Lê Đắc Lực – Tàn Cơn Binh Lửa (8) – Mật khu An Lão
8)- Mật
khu An Lão
“Tiếng
già nhưng núi vẫn là non”
(Chơi núi An Lão Nguyễn Khuyến)
Khoảng
tháng 9 năm 1969, các Toán Thám Sát của Trung Tâm Hành Quân Delta được đưa từ
Nha Trang ra Phi Trường Đệ Đức. Đây là Phi Trường dã chiến của Quân Đội Hoa Kỳ.
Đang mang các trang bị cá nhân vào lều bạt thì tôi đã nghe Thiếu Úy Thạch Thon,
Trưởng Toán 6 Thám Sát rỉ tai: “kỳ nầy sẽ hoạt động vùng Mật Khu An Lão, theo
nhu cầu của Quân Đoàn II”.
Mật khu
An Lão là chỗ nào?
Nhớ mang
máng hồi còn học Trung Học, Ông Thầy dạy Việt Văn có giảng bài “Chơi Núi An
Lão” của Nguyễn Khuyến, bọn học sinh chúng tôi gọi đùa tác giả là Ông già gân,
bởi vì câu cuối bài thơ là: “Dẫu già mà đã hơn ta chửa?. Chống gậy lên non bước
chẳng chồn”. An Lão của Nguyễn Khuyến ở đâu ngoài Bắc, còn An Lão ở đây là An
Lão Bình Định. Dĩ nhiên, Ông Lão còn chịu chơi, huống chi bọn tôi còn trẻ, sá
chi cái An Lão nầy.
Nhưng trước
sau gì cũng phải xem lại Bản Đồ một chút cho chắc ăn. Thói quen của những người
Chỉ Huy là ưa xem Bản Đồ, mà phải xem kỹ Bản Đồ Quân Sự. Binh thư dạy rồi:
“Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”. Xem Bản Đồ để biết địa lợi, khai thác địa lợi
là điều cần thiết của cấp Chỉ Huy.
(Thám Sát
Delta và Tiểu Đoàn 91 BCD
chờ máy
bay ở Phi Trường Nha Trang để đi
Hành Quân
ở mật khu An Lão)
Hôm sau,
vào Trung Tâm Hành Quân, nhìn vào tấm Bản Đồ trải rộng trên cái giá gỗ, tôi
quan sát thấy mật khu An Lão nằm về hướng Tây của Thị Trấn An Lão, Hưng Long và
Xuân Phong, cách ngăn bởi một con suối chạy từ hướng Bắc đổ ra biển ở miệt Xã
Hoài Hương, thuộc Quận An Nhơn. Đây là các Thị Trấn nhỏ miền thượng du Tỉnh
Bình Định. Đường bộ vào đây nối liền từ Quốc Lộ 1 bằng Tỉnh Lộ 629 tại Thị Xã
Bồng Sơn. Địch thường đưa quân từ mật khu An Lão để bao vây tấn công vào
các Thị Trấn nầy rất gắt gao, có lẽ chúng muốn nhổ sạch hết toàn bộ mà không nhổ
được.
Hướng Tây
Bắc mật khu An Lão là Quận Ba Tơ, nơi đây cũng có một Trại Ba Tơ của Binh Chủng
Lực Lượng Đặc Biệt đồn trú. Quận Ba Tơ nằm về hướng Tây Tây Nam Thị Trấn Đức Phổ
thuộc Tỉnh Quảng Ngãi. Về hướng Tây Tây Nam An Lão là Tỉnh Kontum. Hướng chính
Nam là Quốc Lộ 19, con đường nối liền Qui Nhơn – Pleiku, có Đèo An Khê là nơi từ
cuộc chiến tranh trước, Việt Minh đánh Tây nhiều trận xiểng liểng. Trong thời
điểm này tại An Khê, Việt cọng chưa làm được gì suy suyển phe ta. Hướng Đông
Nam là Quận Hoài Nhơn có hai Thị Trấn Bồng Sơn và Tam Quan nằm trên Quốc Lộ 1.
Tam Quan gần Sa Huỳnh thuộc Tỉnh Quảng Ngãi.
Về hướng
Tây Tây Bắc Kontum, tôi thấy địa danh Attapeu một cao nguyên của Nam Lào, và
vùng Tam Biên: Việt Miên Lào. Đích thị là chúng nó đây rồi. Đường mòn Hồ Chí
Minh đưa Việt cọng đến cao nguyên nầy của Xứ Lèo. Từ đó chúng đổ xuống hướng
Đông là vào mật khu Đỗ Xá, phía Tây Quảng Ngãi và hướng Đông Nam vào Tân Cảnh,
Dakto. Hồi học lớp Đệ Tứ tôi có nghe Ông Thầy dạy Địa Lý nói tới Mọi Đá Vách ở
vùng nầy, được Ông Quan Nguyễn Thân cho ăn đường phèn mà tưởng là đá, nên xin
hàng. Mấy năm nay không nghe nói gì tới tình hình chiến sự ở Đỗ Xá. Về phía Nam
Đỗ Xá là mật khu An Lão.
Căn cứ
trên Bản Đồ cho thấy, mật khu An Lão là một vị trí chiến lược quan trọng. Chúng
có thể rút về phía Tam Biên, nếu bị tấn công dữ dội. Chúng có thể uy hiếp
Kontum hay Quốc Lộ 14 nối Kontum và Pleiku, uy hiếp An Khê, gây áp lực trên Quốc
Lộ 19, hoặc tấn công Sa Huỳnh, cắt đứt Quốc Lộ 1. Quân Đoàn II quan tâm vào
vùng nầy là chí lý, chí lý vô cùng.
Tôi rời
khỏi Trung Tâm Hành Quân, ngẫm nghĩ càng thấy cái vô cùng chí lý của Bộ Tư Lệnh
Quân Đoàn II.
Và rồi, một
cuộc hành trình vào mật khu Việt cọng khá hào hứng, và cũng không thiếu nguy hiểm,
đổi mạng như chơi. Nghĩ tới đó, tôi không sợ mà lại tự cười thầm tự tin.
Theo đúng
thủ tục thường lệ, sau khi Toán nhận lệnh, tôi cầm tấm Bản Đồ đã được khoanh
vùng hoạt động, leo lên Trực Thăng đi bay để quan sát khu vực và tìm chọn bãi
đáp cho Toán. Hôm sau, mọi chuẩn bị lương khô, súng đạn, thuốc men đã hoàn tất
đầy đủ, trước khi lên đường Toán đã đến Trung Tâm Hành Quân để trình bày kế hoạch
trước Chỉ Huy Trưởng và các Trưởng Ban 2, Ban 3. Dĩ nhiên, ngoài bốn chinh nhân
da vàng mũi tẹt còn có hai bạn đồng minh chổng mỏ ngồi nghe, bên cạnh có Thông
Dịch Viên cùng ngồi với họ.
Một số
Toán Thám Sát Delta của Thiếu Úy Cao Kỳ Sơn, Trần Bá Lễ, Phan Anh đã vào trận mấy
hôm nay rồi. Toán tôi đang chuẩn bị tiếp nối.
Trực
Thăng đưa Toán thâm nhập vào mạn Nam, trong vùng trách nhiệm ở mật khu An Lão
vào khoảng xế chiều Toán di chuyển về hướng Tây Bắc chừng tiếng đồng hồ
thì dừng lại bố trí nghỉ qua đêm. Địa thế ở đây thật hiểm trở, rừng rậm
xen lẫn vách đá cheo leo cao nghệu. Di chuyển phải hết sức thận trọng, dò dẫm từng
bước, lần theo các bậc đá, vịn vào các thân cây non hay kéo đẩy
giúp nhau mới đi được. Một ngày, hai ngày chầm chậm, lặng lẽ trôi qua,
Toán chưa tìm thấy hay phát hiện được gì cả về mọi họat động
của địch..
Rạng sáng
hai hôm sau, Toán tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, cũng đi thật chậm, chú
ý quan sát kỹ các dấu vết trên lộ trình, qua từng đồi cây, con suối.
Có một điều
Toán tin chắc là Quân Đội VNCH chưa từng vào mật khu nầy hành quân, thành ra Việt
cọng thường huyên hoang, tự phụ, cho rằng mật khu An Lão là vùng bất khả xâm
phạm và cũng chính vì thế mà tình báo của ta không nắm rõ tình hình quân
số, đơn vị địch hoạt động trong mật khu này. Do vậy mà hôm nay mới có sự hiện
diện của các Toán Thám Sát Delta.
Gần cuối
ngày, khi Toán đang đi lần xuống một trũng rừng thì Toán đã phát hiện hai con
đường mòn chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Những con đường mòn còn tươi rói,
có nghĩa là địch đang sử dụng. Toán men theo một trong hai con đường mòn, sau
đó không lâu, thì lại thấy một con đường lớn, có dấu vết chạy của xe Molotova.
Tôi suy
nghĩ không ít về những con đường xe nầy. Xe về tới đây là coi như đã tiến sâu
vào lãnh thổ nước ta, nó đâu còn chỉ di chuyển trên vùng biên giới Việt – Lào.
Từ chỗ có đường xe nầy tính ra tới bờ biển chưa tới 25 dặm. Bọn chúng lộng hành
đến thế hay sao?.
Sau khi
báo cáo cấp tốc mọi chi tiết về Trung Tâm Hành Quân, Toán được lệnh dừng chân
qua đêm, chọn chỗ an toàn, kín đáo, trong tầm quan sát để theo dõi mọi hoạt động
địch.
Có lẽ
Trung Tâm Hành Quân đã thu thập một số tin tức do các Toán Thám Sát Delta hoạt
động trong các khu vực kế cận gởi về, phối kiểm và đúc kết đã xác định được lực
lượng địch quân ở đây không phải là ít. Vì vậy, rạng sáng hôm sau, Toán nhận được
công điện phải bám sát đường mòn, tìm chỗ thuận lợi tổ chức phục kích bắt sống
tù binh để khai thác tin tức, nhất là danh tánh, quân số và các kho tàng, căn cứ
địa của bọn chúng…
Nhận lệnh
xong, xem Bản Đồ, đối chiếu thực địa, tôi bàn thảo sơ lược kế hoạch phục kích
cùng hai bạn Đồng Minh. Có ba điểm căn bản: – Phải là con đường địch đang xử dụng.
– Vị trí phục kích thuận lợi, có hiệu quả, dễ dàng bắt sống được địch. – Cuối
cùng, khi nổ súng rồi là coi như Toán đã bị lộ, phải rút nhanh. Cần biết rõ con
đường rút và bãi triệt xuất, nơi trực thăng sẽ đón Toán.
Khu nầy
là rừng già, phục kích trong rừng già thì tốt, nhưng khi nổ súng rồi, phải triệt
thoái nhanh tới chỗ khoảng trống, bãi tranh để trực thăng có thể đáp xuống bốc
về dễ dàng.
Toán chọn
lựa địa điểm phục kích gần một con suối. Bên kia con suối, hướng chính Đông,
cách khoảng 200 đến 300 mét, tính theo đường chim bay có một hai khoảng trống,
có thể là đồi tranh hay rẫy bỏ hoang của người Thượng. Các bộ lạc ở đây thuộc
giống người H’rê, sống đời sống du canh, phá rừng làm rẫy, một vài mùa lại bỏ
đi nơi khác. Đoạn đường di chuyển từ nơi phục kích đến đó không xa lắm, kịp cho
Toán bôn tập tới đó.
(Trước giờ
xâm nhập)
Nắm chắc
địa thế, lập xong kế hoạch phục kích, và rút lui, tôi báo cáo tất cả cho Trung
Tâm Hành Quân để theo dõi và yểm trợ khi cần.
Toán nằm
trải dài chừng 50 mét, dọc theo đường mòn, núp sau các tảng đá, gò mối, gốc cây
rừng, cách khoảng năm mét, đạn đã lên nòng, tất cả hướng mắt về trước mặt, đúng
tầm sát thương của vũ khí.
Chờ địch
chừng 2 giờ đồng hồ thì chúng xuất hiện, ngang nhiên đi trên con đường mòn. Đi
đầu là một Toán khoảng mười tên, cứ mỗi hai tên gồng gánh một bao gì đó gói
trong tấm bạt dầu, chúng tôi không rõ là hàng gì, có thể lương thực hay vũ khí,
đạn dược? Gánh hàng không nặng lắm vì chúng vừa đi vừa nói chuyện. Có thể chúng
rất chủ quan, coi như đây là vùng đất thánh của chúng, như chưa từng bị tấn
công, phục kích bao giờ.
Khi chúng
vừa tới ngay tầm xạ kích của Toán thì bỗng dừng lại. Tôi nghĩ thầm: “Ồ! không
lý mình hên vậy?” Và, chỉ mới dự định cho nổ súng thì thấy có một tên phía sau
đang khó nhọc đi tới. Tôi cười thầm trong trí: “một con vịt đẹt”, tiếng gọi đùa
như khi tôi còn sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử hay Hướng Đạo, mỗi khi đi Cắm
Trại, thường gọi những người đi chậm, lẹt đẹt phía sau. Vậy thì không phải
chúng nghỉ mệt mà chỉ dừng lại chờ tên đi sau.
Chờ con vịt
đẹt tới gần bọn chúng, Toán bắt đầu khai hỏa. Bốn cây XM.16, hai cây XM.18 nổ
ran. Bốn tên gục tại chỗ, mấy tên khác vừa nổ súng phản công vừa lủi vô rừng chạy
mất. Con vịt đẹt quay đầu tháo lui, nhưng không kịp rồi! Hai ông bạn đồng minh
đã nhanh chóng xông ra, vật cổ, đè “con vịt đẹt” xuống, còng tay, kéo nó đứng
lên chạy lẩn vào rừng để cùng theo Toán rút lui về hướng đã định.
Khoảng nửa
giờ sau, khi Toán đi quá nửa con đường đến bãi triệt xuất, thì nghe có nhiều tiếng
súng nổ ở chỗ Toán đã phục kích. Tôi yên tâm. Bấy giờ phía trên đầu Toán, chiếc
L.19 hướng dẫn chúng tôi tới Bãi, và 4 chiếc Trực Thăng UH.1B đang vần vũ.
Thông lệ thì luôn có một chiếc CNC của Chỉ Huy Trưởng, hai chiếc Gunship bao
vùng, yểm trợ, sẵn sàng xạ kích bằng Hỏa tiễn, Đại liên để an toàn bãi và một
chiếc có nhiệm vụ bốc Toán.
Toán đến
bãi an toàn, không phải chờ đợi, một chiếc Trực Thăng sà xuống đón Toán trở về.
Đẩy tên
tù binh đang bị trói nằm xuống sàn, chúng tôi ngồi dựa lưng vào nhau, muốn cười
mà không cười nỗi. Mệt quá!
Về đến
căn cứ Hành Quân, giao xong tù binh cho Ban 2 để tạm thời khai thác, trước khi
chuyển đến Trung Tâm Thẩm Vấn Tù Binh của Quân Đoàn II, tôi đi thẳng xuống căn
lều Câu Lạc Bộ để kiếm món gì ăn và uống một lon RootBeer cho đã thèm, vì mấy
ngày nay chỉ dùng toàn lương khô, nước lạnh. Chán chết được.
Ngày hôm
sau, Trung Tâm Hành Quân Ban 2 cho biết tên tù binh do Toán bắt được là Bí Thư
Huyện Ủy Huyện Xuân Phong, vừa đi B trên đường trở về. Y khai, hiện có 2 Tiểu
Đoàn của Công Trường 7 đang ẩn trú tại mật khu An Lão, và trong tương lai Công
Trường 9 từ Dakto, Tân Cảnh cũng sẽ di chuyển về đây để lập mặt trận tấn công
các Thị Trấn Tam Quan, Bồng Sơn, Đức Phổ.
Dĩ nhiên,
trước mọi tin tức nóng hổi đã được cung cấp thì đã có cấp trên lo liệu. Còn tôi
sau khi hoàn thành “mission imposible” ngày ngày đón xe Lam ra Quán tranh, ở đầu
Thị Trấn Bồng Sơn trên Quốc Lộ 1 để uống cà phê, nghe nhạc. Cà phê ở đây uống
cũng tạm, còn nhạc thì máy móc ở các Quán quê nầy chỉ nghe cho nó vui vui, đỡ
buồn, đâu có thể đòi hỏi âm thanh phải như ở Nha Trang, Saigon.
Nếu không
có nhu cầu Toán 3 nhảy vào một khu vực khác thêm lần nữa, thì chờ khoảng hơn tuần
lễ, khi các Toán Thám Sát Delta, hiện đang hoạt động ở những vùng kế cận, rút
ra hết, thì Trung Tâm Hành Quân Delta sẽ cuốn gói trở về lại Nha Trang, chấm dứt
những ngày thâm nhập, phục kích, bắt sống địch, triệt xuất đem về khai thác tin
tức… như trong phim ciné…
Lê Đắc Lực
– Tàn Cơn Binh Lửa (9) – Chiến trường Tam Biên
9)- Chiến
trường Tam Biên
“mong
manh cánh lan rừng xanh
bên thác
uốn quanh”
“Chiều lên Bản
Thượng”
Đâu phải
lần nầy đơn vị tôi mới lên rừng. Dù ở Tiểu Đoàn hay Thám Sát Delta, “lên rừng”
là những cuộc hành quân thông thường và sở trường của chúng tôi. Ba Lòng,
A-Shau, An Lão, Dakto… nơi nào không là núi rừng? Chỉ có thời gian Tết Năm Mậu
Thân mới đánh nhau với địch ở Thành Phố Nha Trang, Gia Định, Saigon.
Địch ở
trên rừng, chúng tôi lên rừng, địch về thành phố, chúng tôi về thành phố. Nơi
nào có địch, cấp trên điều là chúng tôi tới.
Phía Tây
Quê Hương Việt Nam, núi rừng xanh ngắt trùng điệp, nhìn màu xanh Quê Hương, vừa
thấy đẹp, vừa thấy buồn, vừa thấy thương…
Chuyến đi
nầy thì thấy thương hơn, lên tới vùng Tây Bắc Kontum, qua khỏi những cái tên mà
người Thành Phố đã nghe tới nhiều, nhưng vẫn còn thấy lạ lẫm: Dakto, Dak-Bla,
Ban-Het, Tân Cảnh, Tu-Morông, hay các Trại Lực Lượng Đặc Biệt Polei-Kleng,
Plei-Djereng kế cận vùng Tam Biên. Tam Biên là khu vực giáp ranh của ba biên giới:
Việt, Miên, Lào.
Vào khoảng
tháng 2 năm 1971, gần tới Tết con Heo, năm Hợi. Trước ý đồ xảo trá của bọn giặc
cọng, chúng muốn tái diễn cái trò lấn đất dành dân, nên đã chuyển quân tràn qua
biên giới ngỏ hầu mở ra các cuộc tấn công xâm chiếm Thị Xã Kontum hay một vài
Quận Lỵ lân cận để làm áp lực trong cuộc Hội Đàm 4 bên tại Paris.
Việt cọng
đã đưa quân theo con đường mòn Hồ Chí Minh, từ Lào, từ Cambodia qua ẩn trú sát
nách biên giới trong vùng rừng rú lãnh thổ trách nhiệm của Quân Đoàn II. Để xác
định chính xác về đơn vị, cấp số và vùng trú quân của lực lượng địch, ngỏ hầu lập
kế hoạch tấn công, tiêu diệt hay phòng thủ. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã trình
xin Bộ Tổng Tham Mưu đưa Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù tăng phái cho Sư Đoàn 22 Bộ
Binh để hành quân thám sát kiểm chứng, xác minh.
Toàn bộ
Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được không vận đến Phi Trường Kontum, và lập căn cứ
Hành Quân ở mạn Tây sát bên hông Phi Đạo.
Vào những
ngày cận Tết, Kontum trời se lạnh, thỉnh thoảng có những trận mưa rào, làm cho
những chiến binh đang buồn vì phải xa Sài Gòn như chúng tôi lại càng buồn hơn.
Từ căn cứ hành quân, lội bộ gần cả cây số mới tới khu phố Hàng Keo, nằm cạnh bờ
sông Dak-Bla, để uống một ly cà-phê đen nóng và nghe vài ba bản nhạc giải
khuây, ngoài ra chẳng có gì làm vui trên cái xứ cao nguyên hẻo lánh này.
Phi Trường
Kontum
Đêm Giao
Thừa, nằm trải dài trên chiếc ghế bố, thỉnh thoảng tôi nghe từng tràng đạn pháo
nổ dòn bên tai, ngoài trời thì liên tục được thắp sáng bởi những trái hỏa châu,
đầu óc tôi cứ bị đè nặng trong không khí chiến tranh. Chẳng biết đến bao giờ Đất
Nước tôi mới không còn bom rơi đạn nổ. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng vừa
thức dậy, Thượng Sĩ Mai Xuân Hùng, Thường Vụ Đại Đội, báo tin cho hay hôm nay sẽ
có Biệt Đoàn 5 Văn Nghệ Trung Ương ở Sài Gòn lên trình diễn ủy lạo. Tin thật
vui mà lại quá buồn cười. Đơn vị tôi đóng ở ngã tư An Sương, Hốc Môn, Sài Gòn.
Biệt Đoàn 5 Văn Nghệ Trung Ương cũng ở Sài Gòn, sao không cho nghe hát ở dưới
đó mà kéo nhau lên rừng, bên hát, bên nghe?
Mấy ngày
qua, một hai Toán Thám Sát đã xâm nhập hoạt động trong các vùng gần Tam Biên, nằm
về hướng Tây Nam Dakto, cách
Trại
Polei-Kleng về hướng Tây Bắc khoảng 20 cây số. Các Đại Đội thì đang túc trực ứng
chiến tại căn cứ Hành Quân.
Tối lại,
ngoài các Sĩ Quan, Binh Sĩ trực hành quân và canh gác, bốn Đại Đội tập trung ngồi
phía trước cái sân khấu dã chiến, được kê cao bằng những tấm palette nhôm của
Quân Đội Mỹ, đặt trên các thùng “phuy” chứa đầy nước, phía sau là căn lều bạt để
các Ca Nghệ Sĩ làm chỗ trang điểm, thay đổi y phục. Ban Nhạc đánh trống thổi
kèn trên ấy, Ca Sĩ hát trên ấy, chúng tôi ngồi dưới đất, ngưỡng cổ hào hứng vừa
nghe vừa nhìn.
Các Ca Sĩ
lần lượt xuất hiện: Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Dung, Thanh Mai,
Chế Linh, Hùng Cường, Duy Khánh v.v… Các Nữ Ca Sĩ cũng mặc đồ trận, quần áo rằn
ri Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Biệt Cách Dù. Mà có gì lạ đâu, các Cô là Binh 1, Hạ
Sĩ danh dự của các Quân Binh Chủng mà. Phó Tổng Thống Trần Văn Hương cũng là Hạ
Sĩ danh dự đấy. Nghe giới thiệu lon lá như thế, chúng tôi rất vui và vỗ tay
hoan hô liên tục, không dứt.
Duy Khánh
xuất hiện trên sân khấu. Rất ít người Huế không biết Duy Khánh. Chúng tôi thì
rành sáu câu bởi vì khó có ai hát hay hơn Duy Khánh với bài “Xuân nầy con không
về!”
Hồi chưa
nhập ngũ, gần Tết, tôi cũng bắt chước Duy Khánh: “Con biết bây giờ Mẹ chờ em trông,
nhưng nếu con về bạn bè thương mong”. Ông Anh con ông cậu tôi, giáo sư, nghe
tôi hát, phán một câu: “Thằng ni bất hiếu. Cha mẹ phải hơn bạn bè chớ !”.
Có lẽ ông
Anh tôi ngoài tuổi nhập ngũ, chưa từng đi lính, nên không rõ tình Đồng Đội như
thế nào. Sinh ra ta là Cha Mẹ, cứu mạng ta giữa chiến trường là Đồng Đội. Chưa
từng đi đánh giặc, chưa từng gặp gian nguy, thập phần sinh tử nên khó biết cái
tình Đồng Đội ấy thiêng liêng, cao quí như thế nào. Càng xông pha trận mạc, vào
sinh ra tử, tôi hiểu tâm trạng người lính trong bài hát hơn Ông Anh của tôi.
Sau đêm
trình diễn, Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương trở về Sài Gòn ngay sáng hôm sau.
Chúng tôi đón Xuân không có “thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ”, thiếu cả tiếng pháo
đì đùng. Vì Tết Mậu Thân mà bây giờ có lệnh cấm pháo. Đồng bào cũng nản “quân
giải phóng” nên không ai còn muốn đốt pháo làm chi để Việt cọng lợi dụng vào
Thành Phố mà giết Đồng Bào.
Ba ngày Tết
lặng lẽ trôi qua. Buổi sáng Mồng 4, Trung Úy Thứ, Sĩ Quan phụ tá Ban 3 Hành
Quân thông báo: Đại Đội 4 có lệnh chuẩn bị hành quân.
Toán 5
Thám Sát Delta, đã chuyển công điện báo cáo là vừa khám phá trên đường mòn Hồ
Chí Minh, ở gần ngã ba biên giới, ban đêm có nhiều đoàn xe Molotova và bộ đội
Việt cọng từ Lào và Cambodia di chuyển về hướng Đông Đông Nam, trên phần lãnh
thổ của Nước ta, dẫn đến gần các căn cứ 5 và 6 trong vùng trách nhiệm của Sư
Đoàn 22 trú đóng tại Tân Cảnh.
Theo yêu
cầu của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù có nhiệm vụ tổ chức
phục kích tiêu diệt đoàn xe, bắt sống tù binh để khai thác tin tức.
Đại Đội 4
Biệt Cách Dù được giao trách vụ này. Đại Đội Trưởng là Đại Úy Đào Minh Hùng,
còn tôi là Đại Đội Phó.
Chiều hôm
sau, Đại Đội được trực thăng vận vào vùng hành quân. Bãi đổ bộ nằm ở hướng Nam
khu vực Tam Biên, cách đường biên giới Cambodia về hướng Tây chừng 1 km. Hai
Trung Đội 3 và 4 do tôi chỉ huy được đổ xuống trước để an ninh bãi, không lâu
sau đó là Ban Chỉ Huy Đại Đội và hai Trung Đội 1 và 2. Đại Đội di chuyển chừng
cây số thì trời bắt đầu tối nên dừng quân nghỉ đêm.
Sáng dậy,
Đại Đội chia ra hai cánh quân, tiến song hành về hướng Đông Bắc để tiếp cận con
đường mòn do Toán 5 Thám Sát phát hiện.
Nơi đây
chắc hẳn là chốn an toàn của địch, vì trên đường di chuyển Đại Đội đã nhìn thấy
có rất nhiều đường dây điện thoại của chúng giăng đầy chằng chịt dọc theo các
cành cây, thỉnh thoảng bắt gặp những căn lều trại và bếp núc đã bị bỏ hoang bên
những khe suối, dưới những cụm rừng âm u, hoang lạnh.
Sẵn sàng
lâm trận
Đi gần nửa
ngày đường, vừa tiếp cận con đường mòn, đang dàn quân bố trí, thì Tổ khinh binh
tiền đạo trông thấy một tốp bộ đội Việt cọng đang di chuyển ngược hướng, nên đã
nổ súng tác xạ. Bọn địch dạt qua mé rừng bên phải phản công mãnh liệt, nhưng cuối
cùng bọn chúng tháo chạy, để lại 05 xác chết tại hiện trường. Có thể đây cũng
là đám tiền sát viên của chúng.
Sợ lộ mục
tiêu sau khi chạm địch, Đại Úy Hùng cho lệnh Đại Đội di chuyển lên hướng Bắc chừng
500 mét thì dừng lại. Sau khi quan sát địa thế, Đại Đội dàn trải đội hình dọc
theo con đường mòn chạy từ Tây sang Đông. Tôi ra lệnh Thiếu Úy Nguyễn Kim
Long Trung Đội Trưởng Trung Đội 3 đưa 2 khinh binh bò ra giữa mặt đường để chôn
các trái mìn chống chiến xa M.15 dưới các vết xe lăn cũ.
Màn đêm
xuống dần, rừng êm ắng, lặng yên và mù mịt tối. Tất cả Binh sĩ ghìm súng nằm chờ
đợi. Ở một vài khoảng trống trong khu vực, thỉnh thoảng được những
trái hỏa châu trên bầu trời tỏa sáng lờ mờ rồi dần dần tối hẳn.
Ba tiếng
đồng hồ đã trôi qua, không một động tĩnh, nhưng không vì thế làm nản lòng các
chiến sĩ Đại Đội 4 Biệt Cách Dù, tất cả vẫn ghìm súng trong tư thế sẵn sàng đối
phó với địch quân.
Tôi nhìn
đồng hồ, đã 12 giờ 30 khuya, vừa định lấy bi đông uống một ngụm nước cho tỉnh
táo, thì ầm, ầm, ầm, những tiếng nổ vang dội và chuyển động cả một khu rừng. Ba
chiếc xe Molotova của địch đã bị trúng mìn, nằm lật nghiêng, choáng hết cả mặt
đường. Tiếng la hét của đám Việt cọng, tiếng súng Đại liên, XM.16, M.79, xen lẫn
tiếng đạn AK.47, CKC đã làm cho sự tịch mịch của khu rừng trở nên náo động, ầm
ĩ.
Đêm trôi
qua rất nhanh. Trời vừa hừng sáng, sau khi kiểm chứng và báo cáo kết quả tổn thất
của địch bao gồm: 15 cán binh cọng sản bị sát hại, 03 xe molotova và rất nhiều
quân dụng, lương thực đã bị phá hủy hoàn toàn, phía ta 5 chiến sĩ bị thương,
trong đó có tôi bị một mãnh tạc đạn cắt vào cổ tay và 1 Hạ Sĩ Quan tử thương về
Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Đại Đội khởi sự di chuyển trở lại hướng Tây Nam, vừa băng
ngược qua con đường mòn, di chuyển lên hướng ngọn đồi trước mặt để đến bãi triệt
xuất, thì bất ngờ đạn địch từ trên bắn xuống xối xả, nhưng may nhờ sườn đồi có
nhiều đá tảng và cây rừng lớn che chắn, nên chỉ làm bị thương 2 Hạ Sĩ Quan Tiểu
Đội Trưởng và 5 Binh Sĩ.
Đại Đội ở
vị thế bất lợi hơn địch, Việt cọng ở trên cao. Đại Đội tấn công lên đồi nhiều đợt
mà không lên được, hao hụt không ít. Chuẩn Úy Lương Hữu Yên, Trung Đội Trưởng
Trung Đội 2, đã bị tử thương, xác còn nằm trên sườn đồi, và không lâu sau
đó Chuẩn Úy Trần Thanh Đồng đang tiến quân lên đỉnh đồi ở cánh phải, thì cũng
cùng chung số phận, tôi đã hai lần điều động binh sĩ cố bò lên lấy xác, nhưng
vì bị hỏa lực địch bắn càng quét dữ dội, nên không thể, Đại Úy Hùng bảo tôi báo
cáo tình hình chạm địch và tổn thất về Bộ Chỉ Huy, đồng thời khẩn cấp xin máy
bay oanh kích đến dội bom vào vị trí địch ở trên đồi cao.
Tiếng
động Trực Thăng bay vòng trên khu vực, qua máy truyền tin PRC.25,
tôi nghe rõ tiếng Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn, đang liên lạc hướng dẫn
các Phi Tuần Skyraider, A.37, trên đường bay đến để oanh kích chính xác vào tọa
độ mục tiêu của địch.
Sau các
Phi tuần oanh tạc thì Phi Đội Trực Thăng võ trang xuất hiện, bay vòng quanh, bắn
xối xả, liên hồi xuống trên đầu địch. Vừa chấm dứt các đợt oanh kích, tác xạ,
hai cánh quân hai mặt của Đại Đội, theo lệnh của Đại Úy Hùng, đã đồng loạt xung
phong, tràn lên chiếm lĩnh đỉnh đồi. Xác Chuẩn Úy Yên và một số Binh sĩ đã được
Thiếu Úy Long đưa một Tiểu Đội khiêng vác mang theo. Riêng thi thể Chuẩn Úy Đồng,
vì nằm gần vị trí địch, nên đã không còn tìm thấy xác sau khi các chiến đấu cơ
đã dội bom yểm trợ khốc liệt.
Quân địch
hoàn toàn tan rã, bỏ thây rãi rác chung quanh đồi, 20 xác đếm được, còn một số
“chém vè” cao bay xa chạy, tịch thu rất nhiều loại vũ khí, máy móc và quân dụng.
Vậy rồi,
ngay chiều hôm đó, Đại Đội vừa tải thương vừa di chuyển đến bãi triệt xuất. Tới
điểm hẹn, chờ không bao lâu thì một Đoàn Trực Thăng đáp xuống thấp. Từng Trung
Đội đưa xác tử sĩ và thương binh lên trước, xong thay nhau nhảy lên các chiếc kế
tiếp. Lần lượt Đại Đội đã được bốc đưa về lại Căn Cứ Hành Quân ở Phi Trường
Kontum.
Cách hành
quân của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù thường như thế. Thả các Toán Thám Sát vào
các mật khu của địch, thông thường là ở những vùng dọc theo biên giới, núi non
hiểm trở, ngoài tầm tác xạ, yểm trợ của Pháo Binh, để khám phá các căn cứ, kho
tàng, địa đạo và lực lượng của Việt cọng. Nhưng, nếu cần thiết thanh toán mục
tiêu, hành quân tiêu diệt, phục kích, thì các Đại Đội xung kích sẽ đảm nhận
trách nhiệm.
Đây cũng
là một trong hai cuộc phục kích hiếm hoi trong lòng địch, nơi các mật khu bất
khả xâm phạm của bọn chúng, trước đây vào năm 1968 tại thung lũng Ashau, mà chỉ
có lực lượng duy nhất là Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù mới có thể lập nên
thành tích, công trạng lịch sử này.
Kontum là
đây! Tam Biên là đây!
Lòng
chúng tôi vui. Và trong niềm vui trở về, tôi bỗng nhớ một bài hát: “Đường lên
núi rừng! Sao hãi hùng”.
Hãi hùng
là tự người khác đem đến cho ta, từ con người, không phải từ thiên nhiên.
Người yêu
Quê Hương thì không thấy Quê Hương mình hãi hùng bao giờ!
***
Lê Đắc Lực
– Tàn Cơn Binh Lửa (10) – An Lộc Địa
10)- An Lộc
Địa
“Bình
Long Anh Dũng!”
“An Lộc địa sử lưu chiến tích
Biệt Cách Dù vị Quốc
vong thân”
*
1)-“Nhị
thức Bộ binh, Thiết giáp”
Với ý đồ
cưỡng chiếm Miền Nam của tập đoàn cọng sản Hà Nội. Mùa Hè năm 1972 cọng sản
Bắc Việt đưa hai Binh Đoàn, đồng lúc tấn công Tây Nguyên (Kontum) và Khu Phi
Quân Sự (Vùng Giới Tuyến). Trước tình thế này, Bộ Tổng Tham Mưu đã phải xử dụng
đến lực lượng tổng trừ bị: Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến cho hai chiến trường
này.
Bất ngờ,
tại Quân Khu III, trong đêm 06 tháng 4 năm 1972, từ bên kia biên giới
Campuchia, một Binh Đoàn 50 ngàn quân Việt cọng, bao gồm: 4 Sư Độ Binh, 1 Trung
Đoàn Chiến Xa, 1 Trung Đoàn Pháo và Phòng Không hiện đại, bất thần tấn công cường
tập, tràn ngập Quận Lỵ Lộc Ninh do Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Thiết Đoàn
1 Kỵ Binh trấn giữ.
Chuẩn Tướng
Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh gom tất cả các lực lượng cơ hữu còn lại
là Trung Đoàn 7 và 8 Bộ Binh, tăng cường thêm Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân lập tuyến
phòng thủ mới tại Thị Xã An Lộc để ngăn chận địch.
Ngày 13
tháng 4 năm 1972, Việt cọng xiết chặt vòng vây, bắt đầu tấn công bộ chiến với
nhị thức bộ binh và chiến xa vào An Lộc. Lực lượng phòng thủ tại đây đã quyết
chiến, chống trả mãnh liệt, tổn thất nặng nề, không phận đã bị địch quân khống
chế, trực thăng tiếp tế và tản thương không thể vào An Lộc được, tình thế vô
cùng nguy nan.
Hội Đồng
An Ninh Quốc Gia và Bộ Tổng Tham Mưu nhận định tình hình, cần phải tăng cường gấp
cho lực lượng phòng thủ, nếu chậm trể thì An Lộc sẽ thất thủ, và nếu tiền đồn
An Lộc lọt vào tay địch thì hai tiếng đồng hồ sau đó chiến xa địch sẽ tới Bình
Dương và Thủ Đô Sài Gòn sẽ bị đe dọa. Bộ Tổng Tham Mưu cuối cùng quyết định
tung Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù vào tiếp viện.
Trong thời
gian này tôi đang theo học Khóa Đại Đội Trưởng tại Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức,
thì được tin trong ngày 16 tháng 4, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã nhảy vào
tiếp viện, tăng cường cho mặt trận An Lộc và đã bắt tay được với
các lực lượng bạn cố thủ, đang trong tình huống hết sức nguy ngập, các tuyến
phòng thủ đang bị “thủng” dần.
Sơ Đồ Chiến
Trường An Lộc
Theo tin
tình báo cho biết, Việt cọng đã cố tình tung 4 Sư Đoàn 5, 7, 9 và Sư Đoàn Bình
Long, ngoài ra còn tăng cường một Trung Đoàn Đặc Công, hai Trung Đoàn Pháo và
Phòng Không, hai Trung Đoàn Xe Tăng, đây là lần đầu tiên chúng xử dụng xe tăng
trên chiến trường Miền Nam, cố chiếm An Lộc trong vòng 5 đến 10 ngày, để
ra mắt cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam của
chúng.
Vừa suy
tư về tin tức nóng bỏng này, vừa lo âu cho đơn vị của mình tham gia trận đánh
đang xảy ra ác liệt, tôi nôn nóng, băn khoăn vô cùng…Cũng may, một tháng qua
mau thì mãn khóa, tôi vội vàng về trình diện Bộ Chỉ Huy hậu cứ đơn vị tại Ngã tư
An Sương, Hốc Môn. Toàn bộ các Đại Đội Biệt Cách Dù đã vào chiến trường đã nửa
tháng nay rồi, mà không có tôi cùng chiến đấu, cùng chia sẻ gian khổ, nguy nan
cùng đồng đội. Yên lòng sao được.
Tôi cùng
Thượng sĩ Phạm Văn Cứ cũng vừa đi tập huấn Taekondo trở về, nhận lệnh vào chiến
trường ngay ngày hôm sau. Xe Jeep của Liên Đoàn đưa chúng tôi đến Lai Khê nơi Bản
Doanh của Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, từ đó Trực Thăng UH.1B đã bốc thả chúng
tôi xuống bên ngoài Thị Xã, vùng Xa Cam. Để tránh phòng không của địch, bây giờ
chúng sử dụng cao xạ 37 ly (đạn nổ lần hai sau khi trúng mục tiêu), không còn
dùng 12.7 như trước kia, Phi Công Việt Nam phải bay thật thấp, sát ngọn cây. Vừa
tới bãi đáp ngay giữa Quốc Lộ 13, chúng tôi nhảy liền xuống, cả hai men theo rừng
cao su tìm đường vào Đơn Vị, đang trú đóng ở giữa lòng Thành Phố. Lúc ấy trời vừa
quá trưa.
Trên đường
tiến vào Thành Phố Bình Long, nhà cửa cây cối điêu tàn, xơ xác, một vài nơi lác
đác những cột cháy đen còn đang bốc khói. Rãi rác xác địch nằm ngổn ngang, những
khuôn mặt măng sữa, chừng độ 14, 15 tuổi. Vượt qua tuyến phòng thủ của Trung
Đoàn 8, Sư Đoàn 5 của Đại Tá Mạch Văn Trường, rồi băng qua Công Viên Hoàng Hôn,
chúng tôi đã đến Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Liên Đoàn đóng tại một căn phố lầu,
bên cạnh Cửa Hàng Tân Hoài Sương, trên Khu Phố đối diện Khu Chợ Bình Long.
Trình diện
Trung Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng xong, tôi nhận lệnh làm phụ tá Đại Đội
Trưởng Đại Đội 1, Đại Đội Trưởng là Đại Úy Nguyễn Ích Đoan, đang phòng thủ hướng
Đông Đông Bắc, bên trái trục lộ chính Quốc Lộ 13, cửa ngõ Thành Phố, hướng đi Lộc
Ninh. Bấy giờ thì Lộc Ninh đã bị Việt cọng chiếm giữ mất rồi.
Bọn giặc
cọng không thể tiên liệu được là đơn vị Biệt Cách Dù đã nhảy vào Thị Xã An Lộc
và đang mở các cuộc đột kích sở trường, thiện chiến để dành lại các phần đất đã
lọt vào tay chúng.
Thị Xã An
Lộc trở thành bình địa
Các Đại Đội
Biệt Cách Dù, phòng ngự ba hướng chính của Thành Phố. Đại Đội 1 giữ hướng Đông
Đông Bắc, Đại Đội 3 và 4 bố trí quân dọc theo Khu Nhà Thờ ở hướng Tây và Tây Bắc,
Đại Đội 2 là lực lương trừ bị, rải quân phòng thủ ở khu vực chợ về hướng Nam
cùng các dãy lầu phố kế cận Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Liên Đoàn.
Tình hình
bấy giờ là quân Việt cọng vẫn còn chiếm giữ một số khu vực trong Thành Phố.
Chúng đặt chốt trên các đường chính, trong các cao ốc còn sót lại ở hướng Đông
Bắc và Tây Bắc, phân chia từng Tổ 3 người để bắn sẻ, hay tác xạ B.40, B.41 ngăn
chận các cuộc chuyển quân, tấn công của các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa.
Mặc dù
các khu vực hướng Bắc đã lần lượt tái chiếm, nhưng lực lượng địch tại Đồn Cảnh
Sát Dã Chiến vẫn cố thủ, chúng dùng đại bác 57 và 75 trực xạ, nhưng cuối cùng với
sự yểm trợ hỏa lực của Không Quân Hoa Kỳ và kỷ năng tác xạ súng cối 81 ly chính
xác, hiệu quả của Trung Úy Cao Kỳ Sơn và Trung Sĩ Đỗ Đức Thịnh, cùng với lối
tác chiến chuyên nghiệp, gan dạ, Biệt Cách Dù đã tiêu diệt toàn bộ bọn chúng
ngay trong chiều ngày 18.4.1972. Tuy nhiên Biệt Cách Dù cũng đã phải ngậm ngùi
trước sự hy sinh của Chuẩn Úy Nguyễn Quang Khánh và một số đồng đội.
Một phần
lớn dân chúng đã thoát ra khỏi Thành Phố, theo QL.13 chạy về hướng Saigon,
nhưng đồng bào bị Việt cọng pháo kích sát hại, một số bị chận lại ở Chơn
Thành không cho chạy nữa. Đồng bào chết giữa lửa đạn hay sao? cọng sản không
quan tâm. Không lý chúng làm Lễ ra mắt “Chính Phủ ma” ở một “Thành Phố ma”,
Thành Phố không còn dân, dân chúng đã bỏ chạy hay sao?
Ngày 19
tháng 4 năm 1972, Việt cọng bắt đầu mở cuộc tấn công mới, với ý muốn dứt điểm
Thành Phố, kết thúc trận đánh, thực hiện tham vọng giải phóng toàn bộ Thị Xà An
Lộc. Chúng đưa Trung Đoàn 141, Trung Đoàn 275 với Đặc công và Chiến xa T.54 yểm
trợ tấn công Đồi Gió, chúng áp dụng chiến thuật biển người, nhưng chúng đã gặp
phải sức kháng cự mãnh liệt của Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn văn Đĩnh
chỉ huy, ngoài ra chúng còn pháo kích dồn dập vào ngay Thị Xã và sau đó ào ạt tấn
công từ hai hướng Tây và Tây Bắc, nhưng chúng cũng đã bị các Chiến Sĩ 81 Biệt
Cách Dù Đại Đội 3, Đại Đội 4 và các Đại Đội Biệt Động Quân phản công triệt hạ
nhiều địch quân, thiêu hủy một số chiến xa, gây thảm bại cho bọn chúng.
Chiến xa
địch bị bắn cháy khắp các ngã đường
Đến Ngày
4 tháng 5, một lực lượng địch, không rõ quân số, lợi dụng đêm tối, tấn công vào
phòng tuyến của Đại Đội 3 và 4 hầu mong dành lại những khu vực đã bị Biệt Cách
Dù tấn chiếm. Suốt một đêm giao tranh, chúng đã bỏ lại nhiều xác chết nằm vương
vãi bên ngoài giao thông hào. Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 Đại Úy Đào Minh Hùng, bị
trọng thương và sau đó không lâu Đại Đội Phó Trung Úy Nguyễn Khoát Hải, bị mãnh
đạn súng cối trúng vào mắt, Trung Tá Phan Văn Huấn đã đưa tôi về đảm nhận chức
vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 Biệt Cách Dù.
Quân cọng
sản áp dụng đúng chiến thuật của Napoléon: “tiền pháo hậu xung”. Trong nửa đêm
ngày 10, rạng sáng ngày 11 tháng 5 năm 1972, bọn chúng rót xuống Thành Phố 8
ngàn quả đạn pháo. Với hỏa lực đó không những Thành Phố An Lộc nhỏ xíu thành
bình địa, mà tất cả các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị tiêu diệt.
Không một sức đối kháng nào có thể tồn tại.
Mặc dù địch
đã pháo xối xả, ác liệt vào Thành Phố chỉ trên 1 cây số vuông, nhằm hủy diệt
hoàn toàn binh lực của chúng ta, nhưng bọn chúng đã hoài công, chẳng mang lại
được kết qủa hay tổn thất gì đáng kể.
Các lực
lượng cố thủ và tăng cường giải tỏa Thị Xã Bình Long, không phòng thủ tập trung
trong một khu vực tại trung tâm Thành Phố, mà đóng rãi rác trên một chu vi rộng
lớn, với các công sự, hầm hố kiên cố, vững chắc; hơn nửa lực lượng địch và ta
lúc đó cũng đang bố trí cận kề, nên địch không thể liều lĩnh hỏa tập để sát
thương, gây tổn thất nặng nề luôn cho bọn chúng.
Dứt các đợt
pháo, theo hướng dẫn của của du kích địa phương, có cả đặc công và bộ binh tùng
thiết, theo đúng chiến thuật “nhị thức bộ binh, thiết giáp”, khoảng hơn 20 xe
tăng T.54 của địch tiến vào Thành Phố, theo ba hướng khác nhau. Hướng phòng thủ
của các Đại Đội Biệt Cách Dù đã tiên đoán và sẵn sàng chờ địch. Bộ binh, đặc
công Việt cọng tiến song song theo xe tăng, chúng vừa đi vừa bắn phá dữ dội.
Bấy giờ,
về phía các Đại Đội Biệt Cách Dù phòng ngự, mìn chống tăng thiếu hụt. Một số lớn
đã được sử dụng trong các trận đánh trước, công việc tiếp liệu chưa cung ứng kịp.
Vả lại, loại mìn chống tăng hiện có, sức công phá còn yếu, chưa đủ để phá hủy
toàn bộ xe tăng địch. Trung Tá Phan Văn Huấn đã sáng chế ra một loại mìn chống
tăng “thần kỳ”.
Theo lệnh
của Ông, các Đại Đội đã xử dụng đạn đại bác 105 ly hay 155 ly không nổ, đút vào
đầu viên đạn một thỏi chất nổ TNT, gắn ngòi nổ mìn Claymore vào đấy, xong đặt
mìn trên các con đường trước tuyến phòng thủ, chờ xe tăng địch tới đúng vị trí,
bấm vào “con cóc”. Sức công phá của loại mìn chống chiến xa tự chế nầy đạt hiệu
quả tối đa. Không những xe tăng bất động, bị cháy, mà bộ binh tùng thiết cũng
gánh chung số phận và trên đường tạo ra một hố sâu rộng lớn đã làm cản trở đường
chuyển vận của các xe tăng bọn chúng.
Nhờ vào
sáng kiến này mà hơn 10 chiến xa T.54 của địch đã bị các đơn vị Biệt Cách Dù
phá hủy, số chiến xa còn lại đã bị các đơn vị Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Trung
Đoàn 8 Bộ Binh, và Địa Phương Quân tác xạ tiêu hủy bằng hỏa tiễn M.72 và
XM.202, thây địch chết, bị thương nằm ngổn ngang, la liệt bên các xe tăng địch,
trên khắp các ngã đường trong Thị Xã Bình Long, An Lộc.
Trên hướng
phòng ngự của Đại Đôi 2, hai chiếc T.54 trúng mìn tan xác tại chỗ, hai chiếc
còn lại đằng sau, quay mũi xe bỏ chạy lạc hướng, cũng đã bị các đơn vị Bộ Binh
của Trung Đoàn 8, Sư Đoàn 5 triệt hạ. Trước thất bại này, khả năng chiến đấu của
chúng không còn, các chiến sĩ Biệt Cách dù đã leo lên đứng trên chiến hào, trên
các xe tăng địch hoan hô chiến thắng của mình vang dội cả một vùng trời mù mịt
khói lửa, đạn bom.
Đại Đội 3
Biệt Cách Dù reo mừng chiến thắng
trên chiến
xa địch bị bắn cháy
Đuổi chuột…
(Đánh chiếm
từng nhà)
Địch sau
các cuộc tấn công qui mô, áp đảo, chúng không còn khả năng tấn công lớn nữa, vì
thế các Đại Đội Biệt Cách Nhảy Dù được lệnh “đuổi chuột từng nhà”, quét sạch địch
khỏi Thành Phố. Việt cọng tháo lui, đang ẩn núp trong các nhà dân bỏ hoang,
chúng chiếm cứ một vài cao điểm để bắn sẻ vào binh lính chúng ta. Ngoài ra,
không ít cán binh Việt cọng, sau khi đơn vị chúng bị đánh tan tác, bị đánh đuổi
ra khỏi Thành Phố, chúng bị kẹt lại nên cũng lẩn trốn trong nhà dân, chưa biết
cách tấn thối như thế nào. Tuy nhiên, vũ khí chúng vẫn còn trong tay, còn có thể
gây nguy hiểm cho binh sĩ của chúng ta.
Trung Tá
Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn lệnh cho các Đại Đội Trưởng phải nhanh chóng trừ
khử toàn bộ bọn chúng. Sở trường chuyên nghiệp của Biệt Cách Dù bắt đầu đem ra
tái sử dụng. Các Toán, chờ trời vừa sụp tối là triển khai đội hình, “đục tường”
tiến từ nhà nầy qua nhà khác, tiêu diệt địch từng tên một bằng vũ khí cá nhân
là dao găm, lựu đạn. Trong trường hợp nầy, lựu đạn là loại vũ khí đắc dụng nhất,
“đục tường” chỉ là một cách nói. Việt cọng bắn phá Thành Phố một cách bừa bãi,
không phân biệt mục tiêu quân sự hay nhà ở của dân chúng, nên hầu hết nhà cửa đều
bị sập hoặc hư nát. Nhờ vậy, các Chiến sĩ Biệt Cách Dù đã lợi dụng những bức tường
nứt đổ, những vách tôn, vách lá rách nát, để tiến từ nhà nầy qua nhà khác. Lần
hồi, nội vi Thành Phố không còn bóng dáng địch. Chúng chỉ còn cầm cự vòng
ngoài, thỉnh thoảng pháo kích đạn cối vu vơ vào Thành Phố để cầm chừng.
Mục tiêu
còn lại cuối cùng là Đồi Đồng Long. Để chuẩn bị cho cuộc tấn công tái chiếm Đồi
Đồn Long, trong lúc khai triển đội hình khi đến gần chân đồi với đầy dẫy cây rừng
hoang dại, các Chiến Sĩ Đại Đội 2 Biệt Cách Dù đã phát hiện một căn hầm, nằm
khuất lấp dưới những tấm ván gỗ và những cỏ cây xác xơ vì bom đạn,. Các
Binh sĩ áp sát đến miệng hầm, họ nghe vài ba tiếng động sột soạt nhỏ phát ra từ
bên trong. Rất thận trọng, họ chưa vội nổ súng hay tung lựu đạn mà chỉ phát lời
kêu gọi đầu hàng, đồng thời cấp báo ngay về Bộ Chỉ Huy Hành Quân, Trung Tá Chỉ
Huy Trưởng Phan Văn Huấn ra lệnh Đại Úy Sơn cho Binh sĩ quan sát kỹ càng, có thể
là địch quân mà cũng có thể là đồng bào, nhưng bất kể họ là ai, với hơn hai
tháng chiến trận xảy ra nơi đây, không lương thực, nước uống, thì đâu còn sức đề
kháng để chống cự, phải tìm mọi cách đưa họ ra khỏi căn hầm đó. Và thật không
thể tưởng tượng được, chỉ vài ba phút sau đó, có hai em bé gái khoảng chừng 6,
7 tuổi bò ra, trên người chỉ còn những mảnh vải rách nát, tả tơi che thân, đất
bùn, ghét bẩn bám đen xì trên thân thể khô cằn, còm cỏi, chỉ còn da bọc xương,
hai mắt sâu hoắm trên một khuôn mặt hốc hác, ngây dại, thờ thẩn, giọng nói khàn
đục, thiểu não, nhìn hai bé chẳng khác gì hai bộ xương biết đi, thật quá đổi
thương tâm, đau lòng, không ai có thể cầm được nước mắt.
Trung Tá
Chỉ Huy Trưởng đã mang hai bé về Bộ Chỉ Huy Hành Quân và giao cho Ban Quân Y của
Bác Sĩ Nguyễn Thành Châu khám nghiệm, chữa trị, chăm sóc cho đến khi hai bé tạm
bình phục và hai bé đã kể lại mọi sự việc như sau: “Hai cháu tên là Hà Thị Loan
và Hà Thị Nở, con của Trung Sĩ Hà Văn Hiến, phục vụ tại Tiểu Khu. Khi Việt cọng
tấn công, pháo kích vào An Lộc, Mẹ cỏng em trai 4 tuổi và đắt hai cháu chạy giặc,
thì bất ngờ Mẹ bị trúng đạn pháo chết ngay tại chổ, em trai bị thương nặng
ở chân. Chúng cháu liền cỏng em trai chạy xuống ẩn trú trong một cái hầm kế cận
chân đồi Đồng Long, trong đêm hôm đó Em trai cháu chết, qúa khó khăn để chôn cất,
nên chúng cháu để xác Em trai nằm bên cạnh cho đến thối rửa chỉ còn bộ xương.
Chúng cháu trốn ở đó suốt hơn hai tháng, lúc đầu may nhờ có một số cơm gạo sấy
của ai bỏ lại đã ăn dần, về sau ăn sống luôn mấy con gà con lạc mẹ đang trốn
chung trong hầm. Cạn kiệt lương thực, đói qúa ban đêm khi không còn nghe tiếng
đạn pháo kích, thì mò ra khỏi hầm kiếm rau cỏ mà ăn. May nhờ đến ngày hôm nay
được các bác tìm thấy mà cứu sống các Cháu.
Trong năm
1973, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đã đưa hai Cháu Loan và Nở lên Đài Truyền
Hình Sài Gòn, để kể lại bao nổi gian khổ, đói khát hãi hùng, kinh hoàng trong
hơn hai tháng ẩn trốn ở An Lộc. Đến năm 1974, hai Cháu đã được một người Mỹ nhận
làm con nuôi, và hiện nay đang định cư tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Tái Chiếm
Đồi Đồng Long.
Đến ngày
12 tháng 6 năm 1972. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được lệnh tái chiếm Đồi Đồng
Long. Đây là một trận đánh sinh tử, quyết liệt cuối cùng mà Liên Đoàn 81 Biệt
Cách Dù đã được cấp trên tin tưởng giao phó. Vận mạng của An Lộc cũng sẽ tùy
thuộc vào sự thành bại trong trận huyết chiến này.
Đích thân
Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn đã điều động Đại Đội 2 và Đại Đội 3 chia
làm hai cánh, Đại Đội 3 do Đại Úy Phạm Châu Tài chỉ huy, sẽ tiến quân từ hướng
Đông và Đại Đội 2 do Đại Úy Nguyễn Sơn chỉ huy, phối hợp cùng hai Toán Thám Sát
do Thiếu Úy Lê Văn Lợi chỉ huy, sẽ tiến quân từ hướng Nam, tất cả lợi dụng vào
nửa đêm trời tối, âm thầm, kín đáo bò sát lên đỉnh đồi, nằm ém quân tại chỗ, đợi
cho đến khi trời vừa hừng sáng, sau khẩu lệnh xung phong của Đại Úy Sơn, tất cả
đã đồng loạt nổ súng xối xả, tấn công vào các pháo tháp, hầm trú ẩn của địch
quân, bọn địch dù đông, công sự phòng thủ vững chắc, nhưng quá bất ngờ, không kịp
trở tay trước lối đánh thần tốc, táo bạo của Biệt Cách Dù, nên một số đã bị sát
hại, số còn lại vừa định thần đã phản ứng chống trả, nhưng không ngăn cản được
quyết tâm tái chiếm đồi Đồng Long của các Chiến sĩ Biệt Cách Dù, cuối cùng
chúng cũng đã bị tiêu diệt, hay đã phải buông súng đầu hàng.
Hai Toán
Thám Sát đã không chậm trễ, khai triển đội hình công hãm và thanh toán cứ điểm
cuối cùng của địch trên chóp đỉnh, bốn tên địch quân ngoan cố cầm cự trong tuyệt
vọng, để rồi phải phơi thây thảm khốc. Thiếu Úy Lợi và các Toán viên đã mừng
rơi nước mắt, cùng cầm Quốc Kỳ Việt Nam Cọng Hòa cắm xuống ngay trên đỉnh Đồi Đồng
Long.
Lá Cờ
Vàng ba sọc đỏ lại bắt đầu ngạo nghễ tung bay trước gió, giữa bầu trời một màu
trong xanh pha trộn những tia sáng rực rỡ của ánh bình minh, đánh dấu cho một
ngày mới, một ngày mà An Lộc, Bình Long đã sạch bóng quân thù, một ngày mà
Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III đã ra tuyên bố: “Thành Phố
Bình Long, An Lộc đã hoàn toàn được giải tỏa”.
Trước chiến thắng vang dội, hiển hách của Liên Đoàn 81 Biệt
Cách Dù, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh khi đến thị sát chiến trường An Lộc, đã thừa
lệnh Tổng Thống và Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, gắn cấp bậc Đại
Tá đặc cách tại mặt trận cho Trung Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn
81 Biệt Cách Dù. Cùng lúc đó, Tướng tử thủ Lê Văn Hưng đã không tiếc lời khen
ngợi và hầu hết các đơn vị tham chiến tại Bình Long đều vui mừng, bày tỏ lòng cảm
phục đối với các Chiến sĩ 81 Biệt Cách Dù đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt quân
thù, dành lại những phần đất đã lọt vào tay bọn chúng.
Nghĩa
Trang
Dĩ nhiên,
trong một trận đánh dữ dội nhất nhì trong Lịch sử Chiến tranh Đông Dương, Việt
cọng tung hết lực lượng sẵn có ở miền Đông Nam Bộ và các Sư Đoàn thiện chiến của
chúng từ Miền Bắc xâm nhập vào chiến trường An Lộc. Bên phía Chính Quyền và
Quân Đội Việt Nam Cọng Hòa quyết tử chiến, giữ không cho giặc chiếm một tất đất
nào, nên đã đưa vào mặt trận những Đơn vị Quân Đội nổi danh, thiện chiến, thì sự
hy sinh, tổn thất của hầu hết các đơn vị này không phải là ít, trong đó có Liên
Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù của chúng tôi.
Với các
Chiến Sĩ tử vong tại mặt trận, ban ngày chết bất cứ ở đâu, thì ban đêm đều được
đồng đội mang về tập trung chôn cất ở khu đất cạnh Chợ An Lộc, như nghiêm lệnh
của Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn. Không thể chôn cất ở một địa điểm
nào xa Thành Phố vì tình hình chiến sự bấy giờ không cho phép, Liên Đoàn sử dụng
khu đất trống phía trước Chợ An Lộc để an táng những Chiến Sĩ Biệt Cách Dù đã nằm
xuống. Việc chôn cất khẩn cấp, giữa lúc giao tranh vẫn đang còn tiếp diễn, dù vậy
chúng tôi thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Mộ có hàng lối, có đắp nấm và có bia
gỗ khắc tạm tên tuổi, v.v…
Về sau
này, đích thân tôi được Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn chỉ thị phác thảo
họa đồ, điều động một Toán 4 binh sĩ, gồm có Hạ sĩ Sang, Hạ sĩ Trúc (Đại Đội
4), Hạ sĩ 1 Diệp, Binh 1 Ngà (Đại Đội 1) bắt tay vào sửa sang 68 phần mộ, dựng
các bia đá có khắc ghi đầy đủ Danh Tánh, Cấp Bậc, Ngày Tháng tử trận và xây dựng
khuôn viên bao quanh Nghĩa Trang, mặt chính diện ghi khắc hai câu thơ:“Túy ngọa
sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” và dựng lập một Đài Tử
Sĩ “Tổ Quốc Tri Ơn” bằng gạch, tô ciment, cao 10 ft, bên dưới bệ khắc nổi hai
câu thơ:
“An Lộc Địa
sử lưu chiến tích.
Biệt Cách
Dù vị Quốc vong thân”
Vật liệu
cần thiết cho công việc nầy là xi măng, gạch cát phần lớn là do các Hiệu Buôn
trong khu vực Liên Đoàn phòng thủ ủng hộ. Tôi phải kể đến sự đóng góp cao quí của
cửa hiệu Tân Hoài Sương đã hết lòng hỗ trợ. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng một số
xi măng của các Cửa Hiệu đã bị đạn pháo kích của Việt cọng tàn phá, chủ nhân đã
di tản.
Về sau
chính quyền Tỉnh, theo sự đề nghị của Trung Tá Huấn, đã đền bù cho chủ nhân các
thương hiệu nầy, theo chính sách gọi là “bồi thường chiến tranh” của Bộ Xã Hội,
Chính Phủ VNCH.
Về hai
câu đối ghi ở Đài Tử Sĩ Tổ Quốc Tri Ơn, phát xuất từ hai Câu Thơ của Cô Giáo
Pha dạy ở Trường Tiểu Học Thị Xã Bình Long. Cô Pha trúng đạn pháo kích bị
thương ở chân, không di chuyển được. Biệt Cách Dù đưa Cô về Trạm Xá Dã Chiến ở
cạnh Bộ Chỉ Huy chăm sóc. Khi thương tích đã bớt, đi lại được bằng đôi nạng gỗ
do các Chiến Sĩ Biệt Cách Dù tự chế, hằng ngày cô nhìn qua cửa sổ, thấy chúng
tôi dưới làn mưa đạn, mịt mù khói lửa đang cặm cụi chôn cất, đắp mộ, dựng bia
cho các đồng đội đã hy sinh. Xúc cảm trước những tử vong cao cả này và với lòng
cảm mến, đội ơn sâu xa của một người dân với Quân Đội VNCH nói chung và Liên
Đoàn 81 Biệt Cách Dù nói riêng, cô đã sáng tác hai câu thơ:
“An Lộc Địa
Sử lưu chiến tích,
Biệt Cách
Dù vị Quốc vong thân”
Khi tình
hình Thị Xã tạm yên. Vào ngày 7 tháng 7 năm 1972, trong chuyến viếng thăm chiến
trường An Lộc, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao
Văn Viên, Tổng Trưởng Dân Vận Hoàng Đức Nhã và Tướng tử thủ Lê Văn Hưng đã đến
kính cẩn quỳ lạy, niệm hương cầu nguyện và rơi nước mắt trước Đài Tử Sĩ của
Nghĩa Trang 81 Biệt Cách Dù.
Sau sự kiện
này, Thị Xã An Lộc đã hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của Quân Lực Việt Nam
Cọng Hòa.
Liên Đoàn
81 Biệt Cách Dù chúng tôi sau 68 ngày chiến đấu đã hy sinh 68 Chiến sĩ và hơn
300 Quân Nhân bị thương tích. Đến ngày 24 tháng 6 năm 1972, Liên Đoàn được lệnh
rút khỏi An Lộc, về nghỉ dưỡng quân 2 ngày tại Bộ Chỉ Huy đơn vị ở ngã tư An
Sương để bổ sung quân số, trang bị lại đầy đủ vũ khí, quân trang, quân dụng, và
48 tiếng đồng hồ sau đó, ngày 28 tháng 6 năm 1972 lại khăn gói lên đường ra
Vùng I hỏa tuyến để tham gia tái chiếm Cổ Thành, Quảng Trị.
Hết “Bình
Long Anh Dũng”, bây giờ là “Trị Thiên Vùng Dậy”.
Lê Đắc Lực
– Tàn Cơn Binh Lửa (11) – Cổ Thành Quảng Trị
11)- Cổ
Thành Quảng Trị
“Trị-Thiên
vùng dậy!”
“Miền thùy dương…
… bóng dừa, ngàn thông…”
48 giờ dưỡng
quân tại hậu cứ, ở Ngã Tư An Sương, Hốc Môn, đối với tôi, ra Saigon làm một chầu
cà phê ở Mai Hương, Pagode thế là đủ!
Khi chưa
kết hôn, 7 ngày phép với tôi là… quá dài. Tới ngày thứ tư, tôi đã bồn chồn,
ngày thứ năm, tôi nhớ đồng đội, nhớ đơn vị… Rồi tôi không thể nghỉ phép hết
ngày thứ sáu. Tôi về Đơn Vị. Không khí ở đó mặn nồng hơn, vui vẻ hơn. So
với những ngày phép ở ngoài, sao nó lạt lẽo, đôi khi vô vị. Đúng vậy! Chẳng có
mùi vị gì hết.
Vì vậy,
khi người bạn học cũ hỏi tôi: – “Mày mới từ tử địa An Lộc về, bây giờ lại ra Miền
Trung, bộ không ngán súng đạn sao?”
– “Bây chừ
thì chưa. Bây chừ tao còn thấy đi hành quân với đơn vị, Anh Em, mà lại về Huế nữa,
là… vui lắm.”
Với cái
vui ấy, tôi cùng Anh Em 81 Biệt Cách Dù lên mấy chiếc C-130 của Quân Đội Mỹ,
bay ra Phi Trường Phú Bài ngày 28 tháng 6 năm 1972.
Chúng tôi
phải đi gấp vì Lệnh của Tổng Thống đấy.
Hôm Đại Lễ
Kỹ Niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1972, Tổng Thống đọc diễn văn và ra lệnh
cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, trong vòng 3 tháng, phải chiếm lại Cổ Thành Quảng
Trị. Kể từ hôm Tổng Thống ra lệnh, đến ngày chúng tôi lên máy bay, chỉ mới 9
ngày. Ngoài ấy, Tướng Ngô Quang Trưởng đang là Tư Lệnh Chiến Trường, ngoài các
đơn vị của Quân Đoàn I, thì các Sư Đoàn Dù, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến cũng đã
có mặt rồi. Không những chúng ta giữ được phòng tuyến sông Mỹ Chánh, mà lại còn
đang phản công ra phía Bắc con sông nầy.
Xuống ở
Phi Trường Phú Bài, chúng tôi được đưa thẳng ra PK. 17, tức là Đồn Cây Số 17,
như dân chúng thường gọi. Đây là căn cứ của Trung Đoàn 3, Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
Trung Đoàn đã ra trận, chỉ còn một ít binh sĩ ở lại phòng thủ doanh trại.
Đêm đó,
như thường lệ, trước mỗi cuộc hành quân, chúng tôi nhận 7 ngày lương khô, và được
Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn, chỉ thị nhiệm vụ cho từng Đại Đội. Ông đã
được vinh thăng đặc cách Đại Tá tại mặt trận Bình Long, An Lộc, cũng như về sau
này tất cả Quân Nhân khác trong đơn vị có tham dự tại chiến trường An Lộc, mỗi
người đều được thăng một cấp.
Tôi, Đại
Đội Trưởng Đại Đội 4, cùng Đại Úy Nguyễn Ích Đoan, Đại Đội Trưởng Đại Đội
1 được lệnh đưa hai đại đội ngày mai lên đường tăng phái cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy
Dù của Thiếu Tá Lê Văn Mễ. Đơn vị nầy, mới từ Charlie về, bổ sung, tái huấn luyện,
ra Quảng Trị hồi đầu tháng 5, ngay sau khi thành phố Quảng Trị bị mất, nay đang
hành quân từ phòng tuyến Mỹ Chánh, tiến dọc theo các ngọn đồi sát chân
núi Trường Sơn, phía Tây Quốc Lộ 1. Mục tiêu của Tiểu Đoàn 11 Dù là Nhà Thờ La
Vang. Tiểu Đoàn 11 Dù đã hoàn thành nhiệm vụ.
Đại Đội
tôi được quân xa vận chuyển đến gần ngã ba đường vào xã Ưu Điềm, từ đây chúng
tôi men theo hai bên Hương Lộ, để di chuyển về hướng Mỹ Chánh, vượt qua cầu Mỹ
Chánh vào khoảng trưa, Đại Đội phân làm 2 cánh, tiến ra hướng Bắc, ở hai bên Quốc
Lộ mới do Công Binh Mỹ vừa xây xong. Con đường nầy không đi qua Diên Sanh, Phủ
Lỵ Hải Lăng cũ. Trong suốt một ngày đường là chúng tôi tới khu vực
Đại Lộ kinh hoàng.
Một khung
cảnh quá khủng khiếp hiện ra trước mắt, đã làm cho máu tôi ứa trào lên. Tại sao
Việt cọng tàn ác đến như vậy?
Đó là câu
hỏi đầu tiên hiện ra trong trí tôi. Những cái ác mà tôi không thể tưởng tượng nỗi,
không thể chịu đựng nỗi, không thể chấp nhận được. Tôi vốn là một Phật Tử mà.
Nhưng dù là một Phật Tử, máu tôi không thể không sôi sục dâng trào trước cảnh
tượng bất nhân, tàn ác đó.
Trên mặt
đường nhựa, xác người nằm la liệt, ngổn ngang. Thây người chết ở mọi tư thế
khác nhau, nằm sấp, nằm ngữa, nghiêng. Xác thì chân tay giang ra, xác thì chân
hay tay co lại. Xác nầy chồng lên xác kia, dồn đống, có xác một mình co quắp
bên lề đường… Cái mất đầu, cái mất tay, mất chân. Có xác đàn ông, có xác đàn
bà, có xác trẻ em, có xác không còn nhìn ra là đàn ông hay đàn bà nữa. Không thể
nào tả hết được!!!
Đoạn đường
Việt cọng giết người nầy, xảy ra ngay ngày Việt cọng chiếm thành phố Quảng Trị,
ngày 1 tháng 5 năm 1972 và những ngày sau đó.
Vậy là đồng
bào nằm đây đã gần hai tháng. Da thịt đã rữa. Có nơi xương trắng đã bày ra, sọ,
tay chân hay xương sườn. Dù Quân Nhân mặc đồ trận hay thường dân, thì đồ trận,
áo quần cũng đã phai màu, mục nát. Mái tóc dài của mấy Mẹ, mấy Chị, mấy Cháu đã
tróc khỏi sọ não, bay là đà theo từng cơn gió thoảng, trên mặt cát còn xông đầy
mùi tử khí.
Họ là những
người trốn chạy, dù họ là dân sự hay quân nhân. Họ trốn chạy cọng sản. Họ trốn
chạy chiến tranh. Họ trốn chạy tên bay đạn lạc, dù không biết rõ của phe bên
nào. Giết chết những người trốn chạy. Vậy là vô nhân đạo, là vô lương tri. Là kẻ
giết người, họ đã đi tới chỗ tận cùng của lương tâm.
Trên mặt
đường và cả hai bên vệ đường, bên cạnh xác người là lỗ chỗ các hố sâu của đạn
súng cối, đại bác, hỏa tiễn mà giặc cọng đã nhẫn tâm rót xuống để giết hại đồng
bào, trẻ thơ vô tội.
Đại Lộ kinh
hoàng Quảng Trị
Xe cộ nằm
dọc theo đường đi, mũi xe hướng về Nam. Xe Quân Đội, xe Dân Sự, xe Hàng, xe đò
chở khách. Xe lớn nhỏ đủ các loại. Nhiều chiếc bị cháy, sạm đen, nhiều chiếc bị
đạn pháo bắn hư hại một phần hay hoàn toàn. Rải rác đây đó là các loại xe gắn
máy, Vespa, Lambretta, Honda, Mobilette và khá nhiều xe đạp. Hầu hết, bị hư,
cong vành, bể lốp chỉ còn là đồ phế thải.
Dù là một
người lính trận, từng vào sinh ra tử, tôi không dám nhìn kỹ những cái xác ấy.
Kinh hoàng quá! Kinh hoàng quá! Tàn ác quá! tàn ác vô cùng tận!!!
Chúng tôi
lặng yên di chuyển trong đau buồn và tức giận, vừa sẵn sàng súng đạn để phản
công, nếu địch phục kích, lại cũng vừa để tránh địch phát hiện. Chúng sẽ pháo,
pháo dồn dập, nếu thấy chúng tôi.
Đêm mùa
hè, trời tối chậm. Chúng tôi được lệnh dừng quân, nghỉ qua đêm. Tôi cho lệnh
các Trung Đội đào hố cá nhân phòng thủ ở cả bốn hướng, trải rộng dọc theo hai
bên Quốc Lộ 1, để tránh tổn thất khi bị địch pháo kích, đồng thời là để phản ứng
ngay nếu bị địch tấn công. Tôi và Ban Chỉ Huy Đại Đội đóng cạnh một chiếc xe
GMC của phe ta bỏ lại.
Đêm trôi
đi trong bóng tối tĩnh mịch, thỉnh thoảng có ngọn gió thổi qua, tôi thấy dễ chịu
đôi chút. Nhưng suốt đêm, tôi chỉ chợp mắt từng chặp. Tôi không sợ chết. Nếu thần
chết có đến, tôi sẽ chống lại, như cái bản năng sinh tồn của muôn loài muôn vật.
Chính tôi đã viết trên tường Đài Tử Sĩ ở An Lộc: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
Nói câu đó, và khắc viết lại câu nói đó của người xưa, tức là tôi đã chấp
nhận cái kỷ kiến ấy rồi. Có chi mà tôi phải thắc mắc.
Nhưng những
thây người ngổn ngang, đang rửa mục, trên đoạn đường đi qua hồi chiều ám ảnh
tôi, làm tôi không ngủ được. Chiến tranh là tàn ác. Những người đi đánh trận
như tôi, vì Tổ Quốc, vì Đồng Bào, tôi chấp nhận nó. Nhưng với những người nằm
chết kia, tôi thấy tội nghiệp cho họ, hay như câu Mẹ tôi thường nói: “tội vô
cùng”. Tội cho họ quá, không làm sao một con người còn có lương tâm, có thể chấp
nhận được.
Sáng hôm
sau thức dậy, nhìn vô thùng xe, nhìn chung quanh lại đầy rẫy xác người chết
khô, nằm co quắp, nằm dọc dài trên thảm cát, bên vệ đường. Thật là quá thương
tâm, não ruột. Tôi không kềm chế được nỗi xúc động, hai dòng nước mắt ứa trào.
Đại Đội
tiếp tục tiến ra hướng Bắc. Tới một cây cầu, có phải là Cầu Dài như tên dân
chúng thường gọi đã bị sụp đổ, chúng tôi phải trầm mình lội nước vượt qua song.
Tôi xem lại
bản đồ, bên cạnh Quốc Lộ 1, phía trái hướng Tây, song song với Quốc Lộ là đường
Xe Lửa Saigon, Đông Hà. Bên kia đường Xe Lửa là khu đồi hoang, lúp xúp cây dại,
cây mua và cây sim. Có lẽ vùng nầy tới mùa hoa nở, hoa mua và hoa sim phủ kín
ngọn đồi. Nó giống như những ngọn đồi miền Trung, Bình Trị Thiên hay Thanh Nghệ
Tỉnh vậy. Đây là “Những đồi hoa sim, màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền
biệt”. Tiếc rằng, tôi là người chiến binh, không có thì giờ lang thang qua những
đồi Sim nầy để thấy màu tím của Quê Hương.
Di chuyển
thêm chừng cây số nữa, bên trái là một Căn cứ Pháo Binh của Sư Đoàn Dù, tình cờ
tôi gặp Chuẩn Úy Hoàng Công Thức, Khóa 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, là em một người
bạn học cùng xóm, con trai Thầy Hoàng Văn Ngũ, Giáo Sư Sinh Ngữ Trường Trung Học
Công Lập Nguyễn Tri Phương, Huế. Anh là Tiền Sát Viên Pháo Binh của Sư Đoàn Nhảy
Dù, đang hoạt động vùng nầy.
Sau cùng,
Đại Đội tôi cũng đã tiếp cận tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, tôi
trình diện Mê Linh, tức là Thiếu Tá Lê Văn Mễ, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11
Dù. Cùng gặp Mê Linh với tôi sau đó là Đại Úy Nguyễn Ích Đoan, Đại Đội Trường Đại
Đội 1 Biệt Cách Dù.
Mê Linh
giao nhiệm vụ cho hai Đại Đội Biệt Cách Dù là tái chiếm Nhà Thờ La Vang, tên mới
là Vương Cung Thánh Đường La Vang:
– “Đại Đội
các anh phải chiếm lại Nhà Thờ nầy, và giữ nó, không cho địch chiếm lại”.
Có nghĩa
là Dù đã chiếm nó. Đó là công lao của “Hùng móm”. Nhưng Hùng phải bỏ nó lại đi
tiếp xuống để đánh vào thành phố Quảng Trị. Thừa cơ hội đó, Việt cọng chiếm lại
mục tiêu nầy.
Con đường tiến quân của Cọng sản đánh vào Quảng Trị là con đường
từ Ba Lòng xuống Như Lệ, Phước Môn, bên hữu ngạn sông Thạch Hãn, theo một con
đường bỏ hoang đã lâu, có cái tên cũ là “Đường Bảo Đại”. Nó không giống như “Đường
Trần Lệ Xuân” ở Phước Long, con đường đi lấy gỗ rừng, của dân xe be, khai thác
gỗ.
Bản Đồ mặt
trận Quảng Trị năm 1972
Ở đây,
“Đường Bảo Đại” là đường đi săn của Nhà Vua trước năm 1945, khi Ông Vua ham săn
bắn nầy còn ngồi trên Ngai Vàng.
Quân Cọng
sản, theo con đường này, đưa quân chiếm lại Nhà Thờ La Vang. Nó cũng có nghĩa
là khi Tiểu Đoàn 11 Dù từ hướng Tây đánh vào Thành Phố, thì coi như Tiểu Đoàn
đưa lưng ra cho địch từ sau đánh tới. Trong ý nghĩa đó, hai Đại Đội Biệt Cách
Dù có nhiệm vụ lấy lại Nhà Thờ La Vang, và giữ nó là nhằm mục đích bẻ gảy ý
đồ của địch.
Trên đường
tiến quân vào Quãng Trị
Bây giờ
chúng tôi lại phải áp dụng chiến thuật sở trường: đánh đêm.
Vị trí giữa
địch và ta đã thay đổi. Trước kia, chúng ta ở trong đồn Việt cọng công đồn.
Chúng phải đánh ta vào ban đêm, chúng ta khó phát hiện địch. Bây giờ thì chúng
ta phải công đồn. Chúng ta cũng đánh đêm, địch không thể phát hiện được ta.
Nhà Thờ
La Vang mặt quay về hướng Đông. Đại Đội 1 đánh từ hướng Tây Tây Nam, phía có
Hang Đá Đức Mẹ. Đại Đội tôi cũng đánh từ hướng Tây Tây Bắc, phía có con đường
đi lên Nhà Thờ Phước Môn ở phía Tây Nhà Thờ La Vang, gần chân núi Trường Sơn
hơn.
Vào nửa
đêm, chúng tôi âm thầm hai cánh quân tiến sát vòng đai Nhà Thờ La Vang, vừa dàn
quân lại gặp một trận mưa lớn. Chúng tôi án binh bất động.
Trời vừa
sáng, dứt cơn mưa, quan sát các bố phòng của địch, tôi điện báo cho Đại Úy Đoan
để phối hợp tác chiến, rồi bắt đầu phát lệnh xung phong, tấn công chớp nhoáng,
ào ạt. Địch bị quá bất ngờ, nên một số bị tiêu diệt, một số vất súng đầu hàng,
vài ba tên tháo chạy vào bên trong Nhà Thờ dùng B.40, AK.47 chống trả, bị cánh
quân hướng Tây Bắc của Đại Đội 4 chúng tôi, ném lựu đạn triệt hạ 20 tên, bắt sống
05 tên.
Chúng tôi
03 tử thương và 12 bị thương. Thu dọn chiến trường xong, Đại Đội 1 được lệnh ở
lại bố phòng Nhà Thờ La Vang. Đại Đội tôi tiếp tục tiến về hướng Đông Đông Bắc
để thanh toán mục tiêu kế cận: Chi Khu Mai Lĩnh.
Chi Khu
Mai Lĩnh, thuộc Quận Mai Lĩnh, tọa lạc trên đoạn đường rẽ, tên thường gọi là Ngã
ba Long Hưng, là con đường cũ đi vào Thành Phố, phía ngoài Sân Vận Động Quảng
Trị cũ, kế cận Trường Trung Học Nguyễn Hoàng.
Trên con
đường tiến quân từ Nhà Thờ La Vang đến Chi Khu Mai Lĩnh, Đại Đội tôi bị tử
thương một khinh binh và một Tiểu Đội Trưởng vì đụng chốt Việt cọng tại ngã ba
đường La Vang và Quốc Lộ 1. Nhổ chốt là sở trường của Biệt Cách Dù, theo chiến
thuật của Đại Tá Huấn. Pháo Binh cho nổ một tràng vào vị trí địch buộc địch phải
thụt đầu xuống, núp trong các hố cá nhân. Các viên đạn cuối là đạn lép. Trong
khi, nghe tiếng đạn đi, Việt cọng còn núp thì chúng tôi biết đó là đạn lép,
không có gì nguy hiểm, liền nhanh chóng áp sát chỗ chúng ẩn núp. Nhờ đó, chúng
tôi thanh toán bọn chúng không mấy khó khăn.
Đại Đội
tôi cũng áp dụng chiến thuật đánh đêm để tiến chiếm Chi Khu Mai Lĩnh. Đơn vị Việt
cọng chốt lại đây không đông, khoảng 15 hay 20 chục tên, chúng nằm trong các
công sự có sẵn trong Chi Khu để chống trả. Tin vào hệ thống phòng thủ, chúng
không ngờ binh sĩ của Đại Đội tôi, một nửa ém quân bên ngoài, thỉnh thoảng tác
xạ Súng Phóng Lựu M.79 vào bên trong Chi Khu, một nửa lợi dụng trời tối
đen như mực, bò vào nằm sát bên ngoài công sự. Khi chúng tác xạ chống trả là để
lộ mục tiêu, nên bị chúng tôi ném lựu đạn giết chết và làm trọng thương hầu hết.
Ở lại trấn
thủ Chi Khu Mai Lĩnh được hai hôm, Đại Đội tôi được lệnh tăng phái cho Tiểu
Đoàn 5 Dù, Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Bùi Quyền, Thủ Khoa Khóa 16 Võ Bị Đà Lạt,
đang hành quân ở phía Đông Thành Cổ. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đang đóng tại khu vực
thôn An Thái, cách Cổ Thành khoảng 3 km về hướng Đông Nam. Trình diện danh
tánh, cấp bậc, chức vụ với Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5, Thiếu Tá Bùi Quyền
nhìn tôi nói đùa:
– “Tôi
thì nhỏ con, Trung Úy Lực thì to con, vậy tôi gọi ông là “Lực đô” nhé. À à… mà
“Lực đô” nói lái là “Lộ Đức”, vậy thì Lộ Đức là ám danh đàm thoại vô tuyến tôi
đặt cho Trung Úy trong cuộc hành quân này. Trung Úy chịu không?”
Nói xong,
Thiếu Tá Quyền cười vui vẻ vì cái sáng kiến độc đáo của Ông. Nhờ Ông, mà cái biệt
danh “Lộ Đức” đeo đẳng theo tôi từ đó cho tới bây giờ.
Trung Úy
Lê Đắc Lực và Đại Úy Nguyễn Ích Đoan
Hôm sau Đại
Đội 3 của Đại Úy Phạm Châu Tài cũng được điều động đến tăng cường cho Tiểu Đoàn
5 Nhảy Dù.
Thiếu Tá
Bùi Quyền họp các Đại Đội Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và Biệt Cách Dù để ban lệnh
hành quân. Ông giao cho tôi nhiệm vụ tấn công chiếm “Nhà Thờ Hạnh Hoa thôn”,
thuộc làng Cổ Thành, quận Triệu Phong. Đai Đội 3 là lực lượng trừ bị. Thôn nầy ở
bên sông, đẹp như cái tên của nó, nằm trên con đường đất hẹp, từ phía đông Thành
Cổ ra tới bờ sông Vĩnh Định.
Thôn Hạnh
Hoa có những ngôi nhà cổ, vườn rộng, cây lá xanh tươi, nhiều gốc mai lưu niên,
có thể là trồng từ lâu lắm, đã mấy chục đời.
Nhà Thờ Hạnh
Hoa nhỏ, đối diện với bên kia đám ruộng nhỏ là Nhà Thờ Trí Bưu cao lớn, có tháp
chuông vươn khỏi những ngọn tre làng.
Địch đang
chiếm giữ Nhà Thờ.
Đánh trận
ở đây, khi thấy địch chiếm Nhà Thờ, tôi thường nhớ lại một câu trong bài hát
“Hoa trắng thôi cài trên áo tím”:
“Từ khi
giặc tràn qua Xóm Đạo,
Anh làm
chiến sĩ giữ quê hương”
Vâng, tôi
là người Chiến sĩ giữ Quê Hương và tôi đang đuổi giặc ra khỏi xóm quê nầy, mặc
dù tôi chẳng có một em nhỏ nào ở đây cả, “để nghe khe khẽ lời em nguyện” mà chỉ
có “Luyến thương chan chứa Tình Quê Mẹ ” mà thôi.
Hình như
quân Cọng sản chỉ quen với chiến thuật tấn công hơn phòng thủ. Nhờ vậy chúng
tôi lần nữa xử dụng kỹ thuật đánh đêm.
Tôi bung
bốn Trung Đội men theo các nhà dân bị đổ nát, song song tiến sát Nhà Thờ Hạnh
Hoa Thôn. Lại một trận mưa rào đổ xuống giúp xóa bớt tiếng động di hành của
chúng tôi, nhờ đó mà Đại Đội đã vào chiếm cứ Nhà Thờ không một tiếng súng nổ.
Đáng buồn là khi trời hừng sáng, địch đã nổ súng phản công và trong lần đụng độ
này, tôi mất người Hiệu Thính Viên mà tôi rất thương mến: Hạ Sĩ Chấn. Anh hy
sinh ngay khi đang cầm ống nghe liên lạc báo cáo với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 5 Nhảy
Dù, thì bị một viên đạn bắn trúng đầu.
Vào ngày
hôm sau, từ tờ mờ sáng đại bác của Việt cọng tác xạ liên hồi từ hướng Tây vào
các vị trí phòng thủ của các đơn vị Nhảy Dù, Đại Đội tôi và rải rác quanh khu vực
phía Đông của Cổ Thành.
Vừa ngưng
pháo thì Việt cọng bắt đầu mở cuộc tấn công qui mô với một đơn vị cọng quân
đông hơn quân số Đại Đội tôi tới khoảng 5 lần.
Bọn chúng
từ một ngôi làng ở hướng Bắc Thôn Hạnh Hoa, ồ ạt xung phong biển người tấn công
vào Nhà Thờ Tri Bưu và Nhà Thờ Hạnh Hoa. Chúng tôi xử dụng hết hỏa lực của mình
để ngăn giặc. Nhưng kỳ lạ chưa? Bọn chúng như điên cuồng, như rồ dại, như uống
bùa mê, thuốc lú, hết lớp nầy ngã xuống, lớp sau tiến lên. Lớp sau ngã xuống, lớp
sau nữa tiến lên. Không những chúng tôi ngạc nhiên, thấy kỳ lạ mà còn kinh hoảng
nữa, tự hỏi: “Sao bọn chúng ngu xuẩn, điên rồ vậy?” Cứ tình trạng nầy, Đại Đội
tôi, với quân số ít ỏi, chưa kịp bổ sung sau trận An Lộc, sẽ bị chúng tràn ngập
mất thôi.
Nhưng cuối cùng, trước hỏa tập TOT của Pháo Binh Dù và Sư
Đoàn 1, cùng sự chiến đấu dũng cảm của các Đại Đội Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và Đại Đội
4 chúng tôi. Bọn chúng quay đầu tháo chạy như lũ chuột, bỏ lại trên chiến trường
la liệt xác chết của đồng bọn, của những tên giặc cọng cuồng tín, vô thần, mất
hết cả lương tri, nhân tính.
Tôi ngồi nghỉ mệt, lật tấm bản đồ ra xem lại vị trí của
mình. Tôi bỗng giật mình khi chợt nhớ câu chuyện của một người bạn cũ kể lại. Tết
năm Mậu Thân, Việt cọng dùng con đường nầy để tiến quân đánh vào Thị Xã Quảng
Trị. Ngay tại điểm nầy, chỗ tôi đang ngồi: Thôn Hạnh Hoa, Việt cọng đụng phải một
Tiểu Đoàn Nhảy Dù và thiệt hại không ít. Nhờ đó mà Quảng Trị được yên hơn Huế
là vì vậy.
Nhà Thờ Hạnh
Hoa
Hèn chi,
Việt cọng cố chiếm lại Nhà Thờ Hạnh Hoa Thôn, là vì nó nằm trên con đường chiến
thuật. Mất Nhà Thờ Hạnh Hoa Thôn, là chúng mất con đường tiếp cận với binh lính
của chúng đang cố thủ trong Cổ Thành. Giữ được Nhà Thờ Hạnh Hoa Thôn là Đại Đội
tôi đã đóng góp sức mình cho công việc tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
Tình hình
chiến sự ở khu vực cận Cổ Thành vẫn còn sôi động. Súng đạn từ trong bắn ra từ
ngoài bắn vào liên tục. Tiểu Đoàn 5 Dù được tăng cường thêm Đại Đội 111 và Đại
Đội 2 Trinh Sát Dù, đang nỗ lực tấn công tái chiếm Cổ Thành. Thiếu tá Bùi Quyền
ra lệnh cho Đại Đội 3 và Đại Đội 4 Biệt Cách Dù cùng tiến lên chiếm lĩnh Nhà Thờ
Trí Bưu, địch phòng thủ tại đây, bảo vệ sườn cánh phải, hướng Bắc của Cổ Thành…
Tôi dẫn Đại
Đội thi hành nhiệm vụ. Chẳng còn “thằng cùi” nào trong Nhà Thờ Trí Bưu cả. Bọn
chúng đã bị Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù triệt hạ hầu hết trong lần tập kích trước, rút
chạy cả rồi.
Ngay nhà
dân chúng chung quanh Nhà Thờ, dân thì di tản đã lâu, từ đầu
trận đánh. Bây giờ Việt Cộng chẳng còn thằng nào bén mảng đến đây.
Tôi vẫn
cho Binh sĩ lục soát kỹ ở Nhà Thờ. Không có gì hết, ngoài một số xác chết của
đám “sinh Bắc tử Nam” bị sình thối nằm vương vãi một vài nơi trong và ngoài
khuôn viên Nhà Thờ.
Nhưng tôi
rất buồn khi nhìn lên Bàn Thờ Thánh. Tượng Chúa Giê Su còn đó, một mình, trên
Thập Giá. Cha Xứ và con chiên chạy trốn giặc cọng hết rồi. Cảnh tượng ấy làm
cho tôi thấy đau lòng hơn cả câu thơ của Phạm Văn Bình “Chúa buồn trên Thánh
Giá. Mắt nhạt nhòa mưa qua! ”.
Tôi không
khóc, vốn dĩ từ nhỏ tôi ít khi khóc. Nhưng xúc động thì tình cảm của tôi không
thua kém ai, nhất là khi tôi nhìn lên gác chuông Nhà Thờ. Gác chuông đã bị đổ sập,
chỉ còn một nữa. Là một Phật Tử, không mấy khi tôi vào quì lạy trong Nhà Thờ để
nhìn lên tượng Chúa, nhưng gác chuông Nhà Thờ là một hình ảnh không xa lạ gì với
số đông người Việt Nam. Vì vậy, khi nhìn cái gác chuông gãy đổ, lòng tôi xúc động
hơn.
Nơi đây
không còn tiếng chuông Nhà Thờ nữa, tiếng chuông rộn rã tôi đã từng nghe khi
tôi còn tuổi ấu thơ.
Đại Đội
được lệnh nằm án ngữ tại Nhà Thờ Trí Bưu, ban đêm bung quân ra bên ngoài để
ngăn chặn địch có thể trở lại quấy phá. Trong một lần kích đêm, Tiểu Đội tiền đồn
của Trung Sĩ Khưu Công Quí bắn tử thương hai tên cọng mò mẫm đi vào hướng khu
nhà đổ nát của dân, chắc là chúng tìm lương thực (?). Không lâu sau đó, Bộ Chỉ
Huy Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, ra lệnh Đại Đội 3 và 4 chúng tôi đưa quân về hướng
Đông tiếp cận Cổ Thành. Có đơn vị Nhảy Dù đang chờ ở đó.
Từ Nhà Thờ
Trí Bưu, Đại Đội đi lom khom, lẩn khuất trong các khu vườn nhà dân, từ vườn nầy
qua vườn khác để tránh địch phát hiện. Tới phía ngoài Cổ Thành, trong vị trí bố
phòng của các Đại Đội Nhảy Dù, tôi nhìn thấy có một số Binh Sĩ Nhảy Dù tử
thương, bị thương đang nằm trên các băng ca chưa kịp di tản.
Ngay vào
lúc đó, hàng loạt trái đạn do Pháo Binh tác xạ, rồi tiếp theo sau là các Chiến
Đấu Cơ A.37, Skyraider của Không Quân Việt Nam thay nhau oanh tạc, nổ dồn dập,
inh ỏi trên Kỳ Đài Cổ Thành Quảng Trị. Bỗng dưng, không rõ từ đâu có hai chiến
đấu cơ loại F.5 của Mỹ bay vào khu vực dội bom, nổ lạc hướng về phía phòng thủ
của Nhảy Dù, gây nên tổn thất nặng nề về nhân mạng cho Đại Đội 51 và 52 của Tiểu
Đoàn 5 Nhảy Dù và một ít cho hai Đại Đội Biệt Cách Dù 3 và 4 đang bố phòng kế cận.
Sự kiện nầy
làm cho quân số Nhảy Dù hao hụt nhiều hơn. Họ tham gia cuộc hành quân tái chiếm
Quảng Trị kể từ đầu tháng 5 cho đến bây giờ, vậy là đã hơn 2 tháng. Hai tháng
đánh trận liên miên, ngày đêm không nghỉ, “sức voi” cũng không chịu nỗi, nói
chi sức người. Tôi nghĩ thầm mà thấy thương cho các chiến hữu của tôi.
Ngày 27
tháng 7 năm 1972, ba Lữ Đoàn Nhảy Dù và hai Đại Đội 3 và 4 Biệt Cách Dù có lệnh
triệt thoái, bàn giao chiến trường cho Thủy Quân Lục Chiến. Vì là lực lượng
tăng phái, Đại Đội 3 và 4 Biệt Cách Dù được rút trước. Nhảy Dù còn ở lại, chờ
quân bạn tiến lên tiếp nhận phòng tuyến.
&
Barbara
và Helène là hai cao điểm nằm ở thượng nguồn, giữa sông Ba Lòng và sông Nhùng về
phía Tây Tỉnh Quảng Trị, gần Trường Sơn. Đỉnh Helène cao hơn, thường bị mây mù
bao phủ sớm chiều, nhất là về mùa mưa, mây che mờ mịt. Còn Barbara thì thấp hơn
một chút, ít mây mù hơn, thuận tiện công việc quan sát đường chuyển quân của cọng
sản quanh mật khu Ba Lòng.
Rút khỏi
Quảng Trị, mấy chiếc Chinook bốc thả Đại Đội 1 và Đại Đội 4 xuống Căn cứ
Babara, với nhiệm vụ là từ cao điểm này tung các Toán Thám Sát của Đại Đội,
thâm nhập vào phía Nam mật khu Ba Lòng để theo dõi, phát hiện sự chuyển, rút
quân của địch, mà hướng dẫn Pháo Binh tác xạ và Khu Trục oanh kích.
Căn cứ nầy trước kia là của Quân Đội Mỹ trú đóng. Họ đã
rút đi, nay chỉ còn lại những công sự ngầm và hàng rào phòng thủ bao quanh
phòng tuyến.
Chiến trường Quảng Trị vẫn còn tiếp diễn. Nhưng có lẽ địch
đã núng thế rồi, không còn hy vọng gì giữ Cổ Thành lâu hơn được nữa. Do đó, các
Toán Thám Sát báo cáo thấy địch rút quân ra nhiều hơn là đưa quân vào tăng cường
cho quân phòng thủ trong Thị Xã. Các Toán Thám Sát nhận lệnh theo dõi và định vị
chính xác đường mòn, căn cứ địch. Từ đó, tôi thông báo về Bộ Chỉ Huy để xin
Pháo Binh, Phi Cơ tiêu diệt, thiêu hủy.
Cổ Thành
Quảng Trị sau trận chiến
Công việc
cứ tuần tự như thế cho đến khi nghe tin Chiến Thắng. Sư Đoàn Thủy Quân Lục chiến
giương cao ngọn Cờ Vàng ba sọc đỏ của Tổ Quốc Việt Nam trên Cổ Thành Quảng Trị.
Hôm ấy là ngày 16 tháng 9 năm 1972 trước kỳ hạn ba tháng của Tổng Thống Nguyễn
Văn Thiệu, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa.
Có một điều,
trong suốt gần ba tháng dài cùng phối hợp chiến đấu bên cạnh các Tiểu Đoàn Dù,
tôi vẫn không hiểu tại sao Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù là một đơn vị tinh nhuệ,
chiến đấu can trường, đã mang lại nhiều chiến công hiển hách, mà gần nhất, điển
hình nhất là An Lộc, nhưng khi đưa vào chiến trường Quảng Trị lại không là một
nỗ lực chính, giao phó riêng một vùng trách nhiệm như hồi Mậu Thân ở Ngã Ba Cây
Quéo, Cây Thị, hay vừa qua tại An Lộc, mà lại xé lẻ, riêng rẽ từng Đại Đội, để
tăng cường cho các Tiểu Đoàn Dù và đặt dưới quyền điều động, sinh sát của họ mà
thôi.
Phải chi
với sở trường đánh địch trong thành phố với chiến thuật du kích, đánh đêm tài
tình, điêu luyện, với tài chỉ huy mưu lược của Đại Tá Phan Văn Huấn, khi tham
chiến tại Quảng Trị mà được hoạt động riêng rẻ chắc chắn Liên Đoàn sẽ lại
tái diễn thêm một kỳ công, chiến tích lẫy lừng, để sớm mang lại chiến thắng,
rút ngắn thời gian tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị mà Sư Đoàn Dù đã đổ máu không
ít.
TQLC cắm
Cờ VNCH trên Cổ Thành, Quảng Trị
Thế là
tàn một cuộc chiến. Lòng tôi vui mừng vì chúng ta đã chiến thắng, nhưng
không khỏi bâng khuâng tự hỏi:
– “Tại
sao Cộng Sản Bắc Việt không ở yên ngoài kia mà đem quân xâm lăng chúng ta, gây
nên hàng vạn, hàng vạn người “Sinh Bắc tử Nam”. Câu hỏi không dễ trả lời, nhưng
có bao nhiêu người khi gây ra một cuộc chiến, nghĩ đến câu: “ Nhất tướng
công thành, vạn cốt khô!”.
Liên Đoàn
81 Biệt Cách Dù trong đó có Đại Đội 4 Biệt Cách Dù do tôi chỉ huy, một lần nữa
đã góp một phần công lao, xương máu, để viết lên thêm một chiến thắng oai hùng,
lừng lẫy trong trang Sử Chiến Tích của Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa, để mãi mãi
lưu truyền cho Hậu Thế.
Lê Đắc Lực
– Tàn Cơn Binh Lửa (12) – Bến Thế – Bình Dương
12)- Bến
Thế – Bình Dương
“Ngưng bắn
da beo”
Hiệp định
Paris có hiệu lực lúc 8 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, chưa đầy nửa năm Việt
cọng vi phạm rất nhiều nơi, ở tất cả 4 Vùng Chiến Thuật.
Đây là cuộc
ngưng bắn lạ kỳ. Ai ở đâu ở đó, không có ranh giới vạch ra bên nầy bên kia để
rút quân lui, thành ra khu vực chiếm lĩnh mỗi bên loang lổ như hình da beo. Người
ta gọi “ngưng bắn da beo” là vậy.
Kiểu
ngưng bắn như thế nầy chỉ làm lợi cho phe nào muốn vi phạm. Phía ta, thì tôn trọng
Hiệp Định đình chiến tuyệt đối, chỉ muốn ở yên cho xong. Đem quân đánh lấn vùng
địch đang tạm chiếm, rất nhiều khi không được khen mà lại còn bị “lãnh củ”, bị
phạt oan uổng, bị phê phán là lòng nhiệt tình đối với Đất Nước, thể hiện không
đúng lúc, không đúng chỗ.
Việt cọng
thì khác. Ngay từ đầu, chúng đã có chủ trương vi phạm hiệp định, mục đích là
giành dân lấn đất, gây khó khăn cho Chính Phủ và Quân Đội VNCH. Trong cái khó
khăn đó, có đơn vị tôi gánh chịu.
Vào ngày
01 tháng 8 năm 1970. Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt giải tán. Trung Tâm Huấn Luyện
Hành Quân Delta và Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù sát nhập lại trở thành Liên
Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, Chỉ Huy Trưởng là Trung Tá Phan Văn Huấn.
Trải qua
nhiều đại đội, tham dự nhiều mặt trận như: Khe Sanh, Ashau, An Lão, Dakto, Bình
Long, trong chức vụ Đại Đội Phó. Cho mãi đến tháng 6 năm 1972, tôi mới được bổ
nhiệm là Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 Biệt Cách Nhảy Dù thay thế Đại Úy Đào Minh
Hùng.
Kể từ đó,
Đại Đội quân hành trên vạn nẽo đường Đất Nước, trước hiểm họa khủng bố, lấn chiếm,
xâm lăng của bọn giặc cọng và Mặt trận Giải phóng Miền Nam, một công cụ của bọn
chúng.
Mùa Xuân
năm 1973, khoảng tháng hai, Đại Đội vừa hành quân truy lùng địch, trong vùng
phía Bắc quận Tân Uyên, thuộc Chiến khu D trở về, đang trong thời gian nghỉ dưỡng
quân, huấn luyện, đồng thời ứng chiến ở Căn Cứ Hành Quân, đóng tại Trung Tâm Huấn
Luyện Quân Khuyển của Quân Đội Hoa Kỳ bỏ lại ở Suối Máu, sát cạnh Phi Trường
Biên Hòa về hướng Tây Bắc, thì được lệnh của Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn
chỉ thị hai Đại Đội 4 và Đại Đội 1 sẵn sàng tham chiến.
Ở Xã Bến
Thế, thuộc quận Tân An, tỉnh Bình Dương, Việt cọng đưa quân chiếm cứ và đóng chốt
tại các vùng ngoại vi của xã đã một tháng nay.
Bình
Dương nằm sát nách Saigon, khoảng 32 cây số, là nơi từ trước đến giờ địch thường
tập trung quân ở các vùng Bến Cát, Rạch Bắp, hay trong rừng Cù Mi, để pháo
kích, tấn công, uy hiếp Tỉnh nầy và các Quận, Xã ngoại ô Tây Bắc Saigon.
Cùng với
ý đồ giành dân lấn đất theo đúng chủ trương của chúng, chúng ngoan cố tấn công,
bám trụ xã Bến Thế nầy. Một Tiểu Đoàn Bộ Binh của Sư Đoàn 5, cố đánh bật chúng
ra mà không được. Bộ Tư lệnh Quân Đoàn III phải điều động Tiểu Đoàn 52 Biệt Động
Quân thay thế, cũng không cải thiện được tình hình. Bây giờ tới phiên hai Đại Đội
Biệt Cách Nhảy Dù chúng tôi.
Bộ Tư lệnh
Quân Đoàn III trình với Bộ Tổng Tham Mưu, yêu cầu đích danh Liên Đoàn 81 Biệt
Cách Nhảy Dù hành quân giải tỏa vùng nầy. Vậy là hai Đại Đội 1 của Đại Úy Nguyễn
Ích Đoan và 4 của tôi nhận lệnh lên đường.
Đoàn xe
GMC chở hai Đại Đội rời Căn cứ Hành Quân ở Suối Máu, hướng về thị xã Bình Dương,
xe chạy vượt quá thị xã trên Quốc Lộ 13 chừng 2 cây số, rẽ vào trái, đi ngang
qua xã Tương Bình Hiệp, tiếp tục khoảng 2 cây số nữa là cuối đường lộ đất thì đến
Chợ Nhỏ, xã Bến Thế.
Đại Đội 4
Biệt Cách Dù tiến quân vào
xã Bến Thế,
Bình Dương
Chợ Nhỏ nằm
chắn ngang ngay ngã ba đường. Giữa ngã ba đường có một quán bán hủ tiếu bình
dân của Ông Chín Hương, đâu sau lưng quán hủ tiếu là “quán cà-phê vợt” của Chị
Ba.
Chợ Nhỏ nằm
dưới cái lõm đáy của ngã ba con lộ. Đã gọi là Chợ Nhỏ thì không lớn bao giờ, chợ
của Xã. Chợ chỉ nhóm họp từ sáng sớm tới 10 giờ trưa. Tại xã Bến Thế có vào khoảng
9, 10 lò đường thủ công, nên mặt hàng buôn bán, trao đổi chính là đường thẻ, đường
cát vàng, ngoài ra là những nhu yếu phẩm và đồ gia dụng.
Từ Chợ Nhỏ,
Bến Thế về hướng Tây-Bắc trên 10 cây số là Rạch Bắp, Bến Cát. Đi tuốt lên nữa
là Dầu Tiếng, những địa danh, nơi chốn mà Việt cọng thường hoạt động và giao
tranh dữ dội với Quân Đội Việt Nam Cọng Hòa.
Bàn giao
tuyến phòng thủ từ một Tiểu Đoàn Bộ Binh của Sư Đoàn 5, đang trấn giữ mặt Bắc
Chợ Nhỏ. Một sĩ quan nói với tôi: “Mục tiêu này khó nuốt lắm đa, Đại Úy! Bọn
chúng cứ ẩn núp trong vườn, ngoài ngõ, chả biết nhiều hay ít, mà hễ tụi này tiến
lên là nó bắn rát quá, nên cứ án binh tại chỗ.”
Tôi không
có ý kiến vì chưa nắm vững tình hình, không nói hay được.
Dàn trải
đại đội thành hàng ngang, kéo dài trên con đường đất nhỏ từ Chợ vào sâu bên
trong các lò đường gần giáp mé con rạch về hướng Tây. Vừa đồng loạt vượt tuyến
phòng thủ, băng qua các thửa ruộng khô, tiến lên hướng Bắc chừng 100 mét, thì bị
bọn chúng quấy rối liền, chúng bắn chóc chóc bằng AK.47, CKC từ khắp các phía.
Hạ Sĩ Chánh khinh binh, bị trúng đạn ở bả vai, không nặng lắm, nhưng phải
tải thương. Tôi ra lệnh án binh, đào hầm, phòng thủ tại chỗ.
Để nắm rõ
địa thế trong hai khu vực trách nhiệm, sáng hôm sau tôi và Đại Úy Đoan xin trực
thăng, bay một vòng quan sát.
Trở về, Đại
Úy Đoan và tôi cùng có chung nhận xét: Địa thế trống trải, cây cối vườn tược
lưa thưa, nhà dân cách nhau khá xa. Tấn công trực diện vào ban ngày hành dễ lộ,
địch có thể phục kích, bắn sẻ. Cách tốt nhứt là áp dụng sở trường đánh đêm. Nói
xong hai tiếng đánh đêm, tôi và Đại Úy Đoan nhìn nhau cùng cười, đắc ý.
Trình kế
hoạch và xin chỉ thị, được Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn chấp thuận. Vậy
là, ngay trong đêm nay, không chần chờ, hai Đại Đội hai cánh quân, phía bên
Tây, phía bên Đông sẽ xuất phát.
Chờ đêm
xuống, tôi đưa bốn Toán Khinh Binh Tiền Sát đi trước, lần từng bước, từng gốc
cây, khu vườn, từng nhà, tiến dần lên hướng Bắc, hướng đi lên Bến Cát, Rạch Bắp.
Các Trung
Đội tiếp bước đằng sau, khoảng cách luôn luôn là 100 mét, không gần quá, dễ bị
động, không xa quá, không phản ứng kịp.
Cứ thế,
hai Đại Đội hai mặt, tiến gần suốt đêm, trên cả cây số mà không thấy động tĩnh
gì, không thấy địch đâu cả. Tôi suy đoán, có thể ban đêm chúng nó tập trung lại,
ban ngày mới bung ra lập chốt.
Gần sáng,
Đại Đội đi qua một bờ đất, sát một thửa ruộng khô, rộng chừng một mẫu, có hai
dãy tre cao bao kín hai bên. Tre trồng theo từng hàng dài, loại tre thân nhỏ,
không phải để làm nhà mà làm cán cuốc, xẻng, cán dao hay gậy gộc, gần giống như
tre tầm vông. Tôi cho lệnh các Trung Đội, tản vào hai bên các dãy tre, bố trí
nghỉ ngơi, sau một đêm thức ròng từ khi trời mới tối đến giờ.
Nhưng, thật
bất ngờ, Trung Sĩ Kờ Phong, Tiểu Đội Trưởng của Trung Đội 2, trong lúc đào hố
phòng thủ phía bên trong hai dãy tre, thì bỗng bị tuột chân vào một cái miệng hố,
trên mặt phủ đầy rơm rạ.
Kinh nghiệm
của một người sắc tộc miền thượng du, và là một Chiến Sĩ Biệt Cách Dù lão luyện,
Trung sĩ Kờ Phong biết ngay đó là một cái cửa hầm. Kờ Phong la lớn: “Hầm Việt cọng,
hầm Việt cọng”. Cùng lúc Kờ Phong trườn ra khỏi hố, chạy tháo lui về phía đồng
đội.
Các Trung
Đội vẫn giữ nguyên vị trí, khu vực đã phòng thủ, riêng Trung Đội 2 được tôi điều
động tiến gần tới mục tiêu. Thiếu Úy Lại Đình Hợi, Trung Đội Trưởng quạt một
tràng đạn XM.16 vào miệng hầm rồi quát to: “Có đứa nào bên dưới, lên ngay không
thì chết!” Xong, anh ném một quả lựu đạn M.26, tiếp theo là mấy trái lựu đạn khói
xuống hầm.
Khoảng chừng
năm mười phút sau, từ dưới hầm có tiếng dội lên:
“Tôi
hàng! Tôi xin hàng” Vậy là có 6 tên Việt cọng lần lượt trèo lên, trong đám khói
màu trắng, đỏ đan quyện vào nhau và lan tỏa dần vào ánh sương mai. Cả 6 tên bị
trói lại và hỏi cung ngay tại chỗ.
Căn hầm nằm
gọn trong hai hàng tre, dài 20 mét, rộng 4 mét. Lục soát, phát hiện 4 xác chết
vì lựu đạn, cạnh đó có kê bốn dãy giường tre, và hai dãy kệ lót bằng phên nứa,
chứa đựng một số ít thuốc men và các y cụ. Đây là một Trạm Xá của bọn chúng.
Bằng với
sự từng trải chiến trường. Tôi ra lệnh cho Trung Úy Mã Thế Kiệt, Đại Đội Phó
cho các Trung Đội bung ra, lục soát dọc theo bên trong hai dãy bụi tre.
Quả
nhiên, chúng tôi phát hiện thêm hai hầm khác kế cận, tiêu diệt thêm 4 tên và bắt
sống 5 tên, tịch thu một số vũ khí, đạn dược bao gồm: AK.47, CKC, Trung Liên nồi,
và vài ba bao gạo, thực phẩm.
Riêng về Biệt Đội 1 do Đại Úy Nguyễn Ích Đoan chỉ huy, trong phạm
vi trách nhiệm, tổ chức phục kích, hạ sát 5 tên giặc cọng giao liên, có lẽ đang
trên đường trở lại căn cứ của chúng về hướng Bắc.
Cuộc hành
quân nầy không chỉ có hai Đại Đội 4 và 1 đảm nhận, mà còn được thêm một lực lượng
nhỏ hợp tác. Đó là Trung Đội Nghĩa Quân do Xã Mộc chỉ huy. Xã Mộc là Xã Trưởng
xã Bến Thế, một chiến sĩ sát cọng dữ dội, rất can đảm và hết lòng với Xã Ấp và
Đồng Bào.
Phối hợp
với Trung Đội Nghĩa Quân gồm hầu hết là dân địa phương, chúng tôi có nhiều điều
lợi: Họ rành rẽ địa thế, đường đi nước bước, nắm vững rành rọt nhà nào theo Việt
cọng, nhà nào không. Trong số họ, cũng có một vài “Hồi chánh viên”. Họ rất
thông thuộc lối đánh và thói quen của địch, nên đã góp nhiều ý kiến hữu dụng
đưa đến thành công này.
Sau khi
chiến lợi phẩm tịch thu, được chuyển lên mặt đất, trong đó có hai ba thùng thuốc
men đủ loại, tôi không khỏi suy nghĩ. Số thuốc nầy phần lớn sản xuất tại
Saigon, một vài thứ là thuốc nhập cảng, không thể giao liên mua mà có nhiều được.
Giao liên chỉ mua được số lượng lẻ tẻ, ít ỏi, mua nhiều sẽ bị lộ.
Vậy thì
thuốc ở đâu mà địch dự trữ ở đây. Ai bán cho địch. Ai đâm sau lưng chúng tôi?
Tôi không tàn nhẫn đến mức độ muốn cho bọn địch bị bệnh hay bị thương mà không
có thuốc, tôi chỉ nghĩ đến những ai đang sống yên ổn ở Saigon, ở các Thành Phố
lớn, vì ham lợi mà bỏ quên những người lính đang xông pha trận chiến hằng ngày
hằng đêm như chúng tôi mà thôi.
Coi như
chỉ trong vòng hai ngày, hai đêm, hai Đại Đội 814 và 811 diệt sạch gọn đám giặc
cọng thổ phỉ đã gây bất an cho xã Bến Thế từ bấy lâu nay. Trên đường rút về Chợ
Nhỏ, đồng bào đổ ra đứng hai bên đường hoan hô và tặng nhiều thứ quà bánh, trái
cây. Ở đây, không có “cô Học Sinh” thướt tha áo dài trắng, choàng vòng hoa lên
cổ, mà chỉ có những “cô Thôn Nữ” áo bà ba vui mừng, vừa đưa tay vẫy chào chúng
tôi, vừa cúi đầu mắc cỡ. Tình Quân Dân như người ta thường nói, thể hiện trong
dân chúng và chúng tôi một cách rõ ràng. Hòa bình rồi, đồng bào muốn yên ổn làm
ăn, không còn muốn súng đạn. Sau những ngày cọng quân lấn đất giành dân,
chúng tôi đã đem lại sự an bình cho mọi người.
Sáng hôm
sau, trong khuôn viên của Trụ Sở xã Bến Thế, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh
Quân Đoàn III, Quân Khu III, với sự tháp tùng của Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Phan
Văn Huấn, đáp Trực Thăng xuống để ban thưởng Huy Chương cho các chiến sĩ Biệt
Cách Dù cùng Xã Trưởng Mộc và Trung Đội Nghĩa Quân. Tôi đứng thế nghiêm, chào
tay, Trung Tướng Tư Lệnh bước tới gần, gắn lên ngực áo tôi tấm huy chương Anh
Dũng Bội Tinh với Nôi Sao Vàng, Trung Tá Vũ Xuân Thông đứng phía sau bên trái
nói: – “Thưa Trung Tướng, Đại Úy Lê Đắc Lực mới trình diện Trung Tướng tuần rồi”.
&
“Quậy
cũng dữ”
Nguyên
nhân và lý do gì mà tôi phải trình diện Trung Tướng Tư Lệnh trong tuần rồi.
Đây là một
câu chuyện vui, khó quên trong đời binh nghiệp của tôi. Đó không phải là sự bốc
đồng hay là nạn kiêu binh, mà chỉ là một hành động phản kháng trực diện chính
đáng trước sự hống hách, lạm quyền quá đáng của các lực lượng thi hành kỷ luật
Quân Đội.
Sau khi
hành quân từ Chiến Khu D trở về, trong thời gian nghỉ dưỡng quân tại Căn cứ
Hành Quân Suối Máu. Trong một một buổi chiều tối, tôi lái xe Jeep chở Biệt Đội
Phó Mã Thế Kiệt, vài Sĩ Quan Trung Đội Trưởng và một số Binh Sĩ thuộc hạ, ra
Quán Hương Giang ở thành phố Biên Hòa kiếm cái gì nhậu chơi.
Trước Rạp
Ciné Biên Hùng, có một con đường dẫn ra ngã ba đường Dốc Sỏi, bên kia đường, ở
góc trái là “quán nhậu Hương Giang”.
Chúng tôi
vào khoảng 10 người, đang quây quần chung quanh một chiếc bàn tròn lớn, nằm bên
ngoài hàng hiên của quán. Rượu ngâm bao tử nhím, đổ vào một chiếc nón sắt, thế
rồi cứ thay phiên nhau bưng lên mà uống, mồi thì đã có thịt heo rừng xào lăn, vừa
ăn vừa nhậu, vừa trò chuyện, cười đùa râm ran, vui vẻ.
Về khuya,
quán vắng, chỉ còn lại bàn nhậu chúng tôi vẫn tiếp tục “chiến đấu”, trên bàn,
rượu thì còn mà mồi đã hết. Có ai đó đó tự dưng đề nghị tôi: “Đại Úy, trổ tài
thiện xạ cao bồi Tếc xác đi, Đại Úy”.
Hồi ấy,
tôi thường mang ở hông phải một khẩu P. 38 ngắn nòng, bên trái một cây dao găm
Thái Lan, lưỡi dài gần ba tấc, cán ngà, chạm trổ đầu con báo khá đẹp. Với súng
P.38, tôi bắn trúng mục tiêu, không thua tài tử “John Way”, như anh em trong Biệt
Đội thường nói đùa.
Hứng chí,
tôi gọi chị Hằng, chủ nhân Quán Hương Giang người Xứ Huế cùng quê với tôi, đề
nghị:
– “Chị
ngó lên Thực Đơn treo trên đó, tôi sẽ bắn, trúng vào món nào, chị cho bưng ra
món đó nghe hỉ.”
Chị chủ
Quán cười khẽ, gật gật đầu nói: “Đại Úy cứ trổ tài đi, hễ trúng món nào là sẽ dọn
ra ngay cho Đại Úy mà”.
Vậy là
tôi rút súng ra, đưa lên cao, hướng về “Bảng Thực Đơn” treo trên tường cuối góc
phòng, nổ một phát, đạn ghim trúng vào ở dưới hàng chữ: “Gỏi tôm ngó sen chua
ngọt”.
Mấy Sĩ
Quan và Binh sĩ người vỗ tay, người vỗ bàn hoan hô ầm ĩ, rồi tất cả cùng nâng
nón sắt rượu đứng lên hô to:
“Dô, Dô,
Dô, Dô …”
Không ngờ,
lúc ấy một xe Jeep Quân Cảnh tuần tra đi ngang, nghe súng nổ, họ dừng xe lại,
đi vào quán, đến gần bàn nhậu chúng tôi, hỏi giọng
có vẻ trịch thượng:
– “Ai vừa
mới nổ súng ở đây? Người nào bắn đứng lên!”
Tôi vẫn
ngồi yên tại chỗ, trả lời:
– “Tôi”.
Một Quân
Cảnh khác quay nhìn tôi, nói:
-“Cho tôi
xem giấy tờ”.
Tôi không
trả lời. Anh ta yêu cầu lần thứ hai. Tôi vẫn im lặng. Mấy Binh Sĩ có vẻ hơi khó
chịu nên xẵng giọng:
-“Chúng tôi đang nhậu với mấy Ông Thầy. Các
ông đi chỗ khác chơi”.
Thay vì
thông cảm, Toán Quân Cảnh ra xe, báo cáo về Quân Trấn. Và chỉ khoảng 15 phút
sau một xe Dogde chở một Toán phối hợp tuần tra Biệt Động Quân tới. Họ đứng án
ngữ trước đường.
Thấy mất
vui, cụt hứng, chúng tôi cầm súng đứng dậy, đi thẳng ra xe, cùng leo hết lên, nổ
máy chạy thẳng xuống bờ sông, vòng ngược lên Khu Phố Chợ, đến một quán Cà Phê
thì dừng lại, vào quán, kêu cà phê uống. Hai xe Quân Cảnh và Toán Biệt Động
Quân tuần tra phối hợp vẫn bám riết sau lưng. Họ cũng dừng lại, vây hai đầu ngõ
đường. Trung Sĩ Khưu Công Qúi tức mình nói:
-“Đám này
bố láo, đã bỏ đi rồi mà vẫn còn đuổi theo. Để em lo tụi nó cho.”
Nói xong,
Trung Sĩ Qúi ra xe, lấy quả mìn Claymore gắn vào ngực, tay cầm con cóc mìn, bước
từng bước đi tới trước, xe Jeep chất đầy chúng tôi theo sau. Toán Quân Cảnh
đang bao vây trước mặt, thấy thế vội dãn ra hai bên lề đường, Trung sĩ Qúi nhảy
vội lên xe, tôi nhấn ga chạy thẳng một lèo để về lại Căn Cứ Suối Máu.
Xe đang
chạy ngon trớn, vừa qua khỏi Bệnh Viện Tâm Thần, xã Tân Tiến, bỗng dưng vỏ xe đằng
sau bên phải bị bể. Tôi tấp xe ngừng lại trên một vạt cỏ, ở bên trái con đường,
mấy đồng đội của tôi, tất cả “xỉn” ngay tại chỗ, không còn biết trời trăng gì nữa.
Xe Tuần
tra chở toàn bộ chúng tôi về Đồn Quân Cảnh. Họ mang nhốt các anh em Binh Sĩ,
còn các Sĩ Quan được đưa vào nằm bên trong phòng trực. Riêng tôi, làm như có vẻ
tỉnh táo, tự mình đi vào phòng Trung Úy Minh, Trưởng Đồn Quân Cảnh, cất giọng xẵng
xái hỏi: “Trưởng Đồn đâu? Trưởng Đồn đâu?”
Xong nhìn
sang trái, thấy có cái giường trải nệm trắng tinh, đặt đằng sau chiếc bàn làm
việc, tôi nằm ngay xuống, nôn tháo ra giường, rồi ngủ thiếp đi, mãi tới lúc Thiếu
Tá Biệt Cách Dù Phạm Châu Tài, đến đánh thức để đưa tôi và các Sĩ Quan về lại
Căn cứ Hành Quân.
Sáng hôm
sau, thức dậy, tôi không nhớ gì về câu chuyện xảy ra tối hôm qua cả, cứ tưởng
là vừa trải qua một cơn mộng mị, thế thôi.
Thượng Sĩ
Nguyễn Duy Hùng, Thường Vụ bước vào, báo cho tôi biết Đại Tá Chỉ Huy Trưởng vừa
gọi máy kêu Đại Úy lên trình diện. Nhìn xuống người mình, thấy hơi “ẹ” cho tôi,
quần áo xốc xếch, lôi thôi, dơ dáy… Tôi tỉnh hẳn, vội tắm rửa qua loa, thay bộ
hoa bèo thẳng nếp để đi trình diện “Xếp”.
Đại Tá Chỉ
Huy Trưởng Phan Văn Huấn gặp tôi, nghiêm mặt nói:
– “Tối
qua quậy dữ! Gây náo động cả Quân Trấn. Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn kêu dẫn
chú qua trình diện”.
Đứng chờ
ngoài phòng Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn III cũng khá lâu. Tôi được Thiếu Tá
Sĩ Quan tùy viên mở cửa gọi tôi vào.
Trung Tướng
đang ngồi đằng sau cái bàn rộng, bóng loáng, có để một lá cờ Tướng, nền màu đỏ,
viền ren màu vàng và thêu nổi ba ngôi sao cũng màu vàng, một bảng tên khắc
Trung Tướng Nguyễn Văn Minh bằng sơn mài, sáng và đẹp.
Tôi bước
đến trước mặt bàn, đứng nghiêm, chào tay, nói lớn:
-“Đại Úy
Lê Đắc Lực, số quân 65.205…, trình diện Trung Tướng, chờ lệnh”.
Ông Tướng
quay ghế, nhìn thẳng mặt tôi, dõng dạc:
– “Kiêu
binh! Đại Úy làm náo loạn cả thành phố Biên Hòa tối hôm qua, có biết
không?”
Tôi khẽ
cúi thấp đầu như là chấp nhận, nhưng vẫn trong tư thế nghiêm, không nhúc nhích,
trong lòng lo lắng, nắm chắc 10 ngày trong cấm là chí ít, một dòng mồ hôi từ
trên vai chảy dài xuống sau thắt lưng.
Bỗng, tiếng
chuông điện thoại trong phòng Trung Tướng reo lên, Ông Tướng vừa nhắc điện thoại
lên vừa nói: “Đại Úy trở về lại đơn vị đi, tôi sẽ có biện pháp cho Đại Úy sau”.
Nhưng rồi,
không có gì hết. Mấy ngày sau, Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn ra lệnh cho
tôi chuẩn bị Đại Đội, ngày mai lên đường, giải tỏa áp lực địch tại xã Bến Thế,
quận Tân An, tỉnh Bình Dương. Tôi tự hỏi, có phải đây là lệnh phạt, đẩy đi hành
quân, lập công chuộc tội, cho cái tội “quậy”, hay lại “gặp nhau” để tuyên dương
công trạng trước Quân Đoàn bằng tấm huy chương “Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao
Vàng?”
&
Những
ngày Đại Đội ở lại gìn giữ an ninh, từ các khu vực xã Bến Thế, đến xã Tương
Bình Hiệp. Thỉnh thoảng, tôi thường cùng Xã Mộc uống cà phê, ăn sáng với nhau tại
Quán Chị Ba.
Cứ hai ba
Tuần Lễ, Xã Mộc lại mời Đại Úy Đoan, tôi và một số Sĩ Quan, Binh Sĩ, nhậu một
chầu hết sẩy với các đặc sản đồng quê cùng rượu mía.
Về sau
này, trong những lúc nghỉ dưỡng quân, rảnh rỗi, tôi từ Hậu cứ Liên Đoàn, lái xe
lên Bến Thế thăm và ăn nhậu chơi với Xã Mộc. Xã Mộc có dịp cũng chạy xe Honda về
Biên Hòa, hay Hậu cứ đi nhậu với chúng tôi, “đồng thanh tương ứng, đồng khí
tương cầu” mà.
Sau khi Đất
Nước lọt vào tay giặc cọng. Đi “tù cải tạo” trở về, nhớ Xã Mộc, tôi lên Bến Thế
tìm thăm, nhưng anh không còn nữa.
Tìm hiểu
được biết, Việt cọng và bọn du kích địa phương bắt Xã Mộc, đem ra xử trước cái
gọi là “tòa án nhân dân”, xong tuyên án tử hình, đem Xã Mộc ra chôn sống giữa
Chợ, chỉ chừa cái đầu, rồi cho xe máy cày chạy qua, cán đứt đầu Xã Mộc.
Một số
dân lành nơi đây thương kính Xã Mộc, lợi dụng đêm tối, đến đào xác mang đi
chôn cất ở một nơi nào đó, không ai biết được.
Với tôi,
Xã Mộc vẫn mãi mãi tồn tại trong ký ức.
***
No comments:
Post a Comment