Friday, January 4, 2013

PHAN KHÔI - ÔNG BÌNH VÔI

Ông Bình Vôi Thế Kỷ Thứ 18
Phan Khôi (1887-1959) là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, về sau đứng trong trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới.


Ông còn là một nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới, đa văn hóa từ Hồng KôngTrung QuốcNhật BảnPháp... Ông còn nổi tiếng vì sự trực ngôn, trước 1945 được mang danh là Ngự sử văn đàn. Ông phê phán chính sách cai trị của người Pháp một cách sát sườn, đối thoại với học giới từ Bắc đến Nam không e dè kiêng nể. Những năm 1956 - 1958 cũng vì cung cách nói thẳng ấy ông đã chịu tai họa và chết trong lặng lẽ vào năm 1959. Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả một bài viết của cụ Phan Khôi, mà trong đó cụ đã ví HỒ CHÍ MINH là một cái bình vôi, đây cũng là một trong những bài viết khiến Hồ Chí Minh và Đảng CSVN tìm mọi cách để thủ tiêu nhà tử tưởng bất phục tùng cộng sản khả kính này của dân tộc.

GIAI THOẠI PHAN KHÔI

1.- SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

Phan Khôi (1887-1959) hiệu là Chương Dân, sinh ngày 20 tháng 8 năm đinh hợi (6-10-1887) tại làng Bảo An (vùng Phù Kỳ tức Gò Nổi), huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Song thân của Phan Khôi là Phan Trân (1862-1911, đỗ cử nhân năm 1888 và phó bảng năm 1895) và bà Hoàng Thị Lệ (con của Hoàng Diệu), nghĩa là Phan Khôi là cháu ngoại Hoàng Diệu (1829-1882). Hoàng Diệu là vị tổng đốc đã tuẫn tiết theo thành khi Hà Nội khi bị Pháp chiếm năm 1882. Bà Lệ từ trần năm 1893.


Năm 1906 (bính ngọ), Phan Khôi dự kỳ thi hương tại Thừa Thiên, rớt cử nhân và được sắp hạng tú tài. Có lẽ vì vậy mà sau nầy, khi biết Pháp văn, Phan Khôi chọn biệt hiệu là Tú Xơn, phiên âm từ chữ Pháp “tout seul” (một mình).

Lúc đó, phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh vận động, đang phát triển mạnh ở Quảng Nam. Phan Khôi chuyển qua học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1908, ông cùng chín người bạn khác, trong đó có cử nhân Nguyễn Bá Trác (1880-1945) ra Hà Nội tiếp tục nền tân học. Trên đường đi, Phan Khôi đến Đà Nẵng và gặp Trần Quý Cáp tại đây ngày 16-2-1908. Trần Quý Cáp cũng đang trên đường đi đến nhiệm sở mới ở Khánh Hòa. (1)

Lúc đó xảy ra vụ dân chúng Quảng Nam biểu tình bất bạo động xin giảm xâu hạ thuế vào tháng 3-1908. Pháp đàn áp cuộc dân biến, bắt giam những nhà vận động duy tân tại Quảng Nam và truy lùng Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi. Phan Khôi bị bắt và bị giam ở Quảng Nam tại làng La Qua, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (gần Vĩnh Điện ngày nay).

Có lẽ thời gian ngồi tù của Phan Khôi không lâu vì sau đó, người ta thấy ông ghi tên theo học trường Pellerin (Huế) trong niên khóa 1909-1910. Năm 1911, Phan Khôi thôi học, về quê thọ tang cha, và mở trường dạy chữ Nho. Lúc đó, triều đình sửa sọan bãi bỏ khoa cử Nho học. Phan Khôi nghỉ dạy năm 1916, ra Hải Phòng làm thư ký cho công ty đường biển Bạch Thái Bưởi, (2) phụ trách viết thư bằng chữ Nho trong việc giao dịch với các hãng buôn Hồng Kông, và các thư ngắn bằng Pháp văn cho các công ty Pháp.

Nguyễn Bá Trác, người cùng Phan Khôi bị Pháp truy lùng năm 1908, trốn ra nước ngoài một thời gian, sau về làm việc tại Phủ toàn quyền Đông Dương, rồi cùng Phạm Quỳnh (1892-1945) lập tạp chí Nam Phong năm 1917. Nguyễn Bá Trác phụ trách phần chữ Nho, đã giới thiệu Phan Khôi để cộng tác với Nam Phong.

Không đồng ý với cách điều hành tờ báo của Phạm Quỳnh, Phan Khôi vào Sài Gòn, viết cho tờ Lục Tỉnh Tân Văn (lập từ năm 1907). Năm 1920, ông lại ra Hà Nội viết cho Thực nghiệp Dân Báo (lập năm 1920), và Hữu Thanh (lập năm 1921). Trong thời gian nầy, Phan Khôi dịch Thánh Kinh cho HộI Thánh Tin Lành Việt Nam. Ông biết chữ Pháp, lại giỏi chữ Nho nên ông dựa vào hai bản Thánh Kinh bằng chữ Pháp và bằng chữ Nho mà các giáo sĩ Trung Hoa đã dịch trước đó, để dịch sang Quốc ngữ. Bản dịch của ông là căn bản cho các bản Thánh Kinh bằng chữ Việt sau nầy của Hội Thánh Tin Lành. (3)

Năm 1922, Phan Khôi vào Sài Gòn tiếp tục viết báo. Bị Pháp tình nghi, ông xuống Cà Mau nương náu nơi nhà một người bạn. Ông tiếp tục tự học Pháp văn và được một ký giả người Pháp tại Sài Gòn, tên là Dejean gởi sách vở và hướng dẫn sửa bài tập Pháp văn cho ông. Năm 1925, ông trở lại Sài Gòn, viết Đông Pháp Thời Báo (lập năm 1923), Trung Lập Báo (lập năm 1924), Thần Chung (lập năm 1929). Năm 1929, Phan Khôi trở thành chủ bút sáng lập tạp chí Phụ Nữ Tân Văn, nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với các báo khác. Năm 1930, Phan Khôi viết bài phê bình bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim (1883-1953) mới xuất bản, gây nên cuộc bút chiến, có cả Phạm Quỳnh tham gia.

Phụ Nữ Tân Văn tạm đình bản vì lý do tài chánh, Phan Khôi trở ra Hà Nội, làm chủ bút Phụ Nữ Thời Đàm năm 1932. Trên báo nầy, bài “Văn minh vật chất và văn minh tinh thần” của ông dẫn tới cuộc bút chiến với nhà văn cộng sản Hải Triều Nguyễn Khoa Văn (1908-1954).

Năm 1934, Phan Khôi đến Huế, làm chủ bút báo Tràng An, dạy Việt văn cho trường tư thục Hồ Đác Hàm, và viết tiếp cho Phụ Nữ Tân Văn mới tục bản. Năm 1936, Phan Khôi sáng lập và làm chủ bút tạp chí Sông Hương. Phát hành chưa được một năm, Sông Hương phải đóng cửa vì tài chánh eo hẹp. Tại Huế, cũng trong năm 1936, Phan Khôi tập hợp các bài viết về các câu chuyện văn chương, in thành sách Chương Dân thi thọai. Các câu chuyện nầy được ông viết từ thời cộng tác với báo Nam Phong năm 1918.

Năm sau (1937), Phan Khôi vào Sài Gòn, dạy chữ Nho và Việt văn tại trường Chấn Thanh do một đồng hương Quảng Nam là Phan Bá Lân làm hiệu trưởng. Phan Bá Lân là con của Phan Thành Tài (1878-1916). Đây là thời kỳ Phan Khôi viết quyển Trở vỏ lửa ra. (4) 

Trong thời gian thế chiến thứ hai (1939-1945), đời sống ở Sài Gòn khó khăn, Phan Khôi quay về quê nhà sinh sống. Tháng 3-1946, tại Hội An, Phan Khôi được bầu làm chủ nhiệm tượng trưng tỉnh đảng bộ Việt Nam QDĐ Quảng Nam, thay thế chủ nhiệm Trương Phước Tường bị Việt Minh (VM) bắt tại Tam Kỳ ngày 4-2-1946, và Phan Bá Lân là bí thư tỉnh đảng bộ QDĐ. (5)

Sau vụ “Ôn Như Hầu” ở Hà Nội, (6) Việt Minh chuẩn bị tấn công QDĐ. Phan Thao (con của Phan Khôi) và Phan Bôi (em chú bác ruột với Phan Khôi, bí danh là Hoàng Hữu Nam, thứ trưởng bộ Nội vụ VM), lập kế đưa Phan Khôi ra Hà Nội để tránh cuộc tấn công của VM, vì họ biết trước kế họach nầy. Tỉnh đảng bộ CS Quảng Nam cử người đến nhà, mời Phan Khôi ra Hà Nội theo chỉ thị triệu tập của chính phủ VM.

Tại Hà Nội, tối 20-10-1946, VM võ trang tấn công vào tòa báo Việt Nam của QDĐ, đặt trụ sở tại số 80 đường Quan Thánh (Grand Bouddha cũ), do nhà văn Khái Hưng Trần Khánh Giư (1896-1947) phụ trách, bắt toàn thể những người có mặt tại đây, trong đó có Phan Khôi. (7)

Sau lần nầy, Phan Bôi và Phan Thao đưa Phan Khôi lên vùng chiến khu Việt Bắc của VM cộng sản, sống biệt lập, không có gia đình và người thân. Phan Khôi được giao việc dịch sách chữ Nho hay chữ Pháp qua Quốc ngữ.

Đây là một hình thức Phan Khôi bị giam lỏng hay chỉ định cư trú. Đời sống rất thiếu thốn, đói khổ, bị gò bó, cấm đoán và nhất là cô đơn. Phan Khôi tâm sự:

“… Tuổi già thêm bệnh họan,
Kháng chiến thấy thừa ta,
Mối sầu như tóc bạc,
Cứ cắt lại dài ra…” 


Sau hiệp định Genève (20-7-1954), Việt Nam bị chia hai ở vĩ tuyến 17. Phan Khôi bị kẹt lại ở ngoài Bắc. Năm 1956, xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Nhân dịp Tết Bính Thân (1956), vào đầu tháng 2-1956, tại Hà Nội xuất hiện đặc san Giai Phẩm 1956 do nhà xuất bản Minh Đức của Trần Thiếu Bảo ấn hành. [Giai phẩm nầy về sau được gọi là Giai Phẩm Mùa Xuân vì cũng trong năm 1956, xuất hiện thêm Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Đông.]

Đây là một tập hợp các sáng tác của nhóm văn nghệ sĩ thuộc thành phần đối kháng với nhà cầm quyền cộng sản. Giai phẩm nầy được đánh dấu bằng ba bài quan trọng là “Cái chổi quét rác rưởi” của Phùng Quán, “Ông bình vôi”, thơ của Lê Đạt, và “Nhất định thắng”, thơ của Trần Dần.

Ngày 29-8, xuất hiện Giai Phẩm Mùa Thu, được hoan nghênh quá, nên nhóm chủ trương cho ra Giai Phẩm Mùa Thu tập 2, rồi Giai Phẩm Mùa Thu tập 3. Hai mươi ngày sau Giai Phẩm Mùa Thu (tập 1), tờ Nhân Văn số 1 được phát hành ngày 20-9-1956, do Phan Khôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, Trần Duy (tên thật là Trần Quang Tăng) làm thư ký.

Một trong những cách đối phó của nhà cầm quyền cộng sản là kiếm cách mua chuộc người chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Nhân Văn, cử Phan Khôi làm đại diện văn giới miền Bắc qua Bắc Kinh (Trung Quốc), tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày mất của Lỗ Tấn (1881-1936) vào tháng 10-1956. Ra nước ngoài là một đặc ân dưới chế độ cộng sản Bắc Việt. Ngay tại Trung Cộng, Phan Khôi cũng không nhân nhượng, và đã tranh luận với cán bô Trung Cộng về chủ nghĩa Mác-xít. Khi trở về nước, Phan Khôi không thay đổi lập trường, tiếp tục điều hành tờ Nhân Văn.

Cộng sản ra lệnh đình bản hai tờ Nhân Văn và Giai Phẩm ngày 15-12-1956, bắt giam một số các văn thi sĩ, trí thức thuộc nhóm phản kháng, và bắt đi học tập chính trị số người còn lại. Cộng sản không bắt giữ Phan Khôi vì uy tín của ông quá lớn. Ông đã lăn lộn trong ngành văn chương, báo chí khoảng 50 năm khắp Bắc, Trung và Nam. Ai cũng đều biết tiếng ông, và từng đọc bài do ông viết. Ông lại là người miền Nam nên đảng Lao Động sợ làm mất lòng giới trí thức miền Nam tập kết ra Bắc. Lúc đó, đảng Lao Đông chuẩn bị đánh miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa), muốn ve vãn giới trí thức trong Nam, nên cũng tránh không bắt Phan Khôi.

Thay vào đó, đảng Lao Đông tìm cách cô lập và gây khó khăn cho Phan Khôi, đồng thời cho nhóm bồi bút tay sai viết bài đả kích, mạ lỵ Phan Khôi. Đầu năm 1957, Phan Khôi tự làm bài thơ mừng thượng thọ 70 tuổi. Bài thơ mở đầu bằng hai câu: 

“Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi!
Thọ ta, ta chúc nọ phiền ai.”


Phan Khôi không đăng báo bài thơ nầy, nhưng lại đến tai nhà văn Nguyễn Công Hoan. Nguyễn Công Hoan, lúc đó là nhân viên đắc lực của Tố Hữu, liền làm bài thơ họa lại rất thô tục và hỗn xược:

“Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
Thọ mi, mi chúc, chớ hòng ai.
Văn chương đù mẹ thằng cha bạc!
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài.
Lô-dích, trước cam làm kiếp chó,
Nhân Văn nay lại hít gì voi.
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục,
Thêm nhục cơm trời chẳng thấy gai.” (8)

Cuối năm 1957, Phan Khôi tập họp những bài bút ký, tạp văn viết từ năm 1946 trở về sau thành một quyển sách nhan đề là Nắng chiều. Ông đưa bản thảo đến nhà xuất bản Hội Nhà văn để in, nhưng không được xuất bản. Sau đó, Phan Khôi ngưng hoạt động văn hóa. Già yếu, cô đơn và bệnh tật, Phan Khôi từ trần lúc 11 giờ sáng ngày 16-1-1959 (8-12 năm mậu tuất), tại số 73, phố Thuốc Bắc, Hà Nội trong cảnh thanh bần của một nhà nho khí phách, tận lực theo đuổi lý tưởng của mình, luôn luôn giữa gìn tiết tháo, không sợ bạo quyền, dù đó là cộng sản. Suốt đời, ông sống đúng theo câu châm ngôn của Mạnh Tử: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.”(Giàu sang không tham lam, nghèo khổ không thay lòng đổi dạ, sức mạnh không khuất phục đươc.)

2.- KHỞI XƯỚNG THƠ MỚI

Vào đầu thế kỷ 20, các thể thơ thịnh hành là thơ Đường (Đường thi), thơ lục bát và song thất lục bát. Các thể thơ nầy theo một số niêm luật bằng trắc và vần điệu nhất định. Trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 122, phát hành tại Sài Gòn ngày 10-3-1932, xuất hiện bài báo “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, kèm theo bài thơ “Tình già”. Cả hai bài đều của Phan Khôi, được xem là tuyên ngôn của trường phái thơ mới ở Việt Nam. Sau đây là toàn văn bài “Tình già”:


“Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai mái đầu xanh kề nhau than thở.
“Ôi đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không đặng.
Để đến rồi tình trước phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
Hay! Nói mới bạc làm sao chớ!
Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau,
Tình cơ nơi đất khách gặp nhau!
Đôi mái đầu bạc.
Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi!
Con mắt còn có đuôi.”


Thật ra, trong sự nghiệp văn chương của Phan Khôi, đây không phải là bài thơ mới đầu tiên của ông. Người ta không biết ông viết bài thơ mới đầu tiên khi nào, chỉ biết chắc chắn trước bài “Tình già” bốn năm, trên Đông Pháp Thời Báo, số 726, tại Sài Gòn ngày 2-8-1928, đã xuất hiện một bài thơ mới của Phan Khôi. Phan Khôi mượn câu chuyện truyền kỳ dân gian về việc quạ bắc cầu Ô thước, (9) để sáng tác một bài thơ ngụ ngôn, nhan đề “Dân quạ đình công”:

“Mồng bảy tháng Bảy năm Mậu Thân,
Chiếu lệ bắc cầu qua sông Ngân,
Hằng hà sa số cu-li quạ,
Bay bổng về trời dường trẩy quân.
Hai bên bờ sông đậu lóc ngóc,
Con thì kêu đói, con kêu nhọc.
Đường sá xa xuôi việc nặng nề,
Phần lũ con thơ ở nhà khóc.
Bỗng nghe lệnh Trời truyền khởi công,
Nào con đầu cúi, con lưng cong,
Thêm bầy lý bẻo đứng coi việc,
Đụng đâu đánh đó như bao bông!
Ngán cho cái kiếp làm dân thiệt,
Làm có ăn không, chết cho chết,
Cắn cỏ kêu Trời, Trời chẳng nghe.
Một con bay lên đứng diễn thuyết,
“Hỡi đồng bào nghe tôi nói đây:
Dân quyền thạnh nhất là đời nay,
Việc mà chẳng phải việc công ích,
Không ai có phép đem dân đày.
Trối kệ Hoàng ngưu với Chức nữ,
Qua được thời qua, không thời chớ.
Quốc dân ô thước tội tình chi,
Mà bắt xâu bơi làm khổ sở?
Anh em ta hè về quách thôi! ”
Luôn thể kéo nhau vào cửa trời,
Dộng trống đăng văn ầm đế tọa,
Ngai vàng bệ ngọc rung rinh rơi.

Nghe tin dân quạ nổi cách mệnh,
Trời sai thiên lôi ra thám thính,
Đầu đen máu đỏ quyết hy sinh,
Ngừng búa thiên lôi không dám đánh.
Tức thì chiếu Trời vạch mây ra,
Đánh chữ đại xá Trời ban tha,
Dân quạ ở đâu về ở đó,
Từ nay khỏi bắc cầu Ngân Hà.

Ờ té ra:
Mềm thì ai cũng nuốt!
Cứng thì Trời cũng nhả.
Hằng hà sa số cu-li quạ,
Bay về hạ giới kêu “khá, khá” (10)

3.- GIAI THOẠI PHAN KHÔI

Phan Khôi là nhà văn có nhiều giai thoại ngay khi ông còn sống. Đây là những câu chuyện thực trong cuộc đời ông, nhưng vừa táo bạo, vừa dí dỏm, nên được truyền miệng nhiều lần thành những giai thọai dân gian.


Lý luận Phan Khôi: Trước đây, khi môn luận lý học Tây phương bắt đầu được truyền bá vào nước ta, Phan Khôi tìm sách đọc và học theo lối lý luận Tây phương. Ông viết nhiều bài tranh luận rất sôi nổi trên các báo. Từ đó, một thời trên báo chí xuất hiện nhóm từ ngữ “lý luận Phan Khôi” để chỉ những người “cãi hay”. Về sau, khi bị kẹt ở ngoài Bắc, sống dưới chế độ cộng sản, Phan Khôi cũng ưa “cãi lý” mà không sợ bị cộng sản trù dập. Tượng trưng cho lối “cãi lý” Phan Khôi dưới chế độ cộng sản là bốn câu thơ của ông:

“Làm sao cũng chẳng làm sao,
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.
Làm chi cũng chẳng làm chi,
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.”


Con gà xã hội chủ nghĩa: Sau hiệp định Genève (20-7-1954), Việt Nam bị chia hai ở sông Bến Hải (Quảng Trị), ngang vĩ tuyến 17. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [Việt Minh cộng sản] ở phía Bắc và Quốc Gia Việt Nam [sau đổi thành Việt Nam Cộng Hòa] ở phía Nam. Nhà cầm quyền cộng sản đưa Phan Khôi về sống trong một phòng tại Hội Văn Nghệ Hà Nội, số 151 đường Trần Hưng Đạo (tức đường Gambetta trước 1954), gặp lại vợ con từ trong Nam tập kết ra Bắc.

Khi mới về Hà Nội, Phan Khôi được một người bạn đãi cơm. Trong bữa ăn, có món thịt gà. Đây là lần đầu tiên Phan Khôi được thưởng thức món thịt gà sau 9 năm bị Việt Minh ép tản cư lên chịến khu Việt Bắc vào năm 1946. Khi vào bữa ăn, vừa cầm đũa lên, Phan Khôi liền chỉ đĩa thịt gà trên mâm, nói rằng: “Chín năm nay, tao lại gặp mày.” (11a) 

Khoai nhạc ngựa: Đầu năm 1956, người ta giao cho Phan Khôi dịch một quyển sách từ tiếng Pháp qua tiếng Việt. Trong sách có chữ “pomme de terre”. Phan Khôi dịch chữ đó là “khoai nhạc ngựa”. Khi phê bình quyển sách nầy, báo Cứu Quốc, cơ quan truyên truyền của đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản) đã chê Phan Khôi già nua, lẩm cẩm, dịch sai. Tác giả bài phê bình viết rằng chữ “pomme de terre” phải được dịch là “khoai tây”, sao lại dịch thành “khoai nhạc ngựa”?

Phan Khôi trả lời đại ý như sau: Ai cũng biết “pomme de terre” là “khoai tây”, nhưng lâu nay, cán bộ phụ trách cấm ông ta dùng chữ “tây” và chữ “Tàu”. Ví dụ, khi Phan Khôi dùng chữ “đường tây”[đường trắng] thì bị sửa lại là “đường kính”; khi Phan Khôi viết chữ “chè Tàu”, thì bị sửa thành “chè Trung Quốc”; “thịt kho Tàu” thì đổi thành “thịt kho Trung Quốc”. Do đó, thể theo ý lãnh đạo, lần nầy chữ “pomme de terre”, ông không dịch là “khoai tây”, mà dịch là “khoai nhạc ngựa”, vì tiếng Trung Quốc gọi là “mã linh thự”. (11b)

Lối viết thâm thúy dí dỏm của ông tú Nho học Phan Khôi kín đáo bóc trần sự dốt nát của lãnh đạo văn hóa cộng sản, mà họ không bắt bẻ ông được.

Tiếng nói sang sảng: Cái đinh của Giai Phẩm Mùa Thu (tập 1), xuất bản tại Hà Nội ngày 29-8-1956 là bài viết của Phan Khôi, tựa đề là “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”, dài 14 trang (khi in thành sách), cở chữ nhỏ. Trong bài nầy, phần dẫn nhập, Phan Khôi viết rằng trong thời gian chiến tranh, các văn thi sĩ chỉ nghĩ đến kháng chiến, nên sẵn sàng hy sinh, chín bỏ làm mười, không ai thắc mắc gì cả. Tuy nhiên, sau năm 1954, trở về Hà Nội, “lãnh đạo văn nghệ thành ra vấn đề, quần chúng văn nghệ thắc mắc với lãnh đạo.” Phan Khôi đưa ra ba vấn đề chính để phê bình. Đó là tự do của văn nghệ sĩ, vụ Giai Phẩm Mùa Xuân, và Giải thưởng Văn học 1954-1955.

Theo Phan Khôi, lúc đó tại Bắc Việt Văn nghệ sĩ bị kềm kẹp một cách nghiệt ngã, khiến một ngày ngào đó, “nhược bằng bắt mọi người phải viết theo lối của mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết.” Phan Khôi chỉ còn biết than với Nguyễn Đình Chiểu: “Cụ Đồ Chiểu ơi! Cụ Đồ Chiểu ơi! Ở thời cụ, cụ đã kêu: Ở đây nào phải trường thi,/ Ra đề hạn vận một khi buộc ràng! Thế mà ngày nay, bảy tám mươi năm sau cụ, người ta còn ra đề, dàn bài, lại còn hạn chữ cho tôi nữa đó cụ ơi! Tôi còn làm ăn được gì nữa cụ ơi! Tôi đâu còn là tôi đâu được nữa cụ ơi! ”

Từ lãnh đạo như thế nên đưa đến phản ứng là Giai Phẩm Mùa Xuân. Rồi lại xảy ra những vụ chụp mũ phản động, mà theo Phan Khôi “thật là cái tội phản động ở xứ nầy sao mà ghép một cách dễ dàng quá.” Cũng vì lãnh đạo như thế nên mới đưa đến kết quả Giải văn học 1954-1955, mà “ở Hà Nội dư luận bàn tán xôn xao, nhiều người không phục, cho rằng có mấy tác phẩm trong đó không xứng đáng được giải.”

Chẳng những nêu danh những tác phẩm không xứng đáng, Phan Khôi còn đưa ra lối làm việc theo mệnh lệnh của Hội đồng chấm giải, lấy đa số hội viên trong hội để chèn ép “thiểu số tuyệt đối” là chính Phan Khôi. Điều khôi hài nhất được Phan Khôi nêu ra là có tác giả vừa được sung vào ban chấm giải, vừa có tác phẩm dự giải, và sau đó lại được trúng giải.(11c) 

Khi phê bình lãnh đạo văn nghệ, Phan Khôi phê bình luôn sự lãnh đạo của đảng Lao Động, bởi vì lãnh đạo văn nghệ là chi bộ đảng trong Hội nhà văn, trực thuộc hệ thống đảng, và Phan Khôi phê bình luôn chế độ ông đang sống. Phan Khôi viết: “Dưới chế độ tư sản, sự đối lập là thường: nhân dân đối lập với chính phủ, công nhân đối lập với chủ xưởng, học sinh đối lập với nhà trường… Nhưng ở dưới chế độ của chúng ta, về mọi phương diện, yêu cầu phải không đi đến đối lập, hễ còn đối lập là còn hiện tượng không tốt, cái triệu chứng không tốt.” (12) Một nước mà không có tiếng nói đối lập có nghĩa là một nước thiếu dân chủ hay độc tài.

Bài báo của Phan Khôi làm xôn xao dư luận Hà Nội. Báo Thời Mới, một tờ báo tư nhân còn sót lạI ở Hà Nội lúc đó, do Hiền Nhân chủ trương, (13) đã gọi bài viết của Phan Khôi là một quả bom tạ”, thả ngay tại thủ đô Hà nội. “Có người thốt lên rằng chín mười năm nay mới được nghe tiếng nói san sảng của cụ Phan Khôi.” (14) 

Bọ xít, cứt lợn hay chó đẻ: Trong cuộc mít-tin tại Quảng Nam tổ chức sau khi Việt Minh cướp chính quyền và thành lập chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945, nhà cầm quyền Việt Minh lâm thời ở Quảng Nam mời Phan Khôi lên diễn đàn phát biểu ý kiến. Ông hoan nghênh nền độc lập dân tộc, nhưng khẳng khái tuyên bố không đồng tình với con đường chủ nghĩa cộng sản. (15) 

Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956 và sau việc nhà cầm quyền Hà Nội không cấp giấy phép cho Phan Khôi in tập Nắng chiều vào năm 1957, Phan Khôi bị những văn nô cộng sản đả kích mạnh mẽ. Trên báo Nhân Dân số 1501, ngày 12-4-1958, thi sĩ Thế Lữ, tác giả bài thơ nổi tiếng “Hổ nhớ rừng”, đã lên án Phan Khôi:

“…Phan Khôi phản cách mạng, ngấm ngầm chống đảng lãnh đạo cách mạng từ trong kháng chiến, đó là việc hiện giờ ta thấy rõ hiển nhiên… Phan Khôi vẫn khoe là được Hồ chủ tịch tặng một chiếc áo lụa, và kể cho tôi nghe một chuyến gặp Hồ chủ tịch. Chuyện được áo, tôi không thấy ông ta tỏ ra một ý nào là cảm kích. Phan Khôi không cảm thấy được rằng một cử chỉ đơn giản đó của Người biểu trưng cho một tình bao dung nhân ái rộng lớn dồi dào của đạo đức cách mạng…” (16) 

Sau bài phê bình của Thế Lữ, Phan Khôi bị đả kích tiếp trên báo Văn Nghệ số 15, tháng 8-1958. Lần nầy, Đoàn Giỏi phê phán “Tư tưởng phản động trong sáng tác của Phan Khôi”. Chính nhờ bài phê bình của Đoàn Giỏi mà bàn dân thiên hạ mới biết được phần nào nội dung tập sách Nắng chiều.

Bài báo của Đoàn Giỏi cho biết Nắng chiều gồm hai phần: truyện ngắn và tạp văn. Phần thứ nhất gồm ba truyện ngắn” “Cầm vịt”, “Tiếng chim”, và “Cây cộng sản”. Phần thứ hai gồm bốn tạp văn mà Phan Khôi cho là đã chép lại sự thực chứ không phải tiểu thuyết. Đó là “Thái Văn Thu”, “Ông Năm Chuột”, “Chuyện ba ông vua Kiền Long, Quang Trung và Chiêu Thống”, và “Nguyễn Trường Tộ”.

Trong truyện ngắn “Cây cộng sản”, Phan Khôi mô tả lọai cầy nầy như sau: “… Có một thứ thực vật cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, chỉ thấy ở Việt Bắc không chỗ nào là không có…”

Theo Phan Khôi, có nơi gọi loại cây nầy là “cỏ bù xít”, vì nó có mùi hôi như con bọ xít, có nơi gọi là “cây cứt lợn”, hoặc “cây chó đẻ”. Ông nói rằng những tên đó đều không nhã nhặn tý nào, người có học không gọi như vậy, mà nên gọi là “cây cộng sản”. Phan Khôi viết tiếp:

“…Không mấy lâu rồi nó mọc cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong những năm 1930-1931 đồng thời với Đông Dương Cộng Sản Đảng họat động, phong trào cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy, cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là “herbe communiste”, đáng lẽ dịch là cỏ cộng sản, nhưng nhiều người gọi là cây cộng sản. Nó còn có một tên rất lạ … Hỏi ông [ông già Thổ mà Phan Khôi hỏi chuyện] tên nó là cây gì, ông nói tên nó là “cỏ cụ Hồ”. Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường sá đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thì gọi nó như vậy…” (17)

Các truyện ngắn và tạp văn trong tập Nắng chiều đều bị bài báo của Đoàn Giỏi cho là mượn chuyện người xưa để xỏ xiên đời nay. Thông thường, người ta chỉ phê bình một quyển sách khi đã được in ấn và phát hành. Đàng nầy, tập Nắng chiều bị cấm đoán và không được phép in thành sách, vẫn còn trong dạng bản thảo, mà Đoàn Giỏi cũng đem ra phê bình,. Trong khi phê bình, Đòan Giỏi lại trích dẫn những đọan văn sỉ nhục chế độ cộng sản. Chính vì lẽ đó, sau khi viết bài phê phán Phan Khôi, Đoàn Giỏi bị kiểm điểm và bị kết tội giả vờ kiếm cớ phê phán Phan Khôi, để giới thiệu Nắng chiều cho mọi người biết một cách khái quát, nhắm bêu xấu chế độ. Sau đó, không thấy Đoàn Giỏi xuất hiện trên văn đàn. (17) 

Vào thời kỳ các chế độ cộng sản sắt máu còn thịnh hành vào giữa thế kỷ 20 ở Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, chế độ cộng sản Việt Nam còn khe khắt và khép kín, ít có một nhà văn nào sống dưới chế độ cộng sản, ngay tại thủ đô Hà Nội của họ, mà dám công khai viết và bóc trần rằng cộng sản là “bọ xít”, “hoa cứt lợn” hay “cây chó đẻ”. 

Mà quả thật, chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, tuy nói rằng theo trào lưu đổi mới vào đầu thế kỷ 21, vẫn chưa có tự do báo chí, không hơn gì những điều Phan Khôi nhận xét và mô tả 50 năm về trước. Cái cốt lõi vẫn là “cây cộng sản”, hay là thứ cây gì tùy ý bạn đọc.



ÔNG BÌNH VÔI

Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi. 

Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà trung thường dùng; một thứ bình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng. Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên. 

Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống; có cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là 'cho Ông Bình ăn'. Và lâu lâu lại tắp thêm cái miệng nó một lần, hóa nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra. 

Thứ bình vôi thường, dùng chìa bằng tre, những thứ bình vôi sang, bao giờ cũng dùng chìa bằng sắt, ở thân cái chìa đôi khi lại có đeo một lưỡi dao để rọc trầu. 

Nhà khác thế nào tôi không biết, còn nhà tôi, tối lại, bà tôi cứ rút cái chìa ra để ra một nơi khác. Làm như thế, bà tôi cắt nghĩa rằng 'Ông' sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp cái miệng thì không mách được. 

Add caption

Tôi nói, "nhà tôi có một cái bình vôi" không đúng. Nói đúng là từ hồi nhỏ cho đến năm tôi hai mươi lăm tuổi, bà tôi chết, nhà tôi có ba bình vôi kế vị nhau. Bởi vì dùng lâu ngày, trong lòng nó đầy vôi khô cứng, miệng nó cứ đắp nên tum húm lại, không dùng được nữa, phải mua cái khác. 


Lúc đó nhà tôi có một cái trang thờ Tam vị; ở giữa là Phúc đức chính thần, hai bên là Thổ công và Táo công. Hễ cái bình vôi nào bị thải ra thì bà tôi bảo đem đặt trên cái trang ấy, thờ nhân thể. 

Sự thờ phượng như thế, không phải chỉ riêng một nhà tôi đâu. Cả làng, nhà nào có bình vôi thải ra, cũng đều đem đặt trên các tường thành đình hoặc chùa; như thế, người ta cho rằng thờ 'Ông Bình' đó. 

Cái bình vôi, tại sao lại gọi bằng 'Ông'? Đọc từ đầu đến đây, bạn đọc đã biết. Ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể hại mình được thì gọi bằng 'ông', vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng gọi bằng 'ông'. 

Con cọp ăn thịt mình được, gọi bằng 'Ông cọp', con khỉ phá hoa màu mình được, gọi bằng 'Ông trưởng', con chuột, cắn quần áo của mình được, gọi bằng 'Ông tí'. Cái đầu rau, dùng năm mười năm mới thay cái khác, gọi bằng 'Ông núc', cái che, đường kính của nó có khi gần đến một mét, gọi bằng 'Ông che'. Người Việt Nam về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì gọi bằng 'Ông' để tỏ lòng tôn kính, sùng bái. 

Tôi có phạm một cái tội hồi mười tám tuổi, bây giờ tôi xin kiểm thảo và thú nhận. 

Những Ông Bình Vôi  ở Cung Đình Huế
Năm tôi mười tám tuổi, tôi không tin nữa. Một đêm mùa hè, gió Nam như bão, sáng trăng mờ mờ, tôi rủ mấy thằng bạn cùng lứa tuổi với tôi đi chơi dọc đường cái làng, đi qua đình và chùa, bao nhiêu 'Ông bình vôi' thờ trên tường thành chúng tôi đều hất một loạt xuống đất cả. Sao lại làm như thế? Chúng tôi cứ làm như thế, không cần có lý luận. Nhưng, vài hôm sau, trở lại xem, không biết là do tay ai, thấy đều đặt lại tề chỉnh trên tường thành. 

Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi. Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng có thể làm như thế được cả. Nếu ngày tôi phải tự kiểm thảo, thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi. 

Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng 'Ông'. 

Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt: 

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi 
Y như một cái bình vôi 
Càng sống càng tồi 
Càng sống càng bé lại. 

Phan Khôi

No comments:

Post a Comment