng bớt run
rẩy. Nhưng nỗi vui mừng của chúng tôi không được lâu. Ðúng lúc tôi nghe tiếng
gà gáy nơi chuồng gà thì tiếng súng đã bắt đầu nổ lại. Rồi có tiếng đấm cửa rầm
rầm, cùng nhiều tiếng chân chạy ở ngoài sân:
- Mở cửa, mở cửa.
Thôi chết rồi. Chúng nó
đã tới. Chúng nó sắp tràn vào nhà. Má tôi mặt tái xanh, định chạy tới tắt ngọn
đèn vừa mới thắp. Tiếng đại bác dưới Phú Bài bắn lên ầm ầm. Tiếng súng nhỏ nổ
chát chúa. Cánh cửa muốn bật tung vì những tiếng đập. Thái bò ra giữa nhà.
- Suỵt, để con.
Rồi hắn chạy ra mở
toang cửa. Có nhiều tiếng quen thuộc la hét bên ngoài. Cánh cửa vừa mở tung ra,
thì cả nhà đầy người. Chú tôi ở phía dưới đường rầy, sát chân núi Tam Thái,
cùng gia đình con dâu với những gia đình hàng xóm khác chạy túa vào. Trẻ con
người lớn chen chúc chật cả một gian nhà giữa rộng rãi. Mấy đứa nhỏ hoảng sợ
quá, ngã vật ra giữa nhà, có đứa vừa run vừa đái ra quần. Chú tôi vừa khóc vừa
kể:
- Sập hết rồi chị ơi.
Trên đó bị mọt-chê câu, nhà mụ Nghệ bên cạnh đó mất nửa cái nhà.
Bé, đứa con trai lớn
của chú tôi ôm một lúc hai đứa con nhỏ, vừa thở vừa nói không ra hơi:
- Tụi nó đông lắm. Trên
con đầy nhà rồi bác.
Tôi tò mò:
- Làm sao em chạy xuống
được?
- Dân họ chạy xuống
dưới này hết. Trên đó mọt-chê câu sập hết nhà cửa. Chạy giữa đường em
thấy Việt cộng tụm năm tụm ba, nó ngồi cả trước sân nhà người ta.
Chú tôi chợt nhìn quanh
rồi hốt hoảng:
- Con Hồng đâu rồi, con
Hồng bế thằng Ðiện chạy phía nào rồi. Thôi chết con tôi cháu tôi...
Chú tôi chưa kịp dứt
câu thì đã ngã phịch xuống vì một quả B-40 phạt xuống mái ngói. Tôi đang há hốc
mồm thì gạch vụn đã đầy một miệng.
Cái bô để dưới chân
giường không biết bị ai đá vào tràn ra nhà. Tôi vừa sát người xuống thì đã phát
nôn vì một mùi thúi hoắc xông lên tận đầu, nhưng không còn cách cựa quậy gì
nữa. Nhiều đứa trẻ không chịu đựng nổi ré khóc vang nhà. Nhưng tiếng khóc bị
chận ngay vì những bàn tay đã bịt miệng, hoặc những tràng súng cắt đứt. Trời
ơi, đến sáng rồi sao không yên? Tôi quay quắt hỏi đứa em:
- Lần trước có lâu như
vầy không?
- Không, lần trước bắn
ít hơn, không có đại bác câu nhiều như thế này. Sáng ra là nó rút đi hết.
Bé bò lại phía tôi:
- Trời, chị không tưởng
nổi mô. Em thấy tụi nó máu me cùng mình. Tụi nó ngồi bên vườn thím Quyệt, em
chạy xuống đây em thấy.
- Thấy mày chạy họ để
yên à?
- Tụi họ cũng vừa chạy
vừa bắn, mình cũng chạy đại. Ở trên đó chắc chết quá chị ơi.
Nó vừa nói vừa ôm chặt
đứa con gái trong lòng. Vợ nó khóc thảm thiết:
- Anh coi đi tìm con
Hồng với thằng cu Ðiện, không tui chạy ra cho súng bắn cái đùng cho rồi.
Má tôi gắt:
- Chết đến nơi không
lo, ai mượn tụi bây không chạy với nhau.
- Làm răng chạy với
nhau được, mạnh ai nấy chạy, tưởng còn sống đến chừ mô.
Hai vợ chồng nó nín im,
nhưng chỉ một giây sau, tôi lại nghe chúng càu nhàu cãi cọ. Một lát sau tiếng
súng lại thưa dần. Bé vội chạy ra sân rồi mò dần ra đường. Chừng hai mươi phút
sau nó trở lại, một tay bế thằng con.
- Chị...
Bé hạ giọng, tiếp:
- Em đi tìm con Hồng
với thằng Cu, em phải đi bằng ngả sau vườn. Ngang đường rầy em gặp tụi nó, nó
hỏi em đi mô rồi bắt giữ em lại. Chúng nó có ba đứa, một đứa bị thương. Em năn
nỉ nói đi tìm con lạc, ban đầu nhất định nó không cho, nó hỏi em làm nghề gì.
Em nói thợ mộc, em bị lạc con. Về sau nó cho đi. Em tính nếu nó bắt, em liều
chết giựt súng. Một thằng bị thương gần chết, một thằng bị thương nhẹ không cầm
súng được, còn thằng kia ốm yếu hơn em...
Hà, em gái tôi, nạt:
- Thôi, mi đừng có ba
hoa, nói phách tấu...
- Em nói thiệt, người
ta quân đội mà...
Rồi nó sực nhớ lại đồn
trại và đồng đội, nó ngồi buồn hiu. Lát sau thở dài:
- Lính tráng mà ngồi
một xó như ri có nhục không?
Những người xóm trên
vào nhà tôi bây giờ mới hoàn hồn lại. Người vạch vú cho con bú, người bắt đầu
kháo chuyện. Mỗi người kể một chuyện đại để cũng thấy Việt cộng ra sao. Họ kể
họ cũng chạy suýt chết, cũng thấy viên đạn nó to và đỏ rực như đâm vào mặt mà
không biết sao lại không trúng.
Bỗng nhiên vào lúc 8
giờ sáng, tiếng súng như dồn về miệt Phú Cam. Tiếng đại bác dưới Phú Bài không
câu lên nữa. Lúc đó chúng tôi mới lần ra sân. Vườn cây yên tĩnh không một bóng
người, nhưng trên cỏ, trên đất, còn lấm tấm những vạt máu khô đặc.
Một vài nhánh cây gãy,
nơi bờ tre cuối đường ngả ăn thông ra mặt đường rầy, những cành khô được banh
ra, chừa những lối đi gọn. Mấy chị em chúng tôi hết sức sung sướng hít thở, ai
cũng mừng thầm như thế này là đã yên. Anh tôi chuẩn bị để lên nhà ở Từ Ðàm. Tôi
ra cái bể cạn trước sân múc nước súc miệng, đánh răng. Những người trú ngụ
trong nhà tôi vội vã bồng bế nhau trở về xóm. Chú tôi là người chạy băng ra
khỏi nhà trước tiên. Ông quá lo lắng không biết nhà cửa còn hay đã mất. Tôi cố
nhón gót nhìn lên miệt núi, cũng không thấy được gì. Thái, em tôi, hỏi:
- Chị nhìn chi rứa?
Tôi thở ra:
- Chắc đêm qua trên núi
mồ mả bị chân đạp lung tung, mộ bác mới chôn.
Mồ mả mới chôn đây là
mộ của ba tôi. Từ Sài Gòn, những ngày cuối năm vợ chồng con cái tôi đang chuẩn
bị đầu năm về ăn Tết ở Huế thì tin ba tôi hấp hối. Leo lên một chiếc máy bay
quân sự chở thực phẩm cho lính ở tiền đồn, tôi về tới vừa kịp những giờ cuối
cùng của người cha.
Thái cúi đầu. Nó đi tới
bể cạn múc nước. Tiếng má tôi kêu:
- Thái, con đem cái này
đổ ra sau vườn.
Anh Lễ tôi đã mặc quần
áo xong. Chiếc Honda đã được dựng sẵn. Tôi nói:
- Cho em lên Từ Ðàm
với.
Anh Lễ bảo:
- Ðể coi sao đã. Thấy
không yên rồi, ngoài đường vắng tanh vắng ngắt.
Nhưng lời anh tôi nói
chưa dứt thì có nhiều tiếng động ì ầm của xe chạy vào thành phố ngả quốc lộ.
Chúng tôi đứng ở sân nhìn ra. Một đoàn xe cam nhông chở lính Mỹ và những khẩu
đại bác đang từ từ đỗ lại ngoài đường nối hàng dài. Lính Mỹ nhảy xuống, Thái
bật la to:
- Bác ơi, yên rồi, quân
Mỹ đã lên. Mình ra đường, mình coi được rồi.
Má tôi kêu:
- Vào nhà hết, vào nhà
không nó bắn.
Anh tôi cản:
- Ðứa nào ở đâu cứ ở
đó. Ðứng yên đừng có chạy mà nó tưởng Việt cộng chết hết cả giờ.
Ðoàn lính Mỹ đã xuống
xe, tiến vào các khu vườn, nằm bò xuống vệ đường, lủi xuống phía ruộng. Chỉ một
phút sau vườn nhà tôi đã đầy lính Mỹ.
Một vài người lính Mỹ
nhìn chúng tôi dò chừng rồi lủi ra phía vườn gườm súng chĩa vào các bụi cây
trước khi băng qua vườn khác. Không có gì xảy ra hết. Tình hình hoàn toàn yên
tĩnh. Chúng tôi đi vào nhà ngồi yên ở tấm ngựa gỗ. Ra đường lúc này nguy hiểm.
Ai cũng nghĩ thế. Có lẽ lính Mỹ đang đi lùng Việt cộng đây. Chúng tôi im lặng
ngồi nhìn nhau, hồi hộp chờ đợi. Hai người lính Mỹ đi ngang qua sân, hờm súng
vào trong nhà. Chúng tôi cố giữ vẻ mặt thật thản nhiên. Má tôi còn có vẻ cố
gắng làm ra vui mừng nữa. Hai người lính Mỹ dừng lại, rồi đưa mắt cho nhau, đi
vào bậc thềm, hất hàm ra hiệu cho chúng tôi ra đứng ở cửa hết. Một người lính
Mỹ nói hai tiếng gì đó không phải tiếng Mỹ.
Chúng tôi ngơ ngác nhìn
nhau, người lính Mỹ lộ vẻ tức giận, nạt lớn:
- Kên cượt.
Anh tôi hỏi một câu
tiếng Anh, nhưng người Mỹ vẫn la:
- Kên cượt.
Má tôi là người hiểu ra
đầu tiên, bà nói lớn:
- Ông Mỹ hỏi thẻ căn
cước.
Người lính Mỹ gật đầu.
Người đi cùng chỉ súng thẳng vào người chúng tôi. Chúng tôi trình thẻ căn cước.
Khi tôi đưa tấm thẻ của cơ quan VOF (Voice of Freedom) thì người lính Mỹ gật
đầu và khuyên chúng tôi trong lúc này nên ở yên trong nhà. Trả thẻ lại, một
người trọ trẹ nói tiếng Việt cám ơn, rồi đi ra phía vườn. Chúng tôi chưa kịp
ngồi xuống tấm ngựa gỗ đã nghe mấy tiếng nổ lớn. Thái quen với súng đạn, kêu
lên:
- Thôi, B-40 của Việt
cộng rồi.
Tiếng B-40 từ phía núi,
từ phía đường rầy bắn ra như mưa. Phía ngoài đường, những xe thiết giáp mang
súng cối 40 ly bắn trả lại kịch liệt. Từng mảnh ngói bị sức ép, hoặc trúng sướt
lằn đạn rơi tứ tung lên đầu lên cổ. Cả nhà lại chui vào phòng trong. Cùng lúc
đó những tiếng la khác nổi lên như ri ở miệt ngoài đường. Cái gì vậy? Thái muốn
chạy ra trước tiên. Má tôi nắm áo giữ riệt nó lại, nhưng Thái cứ van nài mãi.
Cuối cùng hắn ló ra cửa, thụt lui thụt tới vì những tiếng súng bắn đi trả lại
cứ vèo vèo ngang qua mái nhà. Ầm. Ầm. Vài thân cây lớn ở ngoài vườn đổ xuống.
Chúng tôi ai nấy nằm sát xuống đất, buông trôi cho sự may rủi. Lần này chắc
chết quá. Cầu nguyện đi. Tiếng la khóc ở vườn bên, ở trước mặt càng lúc càng
thảm thiết. Rồi tiếng kêu chết kêu cháy vang lên.
Mấy người lính Mỹ đang
núp ở vườn sau vội chạy ra đường phía có tiếng kêu khóc. Lúc này đạn bắn đi cứ
như mưa, tiếng B-40 yếu dần rồi tắt luôn. Tiếng kêu khóc đã nghe rõ mồn một.
Chúng tôi không ai bảo ai cùng một lượt chạy ra sân. Căn vườn mé mặt trước,
đang có căn nhà bốc cháy và lính Mỹ đang cố dập tắt lửa. Lúc này tôi mới hoàn
hồn lại chút ít. Má tôi lo sợ không biết lửa có lan sang căn nhà thờ của chúng
tôi không. Bà hét gọi mấy đứa cháu lo gói đồ lại, có gì còn mang ra được chút
của cải. Trong tiếng lửa nổ lốp đốp, trong âm thanh ồn ào của những tràng tiểu
liên bắn ran khắp các miệt vườn, tiếng khóc nổi lên thảm thiết: Dì ơi, dượng
ơi, má tui chết rồi. Ai cứu cho với. Tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng chân hàng xóm
chạy thình thịch bất chấp cả súng đạn. Má tôi lùa chúng tôi vào nhà. Thái được
cử sang chữa lửa. Mấy người lính Mỹ đi vòng lại, qua sân nhà, nhìn vào. Người
Mỹ soát giấy chúng tôi lúc nãy đưa mấy ngón tay và nói một câu tiếng Việt bập
bẹ đại ý báo cho biết ngoài đó có mấy người chết.
Xong rồi họ ra xe, đoàn
xe rồ máy chạy vào thành phố, nhưng chỉ mấy phút sau, có lẽ xe chưa kịp qua
khoảng cầu An Cựu, thì chúng tôi nghe miệt cầu đủ thứ súng nổ dữ dội. Một lát,
đoàn xe Mỹ ầm ầm rút lui, không còn kiêng nể gì nữa, cứ bắn như mưa dọc hai bên
đường. Nhưng lần này, xe trở về rất ít, hình như chỉ có đoàn xe đi sau. Có lẽ
những chiếc xe này về chở thêm súng đạn, và đoàn xe đi trước đã lọt ổ phục
kích.
Tiếng súng ở mạn cầu đã
thưa thớt dần.
Chừng mười lăm phút
sau, khi nhìn ra đường, chúng tôi thấy có một đoàn người mặc quần áo màu vàng,
vai vác súng đi đầu trần. Tôi lật đật ra sân: Thôi đúng rồi, họ rút đi, và lính
mình về. Tôi mừng rỡ như điên định đưa tay vẫy thì chợt nhận ra nơi hông họ đeo
cái bị rết. Lính quốc gia thì mang ba lô chứ. Tôi sững lại. Ðoàn người cũng
không đông lắm, chỉ chừng vài chục người.
Thái lúc này mới thấy
sợ hãi:
- Thôi chết em rồi. Họ
vào biết em là cán bộ xây dựng nông thôn thì không cách gì sống nổi.
Tôi bảo nó đưa giấy tờ
cho tôi giữ. Tôi cẩn thận bỏ giấy tờ của nó trong cái túi áo rồi xếp gọn đặt
giữa mớ quần áo đang gói ngổn ngang trong một tấm drap lớn. Anh tôi cố tin
tưởng:
- Anh nhà giáo chắc
không can chi. Nếu họ hỏi em, em nói em là học sinh nghe.
Thái dạ nhưng nghe
chừng yếu xìu. Gia đình Bé lại lật đật dọn xuống. Mấy bao bố đựng gạo, áo quần,
mấy cái soong. Chú tôi không đi, má tôi kêu trời kêu đất, nhưng tụi em tôi bảo
chú ở lại giữ nhà. Trên đó đã có cái hầm cũ làm sau vụ pháo kích lần trước. Má
tôi không tin tưởng vào cái hầm đó lắm. Bà bắt Bé đi gọi ông xuống nhà, nhưng
Bé vừa đi một lát, đã hớt ha hớt hải quay lại:
- Bác ui, họ về đông
như kiến. Họ đang họp ngoài nghẹo, họ treo cờ, họ hô hào. Họ lấy hết Huế rồi.
Người ta bảo bên Phú Văn Lâu treo cái cờ gì to thục lúc. Con vừa tới thấy họ đang
bắc loa gọi, con lủi nhanh vào vườn Bác Ái lủi về, may mà họ không thấy.
Tôi hỏi có ai bị thương
không, Bé nói là thấy họ đông lắm, sáng thấy có người bị thương, chừ đem đâu
hết rồi. Má tôi nói liệu có di tản lên Từ Ðàm được không thì Bé cho biết là đường
sá họ gác hết rồi, góc nào cũng có người đứng gác. Tôi hỏi đi hỏi lại là mày có
thấy tận mắt không, nó bực mình: “Thì thấy mới chạy thục mạng về đây. Ðồn vận
tải thấy vắng teo như không có người ở, tường thành gì cũng đổ nát hết...
Lúc đó khoảng mười một
giờ. Chúng tôi hết đứng lại ngồi, lóng ngóng nhìn ra đường. Lát lát má tôi sai
một đứa cháu ra nhìn xem có ai đi lại không. Nhưng đường xá vắng ngắt. Mấy lần
nó định đi lần về phía nghẹo đường xay, nhưng không đủ can đảm lê bước tới đó.
Lúc này nó đã nhìn thấy ở đó treo một lá cờ VC. Nó trở vào mặt mày rầu rỉ:
- Trời lính mà ai cũng
như tui thì Huế mất là phải. Biết vậy đừng có về cho xong. Ðã nghe lịnh cấm
trại rồi mà còn về.
Bé buồn cũng phải. Ðáng
nhẽ ra dù Huế còn hay mất nó cũng phải có mặt với anh em. Nhưng ba tôi chết
cuối năm, Bé được giấy phép mấy ngày đầu năm để lo việc nhà. Lúc này, đèn đuốc
trên bàn thờ ba tôi lại sáng trưng, mỗi đứa chúng tôi đều thắp hương và cầu
nguyện. Ðây là căn nhà thờ duy nhất của dòng họ tôi mà phải suốt cả một đời lăn
lộn cực khổ làm ăn lương thiện, ba tôi mới gầy dựng nổi. Căn nhà chưa tu bổ thì
ba tôi đã có một chỗ ngồi trong căn nhà thờ này. Súng đạn đêm qua và sáng nay
đã nhân đức với căn nhà thờ của dòng họ chúng tôi ngoài mức tưởng tượng.
Rồi chúng tôi cũng còn
lo ăn nữa. Bữa cơm trưa được nấu vội vàng nhưng không có đồ ăn. Ngày cuối năm
thì xong việc đám ma. Ðến ngày mồng một gia đình tôi nguyện ăn chay để cầu
nguyện cho người chết. Ðáng nhẽ phải ăn Tết ở ngôi nhà anh Lễ tôi ở Từ Ðàm,
chúng tôi, kể cả anh Lễ, má tôi, cô em gái, mấy đứa cháu nhỏ, cùng mấy đứa em
con chú đã tình nguyện ở lại để cầu kinh. Căn nhà thờ chứ không phải là nơi để
ở nên thiếu thốn đủ thứ. Chúng tôi phải nạy cửa nhà ngang, xuống căn nhà phụ
cho ông giáo Trường An Cựu thuê, vợ chồng họ về quê ăn Tết, để lấy chén bát và
tìm đồ gia vị như nước mắm, muối ớt. Khổ là vì không định ở đây, chúng tôi
không tích trữ gạo. Lúc này đã không còn nghe tiếng súng, hoặc có thì cũng chỉ
là tiếng súng nhỏ vọng xa xa, ở một miệt nào đó. Như thế là nghĩa lý gì? Không
có một chiếc máy bay, không có một chiếc xe chạy.
Ðoàn xe Mỹ đã vào tới
thành phố tan biến đi ngả nào. Những Việt cộng vừa tụ họp tại nghẹo Hàng Xay
bỗng tản đi đâu hết. Tại sao chú tôi ở xóm trên chỉ cách một con đường rầy, mấy
cái vườn, cũng không xuống được. Lâu lâu lại thấy một đoàn người đi đâu ngoài
đường phía dưới quốc lộ, vào thành phố. Căn nhà thờ của chúng tôi nằm ở An Cựu,
sát ngoại ô, lại ngay đường quốc lộ nối Phú Bài với Huế.
Trong thành phố Huế lúc
này ra sao, chúng tôi không tài nào đoán nổi. Cả nhà hợp nhau lại sửa căn hầm
cũ dưới nhà bếp. Tiếng súng càng về chiều càng dữ dội. Ngoài đường bỗng vắng
tanh. Ở nhà bếp, nhà trên, dân trong xóm đến tỵ nạn nằm la liệt mấy căn buồng
nhỏ được che hai ba mặt tường. Má tôi sai đứa cháu dâu nhóm bếp nấu một nồi
cháo, chắc chẳng ai còn lòng dạ nào ngồi ăn cơm chiều. Nhưng nồi cháo nấu vừa
chín tới thì Thái đã nhìn thấy có người đi lại ở ngoài đường. Mặc kệ tiếng súng
đang nổ ran mọi phía, mặc kệ bom đạn có thể nổ ngay trên đầu mình, cả nhà chúng
tôi tràn ra sân, rồi ra đường cái. Một hai người đạp xe từ phía cầu An Cựu đi
lui đi tới, Thái vẫy lại hỏi: “Ngoài nớ có ai đi không?” “Người ta tản cư qua
bên sông hết.” Má tôi la lớn:
- Lên Bến Ngự Từ Ðàm
được không?
- Chắc được.
Nghe tiếng “chắc được”
thôi mà cả gia đình tôi cũng tràn trề hy vọng. Mấy đứa cháu giục phải di tản
qua bên kia sông hoặc lên Từ Ðàm chứ ở đây chắc chết hết. Việt cộng đã về đóng
kín hết mọi nhà, mọi đường phố. Nhà chúng tôi lại nằm ngay giữa hai cái đồn và
ngọn đồi Thánh Giá nằm ngay phía đàng sau lưng. Nếu xáp lá cà ở đây một trận
chắc cả làng An Cựu ra tro hết. Má tôi vơ vội một ít quần áo của ba tôi những
thứ còn bỏ lại, không đem liệm cho người chết. Bà gói lại cẩn thận. Gia đình
mấy đứa em họ tôi thì lo gánh gạo, quần áo, nồi chảo và những dụng cụ cần
thiết. Tôi xách cái ví tay, cái xách nhỏ. Anh tôi dắt chiếc Honda chở em gái
tôi với hai đứa cháu đi trước. Tới gần cầu An Cựu, má tôi nói anh cứ đi trước
đi, chở con và em lên rồi trở lại đón từng người bằng xe cho mau. Thái lấy
chiếc xe đạp tìm đường sang phố. Chúng tôi chia tay ở trước đồn vận tải. Từng
đoàn người cắm cúi lật đật, bồng bế, xách gói chạy qua phía cầu. Chúng tôi theo
họ nhưng tới cầu cả bọn không được đi về phía Tân Lăng, Phú Cam mà cứ bị xua
lại cầu. Lúc chúng tôi chạy tới, một trong hai người đàn ông gác cầu đưa tay
chận lại:
- Ði đâu, bà con ai ở
yên trong nhà, không được chạy.
Tôi đứng sững đàng sau
lưng má tôi. Hai người đàn ông mặc quần áo ka ki vàng, nhưng chân đi dép. Không
phải là lính quốc gia rồi; chắc họ là quân giải phóng. Tôi nhìn sững họ không nói
được một câu, miệng tôi cứng lại. Má tôi nói như muốn khóc:
- Nhà cửa sập rồi mấy
ông ơi, còn chi mà ở. Tui sang nhà bà con bên kia sông.
Lúc đó tôi không còn
thấy bóng em tôi chở em gái và cháu tôi đâu nữa. Tôi nghĩ là anh đã đi thoát
rồi. Hai người lính vẫy cho chúng tôi qua cầu. Mấy vũng máu đọng giữa cầu chưa
khô, ruồi nhặng bu đen xì. Chỉ một đoạn đường ngắn mà tôi nhìn thấy biết bao
nhiêu dép, giày vớ, quần áo rách, bị rết, ba lô văng bừa bãi, dính lẫn với máu
và những mảnh thịt.
Má tôi bảo qua cầu rồi
cứ đi dọc bờ sông tìm đường lên căn nhà ở Từ Ðàm. Nhưng đi được một đoạn, chúng
tôi thấy những người đi trước lúp xúp chạy trở lại, vừa chạy vừa khóc. Chúng
tôi hỏi họ không nói ra được, cứ làm dấu vẫy lui. Tôi chận một cô nhỏ:
- Sao trở lui vậy em?
- Trên nớ, nơi cầu Phủ
Cam họ đứng đầy, họ gác, họ đuổi lui.
- Cứ đi tràn không được
à?
- Họ bắn hai ba người.
Má tôi níu chúng tôi
lại. Mấy đứa em tôi cũng hốt hoảng bảo vợ con tất tưởi đi lui. Chúng là lính
gặp họ chắc không ổn rồi.
Không hiểu nhờ phép lạ
nào mà khi qua cầu họ không hỏi tỉ mỉ. Khi má tôi xin qua cầu được, cả đoàn cứ
nối đuôi nhau mà chạy. Cũng có lẽ họ còn bận với những đoàn người đi sau.
Qua được cầu rồi, lúc
này tôi mới dám nhìn hai bên đường phố. Chợ An Cựu như một bãi chiến trường,
máu còn chưa khô, máu in đỏ trên những bức tường loang lổ vết đạn. Một chiếc xe
tăng lủi vào lề đường đâm vào một căn phố, tấm bảng hiệu còn treo lủng lẳng.
Hai ba căn phố không còn hình dáng gì. Không một căn nhà trước đường nào còn nguyên.
Giữa đường đầy rẫy chướng ngại vật, máu me, quần áo, rác, sắt vụn, gỗ ván.
Chúng tôi len lỏi mà đi. Không một đôi mắt nhìn ra cửa, những căn nhà như đã
hoang vắng hết. Không còn biết đâu yên mà chạy tới nữa. Thôi cứ liều, má tôi
nói liều mà tìm đường lên Từ Ðàm, gia đình họp lại sống chết có nhau. Chúng tôi
đi hết con đường ngắn, dọc xuống Lê Lợi. Con đường đàng trước mặt dẫn sang nhà
bưu điện và cầu Tràng Tiền sao vắng ngắt. Tiếng súng ở mặt nhà dây thép nổ như
bắp rang. Ðoàn người này đi tới, đoàn người kia chạy lui, không kịp nghe nhau
trả lời, cứ thế, chạy loanh quanh trong những khu vực chưa bị kiểm soát. Cuối
cùng chúng tôi dồn vào khu nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế.
Không còn chạy đi đâu
được nữa, phía trước mặt người ta đã chạy lui lại hết. Phía đàng sau cũng không
còn đường trở lui. Má tôi kêu trời kêu đất. Anh tôi đã mất tăm dạng. Ngoài
đường thưa người dần và nhiều tiếng súng gần tới nơi. Mọi người chạy ào vào bên
trong nhà thờ hết. Tất cả được dồn vào khu nhà giảng. Tiếng súng như đã bao quanh
khu nhà thờ.
Má tôi kêu chúng tôi
xuống căn hầm xây dưới giảng đường nhưng chỗ đó không còn chen chân nổi. Chúng
tôi lại kéo nhau vào một chỗ trong góc. Bé trải chiếc chiếu cũ, cả nhà hơn mười
người, gồm người lớn và con nít chen nhau một chỗ ngồi nhỏ. Khi tìm ra được một
chỗ ngồi rồi, tôi mới nghe thấy tiếng vo ve từ dưới hầm đưa lên, tiếng trẻ con
la khóc, tiếng cãi nhau, tranh giành nhau một góc nhà. Bên ngoài tiếng súng vẫn
nổ ròn rã. Ðược một lát khi tiếng súng dứt, một số người khác chạy đến nhà thờ.
Tôi chạy ra sân gặp Thái đi vào. Nó chụp lấy vai tôi: "Vô đi chị. Súng còn
nhiều lắm.
Tôi hỏi:
- Sao em trở lại, có
gặp anh Lễ không?
- Không chị ơi, em lên
cầu Kho Rèn, định đi qua cầu, gặp họ họ kêu lại, bắt giữ em. Em năn nỉ mãi mới
cho đi. Em tưởng em bị bắt rồi.
Tôi hỏi Thái thấy gì
không. Thái nói thấy gần mũi cầu xác chết còn la liệt. Một số người bị bắt ngồi
bên kia cầu. Có hai ba người Mỹ bị trói dẫn đi.
Một số người khác lại
tràn vào nhà thờ, tôi tới hỏi thăm có ai miệt cầu Bến Ngự về có thấy một người
đàn ông chở hai đứa nhỏ và một cô gái không. Một cậu nhỏ kể: có thấy một người
đàn ông, chở hai đứa nhỏ với một cô gái cứ phóng đại xe qua cầu. Họ bắn mấy
phát, xe suýt đâm xuống sông. Họ giữ lại, rồi thấy tha cho đi lên phía cầu Bến
Ngự. Thái nghe nói quả quyết anh Lễ đã thoát. Tôi dẫn Thái tới chỗ má tôi ngồi.
Mấy đứa cháu nhỏ đang ngồi ăn bánh chưng. Má tôi đưa mắt nhìn tôi dò hỏi. Tôi
kể lại chuyện vừa nghe được cho má tôi nghe. Thái kêu khát nước, vặn cái vòi
nhưng không có một giọt nước nào. Mấy đứa nhỏ đái cả ra chiếu.
Người này cứ hỏi người
kia mãi về những điều đã trông thấy, đã kể. Tôi hỏi thăm Thái về đường đi lên
Từ Ðàm, Thái nói qua cầu Tràng Tiền được, không đi lên Nam Giao được. Nó đã cố
hết sức, nhưng thấy không có cách nào nên đành quay về nhà thờ, không ngờ gặp
gia đình cũng ở đó. Tôi và Thái cứ nghe êm êm tiếng súng là ra sân đứng ngóng,
cho tới chiều tối không thấy anh tôi trở lại. Chúng tôi dắt nhau đi vào. Thái
lấy cái áo măng tô của ba tôi để lại, khoác vào người tôi:
- Chị mặc đi kẻo lạnh.
Trời mưa lất phất, cả
một ngày tôi không còn đủ sức để ý đến bầu trời, đến cây cỏ. Tôi nhìn lên bầu
trời màu chì, nặng nhọc, những hạt mưa bám vào tóc, vào mặt không làm tôi lạnh
hơn. Sự lạnh lẽo, tê cóng, lo sợ, run rẩy suốt một ngày đã bóp cứng da thịt, và
thể xác tôi đã như bị ướp trong tủ lạnh. Khi trở vào tôi bước qua chân mấy
người bị thương nằm la liệt ở một phòng nhỏ gần cửa ra vào. Mấy người đàn ông
đang băng bó, họ làm việc cũng lăng xăng lắm. Mấy ngọn đèn cầy đã được thắp ở
mấy cái bục, ở các hàng ghế, khi tôi vừa xuống khỏi mấy bực cấp nơi khoảng giữa
giảng đường xây cao, đặt tượng Ðức Mẹ, tôi bỗng ngồi thụp xuống. Hình như Thái
cũng kéo tay tôi nữa. Một tiếng vỡ khô khan. Tiếng một người rú lên. Khi định
tỉnh nhìn lại, một trong hai chậu cây kê ở hai cái bệ đá đã đổ xuống. Chị đàn
bà nằm sấp xuống nền gạch, bên cạnh những mảnh sành vỡ. Chị đã dựa đầu vào cái
chậu, và quên đi. Cái chậu rơi, đẩy chị ngã bổ nhào. Nhiều tiếng chửi rủa vang
lên ở nhiều góc tối. Tôi ngồi bó gối bên cạnh má tôi và Thái. Má tôi chưa ăn
gì, tôi cũng vậy. Thái hỏi tôi có đói không rồi chạy đi, một lát, nó trở vào
với đòn bánh tét trên tay. Cầm miếng bánh đưa lên miệng, tôi nuốt không trôi.
Tôi cũng không thấy đói, thấy khát mà chỉ thấy trong lòng cồn cào trăm thứ.
Một ngày rồi, tôi không
nhớ chồng con. Căn nhà nhỏ của gia đình tôi ở Sài Gòn lúc này ra sao? Có yên ổn
không? Chồng con tôi đang làm gì? Tôi tưởng tượng từng khuôn mặt các con, hình
dáng đi ra đi vào của chồng, rồi cả bữa cơm tẻ nhạt nữa. Bữa cơm không có bàn
tay người đàn bà, thiếu chỗ ngồi đó, bữa cơm tẻ nhạt tội nghiệp lắm. Má tôi cầm
chặt tay tôi:
- Con ơi, dựa vào vai
mạ mà ngủ.
Thái đứng lên, nó nói
phải đi kiếm một chỗ nào tốt hơn. Tôi gục đầu vào vai má tôi. Mấy đứa cháu nhỏ
đang khóc, đòi nước, đòi cơm, đòi sữa. Tôi nghe tiếng cánh cửa sắt phía cửa
chính kêu lẻng kẻng. Không có một ai ở ngoài đường, ngoài sân. Ngôi nhà giảng
rộng lớn có mái cong và nhiều chỗ đặt kính, tường thật dày, cách khoảng những
lá cửa bằng gỗ lim đóng chặt.
Nhiều tiếng đạn lớn bay
ngang qua khu nhà thờ, rồi tiếng nổ ầm ầm sau đó. Má tôi kéo tôi tựa người vào
bà. Tôi ngồi như thế và nhìn mãi ngọn đèn cầy đặt nơi chân ghế, trước mặt. Ngọn
lửa không nhắc nhủ tôi gì hết, cũng không đem tới chút hy vọng nào.
Tôi nghe những tiếng
khóc nhỏ, nhiều vô số kể. Có tiếng khóc thét lên ở góc phòng đằng kia. Chắc một
người nào đó vừa mới chết.
Có tiếng dép lẹp xẹp từ
một ngách nhỏ nối liền nhà ngang. Rồi một cái bóng to lớn nổi lên ở khoảng
tường đằng trước mặt. Rồi lố nhố những cái bóng nhỏ khác, đầu với nửa người
cũng hiện lên theo. Tôi quay lại, trên cái bục cao, dưới tượng Ðức Mẹ, một
người đàn ông mặc áo chùng đen đang đứng giơ cao ngọn đuốc. Một ông thầy, một
linh mục. Tất cả mọi tiếng khóc rấm rứt, những tiếng thì thầm vụt biến mất. Tôi
nghe phía đó cất lên một giọng nói:
- Tắt hết đèn cầy đi,
tôi sẽ đặt ngọn đuốc này ở đây. Mọi người bình tĩnh và tìm chỗ ngủ đi. Chúa sẽ
che chở cho chúng ta.
Ngọn đuốc chiếu những
đầu người ngồi lổm chổm lên tường, nhưng chiếc bóng của ông linh mục ngắn dần,
rồi biến mất.
2 TRONG DÒNG CHÚA CỨU THẾ
Những tiếng khóc tấm tức đã rời rạc, nhạt nhẽo dần. Tất cả các
ngọn đèn cầy cháy đã lụi tàn, nhưng bên trong nhà thờ không còn đủ không khí để
thở. Thái đã cố gắng dồn được cho má tôi một chỗ nằm khá thoải mái. Dĩ nhiên được
một chỗ nằm như thế là đương đầu với sự nguy hiểm nhiều hơn. Tôi và em Thái cũng
chọn một chỗ nằm trên hàng ghế nguyện. Mọi người khác chiếm những chỗ kín đáo,
như chui giữa các dãy ghế trống, hoặc dưới chân bàn, chân ghế. Họ hy vọng những
vật chặn mảnh mai đó sẽ chống đỡ phần nào bom đạn cho họ. Chúng tôi chọn hai
chiếc ghế dài gần nhau, nhờ vậy hai chị em có thể thì thầm trò chuyện. Bầu trời
bên ngoài gần như yên tĩnh, lâu lâu, điểm vài tiếng nổ xé nát. Gạch đá, kính vỡ
lại loảng xoảng rơi. Tôi lo lắng:
- Hay mình xuống đất nằm đi.
Thái cản:
- Cứ nằm đây. Trái bom nếu nó trúng thì đất cũng tung lên, mấy cái bàn, cái ghế
nhằm nhò chi. Nằm ở đây dù gì cũng còn dễ thở, chị. Không can chi mô!
Bây giờ thì thấy chưa can chi. Nhưng khi can chi thì... Nhưng trong lúc hoảng sợ,
còn nghe tiếng người trấn an, cũng đỡ nhiều lắm. Mà xuống sàn, chắc tôi cũng
không chịu đựng với hơi người, tiếng rên rỉ kêu la của người bị thương chưa được
băng bó. Cứ nghe tiếng nổ là má tôi chồm dậy:
- Xuống đất. Xuống đất hết đi bây.
Thấy kêu hoài mà không nghe con cháu trả lời, má tôi càu nhàu rồi cũng chịu
phép. Tôi nằm thẳng, mắt mở lớn nhìn lên trần nhà mà mái đã bị vạt nhiều góc,
thỉnh thoảng thấy những ánh sáng xanh lè xẹt qua rồi tiếp theo tiếng nổ long trời
lở đất. Qua khung kính đủ màu trên vòm nhà thờ, có những ánh sáng lù mù mà tôi
đoán là của hỏa châu, vì đó là thứ ánh sáng chỉ chập chờn, chập chờn rồi tắt
ngúm, điểm vào những tia lửa xẹt và những tiếng nổ lớn gầm thét.
Tôi cố nằm thật im, cố ôn lại những phút kinh hoàng đầu tiên của thành phố Huế
và cũng để quen dần với biến cố khủng khiếp đang kéo dài. Mới chưa qua một ngày
mà thời gian dài như cả tháng, cả năm. Ðã có lúc, hy vọng có bừng lên. Ðó là
lúc ngồi ở bệ đá, tôi nghe lời bàn tán của các người chạy loạn:
- Chắc một hai bữa rồi về. Mấy người lính giải phóng nói họ chỉ ở chơi ăn Tết với
đồng bào bảy ngày rồi họ đi.
Mới ngày thứ nhất đã bao nhiêu người chết, máu đổ. Chúng tôi chỉ mới chịu được
có một ngày. Còn những ngày tới...
Tôi đang nghĩ mông lung để dằn nén cơn sợ hãi thì bỗng bàn chân tôi bị ai nắm lấy,
kéo một cái. Tôi rụt chân lại, không dám la, chỉ ú ớ rồi ngồi rột dậy. Thái
nghe tiếng động, bên ghế kia cũng bật ngồi dậy theo.
- Chi rứa chị. Chi rứa?
Giọng Thái nhỏ nhưng đầy sự lo âu. Tôi há miệng mà không nói ra lời, quai hàm
tôi cứng ngắc. Trước mặt tôi, Trúc cũng đã ngồi dậy tự bao giờ, rên khẽ:
- Chị ngó coi. Ai nơi a tề?
Nó nhào qua, bấu chặt lấy vai tôi. Hai mắt tôi mở trừng trừng. Chỉ một màn đen.
Bàn tay của ai đó đã buông chân tôi ra. Nếu không có ánh hỏa châu bên ngoài vừa
xẹt sáng thì tôi không nhận ra cái bóng đen đang chồm tới phía chúng tôi.
- Em...em...
Giọng Thái:
- Chị đừng sợ.
Cái bóng vấp vào chân ghế, rồi một giọng nói yếu ớt:
- Cho em ngủ chung với, em sợ quá chị ơi.
Nhận ra giọng nói của Thu, cô em họ, tôi vẫn chưa hoàn hồn. Nhưng tôi đã mở miệng
được:
- Nói nho nhỏ. Sợ chi vậy?
Thu thì thầm:
- Em nằm bên cạnh cái bà mà khi chiều mình thấy đó. Bà đó ôm cái bọc nhỏ trước
ngực. Nằm mà cũng ôm khư khư không rời...
- Thì kệ bà nớ. Có chi mà sợ chớ.
- Em ngửi thấy mùi hôi, hôi lắm.
Tôi nạt nhỏ:
- Nhiều chuyện. Chạy cả ngày, có người sợ đái trong quần. Hôi chớ răng không
hôi. Mai mốt em cũng hôi như cú.
- Không phải. Em nằm sát bên cạnh, thấy ghê ghê. Bà cứ khóc rỉ rả như con dế
kêu, rồi cứ nói lầm bầm trong miệng như điên, mà cái mùi... nó kỳ lỳ... Em sợ lắm.
Thái phải co chân lại, nằm sát một đầu ghế để nhường chỗ cho Thu ghé vào.
Ðêm đầu tiên xa nhà, ngủ ở một nơi hoàn toàn xa lạ với sự sợ hãi giày vò, không
biết thân mạng mình sẽ ra sao, gần hai giờ sáng mà tôi vẫn không chợp mắt được
mặc dù quá mệt mỏi. Bỗng nhiên tôi nghe một tiếng kêu rú thất thanh và tiếng rú
không ngừng, vẫn tiếp tục. Tôi hoảng sợ đứng bật dậy, và trong khi đứng dậy,
tôi đạp nhầm một người nào đó đang nằm giữa lòng ghế. Tức thì bắp đùi tôi bị
véo một cái đau điếng buốt lên tận đầu, nhưng cũng nhờ đó mà tôi tỉnh táo được.
Nhiều tiếng kêu, tiếng lào xào bàn tán, rồi đột ngột rơi vào sự im lặng, như mọi
người đã biến mất hết trong bóng tối. Rồi mọi người lại hiện ra, toàn những đầu
là đầu khi một que diêm lóe lên và một ngọn đuốc trên bục được thắp sáng. Cha Sở
đang bước lên cái bục gỗ nhỏ, giọng lo lắng hỏi:
- Có chuyện chi rứa, bà con? Có ai bị thương?
Có tiếng khóc từ một góc xa, tiếng một người già rụt rè lẫn trong tiếng rên rỉ
của ai đó.
- Dạ thưa cha, có người... có người đau bụng... đẻ.
Nhiều tiếng thở ra. Nhiều tiếng bầu bầu khó chịu. Trong hoàn cảnh này không ai
còn đủ sức lo cho ai, thương cho ai ngoài thân mình. Nhiều cái đầu ngã xuống,
nhiều người nằm ngủ trở lại. Cha Sở càng lộ vẻ lo lắng:
- Có ai biết đỡ đẻ không? Có ai là y tá không?
Im lặng.
Cha Sở lớn tiếng hơn, nhắc lại:
- Ai biết đỡ đẻ, xin giúp... Tôi yêu cầu quí vị...
Không có ai trả lời hết. Tiếng xì xào cũng ngưng bặt và giọng cha Sở hoàn toàn
rơi vào im vắng. Ánh đuốc lung linh chiếu lờ mờ khuôn mặt đầy tuyệt vọng của
cha. Cha Sở đốt một ngọn đèn cầy rồi cố mở đường đi xuống giữa hai hàng ghế.
- Có ai không? Có ai không?
Tiếng cha Sở càng lúc càng lạc lõng, vô vọng.
Cha Sở vẫn cố gắng len lỏi đi xuống thêm những dãy ghế cuối. Buổi chiều người
ta đã giành nhau quay ghế thành từng khu riêng cho từng gia đình. Những người đến
sau, chịu thiệt thòi, nằm tràn ra sàn nhà, chỗ nào lọt được để nằm hoặc ngồi là
họ tranh giành nhau.
- Có ai làm ơn. Xin Chúa chúc phúc cho người hiền lương, xin bà con rủ lòng
thương xót...
Sự tận tụy của cha Sở rồi cũng được một vài người đáp ứng khi cha xuống đến cuối
phòng. Vài bóng người đi theo cha, tôi không nhìn rõ họ nhưng tôi biết trong
đám đó có Thái.
Người ta khiêng người đàn bà chuyển bụng đẻ lên căn gác lửng nơi dành cho ban
nhạc trong các buổi lễ hoặc buổi giảng. Căn gác này hoàn toàn trống, nó gần mái
nhà và được coi là nơi nguy hiểm nhất, không ai can đảm lên đó để núp bom đạn.
- Lên đó dễ sợ lắm, dễ ăn bom...
Một giọng nói xì xầm, không chút xót thương người mà gần như còn mừng cho mình
kiếm được chỗ tốt hơn. Tôi âm thầm cầu nguyện, năn nỉ bom đạn ngoài kia, xin ngừng
lại một lúc cho người đàn bà qua cơn hoạn nạn.
Trên căn gác lửng, tiếng rên la của người đàn bà bắt đầu thảm thiết hơn, rền rĩ
hơn. Con Thu bạo dạn nghểnh đầu nghe ngóng, nó phê một câu:
- Chị ơi, cái bà ni không biết dị chi hết. Ðẻ mà la quá trời...
Con Thu chưa làm mẹ, nó làm sao hiểu được cảnh người đàn bà qua biển mồ côi một
mình. Tôi đã sinh đẻ, tôi biết cơn đau đẻ hành hạ người đàn bà như thế nào,
nhưng lúc này tôi cũng không thể chia sẻ gì được cho bà ta. Tôi đã mệt quá, cơn
đau đẻ của bà làm cho tôi càng mệt thêm. Không khí như từ đâu tràn vào, xông tới
và tôi thở phào, nhẹ nhõm khi nghe tiếng con nít khóc oa oa chào đời. Tiếng
khóc mạnh mẽ, bất chấp, không biết có đem sự tin tưởng, hy vọng, sức lực tiếp
cho ai không, nhưng với tôi thì có. Cám ơn tiếng khóc chào đời trong cảnh khốn
cùng tuyệt vọng.
- Khỏe re. Hết mệt cái lỗ tai. Bà nớ đẻ rồi.
Giọng Thu có chút vui vẻ mà dửng dưng. Tiếng khóc của đứa trẻ lại nổi lên, mạnh
dạn, như thi đua với tiếng bom, tiếng đạn bên ngoài đang hứng dậïy. Tôi nhớ một
câu trong Thánh Kinh: Mừng rằng mình đã sanh một người cho thế gian... Ðêm
nay, đâu chỉ ở trong cái góc tả tơi, trong sự sống sự chết này có một con người
mới tới, mà trong thành phố Huế, trong ly loạn, vẫn còn có những tiếng khóc
khác nữa, đang lăn xả vào đời. Tiếng khóc sơ sinh trong căn nhà đang bắt lửa
cháy, trong lúc viên đạn đã đi đến nửa chừng. Tiếng khóc ra đời để kết thúc những
đau đớn vết thương trên thân thể người mẹ đang giờ hấp hối... Tiếng con nít
khóc càng làm tôi nhớ tới các con tôi lúc này đang ở Sài Gòn. Có chuyện gì xẩy
ra nơi đó không? Có không? Nếu có chuyện gì thì ruột mẹ sẽ đau, sẽ đứt, nếu có
chuyện gì xẩy ra cho mẹ, ruột của các con cũng đau, cũng đứt...
Ngọn đuốc trên bệ đá đã được thổi tắt, nhưng trên căn gác vẫn còn chút ánh sáng
rọi xuống. Nguời mẹ đã hết rên đau. Ðứa bé đã hết khóc. Tôi hình dung chị đàn
bà đang ngủ. Hài nhi cũng ngủ. Hai giấc ngủ hòa hợp bình yên mặc kệ giông bão,
bom đạn của cuộc đời đang ào ạt tới.
Nhưng đêm cũng bắt con người ngừng bớt sự giết chóc. Tiếng bom thưa thớt hơn và
những tràng súng lâu lâu mới điểm để không có sự trống trải của đêm dài. Tôi chợp
mắt được.
Gần sáng, tôi bỗng thức tỉnh. Quên là đang ngủ trên cái ghế dài, hẹp, tôi ngồi
bật dậy như khi còn ở nhà mình. Tôi chao đảo muốn té. Vừa lúc đó tôi cũng chợt
nhận ra hoàn cảnh của mình lúc này. Trước hết tôi đảo mắt tìm má tôi. Bà vẫn nằm
co quắp, đầu gối lên cái giỏ đựng quần áo. Thu và Thái nằm ngược chiều, đầu
châu vào nhau, cũng co quắp người mới đủ chỗ. Còn sớm lắm, bầu trời chưa sáng hẳn
nhưng bên ngoài vẫn chiếu vào những luồng sáng của hỏa châu. Không còn tiếng
bom, không còn tiếng súng. Bên ngoài im vắng đến ngột ngạt và không hiểu chuyện
gì đã xẩy ra? Tôi định qua đánh thức má tôi dậy. Nhưng vừa bỏ chân xuống chưa tới
mặt sàn, người tôi như bị điện giựt. Rõ ràng tôi đạp lên một thân người, nhưng
cái thân cứng như cây củi, mà lạnh ngắt. Hỏa châu lại chiếu vào, lại cho tôi
nhìn thấy một xác chết nằm giữa hai hàng ghế, mắt vẫn còn mở trừng trừng như hướng
lên những lỗ hổng trên mái nhà để thấy ánh sáng. Không biết tôi đã dùng bao
nhiêu sức lực, hay cái thân tôi biến thành cái lò xo nhảy bắn tới chỗ Thái nằm,
chồm lên đầu Thái và Thu. Hai đứa em bừng tỉnh, cuống quíu ôm chặt tôi:
- Chi rứa chị? Chi rứa?
Tôi ú ớ. Hai đứa em ngơ ngác nhìn quanh. Mọi người vẫn còn ngủ say. Lúc này ánh
sáng ngoài trời khá tỏ, đã chui vào từ những lỗ hổng trên mái nên có thể thấy
toàn cảnh tuy không được rõ ràng. Thái vẫn chưa thấy xác chết nằm dưới đất nên
hỏi:
- Chuyện chi rứa chị. Có chi mà chị sợ?
Không dám lên tiếng, chỉ đưa tay chỉ. Con Thu rụt đầu, bưng tai:
- Trời đất. Coi tề. Dễ sợ quá, sợ quá...
Thái ra dấu cho chúng tôi im lặng. Thái đã từng là một cán bộ xây dựng nông
thôn nên thấy người chết cũng đã nhiều, nó không sợ hãi.
- Chị và Thu ngồi yên ở đây. Ngồi bỏ chân lên ghế. Ðể em...
Thái bỏ đi, nói là tìm cha Sở. Mấy chị em tôi ngồi co rút người, ôm chặt lấy
nhau. Phía bên kia, má tôi quá mệt mỏi, còn ngủ nhừ. Một lát sau xác chết được
khiêng ra ngoài. Nơi chỗ nằm của xác chết vừa được mang đi, còn để lại một vũng
nước vàng bầy nhầy máu mủ chảy ra từ vết thương. Thái lấy khăn mùi soa cột
ngang miệng mũi rồi đi dọn dẹp. Xong xuôi, Thái đổi chỗ cho tôi:
- Chị nằm đó nghỉ đi. Em qua bên ghế kia.
Thái nhướng mắt, lắng tai nghe ngóng:
- Bên ngoài im rơ. Khi hồi em khiêng xác chết ra ngoài cũng thấy lặng như tờ.
Chắc yên rồi. Chờ sáng coi ra răng rồi mình về nhà.
Tôi vẫn không tin tưởng:
- Biết ra răng mà dám về. Ðợi coi người ta răng thì mình theo....
- Rứa chị nằm ngủ đi. Coi con mắt chị đỏ kè tề...
Nhưng chưa kịp nằm xuống, Thu đã kéo giật tôi:
- Chị ơi, chị...
- Chi nữa?
- Coi cái bà đó tề. Bà đó khi túi nằm gần em, răng chừ mò tới gần đây rồi nì.
I, chi coi...
Từ dưới nền đất, cách chừng hai dãy ghế, một người đàn bà lồm cồm bò dậy. Chị đứng
thẳng, tay vẫn ôm cái bọc khư khư. Lúc này trời sáng, tôi nhận ra được cái bọc
bằng vải, bên trong là gì? Một đứa bé? Sao không thấy cựa quậy nhúc nhích ? Ðứa
bé bịnh nặng? Thiếu ăn? Hết hơi sức? Ðôi mắt của chị đàn bà không còn chút thần
sắc. Chị liếc nhìn chúng tôi bằng ánh mắt khờ khạo rồi cúi xuống đung đưa cái bọc
vải, giọng rền rĩ:
- À... ơi! Con ngủ đi con... À ơi... Ru hời ru hỡi là ru... Bên cạn thì chống,
bên su (sâu) thì chèo... Ngủ đi con... Con ngoan... con ơi là con!
Giọng chị rít lên:
- Con ơi là con. Con ơi!
Chị đàn bà bật khóc. Tôi không hiểu tại sao chị ru con mà khóc? Chắc hôm qua
nhà chị bị cháy, chồng chị chết rồi, chị bồng đứa con chạy thoát? Thái nằm day
mặt về phía chị đàn bà, hỏi:
- Con chị đó há?
Chị đàn bà gật đầu. Gật tới mấy cái liên tiếp.
- Nó mần răng mà chị khóc? Nó đau ốm chi không?
Chị đàn bà ôm chặt cái bọc vải hơn, hơi quay người như sợ người ta giành mất:
- Không răng. Không răng hết.
- Gia đình chị mô hết rồi?
- Chết. Chết hết. Chết. Chết hết, còn mô nữa...
Chị ngưng lại. Nước mắt đã nhòe nhoẹt trên gương mặt xanh xao. Tôi không dám
nhìn khuôn mặt méo mó khổ đau đó. Con Thu nói nhỏ:
- Chắc mụ nớ điên. Ngó cặp mắt lờ đờ... dễ sợ...
Lắc đầu, nghiêm mặt. Cũng không thể la đứa em. Nhiều người đã trở dậy. Nhiều
người bạo gan đi ra ngoài tìm nước súc miệng, rửa mặt. Cha Sở trở lại, yêu cầu
thân nhân phải khiêng những kẻ bị thương ra khu nhà ngang. Ở đó có một số thanh
niên tình nguyện giúp đỡ, săn sóc, băng bó cho người bị thương. Nhưng không ai
nghe lời, họ nghĩ dù người bị thương, được ở bên trong nhà thờ, gần gụi thân
nhân vẫn an toàn hơn. Cha Sở phải cùng số thanh niên đi len lỏi vào các dãy ghế.
Nhiều người được khiêng ra ngoài. Thái cũng hăng hái cùng đám thanh niên giúp
cha Sở. Má tôi cũng đã dậy từ lúc nào, và Thái đã tìm được nước, dấp ướt khăn
đem tới cho má tôi lau mặt. Tôi lần tới bên má, ngồi giữa má tôi và một bà cụ
già khác.
- Má”.
Tôi nắm chặt tay bà. Hơi ấm. Thân thuộc. Êm ái. Tôi hơi tựa người vào mẹ:
- Má. Má có ngủ được không?
- Gần sáng thì mệt quá, má ngủ mất hồi mô không hay. Họ có bắn nhau nhiều
không?
- Ít thôi, má.
- Ừa. Hèn chi ngủ yên, không bị giật mình.
Tôi không kể cho má tôi nghe vài chuyện đã chứng kiến hồi nửa đêm về sáng. Má
tôi lại hỏi:
- Liệu có yên không con. Mần răng mà về coi nhà cửa. Còn gia đình anh con trên
Từ Ðàm nữa, bặt vô âm tín như ri làm má lo trong bụng quá. Chị nờ, tui còn thằng
con trai, vợ nó, con nó đang kẹt trên Từ Ðàm...
Má tôi lại bật khóc. Bà cụ ngồi bên cạnh an ủi:
- Ai cũng chịu chớ riêng chi mình chị. Khóc cũng không làm chi được. Tui, thằng
con trai bị họ bắt từ bữa đầu, mấy đứa cháu chạy lạc mô không thấy, chết sống
ra răng cũng không biết... Tui cũng bấy trong bụng chị nờ...
Khuyên nhủ người đồng cảnh ngộ lại làm động mối thương tâm, bà cụ cũng ứa nước
mắt. Bà đưa tay chỉ ông cụ đang ngồi phía đầu ghế đối diện, tay ôm bọc quần áo,
nói:
- Ông nhà tui đó tề. Chừ chỉ còn hai cái mạng già với nhau còn con cháu trẻ
không thấy mô... Ai cũng khổ hết.
Chút tĩnh lặng trong nhà thờ bị quấy động. Mọi người đã trở dậy. Tiếng ồn ào
như ong vỡ. Mấy cánh cửa gỗ lim chắc chắn được hé mở, ánh sáng lùa vào. Thái bỏ
đi ra ngoài. Một lát sau Thái trở vào cho biết bên ngoài yên lắm. Nhiều người
cũng đi ra nghe ngóng, có người còn ra tận đường phố đứng nhìn lui nhìn tới rồi
trở vào thông tin cho mọi người. Lát sau, ngay trong sân nhà thờ, đã có nhiều
nhóm tụm năm tụm ba nhìn ra con đường vắng ngắt như đã hoang phế từ bao lâu rồi.
- Lợi dụng đang yên, mình ra ngoài kiếm nước, chị.
Mấy chị em dè dặt đi theo sau lưng Thái ra ngoài, tới giếng nước. Mọi người đã
tới đây đông nghẹt và đang giành giựt nhau với chỉ một cái gàu múc nước. Giếng
nước nằm cạnh một dãy nhà bếp nối liền với dãy nhà ngang nằm mé một khu vườn rộng
trồng đủ loại cây trái. Qua một ngày một đêm tù túng bên trong nhà thờ, lúc này
tôi mới hít thở được khí trời, nhìn thấy gốc cây ngọn cỏ và mặt đất còn bình
yên.
Bầu trời nặng trĩu màu xám và bắt đầu rơi xuống những hạt mưa nhỏ như bụi. Tôi
kéo vạt áo măng tô lại và cài nút kín cổ vì không khí bên ngoài giá lạnh. Cả
đêm qua bên trong nhà thờ, đầy hơi người, đầy lo âu, tôi đã không thấy lạnh mà
còn nóng bức. Lúc này đứng bên giếng nước, nhìn cỏ cây, mưa bụi, không khí
trong lành, tôi thở hít không ngừng, thở hít ham hố như sợ ngày mai, ngày mốt sẽ
không còn được thở trong bầu không khí như vậy nữa.
Một lúc sau tôi cũng phải rời giếng nước và vườn cây xanh um. Thu bỏ vào bên
trong nhà thờ trước. Nó đã lấy được một lon bơ đầy nước. Thái rủ tôi ra đường
coi có gì lạ không. Con đường như dài, rộng hơn ngày thường, trống vắng và đầy
bí hiểm hơn ngày thường. Chúng tôi vòng lại phía sau, chỗ có một con đường
tráng nhựa chạy thẳng, dẫn tới một bờ sông. Cũng có một vài người ra đến đó.
Chúng tôi hỏi nhau, cũng không ai biết gì hơn chúng tôi cả.
Sau cùng, hai chị em tôi đi vào một xóm nhỏ. Mọi nhà đều cửa đóng then gài giữa
những khu vườn nhỏ tắm mưa. Cũng còn vài nhà có người. Thấy chúng tôi, họ thò đầu
ra ở những cánh cửa hé và hỏi thăm:
- Mấy người ở mô. Thấy ra răng rồi? Họ còn đó hay đã đi chưa?
Chúng tôi còn biết gì hơn họ? Chúng tôi lắc đầu. Con đường phía trước không biết
chuyện gì đang chờ đợi? Lúc đó, có một toán người từ bờ sông chạy ngược lên, họ
ra dấu cho chúng tôi trở lại. Và rồi đám đông cùng theo chân chúng tôi, tụ
trong sân nhà thờ. Họ cho biết họ ở phía bên kia cầu, họ đã chạy loạn và muốn
trở về. Nhưng ở bên kia cầu lính Việt cộng đang canh giữ.
- Thấy chúng tôi, họ đuổi trở lại nhà. Chúng tôi chạy đại bất kể, họ đưa súng
lên nhắm bắn. Rứa là tụi tôi chạy bán sống bán chết. Họ còn bắn đuổi theo dọa
làm chúng tôi chạy té xấp té ngửa...
Ðám người này vẫn chưa chịu vào bên trong nhà thờ để cha Sở xếp đặt chỗ ở. Họ cứ
lớ ngớ nhìn ra đường, mỏi mắt ngóng chờ một người nào đó chạy tới để hỏi thăm
tin tức nhà cửa của mình. Nhiều người còn có người nhà ở lại.
Và lạ lùng thay, không biết ở đâu chui ra, trong sân nhà thờ xuất hiện nhiều bộ
mặt lạ. Họ như đã ở sẵn đây từ đêm rồi. Họ tản mát đâu phía sau khu vườn rộng,
hay chính cả bên trong nhà thờ, lẫn trong dân chúng. Thái kéo tay tôi:
- Mình đừng đứng đây. Mấy người này sao thấy nghi quá.
Hai chị em đi vào trong. Má tôi và bà cụ bên cạnh đều ngước mặt lên chờ đợi và
nôn nóng hỏi:
- Có thấy chi không? Có nghe chi không?
Tôi lắc đầu:
- Không thấy chi hết má. Bên ngoài yên lặng như thành phố ma vậy đó.
Má tôi cắn môi, nuốt nước miếng, nhăn nhó:
- Biết rứa cứ ở nhà. Thà chết ở nhà còn hơn chết bờ chết bụi.
Tôi còn biết lời gì để an ủi má tôi. Thu tới ngồi bên cạnh, thì thầm:
- Chị. Em biết có con đường tắt đi về nhà mình.
- Họ gác ở hai đầu cầu. Không qua về được.
- Ðường ni không phải qua cầu. Mình đi tới bờ sông, may ra có đò. Chỗ ni vắng lắm
chị.
- Không được. Ðừng có đi ẩu. Ðể coi người ta làm răng thì mình làm rứa.
Ðến chín giờ sáng vẫn không nghe một tiếng súng nổ. Bên ngoài im lặng như tờ.
Thình lình, có vài người chạy vào báo tin:
- Ðường đi được rồi. Bên kia sông, người ta đang tràn qua, nhiều lắm.
Mọi người ùa ra. Tôi và Thái cũng chen chúc trong đám người cố ra khỏi cửa nhà
thờ. Giữa sân, tụ tập tới mấy nhóm chạy loạn tới. Ðàn ông, đàn bà, bà già, con
nít. Người đang hoa tay chỉ chỏ, kể chuyện, người khóc thút thít. Trẻ con nắm
chặt áo người lớn với mặt mũi còn kinh hoảng thất sắc. Tôi chen mãi mới vào được
bên trong, đứng gần một chị đàn bà:
- Chị ở mô chạy tới đây?
- Tui ở dưới sân vận động. Nhà tui cháy rụi rồi.
- Mới cháy?
- Không. Cháy từ bữa qua lận. Không còn chi hết. Tui chừ tứ cố vô thân. Trời ơi
là trời...
Chị đàn bà khóc. Tôi hỏi tiếp:
- Ði đường thấy chi lạ không? Răng lại chạy tới đây?
Chị đàn bà hỉ mũi, đưa tay quẹt nước mắt:
- Bữa qua dưới tui nhà ni cháy thì chạy qua nhà nọ. Họ tới đông lắm, không cho
ai đi ra khỏi xóm. Sáng ni thấy có người chạy ngoài đường, mới chạy đại theo...
- Họ để cho đi?
- Họ chỉ bắt thanh niên thiếu nữ tập họp rồi đi khiêng người bị thương. Nghe
nói có nhiều xác chết, phải đem chôn. Có rút đi mô hết, đang như kiến rồi biến
như ma rứa đó. Giữa đường, thấy xác chết bất loạn.
Ðang nói, thấy một người quen trong nhóm bên cạnh, chị nhào tới ôm chầm lấy,
khóc bù lu bù loa:
- O ơi là o. Tan nát hết rồi o ơi...
Người đàn bà lớn tuổi mắt rưng rưng, nhưng cố gắng an ủi hàng xóm:
- Khóc chi tào lao rứa. Có người ta có mình chớ. Mấy đứa nhỏ mô mà không thấy?
Chị đàn bà lúc này mới nhìn quanh. Mấy đứa nhỏ con chị đang ngơ ngơ ngác ngác
nhìn mấy người lớn khóc lóc, bàn tán. Chị túm mấy đứa con lại:
- Biểu đứng một chỗ không thì lại lạc. Nói không nghe... O ơi, tụi nó đây nì o.
Từ bữa qua tới giờ chưa đứa nào có cái chi nhét vô miệng... Mà nhà cửa, bàn thờ
ông bà ông vải cháy rụi rồi o ơi...
- Còn thằng? Mô không thấy?
- Tụi nó bắt rồi. Ði theo mấy người kia, không biết ra răng...
- Con cháu tui cũng bị bắt đi. Nghe nói chỉ đi khiêng tải người bị thương rồi về.
Hết việc thì về chớ giữ lại mần chi. Mình cứ cầu trời khấn Phật đi o nờ...
Chị đàn bà vẫn khóc. Mấy đứa nhỏ níu chặt áo mẹ. Mưa phùn cùng nước mắt ướt đẫm
mặt tôi. Tôi cần một chút không khí để thở. Lách ra ngoài, tôi gặp Thái đang
nói chuyện với một người đàn ông cùng với gia đình của ông ta. Nhiều bọc lớn nhỏ,
một đôi thúng gính đựng đầy đồ đạc lỉnh kỉnh. Người đàn bà chắc mới sinh, đứa
bé còn nhỏ lắm, bọc trong một cái chăn cũ. Bà ta thở mệt nhọc, đứa con gái chừng
mười một tuổi ôm đứa em trên tay, hết nhìn cha đến nhìn mẹ.
- Bác ở mô chạy về đây?” Thái hỏi.
- Tui ở trên Phú Cam. Trên đó tụi nó còn đông lắm.
- Rứa răng bác chạy được?
- Liều. Liều cậu ơi. Nhờ Chúa che mắt nên mới thoát được tới đây. Tụi nó đông lắm,
chỗ mô cũng thấy tụi nó...
- Bác có nghe tin tức chi không?
- Cũng có nghe sơ sơ. Họ nói tụi giải phóng chiếm hết thành phố Huế rồi. Vài ba
bữa nữa ông Hồ vô thăm ăn mừng chiến thắng. Họ nói ông Hồ mà vô đây, bà con được
Bác phát gạo ăn không hết...
- Ở đó mà có gạo. Cứt khô cũng không có. Từ bữa qua tới chừ gia đình tui mười một
mạng chưa có hột cơm hột cháo mô trong bụng nì... Phách tấu...
Người đàn ông vừa chen câu nói đeo kính cận. Xung quanh ông ta có năm sáu đứa
nhỏ, đứa nắm áo, đứa nắm quần, kêu cha cha, con đói, mặt mũi méo xẹo, tèm nhem.
Thái lại hỏi:
- Rứa chớ bác ở mô chạy tới đây rứa?
- Bên tê sông.
- Bên đó ra răng, bác?
- Mấy ông vô tới nơi là khổ rồi. Bét mắt đã thấy họ đầy nhà, đầy vườn. Cha nào
cũng ốm cà tong cà teo, đói đeo vàng hai con mắt mà toàn nói phách tấu không rứa.
Người sống bấn loạn, người chết, người bị thương cũng bấn loạn, khiêng vất
trong sân nhà người ta rồi vô nhà thấy chi cũng vơ cũng vét. Con trai con gái mới
lớn bắt đi tải thương, chôn xác. Vô nhà kêu gọi nấu cơm cho quân giải phóng, mượn
gạo, mượn mắm muối. Nói là mượn chớ cướp của dân thôi mấy ông mấy bà ơi... Nhà
tui con đông, khi mô cũng trữ gạo, đồ khô, cá mắm. Rứa mà họ chở đi hết không
chừa cho tui một nạm, còn nói phách, bữa mô Bác vô, gạo phát không cho dân... Ở
nhà cũng chết đói, thôi liều mạng chạy qua đây xin cha gạo cứu mấy đứa con nít
trước đã...
- Dân bên đó chết nhiều không bác?
- Thì bữa đầu đạn ở mô bắn như mưa. Chết chớ răng không chết. Sơ sơ tới sáng
mùng hai, có mấy nhà chung quanh tui cũng mất sáu mạng...
Thình lình một người đàn ông mặc áo măng tô đen đi tới. Cái áo măng tô thì dài
mà người hắn thì ngắn nên cứ kéo phệt đất. Chắc chắn cái áo này cũng là của mượn
thôi. Hắn hỏi:
- Bác từ đâu tới đây?
Giọng ông ta lơ lớ không phải miền Bắc, cũng không phải miền Trung, khi thì như
Quảng Bình hay Hà Tĩnh. Ông ta nhìn người đàn ông đeo kính gằm gằm. Người đàn ông
đeo kính tránh luồng mắt của ông ta, cúi đầu. Mấy đứa nhỏ bíu chặt lấy người
cha, sợ sệt. Thái bấm tay tôi. Chúng tôi lảng xa ra. Thái thì thầm:
- Thằng cha đó thấy khả nghi quá. Thôi đừng hỏi thăm nữa.
Bây giờ trong các nhóm khác chạy vô sân nhà thờ, có những người bị thương được
khiêng theo. Thái đẩy vai tôi:
- Chị đi vô trong đi. Ðứng đây cũng không làm chi được. Ðể em ở lại coi một lúc
rồi vô sau.
Tôi thấy nhiều người từ phía trong đang đi ra. Tôi tìm băng ghế của mình và ngồi
xuống. Má tôi vẫn ngồi bó gối. Bà cụ già bên cạnh đang têm trầu. Những lá trầu
đã héo, vôi đã khô. Ðứa em dâu đưa con cho tôi bế để ra ngoài tìm cách nấu cơm.
Mấy đứa em tôi khi chạy loạn, bỏ lại hết, mỗi đứa đem theo một túi gạo. Nhưng tới
trưa, đứa em tôi vẫn chưa thổi cơm được vì không có nước. Người ta bu quanh miệng
giếng không còn chỗ chen chân, và vì nhiều người dùng quá nên các mạch nước rỉ
ra không đủ cho những chiếc gàu chờ chực múc. Thái nhanh nhẹn ra xóm kiếm được
mấy ổ bánh mì nguội đâu từ nhiều ngày và thịt hộp. Chưa bao giờ chúng tôi thấy
những hộp thịt gà, hộp bơ, đồ viện trợ Mỹ quí giá tới như vậy. Ngày thường tôi
không nuốt nổi mấy thứ này.
Trời đánh còn tránh bữa ăn. Tôi nhớ một câu các cụ thường nói. Vậy mà đang ăn nửa
chừng thì tiếng súng lại nổ, nổ rất ròn rã ở phía bờ sông. Khu nhà thờ quay mặt
ra đường lớn, phía trước mặt nhà thờ, bên kia đường là ruộng. Khu ruộng khá lớn,
chạy dài tới tận con đường dẫn ra nhà dây thép. Phía sau lưng nhà thờ, cách một
xóm nhỏ là bờ sông. Một nhánh của sông Hương, chảy từ Cầu Lòn, về tới Ga Huế,
qua Bến Ngự, Phủ Cam, tới An Cựu và còn chảy dài xuôi về đâu nữa, tôi không biết.
Càng về chiều tiếng súng thưa dần và vợ Bé nấu được nồi cơm. Chúng tôi không
đem theo chén bát nên mỗi người phải lấy tay mình nắm cơm chia cho nhau. Nhưng
khi nồi cơm vừa bày ra, thì cả chục bàn tay, cả chục miếng miểng, chén sứt mẻ
chìa ra. Một lũ trẻ con đói ùa tới. Nồi cơm nhỏ phải chia năm xẻ mười... Phần
còn lại chẳng được bao nhiêu, chúng tôi lại cứ nhường qua nhường lại. Rồi mỗi
người cũng chia nhau ăn một ít. Hèn chi má tôi thường mắng chúng tôi mỗi khi
hoang phí: hạt cơm là hạt ngọc của trời. Vợ Bé cạo nồi đưa thêm cho tôi một miếng
cơm cháy nhỏ. Nhưng miếng cháy bị giựt và một đứa nhỏ chạy biến, lẫn vào đám
đông nằm ngồi nghiêng ngửa.
Nhìn theo thằng bé, tôi chợt bắt gặp chị đàn bà ôm bọc vải. Chị ngồi dựa vào
chân ghế, đôi mắt ngơ ngác thất thần thỉnh thoảng nhìn người này người kia rồi
cúi xuống ôm chặt cái bọc vải. Chị ru con, ru hời ru hỡi.
Hai ông bà cụ già đem theo nhiều bánh tét và mức. Họ cũng gìn giữ kín đáo, và
đang ăn với nhau. Ông cụ lén đưa cho tôi một khoanh bánh tét. Tôi định từ chối
thì Thái đã vội cầm lấy, cám ơn. Một miếng ăn lúc này còn hơn cả vàng bạc, châu
báu. Nào vàng bạc châu báu có bỏ vào miệng nhai được cho đỡ cơn đói đâu! Vừa cắn
một miếng bánh, tôi bỗng dựng người lại. Hình như có người nào trong đám đông
đem theo được cái radio chạy pin. Họ vặn âm thanh nhỏ lắm nhưng tôi cũng ráng
nghe lõm bõm. Ðài Phát thanh Huế lọt vào tay họ. Tin loan báo Sài Gòn đã thuộc
quân giải phóng...
- Miền Nam đã thua. Giải phóng toàn quốc.
Giọng một thanh niên trẻ. Tiếng nói phát ra từ chiếc radio biến mất. Một giọng
khác:
- Cất đi. Trời ơi là trời. Khổ lắm, đừng nghe, đừng nghe...
Tôi chợt nhớ là lúc soạn đồ đem đi, tiện tay tôi có bỏ vào túi vải một cái
radio nhỏ xíu. Nhưng hiện nó nằm trong túi vải nào thì tôi không nhớ. Ðã đánh
thắng toàn quốc. Miếng cơm trong miệng tôi nghẹn cứng lại.
Ðêm thứ hai ở nhà thờ không khí và quang cảnh đã gần quen thuộc hơn. Một vài ngọn
đèn dầu tim lửa thật nhỏ và đuốc chỉ được đốt một ngọn, mà tới 9 giờ tối phải tắt.
Cả đèn dầu nhỏ cũng phải tắt hết.
Ðêm nay, mọi người xì xào nói chuyện nhiều hơn. Thái kể cho tôi nghe về những
điều đã thấy được trong ngày. Ngay dưới sàn nhà thờ, phía dưới có một phần hầm
thấp. Ở dưới đó người ta chen chúc nhau để giành chút an toàn, nhưng bẩn thỉu
và hôi hám lắm. Ngay ở phía trên, nhà nguyện và nhà giảng, trần cao, thoáng mà
chúng tôi còn không chịu nổi hơi người ta. Trẻ con ỉa đái tùm lum, cũng đã nặng
mùi lắm rồi. Trong đêm, có thêm mấy người đàn bà chuyển bụng đẻ, chúng tôi nghe
thêm được vài tiếng khóc vào đời. Tiếng khóc con trẻ làm tôi nhớ tới mấy đứa
con tôi. Lúc này chúng đang ở Sài Gòn. Theo tin tức phát thanh của họ thì Sài
Gòn cũng đã mất. Chồng con tôi ra sao? Có chạy loạn? Có ly tán? Trái tim tôi có
lúc như bị bóp nghẹn, không thở nổi.
Cũng có lúc quá mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi. Nhưng cơn ngủ quá ngắn. Tôi bị đánh
thức dậy bằng một tiếng la hoảng hốt, thất thanh:
- Chết tôi. Chết tôi rồi. Bà con ơi!
Nhiều tiếng đồ vật rơi loảng xoảng. Vài tiếng kêu rú theo. Giọng kêu lúc đầu lại
lớn hơn, khủng khiếp hơn:
- Việt cộng tới. Việt cộng tới. Ám sát. Giết người. Chúng nó tới.
- Ðâu? Ðâu? Trời đất ơi, Việt cộng.
Người ta chồm dậy, nhảy xuống đất, bám chặt nhau. Hốt hoảng, lá ó, kêu gào....
- Cha ơi, cứu chúng con. Chúa ơi!
Ngọn đuốc trên bệ cao được đốt lên, chiếu lung linh hình bóng cha Sở.
- Bà con yên lặng. Chuyện chi? Chuyện chi xẩy ra?
- Dạ thưa cha...
- Dạ nghe la... Dạ có người la... Việt cộng tới.
- Ai la. Ở đâu?
- Dạ thưa cha. Ở đây. Dạ ông ni nì. Ông la quá.
Vài ngọn đèn nhỏ được đốt thêm. Mọi người nhìn về hướng có tiếng nói. Chẳng thấy
gì ngoài những chiếc đầu cao thấp lố nhố. Cha Sở kêu:
- Ai vừa la đó. Ðứng dậy coi.
Một người đàn ông bị đẩy đứng lên trên ghế. Ánh đuốc chiếu tới, một khuôn mặt
còn thất thần, giọng lập cập:
- Dạ con, cha ơi. Con nằm mơ, dễ sợ quá.
- Thằng cha mắc dịch.
Nhiều tiếng nguyền rủa. Người đàn ông nói tiếp:
- Nằm mơ thấy Việt cộng...
- Trời đất. Thấy Việt cộng mà làm như thấy ma quỷ.
- Còn hơn nữa tề.
Ai đó nói. Một giọng cáu kỉnh:
- Mả cha cái thằng vô duyên. Mả cha thằng nào đạp vào bụng ông muốn phòi mỡ.
- Tui cũng bị đạp trúng mắt.
- Tui nì. Tui bị chân đá vô mặt. Tổ cha thằng mô con mô, tao biết tao bẻ cẳng.
Một giọng đàn bà:
- Cha ơi! Nó còn la nữa. Cha đuổi nó ra ngoài.
- Cho nó ra ngoài để nó thấy Việt cộng, cha. Làm người ta hết hồn.
Nhiều giọng phụ họa. Nhưng cha Sở chỉ bảo mọi người im lặng và nên nằm xuống ngủ
tiếp để lấy sức vì chưa biết chuyện gì còn xẩy ra nữa. Mọi người nghe lời.
Nhưng cha Sở vừa đi thì thằng cha ngủ mớ làm người ta sợ đái ra quần không biết
thấm thía chuyện gì mà bỗng ré lên cười. Tiếng chửi rủa lại nổi lên. Người đàn ông
im bặt. Bên ngoài lạnh lắm, làm quá dám cái đám đông kia khiêng hắn vứt ra
ngoài mưa đêm.
Nhưng không ai ngủ yên được. Trời chưa tảng sáng dã nghe tiếng quát tháo giận dữ
của cha Sở. Lại ngồi dậy, lại lắng nghe. Từ bệ đá, cha Sở và đám thanh niên trật
tự đang lôi ra một cô một cậu. Một thanh niên chỉ vào mặt hai cô cậu, có lẽ họ
đang run.
- Chưa biết sống chết ra răng, còn làm chuyện tồi bại.
Mọi người chen nhau đứng cả trên ghế để nhìn cho rõ mặt cặp thanh niên nam nữ.
Một giọng nói phát ra từ đám đông:
- Ðánh chết chúng nó đi.
- Ðuổi ra ngoài.
- Ðừng trả áo cho nó.
Cha Sở lại phải dàn xếp, làm đám đông dịu lại và đưa cặp nam nữ xuống nhà
ngang. Cha sợ để ở lại đây cặp nam nữ kia sẽ không yên với đám đông đang căng
thẳng. Mà xuống nhà ngang cũng là một hình phạt quá nặng rồi, ở đó, họ phải ngồi
chung với những xác chết, may ra thì còn được ở chung với những người bị
thương.
Cả một xã hội bát nháo đang thu nhỏ lại trong khu vực Dòng Chúa Cứu thế. Có kẻ
sinh, người chết, có ganh ghét, phẫn nộ, hằn học mà cũng có thương yêu. Trẻ sơ
sinh được cho nằm trên căn gác nhỏ. Người nào bị thương, bệnh, chết được khiêng
xuống phía sân sau, trong dãy nhà thấp. Sự chung đụng gây ra nhiều vụ cãi vã,
kiện tụng, kể cả đánh lộn. Nhiều người chạy loạn đã cạn lương thực. Cha Sở phải
lấy gạo dự trữ của nhà thờ phân phát. Dù đã có một số thanh niên tình nguyện
xung vào đội trật tự, cũng không sao ngăn cản nổi người ta giành giựt, đánh
nhau lỗ đầu chảy máu để tranh bát gạo, miếng thức ăn. Giọng cha Sở không còn
thanh, lớn như trước mà khản đặc lại. Cha đã hò hét, can thiệp, lo lắng quá nhiều
cho đám đông chạy vào nhà Dòng. Gạo chắc cũng không còn bao nhiêu để phát tiếp...
Có một người không hề để ý tới gạo, tới thức ăn. Không xếp hàng, chìa tay lĩnh
gì hết. Ðó là chị đàn bà ôm cái bọc vải, ngồi yên lặng ở một góc, chăm chỉ ru đứa
con ngủ. Cả mẹ không ăn, cả con không bú. Cha Sở đem tới cho chị một vắt cơm,
chị ăn cầm chừng, hình như rứt rứt từng hột cơm bỏ vô miệng nhai sẽ đỡ bớt cho
chị một chút ray rứt chứ không phải để mưu cầu sự sống? Riết rồi người ta cũng
mặc kệ chị, không ai thèm chú ý.
Ngoài đường cũng không còn người chạy loạn. Cả thành phố như chìm ngủ trong mưa
phùn và giá lạnh. Cha Sở đã đóng cửa nhà thờ, chừng này người đã thiếu không
khí để thở.
Qua ngày thứ ba, mọi người đang có chút hy vọng là mọi chuyện sẽ khá hơn thì
ngay lúc gần sáng, mọi người đang ngủ bị dựng cổ dậy vì tiếng súng. Nhiều người
đang nằm trên băng ghế lăn đại xuống đất, bất kể đè lên trên người khác. Tiếng
súng nhỏ, rồi súng lớn. Ðoàng. Ðùng. Ðùng. Nhà thờ rung lên.
Ánh chớp của bom đạn, của lửa. Và choang, ầm, choang. Vài tấm kiếng trêm vòm
nhà thờ vỡ. Lúc này thì không đủ gan lì để nằm ráng trên băng ghế được nữa. Tôi
cũng lăn hay té xuống giữa những hàng ghế. Người nằm phải lồm cồm ngồi dậy để
khỏi phải chồng lên nhau. Thái đã kéo má tôi lọt vào giữa. Bom đạn bên ngoài
càng ngày càng bắn rát, dữ dội. Chúng tôi cứ ngồi khít lên nhau, ôm chầm lấy
nhau, cận kề cái chết cho tới sáng thì biết còn sống vì tiếng đạn thưa thớt dần
rồi dứt.
Nghe ngóng, chờ đợi một lúc, tôi và Thái cùng vài người nữa bạo gan đi ra
ngoài. Con đường dẫn ra bờ sông hôm nay đầy rác rưởi, dơ bẩn như một cánh tay của
một tử thi đã rữa nát dưới mưa gió, còn muốn chuồi tới bến sông để rửa ráy. Nhiều
ngôi nhà sập, nhiều nhà cửa, cây cối cháy rụi.
Ði vào một xóm nhỏ. Nhà cháy, nhà bay nóc, mất cửa. Vài xác chó xác mèo nằm trơ
trong sân. Không có bóng người. Tôi lặng lẽ kéo Thái trở về nhà thờ. Có lẽ chỗ
này là còn yên ổn, ít nhứt trong thời điểm này.
Khi chúng tôi trở về thì có một số người còn đi nữa. Họ tìm tòi trong những nhà
bỏ trống ít gạo, ít bánh chưng bánh tét trên những bàn thờ còn nguyên. Họ cũng
đem về xác vài con gà con vịt đã chết. Ba bốn người khiêng được xác một con
heo. Họ đưa ra giếng, mượn đồ nhà bếp của nhà thờ, cạo lông, làm thịt. Bé cũng
phụ làm heo, được chia phần. Thịt được cắt nhỏ, kho với muối. Nhà thờ chẳng còn
gì ngoài muối.
Tiếng súng chỉ ngưng được một lúc rồi lại bắt đầu. Nhưng không dồn dập mà từng
chặp, từng chặp, cho tới trưa. Cô em dâu của tôi cũng ra giếng lấy nước nấu một
nồi cơm nhỏ. Nhưng khi đem vào, chúng tôi không dám bày ra mà dấu dưới gầm ghế,
lâu lâu thò tay vắt một vắt nhỏ chia nhau ăn. Ðám trẻ con đói nhiều quá. Tôi đổi
mấy vắt cơm lấy nửa đòn bánh tét của bà cụ “hàng xóm”. Không cầm lòng đặng,
Thái cắt mỏng từng lát bánh tét chia cho lũ trẻ con, nhưng cũng không thấm đủ
gì.
Buổi trưa tiếng súng bỗng nhiên im bặt. Trong mắt mọi người có hy vọng. Nhưng
chút hy vọng đó tan biến như mây khói khi từng loạt đạn dấy lên. Ðạn bắn đâu gần
lắm, như từ phía ruộng trước mặt, từ hai bên hông nhà thờ, từ phía sau. Nhà thờ
rung lên và vòm kính trên nóc tiếp tục vỡ. Mỗi lần một tiếng nổ lớn, một tiếng
kêu choang là kính rơi xuống như mưa đá. Má tôi lấy cái mền bung ra, trùm kín đầu
con cháu, sợ miểng kính rơi trúng tét đầu. Nhưng Thái bị tới mấy mảnh kính cứa
cổ tay, cứa vai, máu chảy thấm áo đỏ lòm. Thuốc thang không có, má tôi lấy mớ
thuốc rê đem theo để ăn trầu rịt vào vết thương cho Thái. Cũng may em Thái khỏe
mạnh, quen dãi dầu mưa nắng nên vết thương cũng chỉ làm đau rát chút đỉnh mà
thôi.
Chừng hai tiếng đồng hồ sau, tiếng súng dồn dữ dội về phía sau nhà thờ, ở bên
kia sông. Thái thì thầm cho tôi biết đó là loại súng A-ka của Liên Xô mà Việt Cộng
thường dùng. Tiếng đạn A-ka sắc, ngọt, giết người cũng lẹ làng. Hai chị em tôi
co quắp bíu chặt nhau. Tấm mền má tôi trùm đầu làm nghẹt thở quá. Nếu lúc đó tiếng
súng không ngớt bớt, tôi không thò đầu ra khỏi, chắc cũng chết ngộp.
- Có vẻ yên hơn, chị. Ðể em ra ngoài.
Thu cản:
- Ê Thái. Ðừng. Ðừng vội. Nghe hình như...Nghe đã tề...
Phía bên ngoài cánh cửa nhà thờ, có nhiều tiếng ồn ào. Tiếng đập cửa, tiếng kêu
cứu:
- Cha ơi. Cứu chúng con. Cứu chúng con...
- Cứu người. Cứu người...
- Ðừng mở. Chật quá rồi cha ơi.
Cha Sở đang bế một đứa nhỏ bị thương vì miểng kính, nghe kêu, cha đưa đứa nhỏ
cho một thanh niên trật tự đứng bên, mở cửa, chạy băng ra ngoài.
Người ta ở bên ngoài tràn vào như giòng nước lũ. Ðâu mà nhiều thế. Hết chỗ. Họ
đứng sát vào nhau. Nhiều người bị thương vô tới là ngã lăn ra đất. Ðám đông cũ
bị bắt buộc dồn cục lại, nén chặt lui phía sau. Cha sở lại phải hô hào, dàn xếp.
Rồi đâu cũng vào đó. Cả cái bệ để cây đuốc, nay cũng có người leo lên nằm ngồi.
Sát bệ đặt tượng Chúa và Thánh giá, con nít bò lổn ngổn.
- Khóa cửa lại. Hết chỗ chứa rồi.
Ðám người cũ, đám người mới hỏi han nhau. Chỉ biết được là Việt cộng tới đông lắm.
Bên kia sông bắn nhau dữ lắm. Nghe nói quân lính mình đã tới... Nghe nói đánh
nhau ác liệt nhưng có lính mình và lính Mỹ, ai cũng mừng, đã có tiếng hoan hô
reo vui.
Cha Sở lại đẩy cửa bước vào. Theo sau lưng cha có hai người lạ. Một nam một nữ,
họ là người da trắng. Ðám đông lại xôn xao:
- Mỹ tề. Mỹ phải không?
- Mỹ chi mà lùn tịt. Thằng Tây ni lùn tịt. Tây đó.
Người đàn ông đứng tuổi quần áo sốc sếch, râu ria xồm xoàm như con đười ươi
trong rừng chạy lạc về phố. Tay họ cầm cờ trắng có viết chữ “báo chí”. Cha Sở
nói chuyện với họ bằng tiếng Pháp. Thì ra, đây là hai phóng viên của một tờ báo
ngoại quốc. Người đàn ông còn có chút bình tĩnh, nhưng người nữ phóng viên thì
trên mặt còn đầy nét sợ hãi. Mọi người bu tới coi. Con nít chui dưới chân người
lớn, kêu réo với nhau:
- Bây ơi! Tới coi ông tây bà đầm.
Bọn trẻ nít này đâu khác gì tôi hồi còn thơ ấu. Những người da trắng tới xứ sở
Việt Nam, coi như là người rớt từ trên mặt trăng xuống. Tôi cũng có mặt trong
đám con nít đi coi ông tây bà đầm. Nhưng ông tây bà đầm hồi đó oai hơn nhiều,
đâu có nhếch nhác như hai người chạy loạn này. Cha Sở nói chuyện nhiều lắm. Một
lúc sau người nữ phóng viên đã bớt sợ, cô ta đưa máy ảnh lên bấm lia lịa:
- Ê, coi nó chụp hình. Chụp hình.
Con nít thích chí chui tới đứng dàn ngang. Nhiều người lớn che mặt.
- Báo chí đó. Nó đăng báo có cái mặt mình...
Chụp đám đông. Chụp người bị thương. Chụp con nít. Người đàn bà có đôi mắt chưa
hết thất thần chăm chăm vào ống ảnh. Những đứa con nít nhay nhay vú mẹ mãi mà
không có sữa, ngó cái ống ảnh, nhả vú mẹ ra rồi khóc ré lên... Ống máy ảnh đưa
về phía tôi. Thái đứng dậy dùng cả cái lưng che khuất, lớn giọng:
- Còn chụp với chiếc gì...
Nó đưa tay ra dấu muốn đập bể cái máy ảnh. Cô nữ phóng viên cười muốn làm thân.
Họ đi lên gác chụp tiếp mấy sản phụ và hài nhi rồi xuống nhà giảng, đưa máy ảnh
bấm liên tiếp.
Cũng liên tiếp lúc đó có tiếng súng nổ. Mọi người lúc đó mới nhận ra nguy hiểm
của sự có mặt hai người này. Việt cộng sắp tới đây rồi. Chúng thấy hai người da
trắng sẽ nghĩ là Mỹ và sẽ ra tay tàn sát. Vậy là họ nhao nhao đòi cha Sở phải
đuổi hai người này ra khỏi nhà thờ.
- Cha ơi. Ðuổi chúng đi.
- Lấy máy ảnh của nó.
- Không cho chụp nữa. Ði đi.
Cha Sở biết được sức mạnh của đám đông, nên đưa hai người ra khỏi khu nhà nguyện,
kiếm một chỗ khác cho họ. Nhiều tiếng thở phào nhẹ nhõm.
- Nó đi rồi.
- Chết tới nơi không lo, còn đưa máy hình bám lia bấm lịa...
Tiếng nói chưa dứt thì một tiếng rú nổi lên. Chị đàn bà ôm cái bọc ngồi trong
góc. Một đứa nhỏ đã nghịch kéo cái bọc vải của chị ta. Chắc nó nghĩ có đồ ăn
trong đó. Chị giằng lại được cái bọc.
- Con ơi là con ơi!
Chị rờ rẫm cái bọc:
- Con ơi, con có đau lắm không? Con đừng... Con đừng bỏ mạ... con ơi! Ngủ đi,
ngủ đi mạ ru nì... Ầu ơ... Người ta đi có đôi có bạn, mạ đi một mình chạng vạng
tới nửa đêm...
Chị ta nói ra miệng câu gì cũng là thơ hết. Cái bọc gì trong tay chị ta vậy?
Sao không rời khỏi tay? Nó là bọc quần áo, là con búp bê, là...?
Nhưng rõ ràng chị ta là người không còn tỉnh trí nữa.
Buổi chiều cha Sở trở lại. Cha bảo mọi người im lặng, giọng nghiêm trọng:
- Bà con đừng có chộn rộn. Tình hình không khá như mình tưởng mô. Có tin quân Mỹ
kéo lên ở quốc lộ 1. Nhiều nơi đang đánh lớn.
- Cha ơi, chừ chạy đi mô, cha?
- Không chạy đi mô hết. Nhưng phải lo phòng bị, lúc nào cũng sẵn sàng. Bắt đầu
từ bây giờ phải dọn chỗ lại sạch sẽ, thứ tự. Mình sẽ chia ra nhiều ô để ở, để
săn sóc giúp đỡ nhau... Nghe tôi nói đây. Bà con lúc này phải thương xót nhau,
đùm bọc nhau để cùng thoát hoạn nạn..
Cha Sở nói là làm liền. Những hàng ghế được quây lại làm hàng rào từng khu. Mỗi
khu gồm mười gia đình. Cha sở sẽ lấy kho gạo sau cùng phát vào ngày mai. Cha
cũng kêu gọi thanh niên nam nữ, những người còn sức lực tổ chức đội trật tự, đội
cứu thương. Chị đàn bà ôm cái bọc được đưa tới trong khu cùng gia đình tôi. Ai
cũng còn gia đình, nhưng chị thì lẻ loi. Chị ngồi sát bên Thu. Mấy đêm rồi chị
đâu có ngủ nghê gì nhưng sao chị không ngã gục? Chị ta đã điên? Cũng không sao,
chị ta điên và hiền lành.
Nhờ tài tổ chức của cha Sở mà chúng tôi có chỗ riêng, thoáng hơn. Có thể đi lui
đi tới chứ không bị bó chân bó cẳng như trước. Mỗi ngày chỗ ăn ở được phát chổi
để quét dọn, trẻ con được đưa vào kỷ luật cũng bớt phá phách nghịch ngợm. Tuy
mùi nước tiểu trẻ con không thể tẩy được nhưng mọi người cũng đã quen, không
khó chịu tới muốn ói mửa.
Có lúc tôi rủ Thái đi xuống nhà ngang. Nhưng gặp nhiều xác chết mới đặt ở đây
vì chỗ chứa xác đã kín đầy. Trong mấy khu chia nhau ở bên trong nhà thờ, cũng
có vài người bỏ mạng vì vết thương, vì bệnh mà không có thuốc.
Buổi tối lại có người bệnh nặng ngay sát khu bên cạnh. Một người đàn ông nằm quằn
quại dưới đất. Tôi chồm qua dãy ghế nhìn. Mới hồi chiều tôi thấy ông ta còn tỉnh
táo, còn ngồi ăn mấy miếng bánh mì khô mà. Bây giờ ông ta trợn mắt, chỉ thấy
tròng trắng, lăn lộn, sùi bọt mép, nhưng khuôn mặt biến đổi bất chừng, khi như
kéo một nụ cười, khi như kéo một cái mếu.
- Chị ơi, ông nớ mầm răng rứa?”. Thái hỏi.
- Khi không ba hắn nổi điên. Ai mà biết.
- Ðiên khi mô. Hồi chiều em thấy ông ngồi ăn bánh mì khô mà.
- Thì vậy. Hắn chạy tới đây với thằng con trai bị thương. Hồi chiều thằng con
chết rồi, xác còn để ngoài nớ tề...
Một người kể:
- Hắn nói nhà hắn giàu, có nhà lầu xe hơi. Vợ hắn chết ngay bữa đầu. Hắn ôm thằng
con chạy. Mấy bữa ni hắn tiếc của cứ than hoài. Chừ con hắn chết luôn nên hắn nổi
điên.
- Tội nghiệp quá hỉ?
- Mạng người không tiếc, còn tiếc của cải. Ðiên chi mà ngu rứa trời.
Người đàn ông đang lăn lộn, bỗng kêu lên:
- Lạy mấy ông đồng chí....Dạ...không phải, dạ giải phóng. Xin đừng đốt nhà, đừng
đốt xe...Lửa. Lửa dễ sợ quá… Lạy các đồng chí... tha cho cái nhà, cái nhà...
- Thằng cha kỳ khôi chưa. Răng không xin cho vợ, cho con mà cứ cái xe, cái
nhà...Thiệt là quả báo chi đây...
- Lấy khăn bịt miệng thằng cha lại. Tụi nó vô mà nghe được là chết hết đó...
Thái kéo tôi về chỗ:
- Chị ngủ sớm đi. Em kiếm được chiếc chiếu, dấu dưới ni nì...
Thái lôi chiếc chiếu dưới gầm ghế ra trải. Má tôi yên lòng ngả lưng. Mấy đêm rồi,
bà cứ dựa lưng vào tường, vào ghế mà ngủ gà ngủ gật. Mắt má tôi sâu hoắm và có
quầng thâm thật đậm.
Người đàn ông đã hết chịu đựng, điên luôn rồi. Ðêm, ông ta cứ la như cháy nhà.
Nhưng mọi người quá mệt mỏi, cũng đã quen dần không thấy còn chi lạ để coi. May
mà ai cũng chợp mắt được một lúc, vì gần sáng, tiếng súng lại nổ inh tai. Tôi
muốn nhỏm dậy, má đè đầu tôi xuống:
- Súng đó tề. Ðừng trồi đầu lên nó trúng.
Tôi nghe rõ rồi. Tiếng đại bác ở đâu câu tới rất gần. Lâu lâu điểm một vài
tràng súng nhỏ. Rồi có tiếng xe chạy ngoài đường. Thái nằm sát tai xuống sàn
nhà, nghe ngóng:
- Tiếng xe thiết giáp đó chị. A... có xe tăng. Xe tăng nữa...
Mặt đất rung chuyển mỗi khi có đoàn xe chạy qua. Mỗi lần có tiếng xe là có tiếng
súng nổ liên hồi. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau. Má tôi không ngớt cầu nguyện....
Buổi tối hôm trước tôi chỉ ăn có một lát cơm vắt nhỏ nên sáng hôm sau, bụng đã
đói cồn cào. Bé và Thái đi lĩnh gạo. Vợ Bé và Thu lo đi nấu cơm. Phải nấu cho sớm,
chớ ai biết lúc nào bom đạn tới. Thái còn đùa được:
- Mấy bà nấu cơm, nếu có đánh nhau chạy cũng mang theo nồi cơm mà chạy nghe.
Cố mà đùa để kiếm vui, nhưng ai mà cười nổi. Nấu được một nồi cơm cũng không phải
dễ. Có gạo nhưng kiếm củi ở đâu. Có mấy ngày mà củi trong nhà thờ hết sạch. Người
ta bẻ cả cành khô, vơ cả lá rụng, bẻ cả thân cây còn tươi, nhưng với chừng đó
người, mọi thứ trong nhà thờ không cung cấp nổi. Thái tính đi ra ngoài xóm kiếm
củi thì tiếng súng bên kia sông bắt đầu nổ lớn. Mọi người vội bỏ của chạy lấy
người vào trốn bên trong nhà thờ. Chờ ngớt bớt tiếng súng, Thái liều lĩnh đi ra
xóm kiếm được mớ củi. Vợ Bé và Thu lại dè dặt ra ngoài nấu cơm. Ðạn lúc này đã
bắn vào phía nhà thờ. Má tôi lo lắng:
- Ra kêu mấy đứa vô. Còn nấu nướng chi nữa.
Rồi nồi cơm cũng chín. Vợ Bé như đã phải chạy một mạch với nồi cơm vào bên
trong, thở hổn hển:
- Dễ sợ quá. Từ bếp chạy vô đây mà đạn nó rượt sau lưng nè.
Nó nhỏ giọng:
- Bác. Con nghe nói bên An Cựu nhà con, nhà Bác họ tràn vô chiếm ở hết rồi. Mà
bác ơi, nghe nói Việt cộng cũng ở đầy xung quanh chỗ ni rồi.
- Trời ơi là trời!
Tôi biết má tôi đang lo lắng về nhà cửa. Bàn thờ ba tôi vừa bày xong những ngày
cuối năm còn mới toanh, nằm lạnh lẽo không nhang không khói. Lòng người vợ hay
chồng già dù cách biệt âm dương vẫn nặng nghĩa tình với hương khói phụng thờ.
Thấy má tôi sụt sùi, Thái ôm vai:
- Bác. Thôi ăn miếng cơm cho chắc bụng đã bác ơi. Con cũng sốt ruột quá nì bác.
Mạ con, em con đang ở dưới Bao Vinh không biết ra răng.
Rồi nó tiếp:
- Ðể con coi yên yên con về dưới nớ.
Má tôi mếu máo:
- Chưa yên mô con ơi. Súng đạn mô có con mắt con nờ. Ðừng bỏ bác nghe con.
Thái ứa nước mắt:
- Con mô biết chuyện tọa họa như ri. Con mà có súng con nhứt định chạy ra ngoài
đường, tìm lính mình để cùng đánh nhau với tụi nó.
Bé kêu nhỏ:
- Thái. Mi đừng nói ẩu. Ở đây... không phải là không có... Bụi tre có lỗ tai
nghe, lỡ miệng là khổ...
- Thôi ăn đi.
Cũng không ăn được. Ðúng lúc đó lại ầm ầm tiếng súng. Kính lại rơi vỡ loảng xoảng.
Mọi người nằm sát xuống đất. Thái dúi tôi vào dưới hàng ghế rồi đưa cả cái lưng
đỡ cho má tôi. Nhưng may mắn, chỉ một lần kính vỡ, chưa kịp làm ai bị thương
thì tiếng súng đã hướng về phía khác. Tôi ngạc nhiên khi nhận ra có cả tiếng
súng như từ trong sân, sau dãy hàng rào nhà thờ bắn ra nữa. Vậy là họ đã tới
nơi!
Chúng tôi chịu đựng sự kinh hoàng như vậy chừng nửa tiếng đồng hồ. Chỉ nửa tiếng
thôi sao? Nó dài như cả thế kỷ, nó làm tất cả mạch máu căng kéo ra, bao lần muốn
đứt. Rồi cũng còn sống!
Chúng tôi đã mở mắt, đã nhìn thấy nhau. Người đàn ông điên cơn sợ đã làm bớt
điên, ngồi co ro. Bà cụ già dựa vào người chồng già hồng hộc thở. Coi chị đàn
bà ôm cái bọc vải kìa. Chị nép sát vào tôi từ lúc nào vậy? Một mùi hôi thối
xông lên làm tôi muốn nôn ọe. Cái mùi hôi này sao bây giờ tôi mới nhận ra. Cái
mùi hôi thối kinh hoàng quá. Nó là mùi thịt rữa, mùi chuột chết, mùi mồ hôi...
mùi mắm thúi? Không phải, hình như tất cả các thứ mùi đó hỗn hợp lại! Không phải
chỉ riêng tôi, mà má tôi, mà Thái, mà mọi người cũng vừa nhận ra cái mùi nồng nặc
đó rồi. Thái chồm người muốn kéo cái bọc. Người đàn bà né tránh đưa cái bọc
sang bên. Có lẽ vì mạnh tay quá, cái bọc tung ra, trong cái bọc thò ra một bàn
chân trẻ con nhỏ xíu, nứt nẻ, bầy nhầy. Một dây nước vàng sền sệt rơi xuống sàn
thành một vũng nhỏ. Mùi thối xông lên nồng nặc hơn, khủng khiếp hơn. Tôi hoa cả
mắt, choáng váng muốn xỉu. Bỗng nhiên tôi la lớn một tiếng. Tôi cũng không hiểu
vì sao tôi la.
Người đàn bà cũng la lên một tiếng lớn hơn, ngay sau tiếng la của tôi. Tiếng la
của bà ta giống tiếng kêu của một con thú bị giết. Tiếng gầm rú của con thú tuyệt
vọng cùng với tiếng súng nổi lên bên ngoài làm tôi tỉnh người. Mặc tiếng súng.
Mọi người đổ dồn về người đàn bà, về mùi hôi thối, về cái xác chết trẻ con đã
quá lâu. Một người đàn ông tiến tới trước mặt bà ta:
- Ðưa đây.
Con thú đã hết sức hết hơi, đã thôi không vật vã mà yếu xìu:
- Ðừng. Ðừng mấy ông ơi. Con tui. Nó còn sống, còn thở. Con tui mà... Con ơi...
ngủ đi con, ngủ đi con...
Người đàn bà cố đưa đưa cái bọc, nhưng nhấc tay không lên. Tiếng hát cũng đứt
quãng vì tiếng thở gấp gáp. Bà ra đã đói quá.
- Ðưa đây.
Một người đàn ông đưa tay, chưa kịp đụng tới thì cái bọc tụt mép vải. Một vật
rơi lăn theo tấm vải bung, mép vải vẫn còn giữ chặt trong tay chị. Xác một hài
nhi rơi xuống nền nhà. Ðứa bé đã chết từ lâu, không còn hình hài nguyên vẹn mà
chỉ là một đống thịt đang rữa nát, rịn nước mủ.
Những người xung quanh kêu rú lên. Thu lùi lại ôm lấy mặt. Má tôi quay đi.
Nhưng chị đàn bà thì khác, như vừa sắp ngã vật xuống vì đói, vì hết hơi sức, chị
bỗng nhào tới xác đứa bé. Chị dùng cả tấm thân chị chồm lên thân hình đứa trẻ.
Ðôi mắt lạc thần bỗng như rực ánh, chị như chồm hổm như sẵn sàng vồ, cắn xé nếu
ai đụng đến đứa con đã chết của chị.
- Lấy đứa nhỏ đi. Thúi quá.
Người ta kéo chị ra. Chị vùng vằng, nhe răng. Nhưng chị có bao sức nữa. Miệng
thì thào:
- Ðừng mà. Con tui. Con của tui mà.
Người đàn bà bị kéo ra một góc và nằm bẹp dí. Nhưng bà ta đưa cặp mắt nhìn mọi
người như van xin, lạy lục, rồi bà lết tới, lết tới. Bàn tay của bà đã đụng được
bàn chân của xác đứa con. Rồi chị ôm chặt cái chân nhỏ bé nhầy nhụa, hôi hám,
chị rên lên:
- Con đây rồi. Con mô có bỏ mạ.
Cái miệng chị méo xẹo. Khóc hay cười? Chị nhìn lên nóc nhà thờ, đôi mắt lại đờ
đẫn, thất thần, lạc điệu, như không nhìn thấy gì nữa hết, mà đã lọt ra ngoài
vòm trời bên ngoài.
- Kéo mụ ta ra đi. Trời ơi, coi tề...
- Con ơi. Mạ ôm con nì. Răng mà con dơ quá rứa. Ðể mẹ chùi cho con...
Cái miệng của bà đưa tới ngón chân nhỏ xíu, lở lói. Cái lưỡi chị đàn bà đưa ra,
liếm láp ngón chân, bàn chân. Tôi muốn xỉu. Thái đỡ tôi:
- Chị đừng nhìn nữa. Chị đi ra chỗ khác đi.
Tôi không cất bước được. Sự thống khổ quá mức của người đàn bà cũng làm tê liệt
thần kinh tôi.
- Ði kêu cha. Báo cho cha biết.
- Kéo con mụ ra. Mấy chuyện ni không cần cha phải lo. Mấy anh em trật tự mô hết
rồi?
Hai người giữ chặt chị đàn bà. Mấy thanh niên lấy một cái áo cũ bọc kín xác đứa
bé. Giọng chị đàn bà òng ọc như con heo bị cắt tiết.
- Con ơi, con không bỏ mạ mà. Con ơi, con khóc đi, khóc lớn đi cho mạ dỗ...
Khóc đi, khóc đi con ơi! Trả lại cho tui, trả lại con tui cho tui... trả lại...
trả lại...
Ðứa nhỏ đã được đem đi. Người ta không giữ chị nữa. Vừa được thả ra là chị bò,
chị lết, chị khóc, chị kêu. Cha Sở lại tới:
- Ðóng chặt cửa. Không ai được ra ngoài. Ðang đánh nhau dữ lắm.
Lúc đó cái điệp khúc “trả con tui lại cho tui, trả lại cho tui, trả lại con
tui” mới lùi xa trong đầu tôi, và tôi như choàng tỉnh vì tiếng súng bao quanh bốn
bề. Người đàn bà lết theo dưới chân cha Sở mà không ai để ý. Khi cha ra ngoài,
đóng cửa lại thì chị cũng lết ra ngoài luôn rồi.
Ra đến ngoài như có không khí, thở được nhiều, cơn đói bị đẩy lui bớt hay sao
mà giọng chị gào thét lại thi đua được với bom đạn. Chị chạy đi đâu? Chị ra sao
rồi? Chỉ thoáng một cái, tiếng của chị hoàn toàn im bặt trong tiếng súng càng
lúc càng hỗn loạn.
Tôi vẫn còn bị chôn chân ở chỗ đứng đó. Ðứa bé không còn. Người mẹ khốn khổ
cũng không còn? Nước mắt tôi chảy ràn rụa trên mặt tự lúc nào. Tôi lại nghe
vang trong đầu điệp khúc đòi con của người mẹ. Bom đạn nuốt bà mất rồi sao? Nuốt
giùm bà đi, vì bà đã gửi sự sống theo đứa con rồi. Chúc mẹ con sớm gặp nhau.
Người ta quên chị đàn bà ngay sau đó. Bây giờ không chỉ súng nhỏ nổ rền mà cả
súng lớn cũng tới tấp nữa. Ðại bác. Bom chơm. B 40. Aka. Mọi tiếng súng dữ dằn
nhất dùng để hủy diệt con người đang dồn tới thành phố Huế nhỏ bé, hiền lành,
đang đổ xô vào khu nhà thờ mọi người dùng cầu nguyện. Choang. Choang. Mấy miếng
kính màu trên vòm nóc nhà thờ còn sót lại, vỡ tan, rơi xuống làm một trận mưa
kính bên trong.
- Ở đây nguy quá rồi, bà con ơi!
Ai đó la thất thanh. Cảnh hỗn loạn tìm nơi trốn núp. Tiếng xô đẩy, tiếng chửi rủa
nhau. Có nhiều người chui xuống dưới lớp người khác đang nằm đè nhau để núp trốn.
Có người kéo một người khác dưới ghế nguyện để lấy chỗ cho mình. Nhưng đâu cũng
không yên nữa. Cả khu nhà thờ rung rinh, trêm vòm rực lửa, cả gạch, ngói, bụi
khói như một tấm lưới dày chụp xuống.
- Chạy. Chạy bà con ơi.
- Mạ ơi, con bị rồi...
- Anh ơi, con nó...
- Trời ơi, chồng tui... Bà con ơi, cứu, cứu...
Tiếng kêu khóc nổi lên bốn phía. Người ta xô đẩy nhau, níu kéo nhau. Dồn góc
này, chui nhủi góc kia. Ầm. Ầm. Kêu la. Nhắm mắt. Chết thật. Chết giả. Sợ tới
chết. Cây thánh giá gỗ từ trên tường bay xuống. Cây thánh giá đã có máu của
chúa, không thấm thêm máu của ai. Nhưng kính, gạch, đá, bắn tứ tung, gây nhiều
thương tích. Một người đàn ông dựa đầu vào cây thánh giá đã nằm yên dưới nền
nhà, cái đầu bể nát vì gạch đá nghẹo sang một bên. Anh ta mở đôi mắt an nhiên
nhìn mọi người.
Tôi có bị thương ở đâu trên người không? Má tôi, Thái, các em tôi có đứa nào bị
thương không? Trên quần áo mọi người đầy máu, máu của mình, máu của người. Một
tia máu bắn cả vào mặt tôi, vào mắt tôi làm tôi phải nhắm mắt lại. Tôi bị rơi
vào bóng tối và như thấy tử thần đang giang tay ra, đòi dắt đi.
- Chị bị rồi, Thái ơi!
- Không phải chị mô. Máu của người ta.
Thái xé vạt áo sơ mi để lau mặt cho tôi.
- Con ơi. Con mô rồi?
- Má, má mô? Mô rồi?
Tôi quờ quạng. Tay tôi đụng cổ má tôi. Da bà còn mềm, còn ấm. Thái vẫn cố quệt
lau tiếp trên mặt tôi. Dù hai mí mắt rít chịt, tôi cũng cố mở, và bám áo Thái để
bước theo.
Không biết hai cánh cửa gỗ dày chắc chắn có khóa chặt hay không, mà chỉ cần
đoàn người vừa ùa tới là đã bị đẩy tung, rệu rạo. Hình như không cần phải bước,
thoáng cái chúng tôi đã bị đẩy ra tới sân. Nhưng ra tới sân, chúng tôi lại lạc
vào giữa cơn bom đạn. Bầu trời đầy những lằn sáng như sấm sét, bốn phía tiếng
rít của đạn, trên đầu tiếng dội của bom. Nhiều người ngã xuống. Tiếng kêu khóc
như ri.
- Trở lại. Trở lại.
Xô đẩy, chen chúc, đạp lên nhau để trở vào bên trong còn vất vả, khó nhọc hơn
lúc đẩy cánh cửa gỗ mà ra ngoài. Chúng tôi cứ bị xô dạt lui xô dạt tới, và nhà
thờ ba phía cửa mở toang hoác, bên trong trống hốc in cả một khoảng trời.
Chúng tôi tìm được một khoảng tường. Nhưng chưa định hồn, đám người đã ùn tới,
lại xô, lại đẩy, uýnh lộn, giằng kéo. Chúng tôi lại phải chạy, nhắm mắt nhắm
mũi mà chạy. Khi mở mắt ra, chúng tôi lại trở vào được bên trong nhà thờ. Bây
giờ cũng chỉ còn mấy mảnh tường sụp đổ, một nửa mái nhà thờ đã mất tiêu. Thấy
không an toàn, nhiều người lại kéo nhau chạy ra, họ tràn xuống nhà ngang, nhà bếp,
phía sau vườn, bên giếng nước. Ở đâu chỉ cần có một vật chắn là có người ẩn
núp. Không còn ai có thể cứu ai, lo cho ai lúc này nữa.
- Ở đây là chết. Bác, mình phải chạy.
- Còn chạy đi mô chừ con ơi!
Má tôi rên lên rồi òa khóc. Một tiếng rú. Một người ngã. Một tiếng kêu cha kêu
mẹ. Một người nữa bị thương. Cứ vậy, bên này bên kia, góc này góc nọ. Ầm. Một
tiếng nổ ngay trên đầu chúng tôi. Không biết chúng tôi đã chạy hay bị ném ra
ngoài. Chỉ biết cắm đầu chạy giữa các lằn đạn xé trời, đổ rạp cây cối, xớt ngọt
con người.
Cũng có lúc súng đạn biết mệt, biết nghỉ ngơi. Tôi ngồi phệt xuống. Ụt ụt ụt.
Tôi ngồi lên một con heo bị thương và con heo đau đớn chửi lại tôi, hất tôi xuống
đất. Lúc đó tôi mới có chút thời gian coi lại mình. Quần áo tôi ướt đẫm máu đỏ.
Má tôi, Thái và mấy đứa em áo quần cũng nhuộm máu đỏ nhiều hơn đất cát. Nhưng
may mắn chưa ai bị vết thương nào đáng kể. Thái bị thêm vài mảnh kiếng cắt ở cổ,
ở cánh tay. Còn tôi, một ngón chân bị bị sướt, dập. Nhưng chút đau rát đâu có
thấm thía gì với cảnh chết chóc đau đớn xung quanh. Tôi đã mất luôn đôi dép lúc
nào không biết. Chẳng ai còn một đôi dép trong chân, kể cả má tôi. Nhưng Thái vẫn
ôm ghì bọc gạo và bình nước. Má tôi vẫn còn cái bọc quần áo.
- Còn bọc quần áo của chị và của em đâu? Há? Ðâu?
Tôi đã thả rơi ở đâu. Lúc nào. Nhớ gì nổi. Thây kệ. Không được. Thái chạy trở lại
và tìm ra.
Súng đạn nghỉ lấy hơi xong rồi lại bắt đầu lẻ tẻ lên tiếng. Mọi người bàn nhau,
cứ chạy ra phía bờ sông. Còn nguồn tin Mỹ và lính Cộng hòa đã ở bên kia cầu.
Bên kia cầu mới là hy vọng. Thì cứ đi tới.
Quả là phía bên kia sông có yên tĩnh hơn. Súng nổ ran nhiều ở phía ruộng. Có
nhiều đoàn người di tản đi ngược đi xuôi, loạn xạ vì họ chẳng biết nơi nào yên ổn,
nơi nào không yên! Biết hỏi han cũng không được tin tức gì, mà người ta cũng
không có thì giờ kể cả cái gật đầu hay lắc đầu nữa.
- Thôi kệ con ơi, phó cái mạng cho trời đất.
- Dạ. Rứa thì mình cứ theo người ta mà chạy.
Gia đình chú tôi có nhiều con cháu. Mấy đứa con nít thật quá tội nghiệp. Chúng
nó vừa đói, vừa mệt, lại còn bị kéo lê đi, mặc kệ chân đụng đá, cây cành giữa
đường. Chạy qua mấy cái lăng cổ, cung An Ðịnh đã thấp thoáng hiện ra giữa một
vườn rộng cây cối rậm rịt. Cung An Ðịnh hiện nay là nơi ở của Bà Từ Cung. Trong
sân cũng đã lố nhố người. Chúng tôi theo vào và cũng vội vàng tìm chỗ tránh đạn.
Bên trong đã khá đông, chúng tôi bị dồn vào phía sau, sát bể nước lớn. Ở đây,
tiếng súng xa hơn. Có vẻ vững tâm, Thái sắp đặt đồ đạc và chỗ nghỉ ngơi. Vợ Bé
lấy mấy miếng cơm vắt đưa cho má tôi và bầy con nít trước. Lúc này tôi mới để ý
không thấy hai ông bà cụ già ngồi sát cạnh trong nhà thờ đâu. Lúc chạy, họ bám
theo áo chúng tôi mà. Thấy tôi cứ thắc mắc lo cho hai ông bà cụ, má tôi nói:
- Ai có số phần đó con ơi. Phần mình còn chưa biết tới đây ra răng nữa là... Ăn
đi một miếng. Thái, con cũng ăn luôn. Mấy đứa nữa, ăn luôn. Chớ lỡ ra lại chạy....
- Con thấy ở đây yên. Lại gần sông, bên kia nghe nói Mỹ lính mình đã tới...
- Thôi, ăn đi. Hơi đâu mà đoán.
Má tôi nói vậy mà đúng. Chỉ mươi phút sau thôi, tiếng súng tiến lại gần và bao
vây quanh khu cung An Ðịnh. Thái đẩy mọi người nằm xuống. Chúng tôi nằm sát vào
nhau, như thân này có thể chắn đạn cho thân kia. Không ai dám ngóc đầu lên, vì
một người mới nhỏm dậy kéo đứa con, ông ta bị ngay một viên đạn xẹt vào, bứt
luôn một lỗ tai. Cũng may nó tránh xuyên qua cái đầu. Chết hụt.
Chúng tôi lại rơi ngay vào trung tâm của trận đánh rồi. Lần này, cái chết như
đã đến nhặt từng người. Súng lớn, súng nhỏ, từ bốn phía lấy cung An Ðịnh làm điểm
nhắm. Ầm. Ầm. Hai tiếng nổ làm chúng tôi bay dội tứ tung. Cái bể chứa nước vỡ.
Nước tràn ướt cả phòng. Phía trước đã trống rỗng.
- Chạy”.
Nhiều tiếng hô. Nhưng nhiều người không chạy được, nằm đó. Họ đã chết. Chúng
tôi theo Thái từ phòng dưới chạy lên phòng trên. Nhưng cánh cửa ngăn phòng đã
đóng lại. Day. Ðấm. Ðạp. Cánh cửa cũng tung ra. Tiếng đạn bên ngoài càng dồn dập
hơn, làm cho con người ta thu nhỏ lại và chừng đó người thêm vào cũng đủ chỗ để
trốn nấp.
Không còn đâu an toàn nữa. Lại ầm, ầm. Căn nhà rung lên, giựt loạn. Ầm. Ầm. Một
nửa mái nhà đổ xuống. Rào rào. Ðá gạch. Tiếng kêu. Tiếng khóc. Thái cố đẩy
chúng tôi vào tuốt phía dưới một bộ trường kỷ. Cát bụi làm chúng tôi không mở mắt
ra được. Nhưng tôi biết má tôi vẫn nắm chặt tay tôi. Giọng má tôi bên tai: “Con
ơi. Con. Con còn đó không con.
Bầu trời âm u bên ngoài sáng rực. Từng lằn chớp lóe lên. Mỗi lằn chớp chiếu cho
tôi một hình ảnh. Mấy đứa con tôi. Tôi chắc không trở về để thấy chúng nó nữa.
Chồng con tôi đã mua vé sẵn, ngày mùng hai Tết sẽ về Huế. Ngày mùng Hai qua rồi,
bây giờ là mùng mấy? Tôi còn lòng dạ nào mà tính toán tháng với ngày. Ở Sài gòn
có như ở đây không? Chồng tôi. Các con tôi. Trời đất ơi! Tôi không gặp được nữa!
Nhưng lúc này là phút tận cùng rồi. Phút giữa sống và chết là một lằn chỉ nhỏ.
Sự sợ hãi cũng đông cứng rồi. Tôi bình tĩnh lạ lùng. Tôi bịt tai mà vẫn nghe tiếng
đạn rít. Lúc dồn dập phía này. Lúc thưa thớt phía kia. Lúc sao dồn hết vào mặt
tiền. Lúc chạy vòng phía sau. Nhưng tòa nhà đã như cái răng sắp rụng, đong đưa,
lung lay và chờ giờ bứt ra...
- Không xong rồi. Cõng ngài. Cõng ngài mau lên...
- Chạy... theo”.
Thu la lên. Nhưng Thái dìm đầu Thu xuống.
- Muốn bay luôn cái đầu há.
- Phò ngài chạy mau. Phía này. Không, phía này...
- Trời ơi. Ðạp lên đầu tui.
- Cha mạ ơi, trúng chỗ bị thương của tui. Ui chao, ui chao...
Tôi hé mắt. Bóng người chạy thấp thoáng trong bụi mù. Một bà già mặc áo gấm đeo
trên lưng một người mà tôi không nhận ra đàn ông hay đàn bà. Nhưng cái người
cõng ngài mạnh lắm, xô, đẩy, đạp, gạt... và biến mất rất nhanh. Cùng lúc đó,
Thái cũng băng người nhảy vọt ra phía cửa sổ. Em Thái cũng bỏ chúng tôi?
- Cầm cái cơi trầu của ngài...
- Cái mền... cái mền...
Vài người lật đật chạy theo. Rồi hết. Một giọng càu nhàu:
- Bà Từ Cung đó. Sướng quá hí. Giờ ni mà còn ngài với nghiếc.
Không ai hưởng ứng vì tiếng súng lại vang rền. Không phải một phía mà trở lại bốn
phía. Sẽ không còn một dịp may nào nữa! Các con ơi! Thôi mẹ từ giã, mẹ vĩnh biệt
các con!
Tôi không thắc mắc gì về việc em Thái nhảy ra ngoài cửa sổ nữa. Tôi cũng đã hết
hy vọng chạy thoát như vừa rồi chạy ra khỏi nhà thờ. Sẽ chết ở đây. Trong lúc gần
như mê đi, tôi bỗng có cảm tưởng trên má của mình ấm áp. Nước ấm? Làm gì có.
Máu đó thôi. Một đám lông xù xì áp vào người tôi, chắn phía trước ngực tôi. Một
cái lưỡi chó liếm vào mặt tôi và máu, ở người tôi hay người nó, mà có mùi ngai
ngái, tanh ấm, dễ chịu. Máu từ ngoài áo thấm vô hay từ bên trong chảy ra. Con
chó cứ dụi vào tôi, đẩy sát tôi vào người má tôi. Má tôi ra sao rồi? Má có ngất
đi không?
No comments:
Post a Comment