Cuộc chiến tranh diễn
ra trong vòng 1 tháng nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho cả hai
nước, đặc biệt là hậu quả lâu dài đối với quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Để làm rõ bản chất, sự thật lịch sử,
tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; đấu tranh bác bỏ
những luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù
địch, chúng tôi chuyển đến bạn đọc những nét chính về cuộc chiến tranh này. Qua
đó để tôn vinh công lao, sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc chiến
đấu bảo vệ biên giới phía bắc; cổ vũ tinh thần yêu nước, truyền thống hào hùng
của dân tộc, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng thời, giữ gìn và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị láng giềng Việt – Trung với
phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt; không để các thế lực thù địch lợi
dụng chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị Việt Nam -
Trung Quốc, lợi ích lâu dài giữa hai dân tộc.
Thông qua sách báo, tài liệu của Trung
Quốc, Việt Nam và một số nước khác xuất bản từ năm 1979 đến 2009, bạn đọc sẽ
thấy được diễn biến và hậu quả của cuộc chiến tranh 1979:
5 giờ sáng ngày 17/2/1979, lực lượng Trung Quốc
khoảng 120.000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu
là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Cánh phía đông có sở chỉ huy tiền
phương đặt tại Nam Ninh và mục tiêu chính là Lạng Sơn. Có hai hướng tiến song
song, hướng thứ nhất do quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng
nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn, hướng thứ hai do quân đoàn 41A dẫn đầu từ Tĩnh
Tây và Long Châu tiến vào Cao Bằng và Đông Khê. Ngoài ra còn có quân đoàn 55A
tiến từ Phòng Thành vào Móng Cái.
Cánh phía tây có sở chỉ huy tiền phương đặt tại
Mông Tự, có 3 hướng tiến công chính. Hướng thứ nhất do các quân đoàn 13A và 11A
dẫn đầu đánh từ vào thị xã Lào Cai. Hướng thứ hai từ Văn Sơn đánh vào Hà Giang.
Hướng thứ 3 do sư đoàn 42D của quân đoàn 14A dẫn đầu đánh từ Kim Bình vào Lai
Châu. Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân
cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Lào Cai,
Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái.
Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo
binh hỗ trợ. Quân Trung Quốc vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về
thời gian tiến công, lại còn có "lực lượng thứ năm" gồm những người
Việt gốc Hoa trên đất Việt Nam. Từ đêm 16 tháng 2, các tổ thám báo Trung Quốc
đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với "lực lượng
thứ năm" này lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ
suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên.
Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại
để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo.
Tiến đánh nhanh lúc khởi đầu nhưng quân Trung
Quốc nhanh chóng phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại về địa hình và hệ thống
hậu cần lạc hậu phải dùng lừa, ngựa và người thồ hàng. Hệ thống phòng thủ của
Việt Nam dọc theo biên giới khá mạnh, với các hầm hào hang động tại các điểm
cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ.
Kết quả là Trung Quốc phải chịu thương vong lớn. Trong ngày đầu của cuộc chiến,
chiến thuật dùng biển lửa và biển người của Trung Quốc đã có kết quả, họ tiến
được vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 10 dặm và chiếm được một số thị trấn.
Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở tây bắc và
Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Thông Nông (Cao Bằng) ở đông bắc. Quân
Trung Quốc cũng đã vượt sông Hồng và đánh thẳng vào Lào Cai.
Sang ngày 18 và 19/2, chiến sự lan rộng hơn.
Việt Nam kháng cự rất mạnh và với tinh thần chiến đấu cao. Quân Trung Quốc hầu
như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay
đổi chiến thuật. Họ tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao,
và cuối cùng cũng chiếm được Mường Khương (Hoàng Liên Sơn), Trùng Khánh (Cao
Bằng), và Đồng Đăng (Lạng Sơn). Tại Móng Cái, hai bên giành giật dai dẳng. Cả
hai bên đều phải chịu thương vong cao, có ít nhất 4.000 lính Trung Quốc chết
trong hai ngày đầu này. Sau hai ngày chiến tranh, quân Trung Quốc đã chiếm được
11 làng mạc và thị trấn, đồng thời bao vây Đồng Đăng, thị trấn có vị trí then
chốt trên đường biên giới Trung-Việt.
Trận chiến tại Đồng Đăng bắt đầu ngay từ ngày
17 và là trận đánh ác liệt nhất. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12
Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tấn công vào Đồng Đăng
là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo
binh Trung Quốc. Cụm điểm tựa Thâm Mô, Pháo đài, 339 tạo thế chân kiềng bảo vệ
phía tây nam thị xã Đồng Đăng, do lực lượng của 2 Tiểu đoàn 4 và 6, Trung đoàn
12 trấn giữ, bị Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực
lượng cấp sư đoàn.
Lực lượng phòng thủ không được chi viện nhưng
đã chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được cho đến ngày 22/2. Ngày cuối
cùng tại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi
được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính,
dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa học vào các lỗ thông hơi, làm
thiệt mạng cả thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.
Đến 21/2, Trung Quốc tăng cường thêm 2 sư đoàn
và tiếp tục tấn công mạnh hơn nữa. Ngày 22, các thị xã Lào Cai và Cao Bằng bị
chiếm. Quân Trung Quốc chiếm thêm một số vùng tại Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn,
và Quảng Ninh. Chiến sự lan rộng tới các khu đô thị ven biển ở Móng Cái. Về
phía Việt Nam, cùng lúc với việc triển khai phòng ngự quyết liệt, khoảng từ 3
đến 5 sư đoàn (gồm 30.000 quân) cũng được giữ lại để thành lập một tuyến phòng
ngự cánh cung từ Yên Bái tới Quảng Yên với nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.
Ngày 26/2, thêm nhiều quân Trung Quốc tập kết
quanh khu vực Lạng Sơn chuẩn bị cho trận chiến đánh chiếm thị xã này. Sau khi
thị sát chiến trường, Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đề xuất điều
động một quân đoàn từ Campuchia cùng một tiểu đoàn pháo phản lực BM-21 vừa được
Liên Xô viện trợ về Lạng Sơn. Đồng thời tổ chức và huy động lại các đơn vị và
các phân đội, biên chế lại một sư đoàn vừa rút lui từ chiến trường, tiến hành
các hoạt động tác chiến vào sâu trong hậu phương địch.
Phi đoàn máy bay vận tải An-12 của Liên Xô đã
lập cầu hàng không, chở Quân đoàn 2, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Campuchia về
Lạng Sơn.
Ngày 25/2, tại Mai Sao, Quân đoàn 14 (Binh đoàn
Chi Lăng) thuộc Quân khu 1, Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng Bộ chỉ huy thống
nhất Lạng Sơn được thành lập, lực lượng bao gồm các Sư đoàn 3, 327, 338, 337
(đang từ Quân khu 4 ra) và sau này có thêm Sư đoàn 347 cùng các đơn vị trực
thuộc khác.
Trong giai đoạn đầu đến ngày 28/2/1979, quân
Trung Quốc chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn. Các cơ
sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Tuy nhiên, do vấp
phải sự phòng ngự có hiệu quả của Việt Nam cũng như có chiến thuật lạc hậu so
với phía Việt Nam nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng. Quân
đội Việt Nam còn phản kích, đánh cả vào hai thị trấn biên giới Ninh Minh (Quảng
Tây) và Malipo (Vân Nam) của Trung Quốc, nhưng chỉ có ý nghĩa cảnh cáo Trung
Quốc.
Lạng Sơn - những trận chiến quyết tử
Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27/2. Chiến sự tập
trung tại Lạng Sơn tuy giao tranh tại Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái vẫn tiếp
diễn. Trận đánh chiếm thị xã Lạng Sơn bắt đầu lúc 6 giờ sáng cùng ngày. Trung
Quốc điều tới đây thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía đông nam Lạng
Sơn), tiếp tục đưa thêm quân mới từ Trung Quốc thâm nhập Việt Nam để tăng viện.
Tại Lạng Sơn, các Sư đoàn 3 và 337 của Việt Nam
đã tổ chức phòng thủ chu đáo và phản ứng mãnh liệt trước các đợt tấn công lớn
của quân Trung Quốc. Từ ngày 2/3, Sư đoàn 337 trụ tại khu vực cầu Khánh Khê. Sư
đoàn 3 chống trả lại 3 sư đoàn bộ binh 160, 161, 129 cùng nhiều xe tăng, pháo
của Trung Quốc, tiến công trên một chiều dài 20 km từ xã Hồng Phong, huyện Văn
Lãng đến xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc.
Suốt ngày 27, ở hướng Cao Lộc, sư đoàn 129
Trung Quốc không phá nổi trận địa phòng thủ của trung đoàn 141; ở hướng đường
1B, sư đoàn 161 bị trung đoàn 12 ghìm chân; ở hướng đường 1A, trung đoàn 2 vừa
chặn đánh sư đoàn 160 từ phía bắc vừa chống lại cánh quân vu hồi của sư đoàn
161 từ hướng tây bắc thọc sang. Nhưng 14 giờ ngày hôm đó, 1 tiểu đoàn Trung
Quốc bí mật luồn qua phía sau bất ngờ đánh chiếm điểm cao 800, nơi đặt đài quan
sát pháo binh của sư đoàn 3 Sao Vàng. Mất điểm cao 800, thế trận phòng ngự của
Việt Nam ở phía tây đường 1A từ Cốc Chủ đến điểm cao 417 bị chọc thủng.
Chiếm được điểm cao 800 và ga Tam Lung nhưng
trong suốt các ngày từ 28/2 đến 2/3, quân Trung Quốc vẫn không vượt qua được
đoạn đường 4 km để vào thị xã Lạng Sơn, tuy chúng đã dùng cho hướng tiến công
này gần 5 sư đoàn bộ binh. Sau nhiều trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao
quanh Lạng Sơn mà có trận, quân phòng thủ Việt Nam chiến đấu đến viên đạn cuối
cùng, quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã Lạng Sơn ngày 2 tháng 3, sử dụng
thêm sư đoàn 162 dự bị chiến dịch của quân đoàn 54 và dùng 6 sư đoàn tấn công
đồng loạt trên nhiều hướng. Chiều ngày 4/3, một cánh quân Trung Quốc đã vượt
sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác
của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây
nam thị xã.
Đến đây, phía Việt Nam đã điều các sư đoàn chủ
lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản
công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337,
327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân
đoàn 2, chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tập kết sau lưng Quân đoàn
14.
Trung Quốc buộc phải
rút quân
Ngày 5/3/1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên
toàn quốc. Cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh",
"chiến thắng" và bắt đầu rút quân. Lúc đó, tại mặt trận Lạng Sơn,
phía Việt Nam đã bày binh bố trận rất bài bản, chuẩn bị phản công trên quy mô
lớn, đánh hiệp đồng quân binh chủng. Nếu không rút quân đúng thời điểm này thì
quân Trung Quốc sẽ thiệt hại rất lớn, nhận hậu quả rất nặng nề, bị tiêu diệt
gọn. Bởi lúc đó, Sư đoàn 337 của Việt Nam lên tham chiến từ ngày 2/3 tại khu
vực cầu Khánh Khê ở Lạng Sơn để chi viện cho các đơn vị đang chặn đánh quân
Trung Quốc. Nhưng 337 đến hơi muộn để thay đổi cục diện trận đánh tại Lạng Sơn.
Tuy nhiên, Sư đoàn 337 đã cùng sư đoàn 338 tổ chức phản kích, đánh duổi quân
Trung Quốc rút lui qua ngả Chi Ma.
Ngày 7/3, Việt Nam tuyên bố thể hiện
"thiện chí hòa bình", sẽ cho phép Trung Quốc rút quân.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân nhưng chiến
sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc.
Ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút hết quân khỏi
biên giới Việt Nam.
No comments:
Post a Comment