Phạm Chí Dũng
Thay phản biện xã hội và đấu tranh cho công
bằng của người nghèo bằng những giáo điều chính trị, đổi chỗ đứng trong lòng
dân lấy vị trí xếp hạng trên ngực Đảng, nhiều tờ báo Việt Nam không chỉ chịu
chung tình cảnh bị định hướng như Trung Quốc mà còn đang tự sa chân vào chế độ
“tự kiểm duyệt”.
Cân bằng lực lượng
Chỉ ít ngày sau sự kiện nữ sinh áo trắng
Phương Uyên được trả tự do ngay tại tòa, danh giá của giới truyền thông xã hội
Việt Nam lại một lần nữa được báo đảng tôn vinh nhiệt liệt.
Nhưng còn hơn cả thế, tháng 8/2013 đánh dấu
lần đầu tiên mối tương quan lực lượng giữa truyền thông xã hội với các báo Lề
đảng giao thoa nhau tại một điểm được xem là tạm cân bằng, khác biệt với thế so
le trong sự kiện “Kiến nghị 72” và khác hẳn tư thế lắng tiếng của Lề dân vào
những năm trước.
Cũng khởi xướng từ trang mạng Bauxite Vietnam
như đã từng với “Kiến nghị 72”, hai bức thư của hai nhân vật cứng rắn trong
phong trào Lực lượng ba ở Sài Gòn trước năm 1975 – “Suy nghĩ trong những ngày
nằm bịnh” của ông Lê Hiếu Đằng, và ông Hồ Ngọc Nhuận với “Phá xiềng” – đã như
quá đủ để lôi kéo một chiến dịch công kích tổng lực của hầu hết các báo đảng
danh giá nhất như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Đại Đoàn Kết ở
Thủ đô, và cả vài tờ báo quốc doanh thiếu sâu sắc chuyên môn về “phản tuyên
truyền” như Tuổi Trẻ và Người Lao Động ở TP.HCM.
Không quá khó khăn để mặc định não trạng của
những tờ báo đảng có bề dày thành tích nhất trong cuộc chiến “Phòng, chống diễn
biến hòa bình”, khá dễ để lý giải về một diễn biến hòa bình mang tính “kiên
định đột biến” của báo Tuổi Trẻ sau khi toàn bộ ban biên tập cũ đã được “thay
gen” bởi đội ngũ “cánh tay phải của đảng”, còn một thư ký tòa soạn cũ lại được
điều đi “học tập”… Nhưng lại quá khó để hình dung về một tờ báo như Người Lao
Động khi nơi đây hiện lên những “phán quyết” sắt máu nhất: “Lẽ ra ông Lê Hiếu
Ðằng nên hiểu rằng nếu muốn thành lập một đảng chính trị ở Việt Nam thì nhất
thiết phải dựa trên những quy định của pháp luật. Còn hành động “ôn hòa, bất
bạo động” cũng không chứng minh rằng đó là những hành vi không vi phạm pháp
luật, chẳng hạn, điều 88 Bộ Luật Hình sự quy định: “Tội tuyên truyền chống nhà
nước Cộng hòa XHCN Việt Nam””.
Lòng dân hay ngực Đảng?
Trong tâm tưởng nhiều người dân và cả cán bộ
đảng viên, Ngươi Lao Động là một trong những tờ báo có tính phản biện và chiến
đấu cao nhất liên quan đến sự kiện lịch sử “người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn
Vươn ở Hải Phòng. Hoàn toàn xứng đáng với sứ mệnh của mình, tờ báo này đã tung
cả một ê kíp phóng viên điều tra vào cuộc, đã làm rõ trách nhiệm của chính
quyền huyện Tiên Lãng và của cả Công an Hải Phòng trong cách đã đẩy người nông
dân vào tình cảnh mất đất và cùng đường đến mức nào.
Vào đầu năm 2013, khi nổ ra vụ việc hàng trăm
người biểu tình trước trụ sở tuần báo Nam Phương Chu Mạt ở Quảng Châu, tỉnh
Quảng Đông của Trung Quốc để phản đối chế độ kiểm duyệt báo chí, Người Lao Động
cũng là một trong những tờ báo Việt Nam dụng tâm đưa tin và bình luận sớm nhất.
Số là nhân dịp năm mới, tuần báo Nam Phương
Chu Mạt có bài viết “Giấc mơ chính thể lập hiến tại Trung Quốc” để bảo vệ các
quyền cơ bản của công dân. Thế nhưng một quan chức của tỉnh Quảng Đông đã kiểm
duyệt, rút bỏ bài báo này và thay vào đó là một bài viết hoàn toàn mờ nhạt.
Điều bị coi là dối trá và hèn nhát này đã làm
dấy lên một làn sóng phản đối từ một bộ phận các nhà báo trong ban biên tập
tuần báo Nam Phương Chu Mạt. Họ ra một tuyên bố lên án hành động can thiệp,
kiểm duyệt trên. Bản tuyên bố của các nhà báo thuộc Nam Phương Chu Mạt đã lan
truyền nhanh chóng trên internet, bất chấp sự kiểm duyệt.“Chúng tôi muốn tự do
báo chí, tôn trọng Hiến pháp và dân chủ” - những người biểu tình đã tụ tập và
giương cao biểu ngữ.
Nhưng ngay sau đó, một chi nhánh của Nhân Dân
nhật báo là Hoàn Cầu thời báo đã tuyên bố: “Không quan trọng việc người dân có
sung sướng hay không (với việc kiểm duyệt), suy nghĩ chung là không thể có loại
truyền thông tự do mà họ mơ ước với thực tế chính trị và xã hội hiện nay ở
Trung Quốc”.
Trong giai đoạn 2011 - 2012, Tổ chức phóng
viên không biên giới đã xếp Trung Quốc đứng hàng thứ 174 trên tổng số 179 quốc
gia về quyền tự do báo chí. Còn Việt Nam cũng nhận được vị trí rất “láng giềng”
với người bạn có tên “Bốn Tốt” của mình.
Thay phản biện xã hội và đấu tranh cho công
bằng của người nghèo bằng những giáo điều chính trị, đổi chỗ đứng trong lòng
dân lấy vị trí xếp hạng trên ngực Đảng, nhiều tờ báo Việt Nam không chỉ chịu
chung tình cảnh bị định hướng như Trung Quốc mà còn đang tự sa chân vào chế độ
“tự kiểm duyệt”.
“Cơn lên đồng tập thể”
Sau sự kiện “Kiến nghị 72” vào quý đầu năm
2013, một lần nữa người dân trong nước và kiều bào người Việt ở nước ngoài được
chứng thực cuộc bút chiến giữa hai bờ xa cách.
Hình ảnh xa cách đó cũng phản chiếu một sự
chênh lệch thường thấy: “tỷ lệ chọi” là 6/1, tức 6 tờ báo quốc doanh phản chiến
chỉ một trang Bauxite.
Chỉ một nhóm trí thức nhỏ bé như Nguyễn Huệ
Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng của nhóm Bauxite phải chịu sự thách đấu của một
lực lượng hùng hậu các nhà báo chìm nổi và những chính khách chưa bao giờ xuất
đầu lộ diện.
Hiện tượng “Những con chim ẩn mình chờ chết”
cũng lộ ra với một phát hiện xao xuyến của blog Tâm sự y giáo: thông qua những
dẫn cứ đủ thuyết phục, blog này chứng minh tác giả xưng danh việt kiều Mỹ Amari
TX trên báo Nhân Dân và tác giả Hoàng Văn Lễ trên báo Sài Gòn Giải Phóng - cùng
chỉ trích ông Lê Hiếu Đằng - rất có thể chỉ là một người.
Nếu có thể nói thêm về danh xưng, ông Hoàng
Văn Lễ chính là nguyên tổng biên tập của Sổ tay xây dựng đảng – một cơ quan
phát ngôn “đậm đà bản sắc dân tộc” của Ban tuyên giáo thành ủy TP.HCM.
Xã hội Việt Nam cũng đang chứng kiến cùng lúc
hai hiện tượng chuyển mùa thú vị: một hiện thực thuộc về Lê Hiếu Đằng và một
hướng đến tâm linh “cơn lên đồng tập thể” – cụm từ mà Lê Hiếu Đằng điềm chỉ
chiến dịch “đánh đòn hội chợ” của một số tờ báo đảng và báo quốc doanh, thể
hiện qua bức thư ngỏ mới đây của ông đăng trên trang mạng Bauxite Vietnam.
Tuy thế, hàm số ngược lại hiện ra ở nơi tưởng
như chênh biệt ghê gớm nhất: giới truyền thông xã hội ở Việt Nam đang có khá đủ
lý do để tự hào về quá trình tích lũy của họ, đủ khiến tạo nên một sang chấn
thần kinh bất thường cho cả Ban tuyên giáo trung ương lẫn đường lối đối ngoại
của Trung ương đảng.
Hiện tượng bất thường cũng liên quan đến một
chủ đề “thần kinh” khác: xu hướng thoái đảng đang ngày càng diễn ra trên diện
rộng, để cứ với đà này thì có thể xảy ra hiện tượng xã hội học về “thoát đảng”
một cách sâu sắc.
Quy luật thoái đảng
Vào tháng 5/2013, một phụ trương của tờ Nhân
Dân nhật báo ở Bắc Kinh đã lần đầu tiên đưa ra đề nghị chỉ cần giữ lại 30 triệu
đảng viên trong tổng số hơn 80 triệu tấm thẻ đảng hiện thời.
Với mối quan hệ “nhân quả” giữa Trung Quốc và
Việt Nam từ nhiều năm qua, giới phân tích xã hội học dĩ nhiên có thể nhận thấy
tình trạng bị xem là “đảng viên suy thoái về đạo đức và lối sống” giữa hai quốc
gia này là không quá khác biệt, và hệ quả này hoàn toàn có thể dẫn tới giả định
ban đầu về một tỷ lệ chỉ 30% hoặc chưa tới con số đó là số đảng viên được xem
là “trung thành” đối với chính đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay.
Thế nhưng cũng không phải tỷ lệ 70% hoặc hơn
các đảng viên còn lại đều bị suy thoái đạo đức. Rất nhiều dư luận đã công phẫn
lên án chỉ có một bộ phận trong đó, với tuyệt đại đa số là giới quan chức, mới
là những kẻ suy thoái đạo đức thực chất. Nhưng ngược lại, những người bị xem là
suy thoái về tư tưởng lại là những đảng viên có biểu hiện “lãn công” hoặc “đình
công” trong sinh hoạt đảng tại cơ quan và chủ yếu tại các địa phương. Một số
chi bộ địa phương đã cho rằng nếu tính đúng thì phải có đến phân nửa số đảng
viên “thoái đảng” như thế.
Không khí ở Việt Nam vào thời gian này cũng
khiến không ít người là du học sinh ở Liên Xô trước năm 1990 hoài niệm về những
biến động trước sự sụp đổ hoàn toàn của Liên bang Xô viết.
Một bài nghiên cứu trên báo Nhân Dân của chính
đảng cầm quyền ở Việt Nam đã phải thừa nhận thực trạng: Năm 1991, trong số hàng
vạn triệu phú ở Moscow, đại bộ phận nguyên là những cán bộ làm việc trong các
cơ quan Đảng, chính quyền. Kết quả điều tra tiến hành trong tháng 6 năm đó cho
thấy, trong tầng lớp cán bộ cao cấp Liên Xô có tới 76,7 % số người cho rằng nên
đi theo con đường tư bản. Bọn họ không chỉ vơ vét cho đầy túi tham mà còn tiếp
tục nắm giữ những cương vị cao, kiểm soát quyền lực của nhà nước… Trước khi
Đảng cộng sản Liên Xô sụp đổ không lâu đã có một cuộc điều tra dân ý về chủ đề:
“Đảng cộng sản Liên Xô đại diện cho ai?”. Kết quả là, số người cho rằng Đảng
cộng sản Liên Xô đại diện cho nhân dân Liên Xô chiếm 7%, đại diện cho công nhân
chiếm 4%, đại diện cho toàn thể đảng viên chiếm 11%. Trong khi đó, có tới 85%
số người được hỏi cho rằng: Đảng cộng sản Liên Xô đại diện cho quan chức, cán
bộ và nhân viên nhà nước.
Còn với hiện tình Việt Nam thì sao?
“Sự phản bội toàn diện”
Nhiều người dân Việt lại luôn đau đáu: chính
đảng cầm quyền tại đất nước này đang đại diện cho ai?
Không có câu trả lời công khai nào trên báo
chí quốc doanh, và càng không thể có thống kê nào trong các báo cáo tuyên giáo
về những tỷ lệ bất mãn và phản ứng của người dân và đảng viên. Thế nhưng những
ngày gần đây đã rải rác trên vài ba tờ báo có tính phản biện một gợi mở về
những nhóm lợi ích chính trị nào đó đang thao túng chính sách để bảo vệ “quyền
lợi giai cấp”.
Người viết bài đã có dịp gặp Lê Hiếu Đằng và
thấu cảm người cựu tử tù này không phải là một kẻ cực đoan như những người đòi
áp dụng điều luật 88 đối với ông thường mô tả. Ngược lại, ông là người ôn hòa
và chỉ mong muốn loại trừ các nhóm lợi ích chính trị và tài phiệt đang lũng
đoạn đất nước, tránh cho quốc gia vong thân bởi một cơn can qua máu đổ trong
tương lai gần. Lê Hiếu Đằng còn thật lòng lo ngại việc một số thanh niên quá
sốt ruột mà có thể sẽ “đốt cháy giai đoạn” và tạo nên xung khắc đối đầu với thể
chế, dẫn tới tình trạng bắt bớ và bị đàn áp…
Những ngày qua, trước mọi biểu hiện diễn biến
của “cơn lên đồng tập thể”, trong một cảm nhận sâu xa và rõ rệt nhất, Lê Hiếu
Đằng vẫn bình thản đón nhận. Ông chỉ có tâm nguyện muốn nói lên sự thật và làm
thay đổi sự thật đó. Một đảng mới cần hình thành chỉ nhằm tạo nên đối trọng cho
sự thay đổi trong một xã hội sắp cùng quẫn, chứ chẳng phải muốn “lật đổ” ai cả.
Và một điều kỳ diệu là chính cái sự thật bị
nhà đấu tranh nhân quyền Lê Hiền Đức ở Hà Nội coi là “sự phản bội toàn diện”
lại đang khiến cho Lê Hiếu Đằng khỏe hẳn, như thoát khỏi cơn bạo bệnh đang rắp
tâm hành hạ ông…
Phạm Chí Dũng
No comments:
Post a Comment