Tuesday, June 30, 2015

BẢN ÁN NÀO NÊN DÀNH CHO "CỰU TÙ CHÍNH TRỊ" TRẦN VĂN LONG?


"Vietnam Human Rights New- Ông Trần Văn Long sinh năm 1958 tại Vĩnh Long, thuộc gia đình Quốc Gia Nghĩa Tử Việt Nam Cộng Hòa, là một trong những người bị nhà cầm quyền Việt Nam liên tục gây hại tới đường cùng nên phải rời quê hương để tỵ nạn tại nước ngoài.

TỜ TƯỜNG TRÌNH DO TRẦN VĂN LONG TỰ VIẾT TAY ĐỂ GỜI CAO ỦY TỴ NẠN LIÊN HIỆP QUỐC TẠI THÁI LAN ĐỂ XIN QUY CHẾ TỴ NẠN. TRONG BẢN TƯỜNG TRÌNH, TRẦN VĂN LONG ĐÃ KHAI NHẬN LÀ CƯỚP 2 CÂY SÚNG AK 47 VÀ AR 15 RỒI BẮN CHẾT 2 CÔNG AN ĐỂ VƯỢT NGỤC
Ông bị bỏ tù lần đầu năm 1977 vì tham gia phong trào chống cộng sản của tổ chức Dân Quân Phục Quốc. Trong cuộc giành giật vũ khí của quản tù cho đồng đội vượt ngục, một công an tử vong, ông Long bị kết án chung thân với tội danh "giết người". Kể từ đó, người thanh niên 19 tuổi bị đầy ải qua nhiều nhà tù khắc nghiệt như Trà Ếch, Z30A - Hàm Tân, A20 - Phú Yên (còn được gọi là "Thung lũng tử thần").

Từ trại A20, ông tham gia vào việc bí mật chuyển tin ra bên ngoài về chế độ tù đầy hà khắc và vô nhân đạo. Nhờ các thông tin đó mà từ 20 tới 26 tháng 10 năm 1994, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã có chuyến thị sát 4 nhà tù tiêu biểu tại Việt Nam. Tuy vậy, giám thị trại A20 đã đánh lừa đoàn thị sát bằng cách dồn tù nhân chính trị vào các khu cách biệt, chỉ cho Cao Ủy Liên Hiệp Quốc tiếp xúc tù thường phạm tại một lán trại riêng. Ngay hôm sau, hơn một trăm tù nhân chính trị đã đồng loạt nổi dậy, hô to "Nhân Quyền cho Việt Nam", "Tự Do cho Việt Nam" liên tục trong 3 ngày, từ 26 tới 28 tháng 10 năm 1994, bất chấp sự đàn áp khốc liệt và tinh vi của quản giáo. Sự kiện này vượt ra ngoài biên bản quan sát của Liên Hiệp Quốc và chỉ được nghi nhận không chính thức.
An ninh trung ương đã khống chế đoàn tù chính trị và lưu đày họ ra ba trại tù phía bắc là Thanh Cẩm, Trại 5 Thanh Hóa và Phủ Lý Nam Hà, nhằm trừng phạt và cách ly với thân nhân vốn nghèo túng của họ ở miền Nam xa xôi. Ông Trần Văn Long bị đưa vào trại Z30A Xuân Lộc giam giữ với chế độ cách ly đặc biệt hà khắc. Ông đã kiệt lực sau gần hai năm sống trong điều kiện giam cầm theo chế độ hành hạ để trả thù. Tháng 4 năm 1996, ông được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Biên Hòa. Nhờ sự can thiệp của Quốc tế Nhân Quyền, ông được trả tự do sau 9 tháng nằm viện, vào ngày 28 tháng 1 năm 1997, sau đúng 20 năm tù cấm cố và khổ sai.
Tháng 9 năm 1999, ông Trần Văn Long thay mặt Hiệp Hội Tranh Ðấu Nhân Quyền Việt Nam (có trụ sở tại Paris) phối hợp cùng các ông Lê Ngọc Vàng (cựu tù 20 năm) và Nguyễn Trọng Nghĩa (người Việt tại Pháp) tổ chức cho những gia đình tù nhân miền Nam vượt hơn ngàn cây số để cùng đi thăm thân nhân đang thụ án tại Trại Giam Số 5 Tỉnh Thanh Hóa, gồm các tù nhân Vũ Đình Thụy (thụ án từ năm 1975), Dương Văn Sĩ (án chung thân), Trần Văn Lương (án tử hình xuống chung thân). Khi đoàn xe thăm tù về đến Sài Gòn, các ông Trần Văn Long, Phan Văn Lợi (cựu tù 18 năm) và Lê Ngọc Vàng bị bắt giam tại Bộ Công An B34. Nhờ cuộc điều trần đặc biệt của Hiệp Hội Tranh Ðấu Nhân Quyền Việt Nam với Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Hội Liên Bang Úc giữa tháng 10 năm 1999 mà những người này được cứu thoát ra khỏi nhà giam.
Năm 2002, ông Long bị bắt lần thứ ba sau cuộc tiếp xúc với linh mục Chân Tín để chuyển giao một số phương tiện hoạt động cho Câu Lạc Bộ Sinh Viên Sài Gòn. Vì không hợp tác khai báo mà gia đình ông bị truất quyền cư trú tại Sài Gòn. Suốt các năm sau đó ông Long bị theo dõi gắt gao, mọi quan hệ xã hội, kinh tế, sinh nhai đều bị bẻ gãy. Bạn tù cũ của ông từ nước ngoài gửi tiền quà giúp làm hàng quán cà phê, tạp hóa đều bị an ninh tịch thu với lý do là nhận tiền từ người Việt nam ở nước ngoài. Ông buộc lòng cùng vợ con vượt biên giới để tới Băng Cốc – Thái Lan xin tỵ nạn chính trị vào ngày 5 tháng 3 năm 2011.
Nhưng vì án danh "giết người" mà nhà cầm quyền đã buộc cho ông, gia đình ông bị văn phòng Cao ủy Liên Hiệp quốc tại Thái Lan từ chối cấp quy chế tỵ nạn. Ba năm qua và cho tới ngày hôm nay, ông cùng vợ và con trai phải chịu cuộc sống lẩn trốn tại Thái Lan. Gia đình ông phải lao công cực nhọc mà mức lương chỉ bằng phân nửa của người bản xứ. Cuộc sống khốn khó đã khiến vợ ông kiệt sức, hiện đang phải điều trị bệnh lao phổi tại bệnh viện với sự gom góp trợ giúp viện phí của những đồng hương qua tổ chức thiện nguyện BPSOS.
Ông Trần Văn Long là nạn nhân điển hình của chủ trương «đuổi cùng giết tận» được nhà cầm quyền thực hiện đối với những người kiên cường hành động chống lại chế độ cường quyền cộng sản Việt Nam.

Pháp Quốc ngày 10 tháng 9 năm 2014
Vietnam Human Rights News

No comments:

Post a Comment