Chương 1
Trên
con đường Bắc Ninh Đông Triều chiếc ô xe ô tô hàng bon bon chạy. Bỗng một người
hành khách vận âu phục thò đầu ra cửa ngơ ngác nhìn rồi kêu:
- Cho
tôi xuống đây!
Sau một
tiếng còi lanh lãnh, xe từ từ đỗ. Người hành khách xuống xe, đi rẽ sang tay phải
theo con đường đất gồ ghề, cong queo.
Hai
bên đường, lúa chiêm vàng ối. Từng bọn vừa đàn ông, đàn bà, con gái, cúi khom
lưng cầm liềm nhỏ cắt lúa trông dáng vội vàng chăm chỉ lắm, như sợ trời sắp tối
không đủ thời giờ mà gặt xong thửa ruộng. Một bọn nữa phần đông lực lượng, người
thì lấy sức rít dây lạt bó các lượm lúa lại thành từng bó, người thì cắm đòn
sóc xuống đất đứng bắt chéo chân, nhìn vơ vẫn.
Trong
một thửa ruộng ngay sát chân đồi, một đám hơn mười người con gái, công việc đã
xong, ngồi nghỉ trên những bó lúa xếp thành từng đống ở bên vệ đường để chờ bọn
đàn ông trở lại gánh nốt.
Thấy
người lữ hành một cô trỏ bạn:
- Chị
em ôi, nhà tôi đã về kia kìa...
Mọi
người cười rộ. Một cô nữa hát ví:
Hỡi
anh đi đường cái quan
Dừng
chân đứng lại em than vài nhời
Đi đâu
vội mấy anh ôi?
Công
việc đã có chị tôi ở nhà.
Các cô
vỗ tay, cười rũ rượi. Lữ khách như đã biết tiếng con gái vùng Bắc đáo để, cắm đầu
rảo bước trên đường, không ngảnh cổ lại. Thì cô hát ví lại đứng dậy như muốn chạy
đuổi theo và gọi:
- Này
anh, anh đưa va li đây em xách cho. Khốn nạn, thương hại! Nhà tôi đi đường mệt
nhọc, mồ hôi, mồ kê thế kia kìa...
Lữ
khách đi đã xa, còn nghe văng vẳng sau lưng câu hát ghẹo:
Anh về
kẻo tối, anh ơi, Kẻo bác mẹ mắng rằng tôi dỗ dành.
Qua
cánh đồng lúa, lữ khách đi vào một con đường tối, giữa hai đồi cây cối um tùm.
Đường đã gồ ghề lại phải lên dốc, nên lữ khách mệt nhoài, đặt va li xuống, ngồi
thở.
Lúc bấy
giờ, ở vườn sắn bên đồi một chú tiểu quần nâu áo nâu, chân đi đôi dép quai
ngang sơ sài, đầu đội cái thúng đầy sắn, đương lần từng bước leo xuống con đường
hẻm. Thốt gặp người lại, chú bẽn lẽn, hai má đỏ bừng. Có lẽ vì chú tu hành ở
vùng quê, không trông thấy người vận tây mấy khi, nên chú sợ hãi chăng?
Người
kia thấy chú giật lùi lại một bước, thì mỉm cười ngả mũ chào, rồi hỏi:
- Thưa
chú, chú làm ơn bảo giùm cho từ đây vào chùa Long Giáng đường còn xa hay gần?
Chú tiểu
tò mò nhìn lữ khách, hỏi lại:
- Thưa
ông, ông có phải là ông Ngọc không?
- Vâng
chính phải tôi là Ngọc, nhưng sao chú biết?
Chú tiểu
hai má càng đỏ ửng, cúi đầu trả lời:
- Thưa
ông, vì mấy hôm nay cụ thường nhắc đến ông, cụ nói ông sắp lên chơi vãn cảnh
chùa.
- Vậy
ra chú cũng ở chùa Long Giáng?
- Vâng.
- Thế
chú cũng về chùa?
- Vâng.
- Gần
đến nơi chưa, chú?
- Đi hết
con đường đồi này thì trông thấy chùa.
Ngọc đứng
dậy xách va li nói:
- Vậy
ta cùng về chùa?
Ngọc
đi bên cạnh chú tiểu liếc mắt nhìn trộm, nghĩ thầm:
"Quái
lạ! Sao ở vùng nhà quê lại có người đẹp trai đến thế, nước da trắng mát, tiếng
nói dịu dàng trong trẻo như tiếng con gái."
Rồi
chàng quay lại hỏi chú tiểu:
- Chú
tu ở chùa này từ bao lâu?
- Thưa
ông, mới hơn hai năm nay.
Chú tiểu
chừng muốn đổi sang câu chuyện khác thốt nhiên hỏi Ngọc:
- Thưa
ông, ông là cháu cụ Long Giáng tôi?
- Phải.
- Cháu
gọi bằng bác.
- Phải.
- Ông
học trường Canh Nông?
- Phải,
chú biết tường tận lắm nhỉ?
Chú tiểu
cười gượng:
- Ấy,
cụ tôi vẫn nói chuyện đến ông luôn.
Lúc
hai người ở con đường hẻm đi ra, thì mặt trời đã khuất sau đồi. Gió chiều hây hẩy
đã mát, mùa lúa chín bốc lên thơm phức, khiến Ngọc ngắm cảnh nơi thôn dã êm đềm,
trong lòng xiết bao tình cảm.
- Chú
tu ở vùng này thú nhỉ?
- Thưa
ông, đã xa nơi trần tục mà mến cảnh chiền am thì không còn lấy gì làm vui thú nữa.z
Nghe câu nói có vẻ con nhà có học, Ngọc mỉm cười hỏi chú tiểu:
- Chú
biết chữ nào?
-
Vâng, nhờ ơn cụ dạy bảo, tôi cũng võ vẽ đọc được kinh kệ.
- Thế
thì đi tu sướng lắm, chú ạ. Có cảnh đẹp... Lại có sách kinh phật mà đọc để quên
cuộc đời náo nhiệt phiền phức... Hay tôi xin phép cụ ở lại chùa, tu với chú nhé?
Chú tiểu
quay mặt nhìn sang phía bên đường rồi giơ tay trỏ bảo Ngọc, như muốn nói lảng:
- Thưa
ông, chùa Long Giáng kia rồi.
Hai
người đứng lại ngắm chùa. Lưng chừng một trái đồi cao, mái ngói mốc rêu chen lẫn
trong đám cây rậm rịt, bốn góc gác chuông vượt lên trên từng lá xanh um.
- Chùa
đẹp quá, chú nhỉ?
-
Vâng, Long Giáng là một danh lam thắng cảnh ở vùng Bắc. Cụ tôi thường thuật cho
tôi nghe rằng chùa này dựng lên đời Lý Nhân Tôn. Trước chỉ là một cái am nhỏ lợp
gianh, sau vì có một bà công chúa đơn xin nương nhờ cửa Phật, nên nhà vua mới sửa
sang nguy nga như thế. Câu chuyện thụ pháp của công chúa thực tỏ ra rằng phép
Phật huyền diệu biết bao.
Chú
làm ơn kể lại cho tôi nghe có được không?
-
Vâng, tôi xin thuật hầu ông nghe những lời cụ tôi đã kể. Chắc ông cũng biết đức
Thái Tổ nhà Lý, khi còn hàn vi, nhờ đạo Phật rất nhiều nên lúc Ngài lên ngôi rồi,
Ngài dốc lòng chăm chỉ sửa sang các chùa chiền. Đến đức Nhân Tôn vì bận việc
chinh phục Chiêm Thành và chống chọi với nước Tàu nên trễ nãi đạo Phật.
"Ngọc
Hoàng Thượng đế muốn giúp nhà vua tỉnh ngộ, liền cho một nàng tiên nga giáng thế
đầu thai, tức là Văn Khôi công chúa. Công chúa nhan sắc diễm lệ một thời, nhưng
khi lớn lên, chỉ ngày đêm học đạo tu hành. Sau vì nhà vua cố ý kén phò mã, công
chúa liền đương đêm lẻn bước trốn đi, nhờ có các thần tiên đưa đường tới nơi
này xin thụ pháp đức Cao Huyền hòa thượng.
"Về
sau có thám tử báo tin, đức vua mấy phen cho quan quân đến chùa đón công chúa về
triều. Công chúa nhất định không nghe. Nhà vua nổi giận, truyền quan quân phóng
hỏa đốt chùa. Ngọn lửa vừa nhóm, bổng một con rồng vàng hiện lên phun nước tắt
ngay. Vì thế chùa này mới lấy tên Long Giáng từ thuở ấy. Nhà vua nghe tin cả sợ.
Từ đó Ngài dốc lòng tin theo phép mầu nhiệm của đức Thích Ca Mâu Ni và lập tức
cho sửa sang chùa để công chúa ở lại tu hành. Chùa này vì thế bắt đầu trùng tu
từ thời ấy, đã bao phen tu bổ lại, nhưng kiểu chùa vẫn y nguyên như cũ.
Ngọc mỉm
cười:
- Chú
biết rộng lắm nhỉ?
Chú tiểu
cúi mặt nhìn xuống đất, se sẽ đáp:
- Thưa
ông, đấy là cụ tôi kể cho nghe, tôi chỉ thuật lại mà thôi.
-
Nhưng chú thuật khéo lắm. Lại thêm chú có cái giọng dịu dàng êm ái quá.
Lần
này là lần thứ ba, chú tiểu nói lảng:
- Chết
chửa, đi mãi. Nay đến phiên tôi thỉnh chuông. Ta đi thôi, không về trễ cụ quở...
- Ở
chùa không còn ai?
- Có
chú Mộc nhưng nay đến phiên tôi.
- Cụ
chưa thấy chú về, chắc cũng bảo chú Mộc đánh chuông thay chứ gì?
Nói dứt
thời thì ngẫu nhiên chuông đâu như đáp lại, khoan thai dõng dạc buông tiếng. Ngọc
mỉm cười:
- Đấy,
chú coi, tôi nói có sai đâu.
Phía
tây, sau dãy đồi cỏ biếc, sắc trời đỏ ửng, lấp loáng qua các khe đám lá xanh
đen. Mái chùa rêu phong đã lẫn màu cùng đất, cùng cây, cùng cỏ. Khỏanh khắc, mấy
bức tường và mấy cái cột gạch quét vôi chỉ còn lờ mờ in hình trong cảnh nhuộm đồng
một màu tím thẩm.
Trong
làng không khí yên tĩnh, tiếng chuông thong thả ngân nga như đem mùi thiền làm
tăng vẻ đẹp cảnh thiên nhiên. Lá cây rung động, ngọi khói thướt tha, bông lúa sột
soạt, như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch.
Ngọc
liếc mắt nhìn chú tiểu, thấy chú vừa đi, miệng vừa lâm râm cầu nguyện, nét mặt
có vẻ mặt tưởng trầm tư.
Cái buồn
rất hay lây. Đi cùng đường với một người, hình dung cho chí tâm hồn phải đều
nhuộm một vẻ ủ ê chán ngán, Ngọc cảm thấy trong lòng nảy ra mối sầu vẫn vơ, man
mác và đoái nghĩ tới cảnh náo nhiệt phiền phức ở Hà Thành.
Nhưng
tuổi thanh niên dễ buồn mà cũng dễ vui. Lúc ấy lên đồi, đường đi khấp khểnh, đá
sỏi thì trơn, lại thêm trời nhá nhem sắp tối, nên Ngọc trượt chân suýt ngã,
văng cái va li xuống sườn đồi. Chú tiểu vội kêu:
- Chết
chửa! Ông có can gì không?
-
Không.
Ngọc
toan trèo xuống dốc nhặt va li thì chú tiểu đã vội đặt thúng sắn, thoăn thoắt
chạy xách lên.
- Cảm
ơn chú.
Hai
người cười ồ. Chú tiểu nói:
- Ông
nên cẩn thận, gần đến chùa rồi có cái giếng cạn ở bên đường khéo mà ngã xuống đấy
thì khốn. Để tôi đi trước dẫn đường cho.
- Cảm
ơn chú. À quên, tôi chưa hỏi tên chú gì?
- Tôi
là Lan.
Rồi
chú trỏ tay bảo Ngọc:
- Tam
quan đây rồi.
Tam
quan chùa Long Giáng cũng như nhiều tam quan các chùa vùng Bắc, cách kiến trúc
rất sơ sài. Trông như cái quán, có ba gian hẹp, trên nóc làm dô lên một cái mái
nhỏ giống hệt cái miếu con. Vả tam quan không có cánh cửa mà hình như chỉ một cảnh
để bài trí cho đẹp mắt chứ không dùng để ra vào. Vì thế tam quan xây ngay trên
sườn đồi đứng thẳng như bức tường không ai leo lên được. Còn ra vào đã có cái cổng
con.
Chú tiểu
Lan đưa Ngọc đi qua một cái vườn sắn, rồi vòng quanh một bức tường hoa. Một người
điền tốt, cởi trần, quần nâu ống xoắn lên qua gối ở trong bếp chạy ra. Anh ta
chưa kịp trông thấy Ngọc, vội vã gắt với chú tiểu:
- Kìa
chú Lan, cụ vừa quở chú đấy.
- Cụ
đâu?
- Cụ
đương làm lễ ở trên chùa. Sao hôm nay chú về muộn thế?
Chú tiểu
vừa nói vừa trỏ Ngọc đứng cách đấy mấy bước:
- Tôi
gặp ông Ngọc là cháu cụ đến vãn cảnh chùa nên đi hơi chậm, chú bảo chú Mộc lấy
gạo tám thổi cơm nhé, để ông Ngọc xơi cơm.
Ngọc đỡ
lời:
Thôi
đi, chú cho tự nhiên, tôi ăn cùng một thứ cơm với các chú cũng được mà.
Anh điền
tốt cười:
- Thưa
ông, chúng tôi ăn cơm hẩm với dưa xơi sao được.
Chú tiểu
Lan mỉm cười:
Vâng,
ông nói rất phải. Đã đến cảnh chùa thì cũng phải ăn kham khổ. Trước cụ tôi cũng
chỉ xơi cơm hẩm. Mấy năm nay, vì cụ tuổi tác, yếu đuối mà xơi mỗi bữa có một
chén, nên nhà chùa cấy riêng một mẩu tám để cụ dùng. Nhưng mời ông hãy vào nghỉ
trong nhà tổ để đợi cụ xuống.
Ngọc
theo chú tiểu đi vào một tòa nhà gỗ thấp lợp ngói, bên trong bày trí rất sơ
sài. Ở gian giữa sau cái bệ đất trên giải chiếc chiếu đã cũ là bàn thờ Tổ đặt
trong một cái hậu cung xây thùng ra như cái miếu. Ngọc vén bức màn vải tây đỏ
lên thấy bày xếp hàng đến hai chục pho tượng, liền hỏi chú tiểu:
- Đây
là các vị sư tổ có phải không, chú?
Không
nghe tiếng trả lời, Ngọc quay lại thì chú tiểu đã đi từ bao giờ. Ngồi đợi một
lúc lâu, Ngọc vẫn không thấy ai ra vào.
Trời dần
dần tối. Một lát sau, trông không rõ các thứ bày trong nữa. Lại thêm ngoài sân
lờ mờ có bóng trăng, nên ở chỗ tối nhìn ra, thấy như mình ngồi trong một cái
hang sâu vậy.
Ngọc vừa
mệt, vừa khát đương mong có người nào để xin chén nước thì qua cái giại che
hiên thấp thoáng có ánh đèn từ dưới bếp đi lên. Rồi tiếng người nói:
- Này
chú Mộc, tôi đã bạch cụ rồi. Cụ sắp xuống đấy. À, trong khi tôi bận làm đèn thì
chú đã lấy nước để ông Ngọc rửa mặt chưa?
Tiếng
trả lời:
-
Chưa, tôi đang bận giã vừng.
- Thế
bà Hộ đâu? Nhưng thôi, tôi đem đèn lên rồi tôi lấy cũng được.
Chú
Lan bước vào. Cây đèn dầu quả hình búp măng chiếu sáng lên, mặt chú trông càng
xinh lắm. Ngọc ngắm chú lại tưởng đến bức tranh người con gái Nhật cầm chiếc
đèn xếp của họa sĩ Ung đang mang to. Nụ cười tự nhiên trở trên môi Ngọc khiến
chú tiểu ngước mắt trông thấy, ngượng nghịu lúng túng, đặt cây đèn xuống thư rồi
vội bước ra ngoài.
- Này
chú Lan, chú làm ơn cho tôi xin ấm nước nhé.
Chú tiểu,
chân trong chân ngoài quay cổ lại trả lời:
-
Vâng, mời ông ngồi chơi, rồi lát nữa xuống nhà trai xơi nước và xơi cơm.
- Thì
chú đi đâu vội thế? Hãy vào đây tôi hỏi câu chuyện đã.
Chú
Lan ngần ngừ bước vào:
- Thưa
ông, đây là nhà tổ; sư Tổ thụ trai, nghĩa là xơi cơm ở buồng bên. Còn khách thập
phương thì xơi cơm nước ở nhà trai, cũng như nhà khách của các ông.
- Phải
đấy, chú giảng nghĩa cho tôi biết ít nhiều phong tục nhà chùa. Này chú, ở nhà Tổ
thì thờ các sư Tổ, nhưng hai gian bên cạnh này thờ ai thế?
- Đấy
là các hậu. Nghĩa là những người không có thừa tự, bầu hậu ở chùa thì nhà chùa
cúng cho.
Có tiếng
guốc lộp cộp ở ngoài hiên. Ngọc nhìn ra: Một vị hòa thượng mình mặt áo vải nâu
rộng, chân đi đôi guốc gốc tre già, tay chống cái gậy trúc, ung dung bước vào.
Ngọc đứng
dậy chấp tay vái:
- Lạy
bác ạ.
- Cháu
đấy à? Cháu đã được nghỉ hè rồi?
- Vâng.
- Me
cháu được mạnh chứ?
- Cảm
ơn bác, me cháu nhờ giời vẫn mạnh.
Chú
Lan nghe Ngọc nói, tủm tỉm cười, đi ra. Mấy phút sau chú bưng lên thau nước, Ngọc
trông thấy vội vàng đứng ra hiên:
- Cám
ơn chú, chú để đấy cho tôi.
Sư cụ
nói tiếp:
- Sao
không lấy ghế đẩu? Chú không thấy thầy ấy vận quần áo tây à?
Ngọc đỡ
lời:
- Được,
bác để mặc cháu.
Rồi trỏ
vào cái khăn mặt vải ta nhuộm màu nâu còn mới, hỏi chú tiểu:
- Khăn
của chú đấy chứ, chú Lan?
- Thưa
ông, khăn mới lấy ở hòm ra đấy ạ.
Sư cụ
mắng:
- Sao
không lấy khăn mặc bông để thầy ấy dùng?
Rồi
quay lại hỏi Ngọc:
- Cháu
mới đến nhà chùa mà đã biết tên chú ấy là Lan?
- Thưa
bác, cháu gặp chú Lan hỏi chuyện nên biết.
Lúc đó
Ngọc lại thấy chú tiểu cười. Liền hỏi thầm:
- Sao
chú cười tôi?
Lan khẽ
đáp:
- Vì
thấy ông xưng cụ là bác. Ông nên bạch cụ. Đã xuất gia tu hành thì người nhà dẫu
thân đến đâu cũng không nhận được họ.
Ngọc mỉm
cười:
- Thế
à? Cảm ơn chú, nhé. Xưa nay tôi không hỏi tường tận nên không biết.
Một
lát, chú Mộc lên mời Ngọc xuống nhà trai ăn cơm. Ngọc đứng lên xin phép sư cụ rồi
theo chú tiểu đi qua sân, tới một nếp nhà ngang dài đến mười gian, nhưng chỉ để
ba gian làm nhà tiếp khách thập phương, còn thì ngăn ra từng buồng làm phòng ngủ.
Ở đây bài trí có phần lịch sự hơn ở nhà Tổ: gian giữa, giáp cái sạp gỗ mít, kê
một cái bàn, và đôi tràng kỷ lim lâu ngày đã đen bóng. Trên xà treo một cái đèn
ba giây, có chụp thủy tinh men trắng. Hai bên kê sát từ tường ra tới gưỡng cửa
ba bộ ghế ngựa quang dầu ghép liền với nhau.
Ngọc
nhác nhìn mâm cơm đặt trên bàn mủm mỉm cười. Buổi tối thấy nhà chùa có vẻ náo
nhiệt, nhộn nhịp, kẻ lên người xuống, lách cách bát đĩa, nồi mâm, chàng vẫn tưởng
các chú tiểu sửa soạn một bữa tiệc sang để thết khách quý. Ai ngờ trên chiếc
mâm gỗ vuông chỉ lỏng chỏng có đĩa dưa, đĩa cà và đĩa muối vừng.
Lúc đó
chú Lan bưng lên một bát đậu phụng kho tương, khói bay nghi ngút. Chú hơi cau mặt,
hỏi chú Mộc:
- Sao
chú không bảo bà Hộ rán đậu?
- Dầu
lạc hết rồi, mai mới mua được.
Chú
Lan quay lại nói với Ngọc:
- Thưa
ông, bữa nay ông hãy xơi tạm. Nếu mai ông muốn dùng cơm mặn, xin bảo bà Hộ làm
riêng để ông dùng.
Ngọc
tươi cười đáp:
- Cảm
ơn chú, nhưng tôi thích ăn cơm chay.
- Ông
quen ăn mặn nên dùng vài bữa cho biết mùi, chứ ông ăn mãi cơm chay thế nào được.
- Được
chứ. Bên tây cũng có người chỉ ăn rau cùng hoa quả quanh năm mà lại khỏe mạnh
hơn là ăn thịt.
- Thế
à, thưa ông? Nếu vậy càng hay.
-
Không những tôi thích ăn chay, tôi lại muốn xin phép cụ được cùng ăn với hai
chú cho vui.
Chú
Lan cười:
- Thế
không được.
- Sao
vậy? Tôi chỉ muốn nếm mọi sự tham khổ của đạo Phật, vì tôi thấy tôi yêu đạo Phật
lắm, nhất từ ngày tôi bị....
Nói đến
đấy, Ngọc ngừng ngay lại. Suýt nữa chàng đem chuyện riêng của mình ra thổ lộ với
chú tiểu. Ngọc không hiểu vì đâu lúc mới gặp chú Lan chàng đã có lòng quyến luyến,
và, như người gặp bạn thân, muốn đem hết những sự đau đớn phiền muộn của mình
cùng chú chia xẻ.
Ngọc
ngồi âm thầm nghĩ ngợi, hình như đương ôn lại một quãng đời dĩ vãng thì chú Lan
đã xới bát cơm đặt lên mâm, nói:
- Mời
ông xơi cơm.
- Cảm
ơn chú. Sao chú bảo tôi không thể ngồi ăn với các chú được?
- Thưa
ông, có hai cớ: một là, như thế người ta cười, hai là, chúng ta đã tu hành, thì
không phải ăn kham khổ, mà lại không được ngồi cùng mâm với...
- Với
người trần tục, phải không?
-
Nghĩa là người không tu hành. Như đến mai có dọn cơm ông ngồi xơi hầu cụ cũng
phải bưng hai mâm, chứ không được ngồi cùng mâm với cụ.
- Lạ
nhỉ? Nhưng nếu như tôi cũng đi tu thì được chứ?
Chú
Lan mỉm cười:
-
Vâng, nếu ông thụ giới, nhưng khi nào ông lên chức sư cụ thì mới được, nghĩa là
ít ra cũng ba mươi năm nữa.
Lúc đó
nghe có tiếng mõ. Chú Lan vội vàng chạy lên nhà tổ. Ngọc cũng bắt đầu ăn cơm.
Quay ra phía bên thấy chú Mộc đứng khoanh tay, Ngọc liền hỏi:
- Sao
chú Lan nghe tiếng mõ lại chạy hấp tấp đi đâu thế?
- Bẩm,
sư tổ gọi.
- Cụ
gõ mõ gọi à?
-
Vâng. Nếu có hiệu lệnh mà không thưa khiến cụ đánh đến tiếng thứ tư thì chúng
tôi phải ra ngay sân quì để chịu tội.
- Luật
nhà chùa uy nghiêm nhỉ?
- Chả
cứ chúng tôi, đến sư bác, sư ông cũng vậy. Năm ngoái sư ông đến đây cũng quỳ đến
nửa ngày.
- Thế
à? Vậy bây giờ sư ông đâu?
- Bẩm,
cụ cho đi trụ trì ở chùa gần đây.
- Vậy ở
đây chỉ có chú với chú Lan?
- Vâng.
- Chắc
rồi hai chú cũng lên sư bác chứ gì?
- Thưa
ông, tôi thì còn lâu lắm. Nhưng chú Lan rất sáng dạ. Mới thụ giới hai năm nay
kinh kệ đã thông lắm. Có lẽ ít nữa thế nào cũng được lên sư bác.
- Bẩm
nghe đâu chú ấy ở Ninh Bình, cha mẹ mất cả.
-
Nhưng kìa, sao chú không đi ăn cơm?
- Thưa
ông, ở chùa chỉ ăn có hai bữa, một bữa sáng sớm, một bữa đúng ngọ.
- Thế
không đói à?
- Khổ
hạnh lâu ngày quen đi chứ. Chính phép nhà chùa, thì chỉ dùng được một bữa cơm
trưa mà thôi.
-
Nhưng tối chắc đó chỉ là luật pháp nhà chùa, đã dễ ai tuân theo.
- Ấy,
những người không tu hành vẫn đều tưởng thế. Có người lại ngờ chúng tôi ăn thịt,
ăn cá nữa, nhưng chẳng bao giờ có thế. Nhất là ở đây sư tổ tôi lại nghiêm giới
lắm. Sai một tí là cụ phạt ngay.
Ngọc
phần thì đói, phần thì cơm chay lạ miệng, nên ăn ngon lắm. Chàng nghĩ bụng: cứ
bảo ở chùa kham khổ, nhưng đậu, vừng cùng dưa, cà chẳng kém gì thịt cá. Tự
nhiên trong trí Ngọc nẩy sinh ra cái ý tưởng muốn xa lánh chốn phồn hoa.
Ngoài
sân ánh trăng chiếu lờ mờ, rặng tường hoa lồng bóng xuống lối đi lát gạch, mấy
cây đại không lá ẻo lả, uốn thân trong vườn sân um tươi. Vạn vật có vẻ dịu dàng
như muôn màu thiền êm đềm tịch mịch....
Chương 2
Sáng
hôm sau, Ngọc đương ngủ say, bỗng tiếng chuông chùa inh ỏi đánh thức. Ngọc giật
mình, mở choàng mắt, ngơ ngác, không nhớ mình nằm ở đâu. Thấy chú tiểu Mộc bưng
đặt thau nước trên chiếc ghế đẩu, Ngọc chợt nhớ ra và hỏi:
- Mấy
giờ rồi chú?
- Thưa
ông, vào khỏang cuối giờ dần, sang đầu giờ mão.
Ngọc
nghe nói, mỉm cười, súng sính bộ quần áo "pijama" ra hiên rửa mặt.
Trong vườn trước sân, các lá sắn hình hoa thị còn đọng giọt sương lóng lánh. Dưới
chân đồi một dòng nước bạc thấp thoáng lượn trong sương mù.
Mặc
xong quần áo, Ngọc vội vàng lên chùa.
Trên
chiếc bục gỗ, trải chiếu đậu, sư cụ ngồi tụng kinh, mắt đâm đâm nhìn thẳng vào
quyển sách có chữ to đặt trên cái kỷ nhỏ gỗ mộc. Tay phải sư cụ gõ mõ như để chấm
câu, cứ đọc bốn chữ lại đánh một tiếng. Tay trái sư cụ đặt trên quyển Kinh, thỉnh
thoảng lại rời trang giấy, nhắc chiếc dùi gõ vào thành cái chuông con hình dáng
như cái lon sành.
Sư cụ
có vẻ tôn nghiêm lắm. Bao nhiêu tâm trí thu cả vào quyển Kinh, không hề thấy cụ
liếc mắt ra chỗ khác. Các pho tượng ngồi trên bệ gạch như đương lắng tai nghe,
có vẻ trầm tư mặc tưởng.
Tiếng
kinh du dương, mùi trầm ngào ngạt, Ngọc tưởng tượng sống trong một thế giới
khác, thế giới mộng ảo thần tiên... Bỗng một tiếng chuông. Ngọc giật mình ngỏanh
lại. Theo tiếng ngân, chàng lần tới một cái bậc gạch bên tả, rón rén lần từng
bước leo lên cái gác chuông con. Tới bận thượng cùng, vừa nhô đầu lên, chàng
nghe có tiếng "đà Phật" rồi kế tiếp một tiếng chuông. Ngước mắt nhìn,
chàng gặp chú Lan tay cầm chiếc vỗ gỗ.
Thấy
Ngọc, Lan hơi đỏ má, mỉm cười ngả đầu chào.
Đôi bạn
mới gặp nhau hôm qua nay đã như có chiều thân mật. Song chú tiểu vẫn chăm chú
vào phận sự: đọc đứt một câu lại đánh chuông. Những câu niệm Phật ấy dần dần ngắn
bớt, và những tiếng chuông kế tiếp một lúc một thêm gần nhau cho tới khi đổ hồi.
Ngọc đứng
chờ đến mười lăm phút cho chú tiểu đánh xong hồi chuông cuối cùng, đặt vồ xuống
gác.
- Sao
chú phải cầu kinh thế mới đánh được chuông?
Lan cười:
- Đánh
chuông phải đọc thần chú, chứ.
- Thần
chú! Hay nhỉ?
- Nghĩa
là mười câu niệm Phật, ba hồi, một trăm hăm ba tiếng.
- Vậy
nhớ được cũng khó lắm nhỉ?
- Phải
học thuộc lòng chứ.
- Những
ba hồi, một trăm hăm ba tiếng! Thảo nào mãi bây giờ mới dứt hồi. Tiếng chuông
thứ nhất của chú làm tôi thức giấc. tôi tiếc quá, vì đương giở cái chiêm bao.
Lan dịu
dàng hỏi:
- Thưa
ông, chiêm bao lành hay dữ?
-
Chiêm bao thú lắm. Tôi thấy tôi đi với một người sư trẻ tuổi, chỉ vào trạc tuổi
chú mày mà thôi. Chúng tôi đi trên con đường quanh co ngoắt ngoéo, ở giữa hai
trái đồi. Cây cối um tùm, ánh trăng chiếu sáng qua những khe lá, bóng in xuống
đất như gấm như hoa. Một lát sau chúng tôi đến một cảnh bồng lai. Dưới chân một
ngọn núi, dòng nước chảy róc rách như tiếng gõ mõ, tên cành, chim hót véo con,
bên mình, ai cười khanh khách. Tôi quay đầu lại, thì lạ quá! Bạn tôi đã biến
thành một trang tuyệt thế giai nhân... Ấy chính lúc đó, tiếng chuông của chú
làm tôi thức giấc.
Chú
Lan bẽn lẽn:
- Mộng
mị của ông đầu Ngô, mình Sở đến buồn cười!
- Lạ
nhất là người con gái ấy lại là chú.
Chú tiểu
hai má ửng đỏ. Chú cười sằn sặc như muốn giấu hổ thẹn rồi đáp lại:
- Nam
mô A di đà Phật! Kẻ đã quả quyết xuất gia tu hành thì trai cũng thế mà gái cũng
thế, có khác chi. Vậy bây giờ giá đức Thích già có dùng phép mầu nhiệm bắt tiểu
này hóa ra làm gái, cũng không có gì thay đổi cả, kia mà. Tôi còn nhớ một hôm
sư tổ giảng sự tích Phật, có dạy rằng:
"Phật
bình sinh đối với đàn bà, con gái vẫn có bụng nghi ngờ, cho rằng bọn họ không
những không đủ tư cách để tu hành được trọn vẹn mà lại thường làm sự ngăn trở sự
tu hành của những kẻ thành tâm mộ đạo. Cho nên ngài thường dạy các môn đồ đối
đãi với đàn bà con gái rất nên cẩn thận, phải xa lánh họ và ra công ngăn ngừa
cho khỏi mắc vào lưới dục tình."
Sư tổ
lại theo gương Phật mà dạy chúng tôi rằng: "Đối với đàn bà con gái phải
coi họ như mẹ mình, khi họ hơn tuổi, hay bằng tuổi mình, và nếu họ kém tuổi
mình thì nên coi em ruột mình, lúc nào cũng phải yên tâm yên trí như thế mới
mong tránh được sự cám dỗ."
Tôi đã
hết sức luyện tâm trí tôi được như lời sư tổ dạy, nên tôi coi đàn ông hay đàn
bà không khác nhau chút nào, và ví phỏng bây giờ tôi hóa ra làm con gái, tôi
cũng không biết là trai hay gái, chỉ nhớ rằng mình là người xuất gia tu hành mà
thôi."
Ngọc
ngờ Lan là gái, nên bịa đặt ra câu chuyện chiêm bao để dò ý tứ. Khi nghe Lan cố
lấy giọng tự nhiên, diễn lời Phật dạy, Ngọc lại càng ngờ lắm. Chàng vừa cười vừa
bảo chú tiểu:
- Chú
cứ dốc lòng cầu nguyện được cãi nam vi nữ đi, đức Thích già sẽ chuẩn y cho sự ước
vọng của chú được thành sự thật đấy.
Lan có
vẻ ngẫm nghĩ, rồi đột nhiên hỏi Ngọc:
- Đời
nay có thể có bậc Quan Âm Thị Kính không nhỉ?
Ngọc
ngơ ngác hỏi lại:
- Thị
Kính là ai thế, chú?
Lan mỉm
cười:
- Vậy
ra về đạo Phật ông kém cỏi lắm nhỉ? Thế mà muốn đi tu sao được! Bà Thị Kính tức
Quan Âm, là một người Triều Tiên cải dạng nam trang để xuất gia đầu Phật...Chắc
nay trong đám phụ nữ chả ai có gan dám cải dạng như thế.
Ngọc
ngẩn người ra, nghĩ vơ nghĩ vẫn có ý buồn rầu. Quay lại thì Lan đã bước xuống
thang.
- Chú
xuống đấy à?
-
Vâng, tôi đi thắp hương.
Chương 3
Ngọc nấn
ná ở chơi chùa Long Giáng đã mười hôm, tình thân mật đối với chú tiểu Lan một
ngày một thêm khăng khít, đến nỗi cả chùa sư cụ cho chí ông Thiện, bà Hộ, đều
biết rằng hai người là một cặp tri kỷ, ý hợp tâm đầu.
Từ hôm
nói chuyện với chú tiểu ở trên gác chuông, mối hoài nghi của Ngọc một ngày một
tăng. Trí nghĩ lúc nào cũng nhắc tới câu hỏi:
- Gái
hay trai?
Hỏi rồi
lại tự trả lời:
- Chả
có lẽ là gái, những lời bàn về đạo Phật của chú tiểu có ý khinh bỉ cánh phụ nữ...
Nhưng ta cũng ngốc tệ! Phải, nếu hắn là gái thì hắn càng cần phải làm thế để giấu
ta chứ... Đích rồi, chính hắn là gái.
Hôm ấy
Ngọc hai tay chắp sau lưng, thung thăng đi bách bộ dưới rặng thông già.
- Ta hẹn
cho ta mười hôm nữa là cùng, phải tìm ra sự bí mật này.
Lúc ấy
có tiếng ai gọi:
- Thầy
phán!
Ngọc
quay đầu lại. Một bà lão cắp rổ chè tươi rảo bước đi tới.
- Bà cụ
gọi tôi?
- Thầy
có phải ở chùa Long Giáng không?
- Phải,
cụ hỏi điều gì? Hay cụ muốn bán chè?
- Tôi
nhờ thầy bảo giùm chú Lan cho rằng đừng chờn vờn đến nhà tôi nữa mà có ngày què
cẳng.
- Sao
vậy cụ?
Bà lão
mặt hầm hầm tức giận:
- Ai lại
đã tu hành còn ghẹo gái...
- Cụ lầm
đấy? Chẳng khi nào chú Lan lại bậy thế.
3
- Chả
khi nào! Con cháu nhà tôi từ ngày nó gặp chú ấy nó sinh ốm, sinh đau, mất ăn, mất
ngủ.
Ngọc
cười:
- Thế
thì lỗi ở cháu cụ, chứ ở đâu chú Lan! Đừng ngờ cho người ta tội nghiệp, cụ ạ.
- Nếu
nhìn nó, chú ấy không cười cợt nhí nhãnh thì đâu nên nỗi.
- Được,
cụ để tôi về bảo chú ấy cho.
Bà lão
vui vẻ:
-
Vâng, thầy giúp cho. Tôi chào thầy ạ.
-
Không dám, chào cụ.
Ngọc
chau mày, lo lắng tự hỏi:
- Lạ
nhỉ, có lẻ hắn là trai thật sự ư? ... Mà sao hắn lại không phải là trai? Trí ta
tiêm nhiễm tiểu thuyết quá, hóa quẩn mất rồi.
Ngọc
loay hoay suy nghĩ vừa đi vừa nhìn xuống đất. Bỗng nghe tiếng sột soạt trong vườn
chè bên con đường hẻm. Kiễng chân nhìn qua hàng rào, thấy chú Mộc đương buộc bó
cành khô, Ngọc chào:
- Kìa,
chú tiểu.
Chú Mộc
chưa kịp đáp lại, chàng đã lấy tay rẽ một lối bước vào vườn:
- Chú
đã nhặt đủ hai ôm rồi à? Đưa lạt tôi bó giúp cho một bó.
-
Thôi, ông để mặt tôi, không bẩn áo.
Ngọc
ngắm chú Mộc từ chân đến đầu, mủm mỉm cười. Chú Mộc ngước mặt thấy chàng cười
chẳng hiểu chi cũng cười, có biết đâu rằng Ngọc đang so sánh chú với chú Lan, một
người quê mùa cục mịch, một người trắng trẻo xinh xắn. Ngọc thốt nhiên hỏi:
- Sao
tên chú ấy lại là Lan nhỉ? Như tên con gái ấy.
Mộc giảng
nghĩa:
- Lan
là tên cụ đặt cho. Tên chú ấy chính là Thận kia.
- Sao
cụ lại đổi tên cho chú ấy thế nhỉ? Tên Thận cũng hay chứ.
- Vì
ai mới tu hành cũng phải bỏ tên cũ, rồi sư tổ đặt cho một tên mới, chọn trong
các giống huê, chẳng hạn huê lan, huê quỳ, huê hồng...
Ngọc
nghĩ thầm:
- Ra
ta lầm to, ta cứ tưởng Lan là tên con gái, té ra chỉ là một tên sư cụ đặt cho.
Khen thay sư cụ cũng khéo tìm được cái tên xứng đáng...
Chú tiểu
lại nói:
- Chú
đặt cho chú ấy cái tên Lan là vì chú ấy tới chùa vào đầu mùa xuân.
Ngọc
muốn gợi chuyện:
- Nghe
đâu chú ấy không được đứng đắn thì phải.
-
Không, chú ấy đứng đắn lắm, mộ đạo lắm.
Ngọc lẩn
thẩn hỏi:
- Chú
ngủ cùng buồng với chú Lan chứ?
-
Không tôi vẫn ngủ ở nhà trai. Còn chú Lan, cụ tin yêu giao cho giữ buồng kho,
nên hôm nào cũng ngủ trong buồng kho, cài then kỹ lưỡng lắm. Nhiều hôm đêm
khuya gọi, lay thức gì rất khó khăn.
Một
tia ngờ nẩy trong trí Ngọc: làm gì mà cẩn thận quá thế? Thôi, chắc hắn là con
gái rồi.
Chương 4
Ngọc ở
nương chè về, dáng điệu buồn rầu đứng tựa cột hiên chùa, nhìn vơ vẫn. Dưới chân
đồi, thẳng cửa Tam Quan trông ra, con đường đất đỏ ngòng ngoèo đi tít về phía rặng
tre xanh biếc, bao bọc mấy xóm xa xa. Bên đường lạch nước vẳng lặng phản chiếu
ánh mặt trời lấp lánh như tấm kính dài.
Cảnh đẹp
bỗng gợi lòng thích hội họa của Ngọc.
Xưa
nay chàng đi chơi đâu cũng thường đem theo giấy cùng hộp màu thủy họa. Chàng liền
xuống nhà trai mở va li lấy các họa cụ lên ngồi vẽ.
Đương
hý hoáy trộn pha màu, nghe có tiếng cười khúc khích sau lưng, Ngọc quay lại và
kêu: "Chú Lan!" Đương buồn, gặp chú tiểu, chàng lại thấy lòng vui.
Chàng cũng chẳng hiểu vì sao cứ vắng chú lâu lâu, là cảm thấy mình nhớ vơ, nhớ
vẫn như thiếu cái gì mà không nhận ra. Song ở nơi hẻo lánh không mấy ai biết
nói câu chuyện cho ra câu chuyện thì hai người trí thức làm gì mà chẳng chóng
thành một cặp tri kỷ. Cái đó có chi lạ!
Chú
Lan nghiên đầu ngắm nghía bức tranh rồi bình phẩm:
- Cây
đại ông vẽ sao không có ngọn?
-
Không cần có ngọn.
- Vẽ
thế sái.
Ngọc mỉm
cười:
-
Nhưng gần quá thì trông sao đủ toàn thân cây được?
- Thêm
vào chứ! Mà cảnh của ông không có người.
- Ấy
tôi cũng biết thế, chính tôi đương muốn tìm một người làm kiểu mẫu hộ. Hay chú
đứng cho tôi vẽ nhé?
- Cứ
nghĩ ra mà vẽ không được à?
- Cũng
được, nhưng không đẹp, vì không giống hệt dáng bộ... đi, chú làm ơn ra đứng tựa
gốc cây đại cho một lát.
-
Vâng, thì ra. Nhưng ông vẽ mau lên nhé.
Ngọc đặt
cái bìa cứng lên hai đùi, cầm bút chì ngồi nghĩ ngợi:
- Chú
nhìn ngang về phía rặng đồi bên tả. Được đấy. Chú đứng yên cho.
Độ mười
lăm phút sau, Ngọc hai tay cầm giơ bức tranh. Nhắm một mắt lại ngắm nghía rồi mủm
mỉm cười:
- Xong
rồi, cảm ơn chú.
Lan vội
vàng bước lại gần ngưỡng cửa, chỗ Ngọc ngồi. Thoạt nhìn, chú kinh ngạc:
- Chết!
Sao lại vẽ tôi mặc áo tứ thân như con gái thế?
-
Không hề chi. Tôi chỉ mượn chú làm mẫu để vẽ một người con gái đẹp thôi mà.
Chú
Lan có dáng không bằng lòng, nguây nguẩy quay đi. Ngọc vội giật lại:
- Này
chú, chú giận tôi đấy à?
Lạnh
lùng, chú tiểu đáp:
- Ông
khinh tôi quá. Lần này không biết là lần thứ mấy, ông chế riễu tôi, ông coi tôi
như một người con gái.
-
Không phải là tôi dám khinh chú. Chỉ vì chú đẹp trai lắm kia. Mọi lần, tôi
không nhớ, nhưng lần này thì tôi xin lỗi chú, quả thực tôi không có ý gì chế riễu
chú, tôi chỉ muốn vẽ bức tranh cổ tích.
Chú
Lan tuy giận mà cũng không nhịn được bật cười:
-
Tranh cổ tích thì cần gì có hình tôi?
- Ấy
thế mới vẽ chú ra một người con gái... Chính tôi muốn thuật lại bằng nét bút sự
tích bà công chúa đời đức Nhân Tôn xuất gia đầu Phật, câu chuyện chú kể cho
nghe bữa nọ ấy mà...
- À ra
thế.
- Đây
chú coi: công chúa vừa tới chùa, đứng tựa gốc đại già, nhìn về phía Thăng Long,
nghĩ tới đức vua cha cùng hoàng hậu, rầu rầu giọt lệ rơi trên má...
- Thế
thì ông vẽ sai rồi. Công chúa quả quyết đi tu, mới tới chùa là vui đạo Phật
ngay...
- Truyện
thực tế vẫn thế. Nhưng tôi muốn tả cái tâm tình công chúa lúc bấy giờ đương
phân vân nửa muốn quay về nơi đế đô vì sơ cha mẹ nhớ thương, nửa muốn ở lại mà
tu thành quả phúc.
Lan mỉm
cười, Ngọc thấy Lan cười cũng cười theo, rồi nói luôn:
- Lúc
bấy giờ có tiếng chuông chùa ngân nga như để đánh tỉnh cơn mê, như để gột rửa
linh hồn trần tục của công chúa...
Lan lại
cười:
- Ông
vẽ sao được tiếng chuông?
- Vẽ
được. Nghĩa là vẽ công chúa, con mắt lờ đờ ngước nhìn trời như đương nghe
chuông chùa mà cầu khấn đức Thích già Mâu ni, xin ngài cứu vớt cho thoát được
chốn trầm luân.
- Nếu
ông vẽ được thế thì khéo lắm. Còn vẽ công chúa mặc áo tứ thân thì chắc ông theo
sự tích Phật và Phật tổ khi đã rời bỏ cung điện, liền cởi bộ gấm đổi lấy áo cà
sa của một vị hòa thượng...
Ngọc
tuy không hiểu sự tích Phật cũng trả lời liều:
- Ấy
chính thế.
Một
lúc lâu, hai người ngồi im lặng trên thềm hiên chùa, mỗi người như đương theo
đuổi một ý tượng riêng.
Về
phía đông nam mấy trái đồi phản chiếu ánh chiều tà nhuộm một sắc da cam. Nền trời
xanh nhạt, lơ thơ mấy áng mây hồng. In trên cánh đồng lúa chín, màu vàng thẫm,
con cò trắng thong thả bay về phía tây, đôi cánh lờ đờ cất lên đập xuống loang
loáng ánh mặt trời. Bên cái quán gạch cũ, ẩn núp dưới đám mây đen, trên con đường
hẻm, và ba đứa mục đồng cưỡi trâu hát ngêu ngao trở về trong xóm.
Ngọc cất
tiếng hỏi Lan:
-
Trong cảnh này tôi tưởng tượng như còn thiếu một thứ gì.
- Ấy
là ông tưởng tượng đó thôi.
- Phải.
Cái cảnh đẹp thế kia, êm đềm thế kia, dịu dàng thế kia, tôi coi vẫn như không
có linh hồn. Cũng như lúc nãy chú bình phẩm bức tranh của tôi, chê rằng thiếu vẻ
hoạt động vì không có vẽ người...
Lan cười
hỏi:
- Vậy
thiếu cái gì?
- Thiếu
ái tình... vì cảnh yên lặng, diễm lệ này. Tạo hóa chỉ để riêng cho những người
biết yêu thưởng thức.
Lãnh đạm
Lan trả lời:
-
Không phải. Thiếu tiếng chuông, vì đến giờ thỉnh chuông rồi mà tí nữa tôi quên
baÜng.
Dứt lời
Lan vội vàng cắm đầu chạy. Ngọc gọi: Đợi tôi với!
Rồi
cũng chạy theo sau.
Khi
lên đến đầu thang gác chuông, bỗng Lan kêu rú lên một tiếng, lùi lại. Ngọc vừa
bước tới, thành thử Lan ngã ngay vào lòng chàng. Ngọc ôm bạn lim dim cặp mắt:
- Cái
gì thế?
Câu hỏi
như đánh thức linh hồn chú tiểu. Chú giật mình ẩy mạnh Ngọc ra rồi chạy tuột xuống
chân thang. Ngọc theo xuống:
- Cái
gì mà chú sợ hãi quá thế?
Lan thở
hồng hộc ngồi xệp xuống bậc thang, nói không ra tiếng:
-
Con.... rắn!
Ngọc
ngơ ngác:
- Con
rắn à? Chú trông thấy ở đâu? To hay bé?
Lan, mặt
còn tái như gà cắt tiết, nhưng đã hơi hoàn hồn, mỉm cười gượng, trả lời:
- Bằng
cái đũa cả ấy. Nó có đốm hoa.... Giời ơi! Hú vía!
- Chú
để nó đấy cho tôi.
Ngọc
quay đi tìm khí giới. Mấy phút sau chàng trở lại đem theo một cây đòn sóc. Lan
đã hết sợ, ngăn lại:
Thôi,
ông đừng đánh người phải tội. Ở nhà chùa không được sát sinh.
- Thế
nó cắn mình nó có phải tội không.
Vừa
nói chàng vừa xăm xăm chạy lên thang. Khi chàng gần tới nơi, Lan ngửa mặt
trông, lo lắng:
- Ông
hãy đứng lại nhìn quanh xem nó nằm ở chỗ nào đã, chẳng nhở vô ý dẫm phải nó, nó
cắn thì khốn.
Ngọc
theo lời, kiễng chân nhìn khắp một lượt rồi cúi xuống gọi:
- Chú
Lan! Cứ lên. Nó chạy rồi, không thấy nó đâu nữa.
Chàng
rón rén bước lên rồi xem xét lại một lượt khắp các xó gác chuông. Chú Lan cũng
đã tới, nhớn nhác nhìn chung quanh chưa hết sợ.
- Bây
giờ thì chú cư yên tâm niệm Phật thỉnh chuông. Rắn có trở lại đã có tôi tiếp
chiến.
Câu
nói khôi hài đã khiến hai người cười ran.
Rồi Lan
bắt đầu thỉnh chuông. Còn Ngọc thì chống đòn sóc tựa vào tường, đứng khoanh
tay, phưỡn ngực hút thuốc lá, trông ra dáng một tay hào hiệp và có vẻ tự phụ
bênh vực được một người yếu đuối đã saÜn lòng ký thác sự bảo hộ cho mình.
Đêm
hôm ấy, Ngọc trằn trọc loay hoay trên chiếc giường tre, không sao ngủ được,
trong lòng nghĩ vẫn, nghĩ vơ. Vì lúc chú tiểu sợ hãi ôm chầm lấy Ngọc, Ngọc có
một cảm giác khác thường. Cảm giác ấy vẫn còn man mác trong lòng. Ngọc tự hỏi:
"Sao khi anh em bạn ta đùa ôm ta như thế, ta không thấy tim hồi hộp? ... À
phải rồi, chỉ vì ta yên trí rằng chú Lan là con gái".
Ngọc bỗng
bật cười, cười sằng sặc. Đêm khuya thanh vắng, Ngọc tự nghe tiếng cười của mình
khanh khách giữa khỏang im lặng thì rùng mình ghê sợ.
Nằm
mãi không ngủ được, Ngọc liền dậy mặc quần áo đi bách bộ ngoài hiên. Hôm ấy vào
hạ tuần, trăng vừa mọc, trông như cặp sừng trâu treo ngược trên đỉnh đồi. Cũng
là trăng khuyết nhưng đối với trí tưởng tượng của Ngọc thì trăng thượng tuần
trông dịu dàng âu yếm mà trăng hạ tuần trông lạnh lẽo buồn tẻ.
Ngọc
đi đi lại lại không biết bao nhiêu lượt trên hiên nhà trai. Khi tới phòng chứa
là chỗ chú Lan ngủ thì như có sức mạnh thiêng liêng gì giữ chàng lại. Chàng dừng
bước đứng lắng tai nghe. Không một tiếng gì lạ, chàng lại đi.
Một lần,
Ngọc áp má vào cánh cửa buồng. Bỗng cánh cửa mở tung ra, làm Ngọc suýt té nhào.
Thì ra buồng kho không có ai. Ngọc đứng nhìn quanh khắp một lượt, nghĩ thầm:
"Quái!
chú này đêm khuya đi đâu thế? Được, ta cứ thung thăng bách bộ, thế nào hắn cũng
trở về buồng." Khi đến đầu hiên bên kia, Ngọc trông lên chùa trên, nhác thấy
ở chỗ khe cửa tò vò có một vật đen đen vừa đi vụt qua. Liền lần tới, se sẽ ẩy cửa
bước vào.
Trong
chùa lờ mờ tối. Trên bàn thờ, ngọn đèn dầu lạc leo lét chiếu ánh. Một cái bóng
đen với bó hương tỏa khói.
Ngọc
trụt giầy rơm, rón rén lại gần, thì thấy chú Lan cắm hương vào bát hương, rồi
quỳ trên bục gỗ, chấp tay lâm râm cầu khẩn. Ngọc tuy núp sau cái cột ngay bên cạnh,
nhưng vì Lan khấn nhỏ quá, không nghe rõ; chỉ thỉnh thỏang lọt vào tai Ngọc những
mẩu câu, đại khái "Phù hộ cho đệ tử... đủ nghị lực... xa chốn trầm
luân..." Lạ nhất là luôn luôn Ngọc nghe rõ Lan nhắc đến tên mình đi liền với
một tên khác, hình như Thi thì phải.
Ngọc
liền ở chỗ ẩn núp đi ra, định đến vỗ vai chú tiểu. Nhưng bấy giờ tâm trí để cả
vào sự cầu nguyện, Lan không biết rằng Ngọc lại gần, thành thử chàng đứng ngay
sau lưng mà chú vẫn không ngờ. Ngọc bỗng giật mình kinh sợ, vì chàng vừa nghe
chú tiểu khấn một câu ghê gớm:
"Đệ
tử đã dốc lòng tin mộ đạo, không ngờ nay mới biết lòng trần tục vẫn chưa rũ sạch.
Nhưng đệ tử xin thề ở trước mặt đức Từ bi..."
Nghe tới
đó, Ngọc rón rén lui về phía cửa, rồi lẳng lặng bước ra.
No comments:
Post a Comment