Friday, July 18, 2014

VÌ SAO BẮC KINH RÚT GIÀN KHOAN VÀO THỜI ĐIỂM NÀY?


Thụy My - Sau hai tháng hiện diện đầy sóng gió, hôm nay 16/07/2014 Trung Quốc đã cho rút giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông, đưa về khu vực đảo Hải Nam. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm, nhưng cũng có nhiều ý kiến lo âu về khả năng chế độ bành trướng Bắc Kinh, với tham vọng không hề giấu diếm, sẽ quay trở lại với những chiêu trò mới.
Vì sao Trung Quốc lại rút giàn khoan vào thời điểm này, sớm một tháng so với tuyên bố trước đây là sẽ hoạt động đến ngày 15/8 ? Chúng tôi đã đặt vấn đề này với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon.

RFI: Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Anh nhận xét như thế nào về sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông ? Theo anh, Bắc Kinh đã đạt được những mục đích của họ hay chưa ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Trung Quốc có nhiều mục tiêu và kỳ vọng trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Ít nhất là họ gây áp lực với Hà Nội về những mục tiêu chính trị. Thứ hai là gây áp lực về giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Họ muốn chiếm lợi thế nhiều hơn nữa trong tương lai, chứ không chỉ xuất siêu 23 đến 24 tỉ đô la một năm. Thứ ba, họ đặt vấn đề về thăm dò, chào thầu dầu khí trên Biển Đông, thậm chí có thể lấn sang cả vùng lãnh hải của Việt Nam.
Thứ tư là về quốc tế : mục tiêu của Trung Quốc là thử phản ứng của người Mỹ và phương Tây, kể cả của người Úc đối với vấn đề này. Nếu phương Tây chấp nhận hình ảnh Trung Quốc đương nhiên ngự trị ở Biển Đông, thì lúc đó Trung Quốc sẽ đi tiếp những bước nữa, thực hiện chiến lược dài hơi là xâm lấn xuống khu vực biển phía Nam và có thể làm cho cả người Úc thiệt thòi.

Đó là khá nhiều mục tiêu của Trung Quốc, chưa kể họ giải quyết vấn đề nội bộ. Từ năm 2011, cứ khi nào « nội Hán », trong lòng Trung Quốc xảy ra những xáo động về xã hội và chính trị bất lợi, thì Bắc Kinh lại hướng dư luận của người Trung Quốc ra Biển Đông.
Tuy vậy, việc giàn khoan Hải Dương 981 rút trước thời hạn 15/08/2014 một tháng, cùng với việc Trung Quốc bất ngờ thả 13 ngư dân Việt Nam, cho thấy một sự thay đổi về cách tính toán, cách nhìn và chiến thuật của Trung Quốc. Nhưng có lẽ nguyên do sâu xa khiến Trung Quốc thay đổi như vậy không phải là do tác động từ phía chính quyền Hà Nội, vì trong thực tế thì Hà Nội đã gần như không tạo ra được một áp lực gì.
Ngay cả lời đề nghị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc đàm phán về vấn đề Biển Đông cũng bị ông Tập Cận Bình từ chối. Quốc hội Việt Nam trong suốt một tháng trời ròng rã họp vào giữa năm nay cũng đã không ra nổi một bản nghị quyết về Biển Đông. Và cũng chưa từng có một động thái gì về phía cơ quan ngoại giao hoặc quốc phòng của Việt Nam để đòi người và tạo ra những ảnh hưởng, tác động quân sự đủ mạnh, để Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 hay ít nhất cũng hạn chế sự xuất hiện của tàu bè và máy bay quân sự ở khu vực Biển Đông.
Như vậy lý do còn lại chỉ là áp lực của quốc tế.

RFI: Anh có thể nói rõ hơn về tác động quốc tế ?
Áp lực quốc tế tôi cho là càng ngày càng lớn dần. Và sự xuất hiện của giàn khoan Hải Dương 981 cũng như một số giàn khoan khác của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đã làm cho người Mỹ khá bất ngờ. Có lẽ trước đây họ không nghĩ rằng Trung Quốc lại trở nên một vật cản lớn đến thế đối với chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của nước Mỹ.
Nếu Trung Quốc trở thành một vật cản đủ lớn cho chiến lược xoay trục của Mỹ có thể sẽ thất bại, hoặc ít ra cũng đang gặp những tiền đề cho sự thất bại, về an toàn, an ninh hàng hải của Mỹ tại Biển Đông. Bên cạnh đó còn có thể ảnh hưởng tới dự án kinh đào Kra cắt ngang Malaysia vào năm 2020, và ảnh hưởng đến hàng loạt quốc gia ở khu vực Đông Á như Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Malaysia và cả Úc nữa.
Vấn đề này ảnh hưởng tới khu vực Đông Á nói riêng và quốc tế nói chung. Từ khi giàn khoan Hải Dương 981 xuất hiện tại Biển Đông, các nước trong khu vực đã tự động liên kết, xích lại gần nhau, tạo ra một « liên minh quân sự » dù chưa chính thức.
Cuối tháng Tư, khi Tổng thống Barack Obama đặt chân đến Manila, thì giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Philippines đã hình thành ngay một Hiệp ước tương trợ quốc phòng. Đó là điều mà tôi cho là chính giới Hà Nội đặc biệt đang thèm muốn chuyện này nhưng chưa có được !
Khi đã có Hiệp ước tương trợ quốc phòng, Philippines tiếp tục kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, tiếp tục bắt giữ các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải của mình. Cũng giống như Hàn Quốc đã từng bắt giữ tới năm trăm tàu cá của ngư dân Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. Đó là những phản ứng của quốc tế.
Và vừa rồi vào tháng 6/2014, lần đầu tiên trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Barack Obama khi nói chuyện tại trường võ bị lớn nhất của nước Mỹ là West Point, đã đề cập tới khả năng Mỹ điều động binh lực tới khu vực Biển Đông. Hàm ý là Hạm đội 7 có thể hỗ trợ các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, và có thể cả Việt Nam nữa.
Vừa qua Thượng viện Mỹ cũng lần đầu thông qua bản nghị quyết số hiệu 412 về vấn đề xung đột Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc trở về nguyên trạng thời điểm trước tháng 5/2014. Đây chính là thời điểm mà Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông.
Như vậy là đã có hàng loạt áp lực của quốc tế đối với Trung Quốc. Và ngay đầu tuần này đã diễn ra cuộc viếng thăm Hà Nội của một viên cố vấn đặc biệt Tổng thống Mỹ là ông Evan Medeiros. Điểm nhấn trong cuộc gặp này mặc dù chưa được tiết lộ một cách chính thức, nhưng đã đề cập tới một số vấn đề như nâng tầm quan hệ về quốc phòng giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ.
Và nếu không có gì thay đổi, mọi chuyện diễn ra thuận lợi, có thể tháng 9 này ông Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có chuyến làm việc tại Việt Nam. Sau đó có thể sẽ hướng đến một sự tương trợ - tuy chưa nâng thành mức hiệp ước, nhưng có thể là tương trợ ở một tầm mức nào đó của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Trước mắt là quan hệ giao lưu giữa Hạm đội 7 và Hải quân Việt Nam.
Đó là những điều mà phía Trung Quốc không thể ngờ tới. Việc họ phải rút giàn khoan, vì thấy bất lợi đối với họ. Họ đã làm cho phản ứng của phía Việt Nam lớn hơn những gì mà họ chờ đợi. Thậm chí cả những người như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải thay đổi giọng nói.
Trước đây ông Nguyễn Phú Trọng luôn đề cập tới « 16 chữ vàng, 4 tốt » và quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, luôn khuyên cấp dưới cần phải kiên định giữ vững lập trường hòa hiếu với « bạn tốt » Trung Quốc, nhưng gần đây ông đã phải nói tới việc chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Có thể ngầm hiểu « tình huống xấu nhất » ở đây, không loại trừ đó là tình huống chiến tranh.
Những phản ứng quốc tế, theo tôi đó là lý do sâu xa làm cho Trung Quốc phải thay đổi thái độ, kể cả thay đổi hành động trong thời gian vừa qua.

RFI: Thưa anh như vậy mặc dù Hồng Lỗi tuyên bố không nên xem đây là một động thái rút lui, nhưng có lẽ trận bão Rammasun sắp thổi tới chỉ là cái cớ ?
Bão Rammasun cấp 12, 13 thật ra không phải là quá lớn. Theo bản thiết kế đầu tiên, giàn khoan Hải Dương 981 cũng như những giàn khoan tương đương có thể chịu được siêu bão cấp 15, 16. Như vậy đây chỉ là cái cớ mà Trung Quốc đưa ra để giữ thể diện khi họ rút giàn khoan. Vì duy trì giàn khoan này ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông đã không còn hiệu quả như mong muốn của họ nữa.
Họ gây ra những phản ứng về mặt xã hội đối với người Việt Nam, gây ra những phản ứng quốc tế, và đặc biệt phải tính đến vấn đề chi phí của giàn khoan.
Một chuyên gia Singapore đã tính toán, Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc mỗi ngày đã phải chi ra khoảng 328.000 đô la chỉ để duy trì sự tồn tại của giàn khoan Hải Dương 981, chưa nói tới việc hoạt động. Còn nếu tính luôn cả gần 100 tàu chiến, tàu kiểm ngư, tàu hỗ trợ quân sự của Trung Quốc thường xuyên lởn vởn xung quanh giàn khoan này, thì con số chi phí mỗi ngày có thể lên tới hàng triệu đô la ! Như vậy mỗi tháng Trung Quốc phải chi tới khoảng 30 triệu đô la cho cụm giàn khoan Hải Dương 981.
Đối với một đất nước Trung Quốc, dù có nền kinh tế được coi là đứng thứ nhì thế giới, nhưng giới quan sát phương Tây vẫn phân tích rằng Trung Quốc thực sự ra chỉ là một « nước giàu, dân nghèo » mà thôi. Thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ ở mức trung bình thấp, chứ chưa thể so sánh được với Nhật Bản, Hàn Quốc…Thành thử bất lợi của Trung Quốc vừa qua đã thấy rõ, và đó là lý do mà Bắc Kinh phải rút giàn khoan trước thời hạn một tháng.

RFI: Bên cạnh đó, việc duy trì giàn khoan và hàng loạt tàu bảo vệ cũng có nguy cơ gây leo thang xung đột bất ngờ ?
Hoàn toàn có khả năng gây leo thang chiến tranh, trong trường hợp một sự cố xảy ra trên biển chẳng hạn. Chiến lược của cả hai bên là không hành động trước, hoặc không dùng tới vũ khí. Nhưng trong những va chạm thì không ai có thể biết trước được việc gì. Và nếu một trong hai bên nổ súng trước, không biết chuyện gì có thể xảy ra !
Tôi nhớ vào năm 1982 tại quần đảo Islas Malvinas ở châu Mỹ, cuộc chiến giữa Anh và Achentina đã xảy ra cũng vì những lý do được coi là nhỏ nhặt. Một trong hai bên nổ súng trước, dẫn tới một cuộc chiến tranh kéo dài khoảng hai tháng trời. Cuộc chiến tranh tiềm ẩn trong tương lai giữa Trung Quốc và Việt Nam trên biển cũng có thể xảy ra từ những lý do như vậy.

RFI: Giàn khoan Trung Quốc có lẽ cũng là sự kiện mà người Việt trong và ngoài nước đều hết sức chú ý…
Có lẽ Bộ Chính trị của Trung Quốc đã quá chủ quan trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam. Họ không tính trước được phản ứng về mặt xã hội của người Việt. Họ chỉ tính được phản ứng của chính quyền Việt Nam. Và tôi nghĩ rằng có thể họ đã âm thầm nắm được, không chỉ phản ứng mà cả hành vi của một số giới chức trong chính quyền Việt Nam trước sự kiện Hải Dương 981 nói riêng và sự xâm lấn nói chung của Trung Quốc.
Nhưng họ lại không tính được phản ứng của xã hội Việt Nam, mà biểu trưng là hàng loạt cuộc biểu tình ở Hà Nội, Saigon, sau đó lan sang Đồng Nai, Bình Dương và cả Vũng Áng (Hà Tĩnh). Điều đó cho thấy người dân Việt Nam vẫn luôn luôn nung nấu một quá khứ ngàn năm bị Bắc thuộc, và họ không chấp nhận Bắc thuộc thêm một lần nữa ! Họ luôn sợ hãi việc Trung Quốc có thể xâm lấn Việt Nam, gây ra tất cả những khổ nạn cho người Việt. Chính vì vậy đã liên tục diễn ra những làn sóng phản kháng của người Việt Nam.
Cho đến nay, theo một cuộc thăm dò của hãng BBC World Service, có đến hơn 80% - chính xác là 84% người Việt Nam không thiện cảm với Trung Quốc. Nói cách khác, tôi cho là khá nhiều trong số 84% đó ghét Trung Quốc, và qua sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 thì họ càng mang mối hằn thù. Điều đó hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc.
Còn về quốc tế, Trung Quốc cũng gặp rất nhiều bất lợi về mặt tâm lý xã hội. Chẳng hạn cũng theo kết quả khảo sát của BBC, ở Hàn Quốc chỉ có 32% là có cái nhìn tích cực đối với Trung Quốc, trong khi 56% mang tư tưởng ngược lại. Ở Nhật Bản, tỉ lệ ủng hộ Trung Quốc xuống tới mức thấp kỷ lục là chỉ có 3% !
Trên toàn châu Á, số người coi Bắc Kinh là nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực lên tới 73%. Ngay ở những nước phát triển như Anh, tỉ lệ nhìn Trung Quốc một cách tiêu cực cũng lên tới 49%, ở Úc 47%. Và đặc biệt ở Đức chỉ có 10% người dân Đức nhìn Trung Quốc với cặp mắt tích cực, trong khi đến 76% người Đức ghét cay ghét đắng Trung Quốc. Đó chính là những bất lợi rất lớn, làm cho Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia bị thiếu thiện cảm nhất trong thời buổi hiện nay trên thế giới.
Đấy là về mặt xã hội. Còn về mặt kinh tế, Trung Quốc cũng gặp những bất lợi nhất định. Mỗi năm Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc từ 23 đển 24 tỉ đô la. Dù con số này chỉ chiếm khoảng 1/20 trên tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc mà thôi, nhưng cũng sẽ trở nên đáng kể nếu như chiến tranh nổ ra khiến giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc bị ngưng lại hoàn toàn. Không chỉ Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 10% GDP, mà Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt từ 15 đến 18 tỉ đô la một năm.
Chuyện thứ hai là hoạt động đấu thầu – và luôn luôn thắng thầu, thắng tới 90% các vụ đấu thầu, đặc biệt trong xây dựng, nhiệt điện của Trung Quốc – sẽ hoàn toàn phá sản.
Thứ ba, các đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Việt Nam. Tuy rằng chưa phải là lớn so với các nước khác, mới chỉ giá trị khoảng 5 tỉ đô la mà thôi, nhưng sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc - đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất gia công ngay tại Việt Nam để bán hàng Trung Quốc cho Việt Nam.
Thứ tư nữa là một tháng rưỡi vừa qua, chính Bộ Công thương Việt Nam đã công bố rằng tỉ lệ người Việt dùng hàng Việt tăng hẳn lên so với tỉ lệ người Việt dùng hàng Trung Quốc – khá nhiều trước đây. Có nghĩa là tất cả những hàng hóa mang nhãn mác Trung Quốc, nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên khó bán. Có thể chứng kiến điều đó, chuyện thường ngày tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ cũng như tại các siêu thị.
Tâm lý người Việt ngán ngại dùng hàng Trung Quốc, các nhà nhập khẩu ngán ngại nhập khẩu hàng Trung Quốc bây giờ đang trở nên phổ biến. Chưa kể tới một tinh thần dân tộc « không sử dụng hàng Trung Quốc » cũng đang dần lan tỏa hơn. Đó là những thất lợi của Trung Quốc về mặt xã hội và kinh tế.

RFI: Và hình như chính quyền Bắc Kinh cũng quên tính đến một điều là qua sự kiện chấn động vừa rồi, những người thân Trung Quốc bây giờ không dám lớn tiếng như trước ?
Có một luồng dư luận sau khi xảy ra vụ Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng, cho rằng lực lượng thân Trung Quốc ở Việt Nam như vậy là quá đông, có thể dẫn tới chi phối hoàn toàn chính quyền ! Điều đó cũng đáng ngại thật, nếu nhìn vào hiện tượng ở Bình Dương, Đồng Nai.
Nhưng mà sau đó, khi Trung Quốc phải đột ngột thay đổi một số động thái như gần đây – thả ngư dân Việt Nam và rút giàn khoan Hải Dương 981, cũng như tạm ngưng một số hoạt động xâm lăng gây hấn đối với Việt Nam – có lẽ chúng ta cần nhìn lại vấn đề rằng: mọi chuyện chưa đến nỗi tuyệt vọng đối với dân tộc Việt Nam !
Rằng lực lượng thân Trung Quốc – những người thân Trung Quốc và những người thậm chí được gọi là tay sai của Trung Quốc - chưa quá lớn để có thể lũng đoạn được toàn bộ nền chính trị cũng như nền kinh tế và các vấn đề xã hội ở Việt Nam.
Ngược lại, sự lộ diện khá sớm của những người này thông qua những vụ bạo động ở Bình Dương, Đồng Nai ; về nguyên tắc hoạt động ngầm thì tất cả những người đã bị lộ mặt đều không còn giá trị sử dụng, và sẽ đặt Trung Quốc vào một tình thế là phải xem lại chiến thuật cài người vào Việt Nam trong thời gian tới.

RFI: Như vậy theo anh việc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một thất bại của Trung Quốc. Nhưng theo nhận xét của nhiều người, không chỉ giàn khoan Hải Dương này, mà Bắc Kinh sẽ còn đưa nhiều giàn khoan đến vùng biển Việt Nam, có những hành động khiêu khích quyết liệt hơn ?
Sau sự kiện rút giàn khoan Hải Dương 981 trước thời hạn một tháng, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không mạo hiểm đưa nhiều giàn khoan vào khu vực Biển Đông nữa. Tại vì điều đó kém hiệu quả về một số mặt như chúng ta đã phân tích.
Thay vào đó, họ thay đổi chiến thuật. Họ chuyển từ chiến thuật đưa giàn khoan vào khiêu khích ở Biển Đông bằng chiến thuật, theo tôi là có thể bắt người. Chiến thuật bắt người đã được Trung Quốc sử dụng rất phổ biến từ 2002 đến nay.
Mặc dù tới nay chưa có một thông tin đầy đủ, chính xác nào của các cơ quan Việt Nam về việc ngư dân Việt và thường dân Việt bị xâm hại, bắt giữ bởi Trung Quốc, nhưng gần đây rất đáng sửng sốt là thông tin này lại được đưa ra bởi một người mang hai quốc tịch là ông André Menras, có tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết.
Ông đã có một thống kê riêng, là từ năm 2002 đến nay đã có tới 2.000 ngư dân Việt Nam trở thành nạn nhân của Trung Quốc. Trong đó đến 30 ngư dân bị chết, 500 ngư dân bị bắt giữ và gần 150 tàu thuyền của Việt Nam bị đánh chìm. Đó là những con số mà các cơ quan Việt Nam chưa bao giờ công bố một cách đầy đủ.
Đây là chiến thuật nằm lòng của Trung Quốc, những tiền lệ trong quá khứ để tạo ra những tiền lệ trong hiện tại và tương lai. Tôi còn cho rằng trong thời gian tới, Trung Quốc không chỉ bẳt người trên biển mà còn trên đất liền. Việt Nam phải hết sức cẩn thận, tỉnh táo và kiên quyết đối phó, trong trường hợp ngư dân bị bắt.
Vừa rồi 13 ngư dân ở Quảng Bình và Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ khi họ đang đánh cá - được coi là trên vùng lãnh hải Việt Nam, mà loanh quanh một thời gian các cơ quan Việt Nam vẫn chỉ đi xác định tọa độ mà thôi, không có một động thái kiên quyết nào cả.
Họ chỉ biết khuyên dân là cứ mưu sinh, bám biển đi, nhưng cuối cùng không ai bảo vệ họ. Chính những người có trách nhiệm bên Kiểm ngư cũng đã trả lời là « chúng tôi không đủ lực lượng để theo dân ». Nếu không phải là Kiểm ngư theo dân thì lực lượng Hải quân của Việt Nam ở đâu ? Bộ Quốc phòng cũng im tiếng. Và cứ diễn ra tình trạng tái đi tái lại là ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ.
Nếu Trung Quốc bắt mà không thả thì sẽ như thế nào ? Đó là điều mà Việt Nam phải tính tới ! Và đó sẽ là những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong tương lai – tôi cho là tương lai gần, đối với Việt Nam. Họ có thể bắt người làm con tin để gây áp lực, đổi chác lấy những việc khác.

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon, đã nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.

No comments:

Post a Comment