Wednesday, January 31, 2018

NHÂN TƯỚNG VÀ THẦN TƯỚNG: NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA MỘT SỐ NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC CỤ NGÔ HÙNG DIỄN XEM TƯỚNG


GIỚI THIỆU
Để mở đầu thư, tôi xin phép được kể lại một vài mẩu chuyện khá kỳ lạ mà tôi thấy không sao giải thích được.
Hôm 29 tháng 7, 1981, tôi và nhà tôi làm một bữa tiệc nho nhỏ, mời bạn bè đến uống rượu chơi cho vui. Tình cờ hôm ấy lại đúng vào ngày diễn ra cuộc hôn lễ giữa công nương Diana và thái tử Charles của hoàng gia Anh. Đám cưới vương giả này được cử hành với đầy đủ nghi thức cổ truyền hết sức long trọng, và được hơn 750 triệu người trên khắp thế giới theo dõi qua các đài truyền hình quốc tế.
Chúng tôi cũng rủ bạn bè ra bật TV lên coi. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi khi thấy đôi uyên ương Charles và Diana ngồi trên chiếc xe tứ mã lộng lẫy, với đoàn lính hầu cưỡi ngựa đi hộ vệ. Ai cũng háo hức muốn coi mặt vị vua và hoàng hậu tương lai của nước Anh, và người coi kỹ nhất là anh Trần Quang Quyến, một trong những khách mời của chúng tôi hôm ấy.
Coi xong, anh có vẻ đăm chiêu suy nghĩ, rồi nói một câu khiến cả bọn chúng tôi đều ngỡ ngàng, sửng sốt:
- Cô này không có tướng hoàng hậu cho nên sẽ không bao giờ lên ngôi hoàng hậu được đâu!
Tôi vốn không tin tướng số nên chỉ mỉm cười hoài nghi, nhưng nhà tôi thì hỏi lại ngay:
- Anh nói gì lạ thế? Nữ hoàng Elizabeth hiện giờ đã lớn tuổi, chỉ vài năm nữa là bà sẽ truyền ngôi lại cho thái tử Charles, thì đương nhiên Diana sẽ là hoàng hậu chứ còn ai vào đó nữa?
Nhưng anh Quyến vẫn trầm ngâm đáp lại:
- Tôi không thể đi vào chi tiết ngay bây giờ được, nhưng chị cứ để ý chiêm nghiệm xem tôi nói có đúng không.
Bây giờ thì cuộc tình “như chuyện thần tiên” của Charles-Diana đổ vỡ như thế nào, và cuộc đời huy hoàng nhưng ngắn ngủi của công nương Diana ra sao, mọi người đều đã biết rõ, nhưng tôi vẫn còn kinh ngạc về lời tiên đoán quả quyết hôm ấy của anh Trần Quang Quyến.
Những ai yêu nhạc Lê Uyên Phương chắc còn nhớ là sau ngày 30 tháng tư 1975, cặp vợ chồng nghệ sĩ này đã bị kẹt lại ở VN hơn 3 năm rồi mới xuống thuyền vượt biển sang được đến Mỹ. Chuyến vượt biển của họ đầy gian nguy khổ cực. Thuyền bị bão đánh tơi tả, hết gạo, hết nước, mọi người nằm thoi thóp chờ chết. Cuối cùng thì họ cũng được cứu thoát và đến được bến bờ tự do, nhưng với hai bàn tay trắng.
Được biết về hoàn cảnh khó khăn của họ lúc ấy, vợ chồng tôi đã mời họ sang chơi và tổ chức một buổi trình diễn gây quỹ cho đôi song ca này, ngay tại tư gia, với khoảng hơn 100 bạn bè tới dự. Buổi trình diễn đầu tiên ấy của Lê Uyên Phương ở vùng Hoa Thịnh Đốn đã hết sức thành công, cả về phương diện nghệ thuật lẫn tài chánh. Mọi người tới dự đều rất hân hoan, và riêng Lê Uyên Phương thì đặc biệt phấn khởi vì cảm tình nồng hậu mà khán thính giả dành cho họ. Cô Lê Uyên thấy trong số khách mời của chúng tôi có cả anh Trần Quang Quyến thì mừng lắm vì cô đã biết anh từ VN, và được nghe danh tiếng anh là một người coi tướng có biệt tài, đệ tử chân truyền của nhà tướng mệnh học số một VN, là cụ Diễn. Cô bèn nói nhỏ với anh, để nhờ anh coi hộ xem tương lai của vợ chồng cô trên đất Mỹ xa lạ này rồi đây sẽ ra sao.
Khi mọi người đã ra về hết và vợ chồng Lê Uyên Phương đã đi nghỉ, anh Quyến vẫn còn ngồi nán lại nói chuyện riêng với chúng tôi. Anh bảo:
- Tôi vừa coi tướng cho họ và vẫn còn cảm thấy xốn xang mãi trong lòng.
Nhà tôi thắc mắc hỏi:
- Sao vậy anh? Chắc anh thấy là sự nghiệp ca hát của họ ở bên này sẽ gặp nhiều khó khăn?
- Cái đó là chuyện nhỏ. Điều khiến cho tôi xốn xang là tôi thấy vợ chồng họ sắp bỏ nhau đến nơi rồi.
Nhà tôi mở tròn con mắt, không tin:
- Anh nói làm sao ấy chứ! Cặp Lê Uyên Phương này đã tha thiết yêu nhau từ hồi mới lớn. Đã có lúc Phương tưởng là mình bị ung thư, chẳng còn sống được bao lâu nữa, vậy mà Uyên vẫn nhất định lấy Phương, bỏ nhà đi theo Phương, cho nên Phương mới viết những lời ca: “Thương em khi yêu lần đầu, thương em lo âu tình sau, dù em không mong dài lâu, xin cất lấy ước mơ đầu…” Rồi cái chuyến vượt biển, trăm phần chết một phần sống, mà họ vừa cùng nhau trải qua, lại càng khiến cho họ gắn bó với nhau hơn. Làm gì có chuyện họ sắp bỏ nhau được?
- Tôi chỉ thấy tướng mệnh hiện ra như thế nào thì tôi nói thế ấy. Tuy nhiên, lúc nãy tôi chỉ nói với họ là họ sẽ vẫn tiếp tục được công chúng yêu mến, nhưng họ không có số giàu, đại khái là vừa đủ ăn thôi. Còn chuyện họ sắp tan rã, tôi chỉ nói riêng với anh chị, là chủ nhà, để chúng ta cùng chiêm nghiệm xem sao, chứ tôi không hề nói với họ, vì không muốn gieo vào đầu họ cái ý nghĩ ấy, khiến cho họ bị ám ảnh rồi đâm ra bỏ nhau thật. Tôi đâu có muốn cái trách nhiệm đó. Và cũng xin anh chị đừng nói với bất cứ ai, nhất là với họ.
Chúng tôi đã giữ kín chuyện này. Chỉ mấy năm sau đó, Lê Uyên Phương quả thật đã bỏ nhau như mọi người đều biết cả, và bây giờ thì Phương cũng đã qua đời, nên chúng tôi mới nhắc lại chuyện cũ để chứng nghiệm một lời tiên đoán của anh Quyến từ hơn 30 năm trước.
Từ hồi nhỏ, tôi vốn là người có đầu óc thực nghiệm, không tin vào khoa học huyền bí. Nhưng càng sống lâu, tôi càng cảm thấy là hình như con người có một số mệnh do đấng Tạo Hóa an bài cho họ. Và phải chăng phép coi tướng có thể cho người ta thấy trước được phần nào cái số mệnh đó, như những trường hợp vừa nêu trên?
Mới đây tôi được biết là anh Quyến vừa in xong một cuốn sách với nhan đề “Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn”, thâu tóm tất cả những điều sở học mà anh đã tiếp thụ được từ vị danh sư này, cộng thêm với hơn 40 năm kinh nghiệm của chính anh khi đi coi tướng cho rất nhiều người, Việt Nam lẫn ngoại quốc, gồm nhiều nhân vật nổi tiếng ở trong và ngoài nước.
Sách dày gần 300 trang, chỉ dẫn những điều thiết yếu để chúng ta có thể căn cứ vào đó mà làm những quyết định quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Dĩ nhiên, không phải ai đọc xong cuốn sách cũng có thể đạt tới trình độ như anh Quyến, nhưng ít ra nó cũng giúp người đọc biết chọn bạn mà chơi, biết lựa người thích hợp để kết duyên, hay cộng tác làm ăn, và quan trọng hơn nữa là tránh người gian, thâm.
Nếu đây chỉ là một cuốn sách thông thường như phần đông các tác phẩm do bạn bè của tôi viết ra trong những năm qua, chắc tôi cũng sẽ chỉ gửi đến tác giả mấy lời khen tặng, rồi thôi. Nhưng khi được biết anh Quyến đã bỏ nhiều năm để hoàn thành cuốn sách, và nhất là anh sẽ dành cho Hội Bạn Người Mù (Friends of the Blind) và Hội Journey for Children tất cả số tiền thâu được, trừ ấn phí, để tài trợ nhiều chương trình từ thiện, tôi đã hăng hái viết lá thư giới thiệu này để tiếp tay với anh phần nào trong nghĩa cử đó.
Mong rằng các bạn cũng sẽ sẵn lòng bảo trợ cuốn sách, để phổ biến thêm Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn, và để giúp cho các Hội từ thiện có uy tín này có thêm phương tiện tài chính hầu tiếp tục công việc làm nghĩa rất đáng ngợi khen của Hội.
Lê Văn
Cựu Chủ Biên Chương Trình Việt Ngữ Đài VOA
Tác giả “Rượu Vang, Món Quà của Thượng Đế”, www.levanwineclub.com


MỞ ĐẦU
Sau 9 năm theo học Cụ Ngô Hùng Diễn và 45 năm áp dụng những điều học được để giúp bạn hữu và những người quen biết khi cần một vài ý kiến thuộc lãnh vực “huyền bí”, tác giả đã có ý định viết quyển TƯỚNG PHÁP NGÔ HÙNG DIỄN. Năm tháng qua đi, nay quyển sách đã được viết xong. Tác giả coi đây là một lễ vật để tạ ơn người Thày, đã như hình với bóng, như tấm gương để noi theo cho suốt cuộc đời. Tác giả cũng hy vọng tài liệu này được chấp nhận như một đóng góp khiêm tốn vào lãnh vực nhân tướng học, nói chung và như một viên gạch để xây nền móng cho khoa nhân tướng của Việt Nam, nói riêng
Tác giả giới hạn nội dung cuốn sách ở những tướng pháp căn bản của Cụ Ngô Hùng Diễn mà không đi vào chi tiết nhiều quá để độc giả dễ theo dõi và dễ chứng nghiệm được với thực tế trong đời sống hàng ngày. Người nghiên cứu tướng học từ tài liệu này sẽ lần lượt:
Hiểu ý nghĩa và học cách quan sát từng bộ vị;
Tìm hiểu các bộ tướng gồm nhiều bộ vị đi với nhau, gọi là “Đi Bộ”;
Học về vai trò của các vân, các đường nét, các gò nổi, các khuyết, vạt, hãm; Suy gẫm để thấm nhuần sự trừu tượng của thanh, sắc, thần khí;
Thấy được sự tinh vi và hữu ích của tướng pháp Ngô Hùng Diễn qua 12 lãnh vực của đời sống, trong đó có địa lý phong thủy;
Làm quen với cách luận giải tướng học qua 40 bài tướng mẫu, đa số chú trọng vào những yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng tới sống chết, thành bại của đời người; chẳng hạn như: Tri kỷ tử thù, duyên nợ nam nữ, hạnh phúc vợ chồng, an nguy con cái, danh vọng, tài lộc;
Chiêm nghiệm một số chuyện tiêu biểu của những trường hợp mà tác giả đã luận giải từ khi tiếp nối con đường mà Cụ Ngô Hùng Diễn đã đi
Ưu điểm của tướng pháp Ngô Hùng Diễn là các tướng pháp luật. Tinh thông những tướng pháp luật này, người nghiên cứu nhân tướng có thể luận giải nhiều đề tài trong “cõi nhân sinh” một cách rất “thần tình”. Vì vậy mà đã có người gọi Cụ Ngô Hùng Diễn là thày “Ma-xó”, có người xưng tụng Cụ là “Thần”, là “Thánh”, hay rõ ràng hơn, đặt cho Cụ danh hiệu “Thiên Linh Sư”. Danh xưng nào, nếu quá đáng, Cụ đều xin tha, đừng gọi như vậy.
Cụ Ngô Hùng Diễn quan niệm “định mệnh” không bất di, bất dịch. Quan niệm này không phải là mới. Đại thi hào Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh đã viết: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” và cổ nhân cũng đã dạy: “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Xây dựng trên quan niệm như vậy, tướng pháp Ngô Hùng Diễn trong nhiều trường hợp đã trực tiếp “can thiệp” vào diễn tiến của thân, nghiệp, duyên để thay đổi kết quả hoặc hậu quả của luật này. Nhưng, Cụ luôn luôn nói cho biết một cách rõ ràng là: Dù có đạt được ít nhiều kết quả do sự can thiệp của tướng pháp, nhưng đó chỉ là tạm bợ, nhất thời. Để thay đổi nghiệp phải làm phúc và tạo nhiều duyên lành. Như thế kết quả đạt được mới thực sự tốt đẹp và lâu dài. Nếu không thì nghiệp cũ không những chưa trả được mà còn tăng thêm gấp bội.
Tác giả đã cố gắng rất nhiều để quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn được hoàn chỉnh từ hình thức đến nội dung. Tuy nhiên, tác giả mong quí thức giả bổ túc cho những gì thiếu sót, chỉ bảo cho những gì sai lầm, nếu có. Được như vậy người nghiên cứu tướng học như chúng ta sẽ có một tài liệu tướng học có giá trị, phản ảnh được cách “nhìn” theo phong tục, tập quán của người Việt Nam mình. Mong lắm thay.
Nhân đây tác giả xin trân trọng cám ơn một số bạn hữu đã đọc bản thảo và cho những ý kiến quí báu, anh chị Trương đình Giần, Ngô thị Dẫn, các anh Trần quang Duật, Trần xuân Kính, Nguyễn Phước Bửu Hạp, bà Dương thị Tường, ông Trần văn Hài đã cung cấp và cho phép được dùng những chuyện về những lần xem tướng của Cụ Diễn từ thuở thiếu thời cho đến khi Cụ trăm tuổi.
Tác giả xin đặc biệt cám ơn chị Lê Lai và anh chị Nguyễn Quang Dũng  đã đóng góp rất nhiều thì giờ và tâm huyết để quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn được toàn hảo.
Dùng Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn để quan sát thanh thiếu niên Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, tác giả thấy đa số rất khôi ngô, tuấn tú và quắc thước. Hy vọng trong tương lai đất nước sẽ có những nhà lãnh đạo có tài năng, uy tín và đảm lược vì dân, vì nước, để chóng đem Việt Nam vào đại vận 500 năm thịnh trị và là một cường quốc trên thế giới.
Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn được hoàn tất vào mùa Xuân năm 2010 tại quận Fairfax, tiểu bang Virginia,
Hoa Kỳ.
Đa tạ,
Thái Minh Trần Quang Quyến


DẪN NHẬP

Khi nói tới tướng của con người, ta thường đề cập những kinh nghiệm từ những nhận xét hàng ngày như: Trông mặt mà bắt hình dong, như : Nhất lé, nhì lùn hoặc: Người khôn con mắt đen xì, người dại con mắt nửa chì, nửa thau. Trong dân gian, người Việt đã dùng những kinh nghiệm quan sát con người từ đời này sang đời khác để tìm hiểu về người khác trong hầu hết các hoàn cảnh và sinh hoạt của đời sống hàng ngày. Như, chọn vợ, chọn chồng cho con cái, tìm bạn mà chơi, tìm người cộng tác để làm ăn, chọn đồng chí để cùng mưu sự, kiếm người ăn, kẻ ở trong nhà, chọn chúa mà thờ.
Một số người đã có công đem những quan sát như trên sắp xếp lại cho có hệ thống, bổ túc cho đầy đủ và xây dựng thành một bộ môn có tính cách khoa học. Đa số những sách đã viết đều tập trung nhận xét vào mặt. Do đó được gọi là Tướng Diện.
Trong quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn này tác giả ghi lại những cách xem tướng của Cụ, được gọi là tướng pháp, các tướng pháp luật, các bài tướng mẫu, các tài liệu về đời Cụ và chuyện của một số người đã được Cụ xem trải dài gần 50 năm. Những người quen biết Cụ đều có một nhận định chung về Cụ là Cụ sống cuộc đời giang hồ, nay đây, mai đó, dùng sự hiểu biết về khoa Nhân Tướng và Phong Thủy để giúp bạn bè và những người có duyên gặp Cụ.
Tác giả không nhằm viết một quyển sách toàn bộ về nhân tướng học mà chỉ biên soạn lại những tướng pháp căn bản đã được Cụ chỉ dạy cho. Đa số những điều học được là vào lúc Cụ xem tướng cho những người quen. Đôi khi từ những hình ảnh in trên các ấn phẩm. Cũng có khi học qua các nhân vật trên phim ảnh hoặc hát bội. Những người này hoặc hình ảnh này được coi như các “tướng mẫu” để giúp người học tướng dễ nhập tâm với những điều được tận mắt nhìn thấy. Sách cũng ghi chép một số ý niệm căn bản đã dùng trong các tài liệu về tướng học, cổ cũng như kim và một số điều được lưu truyền trong dân gian. Mục đích của tác giả là để ai muốn nghiên cứu về khoa Nhân Tướng có thêm một tài liệu về tướng pháp của một nhà tướng học Việt Nam. Hy vọng là tài liệu này sẽ được dùng như viên gạch đầu tiên hầu xây dựng một bộ môn Nhân Tướng theo tướng pháp Ngô Hùng Diễn.
Để giúp người đọc dễ hiểu những điều trong sách, tác giả có những bức ảnh vẽ dùng thay cho tướng mẫu. Tuy nhiên từ những gì tác giả trình bầy trong sách đến việc áp dụng những điều này trên người đòi hỏi rất nhiều thận trọng. Ngoại trừ đối với những vị có năng khiếu bẩm sinh với khoa Nhân Tướng, tác giả ước mong những gì trình bày trong Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn chỉ nên dùng để chiêm nghiệm mà không nên dùng để tiên đoán cho mình hoặc cho người.
Để khảo cứu nhân tướng, người khảo cứu cần hiểu rõ một số khoa học của Á Châu như  dịch lý, âm dương, ngũ hành và nhất là cần có căn bản vững chắc về luận lý. Ta vẫn thường nói, Y thì có y lý và Tướng thì có tướng lý. Nghĩa là trước một việc nếu lý đã không vững thì kết luận chưa chắc đã có thể đứng vững.
Cụ Ngô Hùng Diễn chưa bao giờ nói với ai là Cụ đã học khoa Nhân Tướng với ai và vào thời gian nào. Nhiều bạn bè gạn hỏi Cụ thì Cụ chỉ cười rồi trả lời: “Có gì đâu mà học với ai. Tôi biết chút ít để có chuyện nói với bạn bè.” Cụ cho tác giả biết là Cụ đã xem tướng từ khi còn rất trẻ. Lúc đầu thì xem tay sau xem tướng. Theo nhiều người quen biết Cụ thì Cụ đã rất nổi tiếng từ thời còn rất trẻ với những lời tiên đoán “như thần” về tương lai của nhiều người. Trong đó có nhiều người tai to mặt lớn của thời đó. Một số chuyện Cụ xem được các thân hữu kể lại và được để trong phần cuối sách để làm tài liệu . Những điều Cụ tiên đoán cho người xem không hề mang tính cách hoang đường mà đã được lập luận qua các “tướng luật” áp dụng trên hình, sắc, thanh, thần khí của các bộ vị của người được xem.
Tài năng tướng pháp của Cụ có thể cũng giống như tài năng của các thiên tài về khoa học huyền bí như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nostradamus, thiên tài về âm nhạc như Mozart, Beethoven, thiên tài về hội họa như Picasso, Monet, thiên tài về thơ như Nguyễn Du, Lamartine, Lý Bạch, thiên tài về quân sự như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Quang Trung Nguyễn Huệ, thiên tài về y khoa như Hoa Đà, Biển Thước, Hải Thượng Lãn Ông và còn nhiều nữa. Họ là những người mà tài năng của họ chỉ nên hiểu là do thiên bẩm. Nhờ những khả năng thiên bẩm những thiên tài này đã đem những điều mà họ say mê theo đuổi lên đến mức độ nghệ thuật mà người đời gọi là “nhập thần”. Tác giả không chủ ý xếp Cụ Ngô Hùng Diễn với các thiên tài tiền bối mà chỉ muốn đưa ra ý kiến là tài năng của Cụ cũng là do thiên phú.
Khi đặt tên các bộ vị, mô tả hình thể các bộ vị, nêu đặc tính của các nét tướng đặc thù trong tướng pháp của Cụ, đôi khi Cụ cũng dùng Hán Việt, nhưng khi có thể thì Cụ dùng tiếng Việt, đôi khi dùng chút tiếng Pháp cho bạn bè dễ hiểu. Để tránh phải định nghĩa lại và cũng để người đọc khi muốn đối chiếu tên các bộ vị, hình thể, đặc tính đã được dùng trong các sách, tài liệu về nhân tướng dịch từ các sách, tài liệu của Trung Hoa phần lớn sẽ được tác giả dùng như vậy trong tài liệu này. Độc giả xin lưu ý là tên gọi có thể giống nhau nhưng ý nghĩa có thể rất khác nhau
Tên tuổi, chức vụ, địa danh của các người được nêu trong các chuyện kể trong quyển sách này, có một số tác giả đã tự sửa đổi vì sự tế nhị của vấn đề, còn đa số vẫn được giữ lại nguyên như  người cung cấp tài liệu đã dùng. Những chuyện này được ghi chép lại trong quyển sách chỉ nhằm ghi lại câu chuyện Cụ đã xem để thấy cái huyền diệu của tướng pháp Ngô Hùng Diễn. Nếu ai thấy điều gì không đúng xin làm ơn cho tác giả biết để thay đổi cho thích hợp.
Tác giả minh định lại rằng quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn được biên soạn chỉ nhằm để lại một tài liệu về tướng pháp của Cụ Ngô Hùng Diễn mà tác giả may mắn đã học được trong những năm theo Cụ. Tác giả không chủ ý chép lại bất kỳ tướng pháp của trường phái nào. Nếu có sơ sót, xin sở hữu chủ những tướng pháp này cho biết để xin ghi chú cho đúng. 
TÁC GIẢ VÀ CỤ NGÔ HÙNG DIỄN

Mùa Hè năm 1965 tôi được một người bạn dẫn tới nhà Cụ Ngô Hùng Diễn để xin Cụ xem tướng. Tôi đã nghe tiếng Cu từ lâu nhưng không quen ai để nhờ giới thiệu. Cụ không nhận thù lao và chỉ xem cho những người quen biết nên không
quen biết thì khó mà được Cụ xem. Chúng tôi đến nhà Cụ ở đường Hiền Vương, Sài-gòn vào khoảng 3 giờ chiều. Trời nắng nhưng không khí không oi ả lắm. Người bạn tôi đã quen Cụ nhiều năm và vẫn thường thăm Cụ để xin ý kiến Cụ. Đã có hẹn trước nên khi chúng tôi đến được Cụ Bà đưa thẳng ngay vào phòng ngủ của Cụ Ông. Phòng ngủ của Cụ cũng là nơi Cụ tiếp những người thân của Cụ. Không quen thân thì phải đợi ở phòng khách.
Cụ vừa mới ngủ trưa dậy và còn đang tắm. Trên giường ngủ nhỏ có trải một tấm chiếu, góc giường có cái chăn vải mỏng và đầu giường có một cái gối bằng mây mang từ ngoài Bắc vào. Bên cạnh giường, sát vào tường đối diện với giường ngủ, có hai, ba cái ghế gỗ để bạn bè ngồi.
Cụ Bà bưng ra ba ly nước trà nóng. Một cái ghế được dùng làm bàn. Hai cái còn lại dành cho anh bạn tôi và tôi
Một lúc sau thì Cụ đi ra từ cánh cửa ở hông buồng. Vừa đi Cu vừa chải đầu. Khi thấy chúng tôi đứng dậy chào Cụ thì Cụ nói luôn mấy lần: “Mời hai tiên sinh ngồi chơi. Xin lỗi, xin lỗi, trời nóng quá, phải tắm mới chịu được.” Cụ ngồi xuống một mép giường, cầm một ly nước rồi mời chúng tôi uống nước.
Anh bạn tôi giới thiệu tôi với Cụ. Mỗi câu của anh, Cụ chỉ vâng, vâng. Như nghe mà cũng như không nghe. Cụ không nhìn chúng tôi mà chỉ chăm chú vào điếu thuốc “rê” mà Cụ đang vê trên mấy đầu ngón tay. Sau khi anh bạn tôi nói xong thì Cụ bảo anh ấy có thể về, cứ để tôi lại với Cụ. Thấy Cụ nói vậy, anh bạn tôi bỡ ngỡ lắm, anh nói lí nhí mấy câu rồi đứng dậy ra về.
Cụ Diễn có thói quen là đối với người thân thì Cụ thường gọi “toi, moi”, theo lối thân thiện của người Pháp. Trong sách này được viết theo lối Việt Nam là “toa, moa”. Thời Cụ, cách xưng hô này rất thông dụng. Đối với người ngoài, dù thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, ngay cả trẻ tuổi hơn Cụ nhiều, Cụ thường vẫn gọi là “Tiên Sinh”.
Tôi vì được người quen thân của Cụ giới thiệu và cũng có thể dưới mắt Cụ tôi có thể được liệt vào thành phần thân thuộc sau này nên Cụ đã xưng “toa, moa” với tôi ngay từ đầu. Thật là bất ngờ.
Cụ chậm rãi hút vài hơi thuốc, rồi Cụ hỏi lại tên tôi. Khi Cụ hỏi, tôi thấy mắt Cụ tỏa ra một luồng ánh sáng bao phủ tôi. Luồng ánh sáng này ấm áp và êm ái. Tôi thấy dễ chịu và tự nhiên hơn. Sau đó Cụ và tôi còn trao đổi nhau một vài câu nữa như trời ở ngoài có nóng không.
Trong lần đầu gặp gỡ, tôi được Cụ chỉ cho 5 điều. Thứ nhất:
Nếu tôi lập gia đình trước 25 tuổi thì trước 28 tuổi vợ chồng không bỏ sống cũng bỏ chết. Sau này có lập lại
gia đình thì vẫn rơi vào trường hợp có vợ thì không có con, mà có con thì không có vợ.
Thứ hai:
Sắp bị nạn chết bất đắc kỳ tử ở ngoài đường vào buổi sáng lúc trời còn nhá nhem tối, có thể do vật từ trên cao rơi xuống đầu.
Thứ ba
Sau này có thời gian phải xa con tới 10 năm. Trong suốt thời gian này không có cách gì gặp được con.
Thứ tư
Khoảng 35 tuổi sẽ làm cho cơ quan kinh tế tài chánh quốc tế. Khởi đầu sẽ báo hiệu bằng cách đổi nghề sang làm cho một cơ quan giống như một hội đồng.
Thứ năm
Nếu tránh được tai nạn chết ở ngoài đường vào buổi sáng sớm thì có thể sẽ thọ tới 80 tuổi. Cuộc đời phong lưu, không giàu mà cũng không nghèo, công danh chẳng cao mà cũng chăng thấp.
Những điều Cụ nói khiến tôi xúc động. Cho tới nay, sau 45 năm, năm điều Cụ dạy đã xẩy ra gần hết. Thứ nhất:
Tôi lập gia đình đúng năm tôi 25 tuổi. Năm 26 tuổi vợ tôi sinh được một đứa con gái. Con bé sống được có 7 ngày thì chết. Vợ tôi bình yên. Năm tôi 27 tuổi, vợ tôi sinh được một đứa con trai. Vợ tôi băng huyết ngầm rồi qua đời sau gần 2 giờ đồng hồ làm băng tại dưỡng đường nổi tiếng ở Sài-gòn của Bác sĩ Giáo sư Thạc sĩ Trần đình Đệ. Con trai tôi được an lành. Sau này tôi lập lại gia đình. Đúng như Cụ dạy, có vợ thì không có con mà có con thì không có vợ.
Thứ hai:
Năm tôi gặp Cụ là 1965, lúc đó tôi 28 tuổi. Khi đó tôi đang làm nghề dạy học. Ngay sau khi vợ tôi chết thì gia đình vợ tôi gieo cho tôi rất nhiều oan ức. Nguyên nhân chỉ vì gia đình tôi rất nghèo, tôi lấy vợ giàu mà lại hơi cứng đầu. [Tôi và vợ tôi phân biệt tài sản]. Gia đình vợ tôi vu cáo cho tôi đủ thứ chuyện và dùng mọi cách hại tôi để bắt con trai tôi. Để khuây khỏa tôi đi đánh bài ở nhà bạn bè. Lúc đó ở Sài-gòn giới nghiêm từ
12 giờ đêm cho tới 5 giờ sáng. Những khi lỡ, tôi ngủ lại ở nhà bạn, đợi tới hết giới nghiêm mới về. Cây cối ở Sài-gòn thời bấy giờ không được trông nom nên nhiều người đã chết vì cành cây gẫy. Tôi có thể cũng ở trong số những người bất hạnh ấy nếu không có lời Cụ dạy.
Thứ ba:
Đây là chuyện tương lai, lúc đầu thì ưu tư, nhưng rồi tôi cũng không nghĩ tới nữa. Năm 1974, tôi được đi Mỹ tu nghiệp. Năm 1975, miền Nam thất thủ vào tay chính quyền Hà Nội. Các con tôi kẹt ở Sài-gòn cho tới năm
1983 mới được đoàn tụ sau bao nhiêu khó khăn. Hầu hết những người tôi biết ở trường hợp gia đình bị kẹt ở
Saigòn như gia đình tôi đều được đoàn tụ sau hai, ba năm. Riêng tôi phải đợi đến chín năm.
Thứ tư
Tôi tuy làm nghề dạy học, nhưng ngay từ khi ra trường Đại Học Sư Phạm và Đại Học Khoa Học, tôi đã có ý định đổi nghề. Đây cũng là “định mệnh”. Thời đó, Giáo sư Toán ở Sài-gòn mở lớp luyện thi kiếm rất nhiều tiền. Tôi quyết định ngoài số giờ dạy ở trường công lập, tôi chỉ dạy rất ít giờ ở trường tư để kiếm đủ tiền nuôi bố mẹ và bốn đứa em. Thì giờ rảnh thì học tiếng Anh, tập võ, dạy khí công, sau đó ghi tên học thêm. Năm
1971 tôi đậu thủ khoa Cao Học Chính Trị Kinh Doanh và cũng nhờ đó tôi được nhận vào làm chuyên viên bán thời gian cho Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội. Năm sau tôi sang làm chuyên viên tham vấn cho Quỹ Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia. Năm 1974 tôi đi Hoa Kỳ tu nghiệp, năm 1975 tôi xong khóa Quản Trị Xí Nghiệp. Năm  sau vào làm chuyên viên tài chánh cho Ngân Hàng Thế Giới và về hưu sau 25 năm làm việc cho cơ quan này.
Thứ năm
Cuộc đời tôi như lời Cụ dạy, suốt đời làm việc chuyên môn. Hơn bẩy năm trước tôi bị bệnh, nhưng đã khỏe lại rất nhanh. Bây giờ ngoài bẩy mươi, tôi vẫn theo lối sống của Cụ để thân, tâm an lạc, vẫn chuyên cần tập luyện các môn bồi dưỡng nhân khí và thư giãn gân cốt để giữ gìn sức khỏe, thêm vào đó, y khoa ngày nay rất tiến bộ; do đó, tôi hy vọng sống được đến tuổi như  Cụ đã dạy.
Ước nguyện của tôi là quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn được hoàn tất để kiến thức hi hữu của Cụ Ngô Hùng Diễn được góp một phần nào vào công trình nghiên cứu về nhân tướng hầu giúp cho những người cần tìm sự thăng bằng trong cuộc sống có thể tìm thấy ít điều hữu ích trong tài liệu này.
Thời gian mà Cụ xem cho tôi khoảng nửa tiếng đồng hồ. Nét mặt Cụ vẫn bình thản như người ngồi thiền vậy. Tôi không dám hỏi gì Cụ sợ đứt quãng dòng cảm hứng của Cụ. Khi Cụ nói xong điều thứ năm thì Cụ ngừng lại, vê thuốc hút, hớp ngụm nước trà, chép chép miệng mấy cái, nhìn tôi, rồi nói sang chuyện khác như không có gì quan trọng cả.
Cụ hỏi tôi chiều nay có rảnh không. Khi biết tôi rảnh, Cụ rủ tôi đi xi-nê-ma. Cụ bảo tôi xi-nê Đa-kao ngay trước hẻm nhà Cụ đang chiếu hai phim hay lắm. Trong hai phim có một phim do danh hài của màn bạc Pháp là Fernandel đóng, tên phim là L’Homme A Deux Faces. Cụ và tôi sóng đôi đi bộ. Ra khỏi nhà được chừng năm, mười phút thì thình lình Cụ hỏi tôi: “Toa có muốn học tướng không?”  Tôi thưa với Cụ là tôi rất thích nghiên cứu về tướng số. Nhưng hình ảnh và cách mô tả trong sách vở rất khó mà áp dụng sang người được. Tuy nhiên, giác quan thứ sáu đã giúp tôi cảm nhận được rất nhiều điều hữu ích về người đối diện. Tôi hỏi Cụ vì sao Cụ hỏi tôi có muốn học tướng không. Cụ cười, rồi nói: “Toa có âm dương nhãn”. Cụ lại nói tiếp: “Toa dễ tin người lắm, biết một chút tướng cũng có ích.”
Khi xem phim, Cụ chỉ cho tôi cách quan sát trán, quan sát các thớ thịt trên má của Fernandel. Cụ bảo Fernandel có trán “écran”, nghĩa là trán vuông và phẳng như màn ảnh. Người có trán “écran” thì thông minh, tài giỏi, nổi tiếng. Nếu phần trên mà hơi nghiêng ra sau như “bức tường đổ” là tướng đàn anh thiên hạ. Cụ giảng cho tôi về những thớ thịt trên má, chạy từ đuôi mắt xuống tới má, trông uốn lượn như sóng, khỏe  và đẹp, được gọi là “vân thủy”. Người có vân thủy thì thành công do tài năng chứ ít trông vào may mắn. Mỗi vai mới ra nếu thấy có gì đặc biệt Cụ đều nhắc tôi quan sát.
Từ hôm đó, mỗi khi rảnh tôi thường chạy xuống Cụ hoặc là chạy đến nơi Cụ đang xem cho người ta để có dịp Cụ chỉ bảo cho đôi điều. Những khi hai ông con cùng rảnh thì đi ăn phở, rồi tìm nơi mát mẻ ngồi uống bia, nói chuyện. Những dịp này tôi học được rất nhiều. Càng học tôi càng thấy tướng học thật vô cùng, vô tận và THƯỢNG ĐẾ toàn năng đã tạo ra con người với bao nhiêu kỳ bí và ưu việt. Tôi dành nhiều thì giờ vào việc học tướng, tìm hiểu và học lối sống vô vi của Cụ.
Chiều hôm đó, ở rạp xi-nê ra, Cụ và tôi ngồi ở một quán bên đường, mỗi người uống một chai bia. Saigòn nóng bức nên nhiều người có thói quen giải khát bằng bia ướp lạnh. Buổi tối tôi mời Cụ đi ăn cơm. Cu bảo ăn gì cũng được. Về sau tôi mới biết là Cụ rất dễ trong việc ăn uống. Ăn gì Cụ cũng khen ngon, uống thì một chai “bia 33”, khi ăn hoăc một lon “xá-xị”, một loại nước ngọt chai rẻ tiền, khi giải khát. Tôi đưa Cu vào nhà hàng Chez Albert, một tiệm cơm tây bình dân nhưng đồ ăn khá ngon. Sau cơm tối, tôi đưa Cụ về nhà, dắt Cụ vào tận trong phòng. Ra về tôi thấy lòng biết ơn Cụ dào dạt. Cụ đã dành cho tôi một tình thương và sự cảm thông mà tôi rất cần. Cụ lại vẽ cho tôi một bức tranh về cuộc đời tôi với những nét chính, không vướng mắc với những chi tiết rườm rà. Tôi thấy người nhẹ nhõm. Những buồn phiền, oan ức đè nặng trên vai tôi từ ngày vợ tôi qua đời tự nhiên như có người lấy đi khỏi vai tôi. May mắn bắt đầu đến với tôi. Điều may mắn bất ngờ nhất đối với tôi là trong suốt ba năm gia đình vợ tôi không liên lạc gì với bố con tôi thì tự dưng tôi nhận được thư của bố vợ tôi gửi từ Pháp về. Bức thư dài bẩy trang. Cụ giải thích về nhiều điều đã xẩy ra, rồi kết thúc: Thôi bố con mình hãy coi chuyện cũ như không có. Một năm sau khi tới Mỹ, con trai tôi xong trung học, hai bố con sang Pháp thăm cô, cậu đằng mẹ cháu, mua nhang đèn ra viếng mộ hai Cụ.
Tôi hy vọng học được môn Nhân Tướng để sau này có thể nối gót Cụ góp một phần nào vào việc giúp cho những người cần một vài câu an ủi để lấy lại thăng bằng cho cuộc đời. Tôi đã một phần nào thực hiện được lời
ước này từ ngày Cụ qua đời. Chúng tôi giúp người một cách vô vị lợi, không nhận tiền bạc, quà cáp và cũng không nhận ân huệ của những người chúng tôi giúp.
Cụ mất vào ngày mồng 5 tháng 4 năm 1974.
Trước đó đúng 30 ngày, mới sáng sớm tôi đã đến Cụ vì tối hôm trước Cụ ghé qua nhà tôi nhắn bố tôi là sáng mai Cụ muốn gặp tôi sớm. Khi tôi tới thì trong phòng khách đã có mấy người đợi. Cụ bảo tôi nói với cụ Ba ra xin lỗi khách hộ vì Cụ trót có hẹn phải đi gấp không tiếp ai được. Sau khi người khách cuối cùng ra về thì Cụ bảo tôi: “Thôi mình đi”.
Tôi đưa Cu ra xe. Tôi rủ Cụ đi ăn Phở Gà Hiền Vương, Cụ gật đầu. Ăn phở xong tôi đưa Cu xuống Chợ Lớn chơi. Hai bác cháu đậu xe rồi xuống tản bộ. Hai bên đường phố có nhiều quán bán đủ mọi loại mặt hàng, rất vui, rất đẹp mắt. Gần trưa hai bác cháu vào một nhà hàng Tầu ăn cơm trưa. Ăn cơm xong tôi đưa Cụ về nhà tôi để Cụ ngủ trưa. Cụ có thói quen là phải có giấc ngủ trưa mới được. Ngủ dậy, Cụ thích nhất là có ly nước chè xanh, thật nóng. Nếu lại có vài miếng kẹo lạc thì nhất. Hôm đó tôi có đủ những cái Cụ ưa thích. Hai bác cháu nằm trên giường nói chuyện cho tới chiều mát mới dậy đi ra một quán ngoài bờ sông Sài-gòn ngồi uống bia và hóng mát. Sau cơm tối, chúng tôi đi xi-nê và mãi hơn 10 giờ đêm mới ra về. Về tới Đa-kao, khi vừa đi qua rạp Xi-nê mà Cụ và tôi đã đi vào ngày đầu tiên gặp Cụ thì Cụ bảo tôi ghé quán nước bên đường “làm” chai bia. Đây cũng là quán nước mà 9 năm về trước hai bác cháu đã ngồi uống bia sau khi ở rạp xi-nê ra.
Ngồi được một lúc thì Cụ nói: “Đến bây giờ toa đã chứng kiến rất nhiều những “mẫu” mà người học tướng cần phải biết. Ngoài ra những gì moa biết được moa cũng đã nói cho toa nghe rồi. Nếu còn điều gì khi toa xem mà thấy không có lời giải thì đừng mất bình tĩnh, cứ nghĩ thì sẽ ra.” Khi Cụ nói thì tôi nhìn Cụ. Tôi rùng mình vì mặt Cụ đã bao phủ tử khí. Hai bác cháu nhìn nhau. Không ai nói với ai câu nào trong một lúc khá lâu. Ngồi một lát nữa thì Cụ bảo đi về. Tôi đưa Cụ về, dắt Cụ vào phòng rồi đi về. Trên đường về nhà tôi rất buồn vì biết giờ chia tay với người Thày đáng mến đã đến.
Sáng hôm sau tôi xuống Cụ rất sớm. Cụ đang bị sốt do sưng gan. Cụ từ khước không đi nhà thương, không chữa trị thuốc men mặc dù trong số bạn hữu của Cụ có rất nhiều người trong giới Y khoa. Ngày nào tôi cũng xuống ngồi cạnh Cụ cho tới khuya mới về. Nét mặt Cụ rất bình thản, nói năng tự nhiên. Những lúc cơn đau hành, Cụ đành phải uống vài viên thuốc chống đau. Ngày thứ 30 thì Cụ bất tỉnh nhân sự. Anh em bàn nhau đưa Cụ vào bệnh viện để chích thuốc chống đau cho Cụ để Cụ đi được nhẹ nhàng.  Chiều ngày hôm sau, mồng 5 tháng  4 năm 1974, Cụ đã ra đi bình yên. Tôi được gia đình Cụ chỉ định cúng Cụ bát cơm đầu tiên. Đám tang Cụ, rất đông người đã đến để tiễn biệt Cụ.
TRÍCH THƯ
Cụ Ngô Hùng Diễn Nhắn Tác Giả Đến Nhà Để Cùng Đi Xem Một Mẫu Tướng Hiếm Có
Chú Quyến,
27 – Thứ năm, nếu chú có rảnh thì sáng 8 giờ đến tôi, cùng đi đến ông bạn của tôi mà chú đã gặp 1 lần rồi. Nhưng tôi muốn chú gặp hắn, tôi sẽ chỉ từng chi tiết con người ông ta, một mẫu người gồm đủ tài, sắc, vân vân
. . . nếu hôm ấy chú bận thật đáng tiếc vì nghìn năm một thủa không gặp thật rất uổng,
Thân, Diễn


Đình Giần, Con Gái và Con Rể Cụ Ngô Hùng Diễn Về Quyển “TƯỚNG PHÁP NGÔ HÙNG DIỄN”
Cậu Quyến thương mến,
“. . . Biết được từ tháng 7-2001 Cậu sẽ về hưu và sẽ dành trọn thời gian để viết cuốn sách về “Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn”. Anh chị nghĩ rằng: “Chỉ có Cậu trong suốt thời gian từ 1965 Cậu luôn đi cùng Thày, được Thày chỉ dẫn cho các mẫu tướng đặc biệt mà Cậu đã nhập tâm . . . Thày Mợ đã yêu thương Cậu như con, anh chị coi Cậu như người em trong gia đình, vì vậy mong lắm thay cuốn sách này sớm hoàn thành.”
Thư Của Kỹ Sư Nguyễn Phước Bửu Hạp: Nhận Xét Của Cụ Ngô Hùng Diễn Về Ba Người Gần Gũi Cụ
Nhiều và Rất Thích Học “TƯỚNG”
Chú Quyến thân:
“. . .  Như tôi đã có nói với chú, có lần tôi hỏi Cụ về ba người gần Cụ nhiều và rất thích học về Tướng là ông V., ông H. và Chú. Cụ nói: Ông V. thì kín đáo, không biết hiểu được đến đâu, ông H. thì thiếu điềm tĩnh và không chịu đắn đo. Cụ nói về Chú như thế này: “Moa” nghĩ rằng Quyến có TÂM và có TRÍ, “lui (Quyến)” may ra có thể đi xa.” 

TIỂU SỬ CỤ NGÔ HÙNG DIỄN
Cụ Ngô Hùng Diễn sinh ngày 13 tháng 03 năm 1905 tức là ngày
08 tháng 02 năm Ất Tỵ âm lịch tại làng Phong Cốc, tổng Hà Nam, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên, miền Bắc Việt Nam.
Cụ từ trần vào lúc 08 giờ tối ngày 05 tháng 04 năm 1974 tức là ngày
13 tháng 03 năm Giáp Dần âm lịch tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, Sài- gòn, miền Nam Việt Nam, hưởng thọ 70 tuổi. Linh cữu được quàn tại chùa Xá Lợi, đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Sài-gòn và được an táng vào lúc 09 giờ sáng ngày 09 tháng 04 năm 1974 tại nghĩa trang Phước Hòa, xã An Nhơn, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.
Cụ bà Ngô Hùng Diễn là bà Phạm Thị Thắm sinh năm 1910 tại làng Đồng Trụ, xã Đăng Cương, huyện An Hải, tỉnh Kiến An, miền Bắc Việt Nam. Cụ hưởng thọ 84 tuổi.
Hai Cụ có người con gái duy nhất là bà Ngô Thị Dẫn sinh năm 1930, có chồng là ông Trương Đình Giần, sinh năm 1926. Vợ chồng đã luôn luôn sống chung với hai Cụ từ khi lấy nhau năm 1951.
Thời niên thiếu Cụ học tại tỉnh Quảng Yên và Hải Phòng. Cụ đậu bằng Thành Trung. Ngoài một số việc ngắn hạn, hai việc chính là Cụ làm chuyên viên cho ngân hàng ở Hải Phòng, rồi cho hãng Shell ở Hà-nội cho tới khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 09 tháng 03 năm 1945 thì không làm việc nữa để sống cuộc đời giang hồ, nay đây, mai đó.
năm 1974.
Vài Đặc Điểm Về Cuộc Đời Cu
Theo  ông Trương đình Giần, con rể Cụ, thì trong suốt thời gian ông ở với Cụ,  ông thấy Cụ lúc nào cũng sống rất giản dị. Trông Cụ có dáng vẻ một Nghệ sĩ hơn là một thày Tướng. Khi tiếp hay đến nhà những người quyền quí, cao sang, Cụ cũng vẫn chỉ mặc quần áo thường ngày mà thôi, ngay cả khi gặp các lãnh tụ như Hoàng đế Bảo Đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, Đại tướng Cao Văn Viên,  Thủ tướng Trần Thiện Khiêm.
Theo Kỹ sư Nguyễn Phước Bửu Hạp thì Cụ ăn mặc rất giản dị. Ở nhà hay ra ngoài đường, đi chơi với bạn bè hay đi tiệc tùng, Cụ vẫn chỉ luôn luôn măc áo cụt tay, có ba túi, màu nâu nhạt, còn quần thì màu xám nhạt. Quần áo của Cụ thường do những thân hữu tặng Cụ. Chân thì cũng chỉ đi dép da, cũng màu nâu, không có quai sau. Cụ không bao giờ đi giầy, không bao giờ thắt cà-vạt. Cụ có một cái cặp, cũng màu nâu, không có quai xách. Lúc Cụ thức dậy cũng như khi Cụ ngủ, cái cặp này lúc nào cũng ở bên Cụ. Trong cặp chả có gì ngoài một cuốn sổ có lịch để ghi các buổi có hẹn, cái bút nguyên tử, bao thuốc lá, một hộp quẹt, vài cái tăm sỉa răng, cái lược nhỏ và vài thứ lặt vặt khác. Khi ra khỏi nhà thì Cụ kẹp cái cặp vào nách. Khi lớn tuổi thì Cụ cũng đeo kính lão, gọng cũng màu nâu, mắt kính cũng màu nâu. Cụ cao trên 1 ”mét” 75, trắng trẻo, dong dỏng người, mặt vuông, tóc thưa và mềm, lúc nào cũng lòe xòe xuống trán. Mỗi lần trước khi vào nhà ai Cụ đưa tay lên vuốt tóc năm bẩy lần để tóc nằm xuống cho ngay ngắn. Có khi cẩn thận thì móc lược trong cặp ra chải lại tóc. Tính Cụ giản dị nhưng tươm tất chứ không cẩu thả. Cũng như khi Cụ nói năng. Cụ nói năng rất ôn tồn, dè dặt và nhẹ nhàng. Chưa bao giờ thấy Cụ nổi nóng với ai. Đôi khi có thấy Cụ tức tới đỏ mặt nhưng Cụ vẫn giữ được bình tĩnh, rồi cười cười cho qua chuyện cũ đi. Cụ vẫn nói là chuyện gì bỏ qua được thì nên bỏ qua. Ăn thua để làm gì. Nhiều khi Cụ biết có chuyện muốn khuyên người xem, nhưng những chuyện này nói ra thì đụng chạm hoặc gây khó khăn cho người nọ, người kia thì Cụ chỉ nói qua loa, có phúc thì hiểu ra được, còn thiếu phúc thì thôi. Ở nhà cũng như đi ra ngoài, ai mời ăn gì Cụ ăn nấy. Lúc nào Cụ cũng khen ngon. Chưa bao giờ ai nghe Cụ chê món gì cả. Thích thì Cụ dùng nhiều, không thích thì Cụ dùng ít. Nhưng bao giờ Cụ cũng ăn rất ngon lành. Ăn uống xong, nếu có đem bánh kẹo ra thì thế nào Cụ cũng xin một ít mang về cho bà Cụ và đàn cháu ngoại ở nhà. Khi còn trẻ Cụ sống rất phóng túng. Cụ uống rượu trắng, một loại rượu của Việt Nam cất bằng gạo tẻ rất mạnh. Theo lời Cụ bà thì Cụ tự bỏ rượu và không bao giờ uống rượu mạnh nữa. Thường thì khi ăn, Cụ chỉ uống một ly vang hoặc một chai la-de. Uống cũng như ăn, ai mời gì Cụ uống đó, không bao giờ đòi hỏi gì cả. Có người mời Cụ rượu ngâm rắn, Cụ cũng uống, nhưng chỉ nhấm nháp thôi. Cụ rất thích uống trà tầu pha thật đậm. Cụ có thể uống liên tiếp hết ly này đến ly khác. Còn rót cho Cụ, thì Cụ còn uống. Cứ mỗi ngụm nước, Cụ lại chép chép miệng để thưởng thức hương vị  của trà. Cụ hút thuốc lá rất nhiều. Nếu tự mình thì Cụ còn khi hút, khi ngừng. Nhưng nếu có ai mời thuốc thì thuốc gì Cụ cũng hút và hút liên tiếp chả bao giờ từ chối. Thuốc người ta biếu cụ là thuốc lá Craven “A” hay thuốc Camel. Nếu không có thuốc này thì Cụ dùng thuốc rê do Cụ pha trộn nhiều thứ thuốc khác nhau, căn bản là thuốc thơm. Có người  nói là Cụ Diễn giống như một cái “máy điện toán”. Cụ nhìn ai cũng chỉ vài giây là Cụ đã thấy tất cả những chi tiết về tướng mà Cụ cần để tiên đoán hoặc trả lời những câu hỏi của người được Cụ xem cho. Mỗi câu Cụ khuyên bảo là tổng hợp của bao nhiêu chi tiết trên tướng người ta. Người được Cụ xem thấy hỏi câu nào Cụ trả lời ngay câu đó, rồi có khi còn nói thêm bao nhiêu câu khác thì giật mình không hiểu sao Cụ tính nhanh như thế. Đó là lý do nhiều người được Cụ xem đã xưng tụng Cụ là “Thần Tướng”. Có ai nói tới tai Cụ về chuyện này, Cụ đều bảo nói giùm với người nói đó là đừng nói như vậy, tổn thọ đấy. Cụ bảo: Chỉ có các vị ở trên “Trời” mới có phép thần thông mà thôi. Những vị như Khổng Minh Gia Cát Lượng hay Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ mới là người tài hay theo cách dùng chữ thông thường thì người ta gọi là “Thiên Tài” thôi chứ không ai gọi là “Thần” cả. Cụ vẫn dặn bạn bè là khi tỉa lá, tỉa cành cây cối thì nên làm dần dần, không nên làm một lần trơ trụi cả cây. Một hôm Cụ đến nhà một người bạn. Cụ thấy người làm vườn chặt trụi
lụi cây sứ ở sau vườn, mủ cây sứ chẩy ròng ròng xuống đất. Cụ bảo người bạn lấy vải buộc lại, đừng để nhựa chẩy như thế không tốt. Cụ bảo cây cối cũng như người, như các động vật khác, chớ nên chặt cành như vậy. Cây nó không khóc, không la được, nhưng có rớm máu là có đau đớn lắm đấy. Cụ lấy từ tâm để đối xử ngay cả với cây cỏ. Thật là đáng quí thay.
Một người bạn khác của Cụ, ông Trần Văn Hài, viết về cuộc đời Cụ như sau: Khi Cụ xem tướng cho ai, thường thì Cụ chỉ nói những điều chính yếu, chứ không nói nhiều. Khi Cụ nói, ai đang ngồi ở đấy thì cứ việc ngồi, cứ việc nghe nếu thích. Cụ không bao giờ bảo ai phải đi ra để Cụ xem tướng cho người khác cả. Một đặc điểm của Cụ Diễn là trong suốt đời của Cụ, cho tới khi chết, chơi với anh em, không hề nói xấu ai cả. Có ai không thích Cụ, có nổi nóng,  . . , Cụ vẫn bình thản, không phản ứng lại. Cụ luôn luôn nhận lỗi về mình, cho là mình yếu kém, dốt nát. Không bao giờ Cụ muốn làm mất lòng ai, kể cả một đứa trẻ con. Với bạn bè thì xưng hô “toa, moa”, với người ngoài thì ai Cụ cũng xưng hô “Tiên Sinh” dù là ông Thủ tướng hay anh tài xế. Cụ luôn luôn chân thành, chí tình, nhân hậu, có tình, có nghĩa, lúc nào cũng muốn cho mọi người được sung sướng, hạnh phúc mà không bao giờ nghĩ tới cầu lợi, cầu danh cho mình. Thông minh, lỗi lạc, kinh nghiệm, hiểu đời, nhìn xa, trông rộng, thoáng đã thấy được lòng người, mới liếc mắt nhìn qua đã biết được ai chánh, ai tà, ai rộng rãi, ai nhỏ nhen, ai hiền, ai dữ, . . . Nhưng tuyệt đối không bao giờ khoe mình tài, mình hay, luôn luôn khen những người “thày” khác là đáng bậc thày, bậc sư của mình.
Cả một đời của Cụ, đi xa, đi gần, đi chơi với bạn bè trong túi không bao giờ có một đồng bạc. Bạn bè mời đi chơi thì đi, mời ăn uống thì ăn uống, không bao giờ đòi hỏi gì. Cả một đời người, xem tướng cho cả ngàn, ca vạn người, chưa bao giờ đòi hỏi một đồng “thù lao” hay xin “ân huệ” của người Cụ xem giúp.
TƯỚNG PHÁP


No comments:

Post a Comment