Giữ
nhiệm vụ trưởng cơ quan an ninh tình báo Thừa Thiên- Huế từ 1966 đến đầu 1975,
tôi có bổn phận phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề gìn giữ an ninh trật tự,
bảo vệ sinh mạng và tài sản cho đồng bào trong tỉnh. Và trên hết mọi chuyện, là
đối phó với cục Tình Báo Chiến Lược Bắc Việt. Lồng vào đó là một mạng lưới CS nằm
vùng tinh vi và dày đặc tại Huế. Thật không sai khi nói Huế là một ổ nằm vùng.
Do vậy, có lẽ chúng tôi là người “may mắn” có bổn phận biết rất “kỹ” về Trịnh
Công Sơn và toàn bộ những phần tử hoạt động cộng sản khác ở Huế giao hảo với y.
Tôi biết Trịnh Công Sơn và nhóm người nối giáo cho giặc này dưới tất cả các
khía cạnh khác nhau. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ thói quen đến phẩm hạnh,
đến tiểu sử, đến gia đình, thậm chí, nếu cần, thì cả gia phả v.v. tôi có bổn phận
phải biết. Và tôi sẽ lên tiếng một cách thẳng thắn về những sự việc, thông tin,
dữ kiện mà chúng tôi có được về đương sự trong bài viết này. Hy vọng, sẽ cung cấp
cho lịch sử, và cho những ai quan tâm đến vấn đề Trịnh Công Sơn, cũng như các
hoạt động chung của đương sự với các phần tử nằm vùng khác tại Huế, mà dù
thương, dù ghét, dù hận thù, dù ngưỡng mộ tôn sùng, dù căm phẫn... những thông
tin chính xác và cần thiết, để quý vị có thể tự mình thẩm định lại một cách
đúng đắn, về con người Trịnh Công Sơn. Bởi vì, mỗi người chúng ta, dù thế
nào đi nữa, dù thương dù ghét, cũng không ai muốn mình bịp cả!
Trịnh Công Sơn bên nào: Bên này? hay bên kia? Quốc gia? Cộng sản?
Lý lịch Trịnh Công Sơn ghi nhận tại cơ quan CSQG Huế
Sinh
ngày 28/2/1939.
Học lực:
Tú tài I, tức lớp 11, chương trình Pháp.
Tốt
nghiệp trường Sư Phạm Quy Nhơn.
Giáo
viên tiểu học.
Nghiện
rượu và thuốc lá nặng.
Sức khỏe
trung bình.
Bản chất:
Trầm lặng, kín đáo, khôn ngoan, giỏi che đậy ý nghĩ của mình.
Đã có
quá nhiều tranh cãi về TCS, quá nhiều câu hỏi được đặt ra: ‘Trịnh Công Sơn bên
mô? Bên ni? Bên tê?"
Trong chức vụ và trách nhiệm của một Phó Trưởng Ty CSĐB và sau đó là Chỉ
Huy Truởng BCH/CSQG/Tỉnh Thừa Thiên và Thị xã Huế trong 9 năm, từ tháng 6/1966
đến đầu năm 1975, và là người đích thân, áp lực, móc nối và sau đó điều khiển
Trịnh Công Sơn trong chiến dịch xâm nhập vào các bộ phận trí thức vận, tôn giáo
vận, học sinh sinh viên Giải Phóng Thành Phố Huế, qua những phòng trào quần
chúng đấu tranh tại đô thị của cộng sản, tôi có thể xác nhận rõ ràng và minh bạch
về con người của Trịnh Công Sơn:
- Trịnh
Công Sơn: Bên ni, quốc gia.
- Trịnh
Công Sơn cũng là: Bên tê, cộng sản nằm vùng.
- Trịnh
Công Sơn còn có khả năng là: Bên nớ, tình báo ngoại quốc.
Hay nói một cách thẳng thắn, theo danh từ chuyên môn của ngành tình báo,
thì Trịnh Công Sơn là điệp viên hai mang 100% và có khả năng mang thứ ba là làm
cho cơ quan tình báo ngoại quốc. Nhưng vấn đề được đặt ra là, mang nào là mang
chính của Trịnh Công Sơn? Trái tim của Trịnh Công Sơn đặt ở bên nào trong cuộc
chiến Quốc Cộng cay đắng này?
I- Trịnh
Công Sơn: Bên ni.
Trịnh Công Sơn bên ni? Có phần đúng, vì chính tôi đã tổ chức Trịnh Công
Sơn làm tình báo viên cho ngành Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc
Gia Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế. Mặc dầu trong khoảng thời gian từ 1966 đến
ngày 28 tháng 4 năm 1975 cũng có lúc gián đoạn tạm thời vì anh ta không ở Huế.
Nhưng chung chung thì anh ta đã hợp tác với chúng tôi trong khoảng thời gian
không phải là ngắn.
Có người sẽ đặt câu hỏi, cái gì đã làm cho Trịnh Công Sơn hợp tác với
Liên Thành, hay nói thẳng ra là chấp nhận làm mật báo viên cho CSĐB/ thuộc
BCH/CSQG/Thừa Thiên- Huế:
1- Vì
có máu phiêu lưu ưa mạo hiểm muốn thành điệp viên?
Câu trả
lời: Không phải.
2- Vì
tình cảm cá nhân giữa Liên Thành và Trịnh Công Sơn? Vì hai người quen biết với
nhau từ lâu?
Câu trả
lời: Cũng không phải!
3- Vì
tinh thần ái quốc, tinh thần trách nhiệm của người quốc gia, tinh thần trách
nhiệm của một thanh niên đối với hiện tình đất nước vào thời điểm đó?
Câu trả
lời: Lại càng không phải!.
4- Vì
quyền lợi bản thân, vì an ninh bản thân?
Câu trả
lời: Đúng. Hoàn toàn đúng!
Khi tổ chức Trịnh Công Sơn, tôi đã dùng chiến thuật “cây gậy và củ rà rốt”:
Tôi đã đưa ra những bằng chứng rành rành hành động tiếp tay với giặc của
Trịnh Công Sơn trong việc đào thoát của hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng
Phủ Ngọc Phan, do cơ quan B5 và Thành ủy Huế trực tiếp tổ chức. Rồi việc một số
cơ sở nội thành Việt Cộng trong giới trí thức sinh viên tiếp xúc thường xuyên với
Trịnh Công Sơn, và nhất hạng là việc cán bộ Thành Ủy Việt Cộng Huế Lê Khắc Cầm
đã rất nhiều lần tiếp xúc với Trịnh Công Sơn.
Tôi đã nói với Trịnh Công Sơn:
“Với
chừng đó sự việc đủ cho tôi có thể ký lệnh bắt giữ anh, cho thẩm vấn, thiết lập
hồ sơ, không đưa ra tòa mà trong quyền hạn và chức vụ của tôi. Ngoài Chỉ Huy
Trưởng CSQG, Tổng Thư Ký điều hành Ủy Ban Phượng Hoàng Tỉnh tôi còn giữ chức vụ
là Tổng Thư Ký Hội Đồng An Ninh Tỉnh, tôi có thể đề nghị vì tình hình an ninh,
giữ anh hai năm tại Phú Quốc và sau hai năm lại tái xét. Cứ như vậy mỗi đợt 2
năm. Có bao nhiều lần hai năm tại đảo Phú Quốc trong đời người, anh có chịu nổi
không?”
Đó là cây gậy mà tôi dùng làm áp lực với Trịnh Công Sơn.
Vậy còn củ cà rốt của Ty CSQG Thừa Thiên như thế nào?
Ngoài những giúp đỡ, phe lờ những việc không tiện nói ra, để gia đình Trịnh
Công Sơn có thể kiếm sống, củ cà rốt rất ngọt là một Sự Vụ Lệnh đặt biệt đại
khái:
“Họ và
tên...
Người mang
giấy nầy là viên chức Đặc Biệt thuộc BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế. Yêu cầu các cơ
quan Quân, Dân, Chính giúp đỡ, trong khi thừa hành phận sự.
Huế,
ngày….
Chỉ
Huy Truởng CSQG TT-Huế
Kiêm Tổng
Thứ ký Ủy Ban Phượng Hoàng Tỉnh.
Thiếu
Tá Liên Thành”.
Bề mặt và bề trái của tấm giấy này chỉ để bảo vệ cho Trịnh Công Sơn trốn
lính.
Để đổi lại, Trịnh Công Sơn cung cấp những tin tức của địch mà chúng tôi
cần. Tỷ như danh tánh tổ chức, cá nhân các cơ sở nội thành Việt Cộng trong các
tổ chức trí vận, dân vận, tôn giáo vận của Thành Ủy Việt Cộng, các đường dây
các trạm liên lạc nội thành của bọn chúng, kế hoạch hành động của bọn chúng
v.v… Tóm lại những gì mà Trịnh Công Sơn biết được.
Nhưng những gì áp lực, những gì gượng ép bắt buộc, thường kết quả không
như mình mong muốn. Những gì Trịnh Công Sơn cung cấp cho chúng tôi chỉ là 1/10
những sự việc mà Trịnh Công Sơn biết được. Có nhiều việc rất quan trọng
mà Trịnh Công Sơn đã tham gia, biết rõ ràng tường tận, nhưng y vẫn giữ im lặng
không hề báo cáo. Trong khi đó thì một đường dây nội tuyến khác của chúng tôi
đã phúc trình sự việc lại cho chúng tôi. Xin đơn cử một vài trường hợp sau đây:
1- Tại bờ sông Hương thuộc vùng Gia Hội, đoạn đối diện với rạp Ciné Châu
Tinh có một bến đò, thường xuyên có một chiếc đò neo tại đó của một cặp vợ chồng
nghèo, bán chè cháo độ nhật trên sông Hương về đêm. Người chồng là cơ sở nội
thành của Việt Cộng, nhưng thật ra lại là người của chúng tôi. Chiếc đò đó
chúng tôi đã bỏ tiền ra mua và giao cho cơ sở sử dụng làm trạm liên lạc gặp mặt
của cán bộ nội thành Việt Cộng. Rất nhiều cán bộ, cơ sở Việt Cộng trong tổ chức
học sinh, sinh viên giải phóng Thành phố Huế đến đó để hội họp như: Ngô Kha, Trần
Hoài, Hoàng thị Thọ, Phạm thị Xuân Quế… và ngay cả đương sự là Trịnh Công
Sơn cũng đã đến đó hội họp một đôi lần, nhưng tuyệt đối không bao giờ TCS
cho chúng tôi biết trạm liên lạc này.
2- Cũng như vậy, trạm thứ hai là một quán café gần nhà thượng nghị sĩ Trần
Điền. Đây cũng là trạm liên lạc hội họp nội thành của bọn chúng. Chính Trịnh
Công Sơn đã đi cùng Ngô Kha đến đây nhiều lần, nhưng đương sự vẫn tuyệt đối
không báo cáo lên.
Chúng tôi cũng phát hiện rất nhiều thư từ, tài liệu Việt Cộng từ nội
thành Huế chuyển vào Sài Gòn do Trịnh Công Sơn giao cho Nguyễn Hữu Đống chuyển
đi. Lợi dụng những chuyến bay quân sự của một số bạn bè Không Quân nên không bị
ai soát hỏi. Việc hiện nay Lê Khắc Cầm xác nhận Trịnh Công Sơn chính là chủ
nhân của cái gọi là “Thư Gởi Ngô Kha” là hoàn toàn đúng 100%. Bởi vì người của
chúng tôi đã theo dõi tất cả các thư từ mà Trịnh Công Sơn nhận chuyển đi bằng bất
cứ phương tiện nào, kể cả các chuyến bay quân sự mà Trịnh Công Sơn cứ ngỡ là rất
an toàn. Tất cả các thư từ và tin tức đó đều được chúng tôi đọc trước khi đến
tay người nhận. Để đánh giá đầy đủ hơn về Trịnh Công Sơn, xin quý vị vào trang
mạng www.damau.org, tìm đọc lại lá thư đầy tham vọng chính trị, nguyền rủa cuộc
sống tại Miền Nam, ngợi ca và ao ước được sống trong thiên đường Cộng Sản của
đương sự. Bút tích lá thư này đã được cơ quan CSĐB chúng tôi kiểm chứng 100% là
của đương sự.
Quý vị hãy tự đánh giá về “thiên tài” Trịnh Công Sơn và đánh giá lại cái
gọi là gia tài âm nhạc của y. Bởi vì sau khi đã chứng kiến cái chết thê thảm của
5327 đồng bào Huế, nhìn thấy Huế tràn ngập xác người mà chính Trịnh Công Sơn đã
viết Hát Trên Những Xác Người: “chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người,
tôi đã thấy trên con đường người cha già ôm con lạnh giá,… tôi đã thấy những hố
hầm đã chôn vùi thân xác anh em…” thì cho đến cuối cùng Trịnh Công Sơn vẫn ca
ngợi cộng sản! “Mẹ vỗ tay reo mừng xác con, mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh, chị
vỗ tay hoan hô hòa bình, người vỗ tay cho thêm thù hận, người vỗ tay xa dần ăn
năn” rất sặc mùi phong trào sinh viên tranh đấu đòi hòa bình ngày không ăn đêm
không ngủ của bọn cộng sản. Thế thì tâm hồn, trái tim và âm nhạc của Trịnh Công
Sơn có phải là của một con người bình thường? Hay đó là “những giai điệu của quỷ”
?
II- Trịnh
Công Sơn: Bên tê?
Những ai đã nghĩ rằng Trịnh Công Sơn là cộng sản, hoạt động cho cộng
sản điều đó đúng 100%. Tôi khẳng định như vậy.
Về
câu hỏi Trịnh Công Sơn bên tê?
Câu trả lời của tôi: Chính xác! Trịnh Công Sơn bên tê. Y hoạt động cho cộng
sản. Cán bộ điều khiển và chỉ đạo trực tiếp đương sự là: Lê Khắc Cầm.
Như đã biết trong một buổi họp mặt tại Tuyệt Tình Cốc của Hoàng Phủ Ngọc
Tường, vào thời điểm cao trào Tranh Đấu Miền trung đang lên cao 1965-1966, trước
sự hiện diện của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân,
Đinh Cường, nữ văn sĩ Túy Hồng, Trần Vàng Sao, Trần Quang Long, những tay sinh
viên tranh đấu gộc và cũng là đám cơ sở của Thành Ủy Huế, Trịnh Công Sơn đã hát
một ca khúc mới. Ca khúc này nói lên nỗi bất hạnh của tuổi trẻ bị cuốn vào cơn
bão của cuộc chiến, nhưng hoàn toàn không nói gì đến nguyên nhân của cuộc chiến,
di hại của nó, cũng như cách giải quyết vấn đề như là nhạc của các nhạc sĩ Trần
Thiện Thanh, Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng v.v. Bài hát đó là bài“Vết Lăn Trầm”:
“Bài ca dao trên cồn cát, trên ngai vàng quê nhà một thời ngủ yên tuổi
xanh… rồi một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình…”
Đó là bài nhạc phản chiến đầu tiên của Trịnh Công Sơn. Tác phẩm
này được thai nghén trong một cái lò của cộng sản nằm vùng, theo ý muốn của Hà
Nội, thì dĩ nhiên nó là con đẻ của cộng sản. Hãy điểm lại tình hình đất nước
lúc đó. Trong khi bao nhiêu thanh niên cùng trang lứa với Trịnh Công Sơn đang
lăn xả vào cuộc chiến cầm súng chiến đấu chống lại hiểm họa cộng sản, thì Trịnh
Công Sơn không làm gì cả, chỉ ăn xổi ở thì, rảnh rang quá sức đến nổi chợt thấy
hoang vu quanh mình nên đi làm cộng sản!
Sau nầy TCS viết nhạc nói về cuộc chiến theo nhu cầu đấu tranh tại đô thị
của đám sinh viên, trí thức hoạt động nằm vùng. Nhu cầu đó là làm tê liệt tinh
thần bất khuất truyền thống của người Việt Nam, không muốn chiến đấu, bi quan
nhu nhược, ỷ lại cầu an. Nhiệm vụ của Trịnh Công Sơn là chế ra những loại thuốc
độc như thế!
Cũng đã có một vài phúc trình nói rằng, có một vài bài nhạc phản chiến của
Trịnh Công Sơn, tuy là nhạc của Trịnh Công Sơn, nhưng lời của Phan Duy Nhân.
Phan Duy Nhân là một sinh viên, cán bộ cộng sản. Tôi nhớ không lầm thì y đã bị
bắt và giam tại Côn Sơn từ sau Mậu Thân 1968.
Trịnh
Công Sơn: Bên nớ? Tức cơ quan tình báo ngoại quốc.
Tôi không muốn trả lời là “yes” hay “no”. Không thể trả lời Yes vì chưa
có thể công bố lúc này, nhưng cũng không thể nói “No” vì:
1- Có một số tin tức khá chính xác, cho rằng một số bài nhạc gọi là “phản
chiến”, Trịnh Công Sơn đã viết theo đơn đặt hàng của tình báo ngoại quốc.
Loại nhạc này được tung ra để tạo thêm chứng cớ là dân Miền Nam không muốn chiến
tranh, muốn đầu hàng cộng sản. Bối cảnh phản chiến như thế rất thích hợp cho việc
“đồng minh tháo chạy”.
2- Như Trịnh Cung (tức Nguyễn Văn Liễu) cũng đã viết:
“Ngày
30 tháng 4 thì Sơn ở lại. Tôi nhớ buổi chiều đó Đỗ Ngọc Yến đến đón Sơn với một
nhà báo Mỹ, đề nghị Sơn là đã có máy bay đưa gia đình Sơn đi Hoa Kỳ”.
Vì sao
lại được đi Hoa Kỳ một cách đặc biệt như thế?
Những
phân tích của CSQG Thừa Thiên Huế và suy nghĩ, ý kiến của tôi về Trịnh
Công Sơn:
Là một cán bộ điều khiển Trịnh Công Sơn trong chiến địch xâm nhập vào hàng
ngũ các tổ chức cộng sản tại Huế, trong một thời gian khá dài, BCH CSQG Thừa
Thiên Huế và tôi có những nhận xét sau đây.
1- Mặc
dầu hợp tác với cơ quan tình báo quốc gia nhưng trái tim của Trịnh Công Sơn
đã dành cho cộng sản.
2- Những
xáo trộn chính trị, những cuộc biểu tình đình công bãi thị, những ngày tuyệt thực,
những đêm không ngủ, những màn văn nghệ đấu tranh phản chiến, đòi hòa bình, đòi
người Mỹ rút quân của đám trí vận nội thành diễn ra triền miên tại Đại Học Huế,
trên khắp các ngỏ đường của cố đô, hoặc công khai hoặc bí mật, đều có công của
Trịnh Công Sơn góp tay vào. Chúng đòi người Mỹ rút quân để cho cộng sản một
mình tung hoành và hòa bình tức khắc có nghĩa là giao nộp đất nước này cho cộng
sản thì sẽ hết chiến tranh thôi.
3- Nỗi
sợ lớn nhất trong đời Trịnh Công Sơn là sợ đi lính. Vì thế, bằng mọi giá chấp
nhận mọi điều kiện để y được bao che trốn lính. Ngoài ra, để chắc ăn, Trịnh
Công Sơn còn quyết tâm ve vãn các ông lớn, các giới chức cao cấp của chính quyền
VNCH thích nhạc của y, để cho y dễ dàng trốn lính. Quan hệ của Trịnh Công Sơn với
Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Đại Tá Lưu Kim Cương v.v. là một ví dụ. Trịnh Công
Sơn đã trở thành con người luồn cúi hèn hạ thiếu tư cách.
Trịnh
Cung nói:
“Trịnh
Công Sơn sai lầm với người Cộng sản như sau:
Không ở
trong đường dây của một tổ chức và chịu sự lãnh đạo của một tổ chức đó.”
Phát biểu của Trịnh Cung hoàn toàn dựa trên sự phán đoán chủ quan, không
dựa trên sự kiện. Phát biểu này hoàn toàn sai sự thật. Sự thật là Trịnh Công
Sơn đã chịu sự điều khiển của cộng sản qua đường dây của tên cán bộ nội thành đặc
trách trí vận Lê Khắc Cầm.
Ông Trịnh Cung, theo ghi nhận của CSQG đã đổi tên từ Nguyễn Văn Liễu ra
thành Trịnh Cung, không chỉ bởi tình bạn với Trịnh Công Sơn, mà còn bởi quan hệ
tình cảm với cô em gái Trịnh Công Sơn là Trịnh Vĩnh Thúy. Có thể vì mối ràng buộc
tình cảm nhiều mặt đã che mờ sự sáng suốt nên Trịnh Cung đã không biết rằng ông
anh rễ hụt đang hoạt động cộng sản.
Lần nữa, với tư cách là chỉ huy trưởng lực lượng CSQG Thừa Thiên/ Huế
tôi xin xác định: Trịnh Công Sơn nằm trong tổ chức trí vận của cơ quan Thành Ủy
Việt Cộng Huế hẳn hoi. Và cán bộ lãnh đạo chỉ huy Trịnh Công Sơn là Lê Khắc Cầm.
Trịnh Công Sơn đã nằm trong tổ chức nằm vùng tại Huế. Từng nhúng tay phối
hợp giải thoát Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng phủ Ngọc Phan, theo chỉ thị của B5
và Thành Ủy. Sau này, những tên đại ác đó trở thành đao phủ thủ Tết Mậu Thân.
Trịnh Công Sơn nghĩ gì khi viết và hát: “Chiều đi qua bãi dâu, hát trên những
xác người, tôi đã thấy, những hố hầm, đã chôn vùi thân xác anh em…”
Xin hỏi vong hồn Trịnh Công Sơn, ai chôn xác anh em? Ai đã đập đầu anh
em? Và ai đã giúp giải cứu những tên đại đồ tể này, để rồi chúng trở về giết
dân lành Huế tết Mậu Thân? Trịnh Công Sơn có trách nhiệm trong chuyện này hay
không? Xin hỏi vong hồn ông?
Biết rất rõ ai gây ra chuyện thảm sát rùng rợn tại quê hương của chính
mình, nhưng Trịnh Công Sơn sau đó vẫn tiếp tục hoạt động nằm vùng, như vậy
Trịnh Công Sơn còn có trái tim không? Có tình người không? Rồi Trịnh Công Sơn vẫn
viết nhạc phản chiến. Mục đích phản đối chiến tranh một chiều, phản đối cuộc
chiến tranh tự vệ của bao thế hệ thanh niên tại Miền Nam đang hy sinh mạng sống
để bảo vệ đất nước và dân chúng chống lại bọn cộng sản. Có bao giờ Trịnh Công
Sơn viết nhạc để phản đối chiến tranh từ phía bắc vĩ tuyến 17? Chưa bao giờ!
Có nghĩa là TCS chỉ phản đối cuộc chiến đấu của người đang phải tự vệ.
Còn thực tế thì Trịnh Công Sơn kín đáo ủng hộ và tiếp tay cho sự xâm lăng bằng
vũ khí của cộng sản đối với người dân Miền Nam. Như vậy, thử hỏi Trịnh Công Sơn
có lương thiện không? Những lời lẽ mang tính triết lý về thân phận con người
trong nhạc Trịnh Công Sơn có thật sự từ trái tim anh ta? Hay chỉ là những giai
điệu vay mượn dối trá, phục vụ cho ác quỷ?
Trịnh Công Sơn phối hợp thường xuyên với lực lượng “Sinh Viên Giải Phóng
Thành Phố Huế” của trường Đại Học Huế, nhằm thi hành công tác dân vận, trí vận,
qua những hội thảo, ca nhạc phản chiến. Tên tuổi đám Việt Cộng nằm vùng có liên
hệ chặt chẽ với y tôi đã viết ở phần trên.
Trịnh
Công Sơn và “Phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi của sinh viên Huế tháng
8/1965 với các cuộc biểu tình, tuần hành, phát thanh, “những đêm không ngủ” đã
góp phần nâng cao ý thức chính trị trong nhân dân, giúp các tầng lớp trung gian
hiểu rõ hơn về chính sách xâm lược của Mỹ và bản chất tay sai của chính quyền
Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho Huế bước vào cao trào đấu tranh chính trị
suốt mùa hè năm 1966” --
Trích
sách cộng sản NXBKHXH 2005, Địa Chỉ Thừa Thiên Huế
Theo Trịnh Cung, Trịnh Công Sơn: “Không dám thoát ly theo MTGPMN”.
Điều này hoàn toàn không đúng, bởi lẽ:
Vai trò và trách nhiệm của Trịnh Công Sơn rất quan trọng trong việc gây
suy sụp tinh thần yêu nước của nhiều tầng lớp thanh niên Miền Nam Việt Nam. Qua
những bản nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn đã tạo được một tình trạng tâm lý ươn
hèn chủ bại cho một số người Miền Nam. Một số khác thì phản ứng mạnh chống
chính quyền, gây bất lợi về mặt chính trị cho quốc gia. Như vậy, Trịnh Công Sơn
đã và đang thực hiện thành công sứ mạng mà cộng sản rất cần thời bấy giờ.
Nếu Trịnh Công Sơn thoát ly, thì nhạc Trịnh Công Sơn sẽ bị chính quyền
VNCH cấm, và như thế thì làm sao làm nhạc ca hát cho những buổi hội thảo chống
chiến tranh? Làm sao Trịnh Công Sơn có thể đích thân tham dự phổ biến nhạc phản
chiến? Làm sao trở thành thần tượng lôi cuốn đông đảo giới trẻ tham dự các buổi
trình diễn này tại các trường Đai học Huế, Saigòn, Đà Lạt?
Và cuối cùng, nếu thoát ly lên mật khu với Việt Cộng, liệu khi đối
diện với cuộc sống kham khổ với bộ mặt thật của chế độ cộng sản và đám Bác Đảng
thì Trịnh Công Sơn có còn được ăn xổi ở thì như ở Miền Nam để mà thai nghén ra
những tác phẩm phản chiến? Hay là lúc đó Trịnh Công Sơn phải thoát thân xin hồi
chánh và chấm dứt giấc mơ cộng sản, hết sáng tác nhạc phản chiến có lợi cho bọn
cộng sản? Bọn Việt Cộng phải phân tích về con người Trịnh Công Sơn và phải có
bài toán về y ngay.
Về phương diện nầy ta thấy ngay, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tức là bọn
cộng sản Hà Nội trá hình đã khôn ngoan để Trịnh Công Sơn ở lại hậu phương địch
có lợi nhiều hơn là rút Trịnh Công Sơn ra mật khu. Hơn nữa nếu Trịnh Công Sơn
thoát ly ra mật khu, thì không phải tự ý y quyết định được, mà do Thành Ủy Huế.
Y không gặp nguy hiểm như Tường và Phan thì tại sao phải điều y ra mật khu?
Trong khi nhu cầu hiện diện của y tại các đô thị để hỗ trợ cho các tầng lớp quần
chúng đấu tranh rõ ràng có lợi cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nhiều hơn.
Tóm lại, sự ở lại Miền Nam của Trịnh Công Sơn rất cần thiết trong cuộc
chiến xâm lăng Miền Nam của cộng sản mà Trịnh Công Sơn thủ vai trò ru ngủ và
làm bạc nhược các thế hệ thanh niên Miền Nam. Trịnh Công Sơn không cần cho công
tác chiến tranh trực tiếp như bọn Hoàng Phủ, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Kha v.v.
Có một
vài sự việc liên quan đến TCS tôi vẫn thường nghe trên một số báo chí, diễn đàn
tranh cãi bàn luận:
1- Trịnh Cung và một vài người đã nói trong Mậu thân 1968 Trịnh Công Sơn
bị công sản giết hụt.
Ai giết hụt Trịnh Công Sơn? Hoàng Phủ Ngọc Tường? Hoàng Phủ Ngọc Phan?
Nguyễn Đắc Xuân? giết hụt Trịnh Công Sơn? Nhân chứng? Chuyện khôi hài!
Ba tên ác quỷ này “vừa là đồng chí, vừa là anh em với Trịnh Công Sơn”
mà! Tôi khi đó là phó Trưởng ty CSĐB, và là Quận trưởng Quận III, vùng Trịnh
Công Sơn trú ngụ. Vì vậy tôi biết rõ chuyện nầy lắm, xin đừng bịa đặt.
2- Ngày 30/4/1975 Trịnh Công Sơn cùng gia đình đã vào phi trường Tân Sơn
Nhất để đi cùng Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, nhưng Trịnh Công Sơn và gia đình đã
bị ông Kỳ bỏ rơi. Lại một chuyện bịa đặt nữa.
Ngày 28 tháng 4/1975 tôi gặp Trịnh Công Sơn tại một địa điểm đã hẹn trước,
tại thành phố Saigon. Tôi nói với Trịnh Công Sơn:
- “Tôi
là người sẽ đưa anh đi. Đã có phương tiện cho anh và gia đình. Mỗi người chỉ
mang một xách tay nhỏ mà thôi”.
Trịnh
Công Sơn đã trả lời tôi:
- “Cám
ơn Liên Thành, nhưng mình quyết định ở lại. Người cần đi là Liên Thành, nên đi
gấp đi”.
Câu nói đó của Trịnh Công Sơn tôi không ngạc nhiên tí nào, tôi chỉ làm
nhiệm vụ mà “người bạn” giao phó. “Người bạn” này đã lầm anh sở khanh Trịnh
Công Sơn rồi! Nhưng BCH CSQG Thừa Thiên Huế thì không lầm. Hắn ở lại để chia phần
chia ghế chăng? Tôi lẩm bẩm! Tôi chia tay Trịnh Công Sơn khoảng 11 giờ
trưa ngày 28 tháng 4 năm 1975. Sáng 30 tháng 4 năm 1975 khi tôi đang ở trên tàu
ngoài vùng biển Vũng Tàu, thì Trịnh Công Sơn hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” trên
đài phát thanh Saigòn. Trịnh Công Sơn đón những người anh em đồng chí của Trịnh
Công Sơn vào thành phố, để nối vòng tay lớn của quỷ, của lạc hậu, của nghèo đói
và cơ cực. Người chở Trịnh Công Sơn đến đài phát thanh Sài Gòn sáng ngày 30
tháng 4 năm 1975, ngoài Nguyễn Hữu Đống ra còn có Nguyễn Hữu Thái. Nguyễn Hữu
Thái là tên đặc công thuộc Thành Ủy T4 Sàigòn, tên thủ phạm vụ tung lựu đạn giết
chết giáo sư Nguyễn văn Bông Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Mục đích
của vụ giết giáo sư Nguyễn Văn Bông là để đổ thừa cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
giết đối lập, gây mất lòng tin của đồng bào Miền Nam đối với vị Tổng Thống chống
cộng triệt để này và gây bất ổn chính trị cho Miền Nam. Với sự hiện diện của
hai tên đặc công nằm vùng ngay lập tức bên cạnh mình ngay giờ đầu khi Sài Gòn lọt
vào tay cộng sản, thử hỏi Trịnh Công Sơn có phải là đồng bọn băng đảng với bọn
nằm vùng hay không? Câu trả này một đứa trẻ con cũng có thể nói đúng được!
Cuộc chiến đã chấm dứt hơn 38 năm qua, nhưng vòng tay của quỷ mà Trịnh
Công Sơn đã mơ uớc để “nối vòng tay lớn” vẫn còn siết chặt vận mệnh dân tộc. Hẳn
Trịnh Công Sơn dưới suối vàng vẫn còn vui lắm, vì có nhiều người vẫn còn ngưỡng
mộ bài hát “Nối Vòng Tay Lớn” này!
Chúng tôi đã thua vì không còn súng đạn để chống lại súng đạn của
toàn bộ lực lượng cộng sản quốc tế đổ vào bàn tay cộng sản Hà Nội. Chúng tôi có
lỗi, nhưng chúng tôi cũng đã tận lực.
Ai đã gây ra chuyện không còn súng đạn này? Truy nguyên câu hỏi, chúng
ta phải nhận thấy rằng, cái đau của Miền Nam là đã có những kẻ thờ ma cộng sản,
nối giáo cho giặc bằng nhiều cách, đã giúp tạo ra những biến động chính trị tại
Sài Gòn và tại Miền Trung. Lửa của những cuộc xuống đường, tự thiêu, đấu tranh
bạo động đã là nguyên nhân cho phong trào phản chiến quốc tế và tại Mỹ có cớ để
cổ võ cho cái gọi là “dân chúng Miền Nam bất mãn chế độ Mỹ Ngụy”. Cuối cùng, một
số kẻ phản chiến tại Mỹ trở thành những vị dân cử nghị sĩ, cờ đã vào tay, bọn phản
chiến “Mỹ Cộng” này thẳng tay cắt viện trợ cho Miền Nam, một xu cũng chẳng! Kết
quả, cộng sản đã đi bộ vào Miền Nam, ngồi xổm lên ngôi vị thống trị, gây bao
tàn hại cho đất nước, bán đứng tiền đồ non sông cho Bắc Kinh.
Lỗi này tại ai?
Trong suốt chiều dài cuộc chiến, Quân Lực VNCH, lực lượng Cảnh Sát Quốc
Gia, đã chế ngự được cái sai, bóp nát được cái ác, bảo vệ được bờ cõi, bảo vệ
được sinh mạng và tài sản của đồng bào. Thế nhưng, bên cạnh đó là một số những
kẻ lãnh đạo quân sự cũng như hành chánh, các vị gọi là “ chính trị gia”, đã ươn
hèn xu nịnh, đã bợ đỡ những thế lực tôn giáo đen tối để được vinh thân và
yên thân. Họ nhắm mắt làm ngơ, mặc đầu biết rõ rằng những kẻ lãnh đạo tôn giáo
mà họ đang dựa vào, là những tên Việt Cộng nằm vùng, chẳng hạn như Trí Quang,
Thiện Siêu, Đôn Hậu, Chánh Trực, Như Ý v.v… Họ không dám chống lại hoặc
cưỡng lại bọn chúng. Vì chống lại những nhân vật lãnh đạo tôn giáo có nghĩa là
họ đặt sinh mạng chính trị vào ván bài định mạng may ít rủi nhiều. Cái gương của
Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn đó. Cái gương của những nhân viên dưới quyền trong
chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa bị sa thải, bị tù tội, thậm chí bị tử hình còn đó. Hầu
hết những chính trị gia của chúng ta chỉ vì phiếu bầu, chứ không vì quyền lợi
quốc gia dân tộc. Mà phiếu bầu thì dễ kiếm nhất từ các nhà thờ các chùa, các vị
tu sĩ tôn giáo. Những chiếc ghế cao trong chính quyền cũng dễ bị lung lay hoặc
bị bứng bỡi những chiếc áo tu hành đầy quyền năng này. Từ đó đẻ ra một hệ quả
là họ thuần phục Trí Quang, Đôn Hậu, Thiện Siêu, Chánh Trực như thuần phục thần
linh, sẵn sàng để các chiếc áo cà sa này vo tròn bóp méo.
Ngoài những tên cộng sản đội lốt tu hành mà tôi vừa kể trên, còn có một
đám trí thức khoa bảng, sinh viên, đã được ông bà cha mẹ của bọn chúng dùng tiền
bạc, dùng lúa gạo, dùng thực phẩm, dùng tinh hoa lễ nghĩa đạo đức của miền nam
nuôi nấng dạy dỗ chúng thành người có bằng cấp, để rồi một sớm một chiều, chúng
quay lại phản bội ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè, đi theo cộng sản. Chúng đem
AK về thành phố bắn phá, sát hại đồng bào. Bọn này là ai? bọn chúng là đám Việt
Cộng nằm vùng, là đám thành phần thứ ba, là đám giáo sư và sinh viên tại Huế mà
tôi đã nêu tên họ nhiều lần ở phần trên. Và tôi sẽ lập đi lập lại những cái tên
này cho đến mãn đời tôi. Điển hình là: Lê Văn Hảo, Đào Thị Xuân Yến, Lê Khắc
Quyến, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thị Đoan Trinh, Nguyễn
Đóa, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Duy Nhân, Phạm thị Xuân Quế,
Lê Khắc Cầm, Lê Khắc Phò, Hoàng thị Ngọ, Thái Kim Lan… và quá nhiều....
Từ sau 1963 đến 1972, đám Việt Cộng đội lốt tu hành phối hợp với đám trí
thức sinh viên cơ sở nội thành Việt Cộng đã phá nát Miền Nam, đặt biệt là Huế.
Hậu quả của những vụ tranh đấu của Thích Trí Quang 1966, vụ tàn sát đồng bào Huế
trong Mậu Thân 1968, vụ mưu toan tổng nổi dậy tại Huế vào 5/1972 để chiếm Huế
làm thủ đô cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, trước khi ký hòa đàm Paris 1973, tất
cả chính là con đường dẫn tới hậu quả đau thương của ngày 30/4/1975.
Sau 30/4, Trịnh Công Sơn đã không được sử dụng. Cộng sản có nghi
ngờ Trịnh Cộng Sơn hai lòng nữa nạc nữa mỡ không? Dĩ nhiên là có. Tình trạng
này là chung cho tất cả nhóm chính trị thuộc cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền
Nam, chứ không riêng gì cá nhân Trịnh Công Sơn. Cũng may cho Trịnh Công Sơn,
sau này gặp “quý nhân phò trợ” là bà Phan Lương Cầm, vợ thứ hai của Võ Văn Kiệt.
Trịnh Công Sơn có số nhờ vả ông lớn bà lớn. Ngày xưa thì nhờ vả ông bà Nguyễn
Cao Kỳ, Lưu Kim Cương. Nay cộng sản vào thì nhờ Bà Phan Lương Cầm, vợ Võ Văn Kiệt,
con nuôi của Thiếu úy Phan Tử Lăng trong quân đội Pháp tại Huế. Sau này Phan Tử
Lăng trở thành Đại Tá trong quân đội nhân dân của Võ Nguyên Giáp. Bà Cầm say mê
nhạc Trịnh Công Sơn, nhờ đó, Trịnh Công Sơn được Sáu Dân, tức Võ Văn Kiệt cứu vớt.
Đời Trịnh Công Sơn bắt đầu bước sang một trang mới. Cất cánh giàu sang phú quí,
Trịnh Công Sơn quay lại hất hủi đám Trịnh Cung, Nguyễn Hữu Đống và đám bạn bè
tranh đấu cũ tại Huế mà đã một thời tận sức, tận lòng giúp đõ Trịnh Công Sơn và
gia đình y.
Giấc mộng cuối đời của Trịnh Công Sơn là mong muốn trở thành đảng viên đảng
Cộng Sản Việt Nam. Đúng như như Trịnh Cung đã viết trong bài “Trịnh Công Sơn và
tham vong chính trị”. Khi giấc mộng vàng này bị Hoàng Hiệp, chính trị viên của
Hội Âm Nhạc Thành Phố HCM, và cũng là cán bộ trách nhiệm quản lý Trịnh Công Sơn
ngăn chận bóp nát, thì Trịnh Công Sơn tức giận, phản ứng bắng lời những lẽ tục
tĩu mà tôi không dám lập lại. Có nhiều người vì quá thần tượng Trịnh Công Sơn
nên cho rằng Trịnh Cung nói láo. Riêng tôi, tôi không hề ngạc nhiên là Trịnh
Công Sơn đã nói như vậy. Chuyện đó quá bình thường đối với Trịnh Công
Sơn, bởi tôi biết rõ bản chất thượng đội hạ đạp của Trịnh Công Sơn từ lâu lắm rồi,
vào đảng là miếng đĩnh chung rất lớn, đâu dễ cho Trịnh Công Sơn chối từ. Xin đọc
bài của Trịnh Cung để biết Trịnh Công Sơn đã nói gì với Hoàng Hiệp:
Ba mươi bốn năm đã trôi qua, nhiều tranh luận về “thiên tài” Trịnh Công
Sơn, hắn là ai? là quốc gia hay cộng sản?
Là một người, vì lý do nghề nghiệp, cùng thế hệ, tuổi đời suýt soát
nhau, Trịnh Công Sơn là bạn của anh tôi, thành phố Huế lại nhỏ, cho nên tôi biết
rất rõ và rất sâu về Trịnh Công Sơn, nhưng tôi vẫn im lặng. Không phải vì “sợ”
khi đụng đến “thiên tài” Trịnh Công Sơn của một số không nhỏ những người đã và
đang hết lòng xuýt xoa ngưỡng mộ y, mà thật tình vì trong lòng xem thường Trịnh
Công Sơn.
Bất hạnh thay quê hương xứ Huế và đất nước Việt Nam lại có “thiên tài”
kiểu này, đã vậy vào khoảng tháng hai/2011 cộng sản đã đặt tên đường Trịnh Công
Sơn tại Huế. Phải nhấn mạnh với quý độc giả rằng, việc chọn lựa đặt tên đường
dưới chế độ cộng sản là một quyết định được nghiên cứu kỹ bởi công an và Bộ
Chính Trị, sau khi cân nhắc công trạng, thành tựu công tác, lòng trung thành của
đương sự đối với Bác Đảng. Với Trịnh Công Sơn, tuy rằng giấc mơ vào Đảng chưa
thành hình lúc còn sống, lúc đầu cũng có bị chút bạc đãi vì nghi ngờ hai mang,
tuy nhiên, việc sau này được kề cận lân la với Võ Văn Kiệt, được làm chủ một “đại
bài” nhập rượu ngoại quốc, trở nên giàu có và cuối cùng là việc được đặt tên đường
Trịnh Công Sơn tại Huế và sắp tới tại ven Hồ Tây, Hà Nội, âu đó cũng là một sự
sòng phẳng trả ơn của cộng sản đối với Trịnh Công Sơn.
“Được
biết, đường Trịnh Công Sơn sẽ xuất phát từ chân cầu Gia Hội, cạnh đầu đường Chi
Lăng, chạy dọc bờ sông Hương đến vị trí giao nhau với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chiều dài con đường mang tên cố nhạc sĩ này là 600m, chiều rộng 11m.”
Trích báo cộng sản.
Phải nói rằng Trịnh Công Sơn luôn có số may mắn ở cả hai chế độ, chế độ
Việt Nam Cộng Hòa thì y được trốn lính, được nỗi tiếng, ở chế độ cộng sản thì y
được giàu có, được đặt tên đường. Chung quy cũng vì giỏi luồn cúi nịnh bợ.
Đã từ lâu rồi, ít khi tôi muốn nhắc đến tên Trịnh Công Sơn. Rất nhiều
người ở Huế hỏi tôi về Trịnh Công Sơn, vì họ biết là tôi biết tận kẻ răng chân
tóc toàn bộ nhóm nằm vùng Huế,. Họ muốn tôi xác nhận Trịnh Công Sơn là ai? Có
hoạt động CS không? tôi chỉ cười mà không nói. Ngoài ra, cũng có một số anh em
trong hàng ngũ mật báo viên của ty CSQG Thừa Thiên Huế hoạt động chung với Trịnh
Công Sơn trong muốn tôi bạch hóa sự thật về Trịnh Công Sơn, vì đó là vấn đề của
sự thật và lịch sử. Thật ra thì tôi cũng có phần muốn chờ xem có ai đó ngoài
tôi ra, nói lên điều này. Bởi vì tôi tin rằng, tôi không phải là người duy nhất
biết con người thật của Trịnh Công Sơn.
Nhưng sau hai bài viết của Trịnh Cung, và anh Bằng Phong Đặng văn Âu,
gây tranh luận giữa hai phe chống và bênh Trịnh Công Sơn, cũng như bài viết khá
hời hợt và sai lầm của Trung Tá Nguyễn Mâu, tôi quyết định nói ra toàn bộ sự thật.
Bản thân các bài viết trên cũng như rất nhiều ý kiến về Trịnh Công Sơn đều thiếu
sót, mù mờ. Cũng dễ hiểu và thông cảm được, vì cả hai tác giả trên có lẽ đều
không biết nhiều, biết rõ và biết sâu về Trịnh Công Sơn bằng cơ quan tình báo
CQQG Thừa Thiên Huế, tác nhân trực tiếp điều khiển và theo dõi Trịnh Công Sơn,
thì làm sao độc giả có thể biết được đâu là sự thật để tìm cho mình một thái độ,
một lý do nào đó để tiếp tục, hoặc yêu, hoặc hận. Vì thế mà tôi đã phải nói ra
những gì mà tôi biết, rồi quý vị và lịch sử tùy nghi suy nghĩ định đoạt. Yêu vẫn
cứ yêu, ghét vẫn cứ ghét. Không sao cả!
Hay là quý vị có thể bình tĩnh hơn, để đánh giá và chọn cho mình một
thay đổi tình cảm nào đó?
Đương nhiên, những gì tôi vừa trình bày trên sẽ gây sóng gió đụng chạm.
Con người bình thường ai cũng muốn sóng yên biển lặng, tôi cũng không khác.
Nhưng vì là người mang bản chất đương đầu, thấy việc sai trái khó thể làm ngơ,
thì giữa sự thật và sóng yên biển lặng, tôi chọn sự thật.
Tôi, Liên Thành, hoàn toàn chịu trách nhiệm những gì tôi nói về Trịnh
Công Sơn.
Sau đây, tôi xin ghi lại nguyên văn lời kêu gọi của Trịnh Công Sơn tại
đài phát thanh Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975, cùng đi với hắn có tên giết
người Nguyễn Hữu Thái, đặc công cộng sản T4, Người cung cấp sáu trái lựu đạn
MK6 trong vụ giết giáo sư Nguyễn Văn Bông, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài
Gòn, lúc đó đang là trung úy chiến tranh tâm lý tại Sài Gòn.
“Tôi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với
tất cả các anh em văn nghệ sĩ ở miền nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mơ ước
của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước
Việt Nam này. Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do
và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó.
Tôi
yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền nam Việt Nam (không rõ) hợp tác chặt chẽ
với Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Những kẻ đã ra đi chúng ta
xem như là đã phản bội đất nước.
Chúng
ta là người Việt Nam. Đất nước này đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước
chúng ta.
Chính
phủ Cách mạng Lâm thời sẽ đến đây với thái độ hoà giải tốt đẹp. Các bạn không
có lí do gì sợ hãi để phải ra đi cả.
Đây là
cơ hội đẹp đẽ và duy nhất để đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Thống nhất
và độc lập là những điều chúng ta mơ ước từ mấy chục năm nay.
Tôi
xin tất cả các bạn, thân hữu cũng như những người chưa quen với tôi xin ở lại
và chúng ta kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng Lâm thời để góp tiếng nói xây
dựng đất miền Nam Việt Nam này (không rõ…) Gặp tất cả anh em ở trong Ủy ban
Cách mạng Lâm thời. Hiện tại chúng tôi đang ở tại đài phát thanh Sài Gòn và tôi
mong các bạn chuẩn bị sãn sàng để đến đây góp tiếng nói, lên tiếng để tất cả mọi
người đều yên tâm. Và tôi xin tất cả các anh em sinh viên học sinh của miền nam
Việt Nam này hãy yên ổn kết hợp lại với nhau, khóm phường đều kết hợp chặt chẽ
chuẩn bị để đón chờ Ủy ban Cách mạng Lâm thời đến.
Xin chấm
dứt. Và tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn ghi-ta. Tôi
xin hát lại cái bài “Nối vòng tay lớn”. Hôm nay thật sự cái vòng tay lớn đã được
nối kết……”
Hình
ảnh trưa ngày 30/4 năm 1975 tại đài phát thanh Sài Gòn, Nguyễn Hữu Thái cầm hồ
sơ màu trắng, Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng, sau đó Trịnh Công Sơn nói lời
kêu gọi chào mừng quân giải phóng và hát bài Nối Vòng Tay Lớn…
Trịnh
Công Sơn và tên sát nhân đặc công Nguyễn Hữu Thái (đeo kính), một trong ba kẻ
giết GS Nguyễn Văn Bông
Trịnh
Công Sơn (trái) và tên sát nhân Hoàng Phủ Ngọc Tường (phải) tiếp tục thân thiết
sau 1975. GS Bửu Ý ngồi cạnh TCS, tiếp theo là Nguyễn Trọng Tạo
No comments:
Post a Comment