Sunday, February 2, 2014

TÔI BỊ BẮT - HỒI KÝ CỦA MỘT KẺ ĂN CƠM QUỐC GIA, THỜ MA CỘNG SẢN - PHẦN CUỐI

Trần Vàng Sao
 Trần Vàng Sao
Chương II
Ở K100 thị xã Phú Thọ
Về lại thị xã, khoảng một tháng sau, ngày 28.3.1973, tôi được chuyển lên K100 ở thị xã Phú Thọ.
Một buổi chiều, ăn cơm xong, ông Hà, Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân, chận tôi ở cổng nói:
“Anh chuẩn bị đồ đạc sáng mai chuyển lên K100”.
Sáng hôm sau, tôi và khoảng 20 người nữa được chuyển lên K100. K100 là nơi dành cho những người bệnh và sức khỏe đã ổn định ở chờ đi học chính trị hay văn hóa, nghiệp vụ để vào lại chiến trường hay ra công tác A.

Đối với tôi, việc di chuyển chỗ ở bao giờ cũng thú vị, nhất là ngồi trên xe nhìn những cảnh vật lạ lùng hai bên đường.
Suốt dọc đường nhiều khi tôi muốn nói một vài câu với những người bên cạnh cho vui, nhưng tôi ngại là họ sẽ giả lơ, nên thôi. Thỉnh thoảng một vài người trong khi nói chuyện với người khác quay sang tôi nói một câu, tôi chỉ nghe, hoặc chỉ nói lại một vài tiếng.
Xe chạy thẳng từ thị xã Sơn Tây dọc theo sông Hồng ngược lên Phú Thọ. Ra khỏi thị xã 5 cây số là bắt đầu những khoảng không gian rất rộng đầy cây và đồi, cây xanh từng vùng, từng vạt nhấp nhô, cao thấp theo xe lên xuống trên đường đi. Buổi sáng trời rất mát, gió thơm mùi lá cây rất lạ, mùi tràm mùi chè, mùi bạch đàn và mùi lúa.
Trên xe chỉ có một người biết rõ những nơi xe đi qua là cô Trai, y sĩ đi theo để săn sóc bệnh nhân và luôn dịp đi phép thăm quê chồng. Và cô là người duy nhất trong chuyến đi này tôi hỏi chuyện. Cô Trai rất vui, mỗi lần nói là cười thành tiếng. Cô có nước da trắng mịn, hai má cứ hồng hồng, mũi hơi thấp một chút. Cô có một đứa con trai còn nhỏ, chồng đi bộ đội. Đúng ra là cô phải đến K100 để bàn giao bệnh nhân, nhưng vì trái đường, nên giữa chừng cô xin xuống xe. Tôi hỏi cô:
“Gần đến nhà chưa, cô Trai?”
“Dạ, còn 5 cây số nữa cơ ạ. Em phải đi bộ đây”.
Đời sống của những người làm việc ở các bệnh viện và các K điều dưỡng của cán bộ miền Nam làm tôi xúc động và chua xót. Tôi có cảm tưởng không có một người nào trong họ là giàu hết. Họ chỉ hơn nhau theo bậc lương vài ba đồng. Sự cách biệt lớn nhất giữa họ quyền lực chính trị, người này là Đảng viên, người kia là đoàn viên, quần chúng. Lương của họ đa số từ 36 đồng đến 50 đồng một tháng; 56 đồng, 64 đồng một tháng là hiếm, chỉ có những người đã lớn tuổi đã tham gia kháng chiến chống Pháp mới có số lương này. Tôi không thấy ai trong họ ăn mặt sang hết, hầu hết là kaki màu bộ đội, vải chéo đen, vải quyến trắng... Những bữa ăn của họ không phải là đạm bạc mà là tồi tệ, như nhau hết, vài miếng đậu phụ ram, mấy đũa rau muống chấm với một thứ nước đen sẫm gọi là magi; thỉnh thoảng loáng thoáng một vài miếng mỡ bằng nửa lóng tay. Họ sống, vẫn sống, vẫn vui vẫn cười, vẫn cố gắng phấn đấu từng ngày từng giờ từng phút, trong từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói, từng bước đi, từng cái mỉm cười, liếc mắt... để được là cảm tình, đối tượng của đoàn, của Đảng, để vào đoàn, vào Đảng để trở thành như những người trước kia đã khuyên răn dạy bảo họ, để rồi họ lại sẽ khuyên răn dạy bảo những người chưa được như họ.


K100 trước kia là trụ sở của Ủy ban Hành chính tỉnh Phú Thọ nằm riêng trên một ngọn đồi cao nhất và đẹp nhất thị xã. Từ đây có thể nhìn bao quát cả thị xã. Tôi và khoảng mười mấy người ở K65 mới đến, trừ số nữ, được xếp ở trong cái hội trường rộng thênh thang ngay chính giữa trên gác của tòa nhà một tầng. Khi chúng tôi đến, các phòng trống không có người ở, chỉ có 32 chiếc giường cá nhân kê sát nhau xếp thành 3 lối. Tôi chọn cái giường sát tường có lối đi thông cả cửa trước cửa sau. Cạnh giường tôi sát cửa sau là giường anh Hoàng Huy Bính, người Thọ Xuân, Thanh Hóa. Một ngày sau, tôi đến gặp ông Bí thư chi bộ gác tôi ở, nói: tối nay có chiếu phim ngoài thị xã, anh cho tôi đi xem cho vui. Ông ta nói: anh cứ đi, lên đây không phải như ở K65, anh muốn đi đâu thì đi, như anh em khác.
Phú Thọ là một thị xã buồn và yên tĩnh, một thị xã có nhiều khoảng rộng trống không, và đồi và cây, màu xanh phủ lên màu đất đỏ của những con đường dốc. Lúc mới đến, xe đi đường sau dọc sông Hồng vào thị xã, tôi hơi sững như cảm giác lúc mới vào thị xã Sơn Tây. Không thấy phố xá, chỉ loáng thoáng một vài mái tranh rải rác hai bên đường. Đường thì đất đỏ, dốc, nước chảy xói thành rảnh như những khe diếc. Ở đây nhà dân, nhà của hợp tác xã hầu hết là tranh tre lá nứa. Nhà ngói là trụ sở của Đảng, chính quyền, là cửa hàng mậu dịch, đồn công an. Ở lâu ngày tôi không thấy có chi giàu sang với cái thị xã này hết.
Những ngày ở đây tôi thường lang thang khắp thị xã, buổi sáng ở ngoài chợ, cửa hàng mậu dịch, trên các con đường yên tĩnh; buổi chiều ngoài sân bay dã chiến bỏ hoang, trên các đồi bạch đàn phía sau thị xã, ngoài sân ga. Tôi ít khi đi một mình, thường khi nào cũng có thêm một hai người thân quen. Lúc này tôi được tự do đi ra ngoài mà không xin phép, nói chuyện được với những người quen mà không sợ họ tránh né. Nhiều khi tôi ngồi hàng giờ một mình trên sân bay, trên những khối bạch đàn, trên khoảng trống gần sân ga, hay dưới gốc cây cạnh thư viện thị xã bên bờ sông Hồng cho đến tối mới về.
Nơi tôi ở là một rừng long não. Long não ở đây to cao như cổ thụ. Mỗi lần đứng trên gác nhìn ra, thoảng một cơn gió, lá long não rụng như mưa, lách tách rồi lào rào, lào rào, vang lên vang lên rồi tỏa lan ra; lá rụng đặc một vùng từ trên cây xuống, cả một khoảng không trước mặt tôi trùm hết lá. Nhiều khi tôi có cảm tưởng như lá không phải rụng xuống mà từ dưới đất, trên các ngọn cây bay tung lên, bay lên từng lớp tung cao khỏi ngọn cây, ngọn lên, ngọn xuống, ngọn qua ngọn lại, chao đảo rồi xoáy tròn lăn tăn lan rộng ra. Ở phía xa dưới những trũng thấp, nơi những khoảng trống, lá long não bay loãng ra từng chiếc một, rung lên, liệng qua liệng lại. Dưới mặt đất lá chạy cuốn như sóng xao, rồi tấp vào gốc cây, dồn đống giữa đường, rải đầy sân những màu vàng úa, màu nâu sẫm, màu vàng đậm lẫn với màu xanh ngọc, dòn tan. Một vùng không gian mùa lá bay. Tôi cảm thấy mình nhẹ tênh trong mùi long não. Những lúc đó mà đang đi giữa đường, cả người mình, chung quanh trước mặt sau lưng, lá trùm kín hết.
Ngày 21.05.1975, ở Huế, tôi có ghi:
Gần 10 giờ đêm.
Khi không tôi nhớ lá cây trong mùa hè ở Phú Thọ. Lá không rũ xuống, lá không động đậy, lá bạc chợt ra. Nắng sáng trắng khô chốc, không có gió. Lá có màu héo. Buổi trưa tôi cố ngủ một tí. Căn phòng to và rộng, cả giường và chân người, va ly. Lá, lá long não. Tôi muốn mệt. Tôi cứ nhìn lá hoài. Mơ hồ tôi tưởng như lá cây động đậy. Lá chết hết rồi. Gió cho thật nhiều cho lá động đậy. Tới chiều thì trời có gió. Lúc đó nắng đã vàng và lá trở lại như thường. Những buổi trưa ở Phú Thọ yên tĩnh thật. Tàu lên dốc ngược Yên Bái, máy móc nặng nề và hồng hộc. Người trong tàu quần áo lộn xộn, mặt mày thừ ra. Tàu chạy không mau được nên không có gió ùa vào.
Cho đến lúc này tôi cũng không viết được gì, ngoài việc ghi chép khi đọc sách. Đó là điều khổ tâm nhất của tôi. Tôi bị giày vò trong trạng thái đó.
Cho đến năm 1974, trong quyển lịch ghi chép tôi chỉ viết được mấy dòng:
Ngày 12.4.1974
Ở Phú Thọ
Buổi trưa trời nắng như rất xa rất xa nắng tới.
Ngày 28.7.1974
Mùa hè ở Phú Thọ thật là tuyệt vời.
Những buổi trưa đứng bóng, nắng rất to, lá cây như trong suốt trong ánh sáng trắng của mặt trời.
Buổi chiều hãy đến một nơi rất rộng cho có thật nhiều gió để nhìn núi ở xa, nơi đó yên tĩnh là vô cùng, yên tĩnh là một cõi.
Cuộc sống của tôi ở K100 dễ thở hơn, tuy thế hàng ngày tôi vẫn bị nhòm ngó rất kỹ. Ở K100, người ta cho tôi dự các cuộc họp, các buổi mít tinh. Tôi được đi nội trong thị xã mà không cần xin phép. Nhưng tôi vẫn không được yên. Ngoài ông Thụ, Bí thư chi bộ ra, một số Đảng viên ở trong phòng có nhiệm vụ theo dõi tôi. Không bao giờ tôi khóa va li. Sách vở tôi để cả lên giường. Một hôm, vào buổi chiều lúc đó mọi người đã đi chơi hết, trong phòng chỉ còn có tôi và anh Sâm. Anh Sâm, Đảng viên, người Phong Điền, da đen sậm có lẽ vì bệnh gan. Anh nói:
“Anh Đính, tôi nói cho anh biết, mỗi lần anh đi dự mít tinh hay họp hành, đều có người đến lục va li của anh đó. Chỗ anh em tôi nói cho anh biết để coi chừng”.
Anh Sâm chỉ nói chừng đó rồi lảng sang chuyện khác.
Tôi cũng vẫn phải sống trong dè chừng như thế. Riêng ở phòng tôi ở hầu hết là những người ở K65 lên, nhưng dần dần họ cũng đi bớt, số người mới khác lại đến. Phần đông đều xa lạ với tôi. Tất nhiên trong nội bộ Đảng họ cũng đã báo cho nhau biết về trường hợp của tôi, nhưng ít ai để ý, xem chừng gì tôi cho mệt. Nhưng tôi phải biết phận mình. Ai đến chơi, nói chuyện với tôi thì tôi nói. Tôi không tự tìm đến những người khác để làm quen. Ở sát giường tôi là anh Hoàng Huy Bính, trước ở Sơn Tây tôi đã quen và nói chuyện với anh nhiều lần. Anh Bính quê ở thôn Thành Công, xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Anh là một trong số rất ít những người thân với tôi ở K100. Anh học trung cấp thủy lợi, rồi tình nguyện vào chiến trường, sau đó bị bệnh, cơ thể suy nhược và được cho ra Bắc chữa bệnh. Anh Bình người đã gầy mà còn thấp nữa, mắt cận thị nặng. Anh có một cuộc đời rất chua xót và cay đắng. Anh là nạn nhân của nạn tảo hôn. Sau 1954 vợ chồng anh có quyền ly dị, nhưng anh nói: “Tôi bảo nhà tôi, đó là số phận của tôi và nhà tôi, bây giờ con cái đã lớn rồi, mình phải hy sinh cho con cái”. Có người nói anh dại. Mỗi lần đi phép, bao giờ anh cũng mua quần áo cho các con, cho mẹ, cho vợ. Có lần anh mua một cái áo vệ sinh và bảo: “Cái này để cho vợ tôi đi làm đồng vào mùa đông đây”.
“Anh biết không,” anh Bính nói, “con gái đầu của tôi đã lớn, nhưng cho đến nay nó chẳng biết phở là gì, quá tội đi. Mà nó có bao giờ lên đến huyện đâu. Chuyến này về phép, tôi phải đưa chúng nó lên huyện, cho chúng biết phở”.
Tôi và anh Bính xuống khu học bổ túc văn hóa của cán bộ B kiếm một cái bàn học trò hư đem về sửa lại, đặt song song với giường của anh và của tôi làm bàn chung. Tôi nói chuyện với anh Bính không dè dặt. Cuối năm 1976, anh Bính đến Huế, tìm ra nhà tôi. Gặp anh, tôi mừng hết sức. Anh nói, anh ở Sài Gòn mới ra. Anh bây giờ thích đi đây đi đó. Sau chuyến đi phép về thăm nhà này, anh sẽ đi Campuchia. Từ đó, tôi không biết tin tức gì về anh hết.
Anh Bính cũng như những người có quê hoặc có cha mẹ, anh em, bà con ở miền Bắc thường hay đi phép. Thời gian đi phép của họ có khi 1 tháng, 2 tháng. Thành ra phòng có 32 giường, số người ở cao nhất là 10, 15 người, nhưng trong phòng bao giờ cũng trống, nhiều khi chỉ có năm bảy người.
Một hôm, có một ông ở đâu dưới Hà Nội lên làm việc với ban lãnh đạo K100 đến gặp tôi. Lúc đó tôi đang đọc báo vào buổi trưa. Ông ta người miền Nam tôi không nhớ ở đâu, khoảng trên 55 tuổi. Ông ta không tự giới thiệu, ông ta làm như tôi có bổn phận phải biết ông ta là ai. Ông ta nói bâng quơ gì đó, rồi nói:
“Bây giờ đã có hiệp định Paris rồi, chúng tôi xem anh như thuộc lực lượng thứ ba, như anh em sinh ở miền Nam có tham gia phong trào đấu tranh. Anh đừng lo gì hết”.
Sau đó ông hỏi:
“Lâu nay có ai ở Cục hoặc ở Ban (Thống nhất) đến gặp anh không?”
“Không, không có ai hết”.
“Sao thế nhỉ?”
Ông ta chỉ nói như thế, rồi đứng dậy đi ra ngoài phòng.
Một lần khác, ông Bí thư Đảng ủy đến bảo tôi:
“Tối nay 7 giờ anh đến phòng tôi có người ở dưới Ban Thống nhất cần gặp anh. Anh đừng lo gì cả. Ông ấy muốn gặp anh nói chuyện bình thường thôi”.
Đúng giờ tôi sang phòng ông Bí thư Đảng ủy. Ông ta rót nước, rồi ra ngoài để cái ông cần gặp tôi đó với tôi nói chuyện. Ông ta tự giới thiệu ông là người của Bộ Nội vụ. Ông ta nói giọng Thừa Thiên:
“Hôm nay tôi gặp anh để báo cho anh biết là chúng tôi không xem anh là CIA”.
Tôi cứ ngồi nghe ông ta nói và hoàn toàn không có thái độ gì cả.
Ông ta nói:
“Hình như lâu nay anh không đi đâu cả. Thỉnh thoảng anh nên về Hà Nội chơi cho thoải mái đầu óc”.
“Tôi đi đâu các anh cũng cho người theo dõi, như thế đi có thú vị gì đâu?”
“Không, về Hà Nội anh đến nhà tôi ở cho tiện. Nhà tôi ở số... phố Nam Đồng”.
“Về Hà Nội mà đến ở nhà anh thì bạn bè tôi chẳng có ai dám gặp tôi nữa”.
Ông ta cười:
“Nhưng anh nên đi chơi. Tôi có nói mấy anh ở Cục là nên để cho anh đi phép về Hà Nội”. Rồi ông ta hỏi tôi về sinh hoạt phí. Tôi nói:
“Tôi được xếp 50 đồng”.
“50 đồng à? Người ta xếp cho anh 50 đồng là xem như xóa bỏ quá trình tham gia cách mạng của anh đó. Được, được,” ông ta gật gật đầu, “tôi sẽ đề nghị xếp lại mức sinh hoạt phí cho anh. Xếp như thế không được đâu”.
Tối hôm sau, ông ta đến phòng tôi nói chuyện với một vài người quen, rồi lại chỗ giường tôi.
“Lần nào đến đây, tôi cũng thấy anh ngồi một mình hút thuốc, đọc sách”.
Ông ta nói một vài câu cho có lệ, rồi nói:
“Anh cứ sống và sinh hoạt bình thường như anh em khác”.
“Nhưng các anh lại không coi tôi như một người bình thường”.
Ông ta làm thinh. Đằng nào đối với họ tôi cũng là địch. Không cách này thì cách khác họ cũng tìm cách triệt hạ tôi, không để cho tôi tồn tại ở đời này như một người bình thường ngang bằng họ.
Khoảng tháng 6 tháng 7.1973, Nguyễn Hữu Ngô, Hồ Tính Tình lên K100 thăm tôi. Sau này mỗi lần nhắc lại chuyện này, thằng Ngô cứ cười to ha ha: “Cái thằng Đính! Lúc đó, hắn đang đứng nơi lan can thấy tao, thằng Tình và thằng Một lù lù dưới thang gác đi lên, mặt hắn sững ra, hắn khựng đi một lúc, như một thằng mất hồn. Chắc lúc đó mi không ngờ bọn tao có thể lên Phú Thọ gặp mi. Hắn hỏi: “Đi mô rứa bây?”. Tao nói: “Đi gặp mi chớ đi mô”. Hồi đó, tao với thằng Tình đang tìm cách gặp hắn, bày mưu tính kế cho hắn về Hà Nội, không thôi cứ bị giam trên cái K100 ở Phú Thọ có ngày hắn điên mất, lại gặp lúc thằng Một ở chiến trường ra nhận xe. Sẵn có xe bọn tao rủ nhau lên Phú Thọ. Bọn tao đưa giấy giới thiệu của Đài Giải phóng cho bọn lãnh đạo K đề nghị gặp Đính. Bọn này bảo: “Ở đây cũng có một số anh em học sinh sinh viên ở trong Nam ra, các anh có thể gặp những người đó”. Bọn hắn nhất định không cho bọn tao gặp thằng Đính, lý do là gặp anh Đính lúc này không tiện, vả lại không có ý kiến của Ban Thống Nhất và Cục đón tiếp, bọn hắn không thể giải quyết được. Tao nói là chúng tôi cần gặp anh Đính để hỏi về phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Huế để viết bài cho buổi phát thanh dành cho Huế. Rứa là tay Bí thư Đảng ủy nói với một tay nào đó ngồi bên cạnh: “Thôi, trưa nay... đừng nghỉ trưa nữa”. Và bọn tao ngồi nói chuyện với thằng Đính dưới sự giám sát của ba bốn ông cấp ủy ngồi uống nước chơi”.
Thấy mặt thằng Ngô, thằng Tình tôi mừng hết sức và xúc động vô cùng. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau bình thường tại phòng tôi ở. Hai lão Bí thư Đảng ủy và Bí thư chi bộ ngồi bên cạnh, cứ uống nước, hút thuốc ngó ngiêng, ngó ngửa. Thằng Tình, thằng Ngô cho tôi biết về tin tức bạn bè anh em ở trong rừng và ở Huế. Thằng Một thì cười cười: “Anh em ở trong vui lắm, còn sống cũng nhiều mà chết cũng nhiều”. Thằng Ngô, thằng Tình làm ra vẻ đi liên hệ công tác hỏi tôi về phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Huế hồi trước. Hai đứa soạn cassette, máy móc chi đó đặt giữa bàn cho có lệ. Ông Bí thư Đảng ủy ngồi cạnh tôi cảm thấy lấn cấn và chướng nên giả vờ có việc gì đó đi ra ngoài. Còn lại ông Thụ, Bí thư chi bộ ở cùng phòng với tôi, nhưng sau rồi cũng quay về giường của mình lấy cớ là có khách. Thằng Tình:
“Mi phải về Hà Nội một chuyến. Tao thấy cái không khí ở đây quá mệt. Tao sợ mi điên mất. Ông Tường ra rồi, hiện đang ở Hà Nội, mi biết không?”
“Tao có biết gì đâu?”
Thằng Ngô:
“Tụi tao cứ tưởng là thế nào ông Tường cũng báo cho mi biết là ông đã ra Bắc. Mi xin phép về Hà Nội gặp anh em nói chuyện cho vui. Mà rồi... cũng phải tìm cách thoát khỏi đây. Hình như ông Doãn Triều và bà Trai đang vận động cho mi về Hà Nội”.
Thằng Tình:
“Tao có nghe nói, nhưng Ban Thống nhất không đồng ý”.
Tôi nói:
“Bây giờ tao có xin đi phép họ cũng không cho. Để thủng thẳng đã. Bọn mi thấy đó”.
Lúc đưa tụi hắn về, tôi nói:
“Nếu tao không về được, lâu lâu bọn bây lên đây với tao một chút”.
Độ gần một tháng sau tôi xin đi phép về Hà Nội và được họ đồng ý. Tôi xin đi ba ngày nên chỉ ở Hà Nội có hai đêm một ngày. Thằng Ngô nói: “Mi cứ ở đây chơi vài ngày nữa rồi lên. Không được, tao phải đi đúng phép. Đằng nào thì mi cũng bị rồi. Sợ cái gì?” Tôi mượn một ít sách báo rồi lên Phú Thọ. Thằng Tình chở tôi ra ga mua vé (hình như hồi đó các tuyến đường phía Bắc, vé bán ở bến Kim Liên thì phải). Thấy hàng người xếp hàng mua vé, thằng Tình ớn:
“Khiếp quá! Làm sao mi mua cho được?”
“Mi đừng lo. Hết vé Phú Thọ, tao mua Đông Anh, Việt Trì. Đông Anh, Việt Trì không có thì mua Yên Bái, Lào Cai. Thôi mi về đi”.
Thằng Tình vét túi còn mấy đồng đưa thêm cho tôi: “Lỡ phải mua vé Yên Bái, Lào Cai”. Lúc đó vé tàu nhanh Hà Nội-Phú Thọ là 2 đồng 2. Chen lấn lách qua lách lại một hồi, toát mồ hôi hột, tôi mua được vé.
“Còn vé Đông Anh. Không sao, lên tàu mua tiếp, phạt 2 hào”.
“Mi cố gắng tìm cách thỉnh thoảng về Hà Nội cho giãn gân giãn cốt ra, nghe mi”.
Tôi quên nói là lúc ở chiến trường ra Bắc, anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) có cho tôi một cái radio bán dẫn hai băng bằng bàn tay. Kể từ khi bị đấu, không cách gì tôi có thể nghe đài BBC hay đài VOA được. Trước kia nghe những đài này tôi cũng phải nghe lén. Vì đó là nội quy, cấm tất cả mọi người nghe đài địch. Thời gian này tôi mà mở đài, dù là đài tiếng nói Việt Nam hay đài Giải phóng, tôi cũng sẽ bị theo dõi, để ý. Những người chung quanh sẽ coi chừng tôi lợi dụng mở đài ta để nghe đài địch. Để được yên ổn, tôi cất luôn cái radio vào vali, cho nó nằm yên ở đó. Đến Phú Thọ một thời gian, thấy không khí chung quanh có bớt căng thẳng, hơn nữa căn phòng tôi ở quá rộng, giường nằm cách xa nhau, lại thường vắng người, tôi bắt đầu nghe đài. Đài BBC thì không thể nghe được rồi, vì lúc 18g30 trong phòng còn đông người. Nếu muốn nghe tôi phải đến một chỗ vắng ngoài khuôn viên của K100. Nhưng buổi chiều đi chơi mà đem theo đài người ta sẽ nghi tôi nghe đài địch. Vì chính bản thân họ muốn nghe BBC hay VOA cũng phải làm như thế. Tôi chỉ có thể nghe đài VOA. Tôi nhớ lúc đó đài VOA có buổi phát thanh đến 22 giờ mới hết. Tôi đi nằm và áp sát đài vào tai mà nghe, những cũng không được thường xuyên. Mỗi lần nghe phải tỉnh ngủ và ngón tay trỏ luôn luôn đặt trên cái volume.
Từ tháng 1.1972 đến khoảng tháng 7 tháng 8.1973 tôi mới được đi xa một mình như thế. Gặp bạn bè tôi vui, sống và nói năng chẳng cần che giấu và giữ gìn gì cả. Trở về Phú Thọ tôi sống làm một người làm thinh như trước, sống hiền, không gây gỗ cãi cọ với ai. Lâu ngày ở Phú Thọ cũng chẳng ai cần để ý đến tôi cho mệt. Tất nhiên là có một số người trong cấp ủy được phân công theo dõi tôi. Ở K100 này tôi không còn bị đối xử một cách khinh bỉ, ghê tởm ra mặt như ở K65 Sơn Tây. Còn những người đã từng đấu tố tôi ở K65 vẫn nhìn tôi một cách nặng nề, không ưa, nhưng do cái không khí chung quanh nên họ đối xử với tôi không căng thẳng, trắng trợn như trước. Nhiều người vẫn đến nói chuyện chơi với tôi, mời tôi uống nước mà hầu hết là những người mới đến. Ở nhà ăn bây giờ tôi được coi như bình thường. Mọi người đều ngồi ăn với tôi, và tôi ngồi với họ mà không dè dặt. Trong bữa ăn hay những lúc ngồi nói chuyện, những chuyện gì có dính dáng đến thời sự và chính trị tôi không đề cập đến. Mà thật ra ở những nơi này người ta không bao giờ nói chuyện chính trị, bởi vì tất cả mọi người đều cùng một chính kiến, một lý tưởng như nhau. Họ chỉ có học chính trị.
Ngoài Lê Thị Thu, Nguyễn Thị Mộng, Hoàng Huy Bính và một vài người nữa là thân mật với tôi, còn những người khác họ vẫn giao tiếp bình thường với tôi, nhưng vẫn luôn luôn có thái độ dè dặt và thận trọng, không tỏ ra xem tôi là bạn.
Tôi không cố gắng sống cho vừa lòng những người chung quanh. Tôi sống thành thật với mình. Tôi không dối trá họ, không tỏ ra mình là một người biết ăn năn hối cải trước sự khoan hồng và độ lượng của Đảng bằng hành động cử chỉ hay thái độ sợ sệt, cúi đầu. Tôi sinh hoạt bình thường như từ trước đến nay. Ăn, ngủ, đọc sách, đi chơi theo giờ giấc. Chỉ tiếc một điều là tôi không làm được thơ, không ghi lại được những suy nghĩ của mình về mình, về cuộc đời, về cuộc sống chung quanh. Ngày nào tôi cũng đọc sách. Đến K100 vài ngày, tôi rủ anh Bính ra thư viện thị xã Phú Thọ. Lúc đó thư viện đang kiểm kê và đóng gói sách để chuyển về thư viện tỉnh ở Việt Trì. Chỉ có phòng đọc báo và phòng đọc của thiếu nhi do cô Mai phụ trách mở cửa. Thấy anh Bính và tôi ngày nào cũng siêng năng chăm chỉ đến đọc sách báo và ghi chép, cô Mai bảo: “Thư viện không cho mượn sách về nhà, nếu các anh cần có thể mang về đọc, khi nào trả cũng được”. Lúc này tôi đang đọc cuốn 3, tập 3 bộTư bản của Karl Marx. Bà Hồng, phụ trách thư viện, rất tử tế với chúng tôi. Có nhiều cuốn chúng tôi cần đọc, nhưng đã đóng gói, bà cũng lấy ra cho chúng tôi mượn. Bà dẫn chúng tôi vào kho sách để chúng tôi chọn.
Mùa đông ở Phú Thọ rất khó chịu, khô và rét. Trời cứ mù mù như có sương và đường đi vẫn có bụi. Buổi sáng buổi chiều đứng bên này sông Hồng không nhìn rõ bên kia sông được, cây cối và nhà cửa lờ mờ. Những đêm mưa nghe tiếng còi tàu thức dậy, cả phòng tôi ở bao giờ cũng trống vắng. Anh đèn lù mù ngoài hành lang. Tàu lên dốc đi Yên Bái, tiếng máy thở hộc, nặng nề mệt mỏi như tiếng thở của con lợn bị cắt tiết cố vùng vẫy. Tiếng còi đứt nửa chừng, con tàu khuất sau dãy núi. Rồi tiếng máy lại hộc hộc, con tàu ra khỏi dãy núi đang uốn cong mình cố trèo lên dốc, tiếng máy nhỏ dần, cứ khi to khi nhỏ, cho đến khi còn nghe như một mũi kim trong trí óc tôi. Mùa lạnh tôi hay thức giấc vì cơn dạ dày. Nhiều đêm ngủ không được tôi nằm đợi nghe tiếng máy thở hộc lên dốc, sắp lòn qua cầu dưới chân dốc, tàu kéo còi...
Ngủ quên thì thôi, thức thì nhớ mà đợi. Tàu vào ga Phú Thọ rồi... tàu sắp chạy... tàu qua dưới cầu... tàu leo dốc... tiếng máy hộc xa, tiếng máy hộc gần... rồi xa... tiếng còi the thé... tàu khuất núi rồi.
Tôi không đi đâu hết, không về Hà Nội, loanh quanh luẩn quẩn ở cái thị xã này, mệt mỏi chán nản, không buồn không vui, nhiều lúc quanh quẩn với một vài người hiểu mình, thương mình, nhiều lúc buổi sáng buổi trưa buổi chiều, nửa đêm một mình mình. Có lúc buổi chiều tôi ngồi một mình ngoài sân bay bỏ hoang cho đến bảy tám giờ tối. Có lúc tôi lang thang trong các đồi bạch đàn vào buổi sáng sớm, rồi ngồi dưới một gốc cây trên triền dốc ngó qua bên kia sông Hồng. Có lúc nửa đêm ngủ không được, tôi dậy nấu nước pha trà uống một mình ngoài hành lang. Tôi cảm thấy mình không muốn gì cả. Tôi như cứ chập chờn vừa thức vừa ngủ trong cuộc đời này. Tôi không khuây khỏa được.
Tết này (Giáp Dần 1974) chắc cũng nên về Hà Nội lang thang với bọn thằng Ngô ít ngày cho vui. Nói thế thôi, rồi tôi cũng chẳng nghĩ tới chuyện đó nữa. Còn một tháng nữa mới Tết, những người quê ở Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Hà Bắc, Lạng Sơn, Cao Bằng... đều đã đi phép. Khoảng 15 tháng Chạp, căn phòng tôi ở đã trống vắng. Người nào đi cũng nói với tôi: “Gói đồ đạc cho anh đó, anh Đính nghe”. Trước khi về quê ăn tết, anh Bính bảo tôi: “Tôi biết Tết này anh ở đây một mình rồi. Tôi cố lên sớm với anh cho vui”. Những ngày giáp tết, thị xã Phú Thọ cũng như ngày thường, tôi không thấy có chi sửa soạn, dọn dẹp hết. Chỉ ở cửa hàng mậu dịch, người ta đông đảo chen lấn mua tiêu chuẩn hàng tết, nhưng toàn là cán bộ công nhân viên. Sáng 30 tết tôi mua 1 lạng cà phê ở một quán nước dưới dốc bên kia cầu để uống mấy ngày tết. Tôi chặt một cành trúc đào thật lớn và kiếm một cái thùng thiếc hư đổ cát vào cắm lên để sát tường ngay giữa phòng. Cành đào này có đến 15 tháng Giêng âm lịch mới nở bông, và nở đều rất đẹp. Trưa 30, trong phòng chỉ còn một mình tôi. Tôi kiếm dây cột chặt các cửa sau, cửa giữa và cửa hông lại, chỉ chừa một cửa ra vào. Tôi dồn vali, chăn màn của những người đi phép vào một góc. Đến bữa ăn trưa nhà ăn chỉ có độ mươi người ăn. Những người không đi phép cũng đã đi chơi quanh quẩn ngoài thị xã. Buổi chiều tôi cũng không buồn đi đâu. Trời lạnh lắm. Căn phòng rộng thênh thang này bây giờ chỉ còn tôi với ông già Tuần, người Quảng Ngãi, mà ông ta cũng đã vào thăm bà con ở trại thương binh gần đó. Khi đi ông bảo tôi, có thể về, có thể không, khi nào về ông kêu cửa.
Tối đến tôi tính ra thị xã chơi, nhưng rồi thôi. Tôi bỏ cà phê vào một miếng vải, cột túm lại, chế một cốc thật đậm, rồi pha vào một ít rượu chanh ngồi uống một mình. Cà phê trộn gạo rang hay một thứ bột gì đó, cũng đỡ, có còn hơn không. Tôi uống từng ngụm, đăng đắng, chát chát, cay nồng, hơi chua. Gió thổi qua những lỗ trống của dãy cửa kính vỡ phía sau nghe hù hù, có khi lặng đi một lúc rồi cành lá bên ngoài lao xao, một cơn hú vào phòng rung cánh cửa lách cách lục cục. Ngoài hành lang phía trước đèn sáng. Ở đó, giữa ban công của tòa nhà, người ta bày một bàn thờ, có cờ Đảng, cờ tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi ra ngoài đứng ở phía không có ánh sáng nhìn ra xa. Gió cứ lào rào trên những hàng long não. Thấp thoáng ở xa nữa dưới chân dốc một vài ánh đèn dầu. Trước mặt tôi, tối đen, chỉ có gió và lá cây rụng. Không nghe một tiếng pháo. Khác với những ngày thường, chung quanh đây, dưới kia, lúc này bao giờ cũng ồn ào, tiếng radio, tiếng cười đùa la hét của những người đánh bài, tiếng gọi nhau... Bây giờ thì im vắng, loáng thoáng có tiếng radio rất nhỏ. Tôi vào phòng đóng cửa lại, ngồi lên giường nhấp rượu nghe gió hút qua phòng. Tôi chẳng thấy ngon lành gì cả. Một chút cay cay nồng xé ở mũi, nóng ở cổ, ấm trong bụng. Tôi cứ uống từng chút, từng chút, rồi pha một ấm trà. Ngoài hành lang thỉnh thoảng có người đi qua đi lại. Tôi tắt bớt đèn, rồi đi nằm. Thôi ngủ cho rồi. Không biết bao lâu nữa, có tiếng gõ cửa và gọi tên tôi. Tôi dậy mở cửa.
“Anh ngủ rồi à?”
“Không, tôi nằm chơi”.
“Gần giao thừa rồi. Anh ra uống trà, nghe chúc Tết”.
Đó là ông Bí thư Đảng ủy. Ông ta không đi phép. Cực chẳng đã tôi ra ngoài. Hết chương trình chúc Tết của Đài tiếng nói Việt Nam tôi vào nằm ngủ. Tôi cứ chập chờn mơ mơ màng màng. Tiếng cửa lạch cạch, tôi mở mắt nhìn quanh phòng. Tựa hồ như có tiếng mở dây thép ở cửa ra vào không phải. Gió. Tôi nhắm mắt lại.
Sáng mồng 1 Tết tôi ra thị xã, đi hết các ngả đường, ra ga, ra chợ. Không thấy Tết gì hết, không thấy cái gì mới hết. Cờ treo trước các cơ quan. Mọi người vẫn như thường. Không thấy trẻ con đi chơi Tết. Cửa hàng công nghệ phẩm mở cửa, ít người tới. Cửa hàng ăn uống ngoài ga vắng khách. Buổi trưa ở nhà ăn chỉ lèo tèo ba bốn người. Chiều mồng 1, sân vận động Phú Thọ tổ chức đá bóng. Hết chuyện chơi. 9 giờ tối, ông già Tuần về. Ông cho tôi 1 đùi thịt vịt nướng.
“Đêm giao thừa tôi định ra, nhưng mấy đứa cháu không cho. Tết gì mà ở cái thị xã này chẳng thấy Tết gì cả. Ai đời mồng 1 Tết mà lại đá banh. Tức cười”.
Ông Tuần lấy cái bi đông Mỹ rót cho tôi một chén rượu. Tôi uống một hơi:
“Ngon thiệt. Tiếc là tôi không sành uống rượu”.
“Quốc lủi đó. Dân họ cất lấy. Anh làm thêm một chén nữa. Mồng 3 tôi mới về Hà Nội. Anh không đi đâu cho vui?”
“Tôi không có bà con ở ngoài này”.
“Kệ, tới nhà một thằng bạn nào đó cũng được”.
Sáng mồng 2 tết, ông già Tuần lại vào chỗ mấy đứa cháu. Tôi còn một mình. Đang loay hoay lục soạn mấy cuốn sách, thì anh Bính xách ba lô chạy ào vào.
“A, anh Bính, sao lên sớm thế?”
“Tôi biết anh ở đây một mình buồn. Tôi đã hứa là lên sớm với anh cho vui”.
“Tôi nghĩ sớm lắm là mùng 5, mùng 6 anh mới ra”.
Anh Bính ngó chung quanh:
“Chưa ai về hết à?”
“Còn lâu”.
Tôi chỉ những chồng bánh chưng để trên bàn:
“Có phần của anh, phần của những người khác đó. Ăn chi hết”.
Anh Bính lục ba lô lấy mấy thứ của ngon vật lạ ở quê ra:
“Tôi đem cả bánh chưng ra nữa đây”.
Tôi chế trà. Anh Bính lau mặt rồi hỏi:
“Tết ở đây thế nào, có vui không?”
“Buồn và vắng hơn ngày thường”.
“Ở trong tôi cũng thế. Trẻ con chẳng có gì mới cho ra Tết hết cả”.
Có hơn nửa năm sau, ngày 18.4.1974 tôi mới về lại Hà Nội. Lần này tôi xin đi một tuần, nhưng ở Hà Nội đến 14 ngày. Đến Hà Nội tôi tìm gặp thằng Ngô và thằng Tình ở 58 Quán Sứ. Thằng Ngô bao giờ cũng cái giọng:
“Tao tưởng mi bị đi cải tạo ở K3 rồi. Răng lâu rứa mi?”
Tôi hỏi thằng Thanh (tức Tình) đâu không thấy, hắn nói đi mô đó. Bữa ni hắn có bồ rồi nghe mi. Đứa mô rứa? Con... con nớ đó. Mi gặp rồi chớ. Có, loáng thoáng... hình như có đi thanh niên xung phong, bây giờ đang viết văn phải không?
Tôi với thằng Ngô ra ngoài uống nước chè.
“Mi có quen thằng Thái Ngọc San không?”
Thằng Ngô hỏi tôi.
“Không, hồi ở trong Nam tao có đọc thơ hắn đăng trên Văn, Văn học hay đâu đó. Tao chưa gặp hắn bao giờ”.
“Hắn ra đây rồi. Thằng San vui lắm. Mai đi gặp hắn nói chuyện cho vui. Hắn ở K5B. Cả thằng Võ Quê cũng ra rồi”.
Sáng hôm sau thằng Ngô chở tôi về K5B ở Quảng Bá. K5B là nơi dành cho cán bộ trung cấp ở miền Nam chữa bệnh và an dưỡng. Thằng San cao dềnh, khác với trí tưởng tượng của tôi hình dung qua thơ và cái tên Thái Ngọc San của hắn, một anh chàng nhỏ thó, vừa phải. Thằng San lúc đó mặc quần áo bệnh viện. Hắn, thằng Ngô và tôi ngồi trên ghế đá cạnh bụi trúc bên hồ Quảng Bá nói chuyện. Tôi có cảm tình và thân ngay với thằng San từ đó. Đến giờ khám bệnh bọn tôi về và hẹn dịp khác gặp lại.
Tôi ở Hà Nội chơi với bọn thằng Ngô, Tình, đến chơi nhà chị Ngọc Trai, anh Doãn Triều, đến với mấy đứa nhỏ ở trường Chu văn An... Gần hết phép tôi sang K10 ở Gia Lâm, nghe nói có nhiều anh em ở Huế mới ra ở bên đó. Tôi gặp thằng Nguyễn Đắc Xuân ở đây. Hắn đau gan thì phải, trông hắn xanh và ốm. Hắn mới được kết nạp Đảng và đang còn thời kỳ dự bị. Tôi hỏi thăm bạn bè, hắn nói:
“Thằng Điềm ký giấy sinh hoạt Đảng cho tao đó”.
Trước đó ngày 30.7.1973, thằng Điềm có viết cho tôi:
“Vừa rồi anh Tường ra Hà Nội, Đính có gặp không?... Tháng 4.1973, đổ về trước mình đi đồng bằng, có về Ưu Điềm. Ngày Hiệp định có hiệu lực là ngày mình ở đó, nhưng lại là ngày choảng nhau. Từ đó đến nay mình về rừng làm báo Cứu Lấy Quê Hương”.
... “Mình vẫn ở trong rừng. Chuyện phục hồi của mình vẫn chưa giải quyết được. Chỉ vì mình đi ở nhiều cơ quan, đi công tác luôn. Mình không buồn rầu lắm vì mọi người chung quanh cũng hiểu mình”.
Hết phép, tôi định lên Phú Thọ, thì ông Hoàng Lanh, Phó bí thư Thành ủy Huế ra công tác ghé lại K10. Ông Lanh nói tôi ở lại để làm việc với ông. Tôi bảo tôi phải đi đúng phép, không được trễ hạn. Nếu ông muốn tôi ở lại làm việc với ông, ông phải báo cho Ban Thống Nhất và Cục đón tiếp cán bộ B biết. Ông Lanh nói: “Cậu đừng lo, tôi sẽ điện báo cho các anh biết là cậu phải ở lại Hà Nội để làm việc với Thường Vụ Thành ủy Huế”. Ý ông Lanh lúc đó là muốn tôi vào Quảng Trị làm công tác giáo dục. Ông nói: “Cậu cứ yên tâm về K100. Có gì tôi sẽ báo. Hiện nay Quảng Trị đang cần những người như cậu”.
Về Phú Thọ, Lê Thị Thu một lần đi chơi với tôi có nói: Lần nào anh về Hà Nội cũng có đứa đi theo. Anh có biết đứa nào không? Cái thằng mê con Đào Quảng Ngãi đó. Anh đừng tin mà nói chuyện với hắn chi hết đó. A thằng Tân, phải thằng Tân. Hắn đâu có phải là Đảng viên. Thu: không Đảng viên mới phấn đấu. Phấn đấu thì vô trong rừng mà phấn đấu. Ưng vô Đảng mà lại sợ chết. Tôi sực nhớ ra thằng Tân ở cùng một phòng với ông Bí thư Đảng ủy. Vậy là hắn bị dụ. Hắn là một thằng khoảng gần 30 tuổi, ốm yếu cả về cơ thể lẫn tinh thần. Giọng nói hắn cụt và nghe những tiếng cuối cùng hay bị mắc trong cổ. Cười, thì hắn cười rộng miệng. Tôi nghi là hắn hoàn toàn bị động về việc theo dõi tôi. Khoảng năm 1978, 1979 tình cờ tôi gặp hắn ở Ty thương binh xã hội. Hắn đã có vợ người Hà Nội. Hắn vẫn ăn mặc tươm tất, đầu chải ướt và vẫn không vào Đảng được.
Ngày 20.5.1974, tôi nhận được thư của Nguyễn Đình Nghĩa đề ngày 14.05.1974 ở Lệ Kỳ, Quảng Bình. Nghĩa báo tin cho tôi biết người anh bạn con dì của tôi là Lê Văn Sắc vẫn còn sống. Tôi mừng vô cùng. Lâu nay bạn bè chúng tôi vẫn nghĩ là Lê Văn Sắc đã chết ở Phú Vang lúc rút ra khỏi thành phố trong đợt tổng tấn công đầu xuân Mậu Thân 1968. Có người bảo là đã thấy Lê Văn Sắc ôm khẩu AK chết gục đầu trên giường ruộng. Thật ra lúc đó anh bị bắt và bị giam ở Phú Quốc. Sau hiệp định Paris, anh được trao trả và bây giờ đang an dưỡng ở T72, Sầm Sơn - Thanh Hóa. Lê Văn Sắc, Nguyễn Đình Nghĩa và tôi cùng thoát ly lên chiến khu 1 lần, 6-1965. Cuối năm 1966 trên đường đi công tác, Lê Văn Sắc lọt vào ổ phục kích của địch ở Châu Chữ - Nam Hòa, bị bắt và bị giam ở lao Thừa Phú. Đầu năm 1968, giải phóng nhà lao, ra tù chưa được một tháng, anh lại bị bắt. Nghĩa cùng bị bắt trong đợt này lúc trên đường rút lên xanh. Cả hai đều được trao trả cùng một lúc.
Sau khi trình bày với ông trưởng phòng và Bí thư chi bộ, tôi đến gặp ông Bí thư Đảng ủy trình dơn xin đi phép vào Sầm Sơn thăm người anh. Ông Bí thư Đảng ủy phê trong đơn: “Đồng ý. Đề nghị K100 cấp giấy phép cho anh Đính”. Ông Hý, trưởng K100, người Bình Định, nhìn tôi:
“Anh đi gì mà đến nửa tháng?”
“Tôi phải về Hà Nội hỏi thăm tin tức về anh tôi và đường đi đến T72”.
“Thôi được. Anh đi 10 ngày là đủ rồi”.
Sáng 22.5.1974, tôi về đến Hà Nội. Đây là lần thứ hai trong năm 1974 tôi về Hà Nội. Tôi loanh quanh ở Hà Nội hỏi thêm tin tức về Lê Văn Sắc và Nguyễn Đình Nghĩa cho đích xác. Ngày 27.5.1974 tôi về Sầm Sơn. T72 là nơi đón tiếp những người được trao trả từ Phú Quốc. Sau thời gian bồi dưỡng sức khỏe, học tập chính trị, những người này sẽ được phân loại để sắp xếp công tác. Nhà cửa ở đây làm theo kiểu lán trại dã chiến, tranh tre lá nứa. Chung quanh không có cây cối, nhưng vì sát bờ biển nên rất thoáng mát. Cuộc gặp gỡ không ngờ giữa anh em bạn bè chúng tôi quá xúc động. Có thằng mình không ngờ lại gặp được ở đây. Thằng Nghĩa, anh em trong xóm gọi là Chó Chữ (lúc nhỏ tên Chó, con bác Chữ) bị Mỹ bắn què chân, bây giờ phải đi cà niễng, ôm vật tôi trên sạp tre, chảy nước mắt. Ông anh bạn con dì tôi, mới trên dưới 35 tuổi mà tóc bạc trắng, má tóp, răng hư, người gầy như que củi. Những cuộc tra tấn và những ngày biệt giam ở Phú Quốc đã làm cho con người anh ta như thế. Thằng Nguyễn Đình Nghĩa có khá hơn, còn sức, nhưng cũng đã đừ ra rồi. Rồi cùng với những anh chị em mới quen biết khác, chúng tôi quây quần nói chuyện, chuyện cũ, chuyện mới, lúc buồn có người khóc, lúc vui chùi nước mắt cười to tiếng. Ba bốn cô gái ngồi đó, cô nào cũng ốm tóp, xanh xao, đôi mắt cũng chưa hết vẻ thất thần. Mấy cô nói: “Có ở tù như bọn em đây mới hiểu được nhau. Nói thật, bọn con gái chúng em chẳng có đứa nào còn tốt lành hết. Như em thì cũng bị mấy chục thằng. Thân tàn ma dại hết rồi. Đứa nào bây giờ cũng bịnh. Bọn con gái phục vụ ở đây không dám đi chung nhà tiêu với tụi em. Bọn hắn sợ lây. Nói vô duyên chớ, sau này ai mà thèm lấy bọn em”. “Thôi tù lấy tù cho rồi”. “Chưa chắc”.
Anh Sắc cho tôi biết là người em ruột của anh tên là Lê Văn Tư cũng đã chết. “Ra khỏi nhà lao, tao về nhà kéo thằng Tư đi theo. Trên đường rút lên núi, lúc lội qua sông ở Hà Trữ - Vinh Thái, thằng Tư bị trực thăng bắn chết, tìm không ra xác”.
Tôi ở Sầm Sơn được năm, sáu ngày. Đáng lẽ tôi ở thêm vài ngày nữa, nhưng một đợt học tập, kiểm điểm ở đây sắp bắt đầu. Trong thời gian học tập, mọi người phải hạn chế việc tiếp khách và không được ra khỏi trại. Anh Sắc bảo tôi: Khoảng 1 tháng nữa, học tập xong, anh sẽ ra Hà Nội.
Từ đó, 1 vài tháng tôi lại về Hà Nội. Chị Trai và anh Doãn Triều cho tôi biết là Ban Thống Nhất không đồng ý cho tôi về Trại sáng tác B ở Hà Nội. Anh Triều nói: “Chỉ có cách về Trại sáng tác B mới cứu được mầy. Mầy còn ở các K điều dưỡng thì có ngày khô xương”. Chị Trai nói: “Mình sợ cậu sẽ điên mất”.
Khoảng tháng 6, 7, Thái Ngọc San lên Phú Thọ gặp tôi. Một buổi sáng, khoảng 5 giờ, lúc đó trong phòng mới có 1 vài người dậy, tôi đang ngồi uống nước với anh Bính, thằng San lù lù bước vào. Mi mò cách răng mà lên đến đây? Tao lên Hương Canh, nhưng đến Hương Canh nghĩ lui nghĩ tới tao ngồi luôn trên tàu, đi thẳng lên đây. Thằng San ở chơi với tôi gần một tuần.
Tôi ở Phú Thọ thêm một mùa xuân, một mùa hè, một mùa thu và một mùa đông nữa. Trong trí nhớ của tôi, chỉ còn những hình ảnh về mùa hè và mùa đông ở đây là rõ ràng. Tôi nhớ lẫn lộn bầu trời, cây cối giữa mùa thu và mùa đông. Còn mùa xuân thì hầu như tôi không nhớ gì hết. Tôi ghi trong cuốn sổ lịch.
Ngày 14.10.1974
Buổi sáng mùa đông đầu tiên ở Phú Thọ, gió dư của cơn bảo số 8 đang rớt ngoài vịnh Bắc Bộ. Lạnh trong con mắt, nơi vết loét cũ của dạ dày tôi rồi. Những buổi sáng mùa đông ở Vỹ Dạ, trời lạnh và cây cối khô ráo; những hàng sầu đông rất buồn.
Ngoài a-trô-pin ra tôi không còn một thứ thuốc dạ dày nào khác.
Trong tình cảnh của tôi lúc này tôi chẳng viết gì được. Kinh khủng nhất là tôi không nghĩ tới chuyện làm thơ. Tại sao lúc đó tôi không nghĩ cách viết lén lút, rồi nhờ bạn bè cất giấu. Tôi mệt mỏi. Tôi không làm thơ, tôi không viết nhật ký, tôi chỉ ghi chép lúc đọc sách. Tôi cứ sợ nếu sau này tôi có cơ hội viết thì biết đâu tôi đã rã rời rồi. Óc não tôi đã lỏng ra. Những tư tưởng, suy nghĩ của tôi không biến được thành chữ nghĩa. Tôi bị dồn nén, tôi quẫn trí, tôi quanh quẩn với mình. Dạ dày tôi cứ rỉ máu, những cơn đau lên ngực, thốn thấu não. Lửa bốc trong đầu tôi. Tôi rã rời. Tôi điên rồi. Nhiều khi tôi muốn hét lên một tiếng thật to rồi hộc ra một đống máu. Quá tức, tôi là một thằng tù không bị giam trong ngục và những người chung quanh không bao giờ thả tôi ra.
Trần Vàng Sao
Tôi bị bắt
Chương III
Về Hà Nội
Tháng 17.01.1975, ông Thụ, Bí thư chi bộ gác tôi ở bảo tôi xuống văn phòng lãnh đạo K để làm việc. Không biết có chuyện gì đây? Tôi nói với anh Bính: Chắc tôi sắp chuyển đi đâu đây. Anh Bính nói: tôi mong mọi việc đều tốt lành cho anh.
Tôi xuống văn phòng. Ông Hý, trưởng K100 và ông Bí thư Đảng ủy khối bệnh nhân đã ngồi đó. Ông Hý nói:
“Có lệnh chuyển anh về Cục”.
Ông đưa cho tôi 1 tờ giấy. Đó là công văn số 104CB/CĐ ngày 15.1.1975 của Cục đón tiếp cán bộ B do ông Phan Văn Thuận, Cục phó, ký điều tôi về Cục, không nói để làm gì.
Ông Hý nói:
“Anh chuẩn bị đồ đạc khi nào có xe về Hà Nội chúng tôi báo. Về đó anh sẽ biết lý do”.
Tôi đoán là anh Triều và chị Trai vận động cho tôi về Hà Nội đây.
Hai ngày sau, người ta báo cho tôi hiện nay K không có xe về Hà Nội, do đó tôi phải đi tự túc, tiền tàu xe Cục sẽ thanh toán. Tôi biết ngày hôm trước có một chuyến xe đưa mấy ông lãnh đạo ở đây về Hà Nội họp nhưng họ không muốn cho tôi đi cùng với họ. Nhân cô Thu và cô Đào về Hà Nội, tôi nhờ hai người mang vác đồ đạc giùm. Trước khi đi tôi tặng anh Bính cuốn Tự do của Roger Garaudy. Đưa tôi ra ga, anh Bính nói: “Mong anh đi một nơi nào khác không phải là một K điều dưỡng. Bọn mình sẽ gặp nhau, tôi sẽ vào Nam lại”.
Ngày 21.1.1975 tôi về đến Hà Nội, vất vả nhất là bọn tôi phải ôm đồ đạc từ ga Hàng Cỏ đến chợ Đồng Xuân để lên tàu điện về trường Chu văn An (?) rồi từ đó đi bộ qua 11A Hoàng Hoa Thám.
11A Hoàng Hoa Thám - Cục đón tiếp cán bộ B, cái cổng mở toác hoác, đường qua cổng không có bực cấp mà chỉ là một cái dốc chuồi xuống. Tôi quá ớn và quá chán cái chỗ này rồi. Tôi vào gặp ông Phan Văn Thuận, Cục phó.
“Anh mới về à? Mấy bữa ni tôi chờ anh. Thôi thế là tốt rồi”.
Ông Thuận cho tôi biết là Tiểu ban văn nghệ miền Nam thuộc Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam xin tôi về Trại sáng tác B và các anh trên đã đồng ý. Ông Thuận bảo:
“Tôi sẽ báo cho anh Doãn Triều và chị Ngọc Trai biết. Anh cứ ở lại đây. Cứ thong thả. Anh muốn đi đâu cũng được. Giấy tờ chuyển anh về đã xong hết. Đây, anh cầm lấy”.
Tôi ra chỗ hội trường là nơi tạm nghỉ báo cho Thu và Đào biết. Đào nói:
“Bọn em mừng cho anh”.
Tôi cười, chắc là tôi còn nhiều gian nan nữa. Đào bảo Thu ở lại giúp tôi sắp xếp lại đồ đạc một chút, Đào có việc phải đi.
Trưa đó cả chị Trai và anh Doãn Triều đến.
“Cảm ơn anh Triều và chị Trai vô cùng”.
Chị Trai nói:
“Điều quan trọng là cậu phải về với bọn mình cái đã. Sau đó thì thế nào hẵng hay”.
Anh Triều:
“Chỉ có cách đưa mầy về đây mới cứu được mầy. Mầy ở đây nghỉ. Sáng mai tao lấy ô tô đưa mầy về. Mầy sẽ để đồ đạc ở nhà bà Trai. Mọi việc sẽ sắp xếp sau”.
Tôi nói:
“Ngày mai tôi sẽ mang đồ đạc đến nhà chị Trai. Tôi sẽ nhờ bọn thằng Ngô”.
Chiều hôm đó, tôi đến 56 Quán Sứ gặp thằng Ngô. Sáng hôm sau hằn với thằng Tình xuống 11A Hoàng Hoa Thám, chở đồ đạc của tôi về nhà chị Trai ở 6 Lý Thường Kiệt. Thấy tôi, thằng Ngô cười:
“Răng rứa mi? Tụi hắn buông tha giả dớm mi rồi à? Thoát được, ở gần với bọn tao là vui rồi. Dù sao thì cũng đỡ khổ”.
Thằng Tình nói:
“Theo bà Trai thì mi coi như công tác A, nhưng vẫn hưởng chế độ B”.
Thằng Ngô:
“Tức là Ban Thống nhất với cái Cục đón tiếp vẫn quản lý mi”.
Tôi cười:
“Tao đã được thả ra đâu. Đời nào tụi nó chịu buông tha tao”.
Buổi trưa hôm đó, thằng Ngô, thằng Tình và tôi ăn cơm ở nhà chị Trai. Tôi nói với chị Trai trong lúc chờ đợi sắp xếp việc làm, tôi ở chơi với bọn thằng Tình. Mới đầu anh Triều và chị Trai định đưa tôi ở một căn phòng nào đó của một đoàn văn công, nhưng đoàn này đi diễn xa chưa về. Sau đó, chị Trai bảo tôi tạm thời ngủ tại phòng làm việc của Tiểu ban văn nghệ miền Nam ở 51 Trần Hưng Đạo. Nhưng ở đó việc đi lại hơi vất vả, đi chơi khuya về kêu cửa rất khó, mà bạn bè đến gặp cũng quá phiền. Cuối cùng anh Triều và chị Trai đưa tôi về ở nhờ nhà anh Châu Đình Du trong khu tập thể bên ngoài phòng triển lãm Vân Hồ. Ngày 27.01.1975 tôi về nhà anh Du. Anh Châu Đình Du, người Huế là một nhà điêu khắc nổi tiếng ở Hà Nội. Vợ anh là người Hà Nội. Vợ chồng anh có hai đứa con gái còn bé và một đứa con trai đang ăn bột. Nhà anh chật. Anh cho tôi mượn cái ghế bố kê ở lối ra vào cạnh cái bàn tiếp khách nhỏ làm chỗ ngủ. Anh chị Du đi làm suốt ngày. Cả hai vợ chồng đối đãi với tôi rất tốt. Nói là ở trại sáng tác B, nhưng thật ra tôi cũng chẳng biết mặt mũi cái Trại sáng tác này như thế nào. Tôi biết anh Triều và bà Trai tạo điều kiện cho tôi về Hà Nội, thoát khỏi cái cảnh tù túng lâu nay của tôi. Công việc của tôi được giao là tìm đọc những bài viết về văn học và triết học ở miền Nam trên sách báo miền Bắc và ghi lại những nhận xét của mình.
Ông Bảo Định Giang, Ủy viên thường trực Đảng đoàn Văn nghệ, bảo tôi:
“Chúng tôi đã tìm cách đưa anh về đây. Anh còn ở các K viện miền Nam là anh còn bị hành hạ, cho đến khi nào anh phẳng như tờ giấy... thế này”.
Ông đưa bàn tay xa xa trên mặt bàn.
“Chị Trai và anh Triều sẽ sắp xếp công việc của anh. Nếu có ai hỏi anh về đây làm gì, anh cứ bảo là hỏi chúng tôi. Chúng tôi là người chịu trách nhiệm về công việc của anh”.
Chị Trai nói:
“Nếu họ biết công việc của cậu, họ sẽ phản đối và gây khó khăn cho cậu”.
Tôi ăn cơm ở nhà ăn tập thể của Hội nhà văn, 49 Trần Hưng Đạo. Mọi tiêu chuẩn, chế độ ăn uống do Cục đón tiếp cán bộ B chịu. Tôi vẫn hưởng chế độ B, một tháng 21 đồng tiêu vặt. Hàng ngày thỉnh thoảng tôi đến tiểu ban văn nghệ miền Nam nói chuyện, mượn sách. Không vào thư viện, gặp lúc bọn thằng Ngô rảnh tôi đi chơi với chúng. Lâu lâu tôi về Hà Đông gặp thằng Lê Ích Đề (lúc này Lê Ích Đề đã ra công tác A, làm việc ở Ty giáo dục Hà Tây). Nơi tôi hay đến ngoài bọn thằng Tình, thằng Ngô là nhà bà Trai và nhà anh Triều. Nhà anh Doãn Triều ở phố Bà Triệu gần nhà anh Châu Đình Du, tối tối tôi hay sang uống nước nói chuyện. Tôi với thằng Ngô cũng hay ghé nhà Nguyễn Xuân Thâm ở Bà Triệu. Khi nào có hào, mấy đứa ra Cổ Tân hay các quán dọc đường uống bia hơi. Chen lấn bở hơi tai mới mua được mấy ly, đã thèm. Lúc này thằng Thái Ngọc San đi tham quan ở Hungary hay đi chữa bệnh ở Quế Lâm thì phải.
Tôi về Hà Nội gặp lúc các cơ quan làm việc thông tầm. Sáng nào tôi cũng dậy sớm đi bộ từ khu triển lãm Văn Hồ đến 51 Trần Hưng Đạo ăn cơm. Nhiều buổi sáng ăn không nổi, nhưng tôi không có cà mèn để bới nên buổi trưa đành chịu đói. Buổi chiều, có lúc đi chơi về trễ, nhà ăn đóng cửa, thấy cơm để trong tủ mà chịu. Vì làm việc thông tầm, nên mỗi khi đến thư viện, tôi mua một ổ mì nhỏ bán tự do, bốn hào, hoặc hai ba cái bánh rán, mỗi cái 2 hào để ăn trưa. Khi hết tiền thì nhịn.
Về Hà Nội tôi thoát được tình cảnh bị nhòm ngó của những người chung quanh. Ngoài những lúc đi chơi với bạn bè, tôi vẫn giữ thói quen đọc sách. Chỉ có về đêm tôi phải đi ngủ sớm để tránh gây phiền hà cho vợ chồng anh Châu Đình Du. Đó là điều cực khổ của tôi. Và, tôi viết, tôi làm thơ. Tôi muốn đọc lại những gì tôi viết, nhưng tôi không còn một cái gì hết, thơ tôi đã bị tịch thu. Tôi chỉ còn lại một bài duy nhất, bài “Chiến tranh nhân dân và đồng chí” chép trên tờ giấy croquis. Sau những ngày bị khảo tra ở K65, tình cờ tôi nhặt được tờ giấy đã bị vò nhàu này trong góc phòng dưới giường thằng Nguyễn Viết Trác. Lúc nhìn thấy bài thơ này tôi xúc động, như thể lâu nay mình đánh mất mình bây giờ tìm thấy mình. Tôi viết, tay tôi chưa cứng. Tôi viết, lâu quá, lâu quá, máu óc, tinh thần tôi không ra chữ được. Tôi phải bình tĩnh. Tay tôi chưa cứng, nhưng óc não và miệng lưỡi lâu nay bị nén lại, tôi chưa lấy được đà. Tôi ghi ở đầu 1 cuốn sổ tay:
Có một lúc lâu tôi không nhớ mình ra ngoài đường gặp ai tôi cũng ngó cứ vác mặt đứng như người lạ không biết đi đâu không biết đi đâu.
Ở Hà Nội những ngày này tôi mang cái tâm trạng đó.
Không có điều chi buồn
không có điều chi vui
không mệt mỏi
không chán
không no
không bình thường
không quá độ
không biết mình đang đi đang ngồi đang nói đang thở
tôi không là gì hết.
(26.2.1975)
Tôi muốn được yên ổn. Những cơn dạ dày thỉnh thoảng lại hành hạ tôi toát mồ hôi. Tôi uống Atropine, trước 1 ống, bây giờ phải 2 ống mỗi khi đau. Loáng thoáng một hai lần tôi thấy một người tên Sung trên 40 tuổi thường đội mũ cát dạ màu đen ở 51 Trần Hưng Đạo. Có lần thấy tôi ở trong đi ra, hắn đứng phía ngoài đường một bên cửa hông ra vào ngó chăm hăm tôi. Tôi nhìn hắn như hắn là ai. Anh Triều nói: “Thằng Sung hỏi tao: hiện nay mày làm gì? Hắn nói với giọng dọa dẫm. Tôi báo cho các anh biết, Cục 78 vẫn theo dõi thằng Đính đó. Tao bảo hắn, việc của các anh các anh cứ làm”. Tôi nói với anh Triều và chị Trai: “Tôi chẳng sợ gì cả. Đằng nào thì tôi cũng bị đối xử như một con vật rồi. Tôi phải sống để gặp mẹ tôi”.
Từ những ngày đầu tháng 3, sau khi quân giải phóng đánh chiếm Buôn Mê Thuột, ngày nào ở Tiểu ban Văn nghệ miền Nam cũng đông người. Các văn nghệ sĩ tấp nập đến đây để xin vào Nam, trong số này có những người mới ở chiến trường ra chữa bệnh hoặc an dưỡng. Mặt mày ai cũng hớn hở. Người nào cũng nói tiếng to và cười luôn miệng, chuyện nói là xoay quanh của cải, vật chất ở các đô thị miền Nam, vùng hiện bị địch tạm chiếm.
Những ngày tháng 3 này chúng tôi thường gặp nhau ở nhà chị Trai, nhà anh Triều, ở quán cà phê hầm Trần Hưng Đạo. Sau ngày 26.3.1975, ngày Huế được giải phóng, chúng tôi gặp nhau hầu như hàng ngày. Lúc này San, Quê đang tập trung ở K10 chuẩn bị vào Huế, nhưng thường xuyên có mặt ở Hà Nội.
Những ngày này Hà Nội ồn ào. Ở 51 Trần Hưng Đạo, người ta xúm bên cái radio bán dẫn, chúi đầu, chổng tai, la hét, nghiến răng, vỗ tay, hoan hô, chửi đổng. Người ta sướng, người ta nhảy, người ta cười. Có được một miền Nam Mỹ ngụy để lại là miền Bắc có thêm của cải vật chất. Các văn nghệ sĩ háo hức muốn vào Nam ngay để viết, vẽ, làm thơ, làm nhạc. Miền Nam sẽ có nhiều đề tài, miền Nam sẽ là chất men để sáng tạo.
Lúc đó tôi ghi: ngày 23.3.1975, BBC nói: “Huế gần như trống không, không chợ búa”.
Huế, im và câm.
Thành phố: nhà, tường và ngói, những phết sơn bất động
đường cứ dài, mất và đứt ở đầu xa
người chạy trốn vội vã;
người ở lại: những con mắt sau khe cửa - những cái tròng giả
im lặng, câm chờ
những cái đầu quay lại
những con mắt quay lại, không có nước mắt
thù ghét
căm giận
tủi hờn
nhục nhã
hy vọng
chết
ngục
không khóc
không cười
không la hét
Cách mạng
Chiến thắng.
Ngày 28.3.1975, trong buổi phát thanh 21 giờ 30, đài tiếng nói Việt Nam đưa tin: 3000 người ở Thừa Thiên theo nhau lên tàu chạy trốn, tàu chìm, chết hết. Tin loan theo các hãng thông tấn phương Tây. Cô phát thanh viên khi đọc tin này, giọng tàn nhẫn. Cô cố nhấn mạnh con số 3000 nhằm tố cáo tội ác của Mỹ ngụy, nhưng lạnh quá, tàn nhẫn quá. Nghe tin này, một nhà thơ nổi tiếng lâu nay buột miệng: “Đồ ngu”.
Thời gian này, cán bộ miền Nam ở các viện điều dưỡng lục tục tập trung về K15, K10 chuẩn bị vào Nam. Khoảng đầu tháng 4, Thái Ngọc San, Võ Quê vào Huế. San gửi thư ra cho tôi báo là có về nhà tôi và đã gặp mẹ tôi. San nói là tôi phải tìm cách mà vào, trong này (Huế) không có vấn đề gì nghiêm trọng đối với trường hợp của tôi. Đúng lúc đó, một số cán bộ văn nghệ của Thừa Thiên Huế ra Bắc chữa bệnh và dưỡng sức hiện ở trại sáng tác B đang làm thủ tục vào Nam. Nhân đó, anh Doãn Triều thảo một công văn [1] gửi Ban Thống nhất trung ương và Cục đón tiếp cán bộ B xin cho tôi đi cùng với những người này. Tôi cầm công văn lên Cục đón tiếp cán bộ B gặp ông Phan Văn Thuận, Cục phó và ông Hai [2]. Hai ông đồng ý. Đầu tháng 4.1975, tôi cùng một lần với những anh em quen biết là Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đệ được chuyển về K15 ở thị xã Hà Đông để bồi dưỡng và chờ ngày vào Huế. Đến K15 vài ngày, tôi sang Ty Giáo dục Hà Tây bảo thằng Lê Ích Đề lên Cục xin vào Nam ngay. Cục đón tiếp đồng ý và hắn về K15 ở cùng phòng với tôi.
Những ngày chờ đợi ở K15 thỉnh thoảng tôi về Hà Nội kiếm thêm một ít sách để vào Huế tặng bạn bè. Ngày đi chưa biết, nhưng có thể đi bằng máy bay. Nếu đi máy bay mỗi người ngoài ba lô, túi sách tay, có thể mang theo thêm 20 kg nữa. Ngoài những thứ cần dùng lúc đi đường tôi bỏ vào ba lô, còn toàn bộ là sách. Tôi đựng sách trong một cái bao lớn và lấy một cái ba lô cũ cắt hết quai và túi ngoài bỏ sách vào, thắt miệng lại, nặng, nhưng vẫn là túi xách.
Ngày 6.4.1975, ông Bảo Định Giang, Ủy viên thường trực Đảng đoàn văn nghệ gửi công văn cho Cục đón tiếp cán bộ B và K15 đề nghị “sắp xếp cho tôi, Tô Nhuận Vỹ, Quang Hà, Nguyễn Đệ được vào Huế gấp trong đợt đầu tiên vào ngày 18.4.1975” để kịp triển khai công tác. Anh Triều và chị Trai sợ có những trắc trở bất lợi cho tôi nếu ở K15 dài ngày. Nhưng rồi đợt đó chúng tôi không đi được.
Khoảng sau ngày 20.4, tôi về Cục đón tiếp nhận sinh hoạt phí. Tôi gặp ông Hai.
“Anh cho tôi nhận quyết định sinh hoạt phí để lãnh tiền”.
Ông Hai nhìn tôi ngậm ngự một lát, kéo hộc bàn rồi đóng lại, nói:
“Chiều, chiều hai giờ cậu lại đây”.
“Người nào cũng nhận tiền lâu rồi mà tôi vẫn chưa có”.
Ông Hai:
“Ờ, ờ, thì chiều, chiều...”
Chiều tôi đến. Ông Hai nói:
“Quyết định sinh hoạt phí của mi có lâu rồi, vẫn là quyết định cũ, 50 đồng. Với mức lương này khi vào Huế sẽ không có lợi cho mi cả về mặt chính trị và về việc xếp lương cho mi sau này. Ông Bảo Định Giang có gửi công văn đề nghị xếp cho mi 68 đồng trước khi vào Nam. Nhưng Ban thống nhất không đồng ý. Mấy lần tao định đưa quyết định cho mi, nhưng nghĩ cũng tội mi. Tao nghĩ thôi mi cứ vô Huế đi, không cần quyết định nữa, sau răng đó hãy hay. Nhưng không có quyết định thì mi không có tiền đi đường. Thôi, tao cứ đưa cho mi, ít ra mi cũng có được vài chục”.
Ông Hai đưa cho tôi bản sao Quyết định số 1097/QĐ của Ủy ban thống nhất do Phó chủ nhiệm Phan Triêm ký ngày 31.12.1974 (Bản sao do Cục phó Võ Công Nghị ký ngày 1.1.1975). Vẫn là Quyết định cũ, xếp tôi 50 đồng sinh hoạt phí.
Sáng 28.4.1975, đoàn đi Nam được thông báo: 10 giờ sáng 30.4.1975, đoàn sẽ lên đường tại sân bay Gia Lâm. Máy bay sẽ hạ cánh tại sân bay Phú Bài, Huế. Sau đó, các đoàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... sẽ đi đến địa phương của mình bằng ô-tô. Để tránh bị tắc đường ở cầu Long Biên, 3 giờ sáng ngày 30.4, đoàn sẽ xuất phát.
Ngày 29.4.1975, 17 giờ 20, còn 10 phút nữa là hết giờ làm việc, một ông bước nhanh vào phòng tôi ở, qua khỏi cửa dừng lại, ngó quanh. Đó là ông trưởng đoàn của đoàn Thừa Thiên. Thấy tôi, ông ta bước thêm ít bước nữa. Ông ta chỉ tay vào mặt tôi:
“Ngày mai anh ở lại, anh không đi nữa. Có lệnh đình chỉ chuyến đi Nam của anh”.
Tôi hỏi ngay:
“Vì sao?”
“Tôi không biết, đó là lệnh trên. Tên anh đã bị gạch trong danh sách của đoàn”.
Hết giờ làm việc rồi. Tôi có chạy đi kêu cứu ở Hà Nội cũng không kịp. Mấy thằng Vỹ, Hà, Đệ nhìn tôi chỉ “ủa” một tiếng. Tôi lên văn phòng. Văn phòng K đóng cửa. Văn phòng Đảng ủy cũng đóng cửa. Tôi xuống nhà ăn, chỉ có mấy người phục vụ đang dọn dẹp. Tôi quay lại văn phòng, cũng không có ai. Tôi hỏi một người làm việc trong K tình cờ đi qua. Cô ta bảo: Các ông về nhà hết. Vô ích, chẳng được gì đâu. Tôi trở về phòng. Thằng Phương, phóng viên quay phim mới tập trung để di chuyển sau, nói:
“Tôi biết trước rồi là ông Đính không được đi. Trưa nay, đến văn phòng Đảng ủy có việc, tình cờ tôi nghe mấy ông nói với nhau rồi”.
Mấy thằng Vỹ, thằng Hà, thằng Đệ, đứa nào cũng: “tại sao thế?”, “vì sao nhỉ”, “sao lại có chuyện này?”... chẳng có đứa nào bận tâm thêm nữa, đứa nào cũng lo sắp xếp đồ đạc để sáng mai đi sớm.
Ba giờ sáng ngày 30.4.1975, tôi đưa mấy đứa ra xe. Xe chạy, có đứa nói với: “Ở lại mạnh khỏe nghe!”.
Tổ cha bây.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 30.4, một vài người mang vác ba lô, đồ đạc vào phòng. Người chỉ dẫn, nhân viên của K15, bảo tôi:
“Anh mang đồ đạc đi nơi khác, để chỗ này cho người khác nằm”.
“Đi nơi khác là đi chỗ nào?” Tôi sấn lại trước mặt anh ta.
“Tôi không biết”.
Tôi không nói thêm với hắn nữa. Tôi lên văn phòng. Ông Thiệt, trưởng K đang đứng trước cửa ra vào. Tôi hỏi liền:
“Tại sao các anh lại không cho tôi đi?”
Ông ta nói:
“Tôi không biết, đó là lệnh trên”.
“Thế bây giờ tôi ăn ở ở đâu?”
“Chúng tôi xem như anh đã vào Nam. Anh không có tên ở K15 nữa. Chúng tôi không có trách nhiệm gì về anh hết”.
Tôi tức tối:
“Ông nói cái gì lạ thế?”
Ông ta khiểng cái chân gỗ quay vào phòng:
“Anh lên Ban thống nhất mà hỏi”.
Tôi về phòng thì thấy ba lô đồ đạc của tôi đã dồn đống trong góc dưới sàn nhà. Một thằng cha nào đó ló mặt vào:
“Anh Đính lên phòng làm việc”.
Hắn đưa tôi đến văn phòng Đảng ủy. Một ông mặt to, người béo ngồi sẵn sàng ở đó. Tôi biết rồi, ông ta là ủy viên thường vụ Đảng ủy phụ trách tổ chức. Ông ta nói giọng Quảng Nam.
“Anh ngồi xuống đó. Tôi báo cho anh biết hiện nay anh không được ở đây nữa. Chúng tôi coi anh như đã vào Nam”.
Tôi nói to:
“Tôi không nói với anh. Tôi không cần phải gặp anh. Anh không có quyền gọi tôi đến đây”.
Ông đứng dậy:
“Tại sao tôi lại không có quyền. Tôi là trưởng ban tổ chức, anh nên nhớ như vậy”.
Tôi cười:
“Anh là trưởng ban tổ chức của Đảng, mắc mớ gì đến tôi”.
Tôi bỏ đi ra ngoài. Ông ta nói giọng giận dữ:
“Tôi biết anh là ai rồi?”
Tôi quay lại, đứng trước bàn, chỉ tay vào mặt ông ta:
“Tôi là ai, anh nói nghe nào? anh dọa tôi hả?”
Ông ta hừ hừ. Tôi bỏ đi ra. Về phòng, tôi mang đồ đạc gửi cho Hoàng Thị Thọ ở một dãy nhà gần đó. Thọ ở Huế vừa mới ra, chuẩn bị đi học một lớp gì đó. Tôi về Hà Nội. Chị Trai, anh Triều thấy tôi thì chưng hửng. Anh Triều nói:
“Mấy thằng cha ở K15 chơi mầy đó. Tụi nó ghét mầy”.
Chị Trai lắc đầu:
“Tụi thằng Vỹ, thằng Hà, thằng Đệ quá tệ, chẳng có phản ứng gì cả. Nếu mầy ở K10 mà bị như thế, thằng San, thằng Quê cũng bỏ ba lô xuống không đi, đấu tranh cho kỳ được”.
2 giờ chiều tôi xuống Cục đón tiếp, nhưng không gặp ông Thuận. Tôi ghé qua thằng Ngô. Thằng Tình và thằng Ngô thấy tôi cũng ngã ngửa ra.
“Tưởng bở, cứ tưởng bở!”
“Nguyễn Đính đi Nam, đánh dấu than một cái! A ha!”
Thằng Ngô lắc đầu:
“Tụi hắn chơi quá hiểm mi hí. Kêu trời không thấu”.
Chiều, tôi đến nhà ông Thuận. Ông Thuận nói:
“Đây là do mấy cha ở K15 tự tiện không cho mi đi. Tao có biết gì đâu. Nếu biết sớm thì có thể can thiệp được”.
“Gần hết giờ làm việc họ mới báo cho tôi biết”.
Ông Thuận chắc lưỡi:
“Tao sẽ tìm cách đưa mi về Huế”.
Ngày 9 hay 10.5.1975 tôi về K15 với giấy giới thiệu của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam:
Ban thường vụ Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam xin giới thiệu đồng chí Nguyễn Đính là cán bộ trại sáng tác B đến K15 hỏi ngày và phương tiện đi lại. Nếu K15 không giải quyết được phương tiện xin cho biết lý do và trả lời bằng công văn. Yêu cầu các đồng chí giúp đỡ đồng chí Đính làm tròn nhiệm vụ.
Hà Nội, ngày 8.5.1975
TL Ban TV Hội LHVHNT VN
Nguyễn Xuân Bàng
Ông Thiệt, trưởng K15, nói:
“Tôi đã nói với anh rồi. Chúng tôi không có trách nhiệm gì với anh nữa. Anh lên Ban thống nhất mà hỏi”.
Hai ngày sau, tôi đi với chị Trai về K15. Chị Trai vào gặp ông Thiệt. Chị kể:
“Mình báo cho ông ta biết rằng, chính ông và ban lãnh đạo K15 đã tự tiện không cho cậu đi. Cục đón tiếp và Ban Thống nhất không biết gì về chuyện này. Mình nói, không cho đi, các anh cũng không nói lý do tại sao. Đã không cho đi, các anh lại không cho người ta ăn ở. Thế bây giờ anh Đính sẽ sống như thế nào? Mình làm một trận thật dữ. Nếu các anh cho thằng Đính là phản động, các anh cứ bắn chết nó đi. Các anh đừng hành hạ người ta như thế”.
Tôi về Hà Nội để đồ đạc ở nhà chị Trai, sống lang thang với thằng Ngô. Thỉnh thoảng tôi đến nhà chị Trai, anh Triều, tạt qua nhà Nguyễn Xuân Thâm ăn cơm, ngủ.
Kệ cha mệ nội, có ra sao thì ra. Tôi cũng chẳng ngọ ngoạy gì được. Tôi thường ăn cơm với thằng Ngô, những bữa cơm tồi tàn, dộng vào cho đầy bụng, rồi ra khỏi nhà ăn, vác mặt ngó cây cối Hà Nội lá xanh màu ngọc. Những bữa cơm tập thể, những bữa cơm làm tê liệt sức phản kháng, chống đối. Thần kinh, sinh lý đều mỏi mệt, lỏng ra hết cả, tê ra hết cả. Ăn cho có ăn, nói là đã ăn. Đến nhà ăn, không nhìn ai, không hỏi ai, chìa phiếu lấy phần, cái muỗng trong túi, cúi mặt ăn, nuốt, nghỉ một lát, ngó mặt vào khoảng không, xọc xọc cái muỗng vào cái tô men, rau, đậu phụ, su hào, bắp cải, magi, ngậm miệng lại nuốt những thứ còn lại trong miệng, rồi cúi đầu, xúc, ăn. Rồi một bữa, đã ăn rồi. Ra vòi nước, rửa muỗng bỏ vào túi áo, túi xách. Về phòng nằm một chút, đi làm. Sáng, trưa, chiều lại như thế.
Ăn cơm với thằng Ngô cũng kẹt. Hắn có tiêu chuẩn. Tôi thì chẳng còn mấy đồng, lại không có tem gạo. Nhiều bữa tôi lang thang ngoài phố, buổi sáng ăn một bát mì nước hai hào, no. Thằng Ngô nói: mi liệu thế nào, chứ sống thế này thì ăn ở ra sao đây. Tôi làm thinh. Thằng Ngô thường đưa tôi đến nhà bà Thúy Hà ở khu tập thể của Công ty quốc doanh phát hành phim nói chuyện chơi. Có lần bà Hà lục túi xách của thằng Ngô thấy có một ổ bánh mì, bà lắc đầu:
“Cái ông Ngô, ông Đính này, cứ bánh mì thế này thì sống sao nổi. Trưa nay hai ông ở lại đây ăn cơm. Tôi mới mua gạo đấy”. Bà mở nắp cái thùng thiếc để trên đầu giường:
“Đấy, gạo đấy. Các ông thấy chưa? Trưa nay tôi đãi hai ông ăn cơm, không độn đâu nha!”
Bà Hà nói chuyện rất vui, giọng bao giờ cũng dữ dằn, nóng nảy đầy vẻ chống đối.
Bà nói:
“Mấy thằng ở bên Tây về bao giờ cũng giở cái giọng dạy đời, động viên lên lớp bọn này. À, các anh các chị phải biết hãnh diện mình là những người Việt Nam được sống ngay trên đất nước mình vào thời đại này... Đủ thứ chuyện. Nói gì chúng nó cũng không chịu nghe, chịu hiểu. Chỉ khi về nhà bọn mình thấy những bữa ăn như thế này chúng nó lại tỏ ra ngơ ngác, chẳng hiểu gì cả”.
Bà quay sang chuyện khác:
“Bây giờ miền Nam của các ông đã được giải phóng rồi. Các ông vào sẽ thấy, những đám thanh niên nam nữ cứ ùa ra đường, nhảy cỡn lên, reo hò: ‘như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...’ và rồi sau này sẽ sáng mắt ra... như bọn này hồi năm tư”.
Tôi nhớ một lần quá tức cười và cũng quá cực cho tôi với thằng Ngô. Hôm đó hai đứa tôi đi chơi đến hơn 8 giờ tối mới về 6K, nơi ở và ăn tập thể của đài Giải phóng. Thằng Ngô nói:
“Tao có báo cơm cho mi rồi”.
Nhà ăn vắng và tối, ghế đã để lật ngửa lên bàn. Chỉ còn một ngọn đèn không sáng lắm và một cái bàn ăn có đậy lồng bàn trong góc phòng gần cửa ra vào nhà bếp. Tôi và thằng Ngô ngồi xuống. Thằng Ngô giở lồng bàn.
“Răng nhiều và ngon rứa mi?”
Thằng Ngô hất cái đầu lên ngúc ngúc:
“Hôm nay ăn tươi! Mi không biết à?”
Ăn tươi là ăn sướng và có thịt! Chừng được nửa bữa ăn, một bà ở sau bếp chạy lên. Tôi nghe tiếng cái cán chổi vất cạch xuống nền nhà. Bà ta nhảy dựng lên:
“Chết tôi rồi, ông Ngô ơi! Những 4 phần đấy, ông Ngô ơi! Làm sao bây giờ đây, ông Ngô ơi!” Thằng Ngô cũng sững ra. Hắn ngừng nhai, nhướng mắt lên:
“Tôi có biết đâu, cứ tưởng 2 phần. Sao bác không ghi lên bàn cho tôi biết. Thôi được, bọn tôi ăn lỡ rồi, để tôi đền sau”.
Bà ta cứ la lên:
“Đền, sao mà đền được. Bây giờ đêm hôm tôi đào đâu ra 2 suất thức ăn chứ? Mà hôm nay lại ăn tươi, mới chết tôi chứ!”
Hai đứa tôi cứ ăn, lỡ rồi. Về phòng thằng Ngô nói:
“Đã mi hí!”
“Quá no!”
Đầu tháng 5, chị Trai cho biết là sẽ có một đoàn cán bộ của Hội Văn nghệ Việt Nam đi vào Nam do nhạc sĩ Đỗ Nhuận làm trưởng đoàn. Ngày 5.5.1975, anh Doãn Triều đã viết thư cho ông Phan Văn Thuận nhờ ông nói với ông Hưng, Cục trưởng Cục đón tiếp xin ông Đặng Thí cấp cho tôi một giấy giới thiệu để tôi có thể đi phép với đoàn của Hội Văn nghệ. Tôi đã gặp ông Thuận hai ba lần. Ông nói:
“Ở đây người ta xem danh sách của mầy đã chuyển vào Huế trong chuyến đi ngày 30.4. Tao sẽ cố gắng giúp mi”.
Tôi đoán ông Thuận có cấn cái gì đây trong việc này. Không có đầy đủ giấy tờ, tôi khó đi được và vào Huế sẽ gặp nhiều rắc rối. Anh Triều nói:
“Tao đi khắp, cục trưởng, cục phó gì cũng bảo: giấy tờ của mầy đã chuyển về Huế. Tao đề nghị họ cho một công văn xác nhận điều đó, họ không làm”.
Ngày 19.5.1975, Đảng đoàn văn nghệ có gửi cho ông Phan Triêm, Phó chủ nhiệm Ủy ban thống nhất, một công văn như sau:
Kính gửi:
Đồng chí Phan Triêm
Ủy ban thống nhất của Chính phủ
Sau khi nghiên cứu thẩm tra trường hợp đồng chí Nguyễn Đính, chúng tôi xét thấy không có vấn đề gì quan trọng, đây chỉ là vấn đề cũ ở K như các đồng chí biết mà thôi.
Chúng tôi xét thấy có thể đưa đồng chí Đính trở về công tác ở Huế tùy theo sự phân công của địa phương. Vậy trân trọng đề nghị các đồng chí giải quyết thủ tục cho đồng chí Nguyễn Đính có thể kịp đi theo đường giao liên của đoàn cán bộ Hội Văn nghệ chuyến chiều ngày 21.5.75.
T.M Đảng đoàn Văn Nghệ
U.V Thường trực
Bảo Định Giang
Tôi lại đi gặp ông Thuận. Ông Thuận nói:
“Chịu. Tao cũng hết sức với mi đó. Mi cứ đi theo đoàn Văn nghệ. Miễn là mi đến Huế. Đính ơi, tao mong mi qua khỏi cầu Mỹ Chánh, qua khỏi cầu Mỹ Chánh là cứt hết, ỉa hết. Thôi mi đi mạnh giỏi”.
Chỉ có cách đi duồng với đoàn của Hội Văn nghệ, tôi mới vào Huế được. Chị Trai và anh Triều muốn làm cho tôi yên tâm. Mi cứ đi không can chi đâu.
Tối 20.5.1975, tôi ở lại nhà chị Trai. Thằng Tình, thằng Ngô thấy tôi cả hai đứa đều cười to:
“Được đi thiệt hả mi?”
Hai đứa nói chuyện với tôi tới khuya mới về.
“Thôi mai đi mạnh giỏi”.
Thằng Tình cho tôi 10 đồng, thằng Ngô cho 10 đồng. Thằng Xuân tới sau cùng cho 10 đồng. Sáng mai, chị Trai dúi vào tay tôi một xấp, có tới ba bốn chục. Lúc này tôi chẳng có đồng nào hết.
Sáng sớm 21.5, tôi ra 51 Trần Hưng Đạo. Khoảng 7 giờ một chiếc ô tô con đến, có 4, 5 người đã ngồi ở trong. Trong số này tôi có quen một vài người. Trưởng đoàn là ông Đỗ Nhuận không biết lý do gì không đi. Ông Chế Lan Viên đến tiễn anh em, thấy tôi, cười:
“Bà Trai, ông Triều tài thật. Thế là anh Đính đi được rồi”.
Thằng Ngô và thằng Tình lay hai vai tôi, cầu mong tôi đi trót lọt.
Anh Triều và chị Trai lên xe đưa đoàn đi. Khi chúng tôi đến Giáp Bát, một đoàn tàu quân sự đã đậu sẵn ở đó. Tàu sắp chạy, chị Trai bảo:
“Mình mong rằng trên đường đi mình không nhận được một cái điện nào ách cậu lại”.
Anh Triều trước khi xuống tàu bảo:
“Tao gửi lời thăm mạ”.
Rồi anh bỏ vào tay tôi một gói giấy nhỏ, tôi biết anh cho tôi tiền.
“Đến Huế là viết thư báo cho tụi mình biết ngay nghe”.
Tàu chạy. Mỗi lúc tôi mỗi xa dần Giáp Bát. Tôi xúc động. Người tôi như rung lên. Tôi bàng hoàng ngơ ngác. Tôi vui và tôi sợ, tôi lo. Không ai ở trong toa tàu cùng đi với tôi biết tâm trạng của tôi lúc này. Họ đang náo nức về một chuyến đi xa hoàn toàn kỳ lạ chưa từng có trong cuộc đời họ. Cả thảy là 17 người, họ là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, cán bộ giáo dục, văn hóa... Không có ai là người Huế, có một người quê ở miền Nam, nhưng sau năm 54 tập kết ra Bắc. Tôi có quen 1, 2 người, trong đó có anh Ngô Văn Phú một người làm thơ tiếng tăm ở Hà Nội. Suốt dọc đường đi tôi hay nói chuyện với Ngô Văn Phú. Quân số trong giấy tờ là 32, nhưng có lẽ những người kia vì biết chuyến đi này vất vả qua nhiều trạm bằng nhiều phương tiện khác nhau nên không đi.
Tàu chạy, tôi cứ không yên trong bụng. Tàu dừng ở một ga nào đó tôi nhấp nhỏm. Tôi chỉ có một giấy giới thiệu do ông Bảo Định Giang ký. Cứ mỗi lần tàu dừng, cứ mỗi lần có người đi qua tôi cứ phập phồng. Tôi sợ bị lôi cổ xuống. Nhưng suốt ngày hôm đó chỉ có một lần người kiểm soát vé xem giấy của đoàn. Đến Vinh, chúng tôi vào trạm nghỉ đợi xe. Chúng tôi được phân tán ở trong nhà dân. Người phụ trách trạm thông báo cho đoàn biết: tất cả đồ đạc, quân trang phải quân sự hóa để khi có xe là đi ngay; phải đề cao cảnh giác, coi chừng bọn trộm cắp, nhất là khi lên đường vào lúc tảng sáng; phải đề phòng kẻ gian có thể giả gây ra những đám cháy hoặc những vụ ẩu đả để thừa cơ dễ bề trộm cắp đấy.
Ngày đi càng kéo dài, càng qua nhiều trạm càng chờ đợi, tôi càng lo. Đang nằm đu đưa trên võng, một người ở trạm bước vào thông báo một điều gì đó, tôi giật mình. Đang ăn cơm, ông trạm trưởng đi ngang qua nhìn vào, tôi ngừng nhai, bỏ chén xuống. Biết đâu mình bị chận lại giữa đường. Ở một binh trạm cuối cùng, đoàn phải chờ hơn 2 ngày mới có xe. Lần này, vì không có xe lẻ, chúng tôi phải đi ghép theo một đoàn xe bộ đội chuyển quân. Xe chúng tôi đi không có mui trần và đi gần sau cùng. Chúng tôi ngồi bệt giữa sàn. Sắp qua cầu Bến Hải, cả đoàn xe dừng lại. Không biết có chuyện gì đây? Đây vẫn là miền Bắc, mình vẫn có thể bị bắt và buộc phải quay về Hà Nội. Một vài người đứng dậy nhìn ra trước. Tôi vẫn ngồi yên, lấy thuốc hút. Tin được chuyển từ xe chỉ huy dẫn đầu: qua miền Nam, đường tốt, không được chạy nhanh, phải giữ đúng cự ly. Xe qua cầu Bến Hải. Gió mát. Tôi đứng dậy nhìn chung quanh. Bên kia là miền Nam. Xe qua cầu, xuống dốc. Chạy một đoạn xe dừng lại. Hàng quán hai bên đã khác, màu sắc đã có xanh đỏ tím vàng, lủng lẳng cái treo, cái xếp chồng, trong tủ, trên sạp... Và lần đầu tiên tôi thấy những cô gái đội mũ mặc đồ bộ. Vài người trên xe nhảy xuống. Tôi bước vào một cái quán. Hàng hóa lạ mắt. Tôi hỏi mua một bao Bastos xanh. Biết tôi là ở miền Bắc vào bà bán hàng nói giá tiền Bắc, hình như 5 hào thì phải. Xe chạy. một người trên xe chỉ xuống đường.
“Kìa, xe hoong đa!”
Và cũng là lần đầu tiên tôi thấy một chiếc xe Honda.
Sắp qua hết Quảng Trị rồi. Đoạn đường này trong trí nhớ của tôi chỉ mơ hồ; thị xã Đông Hà loáng thoáng còn lại cờ và khẩu hiệu. Ở một đoạn trống hai bên nhà cửa thưa thớt mới dựng vội vã bằng gỗ, tôn, gót cũ chắp vá, một đoàn người mặc quần áo lính ngụy lếch thếch, người có mũ, người vấn khăn trên đầu, người đi giày, người đi dép, người nào cũng có một cái bọc nhỏ mang, xách trên lưng trên tay, rải rác bên cạnh là những anh bộ đội mang súng đi kèm. Tù binh. Đoàn người đi ngược chiều với xe chúng tôi, phía bên phải sát lề đường. Họ lầm lũi như những cái bóng màu đất đen, trước mặt là một vùng đất trống, cát và cây dại, không xa lắm là núi. Tôi cứ cố nhìn những cột cây số. Trời, cầu Mỹ Chánh, cầu Mỹ Chánh! Xe qua cầu rồi, xe qua cầu rồi! Tôi thoát thiệt rồi à? Tôi vui, tôi sướng, tôi hết phập phồng. Có bị lôi cổ xuống đây thì cũng cứt hết, chẳng có chi mà sợ nữa. Đã tới An Lỗ, bên kia là Sịa, nhất Huế nhì Sịa. Tôi mở bi đông ực một ngụm nước. Xe xóc, nước tràn cả mặt mũi, chảy xuống cổ. Tôi mát. Trường trung học Hương Điền rồi. Tôi thấy núi Kim Phụng, độn Ngang và dốc Kết Nghĩa mà dưới chân dốc này tháng 6.1966 tôi đã bị thương. Và cầu An Hòa, bên kia là đường xe lửa và ga An Hòa. Một tấm bảng to bằng xi măng đựng bên đường: ĐỊA PHẬN THÀNH PHỐ HUẾ, chữ trắng trên nền lục đậm.
“Đến Huế chưa?”
Tôi nói.
“Coi như đây là Huế rồi”.
Nắng, trời nắng như nắng to của những ngày tháng 11. Mây đục nên không chói. Tôi cứ tưởng là xe sẽ qua đường Trịnh Minh Thế rồi qua cầu Trường Tiền. Xe đi thẳng, qua cầu Giả Viên. Nước chảy dưới cầu, cứ xuôi nữa là Vỹ Dạ. Ông trưởng đoàn nói với lái xe đổ chúng tôi ở Ga Huế. “Biết rồi, tôi đã đi lại nhiều lần trên tuyến đường này”. Xe dừng lại. Chúng tôi vội vã xuống xe. Cảm ơn đồng chí lái xe. Có 2, 3 người đi thẳng về trạm Phú Bài để đi Quảng Nam. Tôi, ông Ngô Văn Phú và một người nữa đi bộ về 26 Lê Lợi để xin xe lên đón đoàn. Tôi đã ngửi được cái mùi của Huế. Quen mà lạ. Trong lòng tôi cứ lao xao như lá long não lao xao hai bên đường tôi đi với những tiếng nói quen thuộc chung quanh. Và con sông trước mặt, con sông mà cách đây 10 năm mỗi buổi chiều từ Hải Cát trở về cơ quan C90, tôi với Nguyễn Thiết ngồi trên đỉnh Ba Dốc, bên chân núi Kim Phụng chỉ thấy thấp thoáng qua những rặng cây. Trường Pellerin, Cư xá giáo sư đại học, Phủ Thủ hiến, ngã 3 qua cầu Nam Giao lên Từ Đàm, rẽ vào chùa Vạn Phước là nhà của ngoại tôi. Trường Luật, trường Quốc học, trường Đồng Khánh, Thừa Phủ, tỉnh đường. Bệnh viện Huế là lạ và mới đối với tôi. Đến đây, đường Lê Lợi sáng ra và bị cắt bằng một khoảng rộng.
“Cầu gì đây?”
Tôi nói:
“Chắc là Cầu Mới”.
Lúc tôi đi chưa có cầu này. Hết Cercle, Trung tâm Văn hóa Pháp, Thư viện Đại học, một đoạn qua khỏi trường Thành Nhân nữa là đến 26 Lê Lợi, trụ sở của Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Người quen có, người lạ có, gặp ai tôi cũng mừng, cũng cười, cũng vui. 26 Lê Lợi cho một chiếc ô tô lên ga chở đoàn về. Tôi nhờ Võ Quê điện báo cho Thái Ngọc San. Quê bảo San đi vắng và có nhắn lại. Tôi mượn Quê chiếc xe đạp đi về nhà liền. Tôi chỉ mang theo cái ba lô, còn mấy bao sách gửi cho Quê. Lúc này khoảng 3 giờ chiều ngày 25.5.1975.
Con đường Thuận An cao hơn và rộng ra. Hai bên đường không có gì thay đổi lắm. Tôi ghé vào quán chị Thuận. Chị Thuận la lên:
“A, thằng Đính đây nì!”
Những năm tôi thi thành chung và tú tài, lúc đi coi bảng về ngang qua quán chị, chị hỏi: “Răng, Đính?” Tôi ngúc đầu. Chị vội vã chạy ra chợ báo cho mẹ tôi biết: “Thằng Đính đậu rồi”.
Tôi vào xóm. Đoạn đường này trước kia đâu có rải nhựa. Tôi rẽ trái, đường đất như cũ. Hình như chiều hôm qua ở đây có mưa. Nhà cửa vẫn như cũ, có một vài nhà xây lại. Đến nhà tôi rồi. Vẫn hàng chè tàu; hai cột trụ vàng mốc rêu. Mấy hòn đá kê làm bậc cấp vẫn còn, trong đó có một hòn như con số một lùn cụt nằm giữa. Bốn năm đứa nhỏ đang chơi dưới gốc cây vú sữa. Những đứa nhỏ ngưng chơi vây quanh tôi. Ngôi nhà bây giờ so với ngôi nhà trong trí nhớ của tôi còn lại nhỏ đi rất nhiều. Cây vú sữa che kín gần hết sân. Và mặt trước ngôi nhà, màu vôi hơn 40 năm không quét trông lại âm u hơn. Tôi bỏ cái ba lô xuống đất, đu người lên song cửa sổ nhìn vào trong. Nền nhà như mới chùi, có chỗ còn ướt. Sau này tôi mới biết là ngói trụt nên nhà bị dột. Tôi bước lên hiên nhà. Tôi hỏi mấy đứa nhỏ cứ luẩn quẩn bên tôi:
“Này mấy em, con Bi đâu rồi?”
Con Bi là con o Lài của tôi. Một đứa chỉ một đứa con gái khoảng 12 tuổi đứng cạnh tôi:
“Đây, con Bi đây!”
“Anh Đính đây Bi nờ! Bi có chìa khóa không?”
Con Bi đưa cho tôi chìa khóa. Nó không nói gì hết, cứ ngó tôi. Tôi mở cửa. Tôi vẫn nhớ cách mở cửa. Cái cửa này mở ở ngoài rất khó. Vào nhà tôi mở hết các cửa sổ. Mọi vật vẫn như này tôi còn ở nhà, vẫn để nguyên chỗ cũ. Chỉ có trước bàn thờ che một tấm màn bằng vải bông màu xanh nhạt lẫn màu lục đã ố vàng, cũ hết rồi. Bức kính thờ thì đã mờ bụi. Tôi ngồi lên bức ngựa gõ. Những đứa trẻ vẫn cứ nhìn tôi. Tôi nhìn quanh trong nhà. Tôi xuống nhà bếp. Tôi đi lên nhà; có một mùi ẩm mốc dễ chịu.
“A, mệ Đính nơi tề!”
Một đứa nhỏ bước xuống một bậc cấp trước hiên la to. Tôi bước ra cửa. Chị Thuận cầm tay dắt mẹ tôi lên thềm. Mẹ tôi vừa bước vừa khóc:
“Thằng Đính mô rồi, mô rồi”.
Tôi cầm hai tay mẹ tôi, dìu mẹ tôi ngồi lên ngựa. Mẹ tôi cứ khóc:
“Mạ tưởng con không về nữa”.
Chị Thuận cũng rơm rớm nước mắt. Mẹ tôi lấy trong túi áo ra 2 gói Bastos luxe:
“Chị Thuận cho đó. Con hút đi”.
Tôi bóc thuốc hút. Mẹ tôi ốm và đen, tóc bạc gần hết rồi. Bây giờ mẹ tôi ngồi đó, hai bàn tay cứ mở ra nắm lại, khi để trên chân, khi để trên ngực, lâu lâu lại đưa tay áo lên lau nước mắt. Sông mang phù sa đỏ, chảy ra biển muôn năm, người mang hồn sông đỏ, lòng như biển vô cùng.
“Mạ đang bán trên Đập Đá, chị Thuận chạy lên nói con về rồi. Chị gánh về giùm cho mạ”.
Chị Thuận cười:
“Chị lên nói với mạ: Chị Đính ơi, thằng Đính về rồi. Mạ cuống lên. Mạ bán gần hết rồi”.
Tôi hỏi mẹ tôi:
“Rứa bữa ni mẹ bán cháo chi rứa”.
Chị Thuận nói giùm:
“Thôi thì đủ thứ. Khi thì cháo gà, khi thì cháo lòng. Bánh bột lọc nữa. Bữa ni rứa là mau hết đó, chớ thường khi mô cũng 10, 11 giờ đêm. Có khi tới gần sáng”.
Những người hàng xóm đến thăm mỗi lúc một nhiều. Chị Rạm, nhà ở trước mặt nhà tôi, nói:
“Mạ cứ nói em e chết rồi. Thôi rứa là mạ vui. Vui rồi”.
Quay sang mẹ tôi, chị cười:
“Chị sướng chưa, bữa ni hết khóc rồi. Chà Đính ơi, đêm mô cũng khóc, cũng hò, cũng hát”. Nói ngang đây, chị Rạm chảy nước mắt. Chị hỏi tôi:
“Đi rứa có cực không em?”
“Dạ, cực chứ”.
Thằng Thái Ngọc San về. Đi theo hắn là một cô bé người nho nhỏ. Thằng San ngúc ngắt cái đầu, cười:
“Mạ thấy chưa, con nói hắn còn mà mạ không tin”.
Mẹ tôi nói:
“Hắn tội lắm, lâu lâu lại về gặp mạ, nói mạ đừng lo, mai mốt thằng Đính về”.
Thằng San giới thiệu cô bé với tôi, Phan Lê Dung. Mẹ tôi định đi nấu nước, thằng San nói để hắn nấu. Mẹ tôi ra ngoài sân nói chi đó với thằng San và Dung. Té ra mẹ tôi dặn đừng cho ai nấu hết, mẹ tôi sợ bỏ thuốc độc.
Ngó quanh không thấy con Bi đâu, tôi hỏi: “A, con Bi đâu rồi?”. Con Bi mới đi đâu về đang hớt hơ hớt hải đứng ngoài cửa. Thấy tôi về, nó ba chân bốn cẳng chạy lên chợ Đông Ba báo cho mẹ nó, là o tôi biết là tôi đã về.
Chiều rồi. Cơn mưa hôm qua làm cho khí hậu dịu đi. Trời không có nắng nữa. Tôi ra đứng ngoài thềm nhìn cây cối. Thằng Trần Đại Lang, một thằng bạn cũ đến thăm tôi. Hắn là đại úy bộ binh. Tôi hỏi thằng Phạm May ở đâu. Thằng Lang nói, thằng May là thiếu úy, phụ trách phân chi khu Phú Vang. Có lẽ bây giờ hắn kẹt ở Đà Nẵng. (Bây giờ thì cả hai thằng đều đi HO, một thằng HO7, một thằng HO10). Thằng Lang đi rồi, hai anh bộ đội đóng quân ở nhà bên cạnh bước vào nhà tôi. Hai anh bảo nghe tôi ở miền Bắc mới vào, đến thăm và khuyên tôi nên lên cơ quan ở lại đêm, tình hình an ninh ở đây chưa bảo đảm. Trước khi thằng San và Dung lên, hắn cũng nói tôi nên lên chỗ hắn làm việc ở lại.
Tôi bước vào nhà thắp 3 cây hương lên bàn thờ.
Chú thích:
[1] Do ông Bảo Định Giang ký.
[2] Tôi không rõ chức vụ của ông Hai, chỉ biết ông ta có quyền quyết định trong việc điều động cán bộ B.

Trần Vàng Sao
Tôi bị bắt
Chương IV
Ở Huế
Sáng hôm sau, ngày 26.05.1975, tôi với thằng San ra uống cà phê trước mặt Bưu điện Huế. Tại đây, và về sau này, tôi thường gặp một vài người vốn quen biết trước kia, có người là cơ sở của cách mạng, có người mới tham gia. Ở những quán cà phê vỉa hè trong những ngày mới đầu này, hiếm lắm mới thấy những người đã thoát ly lên rừng lâu năm. Nhiều đứa quen biết cũ thấy tôi quá mừng:
“Giải phóng rồi mà không thấy mi, đứa nào cũng nghĩ là mi chết rồi. Răng chừ mới về Đính”.
Tôi cười không nói gì hết. Sau này, có đứa loáng thoáng nghe kể về sự tích của tôi, hoảng và tìm cách tránh tôi. Liên hệ với tôi thì không có lợi gì cho sinh mạng chính trị và con đường sống trong chế độ mới này của họ. Tôi nói với thằng San là tôi về nhà 1, 2 ngày rồi mới gặp tổ chức.
Bây giờ tôi đi thủng thẳng về nhà. Kể từ nay tôi có thể nói tôi về nhà được rồi. Tôi không cảm thấy mình xa lạ. Hình như tất cả đều còn lại trong trí nhớ của mình. Tôi chỉ có cái cảm giác, sau 10 năm đi xa, con đường Thuận An rộng ra và cao hẳn lên, còn căn nhà của tôi thì nhỏ lại.
Trở về Vỹ Dạ là trở về với tuổi thơ của mình, gặp lại tuổi thơ của mình, sống với tuổi thơ của mình, sống với mình. Tôi ở nhà tôi như lâu nay tôi không đi đâu hết. Tất cả đều thân mật và gần gũi. Những lỗ đạn bắn trên tường, trên song cửa sắt hồi 52-53, những hình tôi vẽ lúc nhỏ bằng bút chì và mũi dao trên tường có hơi mờ đi. Con trâu gỗ gãy đầu vẫn nằm dưới góc bàn thờ. Những vết bùn của trận lụt năm 1953 còn mắc trong các kẹt tủ. Rồi tôi quanh quẩn ngoài vườn trong nhà. Cây vú sữa cao và rậm quá, tháng năm vẫn còn trái chín. Cây hải đường vẫn như thế. Tôi mở tủ sách ra, tất cả như còn nguyên. Chẳng có chi thay đổi, chỉ có âm u và tàn tạ hơn. Mẹ tôi bảo sau khi tôi đi có người đến đòi sách tôi mượn, mẹ tôi nói, để chờ thằng Đính về đã. Những chồng phích ghi chép của tôi được xếp gọn gàng trong một góc. Những gì của tôi, có dấu vết của tôi có thể gợi cho mẹ tôi nhớ tới tôi đều được cất giữ, không ai động đến được. Những năm sau này, khi tôi đã có vợ con, tủ sách báo cứ vơi dần, khi năm ba quyển, khi một chồng đem qua chợ Đông Ba hay ra chợ Vỹ Dạ đổi lấy gạo. Thời buổi này gạo quý hơn sách.
Cuộc cách mạng này kinh khủng thật. Không phải nó chỉ thay đổi tâm tính, thái độ, tư tưởng của từng con người mà thay đổi vị trí của từng đồ vật trong từng nhà, cái ghế, cái bàn, cái tủ, cái giường, tôn lợp trên mái nhà, lư hương trên bàn thờ... đều thay đổi chỗ, xếp đặt lại tất cả. Hôm qua cái bàn còn để đó, hôm nay không còn nữa, cái bàn đã đi qua nhà khác, đã ở ngoài chợ. Cuộc cách mạng này đã phá hết, phá tan hết những gì mà từng gia đình đã bòn mót bao nhiêu năm nay từ ông cha đến con cháu để nuôi sống mình, để tồn tại với đời. Và những người làm cách mạng đã thay thế những gì mà họ đã phá sạch bằng công an, bằng quyền lực trấn áp, bằng mệnh lệnh, khẩu hiệu, băng cờ.
Tôi nghe nói, khoảng năm 1972-1973, trong chiến dịch Phượng Hoàng, bọn cầm quyền ở Huế đã đưa lên đài truyền hình và dán ảnh tôi và thằng Nguyễn Đình Nghĩa khắp thành phố, kêu gọi chúng tôi chiêu hồi và hứa sẽ thưởng tiền cho người nào bắt được chúng tôi hoặc chỉ điểm chúng tôi. Bọn chúng không biết tôi lúc đó đang hoạn nạn ở Sơn Tây. Chúng tưởng tôi và thằng Nghĩa đã lọt về thành phố và đang hoạt động nằm vùng. O Lài tôi kể rằng nghe dưới trụ sở quận Phú Vang có treo ảnh tôi, o lót tót chạy về xem. Vừa bước chân vào cửa quận, một người quen ở trong làng, lúc đó đang bị gọi về thẩm vấn vì có liên quan với Việt cộng, nói ngay: “O đi mô rứa? Lên cho rồi! Có bóng thằng Đính treo trong a. Lên cho rồi!”. Nhưng o tôi cứ vào. “Để tui vô coi thử có phải thằng Đính không?”. “Chà, cái bóng của mi đẹp thiệt. Không biết nó kiếm ở mô ra”. O nói với tôi, suốt 10 năm tôi đi, bọn công an, mật vụ, dân vệ cứ rình rập chung quanh nhà tôi hoài. Nhiều lúc o tôi đi bán bánh về khuya, tụi hắn chặn trong xóm, khi thì giả đò mua bánh còn, khi thì cứ tự tiện giở rổ rá ra, xáo hết lá bánh lên xem. “Tụi hắn cho là tao có giấu truyền đơn”. Có lần tụi dân vệ xộc vào nhà (nhà o tôi ở sát nhà tôi) giữa lúc o đang cúng. Bọn hắn nói: “Chà, hai mạ con mà cúng nhiều dữ hí! Ăn chi cho hết”. Tụi hắn cho là o tôi giả đò cúng để tiếp tế cho Việt cộng. Tôi theo Việt cộng, o tôi nhất định phải có liên hệ. Khoảng 2 tháng sau tôi đã lên núi, một hôm o đang làm gì đó trong nhà bếp của tôi, bỗng nghe thịch một cái, một gói giấy từ trên nhà rớt xuống. “Tao hết hồn. Đây là gói truyền đơn hay giấy chi đó mà trước khi đi mi nhét lên mái. Tao đút [1] liền. Nhưng cũng khun, tao thắp 3 cây hương trong bếp, may trong nhà còn mấy tờ giấy tiền vàng bạc, tao lấy đi một liên, rồi đút mấy cái tờ giấy của mi. Đụng ai vô thình lình tao nói là đút vàng bạc”.
Còn mẹ tôi sau năm 1968, hễ nghe ở đâu có Việt cộng bị bắt hoặc bị bắn chết, xa mấy cũng lò mò đến xem có phải con mình không. “Này, cái mụ này, tới đây làm chi hỉ?”. Thấy mẹ tôi lăm xăm đi tới mấy thằng lính nạt. Mẹ tôi nói: “Nghe dưới ni có bán gà vịt rẻ tui xuống mua”. “Gà vịt mô mà gà vịt. Đi cho rồi!”. Đêm nào mẹ tôi cũng thắp hương van vái bốn phương trời mười phương Phật và ba tôi phù hộ cho tôi tai qua nạn khỏi. Cả xóm giữa đêm khuya nghe tiếng hò ở xa đều biết mụ Đính đi bán đã về. “Có một thằng con mà bây giờ không biết sống chết ở nơi mô nữa, tội thiệt!”. Mấy người hàng xóm kể: “Mỗi lần mạ đi bán về khuya, nhớ mi, buồn khóc rồi uống rượu. Trời mưa, đường trơn, bổ lên bổ xuống. Có bữa tao phải gánh giùm gánh cháo về nhà. Về đến nhà, thấy cây đèn leo lét, rồi mạ ngồi nơi cửa hát, có khi ngồi rứa bà ngủ quên luôn”. Càng về sau không chịu nổi cảnh trống vắng, cảnh cô quạnh, mẹ tôi đi bán có khi ngủ luôn ngoài chợ. Về nhà, thấy nhà thấy cửa mà không thấy tôi, mẹ tôi chịu không nổi.
Hai ba hôm sau, tôi đến Ban tổ chức Thành ủy ở 16 Lý Thường Kiệt, trình diện và để nhận công tác. Tôi cũng cứ tưởng bở. Ông Ngô Yên Thi, Trưởng ban tổ chức Thành ủy, cho biết là tổ chức thành phố không có quyền, tôi phải qua tổ chức tỉnh, phải có quyết định của tỉnh, thành phố mới nhận tôi được. Tôi đến Ủy ban nhân dân cách mạng kiêm Quân quản tỉnh Thừa Thiên (?) đóng ở tòa hành chính của chính quyền cũ. Tôi lên lầu. Căn phòng to rộng, nhiều bàn ghế. Tôi hỏi phòng tổ chức. Người ta chỉ cho tôi đi đến bàn cuối phòng phía bên trái gặp đồng chí cụt tay. Tôi nhớ không chắc, hình như ông ta tên Trác. Tôi đưa giấy giới thiệu của Đảng đoàn Văn nghệ và giấy giới thiệu của đoàn đi Nam.
“Tôi ở Hà Nội mới vào”.
Ông ta đọc, rồi quay ngược lại hai tờ giấy để trước mặt tôi.
“Anh là Trần Vàng Sao?”
“Phải”.
Tôi trình bày một vài điều về trường hợp của tôi.
“Anh còn giấy tờ gì nữa không?”
“Tôi có trong danh sách của đoàn Thừa Thiên vào Huế sáng 30.4”.
Ông ta nhìn tôi:
“Giấy tờ này chưa đủ”.
Ông ta gõ gõ ngón tay của bàn tay còn lại lên hai tờ giấy nói xẵng giọng:
“Đây là giấy giới thiệu tiêu chuẩn ăn đi đường. Thế còn lệnh hành quân đâu? Phải có lệnh hành quân, không thời ai biết đi B1, B2 hay B3, B4. Phải có lệnh hành quân!”
Tôi nói cho ông ta biết là đoàn chỉ có tôi mượn giấy này và phải trả lại. Còn lệnh hành quân thì đoàn phải giữ. Vả lại, những người cùng đi chung với tôi, bây giờ đã phân tán các nơi, khó tìm họ được.
“Phải có lệnh hành quân. Có lệnh hành quân mới nhận anh được”.
Tôi về 26 Lê Lợi, may là gặp ông Võ Trấp đang ở đó. Ông đưa cho tôi lệnh hành quân của Bộ tư lệnh hành quân Quân Giải phóng nhân dân miền Nam. Ông bảo tôi: “Thôi anh giữ luôn, tôi cũng chẳng cần nữa”.
Sáng hôm sau tôi lại lên phòng tổ chức tỉnh, đưa lệnh hành quân cho ông cụt tay. Ông ta chỉ ngó qua, rồi trả lại cho tôi:
“Trường hợp của anh hơi gay đây. Anh không có giấy giới thiệu của Ban thống nhất trung ương. Tỉnh không nhận anh được”.
Tức máu lên, tôi nói:
“Anh bảo tôi phải có lệnh hành quân, có lệnh hành quân rồi anh bảo phải có giấy của Ban Thống nhất. Tôi đã nói với anh rồi là tên tôi nằm trong danh sách đoàn Thừa Thiên vào đây ngày 30.04”.
“Trường hợp của anh khác”.
Trường hợp của anh khác. Tôi đừng tưởng bở. Anh thanh niên trông nhỏ hơn tôi ngồi bàn bên cạnh với ông cụt tay:
“Trong danh sách của đoàn ngày 30.04 có tên anh Đính”.
Ông cụt tay làm như không để ý lời anh thanh niên nói. Ông ta ghé sát anh thanh niên nói gì đó, rồi nhìn tôi một cái, đưa tay đẩy tờ lệnh hành quân về phía tôi sát cạnh bàn. Tôi cầm tờ giấy quay đi.
Tôi về lại ban tổ chức Thành ủy. Ông Ngô Yên Thi trả lời: “Tỉnh không nhận, chúng tôi cũng chịu. Thành không có quyền”. Ông ta nói như cười. Tôi về.
Lúc này, tôi hay lên chỗ thằng Thái Ngọc San làm việc “Cơ quan Mặt trận thành phố” - ở chơi, gặp bạn bè nói chuyện và thường ở lại ăn cơm. Ở chỗ này tôi đã bắt đầu thấy những bộ mặt không mấy thiện cảm với tôi. Những thằng ở rừng về, những đứa mới tham gia làm lơ tôi. Bạn bè đã có kẻ nhìn tôi bằng con mắt ái ngại. Nhiều đứa đã cố ý tránh tôi. Cách mạng đang thắng lợi mà tôi là một tên phản động chống Đảng. Thằng thì cho tôi không ở trong hàng ngũ của nó, đứa thì sợ quen tôi sẽ bị nguy đến sinh mạng chính trị. Chơi với tôi thằng nào cũng thấy không những không có lợi mà còn mang họa vô ích. Nhiều đứa vốn quen nhau ở Huế, sau lên rừng thường thấy mặt nhau tình cờ gặp tôi cũng giả đò không thấy. Tôi bị coi khinh. Cho tới hôm nay những năm 91, 92, 93 này, những thằng bạn cũ ngày trước sắp đi HO cũng lánh mặt tôi và những anh em khác. “Hiểu cho tao với, để cho tao đi trót lọt cái đã, không lỡ nửa chừng bị ách lại thì quá cực”. Thằng Trần Hữu Thục nói với tôi sáng 31.7.1993 như vậy. Bọn tôi thông cảm bọn hắn.
Cũng có thằng gặp tôi không dám chào hỏi. Hắn ngụy, tôi cách mạng. Nên khi chạm mặt, những đứa này khựng lại: “À, à anh...”. “Anh cái cục cứt à... chơi với nhau lúc nhỏ, anh chi mà anh”. Rồi nắm tay nhau đi uống cà phê, nói chuyện đời. Cũng có đứa mấy lâu thấy tôi giữa đường, lại giả tảng không thấy. Đến khi có dịp gặp nhau, hắn nói: “Nói thiệt, mi đi bên tê về, tau cũng ngại. Tau ngụy mà. Lỡ chào mi, mi lơ thì sao. Nhưng khi thấy mi ngày nào cũng đi bộ qua Đập Đá, quần áo lùi xùi, tau chẳng ngại chi nữa”. Tức cười thiệt.
Cuối tháng 6.1975, tôi nhận được giấy mời đến Ban tổ chức Thành ủy làm việc. Mời anh Trần văn Đính mở vòng đơn tức Trần Vàng Sao đóng vòng đơn. Tôi lại đến nhà số 16 Lý Thường Kiệt. Ông Trưởng ban tổ chức nhìn tôi:
“À anh”.
Ông ta nói miệng tưởng như cười. Da mặt ông hơi chì, môi thâm, hai hàm răng có khi khít lại:
“Trường hợp của anh có nhiều khó khăn, anh Nhân ạ”. [2]
Và ông ta nói lại những điều đã nói với tôi bữa trước, rằng tỉnh không nhận tôi, thành không thể giải quyết, bố trí công tác cho tôi được. Tôi nói:
“Tôi là cán bộ của Thành ủy cho ra Bắc chữa bệnh. Bây giờ tôi trở về, thì Thành ủy phải sắp xếp công tác. Sao anh lại nói thành phố không có quyền”.
Ông ta lại nói miệng như cười:
“Tôi cũng biết thế. Thành phố hiện nay rất thiếu cán bộ, mà những người như anh thì lại rất cần, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tổ chức. Anh phải hiểu cho”.
Ông ta đưa cho tôi một tờ giấy:
“Anh sang Ban Tổ chức Tỉnh ủy gặp ông Lê Thái Tâm. Chỉ có Ban Tổ chức Tỉnh ủy mới giải quyết được trường hợp của anh”.
Giấy giới thiệu cũng viết bằng mực tím, cũng Trần Văn Đính, mở ngoặc đơn tức Trần Vàng Sao, đóng ngoặc đơn.
Tôi sang Tam Tòa vào một phòng ở khoảng giữa dãy nhà về phía bên phải. một ông mặc quần áo ngủ đang ngồi trên giường. Ông ta đứng dậy đi tới bàn giấy bên cửa sổ gần cửa ra vào. Tôi đưa giấy giới thiệu. Ông ta à một tiếng. Tôi kéo ghế ngồi. Ông ta mở hộc bàn, lấy một tờ giấy đưa cho tôi.
Ban chấp hành Đảng bộ
Thừa Thiên-Huế
Ban Tổ chức
Số 196/TC Ngày 30 tháng 6. 1975
Kính gởi: Ban tổ chức Trung ương
Ủy ban Thống nhất Trung ương Đồng chí Nguyễn Đính quê ở Thừa Thiên cùng đi với đoàn đ/c Đỗ Nhuận vào Thừa Thiên chúng tôi chưa tiếp nhận được vì:
- Địa phương chưa có yêu cầu.
- Chưa có giấy tờ thuyên chuyển hợp lệ.
Vậy chúng tôi xin chuyển đ/c Đính trở ra Ban để đảm bảo thực hiện đúng theo nguyên tắc thủ tục điều động của Ban đã quyết định.
TM. Ban tổ chức Tỉnh ủy
Trưởng Ban
Lê Thái Tâm
Ông ta nói:
“Bây giờ anh phải ra Bắc. Ở đây chúng tôi không nhận anh”.
“Thế tôi đi bằng cách nào?”
“Anh sang tổ chức thành mà hỏi. Thành sẽ giải quyết”.
Tôi đứng dậy, kẹp hai ngón tay vào một góc tờ giấy vừa bước ra vừa nói, “chào anh”. Qua Ban Tổ chức Thành ủy, ông trưởng ban bảo:
“Tổ chức Tỉnh ủy trả anh ra Bắc thì phải lo phương tiện cho anh chớ”.
Tôi nói:
“Tỉnh lại bảo thành phố giải quyết”.
Thôi về cho rồi. Tôi dại thiệt. Mắc chi mà phải loanh quanh luẩn quẩn tự mình hành hạ mình. Ở Hà Nội thì tìm cách vào Huế. Vào Huế lại chạy chỗ này qua chỗ khác để xin làm việc. Chu cha, tham gia cách mạng bao nhiêu năm nay không lý về không à, mất mặt. Tôi dại thiệt. Mắc chi mà chạy đôn chạy đáo cho cực mà nhục như thế. Qua cầu Mỹ Chánh rồi thì cứt hết. Cứ về nhà ở với mạ, ngó cây cối chim chóc là vui sướng rồi. Tôi dại quá.
Tôi ngó ông trưởng ban tổ chức Thành ủy:
“Tỉnh nói qua thành, thành nói qua bên tỉnh. Thôi tôi về”.
Tôi về. Đường Lý Thường Kiệt buổi sáng trời không nắng to. Qua Phòng thông tin Hoa Kỳ, đối diện hơi chếch một chút có hai cây dừa mọc cong trước cửa ngỏ một ngôi nhà, tàng lá che đến lề đường. Người ta kể có một ông bán phở gánh cách đây mấy chục năm, nửa đêm qua đây bị một trái dừa khô rớt bể đầu chết ngay tại chỗ. Không biết có thiệt hay không? À, ở nhà mình còn một quyển sách mượn của Phòng thông tin Hoa Kỳ từ năm 1965, chưa trả thì đã trốn lên núi, cuốn La Jeunesse de Lénine [3], bản dịch tiếng Pháp của René Guyonnet. Tôi ra quán cà phê Bưu điện. Ba bốn đứa đã ngồi ở đó. Thằng San hỏi: “Răng mi?”. “Như cứt họ”. Cà phê ngon thật.
Tới ngang đây tôi coi hết nước rồi. Nhưng chưa ngất ngư nên tôi vẫn còn cố. Tôi phải biết rằng người ta không bao giờ để cho tôi chết, người ta sẽ làm cho tôi hoàn toàn bất lực, tê liệt, mất hết tác dụng. Chế độ này muốn cho tất cả mọi người đều trở thành những kẻ bị thiến hoạn về tư tưởng. Hai ba ngày sau đó, theo lời khuyên của bạn bè, một buổi chiều, tôi đến gặp ông Trần Thanh Văn (Trần Anh Liên), Bí thư Thành ủy Huế tại nhà riêng của ông ở 14 Lý Thường Kiệt. Ông Văn là người lịch thiệp và khiêm nhường. Ông người Hà Nội. Hồi ở trên rừng, tôi hay gặp ông và nói chuyện với ông. Tất nhiên là ông ta đã được báo cáo về tôi rất rõ. Tôi đưa cho ông cái công văn của Ban tổ chức Tỉnh ủy gửi trả tôi lại cho Ban thống nhất trung ương. Ông Văn xin lỗi đã để kính trong phòng. “Thôi anh đọc cho tôi nghe cũng được”. Nghe xong, ông Văn nói giọng hơi gắt:
“Làm gì đến nỗi phải thế. Chỉ cần một cú điện thoại là được thôi”.
Ông hỏi tôi:
“Thế anh đã gặp anh Lanh chưa?”
Tôi biết ông Văn hỏi tôi như thế vì trước kia tôi là cơ sở của ông Lanh, Phó bí thư Thành ủy.
Tôi nói:
“Tôi có gặp anh Lanh. Anh Lanh chỉ nói là “tại cậu hết”, rồi bỏ đi”.
Ông Văn mời tôi uống nước và hút thuốc. Tôi nói:
“Tôi đến gặp anh để báo cho anh biết trường hợp của tôi, không rồi sau này các anh lại nói vì sao không cho các anh biết”.
“Thế bây giờ anh có định ra Bắc không?”
“Không, không khi nào tôi ra Bắc hết”.
Ông Văn gật đầu:
“Anh đừng dại mà ra Bắc. Anh mà ra Bắc là bị nắm đầu liền”.
Ông còn nói động viên tôi một vài câu nữa, và câu cuối cùng là “để tôi hỏi ý kiến của các anh ở thường vụ xem sao”.
Tôi về nhà. Trời bắt đầu tối. Cây vú sữa lá vẫn lao xao. Con chó mực vẫy đuôi mừng. Mẹ tôi đi bán chưa về. Tôi thắp một cây đèn để giữa nhà, rồi giở lồng bàn ra, trên cái mâm gỗ, một tô cháo, một tô canh, một cái chén úp trên cái đĩa. Tôi rót một ly nước chè uống ực một cái, rồi rót thêm một ly nữa, bắc một cái ghế ra ngồi trước cửa nhà lớn hút thuốc ngó trời đất cây cối. Đứa nhỏ bên hàng xóm ru em hát, bên cạn thời chống, bên su thời chèo... Một lát sau, có một đứa nhỏ đứng ngoài hàng chè tàu thấy trong nhà có đèn nói với vào:
“Anh Đính, anh Đính ơi! Chút nữa anh đem đèn ra cho mụ. Mụ nói mụ bới cơm rồi”.
Tôi về ở nhà. Cỏ trong vườn mới làm đã mọc đầy. Buổi sáng tôi nhổ lông gà, lông vịt hay rửa lòng heo lòng bò giúp mẹ tôi. Buổi trưa tôi bắc bánh bột lọc, khoảng 2 giờ mẹ tôi gánh cháo ra chợ Vỹ Dạ, chiều tối lại lên bán trên múi Đập Đá trước lầu Hữu Ước. Tôi ở nhà hết đọc, viết, lại lên chỗ thằng San chơi. Trước tôi còn hay lên, nay chỉ thỉnh thoảng. Trong bạn bè, anh em quen biết đã có nhiều tiếng xì xào về việc tôi bị tống cổ ra Bắc. “Nghe nói thằng Đính hồi ở miền Bắc có làm thơ chống Đảng và nói xấu Bác Hồ”, “Nghe đâu ở miền Bắc thằng Đính bị kết tội chống Đảng, chống chế độ”, “thằng Đính phản động”, “uổng thiệt, tham gia cách mạng bao nhiêu năm!”, “Hình như thằng Đính có bị đấu tố, khiếp thật!”.
Cứ như thế, những dấu hỏi, dấu than như thế cứ xa gần xì xào quanh tôi, lúc nhỏ, lúc to, lúc miệng này qua tai khác, lúc trợn mắt thở phù trong phòng kín, trước mặt, sau lưng, đầu ngõ, bên cạnh nhà. Không có tên công an khu vực nào nơi tôi ở không lẽo đẽo bên tôi cách này thế khác. “Thằng Đính là một tên phản động chống Đảng, chống chế độ, làm thơ nói xấu Bác Hồ”. Đời tôi tàn rồi.
Một hôm tôi đi chơi về, thấy trên bàn có một mảnh giấy để lại.
Đính,
Cố gắng dàn xếp với trên tổ chức. Nếu không thì về Vỹ Dạ nằm tu. Còn ra Bắc thì dứt khoát không ra. Chỗ tao cũng hơi rắc rối.
TNS
Tôi hiểu ý thằng Thái Ngọc San là tôi không nên đến chỗ hắn làm việc nữa. Nhiều đứa đã tránh xa tôi. Nhiều đứa đã ngó lơ giả đò không thấy tôi. Nhiều đứa cực chẳng đã phải chào tôi cho có lệ. Và nhiều đứa cũng cứ về nhà tôi chơi, đi uống cà phê với tôi rất thân mật.
Một buổi sáng có tiếng xe Honda tắt máy ngay trước cửa ngõ. một anh chàng mặc quần áo bộ đội, đội mũ cối, dắt xe vào. Lại mệt nữa, tôi giật mình, thôi công an rồi. Anh ta bước lên thềm, đứng trước cửa. À, thằng Năm ở Ban Tuyên giáo Thành ủy. Anh ta chào tôi:

“A, anh Nhân”.
Anh ta lấy trong xắc cốt ra một phong bì, đưa cho tôi. Tôi mở ra, công văn của Thành ủy.
Thành ủy Huế
Số 072/CV
CÔNG VĂN
Anh Nguyễn Đính (Trần Vàng Sao) là cán bộ của cơ quan Thành ủy được Thành ủy giới thiệu ra Bắc chữa bệnh từ 1969 nay đã trở về Huế. Hiện nay anh Nguyễn Đính chưa có đủ giấy tờ chính thức của Trung ương. Trong khi chờ đủ giấy tờ để bố trí công tác chính thức, Thành ủy Huế tạm sắp xếp anh Nguyễn Đính ăn ở tại cơ quan Tuyên huấn Thành ủy (diện khách).
Thành ủy Huế quyết định:
Ban Tuyên giáo thành chịu trách nhiệm quản lý việc ăn ở của anh Nguyễn Đính. Ban Kinh tế Thành bảo đảm tiêu chuẩn ăn ở. Ban tổ chức tiếp tục giải quyết thủ tục giấy tờ của anh Nguyễn Đính. Các Ban chiếu công văn này để thi hành.
Ngày 20.7.1975
TM Thành ủy Huế
Phó bí thư
Hoàng Lanh
Tất nhiên những người lãnh đạo ở đây không thể thả lỏng tôi mà phải quản lý chặt tôi. Hơn nữa nếu họ không cho tôi làm việc thì sẽ gây ra một dư luận dù nhỏ không có lợi cho họ trong giới sinh viên, giáo chức, văn nghệ sĩ ở Huế. Đằng nào tôi cũng là một trong những sinh viên Huế đầu tiên thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Và bây giờ tôi được nhận làm “diện khách”.
Khi thằng Ngô ở Hà Nội vào thăm nhà nghe chuyện này hắn cười thật to:
“Diện khách! Tham gia cách mạng bao nhiêu năm bây giờ về làm... diện khách. Quá mất dạy. Hắn chơi mi đó”.
Ba ngày sau tôi lên ở nhà số 22 Lý Thường Kiệt làm khách của Ban tuyên giáo Thành ủy Huế. Tôi không làm gì hết chỉ ăn, ở. Trần Phá Nhạc, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thượng Khanh, Võ Quê cũng ở đây. Buổi sáng, buổi chiều tụi nó sang cơ quan ở 20 Lý Thường Kiệt làm việc, tôi nằm đọc sách hoặc về nhà hay đi lang thang. Trưa, chiều ăn cơm với tụi nó. Trong số anh em ở đây tôi thân với Trần Phá Nhạc hơn, mặc dù mới quen. Tôi hay đi uống cà phê với Nhạc. Buổi tối 2 đứa thường chở nhau bằng xe đạp loanh quanh luẩn quẩn trong thành phố.
Tôi được cho ăn ở, hưởng các tiêu chuẩn, chế độ như anh em khác, nhưng không làm gì hết. Thật ra lúc này tôi chẳng là cái gì hết để cho họ phải theo dõi xem tôi có liên hệ với những phần tử xấu hay địch hoặc xem sự tiến bộ của lập trường, tư tưởng của tôi đến mức độ nào. Tôi chẳng là cái gì cả và họ cũng chẳng cần tôi. Vấn đề là tôi phải bị quản lý và đối với dư luận, tôi vẫn không bị bỏ. Tôi kệ cũng không được. Tuần đầu, tôi cứ ở 22 Lý Thường Kiệt. Về sau chán tôi cứ về nhà luôn. Tôi ăn cơm ở nhà, ngủ ở nhà. Có khi 2, 3 ngày tôi không đến 22 Lý Thường Kiệt. Và tôi cũng chẳng có gì buồn phiền, chán nản, mệt mỏi. Tôi về nhà tôi và sống với mẹ tôi. Tôi có anh em bạn bè thân mật của tôi.
Tôi không còn nhớ ngày nào tháng nào nữa, đâu khoảng tháng 6, không biết có phải không, trước ngày đổi bạc lần thứ nhất một ngày, một buổi chiều, từ nhà lên đang đi trên đường Lý Thường Kiệt tôi bị gọi giật lại “Nhân, Nhân ơi!”. Tôi dừng lại. Ông Hoàng Lanh đang ngồi trên ô tô với người nhà từ ngôi nhà số 10 vòng qua bên kia đường. Ông ta ló đầu ra cửa xe. Tôi đứng phía bên này đường.
“Nhân, bắt đầu từ bữa ni anh làm việc ở Ban tuyên giáo nghe. Có điện Hà Nội vào rồi. Rứa thôi nghe”.
Sáng hôm sau tôi ghé 20 Lý Thường Kiệt làm việc và được cho làm ở tiểu ban tuyên truyền. Công việc chẳng có gì, vừa làm vừa chơi cũng được. Chỉ có vất vả là thời gian tôi về khu phố Vĩnh Lợi làm công tác bầu cử Quốc hội. Tôi không có xe đạp. Mỗi ngày tôi phải đi bộ từ nhà lên trụ sở Ủy ban nhân dân Vĩnh Lợi, trưa về nhà ăn cơm. Ăn xong đi liền, chiều lại về nhà. 2, 3 ngày tôi phải đến cơ quan báo cáo tình hình. May lúc đó chân cẳng tôi còn tốt.
Phần đông những người ở Ban tuyên giáo là những anh em bạn bè quen biết. Không khí làm việc vui vẻ, thân mật. Một buổi trưa gần hết giờ làm việc, Nguyễn Đắc Xuân đứng nói với tôi cạnh cửa ra vào:
“Đính nì, tao đã đề nghị mức lương của mi là 56 đồng. Tao phải đấu tranh dữ lắm. Có nhiều người không đồng ý. Tao ở trong ban xếp lương của cơ quan. Mi thấy rứa có được không?” [4]
Tôi hỏi:
“Rứa lương mi mấy?”
“Ờ... ờ 73”.
“Rứa à”.
Tôi không nói gì nữa và cũng không để ý đến thái độ của hắn. Mấy ngày sau đó, cũng khoảng gần trưa, ông Trần Duy Ưu, Trưởng Ban tuyên giáo, bảo tôi vào phòng làm việc của ông, ông gần gặp riêng tôi. Sau khi nói cho tôi biết là thường vụ Thành ủy đã có quyết định xếp lương cho cán bộ, ông đưa cho tôi tờ quyết định về mức lương của tôi: 56 đồng (cán sự 2). Ông nói:
“Anh thấy thế nào?”
Tôi ngó tờ quyết định không nói. Tôi biết cách đây mấy ngày cán bộ Ban tuyên giáo đã nhận quyết định lương. Riêng tôi thì có khác là thủ trưởng cơ quan gọi vào phòng riêng để đưa quyết định và hỏi ý kiến. Ông ta nhắc lại:
“Chúng tôi đề nghị mức lương của anh là 56 đồng, và thường vụ đã thống nhất ý kiến. Anh thấy sao?”
Tôi nói:
“Tôi được cho đi làm việc là may rồi. Còn xếp bao nhiêu là quyền các anh”.
Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6.1976, thằng Xuân một hôm đang ngồi làm việc, trong phòng chỉ có tôi và hắn, vừa cười vừa nói:
“Nghe mi có người yêu rồi phải không? Con Hay làm ở khu phố Vĩnh Lợi chớ chi nữa?”
“Ừ, mà răng?”
“Hình như con Hay là con sĩ quan ngụy phải không mi?”
“Mi Đảng viên mi phải sợ. Tao yêu ai thì tao yêu”.
Chắc là họp chi bộ thằng Xuân có nói gì đó về chuyện của tôi nên sau đó ông Trưởng ban tuyên giáo hỏi tôi:
“Nghe anh đã đặt vấn đề với cô Hay nào đó công tác ở Ủy ban Vĩnh Lợi phải không?” Ông ta cũng vừa cười vừa nói giọng Thừa Thiên làm dáng pha Bắc. “Mà cô ấy là con của một ông thiếu tá ngụy?”
Tôi cười:
“Trung tá anh ạ, và đã từng làm quận trưởng quận Phú Vang”.
Lúc này Ban tuyên giáo đã dời ra số 1 Hoàng Hoa Thám. Một số người đã chuyển đi công tác nơi khác. Võ Quê ra Hội Văn nghệ, Trần Phá Nhạc qua đài truyền thanh Huế, Nguyễn Thượng Khanh xin đi học đại học y khoa. Từ lâu tôi đã biết thế nào tôi cũng phải đi khỏi chỗ này. Mà thật ra trong cái guồng máy tổ chức của chế độ này tôi không có một chỗ nào cả. Tôi đã bị đuổi. Có người đã bảo tôi: “Một thằng như mi, ai mà để công tác ở ban tuyên giáo”. Tôi đã nghe khi gần khi xa, khi to khi nhỏ từ những người ở trong cơ quan hoặc từ những người thân của những người trong cơ quan rằng tôi sẽ chuyển về công tác ở Ủy ban nhân dân xã Hương Lưu.
Tháng 6.1976, tôi có quyết định của Thường vụ Thành ủy về Hương Lưu. Một buổi sáng tôi đang ngồi làm việc, thằng Lãm cán bộ Ban tổ chức ở phòng bên cạnh lăm xăm bước vào đến bên cạnh thằng Nguyễn Khoa Điềm, cúi gập mình lên bàn nói nhỏ nhỏ chi đó rồi đi ra. Thằng Lãm vừa ra khỏi cửa, thằng Điềm, lúc này là phó ban tuyên giáo phụ trách tiểu ban tuyên truyền, ngẩng mặt lên gọi tôi:
“Anh Đính, tôi có chuyện cần bàn với anh”.
Bàn làm việc của tôi đối diện với bàn của hắn. Tôi ngồi xuống cái ghế để trước mặt bàn hắn:
“Thường vụ quyết định anh về công tác ở Hương Lưu. Anh nghĩ sao?”
Tôi nói:
“Tôi đi đâu là quyền của các anh”.
Tôi quay lại bàn làm việc, vừa mới ngồi xuống thì thằng Lãm lại sang. Và cũng như lần trước hắn cúi gập mình lên bàn thằng Điềm và đưa cho thằng Điềm một tờ giấy, rồi đi về. Thằng Điềm lại ngẩng mặt lên:
“Anh Đính, anh cho tôi nói cái này một chút”.
Tôi bước sang. Thằng Điềm đưa cho tôi một tờ giấy: Quyết định của Thường vụ Thành ủy do ông Hoàng Lanh, Phó bí thư phụ trách tổ chức ký, điều động tôi về công tác tại Ủy ban nhân dân xã Hương Lưu với chức vụ đã sắp sẵn, trưởng ban văn hóa thông tin. Quyết định đã ký cách đây ba ngày. Điềm nói:
“Tôi cũng không biết gì về việc này”.
Tất cả sự việc diễn ra trong vòng chưa đầy 5 phút.
Sau một ngày tôi nhận quyết định, ông trưởng ban tuyên giáo gặp tôi nói:
“Đi công tác về tôi mới biết là anh đã có quyết định tăng phái về Ủy ban nhân dân xã Hương Lưu”.
Tôi nói:
“Anh Điềm, Bí thư chi bộ cũng nói với tôi là anh không biết gì về chuyện này. Bây giờ anh là thủ trưởng cơ quan và là Thành ủy viên anh cũng bảo là anh mới biết. Thế là thế nào? Cách đây một tháng, anh Nguyễn Đắc Xuân đã nói với tôi là tôi sẽ về Hương Lưu. Hôm qua, đến lấy cá tôi chào chị Vững tôi về Hương Lưu. Chị Vững cười: tôi biết lâu rồi, chi bộ họp đã nói chuyện chú sẽ về Hương Lưu”.
Và, nhân tiện đưa tiễn mấy ông cán bộ ở Hà Nội vào giảng dạy ở trường Đảng thành phố, tôi được mời ghép đến ăn mấy cái kẹo, uống một hai ly trà gọi là tiễn đưa tại trường Đảng ở đường Phan Đình Phùng.
Tôi về công tác ở Ủy ban xã Hương Lưu từ tháng 6.1976 đến 31.12.1976. Văn hóa thông tin ở các khu phố, xã là băng cờ, khẩu hiệu trang trí trong các ngày lễ và các buổi họp của ủy ban. Hằng ngày tôi đến cái phòng nhỏ số... đường Thuận An ngồi chõm rõm với một cậu thanh niên làm công tác văn hóa thông tin kiêm đánh máy cho Ủy ban và một cô y tá nói chuyện với nhau, ngó xe cộ và người đi đường qua lại. Căn phòng này trước là hiệu may của một người đã bỏ đi Nam, được chia làm hai, một bên là ban văn hóa thông tin, một bên là trạm y tế. Buổi chiều cán bộ định suất nghỉ, còn cán bộ tăng phái đi làm việc, tôi tới ngồi một chút rồi cũng đi về.
Có một hôm, bà Hoa, Bí thư chi bộ xã Hương Lưu, hỏi tôi: “Tối nay, 7 giờ, anh đến nhà tôi, có một đồng chí công an ở tỉnh muốn gặp anh. Không can chi đâu, anh đừng lo”. Tối đó tôi đến nhà bà Hoa. Một ông khoảng trên 40 tuổi, mặc quần áo công an đang ngồi nói chuyện với bà Hoa giữa nhà. Ông ta nói:
“Hôm nay tôi nhờ chị Hoa mời anh đến đây cho tiện, tôi có một vài chuyện muốn hỏi anh. Ông ta cười. Anh đừng lo. Không phải chuyện của anh đâu”.
Rồi ông ta hỏi tôi:
“Chắc anh đã đọc tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên số 1. Anh thấy nội dung của hình vẽ của Bửu Chỉ trên tờ bìa như thế nào?”
À, tôi biết rồi. Bìa trước và bìa sau của tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên số 1 đang “có vấn đề” và đang gây dư luận xôn xao ở thành phố này. Các ông lãnh đạo tỉnh đang bực mình. Tôi nói:
“Trang bìa vẽ một nhà máy và 2 đường sắt đi đến nhà máy. Thế thôi”.
Ông ta ậm ừ trong miệng rồi hỏi nữa:
“À, à... thế anh có quen với anh Bửu Chỉ không? Anh thấy anh Bửu Chí là người thế nào? Tôi hỏi như thế vì anh là người tham gia cách mạng đã lâu”.
“Tôi mới quen anh Chỉ gân đây thôi. Tôi chưa hiểu anh Chỉ cho lắm, cho nên tôi không thể nói gì về anh ấy”.
Lần khác, lúc đó tôi được phân công vào tổ bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố gì đó tôi không còn nhớ tại địa điểm thôn Phao Võng. Khoảng 10 giờ đêm, trong lúc tổ bầu cử đang kiểm phiếu, có 3, 4 thanh niên ăn mặc thường phục ngang nhiên bước vào ngó nghiêng, ngó ngửa, chỉ trỏ nói tiếng to, chẳng coi ai ra gì cả, tất nhiên là theo sau có một cán bộ Ủy ban. Công an về kiểm tra nắm tình hình xem có bọn phản động, chống đối phá hoại bầu cử hay không. Một tay thanh niên nói giọng miền ngoài đến trước mặt tôi hỏi:
“Phiếu bầu có gì lạ không anh Đính?”
Nhiều lần làm công tác bầu cử tôi biết là công an thường đến những địa điểm bầu cử và ngay cả Ủy ban thành phố trong đêm kiểm phiếu để kiểm tra những phiếu bất hợp lệ, và phiếu trắng có những dấu viết phản động, chống chế độ như thế nào.
Tay này nhìn tôi gật gật đầu. Hắn có một khuôn mặt choắt, láng, trông trợt trợt, hình như tên Dũng thì phải. Hắn nói:
“À, chắc anh không biết tôi, chứ tôi thì tôi biết rõ anh lắm, anh Đính nghe”.
Tôi nói:
“Tôi làm hướng dẫn cho cử tri đi bỏ phiếu nên không biết. Anh hỏi những người kiểm phiếu”.
Trong lúc đó, những người đi cùng với hắn đang lục lọi, trăn qua trở lại những phiếu bầu mà chúng nghi là có vấn đề ở bàn kiểm phiếu.
Cuối tháng 12.1976, tôi có quyết định lên công tác tại phòng văn hóa thông tin thành phố Huế. Chuyển chỗ này, chuyển chỗ khác không bao giờ tôi được báo trước, chớ đừng nói là hỏi ý kiến trước. Thình lình một cái người ta đưa quyết định cho tôi. Vừa bước chân vào trụ sở Ủy ban, một người nói:
“A, ông Đính, ông có quyết định về phòng văn hóa thông tin. Sướng chưa? Nhận quyết định mà đi này”.
Ngày... tháng 1.1976 tôi cưới vợ. Vợ tôi tên là Nguyễn Thị Hay lúc này đã thôi làm việc ở khu phố Vĩnh Lợi, đang học lớp y sĩ xã ở trường y tế Bình Trị Thiên.
Trong thời gian tôi làm việc ở Phòng văn hóa thông tin thì xảy ra đại hội văn nghệ tỉnh Thừa Thiên. Tôi tưởng như thế này dẫu sao tôi cũng được yên. Bây giờ tôi lại bị bới ra. Một tên phản động làm thơ chống chế độ, nói xấu lãnh tụ như tôi ai mà cho dự đại hội văn nghệ. Tôi nghe nói là thường vụ Tỉnh ủy và Thành ủy không đồng ý để tôi dự đại hội. Có cái nghiệt tôi vốn là ủy viên ban chấp hành Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên. Ông Tường gặp tôi ở trước cửa trường Đại học sư phạm lúc tôi đi làm việc về, nói: “Tao đã đề nghị anh Lanh cho mi dự đại hội văn nghệ”. Ông Tường làm như tôi nghe tin này thì mừng lắm. Tôi nói “Thôi anh ơi, thêm mệt cho tôi. Anh có cho tôi năm đồng ba trự thì tôi mừng, tôi cám ơn anh. Chớ chuyện đó... tôi không thiết. Anh để cho tôi yên”. Nói thật, tôi chẳng thiết gì về chuyện dự đại hội văn nghệ và cũng chẳng để ý gì đến chuyện này nữa. Tôi có lý của tôi. Như tôi hằng ngày vẫn viết, vẫn làm thơ, không bao giờ tôi nghĩ là thơ tôi sẽ được đăng báo hay xuất bản. Rồi một buổi chiều tôi vừa ra khỏi cổng Phòng văn hóa thông tin, số 1 Trương Định, ông Trưởng phòng đi Honda ra, dừng xe lại: “Anh Đính, chi bộ đã đồng ý để anh tham dự đại hội văn nghệ”. A, tức cười chưa! Về sau tôi bị tố là một kẻ không biết ăn năn hối cải; Đảng đã khoan hồng và độ lượng với tôi như thế mà tôi thì cứ chống Đảng, chống chế độ.
Trước đó, lúc tôi còn ở Ban tuyên giáo Thành ủy, trong thời gian Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên chuẩn bị in tập thơ “Huế từ ấy”, ông Tường nói tôi chép bài “Bài thơ của một người yêu nước mình” của tôi để in vào tuyển tập này. Khi tôi đưa bài thơ cho ông Tường ở 26 Lê Lợi, ông nói: “Đính ơi, tao nghĩ mi đừng để tên Trần Vàng Sao nữa mà để tên Nguyễn Đính. Nguyễn Đính thì ai cũng biết”. “Anh nói chi lạ rứa? Anh mà còn sợ à?”. “Ý của ông Trần Hoàn như thế?”. “Đăng hay không là quyền anh, đổi tên tác giả là quyền tôi. Tôi không bao giờ đổi tên Trần Vàng Sao hết. Nếu đăng anh không được quyền đổi tên tác giả. Tôi sẽ kiện có một tên Nguyễn Đính ăn cắp thơ Trần Vàng Sao”. Một hôm tan buổi họp gì đó ở ty văn hóa thông tin (lúc đó ở số... Lê Lợi), ông Trần Hoàn, trưởng ty, gặp tôi trên thang gác đi xuống nói: “Nhân, Nhân ơi, thôi được rồi, cứ để tên Trần Vàng Sao trong bài thơ của anh. Vừa rồi tờ Văn nghệ Giải phóng ở Sài gòn đã đăng lại bài thơ đó và để tên Trần Vàng Sao”. Thằng cha quá khôi hài. Hình như lúc đó không biết có phải là Lê Nhược Thủy hay không có viết về bài thơ này của tôi trên Văn nghệ Giải phóng. Tác giả tỏ ra có cảm tình với bài thơ của tôi.
Sau này khi ra tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên, rồi Sông Hương, bạn bè khuyên tôi nên đăng thơ cho vui, “chỗ anh em với nhau, ai vô đó”. Tôi không chịu. “Cái thằng chi lạ”. “Rứa mi làm thơ rồi cất trong tủ à, hay chỉ đọc cho con Bồ Câu nghe thôi à?” [5] Tôi chỉ cười. LúcSông Hương sắp ra số 1, có người rủ tôi: “mi phải gửi bài đăng Sông Hương số 1”. Tôi lắc đầu, Sông Hương ra được vài số, thằng Điềm đến nhà tôi nói tôi đưa 2 bài thơ cho hắn đăng. Tôi nói: “Thôi đăng làm chi. Tao không thích”. Hắn mượn tôi một số bài đem về đọc. “Cho mi mượn đọc, chứ đừng đăng”. Lúc này thằng Điềm làm Tổng biên tập tạp chí Sông Hương. Mấy ngày sau tôi gặp hắn đòi mấy bài thơ với lý do tôi chỉ có một bản duy nhất đó. Hắn báo là bà Mỹ Dạ mượn. Tôi lên nhà ông Tường liền và lấy lại mấy bài thơ về. May quá. Một bữa khác, gặp tôi, bà Mỹ Dạ nói: “Anh Điềm bảo Dạ: răng chị lại đưa mấy bài thơ lại cho thằng Đính. Chị cứ chọn mà đăng. Mà răng anh chướng rứa, anh Đính? Đăng cho vui chứ”. “Thôi chị ơi!”. “Anh sợ à?”. “Đụng tôi bị tù thì làm răng?”. “Anh ở tù thì bọn này bói”. “Rứa ai nuôi con tôi?”. “Nói rứa thôi, đưa thơ đăng đi anh Đính”. Anh em bạn bè khuyên nhủ, nói nhiều lần, cầm lòng không đậu, tôi đưa bài “Những ngày còn nhỏ của tôi ở Vỹ Dạ” để đăng. Bài thơ dài nên chỉ trích đăng một số đoạn có chừng mực. Từ đó, nhờ tấm lòng của bạn bè, thỉnh thoảng thơ tôi lại được đăng ở Sông Hương. Một số bài trong những bài này của tôi đã bị báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình và nhiều người có chức quyền ở tỉnh này sỉ vả tôi dữ tợn, tóm một lời, họ cho tôi là phản động. Có người ở báo Công an Bình Trị Thiên gọi tôi là chó, rằng lúc ở Hà Nội, Đảng đã khoan hồng cho tôi mà nay tôi lại không biết điều... Nhưng đó là những chuyện xảy ra về sau này.
Những tháng năm này cả nhà tôi đói.
Chú thích:
[1] Đốt.
[2] Hình như lúc đó ông gọi tôi là Nhân, tên ở Chiến Khu của tôi
[3] Three Who Made a Revolution của Bertram D. Wolfe.
[4] Tôi nhớ hình như thằng Xuân nói: “tao đã xếp cho mi”
[5] Bồ Câu là đứa con gái đầu của tôi.

Trần Vàng Sao
Tôi bị bắt
Chương Kết
Chủ nhật, ngày 12.11.1977
Có khi đầu óc tôi trống không. Tôi không muốn nghĩ gì hết. Tôi đi rồi đứng lại. Phố xá cứ đông người, ồn ào. Ở một vài góc đường người ta đứng đông lại, quần áo giày dép, khăn mũ đủ thứ đủ loại, ta có địch có, nửa ta nửa địch có, thứ này một nửa, thứ kia một nửa, đeo vào người, choàng lên vai, vắt lên cổ, đội lên đầu, không cần kiểu cách và làm đẹp; mặc cho có mặc, đeo cho có đeo. Những khuôn mặt trắng bệch, không tái xanh, không mốc meo, không béo đỏ, hơi hốc hác một tí, phấn khởi; những khuôn mặt mở toét miệng cười, những khuôn mặt bình tĩnh, tuổi trẻ để ria... Đầu óc tôi trống không.
Huế đang có những ngày như Tết. Trời ấm, không có nắng, không biết được trưa sớm, không phải để mưa, đôi khi loáng thoáng một chút gió, rồi mất đi, cây cối lại đứng yên. Đã có ngày mưa vào buổi trưa buổi chiều, rồi lại có nắng. Trời cứ không chừng độ như thế này.
Như buổi mai này chủ nhật và tôi nghỉ phép 15 ngày, tôi ngồi ở nhà, trời cũng yên lành vô cùng. Chim kêu trên mái ngói...
Thứ hai, ngày 12.12.1977
Buổi sáng tươi tốt và có tiếng gà gáy, tiếng trẻ con nói ngoài đường. Mùa đông không có mưa to suốt ngày. Thỉnh thoảng một vài cơn mưa lào rào vào buổi trưa, buổi tối. Sáng sớm trời chưa nắng kịp, rồi trưa trưa nắng hửng, trời lại trong và ấm ấm. Có khi suốt buổi mai không có chút nắng, trời không phân biệt được trưa sớm. Những ngày này ở Huế hay như thế
Huế thường bắt đầu một ngày bằng cái bình yên và lặng thinh của trời đất vào buổi sớm mai và hết một ngày vào lúc không còn tiếng động to và rất vắng, thành phố lại dần dần yên tĩnh. Những ngày mới giải phóng, về đêm thành phố này yên tĩnh một cách kỳ cục. Đường vắng, cái vắng vẻ đó vốn không phải của Huế, nó nặng và câm, chứ không phải bình yên. Buổi sáng ở Hà Nội cũng có khác. Tinh mơ Hà Nội yên lặng, rồi khi không ào ào lên tiếng người, tiếng guốc dép, xe cộ. Huế chưa có được cái không khí đó, từ sự yên tĩnh sang sự ồn ào không phải thình lình, khi không nổi ào lên, mà dần dần từng lúc từng chặp, từng nơi, từng chỗ cho đến khi trời sáng trắng ra; có khi cái ồn ào đó lại ngưng đi một chút
Theo đúng ngày khai trong giấy khai sinh, hôm nay, ngày 12 tháng 12.1977, tôi chẵn 36 tuổi. 36 tuổi có một đứa con trai hơn 15 ngày tuổi và với những cơn dạ dày cứ khi có khi không bình thường
Thứ Hai, ngày 2.1.1978
Tôi đã không có thì giờ để trong đêm 31.12.1977 viết vài chữ vào đây. Con tôi đau và hết gạo. Một ngày đầu năm, trời không nắng, trời không mưa, trời không biết được buổi mai, buổi chiều, trời cứ như trời những ngày tết. Hình như đêm mồng một trời có mưa cho đó và suốt ngày mồng 2 trời mưa to. Bây giờ mới có một cơn mưa đầu mùa đông. Thôi tôi tức ngực lắm rồi, đi ngủ đây
Thứ tư, ngày 4.1.1978
Câu chuyện được kể như thế này, không phải, một thằng bé bảy tám tuổi kể thế này: lâu nay con không có bữa mô ăn no hết, có ngày con chỉ được một chén cơm, mấy anh và em con cũng rứa. Cả nhà cứ bị say sắn hoài. Đứa em út 2 tuổi khi mô cũng được ăn nhiều hơn, nhưng ăn rồi em con nó cũng cứ khóc. Mạ con chết rồi, mạ uống thuốc chuột mạ chết. Và mấy ngày ni, con và anh em con được ăn no, ăn bữa mô cũng còn dư cơm bắt nhiều, lại có thịt gà, thịt heo nữa, mỡ loạn lắm. Mai thì đưa đám mạ con
Con không khóc được
Thứ năm, ngày 12.1.1978
Một tuần ăn muối, thỉnh thoảng có 5 hào ruốc và mỡ. Hết gạo, hết mì, không có củi. Ván, gỗ mặt ghế, chân bàn, chân ghế cũ đều đem chẻ chụm. Sữa của mạ con Bồ Câu trong và không cương như trước nữa. Tôi xin được 3 trái đu đủ ở cơ quan về xào với ruốc. Vợ tôi nói: mấy bữa ni sữa có hơi cương nhờ có đu đủ. Ngày 7.1, Bồ Câu phải bú bình, mỗi ngày 2 bữa, và chỉ mới bú được sữa hộp 2 ngày, nay phải bú nước gạo với đường. Cơn dạ dày cứ hành hạ tôi, không kịch liệt, cứ ngấm ngầm, kéo tôi gục xuống
Cả nhà vẫn vui vì Bồ Câu ngoan. Hôm nay, Hay mua phần gạo của mình. Không có chuyện tiêu chuẩn người đẻ, vẫn có độn. Được vậy là quá quý rồi. Tôi nói với vợ nấu 3 lon đi em, gạo không a.
Thứ Ba, 13.6.1978
Một con chuột chạy băng qua đường Trương Định (trước kia ở đây là một quán cà phê). Con chuột chạy từng bước một, nhổm từng bước một cố hết sức đẩy cái thân của nó di chuyển, nhưng không vội vàng, không trốn chạy. Phía trên lưng con chuột, một đôi ba sợi lông con dài mọc trên một vệt trắng loét có vảy. Đoạn cuối cùng của cái đuôi cũng trắng bệch và cùn ở đầu mút. Thân con chuột cong lên, nó chập choạng chạy. Nó dừng lại, bò lui một mô mất hơi cao rồi vất vả từng bước đục vào connex. Tôi không gớm guốc chi con chuột hết, tôi không tởm. Tôi thấy nó quá tồi tệ, quá bần tiện và quá cực. Con chuột đã không cần trốn tránh khi thấy con người. Nó hết sức và quá mệt rồi
Chủ nhật, 29.10.1978
Cả nhà ăn bột mì xay từ mì hột, trừ Bồ Câu. Được như thế đã là quý lắm rồi. Hầu như vợ tôi và tôi chẳng tiêu một xu gì cho riêng mình hết. Cuộc sống vất vả nhưng vui. Bây giờ chỉ cần có những thứ có chất bột độn vào dạ dày, không phải khi nào cũng được đầy, miễn là có để ấm bụng. Một tô bún, một bữa ăn có cá thịt, dù rất ít, chỉ là họa hoằn. Còn ngoài ra có khi không có nước mắm mà ăn. Vợ tôi gầy, tôi hay đau. Mẹ tôi không được khoẻ. Sức đọc và viết có giảm đi, vì thức khuya không được dài. Nếu vợ tôi đủ ăn, chỉ cần cơm nhiều hơn, thêm một ít thức ăn có chất tanh là béo, con tôi sẽ khá hơn. Mọi thứ mua theo tiêu chuẩn cung cấp, kể cả chỉ một bao thuốc tôi cũng bán, trừ nước mắm, mỡ và những thứ cần thiết cho bữa ăn. Tệ hơn nữa là hôm qua mua được 2 cân cà rốt, một bắp su cũng phải bán một nửa để mua gạo. Cơn dạ dày cứ đau rất bất thường, hầu như không ngày nào không đau, không đêm nào tôi ngủ được thẳng giấc. Cơ thể thường rã rời và mệt mỏi
Thứ Ba, ngày 31.10.1978
Mong có một bữa cơm không, ăn với cá, cá vụn, với muối và một chút ớt
Thứ Hai, 22.07.1979
Nhà cứ không có gạo hoài. Có nửa lon, một lon dành cho Bồ Câu. Phải bới sắn non, nhưng chỉ vài ba bữa, còn thì quá non. Hay chưa có được gạo. Giấy trả về làm việc từ 1.6. Chúng mày không có gạo thì chúng mày đói chứ tao có đói đâu
Gạo.
Bây giờ ai cũng chỉ mong, không phải bữa nào cũng cơm mà sắn cũng được, mỳ hột cũng được. Miễn là dộng vào cho đầy cái dạ dày. Ước mơ của thiên hạ thì cũng đơn giản thôi: làm sao bữa nào nồi cũng đầy cơm, đầy tràn ra, đến nỗi hôi khói. Có cơm ăn với chi cũng được, với muối, nước mắm thì tuyệt rồi. Người ta không ao ước gì hơn nữa. Không có mơ ước, không có hy vọng.
Và không ai dám nói ra những suy nghĩ của mình về chế độ, thậm chí những suy nghĩ của mình về một người thứ ba cho một người thứ hai nghe. Người ta phải nói láo hoặc nói nhỏ. Kinh khủng thật. Thành ra có một không khí chính trị giả dối trong dân chúng. Nhưng mà chưa ai chết ngay cho. Có người nói: không chết tươi ngay mà chỉ chết mòn, chết dần; ngày nào cũng cố ráng làm việc. Cố tìm cho ra những thứ chi ăn được dộng vào miệng. Chưa lúc nào người lao động làm việc cật lực, siêng năng, hết sức như bây giờ, chưa bao giờ lao động lại có ý nghĩa thiết thân như bây giờ. Lao động không phải là một cách để tồn tại của con người. Lao động để có cái ăn, để khỏi chết, để khỏi bò, rồi quỵ xuống như con vật. Thành ra cái ý nghĩa của lao động đã đạt đến đỉnh cao của nó: người ta lao động cho chính thể xác của người ta sống và để cho nhân loại còn có con người đang ngu ngoe, động đậy trên trái đất này. Lao động để sống như một con vật, chứ không phải để thành người
Ngày 28.7.1979
... không phải người ta không cần gì nữa hoặc mất hết lòng tin mà người ta không còn biết tin là gì nữa, người ta không có lòng tin. Nói đúng ra là thế này: Bây giờ không phải người ta khủng hoảng niềm tin (đó chỉ là một cách nói chữ). Bởi vì người ta không thể sống mà không tin vào một cái gì cả, kể cả người không có lý tưởng vẫn tin vào cái không có lý tưởng của mình. Điều dễ sợ là con người bây giờ sống bị buộc phải tin, và sự bị buộc phải tin này như một bệnh dịch lan từ người này sang người khác, nó khống chế người này đến người khác; nó kiểm soát, nó đe dọa, đọa đày, vật vã. Nó làm cho con người mất cá tính và tư cách của mình. Nói gọn lại, nó đẩy con người và cũng tự con người đó đẩy mình sống trong một tình trạng ngột thở không cựa quậy được. Người đó tự giam cầm mình
Tôi có nói với một người quen: người nào là trí thức bây giờ họ cũng không biết cái trí thức của họ là gì nữa, và họ phải dùng cái tri thức của họ ở đâu và để làm gì. Sự hiểu biết bây giờ là cái cùm để cùm người có tri thức lại. Mô Phật. Đồ tư sản, bọn tiểu tư sản bây đã ăn phải cái bả tự do của bọn tư sản rồi!
Thứ Hai, 31.12.1979
Một hai ba ngày một tuần mẹ tôi, vợ tôi, tôi ít khi có cơm ở trong bụng. Bồ Câu có bữa ăn bánh canh, và cơm thì thường với nước ruốc hoặc muối. Cả nhà không no, mệt rã rời chân tay. Tôi không thức khuya được, mắt mờ đi rất nhiều, và những cơn dạ dày
Thứ Sáu, 1.2.1980
Đói và những cơn dạ dày, có nửa tháng nay cả nhà chưa khi nào được một bữa no. Một tuần gần đây thì chuối non nấu với ruốc và bột sắn, bột mì, mì sợi. Bồ Câu chỉ có cơm với ruốc hoặc nước mắm. Có bữa Bồ Câu cũng không có cơm
Tôi không có đủ sức nghĩ đến những chuyện khác.
Thèm ăn, vợ tôi có nhiều bữa đói lả đi. Tôi lại đi ỉa ra máu
Ngày mai sẽ mua được gạo tháng 2. Có chắc họ bán gạo vào ngày mai không?
Thương Bồ Câu quá.
Khoảng tháng 11, 12.1979, tại Phòng văn hóa thông tin thành phố Huế đã xảy ra vụ “Biên bản 68 trang”. Vì vụ này tôi bị đẩy về lại xã Hương Lưu. Những người lãnh đạo thành phố này đã quy tội tôi và một số người khác là đã đã kích động, xúi giục cán bộ nhân viên Phòng văn hóa thông tin quấy phá, làm loạn, chống lãnh đạo, thóa mạ Đảng. Trưởng phòng văn hóa thông tin lúc đó là một tay gian ngoan và bần tiện. Biên bản 68 trang đánh máy là biên bản của buổi họp ngày 7.12.1979 của công đoàn Phòng văn hóa thông tin và Phòng thể dục thể thao tố cáo ông ta đã lợi dụng việc thảo luận của cán bộ nhân viên về dự thảo Hiến Pháp mới (bằng văn bản báo cáo tổng hợp các buổi họp thảo luận) để buộc tội một số cán bộ là đã không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, và trong quá trình làm việc đã lợi dụng khả năng, kể cả những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ nhân viên dưới quyền của ông ta làm thủ đoạn để tiến thân v.v... Buổi sáng một số anh em đến Phòng văn hóa thông tin để đánh máy biên bản, cô Khánh, em của Nguyễn Khoa Điềm, nói riêng với tôi: “Anh Điềm có bảo em nói với anh, là anh em làm như thế (tức là đã phê bình, tố cáo những thủ đoạn của ông Trưởng phòng trong các buổi họp) là đủ rồi. Thành ủy Huế đã biết. Không nên làm biên bản gửi lên Thường vụ. Làm như thế sẽ không có lợi cho anh”. Tôi nói: “Tất nhiên chúng ta không làm gì được tên trưởng phòng này. Nhưng chúng ta phải tỏ thái độ của chúng ta. Bây giờ chúng ta không gửi biên bản lên Thành ủy, anh em sẽ bảo chúng ta sợ và đã thỏa hiệp”
Biên bản gửi lên Thành ủy. Nguyễn Đức Hân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế phụ trách văn xã, đến Phòng văn hóa thông tin họp các cán bộ chủ chốt (tôi không được dự), vừa vuốt ve, dụ dỗ, vừa trấn áp, đe dọa và nói cho họ biết tôi là một người như thế nào: lập trường và tư tưởng phản động, chống Đảng, chống chế độ, làm thơ nói xấu Hồ chủ tịch v.v... Sau cái màn gợi ý, thổ ngọt và hăm dọa này, ngày 19.12, ngày 21.12 và ngày 31.12.1979, Nguyễn Đức Hân hầm hầm kéo một đoàn cán bộ Thành ủy và Ủy ban nhân dân đến Phòng Văn hóa Thông tin để đàn áp
Nguyễn Đức Hân kết tội tôi và năm anh em khác là “một làn gió độc, một đám hồng vệ binh lộn xộn, có xu hướng biệt phái, xúi giục, quấy phá, gây chia rẽ nội bộ, dùng cách đấu tranh hợp pháp chống địch ngày trước để đấu tranh chống ta nhằm làm một cuộc đảo chính nội bộ, thóa mạ Đảng, xúc phạm đến tổ chức...”. Ông ta xỉ vả tôi “Đảng rất độ lượng, rất chân tình đối với anh Đính. Anh quấy cái Phòng thông tin này hơi nhiều. Anh Đính đáng ra là bị xử lý khác, nhưng khi ở miền Bắc vào anh được Thành ủy nhận ngay. Anh là một quần chúng lạc hậu...”. Rồi tôi được gọi lên Phòng tổ chức Ủy ban. Ông Lớn, trưởng phòng, bảo thẳng tôi: “Ủy ban chuyển anh về công tác ở Hương Lưu”. Tôi hỏi: “Có phải vì chuyện vừa xảy ra ở Phòng văn hóa mà tôi phải về Hương Lưu không”. “Làm gì có chuyện đó”
Và những người đồng lòng với tôi rồi cũng phải mỗi đứa mỗi ngả, bằng cách này hoặc bằng cách khác
Đói, cực, vợ tôi bỏ làm việc Nhà nước. Tháng 4.1979, tốt nghiệp trường trung cấp y tế tỉnh, lớp y sĩ xã, tháng 6 đi làm ở trạm y tế Vĩnh Lợi, lương định suất 36 đồng cộng 2 đồng chuyên môn là 38 đồng, lương thực 11 cân, nhưng 2 tháng sau mới cho mua, đầu năm 1980 vợi tôi xin nghỉ. Xoay xở buôn chèo bán chẹt chi cũng còn hơn đi làm cho Nhà nước, có điều nghỉ làm việc thì mất tiêu chuẩn 11 cân lương thực với giá cung cấp. Vợ tôi đi Vinh, gọi là đi buôn, năm bảy cân phân đạm, một hai tá bút chì, vài cân cà phê bột... Một chuyến bốn năm ngày, vất vả vì phải trốn bọn thuế vụ, một phần nữa là bọn quái cướp giựt tự do trên tàu. Đến chuyến thứ 7 thì lỗ, cà phê bị bắt ở Ga Vinh. Liều thêm một chuyến thứ 8, thì vợ tôi đau. Sau đó, vợ tôi đi bán thuốc lá, bánh kẹo tại các sân bãi biểu diễn văn nghệ, rồi triêng gióng lên chợ Thông, Lựu Bảo mua thơm mít về chợ Đông Ba bán, rồi qua chợ Đông Ba gánh nước đá thuê, coi ngó hàng hóa cho người ta...
Vợ tôi nghỉ việc có 2 tháng tôi mới đi cắt tiêu chuẩn gạo. Kệ, gian được tháng nào đỡ tháng nấy, nhưng phải cắt, không họ sẽ trừ vào phần tôi, thì cũng như không
Thứ Tư 28.5.1980
Sáng nay, tôi đi làm giấy cắt tiêu chuẩn lương thực của vợ tôi
Cô gái ngồi đối diện trước mặt tôi cầm bút ghi vào tờ khai lương thực ở phần vợ tôi - 11 (trừ 11). Mang sang: Hay; giảm -11, bắt đầu từ 6.1980. Tôi lạnh hết cả thân thể, lạnh lắm. Tôi hơi ngẩng đầu lên một chút rồi cúi xuống. Tôi đến đóng dấu rồi cứ cầm cuốn sổ đọc cho đến khi đi ra ngoài đường
Tháng 8.1980, tôi về công tác ở UBND xã Hương Lưu
Người ta giao cho tôi một công việc hết sức tức cười, thư ký văn phòng. Tôi ngồi chình ình trước một cái bàn sắt to nặng đặt choán gần hết cửa ra vào của văn phòng Ủy ban. Công việc của tôi là đối chiếu các bản sao giấy khai sinh, bằng cấp v.v... với bản chính, nhận công văn, bỏ vào các cặp bìa cứng có hai chữ “Trình ký” để ở ngoài, rồi đúng giờ đem vào cho ông Chủ tịch, Phó chủ tịch ký. Thằng Thái Ngọc San cười: “Thằng Đính làm thư ký mà không được ký”. Trong anh em bạn bè có đứa nói: “Về quách cha cho rồi Đính ơi”. Ông Tường bảo: “Chỉ có thiền sư mới đi làm việc như mi”.
Tôi làm việc ở Ủy ban Hương Lưu đâu được 5 tháng, một hôm, ông Chủ tịch bảo tôi: Chi ủy và thường trực Ủy ban đang họp cần gặp tôi để bàn một số công tác. Vào phòng, tôi thấy đầy đủ bộ sậu của cấp ủy và ủy ban. Tay Bí thư chi bộ bảo tôi: “Anh Đính ạ, anh về đây cũng không phải do chúng tôi yêu cầu. Và công việc của anh đang làm hiện nay xét ra thì... trong tổ chức của văn phòng Ủy ban không có và vả lại... không hợp với khả năng của anh...”
Tôi ngắt lời hắn:
“Tôi cũng như anh, tôi thi hành quyết định của trên. Tôi có xin về đây đâu và công việc của tôi đang làm là do các anh sắp xếp”.
Tay Bí thư chi bộ là cháu của Bí thư Thành ủy lúc này, lúc ở trên rừng làm việc ở bộ phận nhà in, sau giải phóng, công tác ở Phòng tổ chức Ủy ban thành phố, và bây giờ là Bí thư chi bộ xã Hương Lưu
Nói qua nói lại một lúc, tay Bí thư chi bộ đề nghị tôi phụ trách công tác thương binh xã hội. Tôi không nhận, lý do là tôi không phải là Đảng viên nên không thể dự hợp với cấp ủy xét duyệt hồ sơ thương binh, liệt sĩ. Ông Phó bí thư làm Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã nói tôi làm công tác lao động. Tôi từ chối vì không thích. Có một người nào đó gợi ý tôi làm thông tin văn hóa, những chỉ nói chiếu lệ, nên không ai để ý. Tay Bí thư chi bộ nói:
“Thôi thế này, các đồng chí ạ, anh Nhơn làm liên lạc mới bỏ việc. Công tác liên lạc của Ủy ban thiếu người. Mà xét ra cũng chẳng còn công việc nào phù hợp với anh nữa, chỉ có việc này. Anh nhận cho. Chúng tôi cũng không biết phải giải quyết thế nào nữa”.
Tôi nhận làm liên lạc xã. Tay Bí thư vừa cười vừa nói:
“Anh nhớ là anh làm liên lạc luôn cho chi bộ nữa đó, anh Đính nghe”.
“Trong giờ hành chính”.
Tôi vào ngồi ở cái bàn sắt to nặng đặt chình ình giữa cửa ra vào của văn phòng Ủy ban xã. Hàng ngày tôi đến Ủy ban, không có việc thì ngồi hút thuốc đọc sách, có công văn, giấy mời thì tôi đi đưa, khi lên Ủy ban thành phố, khi về các tổ trong xã. Ngay ở Ủy ban, có nhiều người không tin tôi làm liên lạc. “Anh làm liên lạc thiệt hả, anh Đính?”. “Thiệt chứ chơi à?”. Mấy ông tổ trưởng dân phố thấy tôi đi đưa giấy mời cũng nói: “Bữa trước tưởng nhân tiện anh đưa giùm, té anh làm liên lạc à? Anh nói chơi?”. Tôi cười: “Ngoài công tác liên lạc ra tôi còn nhiệm vụ giữ chìa khóa văn phòng Ủy ban, sáng chiều phải đến sớm mở cửa, hết giờ làm việc khóa cửa lại”. Nhận một xấp giấy mời, tôi nhờ một đứa nào đó khóa cửa, rồi đi tuốt. Thường tôi nhờ người đưa giúp giấy tờ, gặp ông ở tổ 3, tôi nhờ đưa cho tổ 4, tổ 5, hoặc gặp ai đó giữa đường tôi cũng nhờ. Vui nhất là ở thôn Phao Võng, một thôn vạn đò trên sông Hương. Có giấy mời đi họp, tôi ra bờ sông gọi đò. “Chi rứa anh Đính?”. “Có giấy Ủy ban mời họp, nhờ bác đưa giúp”. “Anh Đính nì, tổ trưởng tổ.. ra làm ngoài biển rồi”. “À, tổ trưởng tổ... con đau, nhờ anh báo lại Ủy ban như rứa”. Thành ra tôi quen nhiều bà con ở đây
Nói thiệt bà con ai cũng cám cảnh cho tôi. Tôi cứ cười. “Tưởng anh đi bao nhiêu năm về bà con nhờ, té ai từng đời...”, “Ai ngờ thằng Đính con mệ Đính bây giờ như rứa”. Làm liên lạc, đám lãnh đạo ở ủy ban chẳng ai hạch sách tôi. Hồi còn làm cái chức thư ký văn phòng, mấy cái tay Chủ tịch, Phó chủ tịch cứ tiếng to tiếng nặng với tôi. “Tôi đã bảo, thứ hai, thứ tư, thứ sáu là ngày ký giấy tờ, sao hôm nay thứ 5 anh lại đem vào đây”. “Tôi đã bảo sáng thứ 7 hội ý cán bộ văn phòng là không giải quyết giấy tờ, sao anh lại...”. Tôi chỉ nói: “Nhưng mà dân họ cần... thì này... thế này...”.
Một buổi sáng đầu tháng 4.1981 tôi lên Ủy ban thành phố lãnh lương, lúc đi ra thì gặp ông Nguyễn Văn Kháng, cán bộ phòng tổ chức tại phòng trực. Ông Kháng cười:
“Chuyến ni được truy lãnh, sướng hí!”
“Truy lãnh chi rứa anh Kháng?”
“Anh được lên lương tháng trước rồi mà”.
“Có mô, vẫn 56 đồng”.
“Thì chính tôi ghi quyết định và gửi về Hương Lưu cho anh mà. Anh lên hỏi ông Lớn đi. Nhưng đừng nói tôi nói nghe”.
Tôi lên phòng tổ chức gặp ông Lớn, trưởng phòng. Ông Lớn nói:
“Có, có quyết định tăng lương cho anh. Nhưng sau đó xét công việc của anh làm ở Hương Lưu hiện nay, nên Ủy ban đình lại”.
Tôi trở xuống phòng trực, ông Kháng còn đứng đó. Ông Kháng nói:
“Rứa là thằng chi đó Phó chủ tịch của Hương Lưu chơi ông đó”.
Tôi nói:
“Lúc đi phép Sài Gòn về tôi có nghe nói là tôi có quyết định tăng lương và hiện tay Phó chủ tịch cất. Tôi hỏi hắn, hắn nói, tôi không biết, làm chi có”.
“Đúng là hắn chơi ông. Chắc hắn cho rằng hắn là Phó chủ tịch, Đảng viên mà lương chỉ 50 đồng, còn anh làm liên lạc đã hơn lương hắn rồi mà lại còn được lên lương nữa. Chắc hắn gặp ông Lớn phản đối việc tăng lương cho anh. Thằng bần tiện”.
Ngày 16.5.1981 tôi viết đơn gửi Ủy ban nhân dân thành phố Huế xin nghỉ việc lý do: đau dạ dày và vết thương cũ tái phát, không làm việc được. Một tháng sau, 16.6.1981, tôi viết đơn báo cho Ủy ban xã Hương Lưu biết tôi đã xin nghỉ việc và bắt đầu từ ngày 18.6.1981 tôi sẽ không đến Ủy ban làm việc nữa. Ông Chủ tịch nói tôi bàn giao công việc. Tôi nói: “Có gì mà bàn giao. Tôi chẳng giữ giấy tờ sổ sách gì cả”
Và bắt đầu từ ngày 18.6.1981, tôi không đi làm việc nữa
Tôi không đi làm việc cho Nhà nước, anh em bạn bè ai cũng mừng cho tôi. “Đáng lẽ mi phải về từ lâu rồi. Về là phải, mà phải về”. “Đứa nào nghe mi thôi việc cũng đồng ý”. “Đồng ý mi nghỉ việc là hết sức khó khăn cho mi, cả nhà mi đang đói. Nhưng mi có tư cách của mi. Không thể để cho người ta làm chi thì làm”. Có đứa còn nói: “Anh không đi làm việc, tôi sợ gia đình sau này có chuyện không ổn, vì anh phải sống nhờ vợ. Mà nói thật ra anh đừng giận, nếu người đàn bà mà làm ra tiền...” Mấy người hàng xóm nói: “Anh nghỉ việc là phải. Làm cái việc chi mô cho cực”. “Anh thôi làm việc rồi phải không? Làm chi cho nhục”. Mẹ tôi một hôm đi chợ về, kêu tôi bảo: “Mạ thì không biết, mạ ra ngoài chợ nghe họ nói bữa ni con không đi làm trên xã nữa. Họ nói: chị nói thằng Đính đừng đi làm nữa, làm chi ba cái việc không ra chi mà cũng làm cho xấu”
Một tháng sau khi tôi nghỉ ở nhà, Phòng tổ chức thành phố gởi giấy gọi tôi lên. một anh cán bộ của phòng hỏi tôi: “Anh xin nghỉ dưỡng sức một thời gian hay xin nghỉ luôn? Anh muốn chúng tôi giải quyết thế nào?” Tôi nói:
“Anh cứ xem trong đơn của tôi. Tôi xin nghỉ việc không đi làm nữa. Còn giải quyết thế nào là việc của các anh. Đúng chế độ và thủ tục thì tôi nhận”.
Anh cán bộ này tôi có quen sơ hồi ở trong rừng
“Anh chỉ nên xin nghỉ vài tháng đi chữa bệnh. Dại chi mà nghỉ luôn, anh Nhân”. Lúc tôi đi về ngang qua phòng tài vụ, cô kế toán gọi lại:
“Anh Đính vào lãnh lương”.
Tôi nói:
“Tôi có đi làm đâu mà lãnh lương”.
“Anh cứ lãnh. Anh xin nghỉ việc mà Ủy ban chưa có quyết định, chúng tôi cứ phát lương và anh cứ lãnh”.
Môt lần sau cô phát lương còn phát cho tôi cả tiền hao mòn xe đạp. Tôi nói:
“Ngó tức cười chưa, lúc còn đi làm thì lại không có tiền hao mòn xe đạp”.
Trước kia có lần đến lãnh lương tôi nói với người phát lương: “Sao ai cũng có tiền hao mòn xe đạp mà tôi lại không có”. “Vì anh khai không có xe đạp”. “Thì đi bộ cũng phải hao mòn chân cẳng chớ chị?”
Tôi ở nhà làm việc nhà chơi với con, đọc sách, viết. 2, 3 tháng rồi 5, 7 tháng
Tháng 9.1981
buổi trưa
tôi ngủ một giấc dậy
năng nề chân tay
rồi nhắm mắt lại
tôi bỏ việc ở nhà chơi với con
tuổi thơ không biết có cuộc đời này
con khóc nhưng không biết được cha mẹ con muốn cười
cho hai bàn tay hai bàn chân nhẹ nhàng
tôi ngó con tôi cười
rồi chơi rồng rắn
để xin khẩu súng bắn cái đùng
cho tới khi đứt đuôi
hết
(trong sổ tay ghi hàng ngày)
Ngày 27.10.1981, tôi viết xong bài thơ dài về khúc đầu của quãng đời này của tôi với đề từ: “Tôi được thả ra và sống như tù”
Những ngày của tháng 12.1981 tôi viết trong nhật ký:
Vợ tôi nói: anh ở nhà để được yên tĩnh mà chữa bệnh dạ dày
Tôi mệt và đau
Tôi muốn được yên tĩnh
Bây giờ thì đang lạnh. Tôi đang bị dạ dày hành.
Những cơn đau dữ dội, toát mồ hôi, muốn mửa.
Trong những giấc ngủ tôi cứ thấy mình được ăn.
Những cục thịt đầy mỡ nổi lều bều trong một cái bát để trước mặt.
... Có khi tôi cảm thấy mình kiệt lực, bụng thắt lại, thân thể hễ đụng vào là đau như bị đánh.
Tôi không muốn suy nghĩ gì thêm.
Trời khô có trăng, lạnh. Đêm yên tĩnh. Mệt quá.
Đôi khi tôi sống lơ đãng, không chịu suy nghĩ gì hết. Tôi nghĩ về một bữa ăn ngon trong gia đình, nghĩ tới những đĩa thịt, nghĩ tới nỗi vất vả của mẹ tôi và vợ tôi.
Tôi thích thằng điên, thằng hề và đứa con nít.
Tôi viết về thằng điên, thằng hề và đứa con nít.
Ngày 25.10.1981, tôi làm bài “Bản thánh ca của một tên hề mất trí là thi sĩ - hay là Sự tích tôi làm hề” với mấy câu mở bài:
tôi tên hề mất trí
nói lời công an theo dõi
và làm thơ bị bắt
tôi ký tên tôi
Nguyễn Đính
Ngày 25.12.1981, tôi ghi trong sổ tay:
1981 năm trước Chúa ra đời ở Bết-lê-hem
1981 năm sau ở Huế gạo 10 đồng 4 lon
Tôi chảy 2 hàng nước mắt
Con ơi
Con cứ làm con gà gáy o o
buổi trưa buổi chiều buổi sáng
làm chi
Dần dà về sau có nhiều đứa anh em quen biết khuyên tôi nên đi làm lại, đi làm cho vui với anh em. Tôi nói: “Tao ở nhà tao mới vui”. Ông Tường cũng nói: “Thôi, đi làm đi”. “Sao trước kia anh nói tôi đừng đi làm nữa? Chỉ có nhà thiền sư mới chịu đựng như mi?”. “Trước khác, bây giờ mi qua hội văn nghệ, có anh em...”. Tôi không chịu. Nhiều khi tôi đổ bực khi thấy mấy thằng thường xúi tôi đi làm bước vào nhà: “Ê, về chơi nói chuyện trên trời dưới đất chơi, chứ đừng nói chuyện tao đi làm lại nữa nghe”. Có đứa còn gặp vợ tôi xúi: “Hay, nói với thằng Đính đi làm với bọn anh cho vui đi. Nghỉ ở nhà lấy chi mà ăn?”. Vợ tôi nói: “Làm chi cũng được, nhưng với Nhà nước thì không. Anh biết không, từ ngày anh Đính nghỉ ở nhà, cái dạ dày có đỡ đau đó”
Ngày 7.3.1982
Tôi ở nhà gần 9 tháng rồi
... Lúc này tôi viết nhiều hơn đọc
Thức khuya không nổi. Dạ dày hay trở chứng. Thèm thịt và đường quá sức, cả nhà đều thèm. Tôi mệt mỏi, chẳng để ý gì đến thời sự
Em sắp đẻ, tháng 3 âm thì đẻ. Lấy chi mà ăn. Không lý lại nói liều, trời sinh trâu thì trời sinh cỏ
Trăng sáng, trời bắt đầu nóng. Khí trời khó chịu. Đêm không có gió. Cây cối im không
Ghi hàng ngày trong tháng 3, 4.1982
Ngày...
tôi ăn một củ sắn sượng
và mửa ra máu
Ngày...
trời mưa to hết 2, 3 ngày không tạnh
tôi ở nhà hút thuốc ngó ra đường
nước nổi bọt đầu miệng cống
người mua chai bao rao lên mấy tiếng
Ngày...
tôi đọc một bài thơ cổ
có câu
chỉ tay lên trời viết
Chữ không
tôi cười tôi dại dột
Ngày...
Có một thằng điên bị bắt đang lúc lượm cơm đổ trong đống rác
người ta nói nó làm giặc
Ngày...
một người ngó trước ngó sau
nói to cực quá
Ngày...

Cờ treo ngoài đường
mít tinh trong hội trường
phố xá đông ồn ào
tiếng vỗ tay hoan hô trong máy
Chủ nhật...
một người mù chết trôi
không có ai nhận xác
Thứ bảy...
trời mưa dông
phố không đèn
hơi đất bốc lên mặt
Ngày 19.04.1982, vợ tôi sinh đứa con thứ 2, vợ chồng tôi đặt tên là Bờm.

buổi sáng tháng 4 anh đưa em đi đẻ
đang mùa gặt gạo có hơn vài hột
anh mừng em đẻ dễ
và con trai
Cây cối 2 bên đường còn ướt
Mẹ thắp một nạm hương tạ ơn trời đất và ông bà
...
Ngày 15.5.1982
Cả nhà không có một giác
Bồ Câu ăn cơm với muối
may có gạo
Nam mô A Di Đà Phật
Một hôm tôi đi chơi ngang qua Ủy ban thành phố, một đứa quen gọi vào. Tôi đang nói chuyện với nó, ông Lớn, trưởng phòng tổ chức đang đứng đó thấy tôi, nói:
“À, anh Đính, may gặp anh ở đây. Tôi định nhắn anh lên. Mời anh lên phòng cho tôi gặp”. Ông đưa cho tôi một bức thư không có phong bì của ông Nguyễn Đức Hân, Phó chủ tịch, gửi cho tôi. Ông Hân viết:
“Anh Đính,
Cho anh thôi việc thì dễ, nhưng nghĩ hoàn cảnh khó khăn của anh hiện nay, lại có mẹ già đau yếu, nên tôi để anh chuyển công tác... Bên Hội Văn nghệ có gợi ý xin anh về...”
Hèn chi mấy đứa bên Hội Văn nghệ cứ rà rà về nhà tôi cù rũ tôi đi làm. Tôi nói với ông Trưởng phòng tổ chức:
“Tôi xin nghỉ việc, chứ không phải xin chuyển công tác”.
Ông Lớn bảo tôi là anh Hân có nhắn là tôi đến nhà anh Hân cho anh gặp. Tôi nói:
“Vì anh Hân nhắn anh, tôi nhờ anh nói lại với anh Hân: Tôi không có việc gì để gặp anh Hân tại nhà riêng hết. Nếu anh Hân cần gặp tôi, anh cứ đến nhà tôi”.

Ngày 8.3.1982, tôi ra Hội đồng giám định y khoa làm thủ tục để về
Cuối tháng 4.1982, tôi nhận giấy báo sau ngày 1.5 lên Ủy ban thành phố nhận quyết định thôi việc. Cô Huê, cán bộ phòng tổ chức, bảo tôi đáng lẽ hôm nay tôi nhận quyết định, nhưng các anh nói là để Ủy ban xem xét lại đã. Cô nói, cuối tháng 5 anh lên nhận. Cô Huê có đưa cho tôi xem tờ quyết định đánh máy, nhưng chưa ký. Cuối tháng 5.1982, tôi nhận quyết định thôi việc. Quyết định ghi tôi có 22 năm 4 tháng công tác liên tục, về hưu, thôi việc vì mất sức lao động, được trợ cấp hàng tháng bằng 65% lương chính cộng khu vực là 44đ 09 (bốn mươi bốn đồng chín xu). Quyết định do Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hân ký ngày 20.5.1982

Tôi hỏi cô Huê, cán bộ phòng tổ chức:
“Sao quyết định trước ghi lương tôi là 56 đ, quyết định này lại ghi 64 đ?”
Cô Huê trả lời:
“Ủy ban mới quyết định cho anh lên một bậc lương”.
Tôi nói cô Huê cho tôi xem quyết định tăng lương. Cô Huê bảo, không có tờ quyết định chỉ căn cứ vào Quyết định nghỉ việc thôi
Nhưng tôi chỉ được hưởng lương mới 64 đ này một tháng mà thôi
Ngày 1.7.1986, Sở Thương binh Xã hội Bình Trị Thiên xét lại trường hợp của tôi và cho tôi hưởng trợ cấp hưu trí.
Thời gian công tác: 30 năm 2 tháng.
Trợ cấp hàng tháng: 75% lương = 217đ 50.
Vào lúc này đây, tôi đi vô đi ra, cuốc đất, bửa củi, quét nhà, đi chợ, nấu ăn, đọc sách, làm thơ, viết nhật ký, ghi chép, chơi với 2 đứa con, vẽ cho chúng học, lui tới với anh em bạn bè lúc cốc rượu, lúc chén trà điếu thuốc, cực quá, nhiều khi là 5, 3 cái tàn vấn lại. Người ta có thể hành hạ tôi, nhưng tôi không thể tự hành hạ mình được. Tôi muốn yên ổn. Nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn cứ bị nhòm ngó.
Vỹ Dạ, ngày 1.9.1993
Nguyễn Đính
HẾT


No comments:

Post a Comment