Phạm Trần
- Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã đặt
tiêu chuẩn tiên quyết cho người được chọn vào Ban Chấp hành Trung ương khóa đảng
XII là phải tuyệt đối trung thành với “chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng”.
Ông Trọng đã nói như thế
trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 11 ngày 07/05/2015 trước mặt 200 Ủy
viên của khóa đảng XI sắp mãn nhiệm (175 chính thức và 25 dự khuyết).
Nhưng tại sao ông Trọng
lại muốn bắt dân phải tiếp tục sống với những thây ma đã bị nhân dân trong thế
giới Cộng sản ruồng bỏ từ 1989 ở Đông Âu và 1991 ở Liên bang Nga?
Có phải lãnh đạo đảng
CSVN đã quẫn trí hay phải kiên định Mác-Lênin để làm tròn nghĩa vụ phương châm
16 chữ với láng giềng lật lọng Trung Hoa: “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng
tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan" , hay là "Láng
giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai"?
Còn về “tư tưởng Hồ
Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng Hiến pháp của Nhà nước…” được ông
Trọng đính kèm có còn gì mà duy trì khi cả hệ thống đã phá sản, không đem lại
cơm no áo ấm, tự do, dân chủ, độc lập và hạnh phúc cho dân như mục tiêu của
cách mạng mà ông Hồ đã đặt ra?
Ông Hồ từng nói: “Đảng
ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta
không có lợi ích gì khác.” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, tập 10, tr.4.)
Nhà lãnh đạo đảng “nói
dzậy mà không phải dzậy”. Đảng của ông có lợi khi cứ một mình một chợ, không
cho ai chen chân vào gánh vác việc nước. Ông độc quyền, độc đảng và độc tài.
Ông không cho dân ra báo, bắt mọi người phải đọc báo đảng và nghe tuyên truyền
một chiều.
Ông bỏ tù những ai lăm
le chệch hướng, giết bỏ những người ông nghi không có lợi cho đảng. Đảng của
ông cũng đã nhúng tay vào máu nhân dân trong Cuộc cải cách ruộng đất mang tên
“long trời lở đất” (1953-1956), thảm sát Mậu Thân Huế 1968 và phải mang tội với
hàng trăm ngàn oan hồn Việt Nam đã chết trên Biển Đông sau ngày 30/04/1975!
Cán bộ đảng viên của
ông Hồ cũng chưa bao giờ biết “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật
sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, hay biết “giữ gìn Đảng ta thật
trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành
của nhân dân.” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 12, tr.498.)
Chính vì vậy mà trong
cuộc phỏng vấn của Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, hai anh em nhà bỏ đảng Huỳnh Nhật Hải
(nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Lạt kiêm Thành ủy viên) và Huỳnh
Nhật Tấn (nguyên Phó Giám đốc Trường Đảng tỉnh Lâm Đồng kiêm Tỉnh ủy viên dự
khuyết), đã nói về nhân cách của ông Hồ:
Phạm Hồng Sơn: Nhưng
nhiều người cho rằng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là rất tốt đẹp, đáng học
theo?
Huỳnh Nhật Hải: Đúng, rất
tốt đẹp và đáng học nếu chỉ căn cứ vào lời nói và khẩu hiệu như ông Hồ Chí Minh
đã đề ra. Và đúng là ĐSCVN hiện nay cũng đang thực hiện đúng như thế, các khẩu
hiệu, lời nói, mục tiêu của họ hiện nay cũng rất hoặc khá tốt đẹp, nhưng hành động
và thực tế thì lại hoàn toàn ngược lại – cũng như ông Hồ Chí Minh.
Huỳnh Nhật Tấn: "Nếu
chỉ căn cứ vào truyền thống nhân ái của người Việt Nam thông thường thôi thì
cũng thấy đáng lý ra, với cương vị là người có quyền hành cao nhất, ông Hồ Chí
Minh phải ra lịnh không được giết hoặc hãm hại ân nhân của mình như vụ xử bắn
bà Nguyễn Thị Năm (còn được biết là Cát Hanh Long, tên cửa hàng của gia đình bà
tại Hải Phòng) và nhiều người khác trong Cải cách Ruộng đất. Hoặc những vụ bắt
bớ, thanh trừng các đồng sự, các ân nhân của ĐCSVN sau này mà không qua xét xử
thì ông Hồ Chí Minh không thể không biết là trái đạo lý. Nếu ông Hồ Chí Minh thực
sự là người vì nước vì dân thì sau khi lên nắm quyền, điều đầu tiên ông Hồ Chí
Minh phải làm là phải để nhân dân và giới trí thức có nhiều tự do hơn thời thực
dân Pháp chớ.” (Phạm Hồng Sơn, pro&contra, Thế giới mới, ngày
10/05/2015)
Như vậy thì ông Hồ có
tư tưởng gì, ngoài Cộng sản sắt máu thuần túy? Do đó,“Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội”, ra đời năm 1991 sau được bổ
sung, phát triển năm 2011 và luật hóa thêm lần nữa tại Điều 4 Hiến pháp năm
2013, cũng chỉ nhằm củng cố địa vị cầm quyền độc tôn cho đảng để tiếp tục gây
thảm họa cho đất nước.
Vậy mà vẫn có Dư luận
viên Tuyên giáo đã lập luận lạc lõng rằng: “Sự kiên định của Đảng ta đối với
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh có cơ sở lý luận và thực tiễn
khách quan. Trước hết, về phương diện lý luận, đó là sự phụ thuộc về bản chất
chính trị của một đảng vào tính chất và nội dung hệ tư tưởng, lý luận mà đảng
đó lựa chọn làm kim chỉ nam cho hành động.” (Trích báo Quân đội Nhân dân,
ngày 12/05/2015)
Nhưng cái “kim chỉ nam”
này đã đưa đến thảm họa 30 năm chinh chiến, trong đó có 20 năm miền Bắc xâm lược
miền Nam mà cho đến 40 năm sau ngày được mạo danh “giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước”, 30/04/1975, nhiều tiếng nói trong lòng chế độ đã lên án đảng.
Một trong những phản ứng
đanh thép đến từ Nhà văn, Đại tá Quân đội Nhân dân nghỉ hưu Phạm Đình Trọng.
Ông Trọng là người đã ra khỏi đảng ngày 20/1/2009, viết trong bài phổ biến hôm
22/4/2015: “Những người Cộng sản Việt Nam đã cắt đôi đất nước Việt Nam,
chia đôi dân tộc Việt Nam rồi họ lại lấy máu của chính dân tộc Việt Nam để thống
nhất đất nước, để họ nghiễm nhiên thống trị cả nước không cần lá phiếu bầu chọn
của người dân! Những người Cộng sản Việt Nam coi đó là chiến thắng vĩ đại của họ.
Còn với dân tộc Việt Nam đó là keo thua đau đớn tức tưởi! Với những người dân
miền Nam đã được sống trong tự do dân chủ, nay mất cả quyền con người, quyền
công dân, không được quyền bầu chọn người quản lý đất nước, người lãnh đạo dân
chúng, còn cái thua nào đau hơn!”
Suy thoái-mất đạo đức
Trong diễn văn bế mạc Hội
nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là người đầu tiên kể từ thời
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1986-1991) đã nói dõng dạc: “Kiên quyết không
để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm,
như bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của
Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối,
nguyên tắc của Đảng tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân,
tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải vi
phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người
thẳng thắn đấu tranh, phê bình để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm
trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị không chịu nghiên cứu học
hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm ý thức kỷ
luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức kê khai tài sản
không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản
khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc bản thân và vợ, chồng, con có lối sống
thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính có vấn đề về lịch sử
chính trị hoặc chính trị hiện nay.”
Tuy nhiên, những ngôn
ngữ này không mới, người dân đã nghe lãnh đạo nói chỗ này chỗ kia nhiều lần rồi
nhưng có thấy đảng làm gì để thay đổi cho dân bớt khổ đâu?
Bằng chứng hiển nhiên
đã ghi trong Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương
Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay
(26-31/12/2011):
“Bên cạnh kết quả đạt
được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những
yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm
sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức
đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn
đề cấp bách sau đây:
- Một bộ phận không nhỏ
cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể
cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với
những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân
ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ,
tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...
- Đội ngũ cán bộ cấp
Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ
bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực
hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu
chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố
trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí
không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát
triển của ngành, địa phương và cả nước.
- Nguyên tắc "tập
thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức,
do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân,
khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa
dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng
đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc
trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá
nhân.”
Tham nhũng tràn lan
Đến Hội nghị Trung ương
5 từ ngày 07 đến ngày 15-5-2012, trong đó có việc thảo luận "Tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí".
Kết luận số 21-KL/TW của
Hội nghị này viết: "Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng
phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham
nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện
tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là
trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây
dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản
trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa
các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp..., gây bức xúc trong xã hội
và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước."
"….Nguyên nhân cơ
bản của những hạn chế, yếu kém nêu trên là: Không ít cấp ủy, tổ chức đảng,
chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện tốt trách
nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí .
Vai trò của nhiều chi bộ,
tổ chức cơ sở đảng còn mờ nhạt; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các
ngành, kể cả cấp Trung ương, chưa nêu gương về đạo đức, lối sống, giảm sút sức
chiến đấu và thiếu kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cơ chế, chính
sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập; một
số quy định thiếu nhất quán, thiếu chặt chẽ, vẫn còn tình trạng "xin -
cho". Tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống
tham nhũng chưa đủ mạnh, có mặt chưa hợp lý."
Đến Hội nghị toàn quốc
về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 05/05/2014, lần đầu tiên kể từ khi ông
Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
vào đầu năm 2013, báo cáo vẫn viết: “Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn
còn những hạn chế: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống
tham nhũng chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân trong
phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại
nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình
thức.”
Báo cáo cũng nhìn nhận: “Một
số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp. Việc rà soát, đánh giá, sửa đổi,
bổ sung nhằm khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý
kinh tế - xã hội còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng. Việc tự
kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất yếu.
Việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn
chế. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp; chưa phát huy được sức
mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.”
Bè phái-phe nhóm
Đến Hội nghị Trung ương
6, từ ngày 01-10 đến ngày 15-10-2012, có thảo luận quan trọng về "Báo
cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính
trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn
đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Dư luận đặc biệt quan
tâm theo dõi tin một Ủy viên Bộ Chính trị bị chính Bộ Chính trị đề nghị phải chịu
một hình thức kỷ luật vì, trong số những vi phạm, đã không làm tròn nhiệm vụ.
Tuy danh tính không bị lộ nhưng ai cũng biết người đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, người bi dự luận bàn tán về chuyện giàu có lên nhanh của gia đình, lạm dụng
quyền hành và trách nhiệm trong hai vụ thua lỗ, phá sản của 2 doanh nghiệp hàng
hải Vinalines và Vinashin.
Tuy nhiên, Thông báo cuối
cùng của kỳ họp đã làm thất vọng hàng triệu người.
Ban Chấp hành Trung
ương viết: “Về khuyết điểm chủ yếu: Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa ngăn chặn,
khắc phục được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có
những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt về lý tưởng, sa vào chủ nghĩa
cá nhân, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham
nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.
Việc một số đồng chí Bộ
Chính trị, Ban Bí thư (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn có biểu
hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi
đôi với làm, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước
và bản thân các đồng chí đó, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bộ Chính
trị, Ban Bí thư chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ, thực chất tình
hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực trong công
tác cán bộ (như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp…) và đề bạt con một số cán
bộ lãnh đạo không dựa trên năng lực, trình độ và quá trình rèn luyện, gây dư luận
bức xúc.”
Nói về mình, Thông báo
đã viết về Bộ Chính trị: “Để giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng và góp phần giữ
gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của Đảng và làm gương cho toàn Đảng, Bộ Chính
trị đã thống nhất cao tự nhận và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét có
hình thức kỷ luật khiển trách về trách nhiệm chính trị đối với tập thể Bộ Chính
trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao
việc tập thể Bộ Chính trị tự giác xin nhận kỷ luật; điều đó thể hiện tinh thần
thẳng thắn, cầu thị, nghiêm túc, gương mẫu và quyết tâm cao trong việc thực hiện
thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Sau khi thảo luận, cân nhắc
nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ
Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị.”
Ông Dũng thoát nạn,
nhưng uy tín lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng xuống dốc từ đây.
Nổi bật là ông đã thất
bại trong kế hoạch đưa hai ông Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh
(đã qua đời) và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị.
Thay vào đó, Trung ương
đảng đã bỏ phiếu cho Bà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn
Thiện Nhân, khi ấy là Phó Thủ tướng.
Cuối cùng, uy tín của
ông Nguyễn Phú Trọng đã xuống cấp thê thảm ở Hội nghị Trung ương 10 khi Trung
ương đảng xếp ông đứng hàng thứ 8 trong số 20 người trong Bộ Chính trị và Ban
Bí thư được lấy phiếu tín nhiệm. Ông chỉ được 135 phiếu tín nhiệm cao.
Người đứng đầu bảng với
số phiếu “tín nhiệm cao” nhất 152 thuộc về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chủ tịch
nước Trương Tấn Sang đứng hàng thừ nhì với 149 phiêu “tín nhiệm cao”.
Kết quả này, do tin
bán chính thức bị rò rỉ ra ngoài, đã gây choáng váng trong dự luận.
Như vậy, sau 5 năm cầm
quyền và gần 30 năm “đổi mới” , kể từ khóa đảng VI năm 1986, ông Nguyễn Phú Trọng
chưa chứng minh được một việc làm thành công.
Ngược lại, ông lại là
người đã để cho Việt Nam lệ thuộc trên mọi lĩnh vực, quan trọng nhất là kinh tế,
vào Trung Quốc; ngăn chặn mọi phản ứng của nhân dân chống Trung Quốc bá quyền,
bành trướng lãnh thổ; cấm dân tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh
trong cuộc chiến biên giới từ 1979 đến 1989.
Quan trọng hơn, ông
Nguyễn Phú Trọng đã không có một hành động tích cực nào để chống lại kế hoạch
lấn chiếm, tân tạo biển đảo Việt Nam của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông cũng đã để cho
chính quyền Thành phố Hà Nội và Sài Gòn ngăn chặn không cho dân tưởng niệm 74
chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh chống quân Trung Quốc xâm lược
Hoàng Sa năm 1974 và 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân hy sinh trong cuộc chiến với
quân Tầu ở Trường Sa năm 1988.
Trên lĩnh vực kinh tế,
Việt Nam vẫn chưa làm nổi con ốc vít, tiếp tục làm thuê cho nước ngoài và bị đứng
sau cả Kampuchia và Lào thì khả năng tồn tại của ông Trọng và đảng CSVN có cần
phải đặt lên bàn cân không ?
Như vậy, khi Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tiêu chuẩn ưu tiên phải tuyệt đối trung thành với
những thứ đang hủy hoại đất nước như “chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng” thì ông muốn Việt Nam đi về đâu?
-/-
14/05/2015
No comments:
Post a Comment