Dân Làm Báo: Chắc hẳn dư âm của vụ án “hai xe đi hàng ba”
(như cách ví von hóm hỉnh nhưng đau đớn của một số người) sẽ còn được nhắc
nhiều trong một thời gian dài nữa. Ngay sau khi phiên tòa man rợ này kết thúc,
Dân Làm Báo đã thực hiện một cuộc phỏng vấn dành cho những khách mời đặc biệt
là những nhà đối kháng, những nhà tranh đấu nổi tiếng trong nước: bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Giáo sư Phạm Minh
Hoàng, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung,
chị Lê Thị Kim Thu và anhNguyễn Văn Đề. Trừ
anh Nguyễn Văn Đề là “tù nhân dự khuyết”, bốn vị khách còn lại đều là những cựu
Tù nhân lương tâm với những bản án vô cùng khắc nghiệt và phi lý, nặng nề nhất
là trường hợp của bác sĩ Nguyễn Đan Quế là 20 năm tù giam. Xin nói thêm, bác sĩ
Quế đang được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình năm 2014.
Sau đây là phần phỏng vấn với 6 câu hỏi giống
nhau dành cho 5 vị khách mời đặc biệt:
Dân Làm Báo: Xin quý vị cho biết cảm
nghĩ của mình về bản án xử 3 công dân yêu nước Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị
Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh?
Nguyễn Đan Quế: Bà Hằng bị 3 năm,
ông Minh 2 năm tháng 6 tháng và bà Thúy Quỳnh 2 năm tù giam. Ai cũng biết vụ án
này do công an Đồng Tháp dàn dựng. Sự thực là 3 người này không vi phạm luật,
ngay cả luật giao thông.
Có nhiều quan sát viên trong và ngoài nước ghi
nhận ngày xử trùng ngày ông Lê Hồng Anh, đặc phái viên của TBT Nguyễn Phú Trọng
sang Bắc Kinh, nên cho rằng có thể có liên hệ giữa hai sự kiện, ví án tù như
‘món quà ngoại giao’ của đứa con hoang đàng trở về mái nhà xưa.
Lê Thị Kim Thu: Theo suy nghĩ của
tôi về bản án xử ba người yêu nước - chị Bùi Thị Minh Hằng, anh Nguyễn Văn
Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh - là dùng “luật rừng”. CSVN có cả một rừng luật,
nhưng họ thích xài luật rừng. Đó là “luật của bọn cai trị”, là “án bỏ túi” dành
cho những người bất đồng chính kiến.
Nguyễn Văn Đề: Theo tôi phiên tòa
hoàn tòan phi lý, bản án quá bất công, có thể nói là đã “đổi trắng thành đen”,
từ đầu đến cuối đều do cộng sản xếp đặt, chỉ có phiên tòa và bản án kiểu độc tài
CS mới nghĩ ra được.
Nguyễn Tiến Trung: Tôi cảm thấy rất
buồn nhưng chúng ta cần tiếp tục đấu tranh để cả ba người này được ra sớm,
giống như trường hợp của Đỗ Thị Minh Hạnh.
Phạm Minh Hoàng: Cũng như mọi người,
cảm nhận của tôi là kinh ngạc khi nghe các bản án dành cho những người đấu
tranh, đặc biệt là chị Minh Hằng, người đã đi đầu trong các cuộc biểu tình
chống Trung Quốc, các cuộc biểu tình cho dân oan, cho các tù nhân lương tâm.
Tôi là một trong những người hy vọng sẽ thấy được chị sau phiên tòa hoặc cùng
lắm chỉ là 1 năm tù giam nên sự hụt hẫng và thất vọng làm mình thực sự choáng
váng.
DLB: Trước và vào lúc phiên tòa xảy ra, lực
lượng an ninh đã ngăn chận, bắt giữ rất nhiều người đến tham dự phiên tòa được
gọi là xử công khai. Số người bị bắt giữ lên đến cả trăm người được cho là “kỷ
lục” từ truớc tới giờ đối với phiên tòa của những nhà tranh đấu. Ý kiến của quý
vị về những hành động này?
Nguyễn Đan Quế: Từ trước đến nay,
chưa có vụ xử nào mà số người bị ngăn chặn đông đảo như vậy. Tất cả những nhân
vật đấu tranh đều bị công an canh không cho khỏi nhà từ nhiều ngày trước.
Sáng ngày xử 26-8 có thể hàng trăm người bị
ngăn chặn từ xa, không có cách gì đến gần được khu vực tòa án Đồng Tháp. Theo
chỗ tôi được biết, từ ngoài Hà Nội, Vinh, Đắc Lắc, Ninh Thuận và nhiều nơi khác
nữa phải vất vả lắm mới đến được tỉnh Đồng Tháp. Đồng bào Đồng Tháp, nhất là
các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo từ các vùng lân cận kéo đến đến khá đông. Nhiều
chị em có con nhỏ hay đang có bầu cũng bị hành hung, nhiều người bị khóa trái
cửa nhốt trong khách sạn... Tất cả những gì diễn ra tại tòa án Đồng Tháp ngày
hôm nay 26-8-2014 đã nói lên quá hùng hồn là ở Việt Nam không có pháp trị, chỉ
có luật rừng, chỉ có bạo lực đàn áp, sách nhiễu.
Lê Thị Kim Thu: Nhà nước pháp quyền
chỉ là tấm bình phong cho một luật pháp khác, nôm na là “luật của kẻ cai trị”
đã nói như trên. Pháp luật đã được nhà cầm quyền cộng sản dùng để mị dân và
“trừng trị dân”. Muốn dân tôn trọng luật pháp thì chính họ phải tôn trọng cái
luật pháp mà họ đưa ra.
Ngăn chặn, bắt bớ người dân là rõ ràng nhà cầm
quyền CS xem thường và thách đố dư luận quốc tế về nhân quyền; xem thường cộng
đồng Người Việt Quốc Gia yêu nước trên thế giới đang tranh đấu cho một VN dân
chủ phú cường; xem thường tầm hiểu biết về luập pháp của người dân trong nước;
và trắng trợn xem thường người dân như là công cụ của đảng CSVN.
Nguyễn Văn Đề: Trước và sau lúc
diễn ra phiên tòa rất nhiều người đấu tranh dân chủ bị ngăn cản bắt giữ. Ngay
bản thân tôi cũng bị bắt giữ câu lưu 2 ngày liền để tôi không đến được phiên
tòa. Những hành động này đã đi ngược lại quyền tự do đi lại của công dân. Chưa
bao giờ thật sự có phiên tòa nào xử những người đấu tranh Dân chủ được diễn ra
công khai như chính quyền này vẫn mạo nhận.
Nguyễn Tiến Trung: Cũng như mọi phiên
tòa xử án chính trị, không có người dân thường nào được chứng kiến. Ngay cả các
nhân chứng cũng không được mời đến phiên tòa, thậm chí có nhân chứng nhận được
giấy triệu tập của Tòa án cũng bị ngăn cản, thậm chí bị đe dọa, bị đánh đập. Con
gái của “bị cáo” cũng không được vào tham dự phiên xét xử mẹ mình. Điều đó
chứng tỏ nhà cầm quyền làm điều sai trái nên mới sợ dư luận chứng kiến.
Phạm Minh Hoàng: Cảm nhận đầu tiên
của tôi về phiên tòa là sự động viên của bạn bè từ Nam chí Bắc. Tôi vô cùng
khâm phục các anh chị đã vượt bao nhiêu thử thách, bao nhiêu khó khăn, đổ đường
từ Hà Nội xuống tận thị xã Cao Lãnh để tham dự phiên tòa. Riêng phần các anh
chị em trong Sài Gòn, các bạn đã phải đấu trí để vượt qua hàng rào an ninh án
ngữ trước cổng 3 ngày trước ngày xử. Khi đến nơi các bạn phải lẩn trốn, phải
tìm nơi tá túc an toàn để có thể có mặt trước tòa án. Và cuối cùng hầu hết đã
bị hốt về đồn, nhiều người còn bị đánh đập, tịch thu máy ảnh, máy quay phim,
điện thoại.
DLB: Theo quý vị, bản chất thật sự của phiên
tòa với bản án áp đặt lên 3 người yêu nước là gì?
Nguyễn Đan Quế: Bản chất đích thực
của phiên tòa là để trấn áp những người phản đối nhà cầm quyền “hèn với giặc,
ác với dân” trong chống Trung cộng xâm lăng và vi phạm tự do tôn giáo. Trong vụ
án này là Phật Giáo Hòa Hảo và chúng ta thấy mang tính trả thù sau khi báo cáo viên
đặc biệt LHQ Heiner Bielefeldt xuống thăm miền Tây gần đây và ông đã bỏ ngang
chuyến thăm vì cho là bị công an chìm nổi cản trở công việc của ông mà LHQ giao
phó.
Lê Thị Kim Thu: Bản chất thật sự
của phiên tòa với bản án bất công áp đặt lên người yêu nước là nhằm triệt tiêu
những mầm mống phản kháng trong trứng nước, đồng thời cũng nhằm răn đe những
người bất đồng chính kiến, dám nói lên sự thật. Chủ trương của CS là không có
một tổ chức, đảng phái nào được nhen nhóm hình thành. Vì vậy đối với họ, những
tiếng nói phản kháng, những công dân yêu nước là mục tiêu để diệt trừ.
Nguyễn Văn Đề: Bản chất của phiên
tòa phi lý này chỉ là áp đặt cách ly sự ảnh hưởng của những người đấu tranh lan
tỏa đến cộng đồng để nhiều người biết đến sự thật thối nát của chính quyền
CSVN, chị Hằng là người rất tích cực và là biểu tượng của người phụ nữ không sợ
và không khuất phục truớc tà quyền.
Nguyễn Tiến Trung: Bản chất của phiên
tòa, qua việc ngăn chặn người dân đến chứng kiến, đã chứng tỏ đây là một bản án
bất công, áp đặt, đi ngược lại với tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, đi ngược
lại với chính luật pháp do đảng cộng sản soạn ra.
Phạm Minh Hoàng: Tôi thực sự không
hiểu tại sao một vụ án “hai xe đi hàng ba” mà nhà cầm quyền phải căng người ra
canh giữ, ngăn chặn và bắt bớ, những người đến tham dự phiên tòa, mà nhất là
một phiên tòa công khai. Nhà nước đã từng có những phiên tòa lưu động xử các
tội phạm nguy hiểm hơn nhiều như buôn bán ma túy, giết người, cướp của... trong
đó có hàng trăm người đến xem, vậy mà tại sao họ lại ra tay đàn áp, bắt bớ như
vụ xử chị Hằng?
DLB: Tại sao nhà nước phải làm điều đó?
Nguyễn Đan Quế: Chúng ta chỉ có thể
đoán thôi. Có thể là muốn lấy lòng xin làm hòa với Bắc Kinh sau vụ dàn khoan HD
981 rút khỏi hồi trung tuần tháng 7 sau hơn hai tháng cắm ngay ngoài khơi bờ
biển miền trung Việt Nam. Ngoài ra, có thể là muốn dằn mặt những người tranh
đấu cho nhân quyền, nhất là đòi tự do tôn giáo.
Lê Thị Kim Thu: Nhà nước phải làm
điều này để hợp thức hóa các tội danh mà do “luật của kẻ cai trị” đưa ra rồi từ
đó dùng luật pháp quốc gia nghiêm trị để chứng minh là họ có một nhà nước pháp
quyền, có kỷ cương phép nước trị dân, hòng mị dân để tiếp tục tròng vào cổ dân
hai bộ luật: “luật pháp quốc gia” và “luật của lãnh đạo, của kẻ cai trị”. Rõ
nghĩa hơn là dùng “luật thiệt” để hợp thức hóa “luật rừng”. Một nhà nước mà
dùng hai bộ luật riêng biệt thì dân chỉ là nô lệ. Cúi đầu thì họ dùng luật
thiệt, ngẩng đầu thì họ dùng luật rừng.
Nguyễn Văn Đề: Họ sợ nên muốn ngăn
chặn và cách ly chị với xã hội. Họ sợ những hình ảnh xấu của CS đến với đông
đảo người dân Việt Nam và Quốc tế.
Nguyễn Tiến Trung: Nhà nước phải xử án
như vậy để đe dọa những người yêu nước khác, muốn họ chùn bước. Nhưng tôi biết
là một người bị bắt một cách bất công sẽ làm cho nhiều người lên tiếng vì dân
chủ hơn.
Phạm Minh Hoàng: Chỉ vài tiếng đồng
hồ sau khi tuyên án, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã ra thông bào bày tỏ sự “quan
ngại sâu sắc”. Tại sao một vụ án với tội danh khôi hài “hai xe đi hàng ba” lại
tạo sự quan tâm của các quốc gia Âu, Mỹ cũng như các tổ chức đấu tranh cho
quyền làm người? Cũng nên nhớ rằng mặc dù đã có đơn, nhưng nhà nước VN đã thẳng
thừng từ chối sự tham dự của các nhân viên ngoại giao.
DLB: Những hoạt động, tinh thần đấu tranh của
chị Bùi Thị Minh Hằng có tạo một ấn tượng hay tác động lên các vị không?
Nguyễn Đan Quế: Không chỉ với tôi,
mà đa số đồng bào trong nước và hải ngoại, những người tiến bộ trên thế giới,
và ngay cả những người ngồi ở Hà Nội hay Bắc Kinh cũng phải vì nể, khâm phục
tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của phụ nữ nước Nam như chị Bùi Thị
Minh Hằng.
Lê Thị Kim Thu: Tinh thần đấu tranh
của chị Bùi Hằng, chị Quỳnh và anh Minh đã để lại ấn tượng đẹp ở trong lòng
người dân Việt yêu nước, trong đó có tôi. Và nó là tấm gương mà mọi người nên
noi theo. Nó cổ vũ tinh thần cho tôi rất nhiều. Tôi tin, nhiều người Việt Nam
khác sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, can đảm đương đầu với mọi tình huống để phong trào
đòi tự do, dân chủ, nhân quyền sớm đi đến thành công.
Nguyễn Văn Đề: Lần đầu tiên tôi
được gặp chị trong một cuộc biểu tình khi chị lớn tiếng tố cáo tà quyền CSVN
trước vô số các tên công an và mật vụ mà không hề sợ hãi. Đấy cũng là động lực
thúc đẩy mạnh mẽ tôi vững bước trên con đường đấu tranh dân chủ cho người dân
VN.
Nguyễn Tiến Trung: Tinh thần của chị
Hằng và chị Quỳnh, anh Minh khiến tôi rất khâm phục và cảm động. Nó là nguồn
cảm hứng và quyết tâm cho nhiều người khác. Tôi tin là sẽ có nhiều người dấn
thân như các anh chị.
Phạm Minh Hoàng: Chẳng cần phải nói
ai cũng biết đây là một vụ án có mầu sắc chính trị. Nhà nước VN một lần nữa cho
các thế giới và những người yêu chuộng tự do rằng họ vẫn khăng khăng đi theo
“định hướng XHCN”, bảo vệ chế độ độc đảng, triệt tiêu mọi tư tưởng khác với họ.
Về tinh thần của ba công dân yêu nước trên nhất là của chị Bùi Thị Minh Hằng
thì trong suốt quãng thời gian tranh đấu ở ngoài cũng như tinh thần mà họ đã
thể hiện trước tòa, trong suốt thời gian bị tạm giam cũng đã là một minh chứng
rõ ràng cho sự bất khuất, không sợ hãi và nao núng của họ.
DLB: Quý vị nghĩ gì về con đường trước mắt
của chúng ta?
Nguyễn Đan Quế: Con đường trước mắt
phải hết sức dứt khoát: Muốn có tương lai tốt đẹp cho dân tộc, muốn chống ngoại
xâm, muốn có nhân quyền, tự do tôn giáo thì phải “khai tử” chế độ độc tài cộng
sản, nghĩa là phải Dân Chủ Hóa đất nước.
Chính nghĩa đang nằm trong tay Dân tộc ta.
Phải mạnh mẽ tiến bước trên con đường trước mặt, dù khó khăn gian khổ đến đâu,
dù phải hy sinh cả tính mạng. Đất nước cần phải thay đổi gấp, nếu không muốn
khốn khổ vì nô lệ cho cộng sản hay ngoại bang.
Lê Thị Kim Thu: So sánh cuộc đấu
tranh bây giờ đã có những thành quả rất đáng ghi nhận so với hơn chục năm về
trước khi mà tôi cùng một số dân oan và một ít những nhà tranh đấu đã đơn thân,
đơn phương ra mặt chống bất công xã hội.
Một thế hệ trẻ đã tiếp nối truyền thống đấu
tranh với phương pháp, sáng kiến đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thời cuộc.
Cộng đồng Hải ngoại càng ngày càng lớn mạnh, là hậu thuẩn và nền tảng vững chắc
cho các cuộc tranh đấu trong nước. Cộng đồng quốc tế cũng đang đồng tình và ủng
hộ công khai phong trào dân chủ, nhân quyền của chúng ta. Dù còn nhiều khó khăn
truớc mắt nhưng tôi rất tin tưởng vào một tương lai không còn xa rằng chúng ta
sẽ đến đích.
Nhân cơ hội được Dân Làm Báo phỏng vấn, tôi
xin có lời cám ơn cộng đồng Hải ngoại và các nhà tranh đấu trong nước đã ủng hộ
khích lệ tôi trong thời gian 2 lần ở tù vừa qua. Đồng thời cũng lên tiếng ủng
hộ sự đấu tranh của chị Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn
Minh, chúc chị và hai em nhiều sức khỏe và giữ vững lòng tin vào chính
nghĩa.
Nguyễn Văn Đề: Con đường phía
trước vẫn còn nhiều gian khổ, hiểm nguy và đòi hỏi sự hy sinh rất lớn trong khi
lực lượng đấu tranh còn mỏng và thiếu kinh nghiệm cần phải đào tạo và nhân rộng
đến đông đảo người dân. Nhưng cũng có thuận lợi là ngày càng nhiều người thấy bất
công xã hội, tiêu cực tham nhũng trong bộ máy chính quyền đã nhập cuộc, tham
gia đấu tranh. Hơn nữa, chúng ta được ủng hộ bởi xu hướng dân chủ hóa tòa cầu
nhất là trong thời gian gần đây. Và CS ngày càng mất đi lòng tin của người dân
dành cho họ, một phần trong nội bộ của họ cũng tự phân hóa và muốn có dân
chủ.
Nguyễn Tiến Trung: Con đường phía
trước còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta, những người yêu tự do nhất định sẽ
thành công vì đó là quy luật tiến lên của xã hội loài người.
Phạm Minh Hoàng: Chúng ta hãy cầu
nguyện cho chị Minh Hằng và các bạn sức mạnh tinh thần và thể xác để vượt qua
những ngày tháng truân chuyên này và mọi người chúng ta sẽ nỗ lực vận động
trong khả năng có thể để trong phiên phúc thẩm chị Hằng và những người bạn sớm
trở về để cùng chúng ta tiếp bước trên con đường đấu tranh cho tự do và dân chủ
cho VN.
DLB: Xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giáo
sư Phạm Minh Hoàng, chị Lê Thị Kim Thu, anh Nguyễn Văn Đề và anh Nguyễn Tiến
Trung đã dành cho Dân Làm Báo cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
No comments:
Post a Comment