Tuesday, July 7, 2015

HỒ CHÍ MINH VÀ VỤ LỪA THẾ KỶ - PHẦN 1 VÀ 2


HỒ CHÍ MINH VÀ VỤ LỪA THẾ KỶ - PHẦN 1
Đôi lời về tác giả: Ông Đỗ Đức Mậu năm nay 83 tuổi. Ông nguyên là một giáo viên dạy sử tại Hải Phòng. Trong khi còn công tác và nhiều năm sau khi đã nghỉ hưu, ông đã không dám lên tiếng nhưng đến lúc cuối đời ông phải một lần nói lên sự thật - dù sự thật đó chỉ là một bài viết nhưng ông muốn nhiều người, nhất là thế hệ trẻ biết được chân dung thật sự của Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của một người dạy sử đã từng phục vụ chế độ. Bài viết này là một bản đánh máy 18 trang chữ rất nhỏ mà tác giả muốn được đăng trên Danlambao. Danlambao đánh máy lại và chia ra từng phần để gửi đến các bạn đọc.
Đỗ Đức Mậu
Việt Nam sau ngày 15/08/1945

Ngày 15/8/1945 kết thúc thế chiến thứ 2, quân Nhật đầu hàng quân đồng minh. Ở Nam vĩ tuyến 16, quân Anh giải giới xong quân Nhật thì đùn đẩy nhiệm vụ cho nước Pháp, nên quân đội Pháp đã ở lại miền Nam Việt Nam. Điều này đã mở đầu cho cuộc chiến chống lại người Pháp của những người Việt yêu nước. Trong khi đó, quân đội Tưởng Giới Thạch được giao nhiệm vụ giải giới quân Nhật ở bắc vĩ tuyến 16.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Mặt trận Việt Minh phá được cuộc mitting do ông Phan Kế Toại tổ chức, nhằm vận động Tổng hội viên chức ủng hộ lá cờ vàng ba vạch đỏ (của vua Bảo Đại). Khi mitting khai mạc thì người của Mặt trận Việt Minh đã được cài vào, trưng cờ đỏ sao vàng ra, nhảy lên cướp lễ đài và ném lá cờ vàng ba sọc đỏ từ nóc nhà hát lớn Hà Nội xuống (2). Cuộc mitting thành cuộc biểu tình tuần hành và bắt đầu cuộc cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim.

Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (3). Ít ngày sau, 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch kéo sang. Ngày đó tôi mới hơn 10 tuổi, nghe người lớn nói nhiều điều không hay về quân “Tầu Ô” nhưng tôi không thấy họ nhũng nhiễu, hay làm điều xằng bậy ở đường phố.

Dưới áp lực của quân Tàu Tưởng, Hồ Chí Minh phải thực hiện tổng tuyển cử tự do, có các đảng đối lập tham gia và thành lập một chính phủ liên hiệp.

Bố tôi nhận xét: Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là thực sự do dân bầu. Đại biểu quốc hội đó là những nhân sĩ có tài có đức được dân tin như các ông: Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tường Tam (4). Số đại biểu là đảng viên Cộng Sản chẳng có là bao nên hoàn toàn bị lép về, các đảng phái đối lập thì được quân Tàu bênh che, ông Hồ Chí Minh có nguy cơ bị mất ghế chủ tịch nước và như ông từng diễn tả tình thế bấy giờ là “thù trong giặc ngoài”, “ngàn cây treo sợi tóc”. Đó là tình thế của Hồ Chí Minh và ĐCSVN (chứ không phải tình thế đất nước).

Tình thế VN lúc bấy giờ cũng như các nước khác ở Đông Nam Á: hòa bình, yên ổn. Vì đồng minh đã thỏa thuận để các dân tộc nhược tiểu tự quyết. Vậy mà sao ông Hồ Chí Minh lại rên rỉ “Tình thế ngàn cân treo sợi tóc”? Xin để bạn đọc nhận định (5).

Lẽ đương nhiên là Hồ Chí Minh phải ra tay hóa giải cái tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" này đối với ĐCSVN. Ông ta đã làm cách nào? Không phải khổ công suy nghĩ cũng phải thấy rằng những việc Hồ Chí Minh và ĐCSVN phải làm là đẩy quân Tưởng Giới Thạch đi, tiêu diệt các đảng phái đối lập, lôi kéo cho được đông đảo dân chúng ủng hộ. Đối với tầng lớp trí thức lừng chừng thì dùng các biện pháp buộc những người này phải đi theo lá cờ đỏ sao vàng và khéo léo lợi dụng họ sao có lợi cho đảng cộng sản.

Và ông Hồ Chí Minh đã thực hiện được các điều trên một cách thành công phải gọi là “Quỷ khốc thần sầu”!

Đó là một đêm cuối năm 1945 hoặc đầu năm 1946 tôi không biết chính xác ngày nào - dân Hải Phòng nghe tiếng súng nổ ran (không lớn lắm) ở phía sông Cửa Cấm. Sau này mọi người biết là có hai chiến hạm Pháp bị quân Tàu bắn chìm đêm đó. Dân Hải Phòng được ăn đồ hộp móc lên từ các chiếm hạm (bày bán ở hai bên đường phố Phan Bội Châu - từ phố Bắc Ninh đến cổng chợ Sắt, suốt năm 1946).

Gần đây một bộ phim truyền hé lộ chi tiết Mặt trận Việt Minh đã thỏa thuận với St. Teney là đại diện của nước Pháp ở Hà Nội để quân Pháp vào thay quân Tàu làm nhiệm vụ sau giải giới. Báo chí khi đó thì đưa tin là Tàu và Pháp đánh nhau vì tranh nhau cướp nước Việt Nam! Không may cho Hồ Chí Minh là chẳng có chuyện đánh nhau gì cả. Còn quân Pháp thì ngậm cay mà lui vì biết mình sai do nhẹ dạ.

Sau đó, Lư Hán (tướng Tàu) hoạnh họe Hồ Chí Minh sao lại như vậy? Hồ Chí Minh phải vét kho dâng cho tướng Tàu là Lư Hán, Trương Phát Khuê, Bạch Sùng Hy (và cả Bộ trưởng ngoại giao của Tưởng là Hà Ứng Khâm) không biết bao nhiêu là vàng. Riêng Lư Hán còn được Hồ Chí Minh tặng thanh kiếm của Bảo Đại (Đàm Quang Trung kể lại) và sự việc đã được cho qua.

Vậy là kế hoạch lui quân Tàu của Hồ Chí Minh đã thất bại lần đầu.

Thế thì Hồ Chí Minh đã lui được 20 vạn quân Tàu bằng cách nào? Hồ Chí Minh đã cho ngài Bidault - thủ tướng Pháp ăn một quả lừa đắng.

Tục ngữ Việt Nam có câu “thua keo này, bày keo khác”. Hồ Chí Minh đã nghĩ ra một kế khác và đã thành công ngoài ý muốn.

Tháng 3 năm 1946 Hồ Chí Minh dẫn đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm nước Pháp. Ông đã ký với nước Pháp một tạm ước tại Fontaineblau (6/3/1946) theo đó 5 vạn quân Pháp thay thế 20 vạn quân Tàu, đóng ở 5 thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn và Huế trong 5 năm để làm nhiệm vụ sau giải giới quân Nhật. Còn những điều khoản gì gì nữa dân thường đâu mà biết được.

Thế là 20 vạn quân Tàu phải nhanh chóng rút lui êm ru!

Các đảng đối lập cũng nhanh chóng bị quét sạch sau vụ án “Ôn Như Hầu”. Quân pháp, quân Tàu cũng êm ru, dân không hề biết (như bộ phim “Ngọn nến hoàng cung” cho thấy cảnh” lính Pháp được đóng vào hòm gỗ to, mỗi hòm có 3-4 người”!).

Chuyến đi Pháp đó Hồ Chí Minh cũng thu lợi lớn: Chính phủ Pháp cho theo ông về nước không biết bao nhiêu là“ Lính khố đỏ” mà người pháp đã điều sang Châu Âu để đánh nhau với Đức, ngày ấy gọi là lính kiều bào về đóng đầy ở các trường học, các đình làng Hàng Kênh, làng Vẻn, Miếu Hai Xã... Cùng về nước với ông còn có rất đông các trí thức du học ở Châu Âu như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Học Lễ, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm... để trở thành những thứ trang trí cho uy danh của Hồ Chí Minh.

Quân Pháp ở Hải Phòng như ếch bị bỏ giỏ cua: Nay chỗ này quân Pháp đụng độ với tự vệ, mai chỗ kia trại đóng quân Pháp bị đột nhập, đại bác bị kéo xuống sông… Người Pháp phải yêu cầu hàng ngày có xe liên kiểm đi tuần, trên xe lính Pháp ngồi một bên, vệ quốc đoàn ngồi một bên. Tình trạng này kéo dài chừng 8 tháng thì ngày 20/12/1946 ông Hồ Chí Minh la lên “Ta đã nhân nhượng mà giặc Pháp ngày càng lấn tới... Đồng bào hãy đứng lên! Toàn quốc kháng chiến!”

Tôi xin mạn phép có lời bàn: nếu người Pháp là giặc có dã tâm xâm lược nước ta thì hẳn là bọn giặc này quá ngu, chẳng biết gì về binh pháp cả! Khi đã ngồi trong nhà chủ mà lại dùng dằng từng bước, từng bước để cho chủ nhà có thời gian chuẩn chị đối phó (từ tháng 3 đến 12 năm 1946). Việc ông Hồ Chí Minh nói giặc Pháp “ngày càng lấn tới” chỉ là lời của ông ta thực hiện các điều đã cam kết trong Tạm ước 6-3. Nếu làm theo thì hóa ra cũng chẳng khác gì khi có người Tàu: hẳn là bất lợi cho Hồ Chí Minh và DCSVN nên Hồ chí Minh đã lần nữa trì hoãn kéo dài thời gian chuẩn bị để… đánh thì đánh! Đó mới là sự thật, vì việc, đánh nhau với người Pháp đã là lựa chọn của Hồ Chí Minh từ trước khi đi Pháp.

Ông ta từng nói với thuộc hạ “đánh nhau với Tàu thì khó vì nước Tàu ở sát nước ta mà quân Tàu lại đông, nhưng đánh nhau với Pháp thì không khó vì nước Pháp ở xa và quân không nhiều” (Đàm Q Trung nói).

HỒ CHÍ MINH VÀ VỤ LỪA THẾ KỶ - PHẦN 2
Đỗ Đức Mậu (Danlambao) - Có 3 lẽ để khẳng định rằng Hồ Chí Minh rắp tâm tạo ra cuộc chiến tranh với nước Pháp...

Chiến tranh là giải pháp để vứt bỏ Tạm ước 6-3:

Hồ Chí Minh ký Tạm ước 6-3 chỉ nhằm buộc quân Tàu rút khởi VN. Quân Tàu đã đi, Tạm ước 6-3 chỉ còn cái dằm gây nhức nhối khó chịu, cần phải vứt bỏ. Vứt bỏ cánh nào? Ngày 20/12/1946 người Pháp gửi tối hậu thư (chi tiết này xem kỹ là tối hậu thư gì) thế là được thể ông đã quyết định: đánh thì đánh. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Chiến tranh là lối thoát để ông không còn phải chống đỡ những thúc ép khó chịu mà lại là cái cớ để vu cho nước Pháp là xâm lược.

Hồ Chí Minh tạo ra cuộc chiến tranh để biến mình thành một nhà ái quốc:

Vì cho tới lúc đó tiếng tăm và uy tín của Hồ Chí Minh không thể so sánh với các vị Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Chẳng lẽ phô ra rằng tôi là tông đồ của Lê Nin, là thành viên thâm niên của quốc tế thứ ba, là thuộc hạ của Stalin thống soái! Như thế nghe ra chẳng mùi mẫn mấy, chi bằng đánh nhau với người Pháp một phen và vu cho nước Pháp là xâm lược VN. Điều đó, biến HCM thành một nhân vật cứu nước.

Cuộc chiến tranh phi nghĩa đã tạo cho Hồ Chí Minh một bộ mặt mới: Nhà ái quốc, một anh hùng dân tộc chống thực dân xâm lược. Sau thế chiến II các nước Đồng minh đã thỏa thuận để các dân tộc nhược tiểu tự quyết.

Vì thế mà Pháp không được giao nhiệm vụ giải giới quân Nhật ở Đông Dương. Pháp là Ủy viên thường trực của Hội Đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bị mang tiếng là xâm lược VN! Liên Hiệp Quốc vì thế mà bị ảnh hưởng uy tín.

Thật là gian dối và xảo trá.

Cuộc chiến tranh đã biến Hồ Chí Minh từ một tông đồ quốc tế vô sản của Lê Nin thành một nhà cách mạng ái quốc. Hồ Chí Minh là kể tự châm lửa đốt nhà rồi lại la lối kẻ kia đốt nhà và đánh nhau để được tiếng có công. Hồ Chí Minh đã dàn dựng để tạo cho mình thanh thế là anh hùng yêu nước chống quân xâm lược. Đó là kẻ giả danh yêu nước, là gian hung bá đạo (Machiavellian).

Cuộc chiến tranh đã giúp Hồ Chí Minh hóa giải hoàn toàn tình thế ngàn cân treo sợi tóc, tạo ra một thời thế mới có lợi cho mình và ĐCSVN

Hồ Chí Minh rất biết thế nào là anh hùng tạo thời thế và thời thế tạo anh hùng. Ông ta lại rất rõ tâm lý chống Pháp và lòng khát khao độc lập của người dân Việt Nam. Nên cuộc chiến tranh là cơ hội để ông lợi dụng lòng yêu nước của người VN để mưu đồ cho sự nghiệp riêng, thay đổi tình thế bất lợi của ĐCSVN.

Bởi vì nếu đất nước yên bình mà lúc ấy chỉ đem tư tưởng đấu tranh giai cấp và cái chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết vốn bị giới trí thức lạnh nhạt, với toàn dân thì nó lạ hoắc, chẳng hấp dẫn được ai.

Bởi vì lúc ấy tuy đã dọn dẹp được các đảng phái đối lập nhưng cái quốc hội “ngang ngạnh” thì vẫn còn, vẫn còn những người như ông Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thế Truyền... thì Hồ Chí Minh và ĐCS không thể toàn quyền muốn làm gì thì làm? Chưa kể những người như ông Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Văn Cao... đâu có chịu răm rắp nghe lời Hồ Chí Minh và ĐCS. Bên cạnh, người Pháp thúc ép thực hiện các cam kết! Cuộc chiến tranh với lệnh “Toàn quốc kháng chiến”, Hồ Chí Minh đã thay đổi mọi tình thế. Đó là ông Hồ “tạo thời thế”.

Cuộc chiến tranh cho phép ông dùng lệnh toàn quốc kháng chiến vô hiệu hóa phần còn lại của quốc hội đã bị phá dỡ, tập trung quyền lực vào tay ủy ban kháng chiến do ông lựa chọn. Từ nay ông không còn run lên mỗi khi trông thấy ông Nguyễn Thế Truyền, ông đã rũ tung “hang ổ” của các tầng lớp chống đối và lực lượng tư sản dân chủ, tất cả phải rời thành phố để về nông thôn, lên rừng núi nơi mà ĐCS chiếm ưu thế, ai lọt lại hoặc bỏ sang bên kia thì bị chụp mũ là “Việt gian, theo giặc, tề, ngụy...” Lệnh toàn quốc kháng chiến đã giúp Hồ Chí Minh hốt được số lớn viên chức của vua Bảo Đại mà khỏi phải trả lương cao. Rất nhiều anh tài của đất nước, dù không muốn cũng phải theo lá cờ đỏ như các ông Phạm Khắc Hòe, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Trương Tửu, Trần Dần, Văn Cao... thậm chí ông Bùi Diễn, là thân tín của ông Trương Tử Anh (đảng Đại Việt) cũng phải ra vùng kháng chiến.

Với lệnh toàn quốc kháng chiến, ông Hồ Chí Minh đã nắm được ngọn cờ dân tộc độc lập và lật ngược tình thế. Cuộc chiến tranh đã nhanh chóng làm cho đảng Cộng Sản mạnh lên (lấy chiến tranh nuôi chiến tranh). Chỉ sau lần chỉnh quân, chỉnh đảng là Hồ Chí Minh đã thanh lọc được bộ máy quân sự, nắm chắc thanh kiếm của mình.

Cuộc chiến tranh còn là một thứ bùa mê làm mê mẩn không biết bao nhiêu thanh niên có nhiệt huyết, học sinh, sinh viên bỏ học hành để theo việc đạo cung. Bao nhiêu người đã không do dự biến của cải công sức và cả xương máu cho Hồ Chí Minh mà không biết mình bị lừa dối thảm hại.

Hồ Chí Minh đã không chỉ lừa được người Pháp ký tạm ước 6-3 rồi kéo người Pháp vào cuộc chiến tranh mà ông ta cần có để lừa cả nước VN.

Cho đến tận ngày nay - năm 2015 - còn rất nhiều người độ tuổi tôi (82) vẫn còn tin rằng nước Pháp gây ra chiến tranh để hòng chiếm nước Việt Nam. Thậm chí cả các bậc đại danh đại trí như Hoảng Xuân Hãn, Ngụy Như Không Tum, Tôn Thất Tùng, Phan Anh... cũng tin rằng người Pháp muốn cướp nước VN. Hồ Chí Minh đã làm được cái việc mà đảng của ông gọi là “kết hợp tài tình” chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội. Các ông Phạm Duy, Văn Cao và nhiều nhạc sĩ được đào tạo ở các trường học thời Bảo Đại đã say sưa cảm hứng sáng tác ra những ca khúc chống pháp làm rung động lòng người như Làng Tôi, Trường ca Sông Lô... Rất nhiều nhân tài, vì căm thù người Pháp xâm lược mà bỏ công danh sự nghiệp giàu sang phú quý để đi theo Hồ Chí Minh; chịu đựng gian khổ thiếu thốn mà vẫn tự hào. Giới trí thức đã như vậy, còn đại đa số người dân kém hiểu biết, nhận thức thấp kém thì ôi thôi! Họ hoàn toàn mê muội, tin tưởng mù quáng Đảng, bác bảo sao nghe vậy, nói gì cũng tin. Không chỉ mấy tháng mấy năm mà đã hơn nửa thế kỷ, chưa mấy người tỉnh ra được. Những điều đó giải thích tại sao người Pháp không đè bẹp được cuộc kháng chiến của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã lợi dụng được lòng yêu nước của dân Việt Nam. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công cú lừa thế kỷ.

Ôi! Việt Nam, niềm kiêu hãnh của loài người!
Việt Nam, trái tim đau của nhân loại!

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment